thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kết tinh

 

Tôi quen biết ông đã gần mười năm, kể từ khi tôi đến ngụ trong con hẻm này. Ông là kết tinh tất cả những gì mà tôi gọi là “sự khôn ngoan trong hẻm sâu”. Nhưng trước khi nói về ông già gân ấy, tôi cần phải có vài dòng về con hẻm...

Điều trước tiên, những con hẻm Sài Gòn hầu hết đều ngoằn ngoèo và khó lường. Chúng gần giống như chỉ tay, bởi mỗi con hẻm là duy nhất và không bao giờ có phiên bản. Chúng có thể bất ngờ rẽ ngang hoặc co thắt lại, hay có khi đột nhiên cụt lủn không lối thoát. Con hẻm tôi ở thuộc loại sau cùng này...

Đó là một sự đánh lừa tinh vi. Bởi từ ngoài đi vào, ban đầu trông nó rất bề thế vì có thể chạy được một chiếc xe hơi, nhưng sau đó nó nhỏ dần, có chỗ nhỏ đến mức hai chiếc xe đạp đi ngược chiều không lọt. Nhưng khi đến cuối hẻm, một không gian lạ lùng bất ngờ được mở ra. Đó là nơi gần như tĩnh lặng, mọi xô bồ biến mất. Có cả một gốc mận già đang sai quả và vài chùm bông giấy đỏ trắng lay động khi những cơn gió hiếm hoi thổi qua.

Ông già gân ở trong chót cùng con hẻm. Vì thán phục sự thông thái của ông nên đôi lúc tôi cứ nghĩ ông có được điều đó là do ở vào chỗ sâu nhất của một cái giếng. Vì vậy, có gì lắng đọng đều vào chỗ ông.

Có lần ông già đưa cho tôi coi một vật hơi lạ, trông giống như một hòn sỏi lớn, và hỏi:

“Đố anh đây là cái gì?”

“Một hòn sỏi.” Tôi trả lời mau lẹ.

“Gần đúng, nhưng nó đặc biệt hơn một hòn sỏi thông thường.” Ông già tươi cười nói thêm.

Tôi nhìn kỹ, hòn sỏi trông không được tròn lắm, đường kính chỗ dài nhất cỡ gần hai đốt ngón tay, màu nâu xỉn, chẳng có chút vẻ sáng sủa thường thấy ở những hòn sỏi nơi sống suối. Nhưng tất cả những điều đó cũng không thể làm cho nó đặc biệt hơn những hòn sỏi khác theo như lời ông nói.

Có điều lạ, ông già có vẻ rất quý hòn sỏi. Ông đặt nó trong một cái hộp bọc nhung – loại thường chỉ để đựng vàng.

Quả thực phải có gì khác thường ở đây.

Đôi lúc người ta trân trọng một vật tầm thường bởi tính chất của sự kiện mà nó tham gia. Ví dụ một người giàu có treo trang trọng một đôi quang gánh rách nát chỉ để kỷ niệm cái thuở hàn vi đi buôn ve chai, hay một người lính giữ lại đầu đạn được bác sĩ lấy ra từ da thịt mình...

Có lẽ, viên sỏi cũng có một vai trò đặc biệt nào đó trong cuộc đời ông già.

“Có phải là một kỷ vật đặc biệt của thời trai trẻ?” Tôi hỏi ông.

“Gần đúng.” Ông lại bật cười rồi nói tiếp: “Còn hơn cả vậy, nó là kết tinh của cả một đời người.” Vẻ mặt ông trông hơi bí hiểm.

Tôi đoán ông đang cố tình đùa giỡn. Thường trước một câu chuyện đặc biệt nào đó, ông hay thử thách trí não tôi, và qua đó thử thách cả lòng kiên nhẫn. Tôi luôn biết vậy, nhưng lần nào cũng chịu thua. Và lần này cũng không ngoại lệ:

“Cháu chịu thua, chú nói luôn đi, nóng ruột quá.” Tôi nói và cười hì hì.

Ông lại nổi cười thật lớn rồi mới chịu nói:

“Bác sĩ mới lấy nó ra từ bàng quang của chú. Bác sĩ nói, để có được viên sỏi lớn như vậy, nó phải kết tinh cả một đời người. Mà chú sống gần hết đời rồi còn gì. Hơn bảy mươi năm chỉ để thành một cục xấu xí gây đau đớn như vậy, nghĩ cũng kỳ...”

Nói đến đây ông có vẻ trầm ngâm. Nhưng tôi biết ông đang im lặng để cho tôi kịp thấm cái điều mà ông không bao giờ nói ra.

Những câu chuyện của ông chưa bao giờ rơi vào tình trạng như con hẻm chúng tôi đang sống: cụt lủn và không lối thoát. Nó luôn là một sự đánh lừa tinh vi. Cứ tưởng hết rồi, nhưng đột nhiên nó lại rẽ ngang, đâm sâu hun hút và mở bừng ra thênh thang.

Bởi vậy, nó luôn ngoằn ngoèo và vô định...

 
 
 
---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021