thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những con mắt loài bò

 

Mắt người tình buồn như mắt loài bò... [§]

 

Không biết bây giờ thì thế nào, chứ ngày xưa khi tôi còn bé, để đánh số một con bò tôi thấy người ta dùng những thanh sắt uốn theo hình những con số, nung đỏ, rồi áp vào lưng nó. Con bò rống lên một tiếng đau đớn dữ dội, như một tiếng thét, hai chân trước dựng lên trời, hai chân sau bước lảo đảo. Tiếng rống của nó có âm vực cao, the thé, không giống như tiếng rống bình thường của loài bò: trầm và đục. Nhưng dù đau đớn đến đâu, bò cũng không bao giờ dám quay đầu phản ứng lại sự ác độc của mấy gã người tay roi tay thừng đứng quanh nó. Nó đổ quỵ xuống, rồi gượng dậy, chạy ra xa. Từ đó, nó mang trên lưng một con số, mang mãi mãi, cho đến khi chết gục hay vào lò sát sinh. Nếu những hiện tượng xảy ra là những lời nhắn gởi, thì phải chăng các chứng bệnh bò điên, bệnh lở mồm long móng của loài bò là một thông điệp mà thiên nhiên gởi đến cảnh báo con người: sao các người ác độc thế...

Tôi nhớ mang máng mấy câu thơ đọc lâu rồi như sau:

Tôi như con bò đực

Mang dưới háng một quả cà

Và trên lưng một dấu sắt nung.

 

*

 

Ngày ấy tôi tám tuổi, sống ở vùng ven thị trấn. Trẻ con, nhất là con trai, thường thích bắt chước những hành động ngổ ngáo hay phi thường của các nhân vật trên màn ảnh. Sau khi xem bộ phim Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, tôi và những đứa bé trong xóm đứa nào cũng sắm một thanh kiếm gỗ. Còn khi xem bộ phim Ngũ Quỉ Miền Viễn Tây, thì đứa nào cũng có một cái mũ cao-bồi, một cây súng nhựa. Loại súng có thể bắn nhau bằng những sợi dây thun. Súng thì có rồi, nhưng làm sao để có ngựa cho đủ bộ đây? Thế là chúng tôi rủ nhau đến chuồng bò. Không có ngựa thì cưỡi bò cũng được. Bang bang! Tôi giơ súng bắn vào tim con bé Hà con của ông thượng sĩ, nhà trong trại gia binh. Con bé có đôi mắt luôn ngấn nước cứ như đang khóc. Nó giả vờ ôm ngực ngã xuống, rồi oà khóc. Khóc thật. Con bé ngã mà sao con tim ác độc của tôi cũng nhói đau. Buổi chiều về, tôi ra đồng gom rạ về làm ổ cho nó nằm chờ ngày làm mẹ sanh con trong trò chơi giả làm người lớn.

Chuồng bò là một khoảng đất rộng hơn nửa sân bóng đá, tường xây bao quanh, nhốt mấy chục con bò. Khi bị chúng tôi nhảy lên lưng, có con lồng lộn tìm cách hất xuống; có con sải chân chạy huỳnh huỵch; có con bình thản như không có thằng nhóc đang ngồi trên lưng nó, lừ đừ vung đuôi đuổi ruồi trong trưa nắng, coi đời như pha. Tôi thường nhắm những con thuần tính, hiền lành. Có khi may mắn xí phần được con mang số 33. Con bò tơ lông vàng này hễ có người nhảy lên lưng là nó chạy lon ton từng bước ngắn, rất êm, dễ điều khiển. Tôi rạp mình ôm cổ nó hò reo đến khản giọng. Ngoài khoảng đất rộng cho bò đi lại, chuồng bò còn có một dãy nhà xây chia thành từng ngăn nhỏ để chứa rơm và nhốt những con bò đau ốm. Ông Tây Chuồng Bò ở trong căn phòng cuối dãy chuồng đó. Sống một mình.

Tôi nhớ ông cao và gầy, cao hơn những người cao nhất trong vùng cả cái đầu. Nếu chỉ nghe ông nói, không ai biết ông là người ngoại quốc. Ông nói tiếng Việt giỏi như một người Việt sống ở miền Bắc, ngoài cái giọng hơi cứng ra thì cách sử dụng từ và phát âm rất chuẩn. Mỗi lần ông ra chợ, nhiều người tò mò dừng tay để nghe ông nói. Đôi mắt xanh biếc, cái mũi lõ, nhưng miệng thì lại nói: “Gớm, sao mà đắt thế, nói thách vừa vừa thôi bà ạ. Bớt cho tôi đi.” Thật là ngộ. Các thức ông thường mua là bánh mì, khoai lang và chuối. Toàn bộ con người ông toát ra một cái gì ẩm mốc, nhàu nát và cũ kỹ như bộ đồ kha-ki ông thường mặc. Đến bây giờ tôi cũng không biết ông là chủ những con bò hay có phần hùn trong vùng đồn điền khai thác cao-su ở đây. Ông đạp xe đến nhà dạy tiếng Pháp cho vài người trong vùng, trong số đó có ba tôi. Những lúc đó các học trò, nhiều người có chút chức quyền, vẫn kính cẩn gọi ông là thầy. Ông sống thanh đạm, có phần nghèo nàn. Người lớn đồn rằng ông thất tình, buồn tình gì đó, đăng lính qua Việt Nam rồi ở lại, không về Pháp nữa. Nhưng tuyệt nhiên người ta không thấy ông có một người đàn bà nào, đời sống âm thầm và hẳn là cô quạnh.

Có hôm lũ chúng tôi đang đùng đoàng bắn nhau trên lưng bò thì trời mưa, mưa lớn. Vùng đất đỏ hay có những cơn mưa rừng xối xả như thế. Trong màn nước giăng mù mịt là những ngọn cao-su chao qua chao lại ngả nghiêng, tiếng cây gãy trong tiếng đất trời thịnh nộ. Chúng tôi xuống “ ngựa” chạy vào núp dưới mái hiên phòng ông Tây. Căn phòng ẩm và tối, thoang thoảng mùi phân bò. Ở góc phòng là cái bếp dầu, cái ấm, đồ đạc lỉnh kỉnh và cái kệ sách có những quyển tróc mất bìa. Gần cửa ra vào, có một sợi dây thừng, một đầu buộc trên xà nhà, đầu kia đang ngún lửa. Sau này tôi biết đó là một cách giữ lửa của ông, sợi dây cháy âm ỉ suốt ngày đêm, cháy hết sợi này thì thay sợi khác mà không cần bật lửa. Ông Tây ngồi trên cái ghế bố vải nhà binh, tay cầm tẩu thuốc đã nhồi nhưng không hút. Ông ngồi im lặng, không nhìn bọn trẻ con co ro ướt át, không nhìn cơn mưa trắng lạnh. Ông nhìn mãi vào đốm lửa ở đầu sợi giây thừng. Như thể cứ nhìn vào đấy sẽ làm ông đỡ lạnh hơn. Mắt ông đẹp và buồn. Trong phim, tôi thấy những ông Tây mặc áo ghi-lê, đội mũ cao, hút ống tẩu, dắt tay những bà đầm mặc váy hoa, tóc óng vàng như màu rơm. Trông họ đường hoàng, sang trọng, là những vị thần đi thong dong trên những con đường đẹp đẽ sáng láng ở nơi xa xôi đâu đó, chắc là ở thiên đàng trong trí tưởng tôi. Hay tệ lắm, cũng là anh cao-bồi Lucky chân bước đi khuềnh khoàng, rút súng nhanh hơn cái bóng của mình nhưng không bao giờ bắn chết ai. Còn lúc này, nhìn ông Tây nhàu nát, cũ kỹ, ẩm mốc, không dưng lòng tôi chùng lại, đoán rằng chắc đây là một vị ác thần phạm tội, bị trời đầy đoạ xuống trần gian làm kiếp chăn bò.

Về sau, tôi nhận ra rằng đôi mắt buồn bã của ông đã lấy mất chút ngây thơ của lũ trẻ con chúng tôi. Những đứa trẻ mẫn cảm đột nhiên trực diện với một điều gì lớn lao, choáng ngợp, nhưng sâu sắc lắm. Một trực cảm siêu hình của kiếp người tha hương và đoạ lạc. Chúng tôi ngồi im, len lén nhìn ông cho đến khi trời tạnh.

Mấy mươi năm trôi qua, tưởng đã quên mất ông Tây và những con bò trong ký ức xa xôi. Nhưng hôm rồi tôi về thăm anh bạn cũ ở Bù Đăng thì hình ảnh buổi chiều mưa ấy lại hiện về. Anh kể có nuôi hai con bò, một đực một cái. Túng thiếu bất ngờ, anh bán mất con cái. Người mua dắt nó đi xa lắm, mãi bên kia ngọn đồi, sau cánh rừng bạch đàn. Buổi chiều dần tối, tôi và anh bạn dắt con bò đực còn lại ra cánh đồng sau nhà cho ăn cỏ. Đang trò chuyện, chúng tôi thoáng nghe mơ hồ một tiếng bò rống vọng đến từ rất xa. Tôi nghĩ mình nghe lầm, nhưng con bò trước mặt ngừng gặm cỏ. Nó quay nhìn về phía có tiếng rống, ngúc ngắc đầu nghe ngóng. Bỗng dưng nó cũng rống lên rồi lao đầu chạy. Bạn tôi nắm kịp sợi dây, giữ lại. Anh cười: “Tiếng ái tình gọi đấy.” Con bò không gặm cỏ nữa. Nó cứ nhìn tuyệt vọng về ngọn đồi ở xa, phía sau cánh rừng bạch đàn. Đôi mắt đẹp và buồn rợn người. Trong bóng tối, dĩ vãng ùa về. Đôi mắt ngấn nước của bé Hà, đôi mắt Ông Tây Chuồng Bò. Bang bang! Buổi chiều mưa trong rừng cao-su. Những cành cây gãy. Đốm lửa leo lét cháy đầu sợi dây thừng. Giống hệt. Giống hệt như một cuốn phim cũ có đoạn trầy xướt tạo thành những vệt sáng lăng quăng rọt rẹt trên màn vải.

Bang bang!

 

____________

[§]Thơ Thận Nhiên.

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021