thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đi tìm ông Green

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc Nguyên

 

SAUL BELLOW

(1915-2005)

 
Trong số những người Mỹ được giải Nobel Văn chương trong mấy chục năm gần đây, có lẽ chỉ có Saul Bellow (Nobel 1976) và bà Toni Morrison (Nobel 1993) vừa là “Mỹ” nhất và vừa viết về những chuyên liên quan đến xã hội Mỹ. Czeslaw Milosz (1911-2004), giải Nobel năm 1980, là người Ba Lan gốc Lithuania, đến năm 1960 mới trốn thoát khỏi chế độ Cộng Sản và di cư qua Mỹ và năm 1970 thi quốc tịch. Ông là một giáo sư đại học ở Berkeley, California. Isaac Bashevis Singer (1902-1991), giải Nobel 1978, là người Ba Lan, gốc Do Thái, năm 1935 cũng trốn thoát khỏi chế độ phát xít Đức và di cư qua Mỹ. Bà Morrison là người Mỹ gốc châu Phi, sinh ra và lớn lên ở Ohio, bắt đầu nổi tiếng trong lĩnh vực truyện thiếu nhi, nhưng càng ngày bà càng thành công hơn nữa khi nhìn đến những vấn đề gia đình, xã hội, văn hóa của người da đen tại Mỹ một cách dễ dàng, thoải mái. Bà cũng là một giáo sư đại học ở Howard University.
 
Saul Bellow là người Nga gốc Do Thái, cha mẹ ông từ St. Petersburg di cư đến Canada từ đầu thế kỷ thứ 20, và ông sinh ra vào năm 1913 tại Lachine, Quebec. Khi ông được 9 tuổi, gia đình lại di cư qua Chicago, sống trong một xóm lao động nghèo. Vào những năm 30, Chicago là quê hương của những người dân lao động khuynh tả và than cộng. Chính Saul Bellow từng là một phần tử Trotskyist. Ông đi sát với những người nghèo khổ ở giai cấp dưới của xã hội, nhất là những thành phần di dân mới. Tuy nhiên, cũng vào thời đó, những người cộng sản Mỹ Stalinist lại mạnh hơn, cho nên cuối cùng thì Saul Bellow chẳng là Trotskyist mà cũng chẳng Stalinist. Chicago là xã hội ruột thịt của ông. Cho nên, nó là nguồn cảm hứng cho biết bao tác phẩm ông viết về sau này.
 
Ông là một giáo sư đại học về tâm lý xã hội. Từ thuở còn đi học, ông đã có tiếng là ham sách vở, chữ nghĩa và chìm đắm trong những lý thuyết về sự tương tác giữa con người và xã hội. Năm 1962, ông được bổ nhiệm làm giáo sư ở Ủy ban Tư tưởng Xã hội ở Đại học Chicago. Một thành phố khác ông ưa thích là New York, một nơi theo ông “giống như Chicago, tiêu biểu cho một nước Mỹ vừa thấp kém vừa thiết thực”. Con người trong tác phẩm của ông là những con người bình thường trong xã hội, những người ta dễ gặp trên đường phố New York hay Chicago. Nhưng bởi vì ông nặng về tư tưởng, lý thuyết, cho nên những nhân vật của ông thường chĩu nặng những ưu tư về tương quan của mình trong xã hội. Những con người sống không dễ dàng dù đời sống nhìn có vẻ dễ dàng bởi vì người ta suy nghĩ nhiều quá không phải cho thân phận mà cho cuộc sống mỗi ngày một tới. Những tác phẩm của ông thường đi vào sự cô lập của con người trong cuộc sống, sự tan rã trong tinh thần, và những khả năng của sự thức tỉnh của con người. Phong cách của ông cho thấy một xã hội hỗn hợp của hai mức độ văn hóa cao và thấp trên nước Mỹ, và những nhân vật tiểu thuyết của ông cũng là một sự hỗn hợp những người vừa mơ mộng trong trí tuệ nhưng cũng tính toán, khôn ngoan trong cuộc sống phải biết tính toán ở nước Mỹ.
 
Hoàng Ngọc Nguyên

 

 

ĐI TÌM ÔNG GREEN

 

Công việc nặng nhọc chăng? Không, thực sự cũng chẳng vất vả gì lắm. Anh không quen đi bộ và leo cầu thang, nhưng cái khổ về thân xác trong công việc mới không phải là điều mà George Grebe cảm nhận nhiều nhất. Công việc của anh là đi giao những tấm chi phiếu cứu trợ trong một quận của người da đen, và mặc dù Chicago là quê quán của anh, nhưng anh không biết nhiều về khu vực này — chỉ nhờ có khủng hoảng kinh tế anh mới biết đến nơi này. Không, khó khăn đúng nghĩa thì không, không phải nặng nề lê gót, nhưng thế mà anh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi rã rời, bắt đầu ý thức cái khó đặc biệt trong việc của mình. Anh có thể tìm ra đường và số nhà, nhưng thân chủ của anh lại không có mặt ở nơi của họ, cho nên anh cứ nghĩ mình giống như một người thợ săn không có kinh nghiệm trước những ngụy trang bên ngoài trong trò chơi này. Hôm đó lại là một ngày chẳng mấy thuận lợi — tiết thu, trời âm u, gió nhiều. Nhưng dù sao, trong cái túi sâu của áo khoác bên ngoài thay vì những vỏ sò lại là một hộp đựng chi phiếu, được xuyên lỗ để kẹp vào hồ sơ, làm cho anh nhớ lại những lỗ trong tập giấy nhạc học đàn dương cầm. Mà anh cũng chẳng giống người đi săn mấy; mặt của anh hoàn toàn là mặt của dân thành thị, thân người của anh bị gói chặt trong chiếc áo khoác thám tử của những tay anh chị người Ái-nhĩ-lan. Anh gầy mà không cao, lưng cứng ngay đơ, đôi chân trông lều khều trong một chiếc quần dạ cũ thùng thình và bung chỉ ở lai quần. Tê cứng, anh đi chúi về phía trước, để cho mặt đỏ ửng vì thời tiết khắc nghiệt; một khuôn mặt quen ở trong nhà, đôi mắt xám chìm trong những suy nghĩ nhưng hình như vẫn chưa đạt đến một kết luận khẳng định. Anh mang mái tóc hai bên dài làm cho người ta ngạc nhiên phần nào vì những đường quăn mạnh mẽ của đầu tóc vàng và cái vẻ dứt khoát trong chiều dải của chúng. Anh không dịu dàng lắm như bề ngoài, mà cũng không trẻ; và thế mà không có cố gắng nào tạo ra một vẻ không thực nơi con người của anh. Anh là một người có học; anh sống độc thân; xét trên nhiều mặt, anh sống đơn giản; không ghiền rượu, nhưng anh thích uống; vận may của anh không khá. Anh chẳng tính che giấu điều gì cả.

Anh cảm thấy rằng hôm nay anh được may mắn hơn mọi hôm khác. Khi đến sở làm sáng hôm đó anh đã tính mình sẽ phải nhận một công việc thư ký ở sở cứu trợ, bởi vì dưới phố người ta đã mướn anh làm thư ký, và anh cũng mừng lại được một việc tự do trên đường phố và đón nhận, ít nhất là lúc ban đầu, cái lạnh mãnh liệt và ngay cả những luồng gió mạnh thổi tê tái. Nhưng mặt khác, anh không khoái việc phân phối mấy tấm séc này một tí nào cả. Đúng đây là một công việc của thành phố; không ai đòi hỏi anh phải làm việc cật lực. Cái anh chàng Raynor trẻ, sếp của anh, đúng là đã nói với anh như thế. Nhưng anh vẫn muốn làm công việc của mình cho đến nơi đến chốn. Một lý do, khi anh biết anh đã giao một xấp chi phiếu nhanh trong bao lâu, anh cũng biết phải mất bao nhiêu thời gian để dành cho chính mình. Và cũng có lý do là khách hàng của anh cũng đang chờ tiền. Đó không phải là điều quan trọng nhất phải tính tới, dù rằng chắc chắn anh bận tâm đến điều này. Không, nhưng anh muốn làm tốt việc của mình, đơn giản chỉ vì anh muốn làm tốt, kết thúc công việc một cách đàng hoàng bởi vì anh ít khi có một công việc đòi hỏi loại năng lực này. Về năng lượng đặc thù này, giờ đây anh có cả khối. Một khi nó bắt đầu tuôn ra, nó sẽ tuôn ra ào ào. Nhưng đến bây giờ thì anh khựng lại. Anh không thể kiếm ra ông Green.

Cho nên anh đứng giữa đường, trong chiếc áo choàng toả ra ở phía dưới, trên tay là một phong bì lớn và giấy tờ từ túi áo, tự hỏi tại sao tìm cho ra người ta khó đến thế, những người quá ốm yếu hay bệnh tật cho nên không đến văn phòng được để nhận chi phiếu của mình. Nhưng Raynor đã nói trước với anh mới đầu tìm ra được họ không phải dễ và cho anh vài lời khuyên phải tiến hành như thế nào. “Nếu anh có gặp được người đưa thư, ông ta phải là người đầu tiên anh phải hỏi, và đó cũng là người đáng tin cậy nhất. Nếu anh không gặp được ông ta, thì thử hỏi các tiệm chung quanh và những người buôn bán. Rồi hỏi người gác dan và láng giềng chung quanh. Nhưng anh sẽ thấy anh càng đến gần người anh tìm, người ta lại càng ít nói cho anh biết. Họ không muốn cho anh biết gì cả.”

“Vì tôi là người lạ.”

“Vì anh là người da trắng. Mình phải có một người da đen làm việc này. Nhưng hiện nay mình chưa có, và dĩ nhiên anh cũng phải ăn, và đây là công việc của chính phủ. Người ta phải tạo công việc. Trường hợp tôi cũng thế mà thôi. Anh liệu đấy. Tôi không đi ra ngoài đâu. Tôi thâm niên hơn anh ba năm, thế đấy. Và một văn bằng về luật. Nếu không thế thì có thể anh lại ngồi ở văn phòng và tôi lại phải xông pha bên ngoài vào ngày lạnh lẽo này. Cùng đồng tiền đó trả cho cả hai chúng ta và cho đúng lý do tương tự. Thế thì cái bằng luật của tôi liên quan gì ở đây? Nhưng anh phải đi phát mấy cái chi phiếu này, anh Grebe ạ, và nếu anh kiên trì thì cũng có kết quả, cho nên tôi hy vọng là anh kiên trì.”

“Vâng, tôi cũng phải chịu khó mà thôi.”

Raynor dùng một cục tẩy và tay trái chà mạnh một vết dơ trên bàn, rồi nói: “Chắc chắn rồi, anh còn trả lời cách nào khác được. Dù sao, vấn đề anh sẽ gặp phải là người ta không thích cho tin tức gì về bất cứ ai. Họ nghĩ anh là cớm chìm hay người đi đòi nợ, hay là người đi giao trát đòi hầu toà, hay những người tương tự như thế. Phải mất mấy tháng người ta đã thấy anh quanh quẩn ở vùng này họ mới biết anh chỉ là người của sở xã hội.”

Trời tối, mặt đất như muốn đông lại, thời tiết những ngày trước Lễ Tạ Ơn. Gió đang thổi đùa những làn khói, đuổi chúng tà tà xuống đường, Grebe cảm thấy thiếu đôi găng tay, anh đã bỏ quên ở văn phòng của Raynor. Và không ai nhận là mình có biết Green. Đã quá ba giờ từ lúc người đưa thư giao đợt cuối cùng trong ngày. Tiệm bán thực phẩm tạp hoá gần dây nhất, người chủ cũng là một người da đen, chưa hề nghe qua tên Tulliver Green, hay ông ta nói như vậy. Grebe cũng nghĩ đúng như thế, cuối cùng anh đã thuyết phục người chủ tiệm tin rằng anh chỉ muốn giao một tấm chi phiếu. Nhưng anh không chắc. Anh cần có kinh nghiệm để diễn dịch cái nhìn và những dấu hiệu của người đối diện, và hơn nữa là ý chí không để người ta tránh né hay từ chối và ngay cả sức mạnh để ép buộc người khác nếu cần thiết. Nếu người chủ tiệm biết, thì anh đã có thể giải quyết công việc dễ dàng. Nhưng bởi vì ông ta mua bán phần lớn là với những người hưởng tiền trợ cấp, tại sao ông ta lại cản trở việc giao một tấm chi phiếu cứu trợ? Có lẽ ông Green, hay bà Green, nếu có bà nào đó là bà Green, mua đồ ở tiệm khác. Có ai là bà Green không nhỉ? Một trong những thiếu sót lớn của Grebe là anh đã không xem hồ sơ của khách hàng của mình. Lẽ ra Raynor phải để anh đọc những tài liệu này vài tiếng. Nhưng rõ rệt là anh ta đã thấy không cần phải như thế, có lẽ cho rằng việc này không quan trọng. Tại sao lại phải chuẩn bị chu đáo như thế cho cái việc giao phát vài tờ chi phiếu?

Nhưng nay đã đến lúc phải kiếm người gác dan. Grebe đi vào căn lầu trong cơn gió và bóng tối của một ngày tháng 11 — hoang tàn, những căn phố hoang tàn và lạnh giá một bên; một bên kia, một sân xe hơi cũ đã bị phế bỏ và một công trình cơ man nào đó của Elevated Frames, nhìn có vẻ yếu đuối, lập loè những ngọn lửa lạnh lẽo. Hai chiếc cửa lớn bằng gạch cao đến ba tầng và một cầu thang bằng xi-măng dẫn xuống tầng hầm. Bước xuống, anh đi vào một hành lang dưới hầm, anh thử mở cửa cho đến khi một cánh cửa bật mở và anh thấy mình đang ở trong một gian hầm đốt lò. Có một người đứng dậy đi về phía anh, chùi vết than bám trên tay và cúi người dưới những ống sắt bắt ngang phòng.

“Bác là người gác dan phải không?”

“Anh cần gì?”

“Tôi tìm một người hẳn phải ở đây. Tên Green.”

“Green gì?”

“Ồ, có lẽ ở đây có vài người tên Green cũng nên,” Grebe nói và cảm thấy hy vọng, phấn khởi. “Tôi tìm ông Tulliver Green.”

“Tôi e rằng không giúp gì cho ông được, ông ạ. Tôi chẳng biết ai cả.”

“Ông này tàn tật.”

Người gác dan đứng trước mặt anh. Ông ta tàn tật chăng? Chết chửa! Nhỡ ông ta có tật thì sao. Đôi mắt xám của Grebe nhìn với vẻ khó khăn, cố nhướng chăm chú để xem. Nhung không, ông ta chỉ rất thấp người và hơi còng lưng. Một cái đầu ngẩng lên từ suy nghĩ, một hàm râu rậm rạp, đôi vai thấp và rộng. Một vết quầng thâm của mồ hôi và than nổi lên trên chiếc áo đen và cái miếng vải dày lớn ông ta mang vào người như cái tạp-dề.

“Tàn tật như thế nào?”

Grebe suy nghĩ và rồi trả lời, giọng hạ thấp với vẻ thật thà: “Tôi không biết. Tôi chưa hề gặp ông ta.”

Câu nói này thật tai hại, nhưng nếu không nói thế thì anh lại phải đưa ra một lời phỏng đoán dối trá, mà anh lại chưa nghĩ ra. “Tôi đi giao những tấm chi phiếu cứu trợ cho những trường hợp đóng hồ sơ. Nếu ông ấy không bị tàn phế, thì hẳn ông ấy phải đích thân đi nhận chi phiếu. Cho nên tôi mới gọi ông ta là người tàn tật. Hoặc nằm một chỗ, ngồi một chỗ — ông có biết ai như thế không?”

Lối nói chuyện bộc bạch ra hết này là một trong những tài năng lâu đời nhất của Grebe, có từ thời anh còn là trẻ con. Nhưng ở đây chẳng có hiệu quả chút nào.

“Không, ông ạ. Có đến bốn cao ốc như thế này mà tôi phụ trách. Tôi không biết hết tất cả những người thuê nhà, không nói những người thuê lại của người thuê nhà. Người ta dọn tới dọn đi mỗi ngày, thay đổi chủ nhanh lắm. Tôi không giúp gì được đâu.”

Người gác dan mở chiếc miệng ngậm chặt của mình, nhưng Grebe không nghe được ông ta vì trong chiếc ống của mấy đầu van là tiếng hơi thổi phần phật vào lửa trong chiếc lò. Tuy nhiên, anh biết ông ta nói gì.

“Vâng, cũng chẳng sao, cám ơn ông thôi. Xin lỗi làm phiền ông. Tôi đi lên mấy tầng lầu trên, hy vọng gặp được người nào đó biết ông ta.”

Lại bước ra ngoài gió lạnh và bóng đêm mù mịt, anh bước một vòng ngắn từ đường xuống căn hầm cho đến lối vào chật hẹp giữa những cột bằng gạch và bắt đầu leo lên tầng lầu thứ ba. Chân anh dẫm trên những đám vữa nát vụn; những thanh sắt lộ ra nằm dưới mấy tấm thảm đã bị lột đi để lộ ra những đường ranh cũ nằm một bên. Trong hành lang, khí lạnh còn làm anh thấy buốt giá nhiều hơn ngoài đường; nó làm cho anh lạnh tới xương. Phòng vệ sinh bên ngoài tầng lầu này nước chảy như suối. Anh suy nghĩ một cách ngán ngại khi nghe tiếng gió hừng hực quanh toà nhà mang âm thanh như tiếng lửa bập bùng trong lò, đây đúng là một nơi xây dựng để trú ẩn. Rồi anh đốt một que diêm trong bóng tối để tìm ra tên và số nhà giữa một số hàng chữ và hình vẽ nguệch ngoạc trên tường. Anh thấy hàng chữ WHOODY-DOODY GO TO JESUS, và những đường xiên xẹo, hình vẽ, chữ viết bậy bạ, và những câu chửi thề. Do đó những phòng được đóng kín của kim tự tháp cũng được trang hoàng, và những hang động của thời bình minh của loài người.

Những chi tiết trên tấm các của anh là: TULLIVER GREEN – APT 30. Tuy nhiên, không có tên đường, không có số nhà. Vai của anh rút lên, nước mắt chảy vì lạnh, thở ra hơi, anh bước dọc theo hành lang và tự nhủ là nếu mình may mắn có được can đảm, thì anh sẽ đâm sầm vào một cánh cửa nào đó và la lên “Tulliver Green!” cho đến khi có được kết quả. Nhưng trong lòng của anh không đủ sức làm thế và vì thế anh tiếp tục đốt que diêm và soi ánh lửa lên tường. Ở phía sau, trong một góc ngoài phòng lớn, anh khám phá có một cánh cửa trước đây anh không thấy và anh nghĩ là nên xem thử. Dường như căn nhà trống khi anh gõ cửa, nhưng có một phụ nữ da đen trả lời, chỉ là một cô gái nhỏ. Cô chỉ hé cửa để giữ ấm áp bên trong phòng.

“Vâng, thưa ông?”

“Tôi ở văn phòng cứu trợ của quận trên đường Prairie Avenue. Tôi tìm một ông có tên là Tulliver Green để đưa cho ông ta chi phiếu của ông. Cô biết ông đó không?”

Không, cô chẳng biết, nhưng anh có cảm tưởng cô chẳng hiểu anh nói cái gì. Cô có mặt lừ nhừ, rất mềm mại và đen, lẩn thẩn. Cô mặc một chiếc áo khoác của đàn ông và kéo cao cổ áo đến tận cổ họng. Tóc cô chải phân ra làm ba hướng, ở hai bên và một đường chải ngược, phía trước dựng đứng như một cái bông héo.

“Chung quanh đây có ai có thể biết không?”

“Tôi mới dọn vào tuần qua.”

Anh để ý thấy cô gái rùng mình, nhưng ngay cả trong cái rùng mình của cô gái cũng có vẻ buồn ngủ và dường như cô chẳng cảm nhận được mấy tí cái lạnh nơi đôi mắt lớn trơn tru của khuôn mặt xinh đẹp của cô.

“Chẳng sao, cô bé, cám ơn cô. Cám ơn,” anh nói và quay đi, tìm một nơi khác.

Ở nơi mới đến này anh được nhận vào nhà. Anh thấy cảm kích, vì bên trong quả là ấm áp. Phòng đầy người, và họ im lặng khi anh bước vào — mười người, hay cả tá người, hay có lẽ đông hơn nữa, đang ngồi trên những băng ghế giống như trong một nghị viện. Không có ánh sáng, nói cho đúng, nhưng một bóng tối lờ mờ nhờ vào cánh cửa sổ, và mọi người trong mắt anh trông to lớn, đàn ông nặng nề trong những bộ áo quần đi làm và áo khoác mùa đông, và phụ nữ, cũng to lớn, mặc áo len, đội nón, và những áo lông cũ. Và bên cạnh, chiếc giường và mền gối, một bếp màu đen, một đàn dương cầm nằm ụ gần đụng trần nhà với những tờ báo, một bàn ăn theo kiểu cũ của Chicago thời giàu có. Trong những người này là Grebe, với màu da tươi và hơi ửng vì lạnh và vóc người nhỏ bé, bước vào như một học sinh. Cho dù anh được chào đón bằng những nụ cười và vẻ cởi mở, anh biết rằng, trước khi anh mở ra một lời nào, là tất cả mọi chiều hướng đều ngược với anh và anh sẽ chẳng thể nào nhúc nhích đi tới được. Tuy thế anh cũng bắt đầu. “Có ai ở đây có thể nói cho tôi biết làm sao tôi có thể giao một chi phiếu cho ông Tulliver Green chăng?”

“Green?” — Chính người đàn ông đã để cho anh vào nay lên tiếng. Ông ta mặc áo sọc ngắn tay trùm đầu, có một cái mũ cao khá dị kỳ, lớn một cách quá đáng, dài như một chiếc mão của kỵ sĩ thời xưa; có những đường gân nổi trên trán. “Tôi chưa hề nghe nói đến tên đó. Ông này sống ở đây hay sao?”

“Đây là địa chỉ người ta cho tôi ở văn phòng. Ông ta bệnh, ông ta rất cần chi phiếu này. Chẳng có ai có thể nói cho tôi biết là làm sao tìm ra ông ta hay chăng?”

Anh đứng yên đó, chờ có ai trả lời, chiếc khăn nỉ choàng cổ màu đỏ thắm cuốn quanh cổ và thả dài bên ngoài chiếc áo khoác, những túi áo trĩu sâu bên trong vì những tấm chi phiếu và các hồ sơ. Người ta hẳn phải nhận ra anh không phải là một sinh viên được mướn làm việc đi đòi nợ vào buổi chiều, tìm cách qua mặt người khác bằng cách giả làm nhân viên cứu tế xã hội, họ phải nhận ra anh già hơn thế, tự nhận thức được sự thiếu thốn là gì, một người đã từng hiểu biết hơn bình thường cuộc sống khó khăn là gì. Điều này là quá rõ ràng nếu người ta nhìn những vết quầng dưới mắt của anh và ở khoé miệng của anh.

“Có ai biết được người đang đau ốm này hay không?”

“Không, ông ạ.”

Ở mọi phía anh thấy những cái đầu lắc qua lắc lại và những nụ cười thoái thác. Chẳng ai biết cả. Và có lẽ đúng như thế, anh nghĩ, đứng im lặng trong bóng tối lờ mờ nheo nhóc những con người và nền đất ẩm thấp trong khi tiếng nói lao nhao trong đám người này. Nhưng anh thực không bao giờ có thể biết chắc.

“Cái ông này có chuyện gì đấy?” — Người đàn ông đội cái mũ cao lô nhô hỏi.

“Tôi chưa hề gặp ông này. Tôi chỉ có thể nói là ông này không thể đến lấy tiền được. Đây là ngày đầu tiên tôi làm việc trong khu phố này.”

“Có thể người ta cho ông địa chỉ sai chăng?”

“Tôi không nghĩ thế. Nhưng tôi có thể hỏi ở nơi nào khác để tìm ông ta?”

Anh cảm thấy sự ráo riết của mình đã làm cho những người ở đây thấy hào hứng, và một cách nào đó anh cũng chia sè sự hào hứng của họ cho nên anh cũng cứ đứng đây kiên trì đối đáp với họ. Dù nhỏ con hơn, dù nhẹ hơn, anh vẫn giữ sự tự tin, anh không có mặc cảm gì về bản thân, và anh nhìn ngược lại những người này, mắt nâu, vừa thấy vui và vừa thấy mình can đảm. Ngồi trên ghế, có một người đàn ông nói trong cổ họng, khó nghe được ông ta nói cái gì, và một người đàn bà trả lời với nụ cười ròn rã, và bị người khác chận lại.

“Sao, chẳng ai nói cho tôi biết được điều gì hay sao?”

“Chẳng có ai biết gì đâu.”

“Ít nhất, nếu ông ta sống ở đây, ông ta phải trả tiền thuê nhà cho ai đó. Ai là người quản lý khu vực này?”

“Công ty Greatham. Nó nằm trên đường 39.”

Grebe viết lên sổ của mình. Nhưng khi anh đã lại ra ngoài đường, một tờ giấy bị gió cuốn đi bám vào chân anh trong khi anh suy tính xem sắp tới đây phải đi theo hướng nào, anh xem đó là một sự chỉ dẫn yếu ớt để đi theo. Có lẽ ông Green này chẳng thuê một gian mà chỉ mướn một phòng nhỏ. Đôi khi có đến cà hai mươi người sống chen chúc trong một apartment; nhân viên địa ốc chỉ biết mỗi một người đứng ra thuê. Và ngay cả đại lý địa ốc này có khi cũng chẳng biết tên của người mướn. Tại một số nơi, ngay cả giường ngủ cũng được chia ra dùng theo từng phiên, những người bảo vệ hay lái xe hàng hay đầu bếp theo ca làm ban đêm sẽ ra đi sau khi ngủ suốt ngày và để giường lại cho chị em, cháu hay có thể một người lạ, chỉ mới đến. Có nhiều người mới đến trong khu vực cây cối hoang tàn chen chúc của thành phố giữa Cottage Grove và Ashland, đi từ nhà này đến nhà khác, từ phòng này qua phòng khác. Khi thấy họ, làm sao ta biết được ai là ai. Họ chẳng mang túi xắc gì trên lưng hay trông có gì đặc biệt. Ta chỉ thấy một người đàn ông, một người da đen, đang đi trên phố hay lái xe trên đường, như tất cả mọi người khác, đưa ngón tay cái lên xin đi nhờ. Và bởi thế, làm sao ta có thể biết được. Grebe nghĩ nhân viên ở Greatham sẽ chỉ cười trước câu hỏi của anh.

Nhưng công việc này sẽ đơn giản đến chừng nào khi ta có thể nói ông Green này già hay mù mắt hay bệnh nặng. Mất một giờ giữa chồng hồ sơ, ghi chép vài chi tiết, thì anh không phải ở trong tình thế bất lợi như thế. Khi Raynor đưa cho anh cả mớ chi phiếu, anh hỏi: “Tôi phải tìm hiểu những người này đến chừng nào?” Và rồi Raynor có cái nhìn như thể anh ta đang tính buộc tội anh làm quan trọng hoá việc làm của mình. Anh cười, vì lúc đó hai người đang vui vẻ với nhau, nhưng tuy thế anh ta xem chừng như sẵn sàng nói một điều như thế khi ở văn phòng người ta đang điên đầu về Staika và những đứa con của bà.

Grebe đã chờ đợi để lấy công việc này khá lâu rồi. Nó đến với anh qua sự lôi kéo của một người bạn học trước đây tại văn phòng Corporation Counsel, không bao giờ là một người bạn thân, nhưng bỗng nhiên tử tế và quan tâm — và cả hài lòng để cho thấy, hơn nữa, anh ta đã làm ăn như thế nào, anh ta đang phất lên mạnh mẽ như thế nào ngay cả trong thời buổi khó khăn như thế. Đúng, anh ta đã mạnh mẽ bươn chải, cùng với chính quyền của đảng Dân Chủ. Grebe đã đi gặp anh ta ở Toà Thị Chính và họ đã ăn trưa hay đi uống bia với nhau ít nhất một tháng một lần trong cả một năm, và cuối cùng đã có thể có chuyển biến trong công ăn việc làm. Anh chẳng nề hà gì chuyện được giao cho công việc ở ngạch thư ký thấp nhất, ngay cả chuyện làm công việc đi giao thư, dù Raynor tưởng rằng anh buồn vì chuyện đó.

Anh Raynor này đúng là một người có phẩm cách và Grebe đã tức thì chịu anh ta. Cho đúng phép tắc trong ngày đầu tiên, Grebe đã đến sớm, nhưng anh đã phài chờ lâu, vì Raynor đến trễ. Cuối cùng anh ta xẹt vào cái phòng đóng khung như cái hộp như thể vừa nhảy từ một trong những toa xe lớn màu đỏ chạy trên đường Indian Avenue. Cái khuôn mặt ốm và khô trông dạn dày sương gió, và anh ta đang cười và nói trong hơi thở điều gì đó với chính mình. Trong chiếc mũ, một chiếc mũ dạ nhỏ, và áo khoác của anh ta, cổ áo nhung vừa vặn quanh cổ của anh ta, và cái khăn quàng vải lụa lên tới chiếc cằm đang vặn vẹo, anh ta ngồi lắc lư và xoay người trong chiếc ghế xoay, hai bàn chân rời mặt đất; cho nên anh ta hơi ngửa ra một tí khi ngồi. Trong khi đó mắt của anh ta không xem xét Grebe nữa, đôi mắt có một chiều đứng khá bất thường và hơi giễu cợt. Thế nên hai người ngồi như thế trong một lúc, chẳng nói gì với nhau, trong khi người quản đốc nhấc chiếc mũ khỏi đầu tóc chải lộn xộn của mình và đặt mũ vào lòng. Đôi bàn tay đen và lạnh của anh ta không được sạch. Một cái xà bằng thép bắc xuyên qua căn phòng nhỏ, từ đó những dây cột máy từng được treo ở đó. Toà nhà này trước đây là môt xưởng máy.

“Tôi trẻ hơn anh. Tôi hy vọng anh sẽ không cảm thấy khó khăn lắm khi phải nhận lệnh của tôi,” Raynor nói. “Nhưng tôi cũng không phải là người chế ra những lệnh lạc đó. Anh bao nhiêu tuổi, khoảng chừng?”

“Ba mươi lăm.”

“Anh tưởng anh sẽ ngồi một chỗ làm việc giấy tờ phải không? Nhưng tình hình buộc tôi phải nhờ anh đi ra ngoài.”

“Tôi chẳng ngại.”

“Và phần lớn là gặp người da đen sống trong quận hạt này.”

“Tôi cũng nghĩ như thế.”

“Tốt lắm. Rồi anh sẽ quen mà thôi. C’est un bon boulot.[1] Anh biết tiếng Pháp không?”

“Chút ít.”

Tôi nghĩ anh là dân đại học.”

“Anh đã từng ở Pháp chưa?” Grebe hỏi.

“Chưa, đó là tiếng Pháp của trường Berlitz. Tôi đã theo học hơn một năm nay, khi tôi tin là người ta cũng theo học, trên khắp thế giới, những người làm văn phòng ở Trung Quốc và những tay chơi ở Tanganyika. Thực ra, tôi biết chán chuyện đó. Sức mạnh hấp dẫn của văn minh. Người ta đánh giá nó quá cao, nhưng chúng ta muốn gi đây? Que voulez-vous? [2] Tôi kiếm được Le Rire [3] và tất cả những tờ đầy mùi vị đó, như ở Tanganyika. Bên ngoài, hẳn phải là huyễn hoặc. Nhưng lý do của tôi là tôi đang nhắm tới ngành ngoại giao. Tôi có một người bà con làm việc giao liên, và cách ông ta mô tả thì quả là hấp dẫn vô cùng. Ông đi trong những toa wagon-lits [4] và nằm dài đọc sách. Trong khi chúng ta... Trước đây anh làm gì?”

“Tôi bán đồ.”

“Ở đâu?”

“Thịt hộp tại Stop and Shop. Dưới tầng hầm.”

“Và trước đó?”

“Màn cửa, tại Goldblatt’s.”

“Việc làm thường xuyên không?”

“Không. Ngày thứ năm và thứ bảy. Tôi cũng bán giày.”

“Anh cũng chịu khó quá chừng. Thôi. Trước đó là thế nào? Tất cả đều ở trong tập này.” Anh ta mở ra hồ sơ. Trường Đại học Saint Olaf, giáo sư ngôn ngữ cổ điển. Chuyên viên nghiên cứu, Đại học Chicago, 1926-27. Tôi cũng có học tiếng La-tinh. Mình trao đổi với nhau vài câu – ‘Dum spiro spero’.[5]

“‘Da dextram misero’.”[6]

Alea jacta est.” [7]

“Excelsior.” [8]

Raynor cười phá ra, và những người khác đến nhìn anh ta qua khoảng ngăn cách. Grebe cũng cười, cảm thấy hài lòng và thoải mái. Sự hào phóng vui đùa vào một buổi sáng bồn chồn.

Khi họ xong việc và chẳng có ai đang theo dõi hay lắng nghe Raynor hỏi với vẻ khá nghiêm trọng: “Thế anh học tiếng La-tinh trước hết là vì lý do gì? Phải chăng đề đi tu?”

“Không đâu.”

“Chỉ vì nổi hứng hay sao? Vì cái văn hoá của nó? Ôi, những thứ người ta nghĩ rằng họ có thể khám phá ra được!” Anh ta cố làm cho tiếng kêu của mình vừa hài hước vừa bi thảm. “Tôi đã bán cả cái quần của mình để có tiền đi học ngành luật, và tôi đã vào được ngành luật, nên tôi một tuần kiếm được hơn anh mười hai đô-la như một khoản tiền thưởng đã giúp cho cuộc sống này ngay đường thẳng lối. Tôi nói cho anh nghe, là người có văn hoá, là cho dù không có gì trông là thật cả, và mọi thứ đều có thể có ý nghĩa khác đi, cái này là cái kia, cái kia là một cái khác nữa — chẳng có gì khác biệt giữa hai mươi lăm và hai mươi bảy đô-la một tuần, cho dù thực tế cuối cùng là thế nào đi nữa. Anh có nghĩ điều này rõ ràng với những người Hy-lạp của anh chăng? Họ là những người ưa suy nghĩ, nhưng họ nào đã đoạn tuyệt với những người nô lệ của họ.”

Grebe quả thực chẳng ngờ cuộc phỏng vấn đầu tiên với người quản đốc của mình lại nói đến những chuyện này. Anh quá ngượng ngập cho nên không để lộ sự kinh ngạc anh đang cảm thấy. Anh hơi cười, thấy hào hứng, và gạt qua một bên tia nắng đang hắt bụi vào đầu anh. “Anh có nghĩ lỗi lầm của tôi quá kinh khủng hay chăng?”

“Đúng là kinh khủng, và nay thì anh biết là cái thời khó khăn làm cho con người điêu đứng như thế nào. Lẽ ra anh phải sẵn sàng hơn trước những thử thách này. Gia đình anh hẳn phải khá giả lắm để cho anh đi lên đại học. Anh hãy bảo tôi thôi, nếu tôi dẫm lên chân anh. Mẹ của anh có chiều anh không? Cha của anh có nhịn anh không? Anh có được lớn lên một cách nhẹ nhàng, được phép đi ra và tìm xem những thứ cuối cùng là gì mà những thứ khác tiêu biểu trong khi mọi người khác cực nhọc trong thế giới bề mặt đã suy sụp?”

“Ô, không. Không hẳn đúng như thế,” Grebe cười. Cái thế giới bề mặt đã suy sụp! Đúng là thế. Nhưng nay đến phiên anh làm cho anh ta kinh ngạc. “Gia đình chúng tôi không giàu đâu. Cha tôi là một quản gia thực sự theo kiểu của người Anh ở Chicago...”

“Anh có đùa không?”

“Sao tôi phải đùa?”

“Mặc trang phục hả?”

“Mặc trang phục. Ở phía trên vùng Gold Coast.”

“Và ông muốn anh được giáo dục như một bậc quí phái?”

“Ông không muốn. Ông gởi tôi đến Armour Institute để học về ngành kỹ sư hoá. Nhưng khi ông qua đời, tôi đổi trường.”

Anh ngừng không nói nữa, và suy nghĩ Raynor đã đến với anh nhanh như thế nào. Ngay tức thì, anh đã để hành lý lên bàn và tất cả mọi thứ đều bày ra cả. Và sau đó, đi trên đường phố, anh vẫn suy nghĩ anh đã có thể đi xa đến chừng nào, và anh có thể đã bị dẫn dụ để nói thêm bao nhiêu chuyện nữa nếu hai người không bị gián đoạn bởi tiếng ồn ào của bà Staika.

Nhưng ngay khi đó một phụ nữ trẻ, một nhân viên của Raynor, chạy vào phòng và kêu lên: “Ông có nghe chuyện lộn xộn bên ngoài không?”

“Chúng tôi chẳng nghe gì cả.”

“Bà Staika, bà đang làm dữ ở bên ngoài. Mấy nhà báo đang đến. Bà nói bà đã điện thoại cho biết giấy tờ, và ông biết bà đã làm như thế.”

“Nhưng bà ta muốn gì?” Raynor hỏi.

“Bà mang áo quần giặt và bàn ủi đến đây, bàn ủi bằng điện của chúng ta, bởi vì cơ quan xã hội không trả tiền điện cho bà. Bà đem bàn ủi đặt ngay bên cạnh bàn tiếp khách, và con của bà đến đây với bà, tất cả sáu đứa. Chúng chưa hề đi học quá một lần một tuần. Bà luôn luôn kéo chúng đi khắp nơi với bà bởi vì tiếng tăm của bà.”

“Tôi chẳng muốn bỏ lỡ một chuyện như thế này,” Raynor nói, nhổm dậy. Grebe hỏi khi đi theo người thư ký ra ngoài: “Bà Staika này là ai?”

“Người ta gọi bà là ‘Người mẹ hiến máu của Phố Federal’. Bà là người cho máu chuyên nghiệp tại các nhà thương. Tôi nghĩ người ta trả cho bà mười đô-la một pint (gần nửa lít). Dĩ nhiên đây chẳng phải là chuyện đùa, nhưng bà đã làm rất ầm ĩ và bà và lũ nhỏ được báo chí khai thác thường xuyên.”

Một đám người, nhân viên và khách hàng cách nhau qua một tấm ván ép, đứng trong khoảng lối vào chật hẹp, và bà Staika này đang đứng la lối, giọng khàn khàn như đàn ông, ném bàn ủi lên mặt bàn và dằn mạnh nó lên mặt bàn bằng sắt.

“Cha tôi, mẹ tôi đến đây bằng tàu của dân nô lệ, tôi được sinh ra trong nhà của chúng tôi Robey gần Huron. Tôi chẳng phải là di dân dơ bẩn. Tôi là công dân Mỹ. Chồng của tôi là cựu chiến binh ở Pháp, bị hơi ngạt, phổi yếu còn hơn giấy, một mình không lết nổi vào phòng vệ sinh. Sáu đứa con này của tôi, tôi mua giày cho chúng đi bằng máu của tôi. Ngay cả một chiếc nơ đeo trong lễ ở nhà thờ màu trắng nhỏ dị hợm, đó cũng là nhờ những giọt máu này; một miếng vải che vết sần trên da của con Vadja của tôi để nó không thấy xấu hổ trong nhà thờ với mấy đứa con gái khác, chúng lấy máu của tôi để đổi lấy nó tại tiệm Goldblatt. Tôi phải sống mãi như thế. Đúng là điều phải thôi nếu tôi phải nhờ vào tiền cứu trợ. Có biết bao nhiêu người đang ngửa tay xin tiền — toàn là giả cả! Chẳng có gì mà người ta không lấy, người ta có thể lấy tiền đi mua thịt muối ở Swift và Armour bất cứ lúc nào. Người ta đi lùng sục ở tiệm Yards. Không bao giờ họ phải bị nghi việc. Chỉ có điều người ta thích nằm ngửa và ăn tiền nhà nước.” Bà ta không sợ, trong một văn phòng phần lớn là người da đen, la lối cách này về người da đen.

Grebe và Raynor cố nhich ra phía trước để nhìn người đàn bà này cho rõ hơn. Bà ta đang lồng lộn vì giận dữ và cả vui thích với chính mình, bà to lớn, vạm vỡ, một phụ nữ có đầu tóc vàng khè đội một chiểc mũ vải có đường viền màu hồng. Chân của bà chẳng mang vớ, đi một đôi giày thể thao màu đen, vạt áo Hoover của bà để mở và đôi vú lớn quá khổ của bà, không bị mấy gò bó bởi một chiếc áo lót của đàn ông bên trong, làm cho cánh tay của bà bị cấn cái khi bà ủi qua lại chiếc áo của đứa con. Và mấy đứa con, im lặng và trắng, mặt ngây ra, mặc áo khoác lông cừu hay hàng nỉ, đứng ngay sau lưng bà. Bà đã chiếm cứ văn phòng này, và niềm vui thích của bà đúng là mênh mang. Tuy thế, sự lo phiền của bà đúng là có thật. Bà nói sự thật. Nhưng bà lại xử sự như một người nói dối. Cái nhìn của đôi mắt nhỏ của bà bị khuất đi, và trong khi bà phát điên lên bà cũng dường như đang suy nghĩ va tính toán gì đó.

“Người ta đưa đến cho tôi những nhân viên mới ra trường mặc quần lụa để nói chuyện với tôi là tôi được gì, không được cái gì. Họ có khá hơn tôi không? Ai bảo họ như thế. Đuổi họ đi. Để cho họ đi và lấy vợ đi, thì các người ở đây không phải cắt điện khỏi ngân sách của người dân.”

Người trưởng ban ở đây, ông Ewing, không làm bà im được, ông đứng khoanh tay che lên đầu, cái đầu sói, nói với những người thuộc cấp như cách ông nói trước đây khi còn là hiệu trưởng: “Để cho bà ta mệt rồi sẽ đi về mà thôi.”

“Không, bà ta không mệt đâu,” Raynor nói với Grebe. “Bà sẽ được những gì bà đòi. Bà biết rành chuyện cứu trợ này còn hơn cả Ewing. Bà ta đã ở danh sách này bao nhiêu năm nay, và bà luôn luôn đạt được điều bà muốn vì bà cứ làm ầm ĩ như thế này. Ewing biết chuyện đó. Ông sẽ thua mà thôi. Ông chỉ cố giữ gìn mày mặt. Nếu người ta đồn ra, ông uỷ viên sẽ tống ông đi, xuống dưới phố. Bà ta đã làm cho ông tơi tả; bà ta sẽ làm cho mọi người tơi tả lúc này hay lúc khác, kể cả quốc gia hay chính quyền.”

Grebe đáp lại bằng nụ cười đặc biệt của mình, anh hoàn toàn không đồng ý. Ai đây sẽ nghe lệnh của Staika, và bà la ó thì sẽ có thể thay đổi được những gì?

Không. Những gì Grebe thấy ở bà, khả năng làm cho người ta phải lắng nghe, là sự kêu la của bà diễn tả cuộc chiến xương máu, có lẽ trở nên hơi điên rồ và chắc chắn là kỳ quái, ở nơi này và trong hoàn cảnh này. Và lúc đầu, khi anh đi ra ngoài, tinh thần của Staika phần nào đã phủ lấy cả quận hạt này đối với anh, nó mang màu sắc của bà; anh ta thấy màu sắc của bà, trong những đám lửa bên đường, những đám lửa dưới vùng El, con hẻm thẳng tắp lù mù. Sau đó cũng thế, khi anh đi vào một quán rượu dưới hầm, uống một ly rượu lúa mạch, bọt bia, kết hợp với những con đường ở Khu Tây, làm cho anh lại nghĩ tới bà lần nữa.

Anh lấy khăn choàng cổ lau góc miệng, vì cái khăn tay bất tiện, khó lấy ra, và anh lại đi ra đường để tiếp tục công việc giao chi phiếu. Khí trời lạnh, giá rét và lả tả tuyết đã rơi gần anh. Một chiếc xe lửa chạy ngang qua, mặt đất rung lên và băng tuyết xới lên trên đường rầy.

Băng qua đường, anh bước xuống một cầu thang bằng gỗ dẫn vào một tiệm tạp hoá dưới tầng hầm, rung một cái chuông nhỏ ở cửa. Cửa tiệm dài, tối, nó làm cho anh ngửi ngay được mùi thịt khói, xà-bông, lê khô, và cá nồng nặc. Một ánh lửa leo lét, bập bùng ở một chiếc lò nhỏ, và người chủ tiệm đang chờ đợi, một người Ý có khuôn mặt dài, lõm, và những sợi lông mọc ngoan cố. Ông ta bỏ tay vào cái tạp-dề cho ấm.

Không, ông ta không biết ông Green. Người ta thường biết người nhưng có khi không biết tên. Cũng người đó nhưng có thể có những tên khác nhau tuỳ lúc. Cảnh sát cũng không biết, và hầu như họ cũng không màng. Khi có người bị bắn hay bị chém, cảnh sát đem đi cái xác của nạn nhân nhưng không truy tìm thủ phạm. Thứ nhất, cũng chẳng ai nói cho họ biết tin tức gì. Cho nên họ phải đặt tên để nói với người giảo nghiệm tử thi, và thế là xong chuyện. Thứ đến, họ cũng chẳng cần để ý làm gì. Nhưng cho dù họ có muốn họ cũng không thể đi đến tận cùng. Không ai biết được ngay cả chỉ một phần mười của những gì đang xảy ra giữa những người này. Họ đâm chém, trộm cắp, làm đủ tội lỗi và chuyện độc ác, đàn ông và đàn ông, đàn bà và đàn bà, cha mẹ và con cái, tệ hơn cả súc vật. Họ cứ sống theo cách của mình, và những việc kinh hoàng thoảng qua như mây khói. Chưa hề có những việc như thế xảy ra trong lịch sử của thế giới toàn cầu.

Bài diễn văn dài, sâu đậm thêm với những ngữ vựng kiểu cách và nhiệt tình và trở nên càng lúc càng kinh hoàng và vô nghĩa: một mớ ý tưởng tích tụ bởi những ý kiến và tưởng tượng, một nỗi vô vọng to lớn đeo bám, một bánh xe con người gồm đầu, chân, bụng, tay, lăn qua cửa hàng của ông.

Grebe cảm thấy mình phải chận ông ta lại. Anh nói sẳng: “Ông nói gì thế! Tôi chỉ hỏi ông là ông có biết người này hay không?”

“Tôi nói chưa đến một nửa đâu. Tôi ở đây đã sáu năm rồi. Có lẽ ông không muốn tin những chuyện này. Nhưng nếu là chuyện thật thì sao?”

“Cũng thế thôi. Phải có cách nào để kiếm cho ra người ta chứ.”

Đôi mắt sát vào nhau của người Ý này nhỏ lại một cách lạ kỳ như những bắp thịt của ông khi ông rướn người lên quầy để cố thuyết phục Grebe. Giờ đây ông bỏ cuộc và ngồi xuống chiếc ghế của mình. “Ồ, tôi nghĩ thế. Thỉnh thoảng. Nhưng tôi đã nói với ông. Ngay cả cảnh sát cũng chịu thua.”

“Họ luôn luôn truy tầm ai đó. Không phải là trường hợp này.”

“Thế thì ông cứ tiếp tục đi nếu ông muốn. Tôi chẳng giúp được gì đâu.”

Nhưng anh không tiếp tục tìm kiếm. Anh không còn thì giờ cho ông Green này. Anh để cái chi phiếu của ông Green vào cuối xấp giấy. Cái tên tiếp theo trong danh sách là FIELD, WINSTON.

Anh tìm ra cái nhà chòi ở sân sau chẳng khó khăn gì, Nhà này chung sân với một nhà khác, chỉ cách nhau khoảng một mét. Grebe biết rõ kiểu nhà kép như thế này. Nó được ưa chuộng trong thời trước khi những khoảng đất sình lầy được lấp bằng và các đường phố mọc lên, và chúng giống nhau lạ kỳ — một lối đi bằng gỗ quanh bờ tường, thấp hơn mức ngoài đường, ba hay bốn trụ ở trên đầu uốn tròn để phơi áo quần, những tấm mái nhà bằng gỗ xanh đã mục, và một lối đi dài ngang cầu thang vào cửa sau.

Một thằng bé 12 tuổi đưa anh vào trong nhà bếp, và ông già đã ở đó, ngồi trong một xe lăn bên cạnh chiếc bàn. Dọn sạch trên bàn, ông nói với thằng bé khi Grebe lấy ra mấy chi phiếu: “Ồ, người nhà nước. Mày đi lấy cái hộp đựng giấy tờ cho tao.”

“Ồ, ông chẳng phải làm thế đâu,” Grebe lên tiếng, nhưng ông Field đã đặt tất cả giấy tờ lên bàn: Chứng chỉ An sinh Xã hội, giấy chứng nhận cứu trợ, thư của bệnh viện tiểu bang tại Manteno, và giấy xuất ngũ của ngành Hải Quân ghi năm 1920 tại San Diego.

“Nhiều thế,” Grebe nói. “Ông chỉ việc ký nhận mà thôi.”

Nhưng ông vẫn nói: “Không, ông phải biết tôi là ai chứ. Ông là người nhà nước. Có phải là chi phiếu của ông đâu. Chi phiếu của nhà nước. Ông không thể giao cho tôi nếu tôi không trình ra đủ giấy tờ chứng minh.”

Ông có vẻ thích cái màn nghi lễ này, nên Grebe không phản đối nữa. Field đổ hết những thứ trong hộp ra và bày ra hết tất cả các thẻ và giấy tờ.

“Tôi là ai, đã làm gì, tất cả đều nằm ở đó. Chỉ còn thiếu giấy khai tử là đủ hồ sơ của tôi,” ông ta nói với vẻ hãnh diện, hào hứng và trịnh trọng. Nhưng ông vẫn chưa ký. Ông chỉ cầm cây bút nhỏ thẳng đứng trên chiếc quần nhung màu vàng tươi của ông. Grebe không thúc giục ông. Anh cảm thấy ông già thèm nói chuyện lắm. Ông nói:

“Tôi phải kiếm than tốt hơn. Tôi cho thằng cháu đi ra ngoài bãi cầm tờ giấy mua than của tôi. Người ta cho nó nguyên cả một cần xé loại than lọc. Cái lò này không chịu than này. Nó lọt qua cả cái sàn. Giấy mua than đã ghi là Franklin County than loại quả trứng.”

“Tôi sẽ báo cáo lại để xem thế nào.”

“Tôi chắc người ta chẳng làm được gì đâu. Anh cũng biết mà tôi cũng biết. Không có cách cò con nào có thể cải thiện tình hình này. Vấn đề chính là phải có tiền. Đó là tia sáng duy nhất, tiền. Không có gì còn là đen tối khi được nó chiếu tới, và nơi duy nhất mà mình còn thấy tối là nơi nó không chiếu tới. Điều mà những người da đen như chúng tôi phải có là chính mình phải trở nên giàu có. Không còn cách nào khác đâu.”

Grebe ngồi xuống, chiếc trán đỏ rần của anh nằm thẳng hàng với đầu tóc cắt gọn và hai bên má trũng xuống trên hai phía cổ áo — ngọn lửa chiếu dữ dội trong những khung sắt và mi-ca nhưng căn phòng chẳng dễ chịu tí nào cả — anh ngồi và nghe ông già mô tả kế hoạch của mình. Mỗi tháng tạo ra một nhà triệu phú da đen bằng cách ghi tên. Một người trẻ, khôn ngoan, hảo tâm được bầu ra mỗi tháng sẽ ký một hợp đồng để dùng tiền vào việc mở ra một công ty thu dụng người da đen. Việc này sẽ được quảng cáo bằng thơ luân lưu và truyền khẩu, và mỗi người da đen đi làm sẽ đóng một đô-la một tháng. Trong vòng năm năm sẽ có sáu mươi nhà triệu phú.

“Điều này sẽ tạo sự kính trọng,” ông nói với giọng cổ họng khiến người ta cứ tưởng ông đang nói một âm điệu nước ngoài. “Ta phải gom lại và tổ chức sử dụng tất cả tiền bị ném đi vì lý do chính sách hay chủng tộc. Nếu mà người ta lấy được của anh những món tiền đó, họ không kính trọng anh đâu. Tiền, đó chính là mặt trời của nhân loại!” Ông Field là một người da đen mang hai dòng máu, có thể là Cherokee hay Batchez; da ông màu đỏ ửng. Và ông lên tiếng, ông nói về một mặt trời vàng chói chang trong căn phòng tăm tối này, và mặt trông bờm xờm và dày, ông nhìn với khuôn mặt mang hai dòng máu và đôi môi rộng, cây viết nhỏ vẫn còn đứng thẳng trong lòng bàn tay của ông, như một trong những nhà vua bí ần trong chuyện thần thoại, như ông chính là quan toà Minos.

Và bây giờ ông lấy tấm chi phiếu và ký nhận. Sợ tờ giấy bị bẩn, ông dùng những đốt lóng tay kẹp nó lại. Cái mặt bàn nẩy lên và kêu khe khẽ, nằm khoảng giữa của một bãi rác tối tăm, hỗn tạp trong bếp phủ bởi bánh mì, thịt, lon hộp, và một mớ giấy báo.

“Anh nghĩ cái kế hoạch của tôi có thành công hay không?”

“Cũng đáng suy nghĩ lắm chứ. Phải làm gì thôi, tôi đồng ý.”

“Nó sẽ có hiệu quả nếu người ta chịu làm. Chỉ có thế. Đó là điều duy nhất, bất cứ lúc nào. Khi ta hiểu nó một cách nhất trí, tất cả mọi người.”

“Đúng thế,” Grebe nói, đứng dậy. Mắt anh gặp phải mắt của ông già.

“Tôi biết anh phải đi,” ông già nói. “Vâng, Chúa phù hộ cho anh. Anh không tệ với tôi. Mới gặp anh tôi đã biết ngay.”

Anh đi trở ra ngoài, qua khoảng sân hoang vắng. Ai đó thắp nến trong một chái nhà, nơi một người đang đứng đổ củi sưởi xuống đất từ một xe đẩy và có hai giọng nói đang vang lên trong một cuộc trò chuyện sôi nổi nào đó. Khi anh đi lên lối đi có mái che, anh nghe tiếng gió thổi mạnh trong những cành cây và vào mặt tiền các căn nhà, và rồi khi đến ngoài lề đường, anh thấy màu đỏ như một lỗ kim nằm trên các toà tháp dây cáp trong khoảng không gian tuyết giá hàng trăm feet nhô trên trời cao trên dòng sông và các xưởng máy — những điểm nổi bật. Từ đây, tầm nhìn của anh bị cản trở cho đến South Branch và bờ rừng của nó, và những cần trục bên dòng sông. Được xây dựng lại sau Đám Cháy Lớn, phần này của thành phố, không phải năm mười năm sau, lại bị hoang tàn lần nữa, các xưởng máy ngổn ngang, các toà nhà bị bỏ trống hay sụp đổ, nằm giữa là những cánh đồng hoang. Nhưng chẳng phải là sự cô quạnh mà người ta cảm thấy trong cảnh tượng này, mà là một sự rệu rã trong guồng máy đã để tuôn ra một nguồn năng lượng lớn, một nguồn lực không kiểm soát được, không gắn liền vào đâu cả và đã tuôn ra từ một cảnh hoang sơ vĩ đại này. Chẳng những người ta phải cảm thấy điều đó, nhưng Grebe nghĩ họ còn phải xứng với nó. Ngay chính trong thân thể của họ. Và anh cũng chẳng được ít hơn người khác, như anh nhận ra. Nói rằng cha mẹ của anh đã từng là người giúp việc trong thời của họ, trong khi anh không phải làm như thế. Anh nghĩ rằng người ta đã không bao giờ làm một việc như thế, mà rõ ràng chẳng có ai xin, và có thể ngay cả xương thịt cũng không thể làm được. Và cũng chẳng ai có thể cho thấy tại sao lại phải làm như thế; hay xem làm được một việc như thì sẽ dẫn đến đâu. Điều này không có nghĩa là anh muốn thoát khỏi chuyện đó, anh nhận thức với nét mặt trầm tư sâu thẳm. Ngược lại. Anh có việc phải làm. Bắt buộc cảm thấy nguồn lực này nhưng lại chẳng có việc gì phải làm — đó là điều kinh khủng; đó là điều đau lòng; anh biết điều đó là gì. Nay là lúc phải bỏ đi. Sáu giờ rồi. Anh có thể về nhà nếu anh muốn, trở lại phòng, chính là nơi đó, để tắm rửa trong nước nóng, để uống một ly, nằm dài trên ghế, đọc báo, ăn bánh xốp với paté gan trước khi đi ra ngoài ăn tối. Nhưng nghĩ về chuyện này thực tâm làm anh cảm thấy khó chịu, như thể vừa nuốt phải một luồng gió chướng. Anh còn đến cả sáu chi phiếu chưa giao, và anh đã quyết phải giao ít nhất một trong những tấm này: chi phiếu của ông Green.

Cho nên anh bắt đầu trở lại. Anh phải đi đến bốn hay năm khu chung cư tối tăm, qua những khoảng đất trống, những ngôi nhà bị bỏ hoang, những nền nhà cũ kỹ, những trường học đóng cửa, những nhà thờ của người da đen, những mô đất gồ ghề, và anh nghĩ rằng hẳn phải có nhiều người đang còn sống đã từng chứng kiến vùng này được chỉnh trang và xây dựng lại như thế nào. Bây giờ có một lớp hoang tàn mới phủ lên lớp cũ; hàng thế kỷ lịch sử đã hoàn thành với sự vận động của con người. Những năm tháng đã buộc nơi này phải lớn dậy; và năm tháng cũng đã huỷ diệt nó. Những vật đã từng là mới mẻ, quá cụ thể, đến độ ai cũng có thể nghĩ chúng biểu trưng cho những gì khác, tất cả cũng đã sụp đổ. Cho nên, Grebe nghĩ rằng bí mật của chúng đã phơi bày. Đúng là chúng biểu trưng cho chính chúng theo sắp xếp, một cách tự nhiên và không giả tạo theo sắp xếp, và khi chính chúng sụp đổ thì những sắp xếp này trở nên hiển hiện. Nếu không thế, cái gì đã làm cho thành phố trông chẳng có gì đặc biệt cả? La-mã, hầu như là thường trực, không làm cho người ta có những ý nghĩ như thế này. Và nó có bắt buộc phải là thực không? Nhưng ở Chicago, nơi mà chu kỳ quá nhanh và những gì quen thuộc tàn lụi dần, và lại trỗi lên và lại chết trong ba mươi năm, ta thấy cái thoả thuận chung hay khế ước ràng buộc này, và buộc ta phải nghĩ về những gì thấy bên ngoài và thực tại bên trong. (Anh nhớ đến Raynor và anh mỉm cười. Raynor đúng là một người khôn ngoan đấy). Một khi ta đã nắm được điều này, rất nhiều chuyện khác trở nên có thể hiểu được. Thí dụ tại sao ông Field phải đẻ ra một kế hoạch như vậy. Dĩ nhiên, nếu người ta đồng ý tạo ra một nhà triệu phú, thì một nhà triệu phú đích thực sẽ ra đời. Và nếu ta muốn biết làm sao mà ông Field có thể có cảm hứng để nghĩ chuyện này, tại sao, ông ta có cái đồ biểu trong tầm nhìn của cửa sổ nhà bếp, cốt lõi đích thực của một kế hoạch thành công — công trình với những hoa giấy mang dấu hiệu màu xanh nước biển và xanh lá cây. Người ta đồng ý trả tiền và chạy thử và nó thành công. Tuy thế trông nó vô lý biết bao; nó chẳng có gì thực tế lắm để bàn. Và thế mà ông Yerkes, nhà tài chánh vĩ đại của ngành xây cất, đã biết rằng ông có thể làm cho người ta đồng ý làm việc đó. Xem nó riêng rẽ, trông thật là một kế hoạch của một kế hoạch, gần gũi chừng nào với sự vẻ bên ngoài. Như thế tại sao lại thắc mắc về ý kiến của ông Field. Ông đã nắm được một nguyên tắc. Và rồi Grebe cũng nhớ ông Yerkes đã thành lập Yerkes Observatory và bỏ vô đó cà bạc triệu. Nay thì làm sao ý niệm đến với ông trong bảo tàng lâu đài ở New York hay chuyến du thuyền là cho tiền cho những nhà thiên văn. Phải chăng ông hân hoan trước thành công của doanh nghiệp rối rắm này và bởi thế sẵn sàng chi tiền đề tìm ra nơi nào trong vũ trụ này có chuyện bên ngoài và bên trong là giống nhau. Đúng, anh muốn biết cái gì tồn tại được; và có phải thịt là cỏ của Thánh kinh; và ông ta cho tiền đề được đốt cháy trong lửa mặt trời. Được, như thế, Grebe lại suy nghĩ thêm, những thứ này hiện hữu là vì người ta chấp nhận cùng hiện hữu với chúng — chúng ta có được cho đến nay — và cũng có một thực tại k ông tuỳ thuộc vào sự chấp nhận đó nhưng trong đó sự chấp nhận này là một nội dung. Thế nhưng nhu cầu thì sao, nhu cầu đã khiến cho hàng ngàn thực thể yên vị? Các người nói với tôi điều đó, những người lịch lãm cá nhân và những linh hồn trong sạch — anh dùng những chữ này chê trách mình một cách khinh bỉ. Tại sao người ta chấp nhận sự bất hạnh, khốn khổ? Và tại sao lại tệ hại một cách đau lòng như thế? Bởi vì có gì đó ảm đạm và thường trực không đẹp? Đến đây thì anh thở dài và bỏ cuộc, và nghĩ rằng vào giây phút này đã đủ là anh có một chi phiếu thực sự trong túi cho ông Green nào đó mà ông này đúng là có thật chẳng cần thắc mắc gì nữa. Có điều những người láng giềng của ông đừng tính chuyện che giấu ông.

Lần này anh ngừng ở tầng lầu thứ hai. Anh đánh một que diêm và tìm ra cánh cửa. Một người đàn ông ra mở cửa và Grebe đã sẵn có chi phiếu trên tay và đưa ra ngay cả trước khi anh mở lời. “Ông Tulliver Green có sống ở đây không? Tôi ở sở xã hội đến.”

Người đàn ông hơi khép cửa lại và nói với ai đó sau lưng ông. “Ông ta có ở đây không?”

“Ô, Ô, không.”

“Hay ở đâu đó trong toà nhà này? Ông ta là người bệnh và không đến nhận tiền được.” Anh chìa ra tấm chi phiếu dưới ánh đèn, ánh sáng đầy khói — có mùi mỡ heo nướng cháy. Và người đàn ông giở tay cầm của chiếc nón ra để xem xét tờ chi phiếu.

“Ô, Ô. Chưa hề thấy tên này.”

“Chung quanh đây có ai phải chống nạng hay không?”

Ông ta dường như suy nghĩ, nhưng Grebe có cảm tưởng là người ta chỉ muốn anh đợi một khoảnh khác để cho thấy họ có quan tâm.

“Thưa ông, không. Tôi chẳng thấy ai như thế cả.”

“Tôi đã đi tìm ông này từ trưa đến nay,” — Grebe lên tiếng với cả hơi sức đột ngột gom dậy của mình. “Và tôi sẽ phải đem cái chi phiếu này trở lại văn phòng. Quả thật lạ lùng chẳng có thể tìm ra một người để giao một thứ dù tôi tìm ông ta vì thiện ý. Tôi tin rằng nếu tôi mang tin không hay cho ông ta thì tôi sẽ tìm ra ông ta chẳng khó khăn gì.”

Có một vẻ đáp ứng trên mặt của người kia. “Đúng vậy, tôi tin thế.”

“Có lẽ chẳng ích gì khi có một cái tên nếu chúng ta không tìm ra được người mang tên đó. Nó chẳng có nghĩa gì cả. Có lẽ tốt hơn ông ta chẳng nên có tên gì cả,” anh tiếp tục nói, và cười nhẹ. Nó giống như một thú nhận bất lực mà anh phải nói là anh muốn cuời.

“Đây này, có một ông già hơi gù lưng mà thỉnh thoảng tôi có thấy. Ông ta có thể là người anh kiếm đấy. Ở dưới nhà.”

“Ở đâu? Phía phải hay trái? Cửa nào?”

“Tôi chẳng biết cửa nào. Một người mặt ốm, nhỏ con, lưng hơi gù, có đi gậy.”

Nhưng chẳng có ai trả lời ở bất cứ phòng nào trên tầng lầu thứ nhất. Anh đi đến tận cùng hành lang, tìm kiếm bằng ánh sáng của que diêm, và chỉ thấy có một lối ra nhưng không có nấc thang ra sân ngoài, độ cao cũng có đến gần hai mét. Nhưng có một căn nhà sàn gần ngõ này, một căn nhà giống như nhà của ông Field. Nhảy xuống quả là không an toàn. Anh chạy từ cửa ngoài, xuyên qua hành lang ngầm dưới hầm, đi vào trong sân. Nơi này có người ở. Có một ánh đèn chiếu xuyên qua màn, ở tầng trên. Cái tên trên tấm giấy dưới cái hộp thơ hình như cái vòm, bị vỡ, là Green! Anh hăng hái rung chuông và ấn vào cái cửa bị khoá. Rồi cái khoá bật nhẹ và một lối đi lên cầu thang dài mở ra trước mặt anh. Có người đang chậm rãi bước xuống — một phụ nữ. Anh có cảm tưởng trong ánh sáng yếu ớt bà ta đang sửa soạn mái tóc khi bước xuống, để làm cho bà dễ coi, bởi vì anh thấy hai cánh tay bà ta đưa lên cao. Nhưng hai tay đưa lên chính là để đứng vững; bà đang tìm đường bước xuống, dựa theo tường, loạng choạng. Tiếp theo đó anh tự hỏi về sức nặng của đôi bàn chân của bà trên nấc thang; dường như bà không có giày dép gì cả. Và cầu thang thì lạnh cóng. Có lẽ anh rung chuông làm cho bà phải ra khỏi giường, và bà quên đi giày. Và rồi anh nhận ra chằng những bà không mang giày mà còn trần truồng; bà hoàn toàn trần truồng, bước xuống trong khi tự nói lảm nhảm với chính mình, một phụ nữ nặng nề, trần truồng, say sưa. Bà vấp té vào người anh. Tiếp xúc với cặp vú của bà, cho dù chỉ là phía bên ngoài áo khoác của anh, làm cho anh phải bối rối, thụt lùi chạm vào cánh cửa. Đây là người anh đã săn tìm cả ngày trong trò chơi này!

Người đàn bà nói với mình, giận dữ buột miệng chửi thề: “Cho nên tôi không thể đ.m. nó? Tôi sẽ cho thằng chó đẻ thấy, phải được chớ!”

Grebe tự hỏi bây giờ anh phải làm gì. Thôi, anh phải đi thôi. Anh phải quay lại và rời chỗ này. Anh không thể nói với người đàn bà này. Anh không thể để bà đứng trần truồng trong trời lạnh. Nhưng khi định bước đi anh thấy mình không thể quay đi.

Anh hỏi: “Ông Green ở đây phải không?”

Nhưng bà vẫn còn nói một mình và không nghe anh hỏi.

“Phải đây là nhà của ông Green không?”

Cuối cùng thì bà đưa tia nhìn giận dữ và say lè nhè nhìn anh, Bà hỏi: “Ông muốn gì?”

Rồi đôi mắt của bà nhìn hướng khác; có một tia đỏ trong ánh mắt sáng và giận dữ đó. Anh tự hỏi tại sao bà không cảm thấy sự lạnh lẽo.

“Tôi làm ở sở cứu tế.”

“Rồi. Sao nữa?”

“Tôi có một chi phiếu cho ông Tulliver Green.”

Lần này bà nghe ra và chìa tay.

“Không không, cho ông Green, ông ấy phải ký,” anh nói. Làm thế nào anh có thể được chữ ký của ông Green tối nay.

“Tôi lấy cho. Ông ta không lấy được.”

Anh tuyệt vọng lắc đầu, nghĩ đến lời khuyến cáo của ông Field về vấn đề nhận diện. Anh nói với bà: “Tôi không thể để bà nhận chi phiếu này được. Chi phiếu này của ông ta. Bà có phải là bà Green không?”

“Có lẽ thế, mà cũng có lẽ không. Ai muốn biết?”

“Ông ta có ở trên lầu chăng?”

“Được rồi. Ông cứ đem lên đi. Đồ điên.”

Đã hẳn, anh đúng là đồ điên. Dĩ nhiên anh không thể đi lên bởi vì ông Grren cũng có thể đang say và trần truồng. Và cũng có lẽ ông ta chút nữa cũng sẽ xuất hiện nơi đây. Anh sốt sắng ngước nhìn lên. Dưới ánh sáng là một bức tường màu nâu cao và hẹp. Trống không! Nó vẫn là trống không.

“Đồ quỷ sứ,” anh nghe bà kêu la. Giao một chi phiếu để cho người ta mua than và áo quần, nhưng anh lại để cho bà đứng ngoài trời lạnh. Bà không cảm thấy điều đó, nhưng mặt anh rát vì lạnh và cảm giác khó chịu. Anh lùi xa bà.

“Nói với ông ấy, ngày mai tôi đến.”

“A, đồ quỉ sứ. Đừng bao giờ đến đây. Ban đêm khuya khoắt mà ông làm gì ở đây? Đừng trở lại nữa.” Bà ta la lên nên anh thấy cái lưỡi dài của bà thè ra. Bà đứng dạng chân ra trong cái góc lạnh lẽo của căn phòng và nắm vào tay vịn bên tường. Cái nhà sàn tự nó giống như một cái hộp, một cái hộp cao, kỳ dị, chĩa vào bầu trời đông giá với những tia sáng mạnh mẽ và lạnh lẽo. Anh đổi ý và nói:

“Nều bà là bà Green, tôi sẽ đưa cho bà chi phiếu này.”

“Thế thì đưa đây,” bà lấy tờ giấy và tay trái nhận cây viết mà anh đưa cho, và cố ký nhận vào tờ giấy đặt trên tường. Anh nhìn quanh, như thể là để xem có ai thấy sự điên rồ của mình hay không, và hầu như tin rằng có ai đó đang đứng trên một núi những bánh xe cũ trong tiệm bán đồ phụ tùng xe cũ bên cạnh.

“Nhưng bà có phải là bà Green hay không?” Anh nghĩ mình phải hỏi. Nhưng bà đã leo lên cầu thang với cái chi phiếu trong tay, và quả đã trễ rồi để sửa chữa nếu anh phạm sai lầm, nếu anh đang gặp rắc rối. Nhưng anh sẽ không lo lắng về chuyện đó. Dù rằng bà có thể không phải là bà Green, ông Green hẳn phải ở trên lầu. Dù bà là ai, bà thay mặt cho ông Green, mà lần này anh không gặp được. Ôi chao, thằng ngu, anh tự nhủ, bộ mày tưởng là đã tìm ra ông ta. Thế thì sao? Cũng có thể mày thực sự kiếm ra ông ta — Thế thì sao? Nhưng điều quan trọng là có một ông Green thực sự mà người ta không thể ngăn anh gặp bởi vì trông anh giống như là một sứ giả có bề ngoài thù nghịch. Và cho dù sự tự trào đã từ từ mới hết, và mặt anh vẫn còn đỏ vì thế, anh vẫn có một cảm giác hân hoan. Anh nói: “Dù sao, có thể tìm ra được ông ta.”

 

 

_________________

Chú thích của người dịch:

[1](tiếng Pháp trong nguyên tác) Đó là một việc làm tốt.

[2]Bạn muốn gì đây?

[3]Nụ Cười.

[4]Toa xe lửa có giường ngủ.

[5]Còn thở được, còn hy vọng.

[6]Đưa tay cho người bất hạnh.

[7]Số phận đã an bài.

[8]Thẳng tiến.

 

 

---------------
Dịch từ nguyên tác “Looking for Mr Green” trong Saul Bellow, Collected Stories (Penguin Books, 2002)

 

 

-----------

Đã đăng:

Người sẽ làm cha  (truyện / tuỳ bút) 
Những ý niệm lạ lùng nhất có một cách chen vào đầu của Rogin. Mới ba mươi mốt tuổi và trông cũng dễ nhìn, tóc đen cắt ngắn, mắt nhỏ, nhưng trán cao và rộng, anh là một cán sự kỹ thuật trong ngành hóa, đầu óc của anh nói chung là nghiêm chỉnh và đáng tin cậy. Nhưng vào buổi chiều chủ nhật tuyết rơi, người đàn ông lùn và mập này, mặc một áo khoác Burberry gài nút đến tận cằm và bước đi với vẻ khá kỳ quặc – chân đi chữ bát - về phía bến xe điện ngầm, anh rơi vào môt trạng thái kỳ lạ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021