thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một chuyến đi
 
Bản dịch của Hoàng Long

 

 

DAZAI OSAMU

(1909-1948)

 
 
Lời người dịch:
 
Truyện ngắn sau đây được dịch từ nguyên tác “Hachijuhachiya” 八十八夜 trong tuyển tập Chạy đi, Melosu 走れメロス khổ bỏ túi của văn hào Dazai Osamu 太宰治 do nhà xuất bản Kadokawa 角川文庫 tái bản có sửa chữa năm Bình Thành thứ hai mươi (2008), từ trang 60 đến trang 83. Nguyên văn tên truyện là “Đêm thứ tám mươi tám” 八十八夜. Theo âm lịch thì đây là ngày tám mươi bảy tính từ ngày lập xuân, theo lịch mới thì là ngày hai tháng năm, nếu năm nhuận là ngày một tháng năm. Đây là ngày mà anh Kasai, nhân vật chính của truyện lên đường đi du lịch. Vì thế chúng tôi mạn phép sửa lại tên truyện thành “Một chuyến đi”.
 

_______________

 

MỘT CHUYẾN ĐI

 

Anh Kasai Hajime là nhà văn. Rất nghèo. Dạo này đang rất cố gắng viết tiểu thuyết phổ thông. Tuy nhiên, gia cảnh không khá lên được một chút nào. Khổ sở lắm. Sự vật vã chịu đựng làm tinh thần anh cũng sút kém đi. Đến bây giờ cũng chẳng biết gì hết. Không phải, đối với anh Kasai mà nói không biết gì cả thì là nói dối đấy thôi. Anh ấy cũng biết được một điều. Anh chỉ biết một điều là phía trước mặt mình chừng một tấc thì tối đen. Sau đó thì anh chẳng còn biết gì hết. Khi anh vừa bừng tỉnh nhận ra thì đã thấy mình như đang ở trong đám sương mù vây quanh bốn phía như thế này, ngay cả điều mình đang ở núi cao, hay đồng bằng hay phố thị anh thậm chí còn không biết nữa, chỉ cảm thấy xung quanh mình một mùi sát khí khó chịu nồng nặc, thôi giờ thì cứ phải tiến lên. Anh chỉ có thể hiểu được chừng một tấc phía trước. Không dám khinh suất, anh thu mình tiến lên tuy chẳng hiểu gì hết. Không chịu thua, anh bạo dạn tiến thêm một tấc nữa. Cũng vẫn chẳng hiểu gì. Ra vẻ hùng dũng một cách quá sức để che giấu nỗi sợ hãi, anh lại tiến thêm một tấc. Cuối cùng đây là đâu đây, sao không nghe thấy một tiếng gì hết vậy. Trong sự tối tăm yên tĩnh vô cùng như vậy chỉ có một mình anh Kasai.

Mình phải tiến lên thôi. Dù không hiểu gì hết cũng phải cử động thân mình mà tiến lên không ngừng, dù chỉ một tấc, dù chỉ năm ly. Chỉ cần thử khoanh tay, cúi đầu xuống đứng lặng mơ màng hay thử phó mặc thân mình cho nỗi hoài nghi và sự lười biếng dù chỉ một khoảnh khắc thôi thì ngay lập tức mình sẽ bị gõ búa vào đầu, làn sát khí xung quanh nhất thời ép sát, thân hình mình ngay lập tức trở thành tổ ong chăng? Anh Kasai không ngừng nghĩ như vậy. Vì thế mà anh Kasai không dám khinh suất, cứ thu mình lầm lũi tiến lên trong bóng tối, mồ hôi chảy ròng ròng. Mười ngày, ba tháng, một năm, hai năm, anh Kasai tiến lên giống như vậy. Sống hoàn toàn trong bóng tối. Cứ phải tiến lên thôi. Nếu không muốn chết thì phải tiến lên thôi. Giống như thằng ngu vậy. Ngay cả anh Kasai cũng cảm thấy chán. Nói bốn phương tám hướng đều bít lối thì cũng là lời nói dối đấy thôi. Có thể tiến lên được. Có thể sống được. Ngay cả trong bóng tối đen, cũng vẫn nhìn thấy được một tấc phía trước. Tiến lên chỉ một tấc thôi. Không có nguy hiểm. Sẽ không có sai lầm nào trong việc tiến lên từng tấc một. Đây là ý nghĩ tuyệt đối xác thực. Tuy nhiên, phong cảnh một màu đen vô hạn liên tục sẽ như thế nào đây. A, tuyệt đối chẳng có sự thay đổi nào dù chỉ như hạt bụi. Dĩ nhiên không có ánh sáng cũng chẳng có bão tố. Anh Kasai trong khi dùng tay chân sờ soạng để tiến lên từng tấc một như kiến như sâu đã ý thức được cơn điên của mình trong lặng lẽ. Không được rồi. Biết đâu đây là con đường độc đạo dẫn thẳng đến đoạn đầu đài thì sao? Như vậy trong khi lặng lẽ tiến lên từng chút một thì chẳng phải mình dần dần rơi vào một cái thung lũng đáng sợ tự huỷ diệt mình hay sao? A, thử cất tiếng mà kêu gào xem. Tuy nhiên, anh Kasai do đã khinh bỉ bản thân mình quá lâu trong cảnh bi thảm nên đã quên mất ngôn ngữ của chính mình. Cho nên tiếng kêu không phát ra được. Thử chạy xem sao. Nếu bị giết thì cũng tốt thôi. Con người tại sao phải sống chứ? Cái mệnh đề đơn giản ấy đột ngột anh nhớ ra, và cái việc đi lần mò từng tấc trong bóng tối giờ hoàn toàn biến mất; vào đầu tháng năm anh vét hết số tiền mình có đi du lịch. Lần chạy trốn này nếu mà sai lầm thì hãy giết chết tôi đi. Cho dù bị giết thì mình cũng mỉm cười thôi. Bây giờ mình đã cắt đứt được sợi xích của sự nhẫn nhục phục tùng vì thế mà cho dù có bị rơi vào địa ngục bi thảm như thế nào đi nữa mình cũng sẽ chẳng hối hận đâu. Đã đủ rồi. Mình không thể nào khinh bỉ mình hơn mức này nữa. Tự do.

Và như thế, anh Kasai lên đường đi du lịch.

Tại sao anh lại chọn Shinshu? Bởi vì anh chẳng biết nơi nào khác cả. Ở Shinshu với Yugawara, mỗi nơi anh Kasai có một người con gái quen. Tuy nói là quen biết nhưng chưa từng ngủ cùng nhau. Chỉ biết tên vậy thôi mà. Cả hai người đều là những cô hầu gái trong lữ quán. Cả người con gái ở Shinshu và Izu đều lanh lợi hoạt bát, đối với người ăn nói chậm chạp như anh Kasai thì quả thật họ đã giúp ích rất nhiều. Đã ba năm rồi anh chưa đặt chân đến Yugawara. Có lẽ người con gái ấy không còn ở nơi lữ quán nữa. Nếu như thiếu nàng thì mọi chuyện chẳng còn ra gì cả. Còn người con gái ở suối nước nóng Kamisuwa, Shinshu thì vào mùa thu năm ngoái đã giúp đỡ anh rất nhiều khi anh có ghé qua trọ năm sáu ngày để sửa sang những bản thảo vụng về của mình. Chắc chắn là nàng vẫn còn làm việc ở lữ quán ấy.

Anh muốn làm loạn cả lên. Nhất quyết muốn thử làm những chuyện loạn bạo. Đối với mình mà nói, chắc chắn vẫn còn những tính lãng mạn. Anh Kasai năm nay ba mươi lăm tuổi. Nhưng tóc đã thưa, răng đã rụng, nhìn vào người ta cứ tưởng đã trên bốn mươi. Vì vợ con mà cũng vì tỏ vẻ với đời nữa nên tuy không biết chuyện gì cả nhưng anh vẫn tập trung cố sống cố chết mà viết văn kiếm tiền nên dần dà anh đã tàn tạ. Các bạn văn của anh Kasai thì cho là anh là một thân sĩ hành vi đứng đắn. Sự thật thì anh Kasai là người chồng, người cha tốt. Tính nhút nhát bẩm sinh với áp lực cảm giác trách nhiệm quá nặng đã làm cho anh Kasai giữ vững được cái tiết tháo của người tốt. Nói năng chậm chạp cùng với hành động cực kỳ lề mề; chuyện này anh Kasai đã cam chịu. Tuy nhiên giờ con sâu bướm trong anh đã hoàn toàn biến mất, anh bộc phát lên mà đi du lịch, quyết ý làm những chuyện bạo loạn. Không biết ánh sáng gì đã soi chiếu đây?

Anh mua vé đến Shimosuwa. Nếu rời khỏi nhà, đi thẳng đến Kamisuwa, không liếc ngang liếc dọc, chạy thẳng một mạch đến lữ quán, thở đứt hơi mà gào lên rằng “người đó có còn không”, “người đó có còn không?”; cái kiểu đó thì thật đáng ghét nên anh Kasai cố tình mua vé đến Shimosuwa cách Kamisuwa một ga. Anh tính đại khái rằng tuy mình chưa từng đến Shimosuwa lần nào cả nhưng cứ xuống thử xem, nếu thấy được thì ta ở trọ một đêm, lang thang quanh quẩn rồi sẽ tìm đường mà đến lữ quán ở Kamisuwa. Mà anh thì cũng có phần e ngại nữa.

Thế là anh lên tàu. Mùa xuân đã chín nẫu, tan chảy và lan tràn ra khắp những cánh đồng, vườn rau, khiến anh có cảm giác như ngửi thấy mùi chuối chín thoang thoảng nữa. Mà cái mùa này cũng làm cho thân thể cũng nực nồng, nhớp nháp.

Trong xe, anh Kasai chợt buồn lạ lùng. Cứu giúp tôi với. Anh cứ ngửa mặt lẩm bẩm cái câu nói đầy vẻ khoa trương này một cách nghiêm túc, không hề đùa cợt một chút nào. Trong túi anh có khoảng chừng năm mươi yên.

“Về Andrea del Sarto...”[1]

Đột nhiên có người nói rất to như vậy nên anh Kasai quay đầu lại ngoái nhìn. Hai chàng thanh niên mặc đồ leo núi với ba thiếu nữ ăn mặc giống nhau. Người vừa nói là một trang thiếu niên anh tuấn, đội mũ bê rê, tác phong như là trưởng nhóm. Nước da rám nắng, có vẻ sành điệu nhưng hạ phẩm.

Andrea del Sarto. Khi thử nhẩm cái tên này anh Kasai chợt thấy bần thần. Mơ hồ quá. Anh đã quên. Tuy anh nhớ được là mình thuở xa xăm lắm mình đã thốt ra cái tên này khi cùng bạn bè nghị luận và có cảm giác người này có vấn đề nhưng giờ anh chẳng biết gì nữa cả. Ký ức đã không quay trở lại. Tệ thật, anh thầm nghĩ. Sao mình có thể quên béng đi tất cả như thế này nhỉ. Đành phải chịu thôi. Andrea del Sarto. Không thể nào nhớ ra. Người này là như thế nào ấy nhỉ. Không hiểu được. Chắc chắn anh đã từng viết một thiên tuỳ bút về con người này mà. Quên mất rồi. Không thể nhớ ra. Brownning. Musset. Anh cố gắng lần mò theo sợi dây của ký ức để tìm ra chân dung của con người đó. Anh muốn nhớ ra theo kiểu “A, đúng rồi, thế à” nhưng dù anh cố gắng khổ sở mà cũng không được. Không thể nhớ ra đó là người nước nào, thời kỳ nào, thì cũng được đi. Bây giờ anh chỉ muốn thực cảm được một chút gì đó về sự đồng điệu mà anh đã gửi gắm vào người kia vào lúc nào đó của ngày xưa, muốn nắm được cái cảm giác đó chỉ một chút xíu thôi. Nhưng hoàn toàn không thể. Urashima Taro. Đến khi hiểu được mọi chuyện thì đã trở thành ông lão bạc đầu. Xa xăm quá. Không còn gặp lại được Andrea del Sarto nữa rồi. Đã biến mất vào đường chân trời. Mơ hồ như khói như mây...

“Còn về Henry Becque[2] thì...” Người thanh niên phía sau lại nói. Anh Kasai nghe thấy thế mặt lại đỏ bừng. Anh không biết. Henry Becque. Là ai nhỉ? Anh Kasai có cảm giác chắc chắn rằng mình đã từng nói và viết về cái tên này. Không biết. Porto Riche. Gerardi. Không phải, không phải. Henry Becque. Người này là ai nhỉ? Tiểu thuyết gia hay hoạ sĩ? Velazquez. Không phải. Nhưng Velazquez là gì nhỉ? Chẳng phải khủng khiếp sao? Nhưng mà có người đó không nhỉ? Hoạ sĩ à? Thật không. Tất cả đều vô vọng. Henry Becque. Cuối cùng anh vẫn không hiểu ra. Có khác với Erenburg không nhỉ? Không phải chuyện đùa đâu. Alexeyev. Không phải người Nga đâu. Thật không thể nào nghĩ ra được. Nerval. Keller. Theodor Storm. Meredith. Mình đang nói gì vậy nhỉ? A, đúng rồi. Honoré d'Urfé. Không phải. Mà d'Urfé là ai vậy chứ?

Anh chẳng biết gì hết. Mọi chuyện cứ lung tung hết cả. Rất nhiều những cái tên chẳng liên quan gì đến nhau cứ thay phiên xuất hiện, rối mù và trôi đi trong ký ức nhưng anh Kasai không thể nhớ ra được bất cứ thực thể nào của những cái tên kia. Bây giờ thì không phải là kinh ngạc vì hai cái tên Andrea del Sarto và Henry Becque nữa. Mà anh chẳng hiểu gì hết. Cuối cùng anh Kasai giờ chỉ lặp đi lặp lại một cách mơ hồ những cái tên mà mình đã nghe, thử nhớ xem họ là ai; chứ không còn chú tâm đến mùi vị và sắc thái nữa. Trong vòng hai ba năm qua, mình đã làm gì thế nhỉ? Mình đã sống. Điều ấy thì anh biết. Mà không, anh đã ráng hết sức mình cho nó. Về cuộc sống của mình, anh nhớ được chút chút. Nỗ lực để anh sống qua ngày cũng giống y chang như nỗ lực để sửa cái đinh cong vòng sao cho thật thẳng. Nếu là cây đinh nhỏ thì đóng vào cũng không cần dùng sức nhưng để sửa một cây đinh đã cong queo cho thẳng thì cần một áp lực rất lớn nên phải vận sức vào, đỏ mặt tía tai. Người ngoài nhìn vào cũng thấy tuyệt nhiên đó không phải là để gây sự chú ý. Vì thế mà anh Kasai cứ liên tục viết những tiểu thuyết mà ngay cả anh cũng thấy vụng về, hoàn toàn quên mất đi văn học. Tinh thần anh sút kém. Đôi khi anh lén lút đọc lại những truyện ngắn của Chekhov. Cho đến khi cây đinh cong queo thẳng dần từng chút, từng chút đến khi thẳng tuột ra, khi tiền vay nợ cũng dần trả hết thì rồi sao cũng được. Anh ứa nước mắt mà buông bỏ cái nỗ lực không ngừng cho đến khi đó, phát cuồng lên mà lao ra khỏi nhà, cá cược với số phận mà đi du lịch. Đã chán chường. Nhẫn nhục cũng có giới hạn thôi chứ. Không thể chịu đựng thêm nữa. Anh Kasai đúng là một người đàn ông chẳng ra gì.

“A, Núi Yatsugatake. Núi Yatsugatake kìa.”

Vẫn cái giọng lớn vọng từ phía sau.

“Thật hùng vĩ.”

“Thật trang nghiêm.”

Những thanh niên và thiếu nữ trong nhóm liên tiếp tán thưởng vẻ uy nghiêm của núi Gomagatake.

Không phải núi Yatsugatake đâu. Là Gomagatake đấy. Anh Kasai thấy mình được cứu vớt một chút. Cho dù không biết Henry Becque, cho dù không thể nhớ ra Sarto là ai nhưng anh Kasai biết được tên ngọn núi hình tam giác màu bạc, giờ đang phản chiếu ánh trời chiều, lấp lánh sắc hồng. Đó là núi Gomagatake. Đó quyết không phải là Yatsugatake. Tuy là một niềm tự hào ngu si và buồn thảm nhưng anh Kasai cũng cảm thấy được một cái cảm giác ưu việt nhạt nhoà và anh nhẹ người đi một chút. Phải nói cho bọn chúng biết mới được, anh hơi khẽ nhích thân mình lên nhưng rồi lại tự kiềm chế. Biết đâu bọn họ là người của toà soạn báo hay tạp chí thì sao? Nội dung câu chuyện không phải là của người không có liên quan gì đến văn học. Cũng có thể là người của đoàn kịch nào chăng. Hay có lẽ họ là những độc giả cao cấp. Đằng nào đi nữa có lẽ họ cũng biết đến tên tuổi của anh Kasai. Nếu đến mấy chỗ mấy người đó, như thể cố nài ép họ biết đến tên tuổi vô dụng của mình thì chẳng có gì thú vị. Chắc chắn mình sẽ bị khinh miệt. Nếu không thận trọng thì không được đâu. Anh Kasai thở dài rồi lại ngẩng lên ngắm nhìn núi Gomanotake ngoài cửa sổ. Có cái gì đó thật tức tối. Thử nghĩ mà xem. Nói hỗn hào về Henry Becque và Sarto, nhìn núi Gomagatake thì lại bảo là núi Yatsugatake thật trang nghiêm chứ. Núi Yatsugatake ấy nhé là phải đi vào sâu trong Shinano mới nhìn thấy ở bên chỗ đối diện cửa sổ cơ. Thật buồn cười. Đây là núi Gomagatake. Tên gọi khác là Kaigoma. Cao hai ngàn chín trăm sáu mươi sáu mét, so với mặt nước biển. Chuyện này là sao chứ. Sâu trong ngực anh vang vọng ra những lời thì thầm như thơ tanka nhưng chẳng hay ho gì. Nghe tục tĩu bần hàn, chẳng có một chút cao thượng gì của văn học cả. Mình đã thay đổi rồi, anh Kasai cười khổ. Khoảng năm sáu năm trước, anh được xem là một tác giả có phong cách riêng, được hai ba vị tiền bối ủng hộ, độc giả cũng hoan nghênh anh như một nhà văn hiện đại và phản kháng nhưng giờ thì hoàn toàn chìm lắng. Những cái phong cách hiện đại với sự mạo hiểm như vậy giờ sao mà xấu hổ, mà đáng ghét. Anh chẳng còn chút hứng thú nào nữa. Anh đã sống để viết nhiều tác phẩm dài dòng, phi lương tâm, viết cho có để chỉ toàn chạy theo số lượng mà thôi. Cái gọi là lương tâm trên bình diện nghệ thuật cuối cùng chỉ là tên gọi khác của hư vinh. Một thứ chủ nghĩa vị kỷ bi thảm, lạnh lùng và xuẩn ngốc. Anh chỉ yêu công việc này vì kế sinh nhai. Đó là một thứ tình yêu hoài nhớ của một thành phố nhỏ nghèo nàn. Vừa lẩm nhẩm những lời biện giải như thế, anh Kasai vừa nhắm mắt mà thảo ra một tác phẩm vô cùng loạn bạo và vô nghĩa. Đó gọi là một thứ tình yêu quay cuồng với cuộc sống. Tuy nhiên, dạo này, thì không còn như vậy nữa. Mày cuối cùng đã trở thành đê tiện thấp hèn đấy. Giảo quyệt đấy. Những lời thì thầm như thế cứ liên tục rót vào tai anh Kasai khiến anh trở nên nghiêm túc vô cùng. Anh nhớ lại từng chút, từng chút một sự khốc liệt của những ngôn từ như sự tôn nghiêm của nghệ thuật, sự trung thành với chính bản thân. Cuối cùng mình đã làm gì vậy chứ? Mình có thể nói ra được điều này hay sao? Anh Kasai từ xưa đến giờ chỉ dừng lại ở mức độ thông tục mà thôi.

Con tàu lượn lờ chậm chạp. Tàu giờ đang lên núi. Anh nghĩ mình xuống tàu, rồi chạy bộ có khi còn nhanh hơn. Thật là quá chậm. Khi toàn ngọn núi Yatsugatake hiện ra ở phía bắc tàu lửa, anh thấy tám đỉnh núi đứng xếp hàng. Anh Kasai ngước nhìn lên, mắt sáng lấp lánh. Quả thật là một ngọn núi tuyệt vời. Đã gần hoàng hôn, những đỉnh núi tắm trong ánh tàn quang, ánh lên dìu dịu. Các đường nét lên xuống cũng thoai thoải nhẹ nhàng. So với vẻ ưu tú bạt quần của núi Phú Sĩ, thì ngọn núi này dịu dàng với người ta hơn gấp mấy lần. Anh Kasai nghĩ vậy. Hai ngàn tám trăm chín mươi chín mét. Dạo gần đây anh Kasai tự nhiên lưu tâm một cách kỳ lạ đến độ cao của núi, dân số của các tỉnh thành, giá cá Tai... và còn nhớ rất rõ nữa. Trước đây anh Kasai vốn vô cùng khinh miệt những thứ như ghi chép điều tra hay các chỉ số tả thực như vậy; ngay cả đến tên hoa, tên chim hay tên cây cối anh cũng xem là chuyện vặt thế tục, hoàn toàn chẳng quan tâm, cứ ngơ ngác mơ màng. Tức là anh chỉ thuần tuý tinh thần, âm thầm yêu lấy cái hình dáng của bản thân mình mà anh cũng chẳng biết rõ, thậm chí nghĩ rằng không biết vậy có phải là cao thượng hay không, rồi đắm mình trong những niềm tự hào ngọt ngào. Nhưng gần đây thì anh hoàn toàn thay đổi. Anh hỏi vợ chi tiết về giá cả của món cá trên bàn ăn, đọc mục chính trị trên báo như thể bị đói khát, dở bản đồ Trung Hoa như thể kiểm tra điều gì tường tận lắm, rồi lẩm nhẩm gật đầu một mình; lại còn trồng cà chua ngoài vườn; chăm sóc chậu hoa chiêu nhan; rồi khi có thời gian lại mở các bách hoa phổ, bản động vật đồ giám, rồi Nhật Bản phong tục đại hệ ra xem, điều nghiên các tên hoa cỏ dọc đường, tên các loài chim hay ghé bay nhảy nơi vườn nhà, các di tích cổ Nhật Bản xem có ý nghĩa gì hay không rồi làm ra vẻ mặt đắc ý lắm. Cũng chẳng còn phóng túng gì nữa. Đến dũng khí cũng không. Phải chăng đó là sự lẩm cẩm của người già không còn phải nghi ngờ gì nữa. Một lão già ẩn cư chắc cũng không khác mấy.

Và bây giờ cũng vậy, anh Kasai chỉ lặng chiêm ngưỡng toàn cảnh núi Yatsugatake. Anh gù lưng, cằm nhô lên, lông mày nheo lại ra vẻ buồn bã, ngắm nhìn mà kêu “a, ngọn núi tuyệt quá”. Thật là một kiểu dáng bi ai cảm động. Đó là hình dáng của kẻ nhiệt thành cầu nguyện “ôi, xin ban ân huệ” với phong cảnh xoàng xĩnh trước mắt. Thật giống y hệt con cua. Anh Kasai cho đến khoảng bốn, năm năm về trước tuyệt đối không phải là con người như thế. Anh dựa vào lý trí của mình mà cắt chọn ra tất cả phong cảnh tự nhiên rồi chọn lọc hay vứt bỏ, hoàn toàn không có vẻ chìm đắm nhu nhược một chút nào. Có nghĩa là anh quy mọi thứ thành ra khái niệm, cả bông hồng, hoa violet, tiếng côn trùng kêu, cơn gió thổi đều khiến anh mỉm cười mà kính nhi viễn chi; đại khái là anh đối với vạn vật đều theo kiểu “thực hư tự tâm mình biết, thiện ác nào cần phải hỏi ai”, chỉ coi trọng duy nhất đến đáy tâm tư người ta theo kiểu như tuy hắn múa con dao cùn mà tạo ra được khí thế oai hùng phải biết; vậy mà giờ đây không được nữa. Cứ ngơ ngác mơ màng.

... Có gì hơn được núi nữa chăng...

Anh thể hiện một vẻ cảm khái ngu ngốc mang tính thời đại, nước mắt khẽ ứa ra, trông vô cùng nhếch nhác. Một lúc lâu cứ há miệng mà nhìn lên núi Yatsugatake, anh Kasai cũng thấy được bộ dạng thảm hại của mình nên cứ thầm cười khổ sở. Anh vừa gãi đầu soàn soạt vừa nhủ mình đi du lịch là để làm tan đi những nỗi bức bối bình sinh đang chịu đựng, và để tìm kiếm một điều gì đó xấu xa, một thứ chủ nghĩa lãng mạn cường liệt đến chết. Đâu phải đi mà ngắm nhìn núi non đâu. Quả là ngu ngốc. Một thứ lãng mạn khác với thói thường.

Đoàn thanh niên thiếu nữ phía sau lao xao cười nói, đã đứng lên để chuẩn bị xuống tàu. Họ đã xuống ga Fujimi. Anh Kasai cảm thấy nhẹ người đi một chút. Quả thật mình đã trình diễn thế nào ấy. Anh Kasai tuy không phải là nhà văn nổi tiếng đến mức ấy nhưng lúc nào anh cũng có cảm giác ai đó ở quanh đây đang nhìn mình. Vì cảm giác như thế mà mỗi lần vào chỗ đám đông là anh lại bắt đầu hút thuốc, làm ra vẻ ta đây hơi khác đời. Đặc biệt đối với những người có vẻ như quan tâm ít nhiều đến tiểu thuyết mà đứng cạnh mình, thì tuy họ không chú ý đến anh Kasai gì cả nhưng anh cũng cứng người lại, rồi nghiêng đầu nghiêng cổ. Trước đây còn tệ hơn nữa. Anh ra sức trình diễn đến mức khó thở, chóng mặt quay cuồng. Một ác nghiệp thật đau lòng. Anh Kasai vốn bẩm sinh là người nhút nhát, hay hãi sợ. Có lẽ mang bệnh tinh thần suy nhược cũng nên. Vì cái lũ người Andrea del Sarto phía đằng sau đã xuống tàu rồi, nên anh Kasai cảm thấy như cất được một gánh nặng trên vai xuống, cởi guốc ra, duỗi thẳng hai chân mà gác lên cái ghế phía trước, lấy từ ngực áo ra một quyển sách. Anh Kasai có điều này mới thật là lạ. Đó là tuy mang tiếng là văn sĩ nhưng anh Kasai lại hoàn toàn không đọc sách văn học. Trước đây hình như không phải vậy đâu nhưng từ hai ba năm nay anh chẳng chịu học hành gì cả thì thật khó mà thông cảm tha thứ được. Anh đọc những sách như truyện cười toàn tập.[3] Còn lén lút đọc các tạp chí phụ nữ của vợ. Bây giờ quyển sách mà anh lấy ra từ ngực áo là tập “Cách ngôn của La Rochefoucauld”. Như vậy thì hay hơn. Không hổ danh là anh Kasai khi anh cho rằng đi du lịch thì nên thận trọng với những sách truyện cười mà nên mang theo sách cao cấp hơn một chút lúc đi dạo bộ. Cũng giống y chang như các nữ sinh khi đi dạo bộ mang theo mình những quyển thơ tiếng Pháp dù cho không thể đọc được vậy. Thật là một thứ thể diện bi ai. Trong lúc lật giở lung tung, anh vô tình bắt gặp câu “Nếu người và ta không thể đạt được sự an tĩnh về tâm lý mà đi tìm cầu điều này ở nơi khác thì chỉ là vô vọng thôi”, và cảm thấy khó chịu. Anh nghĩ nó như một lời tiên tri xấu. Chuyến du lịch lần này có lẽ thất bại thôi.

Khi tàu lửa vào gần đến vùng Kamisuwa thì trời đã tối hẳn. Ở phía nam, một cái hồ sáng bạc như một tấm gương xưa mở rộng phản chiếu ánh sáng trầm đục, nước hồ như thể vừa mới tan băng, lạnh cắt da thịt; đám cỏ lau trên vách đã khô héo, đứng bất động một màu đen trùi trũi, thật là một phong cảnh hoang lương bi thảm. Đây là hồ Suwako. Khi anh đến đây vào mùa thu năm ngoái còn có ấn tượng tươi sáng hơn một chút vậy mà... và anh cảm thấy bất an, biết đâu ở Shinshu mùa xuân cũng đã không còn được như trước nữa chăng? Shimosuwa. Anh ngập ngừng bước xuống. Ra khỏi cổng soát vé của nhà ga, hai tay đút túi, anh đi bộ về phía thị trấn. Phía trước nhà ga cũng có bảy, tám người giúp việc của nhà trọ đứng sắp hàng nhưng không có một người nào cất tiếng gọi anh Kasai dừng lại cả. Điều này cũng hợp lý thôi. Người chẳng đội nón, mặc quần áo vải bông thường, hơn thế đôi guốc đi cũng mòn vẹt. Không có mang theo chút hành lý nào. Nhìn bộ dạng không giống như kẻ lữ khách âm thầm quyết ý vung tiền ra để trọ lại một đêm gì cả. Có lẽ họ nhìn anh giống như người địa phương chăng? Cảm thấy hơi cô đơn mà trời thậm chí còn đổ cơn mưa rào nhẹ, anh Kasai vùng chạy vội vàng nhưng cái thị trấn Shimosuwa này có vẻ gì thật âm u bi thảm và hạ đẳng thế nào ấy. Đây là thị trấn thích hợp cho những con ngựa thồ vừa lắc vang chuông cổ vừa run rẩy lảo đảo bước đi. Thị trấn nhỏ hẹp, mái nhà đen thui, trần nhà thấp lè tè, ánh đèn điện hắt ra âm u vàng vọt, hình như người ta còn xài cả đèn dầu với đèn lồng nữa thì phải. Trời lạnh thấu xương, trên đường có các tảng đá nằm lăn lóc và đầy phân ngựa. Đôi lúc có chiếc xe buýt kiểu dáng cũ kỹ dơ hầy kềnh càng lắc lư chạy qua. Anh nghĩ thầm quả thật là đường Kisoji.[4] Chẳng tìm thấy đâu hơi ấm theo kiểu của một thị trấn có suối nước nóng gì cả. Anh thử lang thang tìm kiếm nhưng thấy nơi nào cũng giống nhau. Anh Kasai cứ đứng chôn chân giữa đường mà thở dài. Mưa mỗi lúc một mạnh hơn. Anh Kasai lo lắng bất an đến độ khóc lên được và cuối cùng quyết ý vứt bỏ nơi này. Anh quay lại nhà ga trong cơn mưa, tìm thấy một chiếc xe hơi, khẩn khoản xin đưa gấp đến quán Tatsunoya ở Kamisuwa ngay, anh nài nỉ đến gần bật khóc rồi leo lên xe, cảm thấy thất bại, chuyến du lịch lần này có lẽ hoàn toàn thất bại rồi; sự hối hận đó làm anh đứng ngồi không yên.

Người đó có lẽ vẫn còn ở đây. Chiếc xe hơi chạy men theo bờ đá của hồ Suwako. Anh cảm thấy nước hồ trong bóng đêm ngưng đọng lại như chì, có lẽ không con tôm con cá nào sống được ở đây cả. Anh Kasai cố tình không nhìn vào mặt nước hồ nhưng cái vẻ hoang lương bi thảm đó vẫn lọt vào trong tầm nhìn khiến anh rơi vào tâm trạng vô vọng, không còn có chốn nào để đi, như muốn dùng dao cứa đứt cuống họng, như muốn kê khẩu súng lục vào trong miệng mình mà bóp cò một cái đoàng. Người đó có lẽ vẫn còn. Người đó, có lẽ vẫn còn ở đây. Khi nghe mẹ bệnh nặng mà chạy về gấp thì tâm trạng chắc cũng đến như thế này thôi chăng? Mình là kẻ mê muội. Mình là kẻ ngu độn. Mình là kẻ mù loà. Cứ cười đi, cứ cười đi. Mình là, mình là kẻ trụy lạc. Không hiểu biết một chút gì. Là một khối hỗn độn. Là nước tắm nguội. Thua rồi, đã thua cuộc rồi. Mình hèn kém hơn bất cứ ai. Chỉ có nỗi khổ não, chỉ có sự khổ não, mà mình không hiểu được nguyên do. Không nói ra được là mình khổ não cái gì. Đùa hay sao chứ? Chiếc xe hơi cứ chạy xuyên qua mấy bờ đá cuối cùng đã trông thấy những ánh đèn của khu phố Kamisuwa hiện ra rải rác đó đây. Cơn mưa rào cũng đã tạnh.

Lữ quán Tatsunoya là quán cũ kỹ nhất nhưng sang trọng nhất ở khu Kamisuwa này. Khi anh xuống xe, bước vào hành lang thì nghe giọng chào lạnh lùng “xin chào quý khách” của cô chủ quán trên dưới bốn mươi tuổi có gương mặt trắng xanh, mặc áo cổ cao siết chặt đến đau cả cổ.

“Ngài đến ngủ trọ ạ?”

Cô chủ quán không nhớ ra anh Kasai.

“Xin cảm phiền cô.”

Anh Kasai mỉm cười yếu ớt, khẽ cúi đầu.

“Đến phòng hai mươi tám,” cô chủ ra lệnh cho người hầu gái bằng giọng nhỏ nhẹ, không mỉm cười chút nào.

“Vâng ạ,” cô hầu gái chừng mười lăm, mười sáu tuổi đứng dậy.

Đúng lúc ấy, người đó chợt tình cờ đi ra.

“Không, phòng số ba ở dãy riêng.”

Người đó nói giọng gấp gáp rồi nhanh chóng chạy lên phía trước anh Kasai dẫn đường. Nàng tên là Yuki.

“Anh hay đến nhỉ, hay đến nhỉ,” nàng lặp lại hai lần rồi đứng lại, “anh hơi có da có thịt một chút rồi đấy nhé.” Yuki lúc nào cũng đối xử với anh như với một đứa em trai. Nàng hai mươi sáu tuổi. Chắc chắn là nàng trẻ hơn anh Kasai đến chín tuổi nhưng người nàng toát ra vẻ chín chắn điềm đạm của người đã từng trải qua vất vả phong sương. Gương mặt nàng tiểu biểu cho thời đại Thiên Bình.[5] Cằm đầy đặn, mắt nhỏ dài và nước da trắng. Nàng mặc chiếc kimono đen, có vân đơn giản. Là nhóm trưởng của các người hầu gái ở đây. Nàng nói đã học trường cao đẳng nữ đến năm thứ ba. Nàng là người Tokyo.

Anh Kasai được nàng Yuki dẫn qua một hành lang dài và do cái tật đã nói ở trên nên anh đi mà vai phải cứ nhô lên một cách không tự nhiên. Vừa đi anh vừa vẩn vơ kiếm tìm căn phòng số hai tám mà khi này cô chủ quán đã nói. Cuối cùng anh kiếm không ra nhưng đó có phải chẳng là căn phòng tồi tàn hình tam giác ở dưới chân cầu thang không? Chắc chắn là đó rồi. Chắc chắn đó là căn phòng hạ đẳng nhất ở lữ quán này. Tại vì trang phục mình tệ hại quá mà. Đôi guốc thì dơ bẩn. Đúng vậy, là do quần áo của mình đây, anh Kasai thấm thía. Lên cầu thang, đến tầng hai.

“Căn phòng này trước đây anh đã thích đấy.”

Yuki nói với khuôn mặt có vẻ đắc ý nhưng điềm đạm.

Anh Kasai mỉm cười đắng nghét. Đây là dãy nhà riêng biệt, có thiết kế những phòng đàng hoàng, những căn phòng thượng đẳng. Có cả ban công, nơi vườn hoa của lữ quán vào thu năm ngoái, hoa chuông đã nở đầy đến mức kinh ngạc. Cái hồ ở phía đằng kia khu vườn, nhìn ra thấy một màu xanh. Thật là một căn phòng rất tuyệt. Anh Kasai vào mùa thu năm ngoái đã nghỉ ở đây chừng năm sáu ngày để làm việc.

“Hôm nay tôi chỉ ghé đây để chơi thôi. Cũng thử muốn uống rượu cho đến chết xem thử ra sao. Vì vậy mà phòng ốc thế nào cũng được.”

Anh Kasai đã bình tĩnh lại được một chút, nói bằng giọng điệu vui vẻ.

Sau khi thay đồ dotera[6] của lữ quán, kê cái bàn ra, ngồi đối diện đàng hoàng với Yuki, anh Kasai mới lần đầu tiên mỉm cười từ thâm tâm.

“Cuối cùng thì...” anh nói đến vậy rồi bất giác thở dài sườn sượt.

“Cuối cùng thì...”, nàng Yuki mỉm cười nhu thuận hỏi lại.

“A, a, cuối cùng, cuối cùng thì... Biết nói sao bây giờ nhỉ. Tiếng Nhật thật bất tiện. Khó quá. Cám ơn em. Em thường ở bên cạnh với tôi. Đã cứu giúp tôi. Nước mắt sắp sửa chảy đây.”

“Em không hiểu. Đó chẳng phải là việc của em sao?”

“Có lẽ vậy. Suối nước nóng. Hồ Suwako. Nhật Bản. Không, cuộc sống. Tôi nhớ nhung tất cả. Chẳng có lý do gì. Tôi cám ơn với tất cả. Mà không, chắc chỉ là tâm trạng của một khoảnh khắc này thôi,” vì toàn nói những lời kiểu cách nên anh Kasai cũng thấy hơi ngượng.

“Rồi thì anh quên ngay hết chứ gì? Mời anh dùng trà.”

“Tôi chưa từng quên bất cứ điều gì cả đâu. Chắc em vẫn không hiểu nhỉ. Thôi tôi đi tắm cái đã. Phiền em mang rượu lên giùm cho.”

Do nhiệt tình phấn khích quá nên anh uống rượu không được nhiều. Mà đêm đó dường như Yuki cũng bận, cho dù có mang rượu lại cho anh rồi ngay lập tức lại phải đi chỗ khác, các người hầu gái khác cũng không đến thành ra anh Kasai cứ một mình nốc rượu tì tì. Mới đến bình thứ ba thì đã say, với tay cầm lấy điện thoại được gắn trong phòng.

“Alô, alô. Tối nay có vẻ bận rộn quá nhỉ. Không thấy ai đến cả. Xin hãy gọi geisha. Hãy gọi giùm một cô geisha tầm trên ba mươi tuổi ấy.”

Một lát sau, anh lại gọi điện.

“Alô, alô. Geisha vẫn chưa đến sao? Uống rượu say một mình ở căn phòng cách biệt như thế này thì chán lắm. Xin hãy mang bia lên. Lần này không phải rượu mà là bia nhé. Alô, alô, giọng nói của em sao mà dễ thương.”

Giọng nói dễ thương. Cái giọng trả lời “vâng, vâng” ngoan ngoãn của người con gái xa lạ có pha tiếng cười khúc khích vang vọng vào tai anh Kasai đã say khướt nghe thật tuyệt diệu làm sao.

Yuki mang bia đến cho anh.

“Nghe nói anh gọi đoàn geisha à? Thôi đi, chán lắm.”

“Thì chẳng có ai đến cả mà.”

“Hôm nay không hiểu sao lại bận rộn quá. Anh có vẻ say rồi đấy. Xin hãy đi nghỉ sớm đi.”

“Alô, alô. Cô Yuki bảo là geisha chán lắm. Cô ấy bảo thôi đi nên thôi không gọi nữa. Xin hãy mang thuốc lá lên. Thuốc ‘Three Castles’ ấy. Tôi muốn thưởng thụ sự xa xỉ xem sao. Xin lỗi nhưng mà giọng em dễ thương quá,” anh lại khen.

Yuki đến trải chăn nệm cho anh. Vừa nằm xuống anh đã nôn. Yuki nhanh chóng thay tấm nệm khác cho anh. Rồi anh ngủ vùi.

Sáng hôm sau, anh Kasai thiếu điều muốn rên rỉ. Nhớ lại sự yếu ớt, vô khí lực của mình đêm qua, anh xấu hổ đến chết được. Ghê gớm thật, đây là chủ nghĩa lãng mạn đấy. Nôn đến mật xanh mật vàng luôn. Thấy phẫn nộ, anh lấy chân đá vào đống chăn rồi đứng dậy, đi tắm. Anh bơi lung tung trong cái bể tắm rộng, chẳng cần thể diện gì, dám bơi ngửa luôn, nhưng nỗi u uất trong tâm can không hề tan biến. Làm ra vẻ mặt sưng sỉa, anh bước mạnh bạo lộp cộp về phòng thì thấy một người hầu gái xa lạ chừng mười lăm mười sáu tuổi, dáng người nhỏ nhắn mặc chiếc tạp dề trắng đang lau dọn phòng cho anh.

Thấy anh Kasai, nàng mỉm cười vẻ thân thiết.

“Hôm qua nghe nói anh đã say sưa. Giờ anh đã cảm thấy khoẻ chưa ạ?”

Bất chợt anh nhớ ra.

“A, biết giọng em rồi, biết rồi.” Đó là giọng nói của người con gái trong điện thoại.

Cô gái cúi người xuống, vừa cười vừa tiếp tục lau dọn phòng cho anh. Anh Kasai cũng cảm thấy thoải mái, đứng ngay ở cửa vào và thư thả hút thuốc.

Người con gái quay mặt lại.

“Mùi hương thơm quá. Có phải là mùi thuốc lá ngoại quốc mà anh gọi đêm qua không? Em thích mùi hương đó lắm. Đừng để nó bay mất.”

Nàng bỏ cái giẻ lau xuống, đứng dậy rồi nhanh chóng đóng cửa hành lang, cửa thông ra ban công, rồi khép cả cánh cửa giấy trong phòng nữa. Sau khi đóng cửa xong, hai người mới thấy bối rối. Thật là một chuyện kỳ khôi. Không phải là anh Kasai tự hào gì. Không, đúng ra anh Kasai chỉ có đúng sự tự hào mà thôi. Chuyện bậy bạ. Chuyện xấu mà được tiến hành theo kiểu ngây thơ trong sáng thế này quả thật anh Kasai chưa từng nghĩ tới. Anh thấy thật là dễ thương. Anh thấy mình đã cảm nhận được trực tiếp mùi ruộng đồng nguyên sơ quê mùa, đã nhìn thấy một bông cúc quỳ trắng muốt.

Cánh cửa giấy bất chợt mở ra.

“Thưa...”, Yuki vừa cất lời như thế đã ngậm ngay miệng lại. Trong vòng năm sáu giây sau, Yuki không nói được lời nào nữa.

Nàng đã nhìn thấy. Trong một khoảnh khắc, cái chuồng chim đen đúa, dơ bẩn đã rơi xuống đất vỡ tan tành. Không phải chỉ là khói đen vạn trượng, hổ thẹn hay hối hận mà thôi. Anh Kasai muốn giả vờ như mình đã chết.

“Không biết anh đi bằng chuyến tàu lúc mấy giờ ạ?”, Yuki đã lấy lại sự điềm tĩnh, hỏi lại ngay như không có chuyện gì xảy ra.

“Chà,” người con gái kia vẫn điềm nhiên một cách kỳ quái. Anh Kasai thậm chí còn nghĩ mình có thể tin tưởng được nàng. Rồi anh nghĩ đúng là không tài nào mà hiểu được bọn con gái cả.

“Tôi sẽ về ngay. Không cần cơm nước gì đâu. Xin hãy thanh toán cho ạ.”

Anh Kasai vẫn nhắm mắt. Vì chói mắt, vì hoảng sợ nên anh không thể nào mở mắt cho nổi. Anh muốn mình cứ vậy mà hoá thành đá.

“Em hiểu rồi ạ,” lời nói của Yuki không có chút gì là khó chịu, nàng chào anh rồi rút lui khỏi căn phòng.

“Nàng ấy nhìn thấy rồi. Nhưng chúng ta đàng hoàng mà.”

“Chẳng sao cả đâu,” người con gái điềm nhiên, ánh mắt rất trong sáng.

“Anh thật sự về ngay à?”

“Về ngay,” anh Kasai cởi áo dotera rồi bắt đầu sửa soạn. Anh nghĩ thay vì vụng về sữa chữa cái thể diện của mình, cố gắng chịu đựng để ở lại, thì chẳng thà để cho người ta thấy sự thất thế của mình, nhanh chóng bỏ chạy được nhanh phút nào hay phút ấy thì còn thông minh và đàng hoàng hơn. Anh cảm thấy điều đó là không thể nào tránh khỏi. Mình đã hoàn toàn trở thành một kẻ có hành vi cư xử đáng hổ thẹn rồi. Không còn điểm nào trong sạch nữa cả. Đã lấm lem dầu mỡ, đục ngầu, không còn thể diện nữa. A, mình viễn viễn không phải là chàng Werther. Mình không phải tự trách mình về với hành vi đó. Xui xẻo thôi. Mất thể diện, không được nữa rồi. Chỉ trong một khoảnh khắc đó thôi, mình đã thoát ly hoàn toàn cái chủ nghĩa lãng mạn. Đó thực sự là một khoảnh khắc đáng sợ. Bị nhìn thấy rồi. Yuki đã nhìn thấy mình chọn người không thích hợp rồi. Anh Kasai với vẻ mặt vừa kỳ lạ vừa xấu xí, nội tâm thì mang một hòn lửa loạn động bùng bùng cháy, ngơ ngác không hiểu gì mà đi tính tiền. Sau khi đưa thêm năm yên tiền típ, anh lập cập mang guốc vào.

“Thôi tạm biệt, lần tới tôi sẽ đến nghỉ thư thả hơn,” anh nói với vẻ hối tiếc như muốn khóc.

Nơi hành lang lữ quán, anh thấy cô chủ có gương mặt trắng xanh, rồi đến Yuki rồi cả cô gái lúc nãy nữa đứng xếp hàng cúi đầu chào anh trịnh trọng, tất cả đều mỉm cười hiền dịu và điềm đạm đưa tiễn anh Kasai.

Anh Kasai thì không được như thế. Ra đến đường rồi anh kêu lên “quác quác”, nhìn ngược nhìn xuôi, cứ muốn chạy vòng vòng như Thiên Lôi vậy. Mình thật vô dụng. Tạm biệt Shelley, Kleist, a..., và cả Pushkin nữa. Tôi không phải là bằng hữu của các bạn. Các bạn thật đẹp. Đừng làm những chuyện mất thể diện như tôi. Tôi bị người ta nhìn thấy, thế là hoàn toàn trở thành một kẻ theo chủ nghĩa hiện thực khốn kiếp. Không phải chuyện cười đâu. Tôi đã rơi xuống đáy địa ngục mười vạn ức thổ. Có tẩy rửa mãi mình cũng không phải là mình của ngày xưa nữa rồi. Trong một khoảnh khắc mình đã rơi xuống sự thê thảm như thế này. Thật như một giấc mơ. A, a... nếu như là một giấc mơ thì hay biết bao. Đâu, đâu có phải mơ đâu. Yuki lúc ấy chắc chắn đã ngậm miệng không nói được mà. Nàng đã choáng váng. Mình muốn cắn lưỡi mà chết. Sau ba mươi lăm năm, người ta phải rơi xuống tận đây à? Sau đó còn gì nữa? Mình vĩnh viễn không phải là một vị thân sĩ được. Mình thua cả con chó. Nói dối. Mình bằng với con chó.

Làm thế nào cũng không được nữa, anh Kasai đi đến trạm xe mua vé hạng hai. Anh thấy mình được cứu giúp một chút. Trong vòng mười năm trở lại đây, lần đầu tiên anh lên toa hạng hai. Tác phẩm. Đột nhiên anh nghĩ đến điều đó. Chỉ có tác phẩm thôi. Chính vì lần này bị đá văng khỏi thế giới mà anh biết được rõ ràng tầm mức quan trọng của công việc mình. Anh muốn tạo cho mình một con đường sống. Một vị vua của bóng tối.[7] Bình tĩnh lại nào.

Anh về thẳng nhà. Tiền bạc còn hơn phân nửa. Nói tóm lại là chuyến du lịch tuyệt vời. Không hề có ý mỉa mai. Có lẽ anh Kasai sẽ viết ra được tác phẩm hay đấy.

 

Dịch xong tại Nagoya ngày 24/8/2012
Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

 

_________________________

[1]Andrea del Sarto (1486-1531), hoạ sĩ Ý, thời Phục Hưng.

[2]Henry Becque (1837-1899): kịch tác gia người Pháp.

[3]Nguyên văn là “Lạc ngữ toàn tập” 落語全集. Lạc ngữ 落語 (Rakugo) là một kiểu tấu hài do một nhân vật đăng đàn kể chuyện hoạt kê, rất thịnh hành ở Nhật Bản.

[4]Chơi chữ. Nguyên văn tên đường là Kisoji 木曽路 “Mộc tằng lộ”, có nghĩa là đường mà cây cối chập chồng lên nhau, ý nói đường khúc khuỷu, gập ghềnh.

[5]Thời đại Thiên Bình (天平時代), tức là thời đại Nara (奈良時代), kéo dài từ năm 710 đến năm 794, đây là tên thường gọi trong văn hoá sử và lịch sử mỹ thuật.

[6]Dotera どてら: Loại áo bằng vải bông, có tay rộng, được may dài và rộng hơn quần áo bình thường, mặc để giữ nhiệt hay để ngủ.

[7]Nguyên văn “ám hắc vương” 暗黒王. “Ám hắc” 暗黒 là sự tối tăm, không có trật tự. Ý của Dazai chắc muốn nói anh Kasai sẽ tiếp tục sống được trong cảnh tăm tối như ở đầu truyện.

 

 

------------

Đã đăng:

Một ngày trọng đại  (truyện / tuỳ bút) 
Nhật ký ngày hôm nay phải ghi trang trọng đặc biệt mới được. Vào ngày tám tháng mười hai năm Chiêu Hòa thứ mười sáu (1941), một bà nội trợ trong một gia đình nghèo ở Nhật Bản đã trải qua một ngày như thế nào, nay thử viết ra xem sao. Biết đâu chừng trăm năm sau, khi Nhật Bản đang khánh chúc năm kỷ nguyên hai ngàn bảy trăm, người ta tìm ra quyển nhật ký của tôi đang vùi chôn đâu đó dưới lòng đất và biết được một người nội trợ Nhật Bản cách đây một trăm năm trước đã sống qua một ngày trọng đại như thế nào để có chút tham khảo lịch sử... [Bản dịch của Hoàng Long] (...)
 
Đêm tuyết  (truyện / tuỳ bút) 
... Và khi chợt nhớ ra câu chuyện này, tôi quyết định sẽ lưu giữ cảnh tuyết rơi tuyệt vời đêm nay vào trong võng mạc của mình và khi về đến nhà tôi sẽ bảo chị Kimiko nhìn vào mắt tôi rồi chị sẽ sinh một đứa bé vô cùng xinh đẹp... [Bản dịch của Hoàng Long] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021