thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Con khủng long cuối cùng

Hình như mọi chuyện đều đang tới một cái ngưỡng nào đó. Chàng thức giấc , lạnh toát người nhận ra khối công việc đang đổ xuống đầu như một làn sóng nhận chìm. Chàng vội ngồi dậy, hoảng sợ như bị chôn sống. Trời nóng, ẩm và đã tối. Chàng mò mẫm bật đèn bàn, mở vi tính và nhìn đăm đăm vào màn hình sáng trắng nhấp nháy con trỏ. Lâu lắm chẳng thêm được ý tưởng mới nào cho cuốn sách đang viết: “Xã hội học trong tình yêu thời thị trường”. Nó đã được mở đầu khá xuất sắc.Vấn đề chàng bàn tới tuy chẳng mới mẻ nhưng lại được tiếp cận bằng một lối đột nhập độc đáo khiến ngay từ chương hai đã hứa hẹn những khám phá thật bất ngờ tại mảnh đất mà thiên hạ đã cày nát. Lẽ ra chàng phải bắt vít mình vào chiếc ghế vi tính, nhưng tối nay, một trục trặc nào đó không biết từ đâu, hoặc trong quá trình vận hành của trời đất hoặc trong chính chàng, vào một tối lẽ ra ngồi gõ những con chữ như thường lệ, nhà xã hội học lại xỏ chân vào giày, bước khỏi nhà và lập tức những đường phố và những cột đèn cuốn chàng hoà vào cái ồn ào náo nhiệt của buổi tối còn mới trên thành phố.

Không còn cái thú gõ gót hè đường bên dưới những hàng cổ thụ thoang thoảng mùi hương cây, không còn thói quen ngồi quán cóc nhấm nháp ly rượu nhìn thiên hạ ngược xuôi bận rộn. Tất cả những cái đó đều như đã tuyệt diệt sau những cơn sốt thành phố. Mở khách sạn, khai trương siêu thị, xây cao ốc… những cơn sốt đẩy dần những kẻ thích lang thang trở về nhà la hét trước tivi trong những trận đá banh được truyền hình trực tiếp. Chàng cũng đã từng la hét như thế sau khi đã gọi điện cá độ với một cô bạn gái. Cô sẵn sàng bắt một đội nếu trong đó có một cầu thủ đẹp trai giống như mẫu hình lý tưởng của cô và cô cũng sẵn sàng mang chiếc DREAM ra cá độ nếu chàng đặt cược hẳn một …người đàn ông. Than ôi, thời buổi này đàn ông là thứ của hiếm nhất người mà nàng mường tượng lại phải thời thượng, vừa có vẻ đẹp của lực sĩ thể hình lại vừa có ngân khoản gửi nhà băng rút hoài không cạn.Thôi cứ để nàng ngồi lì ngoài ban công ngóng đợi người đàn ông trong mộng biết đâu một ngày nào đó xuất hiện như một phép lạ đưa nàng thoát khỏi nỗi đơn chiếc mà ở cái tuổi xấp xỉ tứ tuần của nàng không mấy ai muốn gánh chịu.

Nhưng mà sự chờ đợi của nàng dường như đã quá lâu - chàng chợt nghĩ và điều đó làm chàng quên phứt mình đang sang đường, suýt đâm nhào vào mũi ô tô làm chàng hoảng hồn nhảy phắt lên vỉa hè. Mặc kệ người lái xe chửi om sòm, chàng lẳng lặng rút khăn lau mặt, trống ngực đánh thình thịch. Rồi chàng nở một nụ cười vu vơ. Giá như lúc nãy chàng chui gầm ô tô chắc hẳn cô nàng không thể biết được chính ý nghĩ về nàng đã giết chàng. Nghe tin chàng chết chưa chắc nàng đã rỏ một giọt nước mắt nhưng có thể nàng sẽ tới trước quan tài thắp một nén nhang, vái ba vái rồi vội vã ra khỏi phòng tang lễ trở về cái ban công muôn thủacủa nàng. Tội nghiệp, không biết nàng còn đợi tới bao giờ? “Làm sao biết được…”, đã có lần nàng trả lời chàng thế, “nhưng tôi tin nhất định người ấy sẽ tới…”. Chàng bảo với nàng rằng bất kỳ niềm tin nào cũng phải có cơ sở và xem ra niềm tin của nàng thiếu cái đó. Nàng nhìn chàng như một vật thể lạ. Ngài xã hội học ạ, ngài nên rời cái máy vi tính của ngài ra chốc lát nhìn quanh coi thiên hạ sống ra sao không thì trong đầu ngài chỉ chứa toàn những khái niệm và những quy tắc.…”. Rồi nàng buông một tiếng thở dài: “Anh phải yêu đi, yêu ai cũng được, tất nhiên trừ tôi ra…”. Chẳng hiểu vì sao nàng lại dựng nên cái ranh giới chết người ấy. Và rồi lâu dần biến nó thành một thứ ám thị khiến chàng và nàng trở nên đôi bạn có thể kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện như hai người bạn tâm giao đồng giới và lại còn đinh ninh nếu ngày tận thế có xảy tới, nhân loại chỉ còn lại có mỗi chàng và nàng thì hai người vẫn cứ coi nhau là…bạn. Vài ba ngày chàng lại đi chợ, xách túi tới nhà nàng, lẳng lặng bỏ vào tủ lạnh thịt heo, thịt bò, rau xanh…các thứ cần thiết cho cô bạn gái khỏi đi chợ, tha hồ ngồi ban côngchờ người trong mộng. Có lần chàng vừa đóng tủ lạnh, sau khi nó đã đủ thức ăn cho nàng sống một tuần, nàng nhìn chàng buông một tiếng thở dài. Trời ơi, thay vì cái chân giò, anh mang tặng tôi một bó hoa có phải hạnh phúc cho tôi? Tất nhiên nàng chỉ nghĩ thầm chứ đời nào nói ra .Và nàng lại thở dài, chán ngán nhìn dáng lầm lũi của chàng bước khỏi phòng. “Lại về với máy vi tính đấy…cái CPU của anh ta chắc chỉ chứa toàn tín hiệu điện…” Nghĩ rồi nàng lại ra ban công nhìn xuống đường. Một chiếc xe DREAM chở đôi trai gái ôm eo nom thật thân thiết. Một chiếc ba gác chở bộ cửa sắt cồng kềnh. Một chiếc xe hơi bóng lộn chở một ông cũng bóng lộn không kém. Dòng nhân sinh vẫn tuôn chảy và cái “người ấy” của nàng ở đâu trong đám đông kia? “Niềm tin của em thiếu cơ sở…”, thôi đi ông xã hội học, ngày xưa có một cô bé ở bên bờ biển suốt ngày chờ đợi cánh buồm đỏ thắm của chàng hoàng tử. Niềm tin của cô bé có cơ sở nào đâu, vậy mà rồi huyền thoại đã tới, vào một ngày đẹp trời cánh buồm đỏ đã đưa chàng hoàng tử tới mang cô gái đi. Riêng cô, cô chẳng cần hoàng tử cũng chẳng mong cánh buồm, cô chỉ chờ một người đàn ông sẽ mang hoa tới tặng và một ngày tốt lành nào đó sẽ đưa cô ra phòng cưới. Cô rất tin phép lạ sẽ xảy tới cho dù trong thời buổi tin học này huyền thoại là thứ của hiếm.

Nhưng mà…ta hãy trở lại với nhà xã hội học, trong khi nàng đang mơ mộng vậy thì quả như nàng dự đoán chàng đã kịp về tới nhà mở máy vi tính và đánh tiếp vào bản thảo “…Vào thời kỳ băng hà của tâm hồn con người, mọi thứ đều bị tuyệt diệt ngay cả con khủng long cuối cùng của chủ nghĩa lãng mạn…”. Và trong lúc nàng tạm rời bancông để vào bếp ninh cái chân giò chàng vừa bỏ vào tủ lạnh lúc sáng, chàng đã kịp thả mình vào những ngóc ngách của một ý tưởng về sự cần thiết phải báo động tình trạng lan tràn khắp nơi nơi của thứ virus gây nên sự suy kiệt của chủ nghĩa lãng mạn trong nền kinh tế thị trường. Nó là cái gì vậy? Thói thực dụng? Tính ích kỷ? Chứng tham lam? Nhà nghiên cứu của chúng ta xoay trần ra nhận diện con virus mà chàng cảm nhận dấu vết của nó đã có mặt ở khắp nơi nơi. Có lúc tưởng như đã nắm bắt được nó, mắt chàng sáng lên, mặt rạng rỡ, hai tay muốn giơ lên trời hét to lên như ông Archimède ngày xưa: “Eurơka…Eurơka…”, nhưng rồi chàng lại tiu nghỉu nhận ra mình đã ngộ nhận, đó mới chỉ là cái bóng của nó, còn chính nó, cái con virus ấy, nó ở đâu? Không, không thể tìm thấy nó trong màn hình vi tính, phải tìm nó trong cõi nhân sinh,và chàng lại vùng ra khỏi buồng để bước thấp bước cao tìm con virus trên phố chẳng khác gì nàng tìm người đàn ông của nàng trong dòng người trôi qua dưới ban công vậy. Thế rồi bỗng dưng trên đường phố chàng đã bắt gặp không phải con virus mà một cô bé ôm những bó hoa đứng ở đầu đường.

“Chú ơi, chú mua giúp cháu đi”, cô bé nài nỉ.

“Cháu ở đâu? Học lớp mấy? Cha mẹ cháu làm gì? Cháu được mấy anh chị em? Bao nhiêu trai bao nhiêu gái?….”

Nhà xã hội học tuôn ra một lô câu hỏi theo thói quen nghề nghiệp. Cô bé trả lời cho xong để mau chóng trở về đề tài của chính cô:

“ Thế chú mua giúp cháu một bó nhá. Hoa tươi đấy. Hồng Hà Lan thứ thiệt . Đẹp nhất hạng rồi chú ơi…”

Nhà xã hội học ngớ người. Hoa hả? À thôi đúng rồi, một tín hiệu của giao tiếp. Chẳng hạn gửi hoa hồng là dấu hiệu tỏ tình, hoa cẩm chướng là tình bạn, hoa huệ là sự kính trọng… Trong khi nhà xã hội học mải nghĩ về chức năng ngôn ngữ của các loại hoa thì cô bé đã bắt đầu sốt ruột:

“Chú ơi, mua đi, mua tặng cô ấy đi…”

“Nhưng tặng cô nào và nhân dịp gì mới được chứ?”

“Tặng bạn gái của chú ấy, hôm nay là chủ nhật mà…”

Ừ nhỉ,một cái gì đó mới ló ra làm nhà xã hội học ngẩn người. Tại sao không mang tặng bó hoa này cho nàng, người đàn bà đang ngóng đợi một huyền thoại nhỉ? Chàng móc túi trả tiền và rồi trong khi ôm bó hoa bước đi trên phố chàng lại nghĩ tới cái máy vi tính ở nhà. “Trong thời kỳ băng hà của tâm hồn con người, mọi thứ đều bị tuyệt diệt, ngay cả con khủng long cuối cùng của chủ nghĩa lãng mạn…”. Nhà xã hội học nở một nụ cười, sửa lại cổ áo và ôm bó hoa bước vào vòng ngắm của người đàn bà trên ban công…

N.T.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021