thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cảm xúc nhà thờ

 

Tưởng niệm nữ tu Têrêxa Đan Tâm

 

 

CẢM XÚC NHÀ THỜ

 

Có lẽ chỉ các họa sĩ thời Phục Hưng của phương Tây mới vẽ nhà thờ nhiều như tôi thấy, tại căn phòng Đăng cư ngụ, ở Sài Gòn. Những bức vẽ của Đăng toàn là nhà thờ, ở nhiều nơi.

Dù sao tôi cũng ngạc nhiên khi thấy bức vẽ ngôi nhà thờ ở Thạnh Lộc, rất xa của ngoại ô Sài Gòn. Có thể vì tôi quá thích dáng vẻ nhỏ bé khiêm nhường của nhà thờ này, đã nghĩ chỉ riêng mình chú ý, phát hiện. Ngôi nhà thờ lùi sâu phía dưới con lộ chính, duy nhất trải nhựa của một thôn xã. Nhỏ bé khiêm nhường và đẹp, khá giống nhà thờ trong những tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh. Có cả bức vẽ ngôi nhà thờ ở Suối Thông - Đơn Dương; ngôi nhà thờ này tôi đã lui tới không biết bao nhiêu lần, suốt thời trẻ dại của tôi ở miền cao nguyên.

Tôi gọi Đăng là họa sĩ của nhà thờ. Anh lắc đầu: “Tôi không phải họa sĩ. Vì thích vẻ đẹp nhà thờ nên tôi ghi lại vậy thôi.”

Tôi cho rằng anh khiêm nhường; phải biết vẽ mới thể hiện được những bức ký họa như của Đăng. Một số bức vẽ những nhà thờ tôi biết. Đăng vẽ toàn những nhà thờ có kiến trúc Roman hoặc Gothique, tuyệt nhiên không vẽ nhà thờ nào theo dạng kiến trúc phương Đông.

“Chắc hẳn anh từng tốt nghiệp ở một trường mỹ thuật, hoặc anh đã dày công tự học...” Anh vẫn lắc đầu: “Tôi nói thật, kể cả tự học cũng không. Tôi nghĩ, nếu anh thật ưa thích gì đấy và ham muốn ghi lại, anh sẽ có những bức vẽ như tôi.”

Cuối cùng tôi buộc anh nhận rằng anh rất khéo tay, tài hoa, có-hoa-tay như người ta thường nói, anh cũng vẫn lắc đầu. Đăng nói anh vụng về. Điều này tôi biết. Cử chỉ điệu bộ của anh lóng ngóng. Anh nhấc chiếc phin ra khỏi tách, luôn luôn làm rớt đổ hoặc cái nắp phin hoặc bã cà-phê đầy trên mặt bàn. “Họa sĩ phải có sáng tạo trong bức vẽ của mình. Tôi chỉ họa theo những đường nét hình dáng của nhà thờ mà thôi,” Đăng nói vậy.

Tôi làm quen với Đăng khi ngồi cùng bàn cà phê trên đường Hàn Thuyên, một con phố nhỏ xinh đẹp của Sài Gòn, nhìn sang nhà thờ Đức Bà. Đăng nói anh thường ngồi uống cà-phê mỗi sáng ở đây, ngắm nhìn ngôi nhà thờ uy nghiêm và xưa hàng thế kỷ. Tôi đã hỏi địa chỉ nhà Đăng, để mỗi khi từ Đà Lạt về Sài Gòn, tới thăm anh vào giờ giấc có thể.

 

*

 

Những bức vẽ nhà thờ của Đăng không lồng khung, chỉ đính trên vách gỗ của căn phòng bằng đinh ghim. Tôi ngạc nhiên, những bức vẽ ấy toàn là chụp lại bản gốc. Tôi hỏi, anh lãng đãng không nghe hay sao đó, nên không có lời đáp. Anh chỉ lên tiếng gọi chàng trai ở nhà đối diện, một cửa hàng giải khát tầm tầm, mang bia sang.

Tôi uống bia với Đăng và nhìn ngắm những bức vẽ nhà thờ. Đăng ngồi im lìm, men bia mau hừng đỏ trên khuôn mặt. Anh chợt nói khẽ giọng: “Anh hỏi tôi sao toàn là những bản ‘photocopy’ phải không?... Đó là vì tôi gửi đi bản vẽ gốc, chỉ lưu lại bản chụp mà thôi... Tôi gửi những bức vẽ ấy cho một cô gái...”

Tôi thầm cảm ơn những ly bia đã thúc đẩy anh cởi mở điều thầm kín nào đấy. Một tình yêu?

“Cách đây nhiều năm, tôi dạy kèm tiếng Pháp tại nhà cô gái. Một thời gian sau cô ấy nghỉ học, tất nhiên tôi không còn tới nhà cô ấy lần nào nữa. Nhưng tôi không thể không gửi cô ấy những bức vẽ nhà thờ, gửi tất cả những bức tôi vẽ được về nhà thờ cho cô ấy, qua đường bưu điện. Từ lúc ấy tới bây giờ... gần sáu, bảy năm rồi...”

Tôi hỏi: “Và anh vẫn liên lạc với cô gái bằng thư từ?”

Anh lắc đầu: “Tôi chỉ gửi trong bì thư khổ lớn, những bức vẽ nhà thờ mà thôi... Cô ấy hiền hòa lặng lẽ như ‘ma soeur’... Tôi hy vọng... không chỉ hy vọng, tôi tin cô ấy chia sẻ trọn vẹn với tôi cảm xúc về vẻ đẹp của nhà thờ...”

 

*

 

Lâu rồi, tôi không có dịp về Sài Gòn. Mỗi khi đi qua nhà thờ nào, kể cả tu viện, ở Đà Lạt hay ở Đơn Dương, tôi nhớ Đăng như cơn đau tim bất chợt. Tôi gặp lại Đăng lúc không ngờ. Anh vừa vẽ xong ngôi nhà thờ Tin Lành nhỏ bé, trên một trái đồi ở thành phố Đà Lạt. Tôi ngắm bức vẽ nhà thờ Tin Lành của Đăng một hồi lâu, rồi đề nghị: “Lát nữa tôi dẫn anh tới thăm một nữ tu viện thuộc dòng Đức Bà Truyền Giáo, nhỏ và rất đẹp. Anh sẽ có thêm một bức họa nhà thờ - tu viện nữa không chừng.”

Anh gật đầu ngay, nhưng bảo tôi cùng tới nhà bưu điện trước; Đăng muốn gửi ngay cho cô gái, bức vẽ ngôi nhà thờ Tin Lành nhỏ bé của Đà Lạt vừa vẽ xong. Trên đường đi tới nữ tu viện dòng Đức Bà Truyền Giáo, ở khu vực người ta gọi là trũng-lòng-ấm-áp-của-thành-phố-cao-nguyên, tôi nói với Đăng: “Tới tu viện nếu anh thích vẽ cứ vẽ tự nhiên, bao lâu tùy ý; cô em họ của tôi là nữ tu ở đấy, đã qua thời gian thử thách.”

Cô em họ của tôi vui mừng đón người thân, mở cổng tu viện mời chúng tôi vào. Tôi đề nghị ngồi ngoài vườn cây, để Đăng ngắm được toàn cảnh tu viện. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, tôi nhận ra điều gì đấy thật khác lạ. Người nữ tu, cô em họ của tôi, không như bình thường tôi thấy. Im sững đột ngột, như có hai bức tượng vừa được đặt trên ghế đá ngoài vườn, tới lúc cả ba cùng rời chỗ. Đăng về nhà nghỉ hay khách sạn nào đấy, im lìm, với những tờ giấy vẽ để trắng. Tôi trở lại gặp cô em họ, ngay buổi chiều. Cô em họ của tôi là cô gái mà Đăng vẫn gửi tới địa chỉ nhà ở Sài Gòn, những bức vẽ của anh, suốt những năm qua.

Tôi để ý tìm kiếm, không hề gặp lại Đăng ở Đà Lạt. Và lâu rồi, tôi cũng không có dịp về Sài Gòn. Nhưng tôi có bức vẽ “Nữ tu viện dòng Đức Bà Truyền Giáo”. Cô em họ của tôi vẽ, và đề tặng tôi bức ký họa ấy; đẹp không khác những ký họa nhà thờ của Đăng, cũng bằng bút mực như Đăng thường dùng.

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021