thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hương núi từ bình trà quê

 

 

Dân quê tôi thời đó thường uống một loại trà có tên là bánh ú. Trà bánh ú dở ẹt, được mấy ông Các Chú ở tiệm chạp-phô gói trong miếng giấy đỏ hình cái bánh ú; nhưng nếu so với trà củi thời bao cấp và trà tẩm hương liệu hoá chất thời nay thì vẫn ngon và an toàn hơn. Ngược lại, bình trà ở xứ tôi thì bình nào cũng đẹp; người bình dân thì xài bình gốm Lái Thiêu, Biên Hoà, người sang thì xài bình sứ Tây, Nhật. Vào cái thời vật dụng của người nhà quê miền nam không chuộng cầu kỳ thì hoa văn hoạ tiết của bộ trà đúng là tác phẩm nghệ thuật ưng ý. Hôm trước bạn Việt kiều hỏi tôi có nhớ bình trà ông tiên - trái đào đựng giữ ấm trong vỏ trái dừa khô không? Đúng là ở quê tôi bà con nghèo ưa giữ ấm trà bằng vỏ dừa, nhà có của thì bỏ bình trà vô hộp gỗ. Về cái vỏ dừa đựng bình trà thì có lẽ khắp thế giới chỉ quê tôi là bưng cả cái vỏ dừa khô ra rót trà mời khách; nhưng có một điều mãi tới giờ tôi cũng chưa thông là vì sao tiết trời miền nam quanh năm nóng nực, múc nước mưa ra gáo uống ừng ực mới đã khát thì trà cần gì giữ ấm? Ừ đã đành là uống trà từng ngụm mới là uống trà, nhưng chuyện uống trà ấm giữa mùa nắng là sao!

Nhà bác tôi có bộ trà sơn thuỷ, ngay cả khi có khách quí bác cũng không mang ra. Bác chỉ pha trà uống vào những lúc nhà vắng người. Sau khi pha trà, bác lật hết năm cái cốc trên khay trà nhưng chỉ rót trà vô một cái cốc. Bác ngồi uống trà một mình với bốn cái cốc, cứ ngồi y như vậy hàng giờ liền. Thuở đó tôi chỉ cao hơn cái bàn ngang một chút nên lúc ngó bộ trà sơn thuỷ của bác, tầm mắt của tôi thấy rất rõ cảnh núi cao, sông dài; khi gió mùa ngoài cửa lùa vô, tôi có cảm giác là mây trắng từng cụm, chim từng đàn cũng bay vô nhà.

Miền Nam quê tôi là cánh đồng không có điểm dừng, nên chuyện nhớ núi, nhớ đại ngàn là một phần cảm xúc luôn ngọ nguậy trong lòng người. Nhớ núi! Với người miền Nam đó là cảm xúc trồi lên từ tiềm thức. Tôi lúc nhỏ hay hát: “Chim bay về núi tối rồi, chị em lo liệu quơ nồi nấu cơm.” Hát thì hát liền miệng vậy nhưng đám con nít chúng tôi có được ngẩng đầu ngó núi hồi nào đâu mà biết núi.

Không gian tiềm thức trong lòng mỗi người miền Nam là một không gian bao la, nơi luôn ẩn hiện những đỉnh núi cố hương mờ mịt và bí ẩn. Có những gia đình họ tộc ở quê tôi từ đời ông cho đến đời cháu không đi ra khỏi làng xóm; bởi vậy khi nghe nói đến núi Bà Đen, Núi Sam, núi Châu Thới... là họ chỉ biết so sánh với mấy ngọn núi trên bình trà. Tôi lờ mờ đoán bác tôi quí bộ trà sơn thuỷ vì trong tâm thức sâu xa bác vẫn còn kế thừa mấy ngọn núi lớn hơn đang ở nơi chốn nào đó xa hơn. Người xưa nói dân Gò Công gốc ở miệt ngoài, mỗi năm thả ghe bầu theo gió bấc vô mần ăn rồi chờ đến mùa gió nồm thổi mà về quê. Thấy chuyện đi đi - ở ở - về về riết rồi cũng mắc công nên cứ nhè đất hoang mà cắm dùi ở lại, lấy vợ, lấy chồng, sanh con, ẵm cháu. Nhưng hỏi tới tên đất tên làng miệt ngoài là gì thì bà con nghèo quê tôi ậm ờ nói rằng: “Ậy, chỗ nào có ngọn núi bự là gốc quê mình. Ông bà tao kể sao tao nói y vậy; bây muốn biết rành rọt thì đi theo ổng bã mà hỏi.” Tất nhiên người biết nhiều chữ, nhất là chữ Nho, hoặc dân nhà giàu, đều ghi chép gia phả truyền đời tên quê hương bản quán, nhưng với người ít học, lam lũ, thì cứ lấy núi làm gốc là chắc ăn.

Nhớ núi! Vậy rồi mỗi người miền Nam không thể tơ tưởng hoài những đỉnh núi đã mịt mù; với cái tánh không ưng bỏ thì giờ cho hoài vọng viển vông, bà con quê tôi liền ra chợ sắm cho mình bộ trà sơn thuỷ. Cảnh sơn thuỷ vẽ trên bình trà hay các món đồ gốm thời đó đơn sơ lắm, nếu so với tranh thuỷ mặc của mấy ông chính hiệu hoạ sĩ Chợ Lớn thì tay nghề thợ gốm vẽ sơn thuỷ trên bình trà chỉ đáng xách dép; nhưng chính vì phóng bút mộc mạc nên không có chuyện bộ trà sơn thuỷ nhà này giống y bộ trà nhà kia; mỗi bình trà, thợ vẽ chụp bắt khoảnh khắc sơn thuỷ tư riêng và người mua nào hên thì sắm được cảnh sơn thuỷ có cảnh sắc linh động, người xui thì mang về nhà cảnh đất trời nguệch ngoạc y như do mấy đứa con nít vẽ vời. Nhưng dù bình trà sơn thuỷ được thợ gốm vẽ sao đi nữa vẫn cứ phát lộ cái hồn của núi sông ẩn hiện trong tâm tưởng của người đồng bằng. Ôi cái chuyện hướng về cảnh núi cao - sông sâu, xoáy vào ký ức bách tùng - thiên điểu, sao mà sâu đậm tình thương mến thương! Vậy rồi người đồng bằng mỗi khi nổi cơn nhớ núi thì lấy bình sơn thuỷ, chế nước sôi pha trà, là lập tức núi hiện hữu, núi cho họ điểm tựa để không trông cậy vào đâu cả, chỉ cần tựa hồn núi, tình núi, nghĩa núi trên bình trà mà nghiền ngẫm sự đời, sự thế, mà sống chơn thật, mạnh mẽ. Chính hoạ tiết sơn thuỷ trên bình trà là ngọn núi dòng sông gần nhất; vị trà và hương trà chính là hơi núi, hương sông.

Tuổi nhỏ của tôi nghĩ về núi, biết về núi cũng không hơn biết về những cục đá xanh làm móng nhà, làm nền đường. Lớn lên đi du lịch cũng khá nhiều chỗ, thấy cũng khá rõ núi Mỹ, núi Tàu... nhưng chắc một điều là tôi không biết nhớ núi hoặc có được những giấc mơ về núi như ông bà tôi cưu mang trong máu huyết. So với thế hệ ông bà những lưu dân từ xứ Bắc, đất Trung, thì thế hệ tôi đành chịu cho nỗi nhớ núi đứt đoạn chớ biết sao! Nói về chuyện đứt đoạn, tôi nhớ thời chị tôi đến chào bác tôi để đi vượt biên. Bác hỏi. “Tao không hỏi chuyện vàng bạc, chỉ hỏi bây có mang theo thứ gì để rủi cái quân cộng sản này không cho bây về xứ; bây có cái gì để tựa mà sống mà nhớ quê, nhớ nhà?” Chị tôi cắn môi tới chảy máu mà sao vẫn im re. Bác tôi nói “Mà thôi, mang chi cho tức ngực nhức đầu. Chỗ nào sống yên ổn thì bây thương nhớ hết lòng với chỗ đó là phải đạo.” Có một điều mà tôi bứt rứt mỗi khi ngắm lại bộ trà sơn thuỷ là: Bác tôi ngày ấy chờ ai uống trà? Chờ ai mà chờ hết cả đời mình? Vì mỗi bận uống trà, bác đều lật hết bốn cốc trà còn lại để sẵn trên khay; và lần nào bác cũng nói thì thầm với tôi “Phải ở tuổi tao bây mới biết chỉ có trà mới sưởi ấm được lạnh lẽo đời người” Có lần tôi mạnh miệng hỏi: “Bác uống trà với người khuất mặt hả bác?” Bác vẫn không gật đầu hay lắc đầu.

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021