thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Căn nhà mộng mị

 

Tặng tôi một thời tuổi trẻ

 

Bạn bè từng cho rằng Đăng có những ngày tháng hoang vu thơ mộng ở Đà Lạt. “Tôi nào chọn để sống như vậy; hoàn cảnh nó đưa đẩy tôi sống như vậy mà thôi.” Anh nói thế, chứ tôi biết hoàn cảnh cũng do anh tạo ra. Hoàn cảnh gì bức bách đến nỗi anh đột ngột rời Sài Gòn lên Đà Lạt, trước ngày vào quân đội, theo lệnh gọi nhập ngũ của Trường Bộ Binh Thủ Đức. Cái bị to xù của anh chỉ chứa hai bộ quần áo, hai cái áo ấm; thêm quyển sách duy nhất, Le Grand Meaulnes của Alain-Fournier. Trong ví ở túi quần có cái thẻ căn cước, một thẻ sinh viên đã hết hạn từ lâu, và một tờ giấy gọi là lệnh gọi nhập ngũ. Trong túi áo có cái ống vố hiệu Ropp, ai đó tặng anh đã quá lâu, anh không nhớ rõ. Và, dĩ nhiên trong túi áo hoặc túi quần, số tiền anh có không nhiều hơn một tờ giấy bạc năm trăm đồng.

Năm trăm đồng, nhuận bút được xem là cao, cho bài thơ đầu tiên của anh đăng trên tuần báo Nghệ Thuật; tờ báo văn nghệ uy tín số một ở Sài Gòn lúc đó. Vậy mà anh lại hỏi người đăng cho anh bài thơ và đề nghị trả nhuận bút như vậy, Chỉ có năm trăm thôi hả anh? Người ấy, nhà thơ / nhà văn Viên Linh, hẳn nhiên rất bực. Viên Linh bảo anh chàng Đăng làm thơ, hay thì hay thật, nhưng có vẻ khinh bạc. Anh nghe nhận xét đó, nói với một người bạn: “Tôi nào biết nhuận bút như thế là cao hay thấp; chỉ vì thấy số tiền không đủ để lên Đà Lạt sống ít ngày trước khi nhập ngũ, nên mới hỏi ông anh như vậy.” Anh gọi nhà thơ / nhà văn tài hoa và nhà làm báo văn nghệ số một ở Sài Gòn lúc ấy, Viên Linh, là Ông Anh Thi Sĩ. Tôi biết Đăng tôn quý ông anh Viên Linh rất mực; và với Đăng, thi sĩ là số một, là thượng tầng của cõi đời này.

 

---

 

Ở Đà Lạt dài lâu, nhưng tôi không biết những ngày tháng hoang vu thơ mộng của Đăng tại đây như thế nào, như bạn bè của chúng tôi đã nói. Tôi chỉ thảng hoặc gặp anh; thường là gặp trong Cà phê Tùng, cái quán chuyên nghiệp cà phê lâu đời nhất ở Khu Hòa Bình, trung tâm của thành phố cao nguyên.

Anh có lối phục sức ưa nhìn; nhiều bạn gọi anh là người theo chủ nghĩa hình thức. Có lần tôi ngắm cái áo thun trên người anh, cái cổ áo rất đẹp, nhớ mang máng (hay có thể tôi đã tưởng tượng) rất giống cái áo của Modigliani, nhà danh họa Ý đẹp trai và bụi đời thường vận. Anh liền kéo ngược cái áo ngoài lên, cho hở phần dưới của áo thun; nó đã thủng rách lỗ chỗ khắp cả, từng bị chuột cắn muốn nát hết rồi cũng nên. “Tôi vẫn mua đồ cũ ở chợ Đà Lạt; cái áo mặc ở trong thì chỉ cần mỗi chỗ cổ áo còn nguyên vẹn là được,” anh nói.

Tôi hỏi thăm chỗ anh ở, anh bảo có nhà cửa gì đâu. Nghĩa là anh cư trú tùm lum; hoặc chỉ cần một chỗ ngủ trong đêm, bất kể chỗ nào. Anh thường ghé nhà Nguyễn Quang Huy; bảo người bạn ấy là “người có tâm hồn trong sạch nhất trần gian”. Mỗi lần vào nhà Huy, anh tìm lối trèo lên căn gác gỗ; ngủ tại đó tới mờ sáng lại tìm lối xuống; cả nhà Huy không ai biết vụ việc thường ngày, diễn ra cả tháng của anh như vậy, dĩ nhiên trừ Nguyễn Quang Huy.

Một lần gặp sau, anh cho biết là anh đang sống trong căn nhà tồi tàn rách nát có một không hai tại thành phố, phía sau chùa Linh Sơn, phía trên thung lũng trồng cải bắp của nông dân Đà Lạt. “Anh thuê trọ ở đấy hả?” “Tôi cũng có ý đó, nhưng người cho tôi trú ngụ bảo tôi là không cần phải thắc mắc cái chuyện nhỏ nhặt ấy. Khi nào kẹt chỗ ngủ thì vào căn nhà này mà ngủ. Cứ như vậy, tôi tới căn nhà này như căn nhà của mình. Ở căn nhà tồi tàn rách nát nhất thành phố mà tôi thấy vô cùng thoải mái; thấy có vẻ một nơi chốn huyền ảo, hoang đường nữa là đằng khác. Một nơi chốn như trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh. Gọi nó là căn nhà mộng mị cũng được, như chủ nhân căn nhà này bảo vậy.”

Tôi cũng tin anh gọi căn nhà anh đang trú ngụ là căn nhà mộng mị (anh nói chủ nhân căn nhà bảo vậy), không phải chỉ cũng được, mà là quá được. Chủ nhân căn nhà mà anh không biết là người thuê trọ hay không thuê trọ, có ổ khóa để đóng cửa mở cửa hẳn hòi, không phải căn nhà bỏ hoang gì hết.

Tôi đã gặp nữ chủ nhân căn nhà ấy, tại Cà phê Tùng. Chị ấy có lẽ còn trẻ hơn tôi năm, bảy tuổi, nhỏ hơn Đăng cũng chừng bấy nhiêu. Tôi quen gọi là chị, tất cả phụ nữ tuổi tác như vậy; hoặc nhiều hơn hay kém hơn như vậy. Chị hỏi tôi lâu nay có gặp anh hay không. “Thế anh ấy không về căn nhà ở trên thung lũng trồng rau cải bắp, sau chùa Linh Sơn?” Chị lắc đầu nhẹ, lắc đầu liên tục; tóc xoay cũng nhẹ theo liên tục, phủ lòa xòa trước mặt. Khuôn mặt đẹp, sắc sảo và hơi lạnh lùng; nói vắn tắt là khuôn mặt sắc lạnh, và như vậy tôi thấy càng khêu gợi nhục cảm. Tôi ngạc nhiên nhưng không hỏi, sao chị biết tôi quen Đăng? Chị ghé Cà phê Tùng chỉ để hỏi tin tức về “anh ấy”, rồi chị rời quán tức thì. Nghe chị hỏi vài tiếng ngắn gọn, tôi không thể nhận biết chị là người vùng miền nào, qua giọng nói. Có lẽ chị là người xứ Huế, tôi có cảm giác như vậy.

 

---

 

Tôi gặp lại anh lần sau nữa, sau cái vụ gọi là tổng-tiến-công-và-nổi-dậy đợt một của Việt cộng tại thành phố Đà Lạt. Có hai đợt tổng-tiến-công-và-nổi-dậy như vậy, ở Đà Lạt và ở nhiều tỉnh lỵ thành phố của Miền Nam Tự Do.

“Tôi chả biết cô ấy có cảm xúc gì không. Tôi hôn cô ấy hai lần, cả hai lần cô ấy chỉ im lặng. Vậy thôi. Căn nhà thì như thể bỏ hoang, nếu căn cứ vào những đồ vật chẳng đáng kể gì trong đó. Có cái giường sắt kiểu nhà binh, hay nó đúng là giường sắt nhà binh; nệm đã cũ rách, ấy tuy nhiên sạch sẽ...,” anh nói. Tôi hỏi anh: “Có mỗi cái giường sắt nhà binh, đấy chỉ là loại giường đơn, hai người ngủ chung trên cái giường ấy?” “Chả ngủ chung ngủ chạ gì hết. Lúc nào về căn nhà để ngủ, tôi cũng thấy cô ấy ngồi trên cái ghế đẩu duy nhất, cặm cụi viết lách gì đấy trong cuốn sổ dày cui, khổ nhỏ. Cuốn sổ mở đặt trên một bên đùi, nghĩa là để hở nguyên một bên đùi, cô ấy cúi đầu xuống viết và viết. Thỉnh thoảng cô ấy ngước đầu lên, suy nghĩ, rồi lại cúi đầu xuống viết và viết. Cứ như vậy, có lẽ suốt đêm. Nhìn dáng ấy, với hai chân để song song, đầu cúi tóc xõa, tôi thấy rất đẹp, tôi rất muốn vẽ một bức tranh như vậy. Nhưng lúc ấy tôi chả có giấy có bút gì để mà vẽ. Cô ấy thì bảo nếu tôi buồn ngủ cứ đi ngủ; cái giường không có tôi thì cô ấy cũng để trống không. Tôi vốn ít ngủ từ thuở nào không nhớ; nằm đọc mãi hoài quyển sách duy nhất tôi luôn mang đi theo bất cứ nơi nào. Có lẽ cô ấy từng đọc Le Grand Meaulnes rồi, nghĩa là cô ấy có học thức, đọc được cả Pháp ngữ. Nên khi tôi hỏi cô ấy đọc quyển sách này chưa, cô ấy bảo: ‘Ai mà chẳng say mê quyển truyện này vào năm mười tám tuổi. Bây giờ với tôi thì đã quá trễ, tôi hết thời để yêu thích nó rồi.’ Tôi ngạc nhiên, chả lẽ cô ấy trẻ hơn tuổi đến thế sao? Trông cô ấy không lớn hơn tuổi mười tám đôi mươi một chút xíu nào.”

Thú thật, qua những gì anh cho biết, tôi càng tò mò về nữ chủ nhân căn nhà tồi tàn rách nát có-một-không-hai tại thành phố cao nguyên. Tôi hỏi anh: “Bạn biết được gì nhiều hơn, sau thời gian ở chung với chị ấy?” Anh lắc đầu ngay tức thì: “Tôi nhớ câu nói của chủ nhân căn nhà, cứ tạm gọi như vậy, khi bằng lòng cho tôi vào ở trong đó: ‘Chấp nhận người khác vào ở chung, không phải là để cho người ấy soi mói công việc riêng của mình’, nên tôi phải tự trọng mà tôn trọng việc riêng của cô ấy, cố giữ mình không vi phạm điều lệ mặc nhiên đó. Có lúc tôi hỏi, thường chỉ là hỏi bâng quơ về một điều gì, chẳng hạn tôi hỏi tên tuổi của cô ấy; cô ấy hỏi lại tôi: ‘Tôi có hỏi anh điều gì đâu, mà anh lại hỏi tôi? Có quan trọng lắm không, khi anh biết tên tuổi của tôi?’ Tôi đành im lặng.”

Không kịp tự ngăn mình, tôi hỏi anh: “Bạn có lúc nào nghĩ chị ấy là Việt cộng?” “Có chứ, nhưng Việt cộng cũng chả thành vấn đề gì với tôi. Có lần chợt thức giấc, lúc nửa đêm về sáng, tôi thấy cô ấy nằm ngủ chèo queo ở nền đất, đầu gối trên cái ba-lô cũ của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đà Lạt lạnh như vậy, mà cô ấy chả đắp chăn mền gì hết. Tôi thốt nhận ra, và tin là như thế; nghĩa là cô ấy sống chết cho lý tưởng của mình, chả ngại ngần bất cứ cái gì hết.” “Và bạn đã hôn chị ấy vào những lúc như thế?” Anh lắc đầu: “Không, không phải những lúc như thế. Có hai lần tôi hôn cô ấy: một lần cô ấy vừa tắm xong, đi ra từ trong xó buồng có tấm mành tả tơi che chắn đại khái; lần nữa là lần tôi chợt nhận ra cô ấy ngồi bên cái giường sắt nhà binh, ngó tôi sát gần; cô ngỡ tôi đã ngủ say. Tôi ngồi dậy ôm hôn cô; rồi vô tình quơ tay ra phía sau, đụng cái gói thuốc Cherry Blend, cô ấy bảo là mua ở ngoài Khu Hòa Bình, tặng tôi hút ống vố.” “Thế thì bạn phải biết, hai lần hôn đó đã làm cho chị ấy xúc động lắm chứ?” Anh trầm ngâm rồi nói: “Tôi chả biết được; tôi chả rành rõ gì tâm lý tâm trạng của các cô nương. Giá như lúc hôn, tôi có để ý xem cô ấy nhắm mắt hay mở mắt. Tôi hôn cô ấy; đơn giản là tôi gắn chặt miệng tôi, vào đôi môi nồng ấm của một người nữ.”

 

---

 

Đấy cũng là lần cuối cùng tôi gặp anh tại Đà Lạt. Sau đó một thời gian, tôi biết tin tức về anh qua người bạn từ Huế vào thành phố cao nguyên. Người bạn cho biết, Đăng thuộc diện bất phục tùng lệnh gọi nhập ngũ khóa 2/69 của Trường Bộ Binh Thủ Đức; anh bị bắt giữ vào lúc có tổng-tiến-công-và-nổi-dậy đợt hai của Việt cộng ở Đà Lạt, rồi bị đưa ra Vùng Một Chiến Thuật. Sau đó Nhữ Văn Đăng tình nguyện gia nhập một thứ lính biệt kích ngoài đó, là Đại Đội Hắc Báo, đơn vị được xem như lực lượng tổng trừ bị, đặc biệt hỗ trợ cho Sư Đoàn Hỏa Tuyến ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Có thể tôi gặp cơ duyên để trở thành một người viết văn, có thể sẽ viết nên một cái truyện ngắn, về căn nhà mộng mị chẳng hạn. Trời xui đất khiến thế nào đấy, cô em họ của tôi lại là cô em kết nghĩa với một nữ cán bộ Việt cộng sắp về hưu. Chị này từng giữ chức vụ khá cao, ở cái gọi là mặt-trận-tổ-quốc-thành-phố Đà Lạt. Chị kể chuyện với cô em họ của tôi về căn nhà mộng mị, căn nhà tồi tàn rách nát có-một-không-hai tại thành phố cao nguyên, phía sau chùa Linh Sơn, phía trên thung lũng trồng cải bắp của nông dân Đà Lạt.

“Chị không biết tên anh ấy; anh ấy chẳng biết tên chị. Lúc đó tình hình quá khó khăn căng thẳng, sau thất bại của tổng tiến công và nổi dậy đợt một, tết Mậu Thân. Nên chị đã không thể nào quyết định theo ý muốn của mình. Chị không thể rẽ ngang, dứt bỏ con đường mình đã chọn, để sống cuộc sống cùng anh ấy. Điều ám ảnh chị hoài hoài không hết, là sau tổng tiến công và nổi dậy đợt hai cũng thất bại, một toán lính Biệt Động Quân tới lục soát căn nhà chị ở để viết truyền đơn lúc đó. Không biết tại sao họ chỉ xét hỏi anh ấy mà không quan tâm gì tới đối tượng chính là chị. Anh ấy đưa ra thẻ sinh viên, cái thẻ ấy đã hết hạn từ lâu. Họ lục soát những giấy tờ còn lại, thấy anh ấy có cái lệnh gọi nhập ngũ đã trễ hạn trình diện. Thế là họ còng tay anh ấy dẫn đi. Từ đó tới nay chị không còn biết được tin tức gì về anh ấy. Đã mấy chục năm trời, chẳng biết được anh ấy bây giờ ra sao. Anh ấy còn ở đây hay đã định cư ở nước ngoài, hay đã trở thành người thiên cổ mất rồi.”

Tôi hỏi cô em họ, chị ấy đẹp lắm phải không? “Em thấy chị ấy rất giống một nữ diễn viên điện ảnh người Thụy Điển mà anh rất thích, có gương mặt sắc sảo và hơi lạnh lùng, cô May Britt ấy mà.” Cô em họ của tôi còn nhớ tôi rất thích May Britt, dù tôi chỉ được xem một phim có cô trong đó, Le bal des maudits - Trận giặc bẩn thỉu. Tôi tự hỏi, liệu tôi có nên gặp người chị kết nghĩa của cô em họ tôi, cho cô ấy biết anh chàng Đăng từng đi lính biệt kích Báo đen; bây giờ anh chàng vẫn còn tại thế; và tôi có thể liên lạc với người bạn xứ Huế, tìm tung tích anh chàng.

 

Sài Gòn, tháng XI-2012

 

May Britt

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021