thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tuỳ bút

ĐI?

 

- Đi, trước hết là sự chuyển động.

- Đi, có thể vì nhiều lý do, hoàn cảnh; nhưng đã đi, là phải đến.

- Đã đi, là phải đến.

Nhà văn Nguyễn Tuân tôn sùng chủ nghĩa “xê dịch”. Tôi coi đi là cốt lõi của cuộc đời “động”, nhiều ham muốn, nhiều tìm kiếm và đòi hỏi với bản thân. Rời xa gia đình, nơi chốn ở thân quen đến những vùng đất mới, những xứ sở khác, với tôi, đó là cách đi tìm mình. Những số phận, những gương mặt, những tiếng nói, những màu nắng và hơi gió, cảnh vật và tình huống trong những cuộc đi, cho tôi sống trong nhiều cảm giác, cho giác quan được hết mọi thang bậc. Tôi luôn thấy thiếu thời gian, có lẽ vì thế, trong mơ, tôi thường chạy. Tôi không thích đi theo thói quen, dù trong cuộc sống hay nghệ thuật. Sống đúng nghĩa và ý nghĩa nhất, là được là mình. Đi càng nhiều, càng xa, cũng là cách tiệm cận bản thể đích thực.

Với tôi, cuộc đi đẹp nhất trong sáng tạo, là độc mã. Tôi phục những con thú dám tách khỏi bầy, dù nó sẽ gặp nhiều hiểm nguy: cạm bẫy, con người và bị hại bởi loài thú khác mạnh hơn. Không phải dại dột đến mức không biết sự cô đơn, hiểm nguy, cái chết; cũng không phải thử sự liều lĩnh. Dấn thân – đó là sự thách thức. Tôi luôn đi trong sự dấn thân tới những con đường không quen. Đi đến nơi tôi thấy được đỉnh cao mình muốn. Kẻ nhát gan đứng lưng chừng dốc, an toàn hơn nhưng không bao giờ đến gần được mây trời trăng sao như kẻ lên được đỉnh. Cuộc đi đẹp nhất của đời người, là tìm được người mình yêu và người ấy yêu mình, tình yêu lớn không gì có thể so sánh và thay thế.

Huyền nhiệm và kỳ diệu biết bao, nếu tôi đến được đích hai cuộc đi sáng tạo và tình yêu. Dường như nó nhập một trong tôi. Cuộc đi kỳ vĩ nhất của hai người là cùng sống – yêu trong sự sáng tạo – đi vào trong nhau và ở lại. Hai người tạo nên một thế giới khác mà không phải chứng minh sự hòa đồng theo mọi chuyển động có tính phong trào để tỏ ra thích nghi. Đi trong cách sống tự do, chân thực, chống lại sự cam chịu và giả dối. Đi, cả khi nằm nhắm mắt – khi ngủ và khi chết. Tôi đang đi.

 

ĐẾN?

 

Đến nơi mình được thỏa mãn, thoải mái, không phải luôn là chân trời khác, có khi chỉ là đến một dung nhan hân hoan bình an và sức sống, trong tấm gương tôi thấy mỗi ngày.

Trước khi bắt gặp câu: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới” của nhà văn M. Gorki, tôi đã mơ thấy những chân trời khác.

Tôi là sự hòa huyết của cha – người của núi cao đại ngàn Trùng Khánh, Cao Bằng và mẹ, người Hải Phòng mạnh mẽ thuần phác, nên có gió khoáng đạt đầy mùi thảo quả trong hơi thở tôi, có biển cuộn những dòng hải lưu trong thân thể tôi. Tôi muốn chu du đến nhiều xứ sở mà tôi bị quyến rũ qua sách vở và phim ảnh: Pháp, Ý, Trung Quốc, Nga, Ai Cập, Ấn Độ. Tôi cũng muốn đến châu Phi để thấy những cánh rừng hẹp dần, những bình nguyên xơ xác cỏ và những con sư tử cuối cùng ra đi từ những trang văn tài tình về chuyện săn sư tử của E. Hemingway.

Tôi vẫn hình dung tôi đến được nơi có nhiều người thích thơ tôi; vì sự mãnh liệt và nồng nàn ứa chất sống; để được yêu thương và chia sẻ, để hiệu triệu dữ liệu đủ mà tin: người tốt vẫn còn nhiều và sự lãng mạn chưa hề mất.

Tôi muốn đến một ngày tròn đầy giấc ngủ không mộng mị hoảng hốt, không giật mình thở dốc, không thấy đắng cay trước trang giấy trắng, đến một ngày không bất an.

Tôi muốn đến những xứ sở khác, cùng người đàn ông của mình. Tôi đã đến trên những con chữ, trước khi những điều hình dung trở thành hiện thực.

 

ƯỚC?

 

Tôi luôn bị ám ảnh về sự ngắn ngủi của kiếp người, nên không ước những điều xa vời và không tưởng.

Tôi ước sức khỏe an lành cho những người ruột thịt và những người tôi yêu mến, để họ không tiếp tục ra đi nghiệt ngã và đau đớn (tôi đã lớn lên thiếu ông nội, mất dần người thân, bạn, người quý mến, vì bạo bệnh và tai họa).

Tôi ước được sống đủ năm tháng để leo được lên đỉnh núi trong tâm hồn tôi… Tôi đã cộng cảm với Cao Hành Kiện khi ông viết trong “Linh Sơn”, đỉnh núi ấy chính trong hồn ông, trên quê hương Vũ Di của ông, tìm thấy khi đã đi qua nhiều ngọn núi.

Tôi ước những tác phẩm của mình có tiếng vang vượt biên giới. Nghệ thuật và tình yêu đích thực, luôn bất chấp và vượt qua mọi giới hạn. Khi tôi làm cho nhiều người rung cảm và chia sẻ, được thúc giục, tôn vinh, tức là tôi đã trôi qua nhiều cuộc đời.

Tôi khao khát được hét vang tên Tổ quốc mình, gắn nó với mình và góp phần nhỏ làm Việt Nam được nhắc tới như một danh từ, động từ, tính từ đầy quyến rũ.

Tôi ước sự ấm áp và thanh thản cho tất cả mọi người. Tôi ước không phải xa người đàn ông của đời tôi, cả khi đã chết. Và sau khi chết, tôi vẫn được nhớ đến và tự hào về ý thức sống, tác phẩm sống, không chỉ đối với con cháu mình.

Tôi muốn sống trong sự vị tha và dâng hiến. Yêu và vì người khác, làm mọi thiên chức, bổn phận một cách tự nguyện, cũng là cách xác đáng để khẳng định việc hòa tất sứ mệnh của giới tính, trong sự chu toàn được mặc định, sinh 3 con với người mình yêu và nhiều tác phẩm nữa.

Tôi ước được làm một người đàn bà bình thường.

 

LÀM?

 

Làm việc, là thuộc tính cố hữu của tôi, người đầy trách nhiệm và tham vọng.

Tôi là con nợ của chính mình, với những việc phải làm luôn ngồn ngộn. Tôi không biết phải xoay xở thế nào để có thêm sức khỏe và thời gian rảnh rỗi để đi, nghỉ ngơi, đọc sách và làm những điều mình thích. Những việc phải làm trở thành đối trọng với sức khỏe – cán cân luôn bị bênh lên vì nhẹ. Tôi làm việc quá tải và bạc đãi cơ thể mình, tiêu xài những năm thanh xuân của mình cho việc viết. Những việc phải làm cứ nhiều lên mãi so với các việc muốn làm. Bởi sự bất lực về sức khỏe đã không cho tôi được tùy nghi làm những điều muốn, mà biến chúng thành điều phải, trong sự câu thúc và hốt hoảng khi mỗi ngày đi qua.

Với nhiều người, làm là một nhu cầu. Tôi muốn làm trong hăng say và hưng phấn song không phải luôn được thỏa nguyện. Điều tiết thời gian sống cho mình, cho những điều mình thích, là thực tế không chỉ tôi muốn đạt. Những sở thích, đam mê, luôn là những việc cần làm, nhiều khi nó trở thành tối thượng: viết, đi, sưu tầm sách, tranh, đồ gốm và nhất là yêu. Tôi không thể không viết và không yêu, dù yêu trong xa cách. Yêu trong sự chờ đợi là cách để không ngừng làm mới và hoàn thiện mình. Tất nhiên, không phải sự chờ đợi vô vọng. Tôi tự lập từ nhỏ và coi tự lập là cung cách quan trọng của một bản lĩnh sống.

Đôi khi tôi muốn làm đàn ông. Vì cho rằng, đặc thù và yếu điểm của nam tính, sẽ cho ta cơ hội để làm được nhiều hơn những điều mình muốn. Nhưng rồi lại nghĩ, chắc gì là đàn ông tôi sẽ làm được nhiều hơn khi là một người đàn bà. Tôi chấp nhận và biết ơn tạo hóa cho tôi làm đàn bà. Và tin, sống tận cùng với bản chất ấy, thì mọi khát vọng quan trọng nhất đều có thể được chuyển tải bằng giới tính phái yếu.

Tôi muốn là người phụ nữ được nhiều đàn ông yêu, nhưng, chỉ yêu một người. Tôi đủ sự cứng rắn để sống quyết liệt và biết khước từ cám dỗ; đủ yếu đuối để nữ tính toát lộ một cách riêng biệt. Tóm lại: “Tôi là một phụ nữ rất đàn ông”, như câu nói của Sophia Loren, nữ diễn viên Ý lừng danh thế giới.

Dù làm đàn ông hay đàn bà, kiếp này tôi vẫn gắn với văn chương, sáng tạo. Đó là sự chỉ định của định mệnh.

Và làm đàn bà hay làm thơ, tôi đếu muốn làm mới và lạ.

 

NGHĨ?

 

Phải mất một lúc lâu, tôi mới định thần được mình là ai, ở đâu… Thảng hoặc, tôi bị rơi vào trạng thái mộng du, khi quá tập trung theo đuổi ý nghĩ xa xăm của mình.

Tôi nhìn vết chai ở sườn ngón trỏ và ngón giữa bàn tay phải, chỗ kẹp bút, và nghĩ đến những vết chai ở đầu các ngón tay của hàng tỉ người khi gõ máy tính là xu hướng toàn cầu. Sẽ có ngày, thay vì gọi “bút tích”, người ta phải nói “máy tính tích” ư? Sách báo đưa lên mạng ngày càng nhiều, tôi không cản được cuộc vận hành vũ bão của công nghệ dù tôi sợ một ngày, không còn những cuốn sách để ta gấp đánh dấu khi đọc dở và xót xa khi chúng ố vàng dần vì bụi bặm thời gian. Đại học Sorbonne lừng danh phải mở khóa học viết thư tay. Tôi không cho rằng tôi và Sorbonne hoài cổ.

Tôi nghĩ tôi không thể bỏ thơ và thơ không bỏ tôi. Cả hai chọn nhau. Không phải vì không làm thơ, tôi không biết làm gì nữa. Tôi tin ở sự tháo vát và thông minh của tôi, cả việc một lúc nào đó sẽ mở một công ty kinh doanh. Tôi không bao giờ là kẻ hàng binh trước những khắc nghiệt khách quan và cả sự oan uổng, vô lý của hoàn cảnh.

Tôi thường nghĩ tới mái tóc bạc xói của cha tôi, về những nấm mộ khắp ba miền của những người thân tôi và tự hỏi: Mình cần phải sống tiếp như thế nào?

Nung nấu thường trực là ý nghĩ về sáng tạo. Nhiều khi mạch lạc, minh triết, nhiều khi rối bời. Có lúc nản lòng, khi tập thơ VILI 2 năm không được cấp phép, khi các dịch giả nước ngoài chỉ chú ý nhiều đến dịch văn xuôi; khi mình đã chịu đựng những “trận đòn” hội chợ và ngấm ngầm không ngừng tiếp nối và đương đầu như một thủ lĩnh chịu nạn cho những người viết trẻ. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn bảo tôi: “Làm sao Linh bỏ thơ được, còn bị giời đày. Khốn nạn và hạnh phúc”. Từ thời cổ đại, nhà thơ thường là/được coi như một triết gia. Tôi không có khả năng tiên tri, nhưng tôi nghĩ thơ không thể mất đi trong nhu cầu của loài người dù cuộc sống có tiện nghi và đầy đủ các sản phẩm của công nghiệp, công nghệ hiện đại.

Sinh trước tôi 66 năm, nhà thơ Mêhicô Octovio Paz cho rằng: “Thơ là quan trọng nhất, vì không có thơ, con người sẽ trở nên ú ớ không nói thành lời”.

Dám tách khỏi bầy tự tìm kiếm và khai phá con đường khác, sống khác với xu thế, với đám đông phong trào, để riêng biệt là mình với những lựa chọn của mình, đồng nghĩa với mất dần các mối quan hệ sau mỗi lần gặp họa, sự biến và nhân lên sự cô đơn.

“Cần phải biết bơi ngược dòng”, phương châm của Albert Camus, tôi sống theo phương châm ấy và chấp nhận trả giá. Kẻ tìm ra điều đúng sớm trước có thể bị tiêu diệt nhưng chân lý thì không.

 

SEX?

 

Hình ảnh “Anh và em trở thành quái vật hai thân” của nhà thơ Nga Joseph Brosky đã ám ảnh và làm tôi kinh ngạc về sự biểu hình bất tận.

Với tôi, sex là bản năng cơ bản nhất của con người. Một tình yêu trai gái đúng nghĩa, của hai cơ thể và tâm hồn khỏe mạnh, nếu không có sex, là chuyện bất thường không thể chấp nhận. Những tiểu thuyết, bộ phim có những “xen” sex đẹp đẽ, luôn gây ấn tượng cho tôi: vẻ đẹp cơ thể, cách quay, góc máy (nhìn), ánh sáng và tình yêu của nhân vật. Sex rất tầm thường, nếu không có tình yêu, lúc ấy, nó đơn thuần là biểu hiện của tính giống, hoạt động của con.

Sex là sự giải thoát và bủa vây con người.

Với nhiều người, nó là nhu cầu, là thói quen. Với tôi, nó thuộc về và nằm trong tình yêu, giản dị và cao cả nhất.

Tôi ghê tởm những kẻ đồng tính và chuyện sex của họ. Đó là sự bệnh hoạn. Hà Lan và vài quốc gia chấp nhận chuyện đó – đó là sự nguy hại, làm nhiễu loạn thế giới.

Tình dục đẹp thăng hoa sự sống. Những câu thơ hay nhất của tôi thường khởi phát trong sự tôn vinh và thăng hoa ấy.

Sex cho con người tìm kiếm và tìm thấy, trong cảm xúc nhiều biến đổi của họ. Trong số, nhiều sự đánh tráo và nhiễu loạn, sex đúng nghĩa là căn cứ để phân định sự tồn tại của mỗi người và bản chất giới tính.

Một buổi tối trong lành trong căn phòng trên cao gần hồ đầy gió và hương sen, người đàn ông đón từ tay người đàn bà ly rượu mạnh. Rượu ngon càng ngon khi chiếc ly dan díu mùi người đàn bà trong đó. Lúc đó, người đàn ông tận hưởng ly rượu ngon nhất thế giới. Tôi thích Napoléon khi ông viết cho Josephine từ mặt trận: “Josephine, ngày mai anh về, em đừng tắm nhé”. Đó là câu tỏ tình, tôn vinh bậc nhất của người đàn ông vĩ đại và đích thực bậc nhất. Đầy gợi cảm. Người ta mê nhau vì mùi, tôi tin thế. Nghệ thuật từ con người và cho con người. 7 loại hình nghệ thuật đều xuất phát từ nhân bản và không thể tránh dấu ấn tình dục. Nhà viết kịch Mỹ Arthur Miller khẳng định: “Nghệ thuật là sự thăng hoa của tình dục”. Tôi không có ý nói: “Sex muôn năm”, nhưng tôi phục và tin ông ta.

Tôi viết về con người, về tình yêu, về sex trong tình yêu bằng sự ngưỡng mộ, tôn vinh say đắm trong tiếng la lối của những kẻ thất tiết, giả tạo luôn tỏ ra kín đáo, đức hạnh, khước từ sự thật như thể cái giường sinh ra không phải để nằm. Những người đồng tình không lên tiếng.

Trong tiếng la ó của đám đông, tôi solo. Luôn solo.

 

BI?

 

Nước mắt, nỗi đau, bi kịch, thuộc về con người và không bao giờ tách khỏi con người.

Tôi không cố gắng đào thoát khỏi bi, mà học cách vượt qua nó, một cách kiên trì và kiêu hãnh.

Phiền muộn, cay đắng, thậm chí là cái chết, có gì đáng sợ đâu, khi đã tận lực và tận hiến trong từng giây sống, được nếm đủ mọi vị ở đời. Nhưng cái chết không thể được đem ra như sự giải thoát bế tắc, trừ khi Chúa bắt ta phải lên thiên đàng – ở sau cái chết – mà ta không biết. Chiến binh dũng cảm biết mọi hiểm nguy mà vẫn dấn thân – đó cũng là cách biến bi kịch thành tráng ca.

Octavio Paz có nhiều người bạn lừng danh trong đó có A. Camus, người đã chọn phương châm “Bơi ngược dòng” từ thời niên thiếu. Khi O. Paz bất chấp sự đố kỵ, hờn giận và xa lánh của bạn bè, lời đàm tiếu của xã hội để không theo ai, quyết chí đi con đường mình đã chọn, mất những người ông quý giá như R. Alberti và Pablo Neruda, đó là thời kỳ ông thốt lên bằng thơ: “Đâu đó sẵn sự lên án mi / Chỉ có lối thoát trong ô nhục và bằng sự treo cổ”. Như O.Paz, tôi không tự treo cổ hay tự chết bằng bất cứ cách nào, dù luôn cảm thấy cái chết thường trực trong thế giới đầy nguy biến và sự đe dọa vô hình. Tôi sống để có thể, dù phải chết bất cứ lúc nào, cũng được kiêu hãnh. Tôi sẽ dạy cho các con tôi cách chế ngự và vượt qua nỗi đau và bi kịch, từ lúc chúng chưa chào đời.

Vì nỗi buồn là tài sản lớn nhất của tôi.

 

CƯỜI THẦM?

 

Tôi ít khi cười thầm, vì ít chuyện để cười được. Cả thế giới bị bấn loạn vì cái ác, lòng tham. Sự giả dối, thậm chí, sự cơ hội và đê tiện được bao che, trọng dụng và những kẻ rởm, kém và giả dối có cơ hội tiến thân nhiều hơn người khảng khái, chân tài, vẫn là minh chứng không thay đổi về sự nghịch lý bất công từ hàng ngàn năm nay. Chung qui lại, vì con người không bỏ được tham, sân, si, không thể diệt dục. Người ta hạ thủ nhau, nhiều khi chỉ vì dục vọng rất thường.

Tất cả chúng ta khi nhìn thấy bản chất ấy, hãy can đảm mà cười to lên, cười sự tầm thường của mình.

Tiếng cười ít hơn nhiều tiếng khóc.

Chuyện cười ra nước mắt, có khi chỉ là vừa xem phim (truyện) hài, vừa ngáp ngủ nên nước mắt trào ra một cách cơ học, chứ chẳng phải là “tấn bi hài kịch” như người ta vẫn tung hô. (Đến đây thì tôi có thể cười thầm).

Nhà văn Pháp André Malraux nói: “Cuộc đời chẳng là cái quái gì nhưng chẳng cái quái gì bằng cuộc đời”. Cả lúc thấy trống rỗng và vất vưởng, tôi vẫn nghĩ đến câu nói này.

Người ta lớn lên từ nước mắt.

 

ĐÁNH MẤT?

 

Tôi giày vò và tức giận bản thân nhất là những sai lầm của mình, trong đó đáng ghét nhất là việc đã đánh mất thời gian cho những kẻ mà sau đó tôi thấy nó chẳng ra gì, chẳng đáng để tôi mất một xu thời gian; tiếp đến là mất những đồ vật, kỷ vật.

Quên lãng, cũng là một cách đánh mất.

Tôi đã học theo cách của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Người ta tập nhớ còn mình tập quên” để quên đi những việc dở hơi, sai lầm, những kẻ vớ vẩn, những cuộc gặp vô bổ, những quan hệ thậm tệ. Đó là cách đánh mất những vết đen ký ức.

Tôi đã bị đánh mất tuổi thơ vì thiếu thốn thèm thuồng, những ước muốn có sách giáo khoa mới, váy sặc sỡ và được ăn kem thỏa thuê đến cóng cả môi, chở sau chiếc xe đạp cũ của cha tôi chưa một lần được thành hiện thực. Tới lúc tôi có thể có tất cả những điều đã ước ấy, ngay lập tức, thì tôi không còn thèm muốn nữa. Cảm giác ấy đã bị đánh mất.

Tôi đã bị đánh mất lòng tin ngờm ngợp và những xúc cảm ngây thơ thuở bắt đầu cầm bút, trong hành trình hơn 8 năm sáng tạo của tôi. Sự nguyên khiết, vô tư, không đề phòng, sự bình an đã bị đánh mất. Và đó là cái giá đau nhất mà tôi không cách gì bù đắp hay phục hồi lại. Tôi ước được một lần nữa thơ ngây trong chiều cao im lặng.

Tôi đã vào đạo Thiên Chúa, với tên thánh Teresa, một tất yếu, một khát vọng được cứu chuộc và giải thoát khỏi sự bủa vây của những nỗi khổ và cô đơn dằng dặc. Khi con người còn cần đến tôn giáo và muốn đẻ con để tiếp nối sự sống của mình, tức là con người vẫn đầy cô đơn và yếu đuối. Tôi không trông cậy vào con người, và như hàng triệu người khác, tôi trông cậy vào sự chở che của đấng siêu nhiên. Để được gột rửa và sống thánh thiện, hướng thượng, để giữ lại tôi bằng đức tin trọn vẹn vào Chúa.

Tôi không bao giờ đánh mất mình.

 

CÁI TÔI?

 

- Trước hết, đó là sự thật bản thể.

Điều quan trọng nhất của cái tôi, là biết sống khiêm nhường đến không thể khiêm nhường hơn và biết kiêu hãnh tới không thể kiêu hãnh hơn. Sống một kiếp, phải cho đáng một kiếp. Một nhà phê bình nói: “Muốn biết một tác giả có vị trí hay không với nền văn học, hãy tưởng tượng thiếu anh ta, sẽ ra sao. Sự thiếu ít hay nhiều phản ánh mức quan trọng về vị trí tồn tại của anh ta”.

Thật buồn nếu chết đi, không để lại dấu ấn gì, không làm cho ai thấy thiếu.

“Phải có nhiều cái chết đắng cay trong cuộc đời các ngươi. Ôi, những kẻ sáng tạo! Như thế các ngươi sẽ trở thành những kẻ bảo vệ và biện minh cho những gì hư mất phù du”. Nietzsche đã viết trong “Zazathustra đã nói như thế”.

Tôi sợ mình chết mà chưa làm được trọn vẹn những điều đã định. Cái chết – đích của tất cả chúng ta – mong nó đừng đến sớm. Nhưng không ai biết cái chết thực sự là thế nào. Người ta vẫn sợ những điều không thấy, vì ám ảnh về nó.

Giá trị một cái tôi khẳng định chính xác sau khi chết. Chết đi, là bị quên; nhưng có khi, người đương thời quên, nhưng người thời sau lại nhớ. Có người bị quên ngay khi đang sống. Kiếp sống vài chục năm thật phù du trong quỹ vận hành hàng tỉ năm của trái đất, của vũ trụ nhưng vô cùng ý nghĩa khi được làm người và có mặt trên mặt đất này.

Cái tôi cần biết tự tỏa sáng để trở nên lộng lẫy. Tôi sống, viết, yêu và nghĩ tự do như tôi muốn và thuộc về sáng tạo. Là sự sáng tạo.

Tôi thuộc về thơ nhưng không chỉ dành riêng cho thơ. Một tiểu thuyết 500 trang đang phôi thai. Và nhiều thứ khác. Tất cả đều trả bằng máu, nước mắt và sự sống.

Con người cần biết trở thành một kỳ quan trước khi tiếp tục xây dựng những kỳ quan.

Tôi là một kỳ quan.

 

ẢNH HƯỞNG?

 

- Tôi có sự hoang dã và bạo liệt sâu thẳm bởi dòng máu cội nguồn chủng tộc.

- Tôi chịu ảnh hưởng bởi những người đàn ông: Ông nội tôi, người đã đặt tên cho tôi và mất khi tôi chưa đầy 2 tuổi; cha tôi, người đã truyền cho tôi máu sáng tạo và niềm say mê văn học; người đàn ông mà tôi đang yêu, mối tình lớn của tôi; đó là những nhà văn, nhà thơ lớn mà tôi đọc và ngưỡng mộ, đặc biệt là các nhà văn Mỹ La tinh thông qua bản dịch của Nguyễn Trung Đức, một dịch giả lớn và quan trọng của đất nước chúng ta, người mà không chỉ tôi luôn phải ghi nhớ và biết ơn.

“Tôi là tôi và hoàn cảnh của mình” – José Ortega y Gasset, nhà triết học, mỹ học và phê bình văn học nổi tiếng Tây Ban Nha.

Tôi đã tạo nên thơ và thơ tạo ra tôi để tôi được là tôi nhất. Nó không bao giờ là phù phiếm, phù du.

Tôi bị ảnh hưởng bởi niềm tin Á Đông về kết thúc có hậu. Léonard de Vinci đã tìm cách tự bay lên từ mấy trăm năm trước và đó vẫn là khát vọng bất khả của con người. Trong mơ, tôi thường chạy, có khi bay lên. Tôi ước mơ con người tự mọc cánh bay. Tôi luôn bị hối thúc. Cả trong chiêm bao, khi tôi xếp hàng mua vé lên con tàu hạnh phúc thì căn phòng bộn chữ rùng mình thành toa tàu đầy cuống vé cũ, đuổi theo tôi. Sự mơ hồ và ai đó luôn đuổi theo tôi và tôi tìm bằng được những cái mình mơ ước.

Văn chương đích thực cứu rỗi nhân loại, bởi nó thức tỉnh và hướng tới con người, trong đó đáng nói nhất, nó cứu rỗi con người và giữ lại cái đẹp, trước đó, nó cứu rỗi chính nó và nhà văn.

Tôi là nhà thơ có độc giả và tôi tin vào khả năng kích ứng, gây ảnh hưởng của mình.

Dư luận, là những lời nói thừa. Nhưng những lời đồn thổi tai quái, ác nghiệt, sự đày đọa phi lý dồn dập dai dẳng đổ vào tôi, làm tôi mệt mỏi. Người ta thấy việc làm thơ ở thời buổi này, như một sự “bất thường”. Tôi không muốn những bài thơ bình thường vì nó không bao giờ tạo ra sự đột biến, cuộc cách mạng. Bản chất của cách mạng là thay đổi về chất. Cuộc sống công nghiệp ảnh hưởng đến tôi bằng tự vấn: “Liệu sẽ có lúc, người ta khước từ thi ca không, người ta không có thời gian đọc nó, không cần nó?”. Có thể có cuộc cách mạng công nghệ xóa bỏ những giá trị đã có, những lá thư viết tay và áng thơ say đắm thì sao?

Nhưng tôi được trấn an khi nhớ đến lời của nhà văn, nhà cách mạng Cuba José Marti: “Có những kẻ khờ dại cứ khăng khăng cho rằng thơ là không cần thiết cho nhân dân. Có những kẻ thiển cận đến mức tin rằng: quả được giới hạn ở trong vỏ. Thơ tập hợp hay chia lìa, củng cố hay làm suy yếu, làm bừng sáng hay dập tắt các tâm hồn, đem lại hay làm mất đi lòng tin và hơi thở của những con người. Thơ cần cho con người hơn cả công nghiệp vì công nghiệp chỉ đem đến tiện nghi sinh hoạt văn minh; trong khi đó, thơ mang lại cho họ ước mơ và sức mạnh của cuộc đời”.

Tôi tự truyền được sức mạnh cho mình, khi điểm danh tên “Vi Thùy Linh” trong một ngày thong thả, bình an với hơi thở nhẹ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021