thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cuốn sách tôi chưa đọc

 

cho Lan

 

Cuốn sách tôi chưa đọc, ở đây nghĩa là cuốn sách tôi đã bắt đầu khởi sự đọc nhưng chưa đọc xong hết toàn bộ. Với tôi, chỉ có những cuốn sách đã đọc hoặc chưa đọc, không có cái gọi là cuốn sách đọc dang dở. Vì vậy, tôi tự xếp những cuốn sách mình đang đọc dang dở vào loại sách tôi chưa đọc. Dĩ nhiên, điều này không phải là do tôi luôn đồng bộ hoá giữa việc dang dở và việc hoàn toàn chưa làm. Chỉ những cuốn sách mới có đặc quyền khác thường đó. Vì một bộ phim hay một việc gì đó tôi đang làm dang dở, tôi vẫn nghĩ là mình đã bắt đầu làm nó rồi, nhưng chưa hoàn thành nó. Cảm giác về điều này rất rõ ràng. Nếu tôi xem một bộ phim và bỏ dở nó giữa chừng, tôi vẫn nghĩ rằng mình đã xem nó, tôi nhớ được câu chuyện đang diễn ra như thế nào cho đến khi mình dừng lại không xem nữa. Còn những cuốn sách thì khác. Nếu tôi bỏ dở nó giữa chừng, tôi luôn có cảm giác mình hoàn toàn chưa đọc nó vì tôi hầu như không nhớ nhiều nội dung của nó, thậm chí dù đã đọc hơn phân nửa, tôi vẫn cứ có cảm giác việc chưa đọc một trang nào và đang đọc dang dở là như nhau. Có lẽ vấn đề mấu chốt nằm ở đây là cảm giác về sự dự tưởng. Khi xem một bộ phim hay làm một việc gì đó, sự dự tưởng của tôi về tiến trình sẽ diễn ra đi xa hơn nhiều so với tiến trình mà tôi đang thực hiện, nhiều khi tôi có cảm giác như mình đã dự tưởng được cả kết thúc của nó. Cho dù sự dự tưởng đó, về sau nay, không hẳn lúc nào cũng là đúng, nhưng cái cảm giác tin chắc chắn vào sự dự tưởng của mình làm tôi không mấy bận tâm đến phần việc dang dở còn lại mà tôi chưa làm xong. Nhưng một cuốn sách thì khác. Nó sẽ cho tôi hoặc hàng ngàn cái dự tưởng, hoặc là không một dự tưởng nào cả. Tôi không thể chắc chắn về điều gì. Phần dang dở tôi chưa đọc xong làm tôi hoang mang. Mỗi người có một cách thức khác nhau để ghi nhớ. Thường thì người ta sẽ ghi chép lại dưới nhiều dạng thức: viết, chụp hình, quay phim, thu âm... hoặc là người ta chọn một vài điểm ấn tượng làm từ khoá, để từ đó, nó trở thành trung tâm và người ta sẽ nhớ lại hết toàn bộ sự việc giống như cách thức của bản đồ tư duy. Còn tôi, cách thức để tôi nhớ một sự việc lại là sự dự tưởng và những câu hỏi. Vào thời điểm, một việc gì đó đang xảy ra, tôi sẽ đặt một vài câu hỏi ở thì tương lai, và đương nhiên câu trả lời cũng mang tính chất dự tưởng. Sau này khi muốn nhớ lại sự việc đó, tôi sẽ bắt đầu đi từ những câu hỏi và câu trả lời mà tôi đã đặt ra ở thời điểm đó. Điều này, đôi khi xảy ra một vài trục trặc, có những trường hợp tôi nhầm lẫn giữa việc thực tế đã xảy ra với việc mà tôi đã dự tưởng trong quá khứ. Có nhiều người bảo tôi rằng tôi nên chọn một cách thức khác để ghi nhớ sự việc đơn giản hơn, mà với họ, cách đơn giản nhất thường là viết. Nhưng vấn đề của tôi còn nằm ở việc khi tôi viết, hoặc là chụp hình, quay phim, thu âm..., não của tôi dường như ngừng hoạt động. Những lúc đó, tôi không thể tư duy được. Những lúc đó, tôi không hề có bất cứ một dòng suy nghĩ nào. Tôi biến thành một cái máy đúng nghĩa và chỉ làm công việc nó đang làm. Vì vậy, khi xem lại chính thành phẩm có được từ việc ghi chép của mình, tôi luôn cảm giác có một điều gì đó không thực. Giống như thể cho dù chính sự kiện ấy là thực, nhưng đó không phải là sự kiện mà bản thân tôi đã trải nghiệm vì tôi hoàn toàn chẳng nhớ bất cứ suy nghĩ nào của mình vào lúc đó, những ghi chép ấy dường như là của một người nào khác chứ không phải tôi... Tôi không thể tin vào những gì mình ghi chép, tôi chỉ tin vào những gì mình nghĩ. Nhưng người ta vẫn hay cho rằng việc ghi chép, đặc biệt là viết, thường thống nhất với suy nghĩ. Thế nhưng, khi đọc lại những gì mình viết, tôi luôn có một thứ ám ảnh mơ hồ rằng có ai đó đã đánh ngất tôi, hoặc làm cho tôi trở nên vô thức những lúc ấy để viết thay tôi những dòng đó. Tôi không hiểu hay không thể nhớ ra nguyên do gì, sự kiện nào đã tác động khiến tôi không tin tưởng vào những gì mình viết đến như vậy?

Liệu rằng, sau này đọc lại chính những dòng này, tôi có tin rằng mình đã từng viết ra như thế?

Vì vậy, ngay cả khi đã viết, trong suốt quá trình viết, tôi không chỉ viết những gì đã xảy ra, tôi còn viết cả những câu hỏi và một vài dự tưởng của mình, để sau này, nó sẽ là điểm thuyết phục được tôi rằng chính tôi đã viết những dòng này. Có điều gì đó thật buồn cười ở đây. Cách thức ghi nhớ của tôi khiến cho tôi nghĩ đôi khi tôi chẳng khác một người bị mắc bệnh loạn trí. Dù sao, việc này cũng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của tôi vì tôi không phải là một nhà văn, tôi không sống bằng việc viết. Giả sử tôi là một nhà văn, với kiểu thức ghi nhớ và viết như thế này, có lẽ tôi sẽ điên mất hoặc là khi đó, người đọc sẽ rất chán nản những gì tôi viết bởi sự lặp lại. Đến đây thì mọi người thấy đó, tôi lại vừa đặt thêm một sự dự tưởng nữa chỉ để sau này tôi sẽ nhớ ra chính mình là người đã viết những dòng này. Có lẽ, nó sẽ khiến cho cách viết của tôi hơi kì cục và dài dòng nhưng đây là cách duy nhất tôi có thể nghĩ ra để giải quyết vấn đề phát sinh với bản thân mình sau này khi đọc lại nó. Vì vậy, tôi muốn thông báo trước ở đây một điều quan trọng rằng: nếu mọi người có kiên nhẫn tiếp tục đọc những gì tôi sẽ viết nữa ở phía dưới thì hãy dự tưởng trước rằng nó sẽ có rất nhiều câu hỏi ở thì tương lai, nó sẽ có rất nhiều câu bắt đầu bằng những chữ như: “giả sử”, “nếu”, “giả dụ”... v.v... Tóm lại là, nó sẽ đầy những câu mang ý dự tưởng. Vì vậy, cấu trúc câu văn của những gì tôi sắp viết dưới đây sẽ lặp lại rất nhiều câu giống nhau, nó có thể sẽ khiến người đọc nhàm chán. Chính vì lẽ đó, nếu như không có những trường hợp đòi hỏi phải giải quyết bằng việc viết, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ viết. Nhưng lần này tôi buộc phải viết, vì tôi đã bị mất một cuốn sách mà tôi chưa đọc. Nếu tôi viết ra việc này, có thể sẽ có nhiều người biết tôi bị mất cuốn sách mà tôi chưa đọc, có thể họ sẽ tìm giúp tôi, có thể nếu là người đang giữ nó, họ sẽ trả nó lại cho tôi. Nói cách khác, những gì tôi viết ra ở đây chẳng phải là một câu chuyện, nó chỉ là một thứ đại loại giống như những chuyên mục tìm người thân bị lạc, tìm đồ vật bị mất trong những trang quảng cáo kèm theo các tờ báo thôi. Lại giả sử, nếu tôi là một nhà văn có lẽ tôi sẽ không viết câu tôi vừa viết ở trên, hoặc tôi sẽ không viết cả đoạn văn này. Nó dường như thừa thải. Vì trong suy nghĩ của tôi, nhà văn hiếm khi nào cho người đọc biết trước cấu trúc, kiểu câu văn, thể loại mà họ sẽ sử dụng ở những đoạn văn bên dưới.

 

Tìm sách bị mất

 

Tôi tên là Silent Darker.

Tôi bị mất một cuốn sách tôi chưa đọc.

Bây giờ, những đặc điểm mà tôi còn nhớ được, chỉ là một vài đặc điểm vật lí của nó.

Cuốn sách đó có 301 trang. Sở dĩ tôi nhớ rõ nó có 301 trang, vì lúc vừa mua nó, tôi đã lật ngay cuối sách xem nó có bao nhiêu trang. Và khi phát hiện nó có đúng 301 trang, tôi đã giả sử rằng nếu như tôi tặng quyển sách này cho người ấy, với dòng đề tặng ở đầu quyển sách rằng:

tặng...
... hãy thử lật cuối quyển sách
... sẽ thấy một con số mà nó không chỉ có ý nghĩa với...
nó còn có ý nghĩa với...
bởi vì nó không chỉ là con số của ngày mà... sinh ra
nó còn là ngày người... yêu... người quan trọng và đặc biệt nhất với...
sinh ra

Tôi không thể nào nhớ được xưng hô giữa tôi với người mà tôi giả sử là sẽ tặng quyển sách này cho người ấy. Tôi không thể nào nhớ ra khuôn mặt của người ấy, giọng nói của người ấy, hình dáng bên ngoài của người ấy. Bởi vì đó là những điều mà tôi đã không giả sử. Có lẽ vì với tôi nó đã không quan trọng? Có lẽ vì dù bên ngoài của người ấy như thế nào, tôi vẫn yêu người ấy. Và tới nhớ thứ cảm giác đó... cảm giác rằng tôi yêu người ấy rất nhiều. Bởi vì đó là điều mà tôi đã luôn dự tưởng, đã giả sử đi giả sử lại nhiều lần rằng, nếu tôi yêu người ấy thì như thế nào, nếu tôi không yêu người ấy thì như thế nào... Vì tôi đã không muốn làm người ấy bị tổn thương một chút nào, vì tôi muốn nhớ mãi tình yêu này... Nhưng tất cả vẫn chỉ đang là giả sử phải không?

Cuốn sách mà tôi chưa đọc có bìa sách màu xanh lá cây. Sở dĩ tôi nhớ rõ nó màu xanh lá cây vì nó là màu người mà tôi đã giả sử là sẽ tặng cuốn sách này sau khi đọc xong rất thích. Chính xác thì người ấy đã bảo đó là một màu hợp với người ấy và đem lại cho người ấy nhiều may mắn. Vì vậy, tôi đã giả sử rằng cuốn sách này chẳng những có 301 trang mà còn có màu bìa sách là màu người ấy thích. Nếu như tôi tặng quyển sách này cho người ấy, có lẽ người ấy sẽ rất thích?

Cuốn sách mà tôi chưa đọc có 301 trang. Và tôi chỉ mới đọc được đến trang 166. Sở dĩ tôi nhớ rõ như thế, vì hôm tôi đọc đến trang 166, cũng là ngày 16.6. Đó là ngày, người mà tôi đã giả sử là tôi sẽ tặng cho người ấy quyển sách này sau khi đọc xong (hay người mà tôi có thể đã giả sử là người yêu, hay đã từng thật sự là người yêu của tôi), rời bỏ tôi. Và tôi vẫn chưa đọc xong quyển sách này. Và tôi vẫn chưa kịp tặng người ấy quyển sách này. Lúc đó, tôi đã giả sử rằng nếu như người ấy biết được việc kể từ hôm đó, kể từ trang sách 166 đó, tôi đã không thể tiếp tục đọc nổi qua trang 167, 168... và vì vậy tôi phải dừng việc đọc cuốn sách đó lại để rồi cuối cùng bị mất... và từ đó tôi cũng đã chẳng thể đọc được bất cứ cuốn sách nào quá 166 trang... Nếu như biết được điều đó, người ấy sẽ nghĩ gì?

Cuốn sách mà tôi chưa đọc, tôi thậm chí còn chẳng nhớ tên sách hay tên tác giả, tôi chỉ nhớ một điều duy nhất về nội dung của nó: nó nói về công việc tẩy rửa nội dung những cuốn sách mà người ta đã đọc rồi. Như thế, một quyển sách dù đã được một ai đó đọc hết, cũng giống như là chưa được đọc qua bao giờ.

Tôi lang thang khắp nhiều tiệm sách cũ. Tôi luôn có cảm giác là sẽ tìm được cuốn sách mà tôi chưa đọc ở đó. Tôi dự tưởng rằng có một ai đó đã nhặt được cuốn sách của tôi ở đâu đó, họ đã đọc xong, họ đã đem bán nó.

“Cuốn sách mà tôi chưa đọc có 301 trang. Và tôi chỉ mới đọc được đến trang 166. Cuốn sách mà tôi chưa đọc nói về công việc tẩy rửa nội dung những cuốn sách mà người ta đã đọc rồi. Như thế, một quyển sách dù đã được một ai đó đọc hết, cũng giống như là chưa được đọc qua bao giờ.”

“Ở đây không có cuốn sách nào như thế”

“Cuốn sách mà tôi chưa đọc có 301 trang. Và tôi chỉ mới đọc được đến trang 166. Cuốn sách mà tôi chưa đọc nói về công việc tẩy rửa nội dung những cuốn sách mà người ta đã đọc rồi. Như thế, một quyển sách dù đã được một ai đó đọc hết, cũng giống như là chưa được đọc qua bao giờ.”

“Ở đây không có cuốn sách nào như thế”

...

“Ở đây không có cuốn sách nào như thế”

“Ở đây không có cuốn sách nào như thế”

“Ở đây không có cuốn sách nào như thế”

...

Tôi lặp đi lặp lại những điều mình đã nói đến mức thuộc lòng. Và tôi bắt đầu không chỉ lặp lại nó ở những tiệm sách cũ. Tôi lặp lại nó trên bất cứ con đường nào mà tôi đi qua, bất cứ khoảng thời gian nào:

“Cuốn sách mà tôi chưa đọc có 301 trang. Và tôi chỉ mới đọc được đến trang 166. Cuốn sách mà tôi chưa đọc nói về công việc tẩy rửa nội dung những cuốn sách mà người ta đã đọc rồi. Như thế, một quyển sách dù đã được một ai đó đọc hết, cũng giống như là chưa được đọc qua bao giờ.”

Tôi bắt đầu nghe một vài tiếng người rầm rì sau lưng mình. Chắc chắn đó là những người chỉ mới đọc ba đoạn văn đầu tiên tôi viết, họ đã bỏ dở giữa chừng và thông báo cho mọi người biết về những gì họ đã đọc được.

“Người đó bị điên đấy. Đừng nghe những gì hắn nói.”

“Người đó bị mắc vấn đề về khả năng ghi nhớ hay là cách thức ghi nhớ gì đó.”

“Hắn chỉ có thể nhớ được những gì đã trải qua mà tại thời điểm đó hắn đã đặt câu hỏi ở thì tương lai, hay hắn đã dự tưởng.”

“Các bạn nghĩ xem, với kiểu ghi nhớ như thế, làm sao có thể phân biệt được chuyện nào đã thực sự xảy ra hay chuyện nào chỉ trong tưởng tượng của hắn?”

“Vì vậy, có thể việc hắn bị mất cuốn sách là không thật đâu.”

“Cả nỗi đau mà hắn đang thể hiện trước việc bị mất cuốn sách đó cũng có thể là không thật.”

“Mà cũng có thể ngay từ đầu cuốn sách hắn chưa đọc hết cũng không có thật.”

“Chẳng có tồn tại cuốn sách nào như thế cả.”

“Tất cả chỉ là những dự tưởng của hắn.”

“Chẳng có gì xung quanh hắn là thật cả.”

Tôi vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại những điều mình đã thuộc lòng. Mỗi một lúc, tôi càng cố gắng nói lớn hơn để át đi giọng của họ. Rồi tôi gần như không phải là nói nữa mà thét lên:

“CUỐN SÁCH MÀ TÔI CHƯA ĐỌC CÓ 301 TRANG. VÀ TÔI CHỈ MỚI ĐỌC ĐƯỢC ĐẾN TRANG 166. CUỐN SÁCH MÀ TÔI CHƯA ĐỌC NÓI VỀ CÔNG VIỆC TẨY RỬA NỘI DUNG NHỮNG CUỐN SÁCH MÀ NGƯỜI TA ĐÃ ĐỌC RỒI. NHƯ THẾ, MỘT QUYỂN SÁCH DÙ ĐÃ ĐƯỢC MỘT AI ĐÓ ĐỌC HẾT, CŨNG GIỐNG NHƯ LÀ CHƯA ĐƯỢC ĐỌC QUA BAO GIỜ”

Tôi vừa chạy và tôi vừa thét lên những điều đó. Giọng tôi bắt đầu khan, cổ họng tôi dần dần đau đớn. Mỗi lúc một đau đớn hơn...

“CUỐN SÁCH MÀ TÔI CHƯA ĐỌC CÓ 301 TRANG. VÀ TÔI CHỈ MỚI ĐỌC ĐƯỢC ĐẾN TRANG 166. CUỐN SÁCH MÀ TÔI CHƯA ĐỌC NÓI VỀ... “

“CUỐN SÁCH MÀ TÔI CHƯA ĐỌC CÓ 301 TRANG. VÀ TÔI CHỈ MỚI ĐỌC ĐƯỢC ĐẾN TRANG 166... “

...

“CUỐN SÁCH MÀ TÔI CHƯA ĐỌC CÓ 301 TRANG. VÀ TÔI CHỈ MỚI ĐỌC ĐƯỢC ĐẾN TRANG 166... Trả sách lại cho tôi... Làm ơn trả sách lại cho tôi... Tôi muốn đọc hết nó. Tôi muốn đọc hết những trang còn lại. Tôi muốn đọc hết 301 trang. Đó là một cuốn sách quan trọng với tôi. Từ bây giờ tôi chỉ muốn đọc mỗi cuốn sách đó... Tôi sẽ đọc đi đọc lại cuốn sách đó mỗi ngày... Hết 301 trang này sẽ là 301 trang khác. Rồi lại 301 trang khác... Cứ thế... “

“Làm ơn trả sách lại cho tôi... Làm ơn trả sách lại cho tôi. Ai đang giữ sách của tôi, làm ơn trả sách lại cho tôi. Làm ơn... làm ơn... làm ơn... “

Tôi đã khóc lúc nào mà tôi không hay. Tôi bỗng dưng thấy mình ngồi thụp xuống một vỉa hè, mồ hôi túa ra đầm đề vì mệt mỏi. Tôi bỗng dưng nghe giọng mình cứ nhỏ dần và chỉ còn lặp lại mỗi hai từ “làm ơn”. Và tôi bỗng dưng cảm nhận được làn nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt mình. Tôi không biết mình đã như thế bao lâu, đã bao nhiêu thời gian trôi qua cho đến khi tôi nghe được giọng nói dịu dàng của một người con gái:

“Thật ra, cuốn sách mà anh chưa đọc không chỉ nhất thiết phải là cuốn sách đó. Cuốn sách mà anh chưa đọc có thể là bất cứ cuốn sách nào mà anh chưa đọc. Và thực tế, vẫn còn rất nhiều cuốn sách anh chưa đọc. Mỗi một ngày trôi qua, đều có thêm nhiều cuốn sách mà anh chưa đọc. Cớ sao anh phải tìm đọc chỉ mỗi cuốn sách đó? Anh không thấy việc mình đang làm là vô nghĩa sao? Tôi không bao giờ quá cố gắng để có một cuốn sách nào, tôi cứ để nó tự nhiên đến với mình. Nếu nó mất, tôi cũng chẳng cất công tìm. Vì vậy, tôi không thể hiểu nổi hành động này của anh.”

“Em cũng như bao người khác thôi, những người đã nói tôi điên và họ không tin tôi đang tìm một cuốn sách có thật. Những điều em nói, người khác đều có thể nói được. Tôi không thấy những điều mình đang làm là vô nghĩa. Em đừng nói nữa, đừng dạy đời tôi nữa... “

“Được thôi. Tôi sẽ không nói nữa. Vì tôi tôn trọng quyền cá nhân của mỗi người. Nhưng anh có bao giờ tự hỏi bản thân mình rằng thật ra anh đang tự lừa dối chính bản thân mình? Anh không cần nghe những lời mọi người xung quanh nói. Nhưng anh hãy thử bình tĩnh suy nghĩ lại có thật sự đã tồn tại một cuốn sách mà anh chưa đọc như thế không?”

Tôi không biết đã bao nhiêu thời gian trôi qua từ lúc cô bước đi.

Tiếng người dần thưa thớt cho đến khi tôi nhận ra xung quanh tôi dường như chẳng còn bất cứ âm thanh nào nữa.

Tôi đứng dậy và lại đi lang thang. Bây giờ thì tôi rêu rao giống như một người bán hàng rong.

“Cuốn sách mà tôi chưa đọc có 301 trang. Và tôi chỉ mới đọc được đến trang 166. Cuốn sách mà tôi chưa đọc nói về công việc tẩy rửa nội dung những cuốn sách mà người ta đã đọc rồi. Như thế, một quyển sách dù đã được một ai đó đọc hết, cũng giống như là chưa được đọc qua bao giờ.”

Tôi dừng lại, tựa người vào một trụ điện trước một ngõ hẻm và thử đọc lại những gì mình đã viết.

Suốt một đoạn văn đầu tiên, chỉ có một câu hỏi ở cuối đoạn, những câu trước đó cũng chỉ là những câu khẳng định, không hề mang ý dự tưởng hay giả sử... Những đoạn giả sử chỉ bắt đầu có từ đoạn văn thứ hai, thứ ba và phần đầu của đoạn “Tìm sách bị mất”, từ đoạn “Tôi tên là... “ cho đến “... Nếu như biết được điều đó, người ấy sẽ nghĩ gì?”, những đoạn còn lại đều không có phần dự tưởng hay giả sử. Tôi không tin vào những đoạn viết không có sự dự tưởng. Nó không phải của tôi viết. Chắc chắn đã có một ai đó thay tôi viết những đoạn đó. Ngoại trừ những đoạn có sự dự tưởng hay giả sử, bất cứ những đoạn còn lại, bất cứ những câu văn còn lại, tôi không tin hay không nhớ là mình đã viết. Tôi đã không tin ngay từ những dòng đầu tiên vậy thì làm sao tôi có thể tin toàn bộ câu chuyện này? Có thể là ngay từ đầu, chẳng hề có chuyện tôi gặp vấn đề trong việc ghi nhớ, chẳng hề có chuyện tôi đã đi tìm sách, đã gào thét, đã khóc và đã gặp một cô gái. Nhưng còn bản thân cuốn sách ấy, nó nằm trong phần tôi đã viết với sự dự tưởng. Những điều tôi đã dự tưởng, có thể đã từng xảy ra thật, cũng có thể không từng xảy ra thật. Hiện thực và dự tưởng đều cùng chiếm phân nửa khả năng. Tôi không thể chắc chắn... Cuốn sách có thể có thật và rất quan trọng với tôi, tôi vẫn phải tiếp tục đi tìm...

“Cuốn sách mà tôi chưa đọc có 301 trang. Và tôi chỉ mới đọc được đến trang 166. Cuốn sách mà tôi chưa đọc nói về công việc tẩy rửa nội dung những cuốn sách mà người ta đã đọc rồi. Như thế, một quyển sách dù đã được một ai đó đọc hết, cũng giống như là chưa được đọc qua bao giờ.”

Tôi không biết đã bao lâu từ lúc tôi dừng lại suy nghĩ rồi tiếp tục đi tìm cuốn sách.

Tôi bắt đầu thấy đôi chân mỏi mệt và toàn bộ sức lực dường như không còn nữa. Tôi cần tìm một chỗ để nghỉ ngơi. Nhưng có chỗ nào, có chỗ nào khả dĩ làm nơi chốn cho tôi...

Tôi nằm xuống một vỉa hè trên đường.

Vì sao tôi phải tìm kiếm cuốn sách ấy như vậy? Nếu như cuốn sách ấy hoàn toàn chỉ nằm trong 50% thuộc về phía dự tưởng? Đã có những lúc, tôi muốn từ bỏ nó nhưng một nơi nào đó trong kí ức mà tôi không còn nhớ rõ phản hồi lại cho tôi biết rằng có một điều gì đó đau đớn...

“... có lẽ vì nó còn hơn cả một cuốn sách, có lẽ vì nó không chỉ là một cuốn sách...”

Tôi không thể ngăn mình thốt ra thành tiếng suy nghĩ vừa thoáng qua trong đầu đó.

Cuối cùng, tôi nhắm mắt lại và ngủ một giấc thật sâu.

Ngày mai, tôi vẫn sẽ tiếp tục đi tìm cuốn sách ấy, một cuốn sách có 301 trang và tôi chỉ mới đọc đến trang 166.

 

Vũ Lập Nhật
23:20
7.9.2012

 

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021