thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khúc cuồng tưởng – Rhapsody [2]

 

 

Trước kia,... tôi vẫn hình dung ông ngồi trong căn phòng tràn ngập ánh sáng dịu màu xanh của những tán cây quanh ngôi biệt thự cổ kính. Ông lướt những ngón tay thon trắng trên phím dương cầm lơ đãng một bản Sérénade, một bản Nocturne hay có khi chỉ một Étude nào đó bất chợt nảy ra trong đầu. Những âm thanh thánh ca ngân trong trong lớp sương mù của dĩ vãng với những trận đánh đầy khói lửa chớp lòa những bóng người lính gục ngã. Những hình ảnh nhòe mờ ấy chầm chậm, vô thanh trên nền tiếng piano của ông.

Trước kia,... tôi hình dung ông là người thấm đẫm văn hóa Tây phương với những Baudelaire, Alfred de Musset, Denis Diderot, Anatole France... uyên bác, và nhân ái...

Trước kia,... tôi hình dung ông là một vị tướng Tây học mà hồn mang đầy khí tiết của những võ tướng phương Đông cổ... lừng lẫy với quân công chém tướng, đoạt thành... và thấp thoáng trong cuộc đời chiến trận ấy có bóng những giai nhân...

Trước kia tôi coi khinh những gã tướng Tây đã chê ông là tướng nướng quân, và có chuyên gia lịch sử từng nói về ông, rằng “Ông không phải là người tốt, vì người tốt không làm tràn đầy sách lịch sử bằng những chiến công của họ hay những chiến trường với những xác chết”... rằng “ông đã tách rời cảm xúc với những người cấp dưới, nên chỉ xem mạng sống của họ như những con tốt để sử dụng mà không hối tiếc [Cecil Currey- “Chiến thắng bằng mọi giá”]

Tôi nghĩ những kẻ ấy là lũ ngốc. Là tướng chỉ nên nghĩ đến đại cục, tính đến chung cuộc. Là võ quan, là sử gia, chả lẽ họ không biết trong chiến tranh người ta có thể dùng hàng ngàn quân cảm tử làm mồi nhử để dành chiến thắng quan trọng cuối cùng. Có thể thấy vô khối minh chứng cho điều này trong lịch sử quân sự. Có thể tìm ngay ở sự nghiệp của Alecxandre Đại đế hay Napoléon, Kutuzov, Zhukov... là những tướng tài mà người ta đem ra sánh với ông.

Trước kia, tôi cười thương cái tiểu khí ngu muội của những kẻ chê ông hèn và cứ đem cái chuyện “sinh đẻ có kế hoạch” ra để cười nhạo ông. Đặt vòng tránh thai hay phân phối bao cao su thì đã sao nào? Xưa, Hàn Tín nhà Hán thuở hàn vi đã phải chịu nhục chui qua háng gã hàng thịt ngoài chợ để được sống yên, để rồi sau thành Đại tướng nhà Hán cầm trăm vạn hùng binh cự nhau với Hạng Vương... Và sau được phong Vương đất Tề.

Trong Việt sử có một vị tướng cũng cùng họ với ông. Không phải là một vị tướng xoàng. Liệt kê những chức tước chính của vị này ra thì cũng không kém gì ông. Nếu ông là Đại tướng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh..., thì vị này là Khâm sai Quán suất Hậu quân dinh Bình Tây Tham thắng Tướng quân Hộ giá, Quận công kiêm lãnh chức Đại Tướng quân.

Đó là Võ Tánh, đại tướng của nhà Nguyễn. Đã so sánh chức tước của vị này với kẻ hậu sinh cùng họ Võ mà ta đang bàn, thiết tưởng cũng nên nói qua về chiến tích của ông ta. Võ Tánh là người đã từng hạ nhiều thành trì, đánh bại, giết và thu hàng khá nhiều tướng giỏi của Tây Sơn như Đô đốc Nguyễn Văn Giáp, Đô đốc Nguyễn Thiệt, Đô đốc Lê Chất, Thái phó Lê Văn Đang và các tướng Đào Văn Hồ, Lê Văn Thanh, Nguyễn Đại Phát.....

Với danh vị và công tich của mình, Võ Tánh có thể được đảm bảo một cuộc sống yên ổn với những “tiêu chuẩn” cao cho dù có bị thất sủng hay thậm chí có bị rơi vào tay quân Tây Sơn.

Nhưng, Võ Tánh đã sống và chết như một vị dũng tướng lẫm liệt.

Khi bị quân Tây Sơn bao vây thành Bình Định, Võ Tánh đã dùng kế chịu bị vây hãm nhằm cầm chân giặc, để đại quân Nguyễn thay vì giải vây cho Bình Định đã tiến đánh thủy quân Tây Sơn ở Thị Nại và quân Nguyễn đã đại thắng trận thủy chiến lớn nhất của cuộc chiến, rồi tiếp đó theo kế sách của Võ Tánh quân Nguyễn lại tiến đánh chiếm thành Phú Xuân, trong khi Võ Tánh vẫn nhẫn chịu bị vây hãm ở Bình Định. Thất bại bởi mưu chước của chính kẻ đang bị mình vây hãm, tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu tức giận thúc quân ngày đêm công thành Bình Định.
 
Biết không thể giữ nổi thành, Võ Tánh đã viết thư cho Tây Sơn xin tha chết cho quân sĩ của mình, rồi dùng thuốc súng tự thiêu chết. Nghĩa khí của Võ Tánh đã khiến Trần Quang Diệu nể phục, cho khâm liệm thi hài tử tế và không giết hại quân binh nhà Nguyễn trong thành theo yêu cầu của Võ Tánh.

Còn ông, vị danh tướng hiện đại mà ta đang nói đến đây, trước kia, tôi hãnh diện về ông lắm, vì tôi cùng là đồng bào của ông mà!

Nhưng rồi có ngày tôi nhận ra một điều khủng khiếp: Ông sống thất đức và bội bạc! Ông bỏ mặc những thuộc hạ thân tín trung thành của mình oan ức trong lao tù... Những dân lành từng rải xương tưới máu trên dặm đường vinh quang của ông, ông cũng bỏ mặc họ sống trong tủi nhục, mặc dù những kẻ khốn nạn ấy cho đến nay vẫn tôn ông là thánh sống... Và trong khi họ rên xiết vì đau khổ thì ông lim dim thanh thản mổ những ngón tay xuống phím đàn.

Ông thờ chữ “Nhẫn”, chịu nhục, không phải để nuôi chí lớn như Hàn Tín, mà chỉ để được sống yên ổn cho đến chết; sống chỉ để an hưởng các “tiêu chuẩn” cao cấp hơn những người lính và những người dân khốn khổ của ông. Thế thôi.

Vậy mà tôi cứ hình dung ông như những vị tướng sa cơ bị giặc bắt hoặc bị bọn gian thần bức hại. Tôi đã hình dung, tôi đã ước ao cái cảnh trong một hội nghị cao cấp, tại một căn phòng âm u, hắc ám, ông đập bàn thét lên:

- Bọn khốn! Các ngươi hãy bỏ tù ta, tra tấn, đày đọa, chém đầu, treo cổ, phanh xác ta... hay làm gì vợ con ta cũng được... Nhưng hãy tha cho những tướng tá thân tín của ta, những văn nghệ sĩ từng là lính của ta... những người dân đang sống trong khốn cùng và oan ức... Hãy buông tha cho những người vô tội đó.

Tôi cũng đã hình dung ra ông khẳng khái lẫm liệt như danh tướng Trần Bình Trọng khi xưa, quát vào mặt những kẻ phản nước hại dân rằng:“Ta thà làm ma không toàn thây cùng với những liệt sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, còn hơn làm Chủ tịch Hội đồng hay Ủy ban gì đó của các ngươi... để hại dân lành”

Than ôi, tôi nghẹn khóc viết những dòng này khi biết ông vui vẻ thanh thản không một chút hối tiếc ân hận gì trước khi nhắm mắt.

Ngay cả cái trò đàn địch ấy tôi cũng ngu nốt khi tưởng tượng về ông với những Rhapsody, Nocturne... gì đó. Theo một bài báo tôi đọc hôm kia thì có lẽ ông chỉ mổ cò mấy bài đại loại như “Quảng Bình quê ta ơi”, “Hoa thơm bướm lượn” theo hướng dẫn của một ai đó bên ngành Văn hóa Thông tin...

Ông là thế. Vậy mà tôi đã hình dung trước khi ra pháp trường vì tội mưu phản mà chính những kẻ phản quốc gán cho, ông yêu cầu được chơi bản nhạc cuối cùng trên cây đàn piano của mình, bản “Rhapsody No.2” của Franz Liszt.[*] Và bằng những ngón tay từng cầm bút ký những quân lệnh nổi tiếng trong bi sử đẫm máu của nước Việt, ông đã chơi với tiết tấu hối hả cuồng nộ và với cường độ mạnh mẽ chưa từng thấy ở những nghệ sĩ trình tấu dương cầm thượng thặng. Cho đến khi những ngón tay của ông giập nát và những phím đàn vụn vỡ bởi hợp âm mãnh liệt cuối cùng...

 

_________________________

[*]http://www.youtube.com/watch?v=7H99FM6S8rU

 

 

------------

Đã đăng:

Khúc cuồng tưởng – Rhapsody [1]  (truyện / tuỳ bút) 
... Phải rồi, bài ngụ ngôn về Tự Do có từ hàng ngàn năm nay, không cần nhớ mà có thể nghĩ ra theo nhiều cách khác nhau. Chim không hót khi không có hứng thú về thời tiết, về bạn tình. Chim không hót khi bị săn đuổi, đe doạ; ngừng hót khi ác thú xuất hiện. Chim không hót trong cái hộp ngột ngạt. Và chẳng ai có thể khiến cho một con chim đói khát cất tiếng hót bằng ít hạt tấm, hạt kê, chén nước trong với mệnh lệnh: “Hót đi, hót thật hay như khi mi đang được bay lượn trên cánh rừng, dưới trời cao xanh!”... (...)

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021