thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người mượn mặt

 

Kể cũng lạ, nói ra chẳng mấy ai tin, thế gian lại có người mượn mặt. Chậc, mượn gì không mượn, lại mượn mặt. Bởi vì, mặt thì vốn dĩ ai chẳng mang trên mình một cái, đứa làm quan thì mặt to, buôn bán phát tài thì mặt son mặt phấn, đốn củi nhặt phế liệu thì mặt lấm mặt lem, ai còn mượn thêm mặt để làm gì? Vậy mà vẫn có người lâm vào cảnh ngộ không giống ai ấy, người đó chính là tôi.

Mọi chuyện bắt đầu từ một trận ốm năm tôi 28 tuổi. Ốm lăn ốm lóc, ốm rụng tóc rụng râu. Cả một tuần bỏ việc cơ quan, nằm liệt giường. Ngày thứ 10, bắt đầu ngồi dậy được, nhìn vào gương thấy mình không còn là mình nữa. Chao ôi, thằng trai 28 tuổi sức vóc hơn người mà ra nông nỗi này ư! Cả một mảng tóc rụng đi đằng nào để hở toang hoác vùng trán và đỉnh đầu. Nom qua giống mô típ giáo sư, nhưng khi xét trong tương quan với cặp má hóp và cái cằm nhọn hoắt thì lại giống mặt diều hâu hơn. Thế là từ đó, tuy bệnh tình đã khỏi, trở lại đi làm, nhưng trong tôi lại mang thêm một nỗi buồn nặng, u uất, khó thở. Cô người yêu sắp cưới nhìn tôi nghi hoặc. Đồng nghiệp nhìn thương hại. Hai tháng sau thì tôi mất việc. Công ty tôi làm vốn rất khắt khe trong việc tuyển nhân viên, ưu tiên đầu tiên là ngoại hình khá, có khả năng giao tiếp tốt. Mặt đã thế, tinh thần lại bứt rứt, không buồn mở miệng nói chuyện với ai, tôi mất việc là đúng. Nhưng điều đau nhất là mất luôn cả cô người yêu sắp cưới. Ngay cái ánh nhìn đầu tiên ngày tôi ốm dậy, tôi đã ngờ ngợ. Sau ngày tôi mất việc một tuần, ả lặng lẽ đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, để lại dòng tin nhắn ngắn ngủi: “Em đi và sẽ không trở lại, chúc anh khoẻ, vĩnh biệt!” Tôi đọc dòng tin nhắn ấy và xoá, xoá luôn số liên lạc, thả điện thoại vào bồn cầu và dội nước.

Từ hôm đó, tôi có thêm thói quen ngồi trước gương thật lâu và càng nhìn tôi lại càng căm ghét mình. Đúng là cái mặt xấu xí, tôi tự xỉ vả, mặt mũi thế thì mất việc là phải, mất người yêu cũng phải. Trong nỗi đau đớn tột cùng, tôi ôm lấy mặt mình buột miệng ước: “Ước gì mặt mình đẹp trai như mấy thằng diễn viên nhỉ!” Tự dưng, tôi thấy da mặt mình tê rần, những tế bào lao xao cựa quậy, thay đổi. Định thần nhìn kỹ lại trước gương thì không tin vào mắt mình nữa. Một gương mặt đẹp trai, thanh tú với mái tóc bóng mượt, chẳng thua gì mấy chàng diễn viên Hàn Quốc. Tôi hoảng hốt gọi toáng lên: “Bố ơi, mẹ ơi!” Vừa dứt lời đã thấy mẹ xộc vào phòng. Bà đứng như trời trồng, nhìn khắp phòng, lại nhìn tôi, bà khóc toáng: “Anh ơi, anh vào đây lúc nào, thằng con tôi đâu rồi?” Tôi đáp: “Con đây mà mẹ, thằng Dũng của mẹ đây.” “Không phải.” “Phải.” “Không phải.” “Phải.” Hai mẹ con cứ giằng co thế thì bố vào. “Sao thế con? Lại mất cái mặt cũ à?” “Vâng, con có mặt mới!” Mẹ không nói gì nữa, ngồi khóc, bố châm nến thắp hương lên bàn thờ.

Hôm sau, tôi mang gương mặt mới cầm hồ sơ đi xin việc. Người tuyển trạch sau khi xem đủ các loại bằng và chứng chỉ lại chăm chú quan sát tôi trả lời câu hỏi, đã gật đầu vui vẻ: “Được, mai hoàn tất hồ sơ nhận quyết định đi làm.” Tinh thần đỡ căng thằng, tôi vừa phóng xe vừa huýt sáo, phóng thẳng ra quán bia ngồi uống. Con bé nhân viên mọi hôm nhìn tôi dè dặt thế hôm nay cũng cởi mở, cười toe toét: “Anh đẹp trai bàn số 6 một thùng Sài Gòn nha!” Em cúi xuống rót bia, khuyến mại một bộ ngực thanh xuân mây mẩy! Tôi vừa thưởng thức hương vị của bia vừa đưa mắt liếc hàng khuyến mại của cô bé tiếp viên, nghĩ, con người ta, trước hết, quan trọng là bộ mặt, trong bụng thế nào chưa biết.

Công việc ổn định, thu nhập khá, bố mẹ giục lập gia đình. Vết thương lòng chưa nguôi đau, nhưng rồi lại nghĩ, đàn bà, ta vừa phải căm thù lại vừa phải yêu thương họ. Đó là định mệnh. Và theo định mệnh, tôi lấy vợ. Vợ tôi, chẳng phải là ai xa lạ mà là người ngồi phỏng vấn tôi hôm trước, giờ là trưởng phòng của tôi. Đám cưới, chúng tôi khoác tay nhau đi trong tràn ngập rượu bia và tiếng hát, và cả tiếng xì xầm, nó ham giàu... đẹp trai... vợ già... hơn gần chục tuổi... Tôi vừa cười như hoa vừa nghĩ, vợ già thì đã sao! Và thầm nghĩ, đó là họ không biết bộ mặt trên giáo sư dưới diều hâu của tôi, họ không biết tôi là người mượn mặt. Nếu hôm nay tôi đem bộ mặt đó vào đám cưới biết đâu sẽ có vô vàn lời thương hại, xót xa cho cô dâu, biết đâu...

Nhưng rồi, tôi lại phát hiện ra một điều lạ nữa, suốt năm năm qua, gượng mặt mượn của tôi không hề thay đổi một tẹo nào, nghĩa là vẫn nguyên vẹn trẻ trung, nguyên vẹn phong tình. Trong lúc vợ tôi ngày càng già đi, vênh nhau thấy rõ. Vợ cũng lấy làm ngạc nhiên, sau đó là khó chịu, sau đó là càu nhàu, là chì chiết, là v.v. ... Khó chịu, bức bối, tôi chợt nghĩ, tại sao mình không mượn mặt khác nhỉ? Gương mặt thằng cha giám đốc chẳng hạn, chắc vợ sẽ vui lắm!

Đêm ấy, tôi chui vào căn phòng cũ, ngồi trước tấm gương cũ thời gian vàng ố. “Ước gì gương mặt tôi phương phi như giám đốc!” Trong bóng tối, tôi ngồi yên nghe da mặt mình cựa quậy, những dòng tế bào nóng hổi luân chuyển âm thầm. Nhìn vào gương, tôi đã là một thằng tôi khác. Rút kinh nghiệm lần trước, tôi không làm ầm ĩ, lẳng lặng nằm trùm chăn mai đi làm sớm. Sáng mai chở vợ đi ăn sáng. Vợ vừa húp bún vừa ngẩng mặt lên hỏi tôi câu gì đó, và cô ta đã ngã ngồi xuống đất, miệng há hình lục giác. Vào đến cơ quan, tôi biết tôi đã sai lầm, thằng bảo vệ nhanh miệng chào: Chào giám đốc! Tất cả mọi người đều nhầm tôi là giám đốc. Tôi chỉ biết cải chính bằng cái cười bẽn lẽn, xấu hổ rồi đi thẳng vào phòng mình, đóng cửa.

May thay, giám đốc lại là người có khiếu hài hước bẩm sinh, hỏi vui vẻ: “Cậu ngưỡng mộ mình nên đi thẩm mỹ viện sửa dung nhan cho giống mình chứ gì? Không sao, không sao...”

Đêm ấy, vợ tôi không ăn cơm tối, kéo vào phòng tra hỏi ngọn ngành. Tôi không thể nói sự thật dược, chỉ loanh quanh chống chế. Nhưng rắc rối không ở vợ tôi mà lại ở chỗ khác. Mỗi lần họp cơ quan, là một lần tôi ngượng chín mặt. Mấy chục cặp mắt xiên vào tôi như xiên chả. Họ làm ra vẻ đang lắng nghe giám đốc nói, họ làm ra vẻ không nhìn tôi. Nhưng tôi biết, tất cả mấy chục cặp mắt ấy đang cố gắng phân tích, lý giải vấn đề. Họ không thể hiểu nổi sau một đêm mặt tôi lại thay đổi đến mức như thế. Phải thôi, làm sao mà các người hiểu được, tôi vênh mặt lên một cách hết sức thiếu tự nhiên. Tất cả đều không qua khỏi cặp mặt tinh tường của giám đốc. Tôi lâm vào tình trạng cực kỳ khó xử. Sau nhiều lần bàn bạc với vợ, tôi quyết định xin đi học. Đi học cũng là một cách tự giải thoát cho mình. Kế sách này đầy người đã thực hiện, riêng gì tôi đâu. Thế là tôi đi học.

Bốn mươi tuổi, bắt đầu đi học, uể oải, khó chịu, mơ màng, u uẩn. Học không vào. Chán. Bực. Tôi định bỏ. Nhưng nghĩ đến cảnh quay về công ty ngồi phơi mặt cho người ta cười tôi lại cố gắng. Bữa học bữa bỏ. Môn được môn mất. Thế rồi cũng xong. Thôi thì cũng là Thạc sỹ, còn hơn khối đứa không học ngày nào mà vẫn Tiến sỹ. Học xong về lại công ty thì mọi việc đã thay đổi. Thay đổi ngoài sức tưởng tượng. Tay giám đốc và bà vợ trưởng phòng của tôi quấn quýt như hình với bóng. Mấy chục cặp mắt nhìn tôi tủm tỉm. Mặt tê rần như có ai xát muối. Tôi xin nghỉ việc, sốt li bì. Vợ tôi ngồi thẫn thờ cạnh giường, thở dài như giống nhai lại. Tôi căm thù cái mặt phương phi giả dối của tôi vô cùng. Trong cơn sốt mê man, tôi cào xé mặt mình rớm máu. Bố lọm khọm mời ông thầy chùa về cúng giải hạn trừ tà ma. Ừ, có lẽ là ma thật cũng nên! Không biết tài nghệ thần thông của vị thầy chùa đến đâu nhưng rồi tôi cũng khỏi bệnh. Khoẻ dậy, tôi đi tìm cái gương soi xem thử gương mặt mình như thế nào. Nhưng cái gương cũ đã không còn. Có lẽ cha tôi đã cất đi, hay đập vỡ nó rồi cũng nên. Tôi ra vườn, soi mặt xuống giếng. Dưới đáy, có một gã trông lì lợm, nhếch nhác, đểu cáng đang gườm gườm nhìn tôi. Tôi biết, bây giờ tôi mới thật là tôi. Kệ cha nó. Đẹp trai làm gì. Phương phi phơ phởn mà làm gì. Mặt nào chả là cái mặt. Tôi kiêu hãnh diện bộ đồ mới cáu, xách xe chạy ra đường. Gió manh động thổi vù vù bên tai cổ vũ, động viên.

 

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021