thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bức tranh của những linh hồn

 

 

BỨC TRANH CỦA NHỮNG LINH HỒN

 

Nhà tôi, một ngôi nhà được lợp bằng ngói, đã bị phá vào một buổi chiều. Tôi còn nhớ hàng râm bụt đã bị nhổ lên như thế nào. Những bông hoa râm bụt bị nghiền nát như máu dưới đế giày của họ. Ngày nhỏ chúng tôi thường dán những cánh hoa râm bụt lên mặt mình và giả làm ma. Nhưng con ma hiền lành đi chân đất chui ra từ một bụi chuối nào đó và cười nắc nẻ.

Một lần nữa bố lại gọi tên tôi.

Người ta nói về công lý.

Ngoài kia những chiếc máy xúc vẫn gầm lên dữ dội.

Quan tài của tôi không được sơn màu đỏ như quan tài của ông nội. Vì được làm vội nên trên quan tài của tôi còn có những vết xước chưa được bào mòn.

“Tôi đã từng có một thằng con trai như thế.” Bố tôi gào lên và tưởng tượng. Lúc ấy tôi vẫn trần truồng và chạy, chạy như những giấc mơ. Bạn không thể nắm bắt được những giấc mơ và từng bước di chuyển của nó.

“Tất nhiên là con trai tôi chết khi bức tường khồn nạn ấy sụp xuống.” Bố tôi vẫn với bộ điệu đó. Rồi ông miêu tả về cái cách mà mẹ tôi khóc lóc trên mộ của tôi. “Đó là vào một chiều đông lạnh lẽo. Bà ấy không cài hoa trên đầu. Ruốt cuộc thì bà ấy cũng chỉ là một giấc mơ và dĩ nhiên là con trai tôi biết vẽ, nó biết cách phối màu và vẽ. Đúng rồi, nó tô màu vào bất cứ thứ gì mà nó không ưa, điều đó luôn bắt đầu từ những viên bi thuỷ tinh của nó. Thật lì lợm. Nó là một thằng con trai lì lợm với những sáng kiến vĩ đại làm sao. Nó chết khi ngôi nhà bình yên của chúng tôi bị đập nát.”

Tôi nhìn xuống đất. Dưới chân tôi là bút chì, những lọ màu và những cục tẩy.

Với cách thức đó bố con tôi bắt đầu vẽ sau khi nhà tôi bị nghiền nát.

Ông ấy thích màu xanh da trời và cứ thế ông ấy bắt đầu từ lọ màu xanh. Có nhiều khi ông dừng lại và ngắm đường chân trời. “Nó rất xa.” Ông nói.

Tôi thích màu đỏ và sự vón cục của nó. Khi đầu tôi bị đập nát dưới những đống gạch thì tôi thích màu đỏ. Màu của máu. Tôi đổ cả một lọ màu đỏ lên trên cái nền màu xanh da trời và cứ thế hai bố con tôi bắt đầu đứng nhìn sự loang lổ của máu.

“Đừng để nó chảy vào mắt.” Bố tôi nói trong khi ông đang đứng ngoài bức tranh, còn tôi thì đang lún sâu dần vào giữa những vòng xoáy của máu trong tranh. Màu xanh bắt đầu biến mất. Cũng từ vị trí này tôi thấy mẹ tôi. Bà quỳ trên mộ tôi và kể cho tôi nghe những câu chuyện cũ rích. Bà kể về trăng rằm và những con sói trên thảo nguyên. “Bao giờ cũng thế, người chăn cừu luôn đến rất muộn.” Bà nói.

“Họ đã giết mày bởi họ không muốn nhìn thấy những bức tranh của mày.” Mẹ tôi nói trong khi bố tôi vẫn đứng và tì tay lên khung tranh. Ông không cười hay biểu lộ một thái độ nào cả. Ông dững dưng nhìn mẹ tôi đang cào đất và gào thét.

Xa hơn, phía sau lưng bố tôi (tất nhiên là ngoài bức tranh) người ta đang cày xới. Những chiếc máy xúc trong như những con quái vật đang gặm vào những ngôi nhà bằng ngói. Mọi thứ đang lún xuống trong tiếng gào. Nhìn thảm cảnh đó tôi mường tượng tới vụ sóng thần ở Fukushima và tất nhiên thảm cảnh này không nằm trong sự chi phối của tự nhiên.

Xa hơn nữa là một dòng người. Họ đang di chuyển. Họ đội nón lá và chửi bới. họ nói về luật pháp quốc tế và những vấn đề tương tự như công lý hay đại loại như thế.

“Đôi khi phải vậy. Người ta luôn có những biện pháp mạnh hơn đối với những kẻ cứng đầu.” Bố tôi nói.

Tôi chết trước khi nhà tôi bị người ta phá đi. Những ngôi nhà khác cũng đã bị phá tan tành.

Bố tôi nhìn ra phía sau lưng mình và nói. “Gớm ghiếc làm sao. Một bức tranh tởm lợm.” Ông đang nói về bức tranh ấy. Đối với ông, đoàn người ấy, những chiếc máy xúc ấy, những vùng đất tổn thương ấy là một bức tranh.

Từ trong tranh tôi mỉm cười.

“Mày cũng đã đổ máu lên trên nền trời xanh.” Bố tôi nói với tôi. Lúc ấy tôi đã chui xuống mộ.

Có bốn người đàn ông bước đi loạng choạng tiến về phía bố tôi. Họ đứng sau lưng bố tôi và trình bày với ông về nỗi khốn khổ của họ. Qua bộ dạng và ngôn ngữ của họ, tôi nhận ra họ là những người nông dân.

“Không thể như thế được.” Họ nói.

“Đất đai chỉ là đất đai.” Bố tôi nói, và họ nhìn vào trong tranh. Họ thở gấp. Một trong bốn người đó, người đàn ông nhỏ thó nhất, có mùi rượu khê.

“Đôi khi phải cần đến rượu như một hoạ sĩ cần đến cồn và lửa. Phải đốt hết mọi thứ và bắt đầu lại từ khởi điểm.” Bố tôi nói.

“Tôi biết cách.” Người nông dân nhỏ thó nói.

“Rượu có thể khiến tôi tưởng tượng ra được cái khung cảnh huy hoàng ấy.” Anh ta tiếp tục nói. “Lửa, bao giờ cũng phải cần đến lửa, không phải là màu sắc. Lửa không bao giờ cải lương như thế. Trò ấy cũ rồi, rất cũ.”

Bố tôi hất hàm về phía bức tranh và nói: “Tôi đã từng có một thằng con trai như thế, vợ tôi giống như một giấc mơ.”

Bốn người nông dân gục xuống như những cây chuối bị đốn bằng rìu.

Từng người một được bố tôi đặt lên bức tranh. Họ nằm vây quanh mộ tôi, và lúc ấy mẹ tôi đã biến mất.

“Đã nói rồi, bà ấy chỉ là một giấc mơ.” Bố tôi nói trong khi tôi biết mẹ không biến mất mà chỉ trốn đi sau một nét cọ của tôi. Nét cọ khá đậm với màu xanh trộn lẫn với màu trắng. Đó là màu xanh nhạt mà tôi rất thích trước khi đầu tôi bị đập vỡ bởi những viên gạch bung ra từ bức tường ấy.

Ngoài kia có ai đó nói về luật pháp quốc tế và công lý của đám đông. Điều đó khiến bốn người nông dân bật dậy trên mộ tôi. Điều đó khiến mẹ tôi hiện ra một cách rõ ràng trên bức tranh. Bà lồm cồm bò dậy làm cho một mảng màu nhỏ từ trên bức tranh của tôi bung ra và rơi xuống (tất nhiên đứng từ xa sẽ không ai nhìn thấy điều này, nhưng trong hội hoạ đó là điều cấm kị).

Mắt họ sáng rực lên và tất cả trông linh hoạt làm sao.

“Đừng khôi hài như thế. Đừng trẻ con như thế. Chẳng có luật pháp nào cả. Chúng ta phải tô màu lại mà thôi. Công lý là một màn kịch câm. Nghĩ về cái gì cũng được nhưng nhất quyết không phải là công lý.” Bố tôi nghiến chặt răng và nói. Trong khi đó, nhìn ra phía sau lưng ông, chúng tôi thấy những đụn khói khổng lồ và lửa đã xuất hiện. Họ tưới xăng lên đám người ấy và ném lửa vào đống hổ lốn ấy.

Đó là một bữa tiệc đuốc sống. Điều này làm tôi nhớ tới bầy ma trơi trên đồi mà bọn tôi đã chứng kiến vào đêm 13 tháng 7 năm ngoái.

Khi lửa bén tới gót chân thì cha tôi nhảy vào bức tranh. Trong này, chúng tôi bắt đầu tô lại mọi thứ. Khó khăn nhất là xoá đi những cục máu đỏ mà tôi đã vẽ lúc trước. Rồi cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành một bức tranh mới. Một không gian rộng mở với những cánh chim trong nắng. Xa hơn là những dãy núi chìm trong mây và cha tôi nói đó là những ngọn Trường Sơn hùng vĩ. Thỉnh thoảng, khi ngẫu hứng, tôi vẽ thêm một vài chiếc lá non và một vài cành hoa trên tóc mẹ. Bố tôi nói mẹ trông như một thiên thần, rồi ông gõ tay lên khung tranh làm nhịp và hát bài Em hiền như ma sơ. Mẹ chỉ là một giấc mơ. Bốn người đàn ông nói vợ con họ đang chìm trong lửa ngoài kia cùng với ruộng đất của họ. “Những hũ rượu nếp của tôi...” Người nông dân nhỏ thó rít lên. Nhưng vì những ngọn lửa đang lan tới rất gần khung tranh nên cha tôi đã khép mọi thứ lại. Những người đàn ông đó bật khóc, và chúng tôi lại bắt đầu cho một cuộc sống mới với những gamme màu mới.

Và trong hoả hoạn đoàn người giẫm lên bức tranh của chúng tôi. Bức tranh của chúng tôi đã bị cháy. Bốn người đàn ông cùng với bố tôi ra sức dập lửa trong bức tranh. Mẹ tôi ôm chặt tôi vào lòng giống như khi bà ôm xác tôi trong cái buổi chiều mà ngôi nhà chúng tôi đã bị đập nát.

Rồi cuối cùng tất cả cũng bị thiêu huỷ. Bây giờ linh hồn chúng tôi đang lượn lờ trên không trung. Bố tôi vẫn thích màu xanh da trời. Mẹ tôi vẫn muốn có những cành hoa dại trắng trên tóc của bà. Những người đàn ông đã gặp lại linh hồn vợ con của họ. Người đàn ông nhỏ thó nhất thề thốt với vợ con anh ta rằng sẽ không bao giờ anh ta uống một ngụm rượu nào nữa.

Tất cả chúng tôi, tất cả những linh hồn, bắt đầu phết màu lên trời xanh. Những cánh hoa dại lại mọc trên tóc mẹ tôi. Một kiệt tác đã được làm nên bởi những bàn tay trong suốt của những linh hồn. Thỉnh thoảng những cành hoa dại trắng lại rời khỏi tóc mẹ tôi và tan biến vào những đám mây trắng. Tôi tin chắc rằng lửa sẽ không bao giờ thiêu huỷ được một bức tranh được dệt bằng những linh hồn trong sáng đó.

 

 

Minh hoạ: Bức tranh của những linh hồn
tranh sơn dầu của Lê Minh Phong

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021