thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người thơ ấy

 

Mùa Đông năm đó rét. Cứ sẩm tối mưa lất phất, càng thêm rét. Sau gần ba năm, quần áo đem theo vốn ít — đem nhiều làm gì vì cứ nghĩ chỉ cần trong 10 ngày thôi — dù rất ít khi mang ra mặc, cũng đã mòn rách hết. Chỉ mặc khi tiếp người thân đến thăm nuôi. Vài món quà người tù ăn tại chỗ, khó nuốt xuống vì ngại và ngượng, nhưng ăn để vui lòng người đến thăm, rồi mang về trại giam chút ít thực phẩm, thế là quý hoá lắm rồi. Chúng tôi không muốn vòi vĩnh dù đang thiếu tốn mọi thứ, nhất là áo quần. Là vì chúng tôi thừa biết bên ngoài trại tù, dân chúng cũng đang đói khổ.

Thế thì, thường ăn mặc ra sao? Khi lờ mờ đoán rằng ngày về vô định, chúng tôi để dành bộ quần áo mang theo, may quần áo bằng bao cát mà mặc. Đi lao động, theo lệnh trên, không được ở trần, thì có áo bao cát đấy. Không có lệnh cấm ở truồng, nhưng chúng tôi vẫn mặc quần xà lỏn bao cát đàng hoàng. Ban đêm hoặc cuối tuần không lao động thì xà lỏn thôi, và ở trần. Đi ngủ cũng ở trần. Nếu lạnh, lại áo bao cát. Lạnh quá ngủ không được, quấn quanh người thêm bao cát. Bao cát là “của quý” của chúng tôi.

Bao cát dễ kiếm, nó chồng chất quanh những cộng sự phòng thủ trước kia của ta, nghĩa là của quân Cộng Hòa, dùng để chống đạn. Đó là những cái bao chứa đầy cát, gần mục nát trải qua bao mưa nắng, xổ cát ra, túm nơi này nơi kia, khoét nơi nọ, thành áo ba lỗ T-shirt một cách dễ dàng. Làm thành quần xà lỏn, khó hơn. Phải có kim, tự làm lấy, phải có chỉ, cũng “tự biên tự diễn” lấy. Những tên lười, kiếm được sợi dây kẽm mảnh hoặc dây đồng mảnh, thế là luồn vào bao cát, khỏi cần kim cần chỉ. Có khi may mắn, tình cờ gặp dưới những lớp tôn cháy sém cong queo, hoặc trong một xó nhà kho cũ kỹ đổ nát, mấy đống bao cát mới toanh, chưa sử dụng, nghĩa là chưa dộng cát vào. Thế là có áo quần mới.

Rét dễ trị hơn đói. Đói liên miên, vừa ăn xong vẫn đói, cái bụng vẫn lép kẹp, miệng lưỡi vẫn thòm thèm. Gặp gì ăn nấy. Cóc, nhái, chuột, rắn, dế, châu chấu, cào cào, bò cạp, rau cỏ dại... Vào rừng gỡ vỏ cây nếm thử thấy ngọt ngọt, thơm thơm, là ăn. Tối về ruột quặn, thì ngày mai không ăn món đó nữa.

Một hôm, gần cuối năm, anh nuôi mang về lán một ít bột mì. Một bí mật được tiết lộ. Lúc đi lãnh thực phẩm tại nhà bếp của Khung, tức là của cán bộ, anh nuôi tình cờ thấy treo cạnh bờ giếng một cái bao đựng bột mì, một hòn đá lớn đè lên cho khỏi bị gió bay, có hàng chữ tiếng Anh với lá cờ Úc. Đoán già đoán non: Úc nó viện trợ bột mì cho tù cải tạo nhân dịp Tết sắp đến chăng? Có lẽ đúng đấy vì trước kia nó từng là đồng minh của ta mà. Không lẽ nay thấy “bạn bè” lâm nạn lại làm lơ. Nhưng liệu Khung có giao đủ bột mì quý hơn vàng cho bọn mình không nhỉ? Hay có chấm mút đôi chút? Hay ăn bớt hơn hạm?

Từ đó, sau bữa ăn còm cỏi, bọn tù gom bột mì lại để làm cái gọi là bánh mì. Mỗi ca-rê ăn gồm bốn người được chia một “ổ” để ăn tráng miệng. Ổ bánh mì to gần bằng cườm tay trẻ con, dài độ nửa gang, có mấy khứa xéo trông thật hấp dẫn. Nhưng không có lớp vỏ vàng dòn bên ngoài, cũng không có phần ruột trắng mềm bên trong, lại không xốp vì không có bột nổi. Chỉ là một cục bột được luộc chín, cứng, dai, nhai rất mỏi miệng. Chấm thêm chút muối, ngon tuyệt. Thế mà một thằng bạn trong ca-rê chúng tôi không bao giờ chịu ăn phần bánh mì ấy. No rồi hả? Vô lý. Hắn để dành hôm sau mang ra bãi lao động. Cũng không phải để ăn lúc nghỉ giải lao buổi trưa. Quái!

Buổi sáng sớm, sáng nào cũng thế, những toán tù đi hàng một rời trại giam túa ra nhiều hướng trông như những đàn kiến bò nối đuôi nhau, toán đi vào rừng, toán xuống mé sông, toán ra truông, ra bãi, vân vân. Cũng có toán đi khá xa, băng qua xóm làng của dân, rồi mới đến khu lao động. Mỗi toán được dẫn đầu bởi một quản giáo, theo sau bởi một hoặc hai lính bảo vệ súng ống đầy đủ. Gọi là lính bảo vệ, nhưng bảo vệ cái gì nhỉ? Sau một ngày lao động, hoặc cuốc đất, dẫy cỏ, hoặc trồng sắn, trồng khoai, hoặc đào ao rau muống, ao cá, hoặc chặt mây, hái tranh, hoặc đốn tre, phác rừng, đẵn cây v.v... chúng tôi tập họp theo lệnh quản giáo. Kiểm điểm “quân số” xong, chúng tôi tập trung dao, rựa, đếm lại cẩn thận nếu đi rừng; tập trung cuốc, xẻng và cũng đếm lại cẩn thận, nếu đi những nơi khác. Đếm xong, bó lại thành từng bó. Tại sao thế? Nghe đồn ở một trại tù nào đấy, bọn tù mỗi tên có sẵn dao sẵn cuốc trong tay trên đường đi lao động trở về trại giam đã liều mạng tấn công bọn quản giáo và lính bảo vệ. Vậy thì bó thành mấy bó, bắt mấy thằng tù vác, thế là yên chí lớn.

Những tên nào đến phiên vác bó cuốc, đi hoặc về, quả là khốn khổ. Nhất là trên đường về sau một ngày làm việc nhọc nhằn, bụng đói. Bó cuốc nặng, dù có lấy dây lạc buộc chặt, đi một chốc nó cũng cứ xộc xệch trên vai. Ngồi bệt xuống đất siết dây lại, lính bảo vệ chĩa súng vào canh chừng, đứng dậy đi nhanh cho kịp đoàn tù, cho kịp tới trại trước khi trời tối đen, bá thở.

Mùa đông mau tối, gặp hôm trời mưa, đường lầy trơn, mấy tên vác bó cuốc càng khốn đốn. Mang dép râu chắc chắn bị trượt ngã. Đành phải cởi ra treo lên một cán cuốc - bỗng nhớ hình ảnh Lý Toét ngày xưa treo đôi dép lên cán dù vác lên vai, dù không mở thì lâu hư, dép treo khỏi mang thì đỡ mòn — vừa đi vừa bấm sâu mười ngón chân vào mặt đường đê lầy lội. Cái đường đê nhỏ vừa một người đi, trơn như bôi mỡ, cỏ cao lởm chởm hai bên. Tên vác bó cuốc nặng, răng cắn chặt, lần đi từng bước loạng choạng, cố giữ người cho thăng bằng. Nhưng thế nào cũng trượt té vài ba lần, bùn bắn vào đầu, vào tóc, vào mắt, có khi xui, cuốc bổ vào chân.

Cuối năm ấy mưa và rét. Gần nửa tháng đội chúng tôi đi lao động xa, cho nên được đi qua những xóm nghèo. Chúng tôi ai nấy đều cảm thấy vui vui. Nhìn mãi những nhà giam, những rừng, những bãi, những truông tiêu điều, cằn cỗi, đâm chán ngấy.

Những xóm nghèo! Mà xóm nào lại không nghèo. Từ ngày qua những xóm đó lúc chiều tối, chúng tôi luôn luôn gặp trẻ con đứng co ro thành hàng dài nhìn chúng tôi. Có cả một vài bà mẹ đứng bồng em bé đưa tay vẫy vẫy. Họ nghĩ gì nhỉ? Thù hận bọn lính ngụy như được hướng dẫn? Hình như không. Những khuôn mặt lem luốc, ngơ ngác nhìn theo chúng tôi mãi cho đến khi chúng tôi đi khuất sau những hàng tre tối tăm. Về đến nhà giam, nhớ đám trẻ con ấy, thấy có chút ấm áp trong lòng. Chỉ những hôm trời mưa bay lất phất, gió căm căm, [*] mới không thấy bóng dáng chúng đâu cả. Chúng đang làm gì vào giờ này nhỉ? Đói? Có cái ăn? Chạy quanh cột nhà? Đùa với con chó ốm? Và vợ con của chúng tôi cũng đang làm gì bây giờ? Những cuộc sống vất vưởng trong chờ đợi, hy vọng, thất vọng, tuyệt vọng.

Và tôi cũng đã biết tại sao thằng bạn tù cùng ca-rê đã không chịu ăn một phần tư ổ bánh mì nhỏ dùng tráng miệng. Hắn để dành được ba bốn hôm rồi mang theo lén cho các em bé đứng co ro nhìn đoàn tù. Từ khi được cho bánh mì, lũ trẻ con vui hẳn lên, cười. Vài đứa trong chúng tôi bắt chước thằng bạn tù ấy. Thì ra cái đói rất bình đẳng, trong tù cũng như ngoài tù. Nhưng, nói nhại theo một nhà văn người Anh, đâu bình đẳng hơn đâu? Tiếc thay, bột mì chia cho chúng tôi chỉ được mươi ngày là hết. Những em bé từ khi không được cho bánh mì thoạt tiên cũng chạy theo đưa tay, nhưng rồi cũng biết chúng tôi không còn, và chiều chiều chúng vẫn đứng co ro thành hàng ngơ ngác nhìn theo.

Như đã nói trên, chỉ những buổi chiều tối có mưa và thật rét, chúng mới không đứng thành hàng dài nhìn tù. Hai bên đường làng, đây năm bảy bụi tre ướt át, kia những thửa ruộng hoang ngập nước, những ao chuôm xơ xác, xa xa trong cái mù mịt của trời đất, mấy ngôi nhà tranh tối tăm không đèn lửa trông như những vết mực đen nhoè nhoẹt.

Hầu hết bọn tù chúng tôi đều trải qua cảnh sống nói trên. Đã trải qua rồi, nếu nhớ lại, sẽ không cảm thấy kinh ngạc, và cảm xúc cũng giảm bớt nhiều. Thế mà lạ thay, một bài thơ thật ngắn với những chi tiết quá quen thuộc ấy, với tất cả cái ma lực của nó, đã gây xúc động lớn trong tôi.

 

*

 

Tôi thích hội hoạ, hay nói cho đúng hơn, thích xem tranh. Rồi đem cái khiếu thẩm mỹ tay ngang của mình để đánh giá, phán đoán, so sánh, liên tưởng. Có khi liên tưởng qua một lãnh vực khác, thơ chẳng hạn.

Những bức tranh Phố Cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái, những mảng màu, thường là nâu và xám, vờn lên khung vải đã tạo nên những bâng khuâng, và đặc biệt nhất là đầy “nhớ”. Nhớ những vang bóng của ngày tháng cũ. Nhưng không phải Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân, thời đó hơi xa. Có lẽ thời của Thạch Lam, của Tự Lực Văn Đoàn với những phố Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Bạc... Tranh Bùi Xuân Phái buồn. Tâm hồn của người hoạ sĩ ấy rộng mở, âu yếm trùm lên cảnh vật, chẳng khác gì người thơ ấy, Thanh Tâm Tuyền, vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông, đứng dõi mắt trông theo, rồi phơi lòng lên trên kè đá. Một dáng điệu rất nên thơ, một cử chỉ rất trữ tình:

Dù sao mai phòng triển lãm sẽ đóng cửa
(Rồi mở thêm lần nữa
Để làm gì)
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Con thuyền xuôi
Chiều không xanh không tím không hồng
Những ống khói tàu mệt lả

Hoạ sĩ quả đã vô cùng yêu mến những ngõ hẻm, quán ăn, góc chợ, con đường nhỏ, chiếc xe bò trên hè phố, vân vân, của Hà Nội, mới có thể hoàn thành những tác phẩm nổi tiếng ấy, thì thi sĩ cũng đã trải lòng mình với người yêu cùng một lúc với thành phố, với những con đường đã từng đi qua, với phố bình dân, với quán ăn... để viết nên những dòng thơ lai láng. Thơ và hoạ quyện lại với nhau:

Anh nhớ em cùng một lúc với thành phố
với những con đường anh đi qua một lần
để đến nhà em anh băng ngang một vườn hoa vắng
(lần trở về anh ngồi xuống ghế dài
nếu là buổi chiều quạnh hiu mây lá mùa thu)
một phố bình dân có chợ và những quán ăn
giản dị như trang nhật ký của anh
ngày bắt đầu yêu em

Nhưng nếu Tranh Bùi Xuân Phái giữ ta lại với quá khứ, thì Thơ Thanh Tuyền, ngay từ thuở ban đầu ở tuổi hai mươi, đã có khác. Nghe bên trong những dòng thơ trên, những phố phường, quán xá, như có tiếng thì thầm của cô đơn, thê lương, tan vỡ, chia lìa. Thăm người yêu trở về, sao lại còn ngồi xuống ghế dài nếu là buổi chiều vắng. Để làm gì vậy? Có cái gì bất an? Quả thế, vì thăm như thăm lần cuối cùng rồi vĩnh biệt. Cái tâm trạng bi đát ấy càng rõ nét ở những dòng thơ sau đây trong cùng bài thơ khá dài đó:

Sự vắng mặt của em và bãi biển mùa đông
thành phố đau từ mỗi cột đèn
mỗi bực thêm cửa đóng
em đi không nón không áo choàng
mưa tầm tã
những cửa sổ đêm muốn hé ra
nổi loạn
và mắt em mặt trời cỏ hoa với môi anh đằm thắm
và rực rỡ nhớ thương

Tuổi hai mươi với một chút êm đềm và trữ tình của nhà thơ quá ngắn ngủi. Nỗi tự do buồn phiền, niềm cô đơn, những cơn tuyệt vọng, giận dữ, bỗng dưng nhanh chóng bủa vây lấy thân phận nhà thơ. Kể từ đấy, thơ của Thanh Tâm Tuyền và tranh của Bùi Xuân Phái hoàn toàn ly dị nhau:

Chiếc kèn hát mãi than van
Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Sao tuổi trẻ quá buồn
như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
như bàn ghế không bầy

hoặc:

Anh chìa hai bàn tay khô héo
Nỗi tự do buồn phiền
Hai bàn tay những con đường cỏ cháy
Mùa hè thiêu đốt cả cô đơn
Em giữ lấy
Anh còn đâu ngoài nỗi chết ôm ghì
Anh tìm kiếm
Tuổi ấu thơ hòn cù lao xa khuất
Và tình yêu như đám lau buồn
Vàm sông nước chảy xoáy như tiếng cười thầm
Ở sau lưng ở trước mặt
Anh thả người trôi nổi

Nhà thơ sục sạo tìm kiếm. Tìm cái gì? Lý tưởng? Lẽ sống? Tìm ra được chưa, hay dù phiêu lưu đến đâu cũng không thoát khỏi cái nhà tù với dãy tường câm chuyển động đuổi theo vây hãm:

Phiêu lưu mãi là một nhà tù
Dãy tường câm chuyển động
Trên một triền vực sâu

Cho nên có lúc nhà thơ tự thấy mình:

Trong đầu là hư vô
Trong mắt là hoang đảo
Trên môi là thần chú
Trên tay là trống không
Cả đời là sa mạc
Cả tôi là tự do

Mấy câu thơ trên đây đưa liên tưởng của tôi đến một bức tranh nổi tiếng của Van Gogh, Le Café de Nuit (Quán Cà-phê Đêm). Một người hầu bàn, mặc một chiếc áo màu trắng chìm trong nhiều màu sắc xung đột khác của quán cà-phê, thay vì ngồi tại quầy lo việc pha cà-phê, thức ăn, thức uống; hoặc đến các bàn của khách chờ sai khiến; hoặc dọn dẹp hai cái bàn ngổn ngang ly chai mà thực khách đã ăn uống xong đã bỏ đi; hoặc sắp lại mấy chiếc ghế ngang ngửa; anh lại đứng ngay giữa phòng cạnh bàn bi-da, hai tay buông xuôi, cặp mắt vô hồn nhìn về phía ta, tức là phía người xem tranh. Đầu anh có nghĩ ngợi gì không? Hư vô chăng. Cặp mắt thì vô hồn như hoang đảo. Hai tay buông xuôi trống không.

Có lẽ anh cũng tự do như người thơ ấy, không muốn, không chịu làm những gì bắt buộc phải làm.

Cái bàn bi-da thì to quá khổ trông như chiếc quan tài chiếm phần lớn cái phòng, quanh tường bàn ghế xô lệch, khách khứa lưa thưa, có người gục đầu xuống mặt bàn, hai người ngồi sâu bên trong như một cặp tình nhân, thì mỗi người nhìn một hướng.

Cũng như đa số tranh của Van Gogh, màu sắc trong bức tranh này tương phản đột ngột, nhiều nét cọ mạnh dạng in hằn lên những nét uốn éo, quằn quại, vạch vạch. Có người bảo đấy là dấu hiệu của những cơn bệnh tâm thần đang phát tác.

Một bức tranh nổi tiếng khác của Van Gogh, The Starry Night (Đêm Sáng Sao), trông cũng rất dữ dội. Cũng những nét quằn quại vẽ trời nhiều hơn đất. Trời thì xanh đậm vần vũ mây với hơn mười ngôi sao và một vừng trăng khuyết chấp chới sáng một màu vàng nghệ bệnh hoạn, tất cả bao bọc bởi những vòng tròn đồng tâm xù xì, hỗn loạn, chuyển động. Đất thì là một thành phố nhỏ đang chìm xuống nép mình bên những ngọn đồi chập chùng; nhà cửa im lìm không một bóng người xúm xít quanh tháp chuông nhà thờ vươn lên cao, nhưng lại quá thấp nếu so sánh với ngọn cây bách khổng lồ ở tiền cảnh. Ngọn cây bách màu đen đậm trông không khác gì mái tóc của một người đàn bà chĩa lên trời cao đụng các vì sao gây nên cái cảm tưởng rằng có một người đàn bà đang rớt nhanh xuống một vực sâu bên dưới khiến cả đầu tóc dựng đứng.

The Starry Night không thể không khiến tôi nghĩ đến mấy câu thơ Thanh Tâm Tuyền:

Trăng hồng sáng ngân nga lửa lạnh
Nhà lao đao. Đồi rào rạt ngoan nằm
...
Cây biếc lục. Trời tím than. Núi sững.
Phố tuôn vàng huyên náo dưới triền sâu.
...
Mùa ngã độc. Nhà nín hơi lẩn lút.
Đồi sượng sần. Cây lìa cành, lá trút.
Đừng ngoái nhìn. Phơ phất khói sương thu.
Đừng ngoái nhìn. Trăng khoả thân xanh mướt.

Chữ nghĩa dồn dập, hình ảnh và màu sắc đập mạnh và chuyển động dữ dội, quằn quại như nét vẽ của Van Gogh. Có khác chăng, đấy không phải là biểu hiện của bệnh hoạn, mà là một ý thức đang trăn trở, vùng vẫy.

 

*

 

Đang vào tuổi sung sức nhất của một người cầm bút, cùng với hầu hết nhà văn, nhà thơ Miền Nam, Thanh Tâm Tuyền bị tập trung đi tù cải tạo. Vì “tội nặng”, ông bị đưa ra Bắc. Trong tù ông vẫn làm thơ, thơ chui, sau này được đưa ra hải ngoại in thành một tập thơ rất giá trị, trong đó bài nào cũng hay: Thơ Ở Đâu Xa.

Thơ trong tù của ông hầu hết không còn là Thơ Tự Do như trước nữa, trái lại ông sử dụng vần điệu gần như Thơ Mới, với một ngôn ngữ rất súc tích, cô đọng, và đầy khám phá. Bài thơ dưới đây là một ví dụ. Đó là một bài thơ rất ngắn, chỉ có tám câu, mỗi câu bảy chữ, gồm hai đoản khúc. Bài thơ đã diễn đạt được cái bi đát, thê lương, không phải chỉ của người tù, mà còn của cả cuộc đời hiu hắt, tối tăm, nói chung. Hơn thế nữa, nhà thơ không hề than thở, bi lụy, và dường như không để ý đến cái cảnh tù đày của chính mình bằng lòng thương xót cho cuộc sống của Xóm Nghèo ở bên ngoài nhà tù. Những chi tiết “Trốn đâu lũ trẻ mặt lem luốc / Co ro đứng xem tù qua thôn”, hoặc “Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa” đã cực tả được mối quan hoài của tác giả. cuối cùng:“Ảm đạm lòng ta chiều cuối năm”.

Vâng, ngày mai hay ngày kia, năm sẽ hết Tết sẽ đến, cái Tết truyền thống của sum họp, của ấm cúng sẽ đến với mọi người. Và thế nào Tết cũng sẽ đến với xóm nghèo, với trại giam, bằng những cơn mưa bay gió rét, những ngôi nhà lạnh lẽo không đèn lửa, bằng những bước đi loạng choạng, xây xẩm, bằng một bức tranh gồm những gamme màu xám xịt, tối tăm, lem luốc, và bằng hai tiếng ngắn ngủi nhưng lắng sâu vào hồn, vào lòng: Ảm đạm.

 
Chiều Cuối Năm Qua Xóm Nghèo
Thanh Tâm Tuyền
 
Mưa bay lất phất gió căm căm
Đường lầy trơn nhà cửa tối tăm
Trốn đâu lũ trẻ mặt lem luốc
Co ro đứng xem tù qua thôn
 
Vác bó cuốc nặng bước loạng choạng
Về trong xây xẩm buổi tàn đông
Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa
Ảm đạm lòng ta chiều cuối năm.

 

_________________________

[*]Những câu thơ in nghiêng trong bài đều là thơ của Thanh Tâm Tuyền    


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021