thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tôi và tự do

 

Hôm qua làm giỗ bà Nội. Bà tôi rất thương tôi. Đến già bà vẫn làm việc nuôi gia đình chúng tôi, dù bà là con nhà hoàng tộc vốn chỉ thích nghe hát nhạc cung đình và nhạc cải lương, thứ âm nhạc hiện đại vào thời của bà. Cuộc đời bà tôi đơn giản như thế. Công việc, cháu con, quê hương, họ hàng.

Đôi khi, con người, nhất là các nhà văn chúng tôi, thường làm mọi thứ rối tinh. Những công việc lu bu, các dự định nhập nhằng, cảm hứng thì tựa sao băng không thể nắm bắt được. Cứ đi như vậy, như một kẻ chẳng thấy đường. Dần dà, quên luôn mình là ai. Chỉ thấy một khối tư duy hỗn độn chuyển động theo tháng ngày, như một chiếc xe lu không đèn đường, không còi, đi qua thời gian. Thú thực, chính mẹ đã nhắc tôi về ngày giỗ bà.

Hôm qua, tôi nhớ về tuổi thơ của tôi. Tôi biết lúc ấy tôi chưa bị những tạp niệm ám ảnh, chưa bị vô số những hình ảnh, những ước mơ, hoài bão mà cuộc đời tốt đẹp lẫn không ra gì, đã tạo ra trong tôi, trở thành trầm tích văn hoá hay là những nghĩa trang văn hoá bị bỏ hoang.

Tôi là thằng nhóc, quanh quẩn bên bà tôi, chăm sóc bà, vâng lời bà. Như thế, tôi là một con người chăng. Giản đơn và gần gụi. Tôi không phải một mớ lý thuyết, một mớ dự định, một núi cảm xúc ròng ròng dòng thác gọi là tư duy lấp lánh.

Tôi như tấm gương, soi chính tấm gương ấy. Trước khi trở thành cái gì đó, trước khi trở thành ai đó, con người phải là chính mình. Tôi phải là tôi. Những vui buồn của tôi, những lo lắng của tôi. Tôi không đại diện cho ai cũng chẳng ai đại diện cho tôi. Tôi phải viết như tôi nghĩ. Tôi phải sống, như tôi cần phải sống.

Một chiếc răng của người khác cũng không thể cấy tự nhiên vào miệng tôi, tôi sẽ phải uống thuốc chống đào thải suốt đời nếu muốn nhai bằng răng kẻ khác, vậy làm sao tôi sống sót với vô số những thứ xa lạ từ bên ngoài đưa vào tinh thần của mình?

Tôi có sống sót trong những trận bom nguyên tử tư duy của kẻ khác huỷ diệt chính bản thân tôi như thế hay không? Tôi tự tìm được câu trả lời.

Tự dưng, tôi thấy là chính mình. Nhẹ nhõm, thong dong. Cái đầu nặng như chì bỗng dưng nhẹ bẫng. Khói hương trên bàn thờ nghi ngút, rồi tan đi. Chẳng để lại gì.

Tôi nằm nghe tiếng xe chạy vọt ngoài đường, tiếng kim đồng hồ đều đặn. Cảm nhận thật rõ ràng không khí ẩm ướt của mùa mưa Sài Gòn, nơi mà mình cảm giác đang có sự chuyển mùa, hay một cơn mưa sắp tới. Nhưng thật ra chẳng có gì.

Gió xào xạc trên cây ô môi. Ngày mai, buổi sáng trời đẹp, trưa nắng nhẹ, chiều lại có mưa ào ạt. Một mùa mưa như thế, ở Hà Nội đang mùa hè nóng bỏng.

Một nhóm thanh niên đi biểu tình nhằm chống lại việc Trung Quốc muốn thôn tính biển Đông của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Người ta không thể chọn vị trí cho đất nước, khi sinh ra tổ quốc tôi đã nằm trước miệng một con hổ có cái dạ dày vô tận. Liệu một đất nước có thể thay đổi được những gì ngoài vị trí địa lý bất di bất dịch?

Cơn gió làm lòng tôi chợt dâng lên một cảm xúc khá cổ điển, không biết hình thành từ đâu và từ bao giờ. Tôi đã già.

Khi cảm xúc lãng đãng như thế, ngôn từ văn chương sẽ bật ra hai chữ “mùa thu”. Không phải mùa xuân, bởi mùa xuân thường gắn với hai chữ xác thịt hơn: “rạo rực”.

Bà cụ ở cho chúng tôi năm nay đã hơn 60 tuổi. Cụ bảo “Đêm nào cũng cầu nguyện, để mong có sức khoẻ, mà đi ở, kiếm chút tiền dưỡng già”. Tôi quý trọng cụ. Tuổi này, cụ vẫn còn ngại làm phiền con cháu. Cụ theo đạo thờ vị thần một mắt, gọi là đạo Cao Đài. Tôi nghe bảo đạo này thờ cả các thần Việt Nam lẫn thần Trung Quốc.

Cụ bảo, từ bé đến giờ chưa lúc nào sống sướng như bây giờ, được ở nhà đẹp, ăn ngon. Chao ôi, nhà chúng tôi nghèo xơ xác, bề ngang 3 mét, dài 14 m. Đặt 3 xe máy, hết chỗ vào. Sống giữa xóm nghèo, lao động, rách nát. Mơ một chỗ đi thể dục không có. Cụ nói vậy. Tôi thấy xấu hổ. Xấu hổ cho tất cả chúng tôi. Cái mà ta cứ gọi là cuộc sống, chợt nghĩ lại thì thấy chẳng xứng với hai từ ấy.

Chúng ta chống đói chứ chưa phải là sống đâu. Cuộc sống không có nghĩa chỉ là cuộc chống đói nghèo đâu bà ạ, dù chống đói nghèo có nhân văn và ý nghĩa đến mức nào. Chúng ta đấu tranh để được sống, đi biểu tình để khỏi bị xâm lược, nhưng đấu tranh chưa phải là cuộc sống đâu bà ạ. Cuộc sống nhiều hơn đấu tranh một chút ít thì phải. Một đám giỗ chẳng hạn. Hay một trận bóng đá không cá độ.

“Sống với chính mình. Cực kỳ khó.” Câu cửa miệng của thế hệ chúng tôi và những người quanh thế hệ chúng tôi là như thế.

Vô số tạp niệm đã in hằn trong giấc ngủ. Những từ ngữ như lá khô phủ đầy câu chữ. Mùa thu lá vàng rơi. Mùa đông lạnh giá. Anh muốn thay đổi ở điểm nào? Tôi đang ở Sài Gòn, không có mùa thu lẫn mùa đông, chỉ có mùa mưa và mùa khô. Vậy ai là kẻ đã sai? Những tư tưởng, những lối mòn của triết lý, của sự tìm kiếm, chặn khắp mọi nơi. Bước chân đi, người ta lập tức rơi vào bẫy. Anh trở thành kẻ gỡ rối cho chính mình, trên mỗi bước anh đi.

Khi ta sinh ra, thật hạnh phúc, và thật bất hạnh, đã có hẳn một cuộc đời.

Mọi thứ đã thành những hàng lối, những phong tục tập quán, thói quen. Những chuẩn giá trị nữa. Chúng lôi con người đi xềnh xệch, nên những nẻo đường của chúng. Anh muốn kêu ré lên, nhưng cũng phải chọn cách mà kêu, để người ta hiểu anh chứ. Nhưng thói quen và tập quán, những chuẩn giá trị, chúng không có tai.

Anh phải sống như thế nọ, phải nói như thế kia, phải ăn như thế đấy, phải viết ra sao, bạn đọc sẽ nghĩ gì, luật pháp, và lịch sử. Hiện tại và tương lai nữa chứ. Chẳng lẽ anh không muốn để lại gì cho hậu thế sao? Anh không thể quay lưng trước thực tại. Hãy sống thực tế hơn. Anh chọn thực tế nào đây? Thực tế có sẵn như một cái thực đơn? Hãy dùng thực tế đó đi, cùng với nước mắm, hoặc nước tương.

Tôi không hiểu, liệu những con người nhỏ bé, có thể làm được gì? giữa mê hồn những điều khoản, công ước, quy chuẩn ngổn ngang, thậm chí, thông thường, chúng đá lẫn nhau chứ chẳng hề hệ thống gì.

Bất kỳ chân lý nào cũng lập tức bị bác bỏ với sự thuyết phục gấp ngàn lần. Rút cuộc người ta có hàng tỷ chân lý trái ngược nhau. Rút cục người ta kết luận: “Chân lý thuộc về kẻ mạnh.” Chân lý không thuộc về những kẻ đã bị xoá diệt.

Con người sẽ rất đau khổ. Hay họ quen dần đi. Họ chấp nhận. Học làm chủ nó? Họ sẽ điều khiển mọi thứ, như loài người từng làm? Đất nước anh như một con mồi. Kẻ thù của anh là gã thợ săn. Con mồi chiến thắng thợ săn?

Ngay cả hạnh phúc cũng đã được ấn định sẵn rồi. Thật may mắn, đau khổ cũng thế. Người ta không cần phải định nghĩa lại sự đau khổ. Có ai cần học cách nhận biết sự đau khổ đâu. Phần lớn con người không bận rộn với việc sáng tạo lịch sử mà bận rộn với việc chấp nhận lịch sử. Sẽ không thể có thứ lịch sử cho từng cá nhân và không thể có luật pháp dành cho từng cá thể. Hãy học cách sống của người khác, hãy học từ những án tử hình.

Một công việc, nhà cửa, bạn bè, nhiều tiền bạc, tuổi thọ, họ hàng, đất nước, hoà bình, ổn định, thịnh vượng, vững bền. Hãy cứ sống đi, cứ làm đi, thành đạt, thành công, nổi tiếng. Tất cả đang chờ. (Cũng có thể, tất cả, chẳng bao giờ anh chạm vào được). Một hình mẫu mà xã hội công nhận, tôn vinh. Hãy phấn đấu, hãy trở thành nó đi. Hãy biến ý tưởng thành người, biến người thành ý tưởng. Anh sẽ trở thành cái mà người ta gọi là tài năng.

Tôi nhớ bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, đại ý “Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ... Thanh Tâm Tuyền”. Rất nhiều người thích bài này. Chứng tỏ nhiều người đã đánh mất cả cái tên gọi của chính mình chẳng khác gì tác giả bài thơ mà người đời, cả tôi nữa, thấy thấm thía đến từng sợi lông chân. Tôi thầm gọi tên tôi... Tam Lệ.

Trịnh Công Sơn cũng từng viết: “Một lần chợt nghe, quê quán tôi xưa, giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì.” Thế đấy, ngay cả nhạc sĩ nổi tiếng và thành danh vào loại nhất đất nước tôi, như ông Sơn, lắm lúc cũng thấy mình không còn là mình. Ai đó gọi tên, lòng ông chợt bàng hoàng, chợt sửng sốt.

Con người phải chính là anh ta. Cho dù, anh ta, cái mà anh ta nghĩ là anh ta, không vĩ đại, không lớn lao, thậm chí chẳng ra cái thá gì. Một thằng Sơn vớ vẩn trong lòng bạn bè nó chẳng hạn. Không hiểu sao, nghe gọi tên mình mà lại điếng lặng như vậy chứ?

Hôm qua, giỗ bà nội. Tôi tìm thấy tôi. Tôi nhặt được tôi như nhặt một viên sỏi ấm nắng mặt trời bên con đường nhỏ vào buổi chiều vắng. Tò mò nhìn tôi. “Không biết tôi có gì? Tôi làm được gì?”

Còn tôi, im lìm, ngủ vùi trong thế giới không ngôn ngữ. Tôi ngủ yên trong bàn tay của một kẻ nào đó, trong chiều hôm qua.

“Tôi sẽ không bao giờ đánh mất tôi nữa.” Người đi đường nắm chặt tay.

Liệu anh ta có làm được điều vĩ đại nhất của cuộc đời mình hay không?

Anh ta phải bỏ cả đời mình để trả lời một câu hỏi như thế đấy: “Bao giờ tôi lại là tôi?”

Tổ quốc của anh ta cũng mất cả lịch sử mấy ngàn năm của mình để đáp lại câu hỏi: “Tự do hay là nô lệ?”

 

7/2012

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021