thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một trăm năm để được tha thứ

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm.
Hoàng Ngọc-Tuấn hiệu đính.

 

CLARICE LISPECTOR

(1925-1977)

 

 

MỘT TRĂM NĂM ĐỂ ĐƯỢC THA THỨ

 

Ai chưa từng trộm cắp sẽ không hiểu được tôi. Và ai chưa hề hái trộm những đoá hồng sẽ không bao giờ có thể hiểu được tôi. Thuở nhỏ, tôi đã hái trộm những đoá hồng.

Ở Recife có vô số đường phố. Trên những đường phố của người giàu, có nhiều lâu đài nhỏ được xây giữa những khu vườn rộng lớn. Cô bạn gái của tôi và tôi thường chơi trò đoán xem những toà lâu đài nhỏ này thuộc về ai. “Toà lâu đài trắng kia là của tôi.” “Không đâu, tôi đã nói với bạn rồi, những toà lâu đài trắng là của tôi.” “Nhưng toà lâu đài này không hoàn toàn trắng. Nó có những cửa sổ màu xanh lá cây.” Có những ngày chúng tôi đứng rất lâu, áp mặt vào những chấn song hàng rào để ngắm những toà lâu đài.

Chuyện đã bắt đầu như thế. Một ngày nọ, trong khi chơi trò “nhà này của tôi,” chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà giống một toà lâu đài bé nhỏ. Phía sau nhà, chúng tôi thấy có một vườn cây ăn quả rộng mênh mông, và phía trước nhà có những luống đất được chăm sóc cẩn thận, trồng rất nhiều hoa.

Nổi bật giữa luống hoa là một đoá hồng màu hồng thẫm vừa hé nở. Tôi đứng ngây người, đăm đăm chiêm ngưỡng đoá hồng kiêu sa này, đoá hồng còn non trẻ, chưa trở thành đàn bà. Thế rồi, tự nhiên từ trong sâu thẳm trái tim tôi, tôi muốn đoá hồng này thuộc về tôi. Tôi muốn chiếm lấy nó, ôi, tôi yêu thích nó làm sao. Và không có cách nào để lấy được nó. Nếu người làm vườn ở đó, tôi sẽ xin ông cho tôi đoá hồng ấy, mặc dù tôi biết rằng ông sẽ xua đuổi chúng tôi đi chỗ khác như người ta xua đuổi những đứa trẻ nghịch ngợm. Không thấy bóng dáng của người làm vườn ở đâu cả, không một ai ở đó. Và những cửa sổ được đóng kín để che nắng. Đó là một con đường không có những chuyến xe điện chạy qua và hiếm khi có xe hơi xuất hiện. Giữa sự yên lặng của tôi và sự yên lặng của đóa hồng, là nỗi khao khát của tôi muốn chiếm hữu nó — một vật chỉ thuộc về riêng tôi. Tôi muốn được cầm nó trong tay. Tôi muốn ngửi đoá hoa cho đến khi tôi xây xẩm, mắt tôi mờ đi vì choáng váng bởi hương thơm.

Và rồi tôi không cưỡng được lâu hơn nữa. Mưu kế lập tức nẩy ra, trong một cơn ham muốn mạnh mẽ. Nhưng, như một đạo diễn tài ba, tôi đã điềm tĩnh thuyết phục bạn tôi, giải thích cho cô ấy biết cô ấy nên làm gì: hãy để mắt đến những cửa sổ của ngôi nhà hoặc canh chừng người làm vườn có thể đến gần, và lưu ý đến vài người thỉnh thoảng đi ngang qua đường. Trong lúc đó, tôi rón rén mở một cánh cổng nơi dãy hàng rào rỉ sét vì biết rằng nó có thể kêu cọt kẹt nho nhỏ. Tôi mở cổng chỉ vừa đủ để thân thể mảnh khảnh của một đứa trẻ như tôi có thể chui qua. Và, nhón trên đầu ngón chân, nhưng nhanh chóng, tôi đi xuyên qua sân sỏi chung quanh vườn hoa. Lúc tôi đến gần đoá hồng, tôi đã trải qua một thế kỷ của sự hồi hộp.

Rốt cuộc, tôi đứng trước đoá hồng. Tôi ngừng lại một chút, mặc cho sự nguy hiểm, bởi vì nhìn thật gần thì nó còn đẹp hơn nữa. Rồi tôi bắt đầu bẻ cuống hoa, những ngón tay tôi vướng vào gai nhọn và tôi mút máu từ những ngón tay tôi.

Và đột nhiên... đoá hồng đây rồi, trọn vẹn, trong tay tôi. Chạy ngược lại cổng cũng cần phải giữ yên lặng. Tôi chui xuyên qua cánh cổng hé mở, giữ chặt đoá hồng trong tay. Và rồi, sợ xanh cả mặt, hai chúng tôi, đoá hồng và tôi, chúng tôi chạy xa ngôi nhà.

Và tôi làm gì với đoá hồng? Tôi đã làm thế này: tôi làm chủ đoá hồng.

Tôi mang nó về nhà, đặt nó vào một lọ cắm hoa có nước, trong đó nó ngự trị như một nữ vương, với những cánh hoa dày và mượt có nhiều sắc độ khác nhau của hoa hồng trà. Ở chính giữa, màu sắc thẫm hơn và nhuỵ hoa gần như màu đỏ.

Tôi cảm thấy hài lòng làm sao.

Tôi cảm thấy hài lòng đến nỗi, nói một cách đơn giản, tôi bắt đầu hái trộm những đoá hồng khác. Cách thức luôn giống nhau: cô bạn gái canh chừng trong lúc tôi đi vào, bẻ cành rồi lẻn ra với đoá hồng trên tay. Lúc nào tim tôi cũng đập thình thịch và lúc nào cũng tự hào rằng không ai có thể lấy lại nó từ tay tôi.

Tôi cũng hái trộm những trái dâu đỏ nữa. Gần nhà tôi có một nhà thờ Tin Lành, chung quanh là một hàng giậu cây xanh rất cao và dày, che khuất quang cảnh của nhà thờ. Cố gắng cách nào tôi cũng không nhìn thấy được xa hơn góc của mái nhà thờ. Hàng giậu là những cây dâu pitanga. Nhưng pitanga là loại trái ẩn trong lá. Tôi chưa bao giờ thấy một trái nào. Vì vậy, trước tiên phải nhìn quanh, bảo đảm rằng không có ai đang đi đến, rồi tôi luồn tay qua giữa các song chắn. Tôi thọc tay vào hàng giậu và dò tìm cho đến khi những ngón tay tôi đụng vào trái cây chín mọng. Nhiều lần, trong lúc vội vã, tôi làm giập một trái chín, khiến cho những ngón tay tôi trông như vấy máu. Tôi hái một nắm rồi ăn tại chỗ, và tôi ném đi những trái còn quá xanh.

Chưa ai biết chuyện này cả. Tôi không lấy làm ân hận: một kẻ hái trộm những đoá hồng và những quả dâu đỏ có cả một trăm năm để được tha thứ. Những quả dâu đỏ, chẳng hạn, đã xin được hái, còn hơn là phải chín muồi và chết đi, như những trinh nữ, trên cành.

 

 

-----------------------
Hoàng Ngọc Trâm chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Rachel Klein, "One Hundred Years of Forgiveness", in trong tạp chí The Paris Review (Winter 2011, No. 199). Hoàng Ngọc-Tuấn hiệu đính theo bản tiếng Tây-ban-nha của Marcelo Cohen, "Cien años de perdón", trong Clarice Lispector, Felicidad clandestina (Barcelona: Ediciones Grijalbo, 1988).

 

-------------

Đã đăng:

Đêm nguy khốn  (truyện / tuỳ bút) 
... em nhìn đăm đăm vào cái trung tâm ánh sáng đang di động ấy — và đoá hoa khiến em bất an như thể có một con ong nguy hiểm đang bay chập chờn chung quanh nó — một con ong sững sờ kinh ngạc trước vẻ đẹp bất tuyệt của đoá hoa run rẩy ấy — và rồi đoá hoa sững sờ tê điếng trước con ong đã trở thành ngọt lịm vì chất mật nó đã hút từ đoá hoa trong bóng tối — hãy tin em, ngay cả nếu em không hiểu — một lễ nghi không thể tránh khỏi đang diễn ra... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Dies Irae [Ngày thịnh nộ]  (truyện / tuỳ bút) 
... Đây là cơn thịnh nộ của Thượng Đế. Và nếu sự tối tăm này chuyển thành mưa, thì xin trận hồng thuỷ hãy trở lại mà không có con tàu của Noah. Bởi vì chúng ta đã thất bại, không xây dựng được một thế giới xứng đáng để sống, và vì chúng ta đã nhuốm chứng bệnh tê liệt, chúng ta không biết làm sao để sống. Bởi vì nếu trận hồng thuỷ không trở lại, thì Sodom và Gomorrah sẽ trở lại để giải quyết vấn đề... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Theo dõi thế giới  (truyện / tuỳ bút) 
... Bạn hẳn phải thắc mắc tại sao tôi theo dõi thế giới. Tôi đã được sinh ra cho sứ mệnh này. Và tôi chịu trách nhiệm về mọi điều trong cõi tồn sinh, ngay cả về những cuộc chiến tranh và những tội ác gây nên bao đau đớn cho thể xác và tinh thần con người. Tôi chịu trách nhiệm cả về Thượng Đế... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Đó là nơi tôi đang tới  (truyện / tuỳ bút) 
Bên ngoài tầm tai nghe là một âm thanh, tại điểm tận cùng của nhãn giới là một hình dáng, ở đầu ngón tay là một vật thể – và đó là nơi tôi đang tới... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cảm hứng  (truyện / tuỳ bút) 
Ngực to, hông nở, đôi mắt trong, nâu, và mơ mộng. Thỉnh thoảng nàng có thể đột nhiên khóc nức nở. Nói quá nhanh đến mức ít khi có ai nghe rõ, nàng vui vẻ thú nhận, với một chút bồng bột: “Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ trở thành một nhà văn. Tôi có quá... quá... ít điều để nói.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những sợi tơ nhện  (truyện / tuỳ bút) 
... Chẳng có thiên tài chút nào, thì liệu tôi bắt được bao nhiêu điều khải thị, bao nhiêu phân tử bay trong không gian! Và con nhện khổng lồ ấy ẩn nấp trong căn buồng của ý thức tôi. Chao ôi, tuyệt vời biết mấy, cuộc sống với những mạng nhện giăng bẫy của nó... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
— Viết văn có làm cho nỗi thống khổ của cuộc sống dễ chịu đựng hơn không? / — Có, tất nhiên. Thực hành nghề nghiệp của mình, nếu bạn yêu thích nó, thì thật là một diễm phúc. Nếu không, nó chỉ là địa ngục. / — Thượng Đế là ai? / — Đôi khi là tất cả mọi người. Luôn luôn chẳng là gì cả... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tôi nằm chiêm bao thấy một con cá cởi quần áo và sống trần truồng mãi như thế. | Trong lúc họ rút những sợi chỉ khâu từ bàn tay tôi sau khi họ đã hoàn tất cuộc giải phẫu giữa các ngón tay, tôi gào lên... | Một con mèo kêu gào suốt đêm, dai dẳng đến mức đã lâu lắm rồi tôi mới cảm thấy một nỗi thương tâm đến thế cho cuộc sống... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Con đường thập giá  (truyện / tuỳ bút) 
Trên đường đi bộ về nhà, nàng mua một chiếc áo choàng tí hon cho đứa bé. Màu xanh, vì nàng chắc chắn nó sẽ là con trai. Nàng sẽ đặt tên gì cho cậu bé? Chỉ có một cái tên nàng có thể đặt cho nó: Jesus... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Năm truyện cực ngắn  (truyện / tuỳ bút) 
Hình tướng của tôi đánh lừa tôi. | Tất cả những cuộc thăm viếng tôi đã đón nhận trong đời tôi đều giống nhau: họ đến, ngồi xuống, và không nói gì cả... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Năm ý tưởng về việc viết  (tiểu luận / nhận định) 
... viết là kéo dài thời gian, là tách thời gian ra thành từng vi phân của mỗi giây đồng hồ và ban cho mỗi vi phân một đời sống không thể thay thế... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Sống như nhiên  (truyện / tuỳ bút) 
Vì thế, nàng, kẻ biết rằng mọi sự rồi sẽ chấm dứt, nắm lấy bàn tay tự do của người đàn ông trong đôi bàn tay của nàng, và nàng ngọt ngào cháy, cháy và bừng lên sáng rực... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Nhà lãnh đạo  (truyện / tuỳ bút) 
Nhà lãnh đạo bị khủng bố trong giấc ngủ. Có phải nhân dân đang đe doạ nhà lãnh đạo của họ không? Không, bởi nhà lãnh đạo chăm sóc cho nhân dân. Có phải nhân dân đang đe doạ nhà lãnh đạo của họ không?... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những bước chân  (truyện / tuỳ bút) 
Khi bà nghe nhạc của Liszt, bà run rẩy từ đầu đến ngón chân. Bà đã từng xinh đẹp hồi còn trẻ. Và đã choáng váng khi hít mùi hoa hồng sâu vào lồng ngực... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021