thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gửi người yêu và tin [thư số 4]

 

Đã đăng:

 

Gửi em,

Anh viết thư này cho em trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo. Anh thấy đầu óc mình sáng suốt và lành mạnh. Bác sĩ và anh đã trở thành bạn thân thiết. Từ nay, anh gặp ông ấy không còn để chữa bệnh nữa mà để thù tạc. Ông rất hài lòng với kết quả đạt được. Dù sao ông ấy cũng mất nhiều công sức cho anh, đã vô cùng tận tụy và kiên nhẫn. Lần gặp cuối cùng ở phòng khám, ông mừng phát khóc và nói: “Giờ đây anh đã hoàn toàn như mọi người. Anh không cần đến vắc-xin hay thuốc hay kỹ thuật trị liệu tâm lý nào nữa. Với trí thông minh của anh, anh sẽ là một trong những nhân vật xuất sắc của thời đại này.”

Anh cũng chưa hoàn toàn tin lời bác sĩ. Thực ra anh biết mình chỉ là người có năng lực trí tuệ thuộc loại trung bình, cố gắng thì cũng tìm ra và giải quyết được một vấn đề nào đó ở mức độ tiến sĩ, nhưng sẽ chẳng có phát kiến gì xuất sắc. Do đó, có lẽ bác sĩ hơi quá khi nói về trí thông minh của anh.

Thời gian đau ốm vừa qua khiến anh ngộ ra rằng thông minh không phải là phẩm chất cần thiết để tồn tại và phát triển trong xã hội này. Những gì anh học được, những gì anh mang về với ảo tưởng rằng sẽ ích lợi cho mọi người ở đây, hầu như bị vứt xó. Sau bao nhiêu năm học hành, khi quay lại anh được phân công đúng cái môn anh vẫn dạy từ hồi xa xưa, từ hồi anh còn là cử nhân vừa tốt nghiệp được giữ lại trường. Nên lúc đầu anh cứ thắc mắc nếu như vậy thì cử anh đi học để làm gì? Không cho anh cơ hội để chia sẻ kiến thức anh học được cho sinh viên thì cử anh đi học vì mục đích gì? Ngay cả những người vẫn thường xuyên lên báo kêu gọi cần phải sử dụng nguồn năng lượng chất xám, cần phải sử dụng những người có năng lực chuyên môn thì khi hợp tác với anh cũng chỉ muốn dùng anh để xử lý mấy cái việc mà ai cũng xử lý được, chẳng cần đến mớ kiến thức của anh.

Anh phải kinh qua ốm đau mới hiểu ra rằng thông minh và hiểu biết là những phẩm chất vô dụng, đôi khi còn nguy hiểm. Anh nghĩ mình nên khiêm nhường, “ngu si hưởng thái bình”, mình cứ lẫn vào đám đông thì an toàn. Nếu sự ngu dốt giả vờ mang lại nhiều lợi ích, nhờ nó mà được trả rất nhiều tiền thì sao lại không giả vờ ngu dốt? Khi sự ngu dốt được trọng thưởng thì chỉ những kẻ ngu thật mới tỏ ra thông minh mà thôi. Nhưng càng suy nghĩ thì anh thấy không hẳn như vậy, tức là không nên đẩy sự giả vờ ngu dốt đi quá xa. Nghĩa là phải ngu dốt một cách thông minh, chứ không nên thông minh một cách ngu dốt.

Cũng có thể nhìn theo cách khác nữa. Có lẽ đúng nhất là nên thay thế thông minh bằng sự khôn ngoan. Anh cứ suy nghĩ hoài về việc thông minh và khôn ngoan là một đẳng thức hay một bất đẳng thức. Càng nghĩ càng thấy rằng thông minh và khôn ngoan không thể là một đẳng thức. Bởi vì người khôn sẽ không tỏ ra thông minh, người khôn là người biết im lặng và thực hiện theo yêu cầu. Nhưng nếu chỉ biết nghe và thực hiện theo lệnh thôi vẫn chưa phải là khôn ngoan. Khôn ngoan là phải biết thực hiện cả những gì không được nói ra, phải đoán được ý, phải đi trước trong việc chiều lòng.

Nhưng dù sao cũng phải nói rằng nhờ trí thông minh mà anh hiểu ra điều cốt lõi này: để thành đạt, phải thuộc nằm lòng câu ngạn ngữ “khôn thì sống vống thì chết”, lấy nó làm bùa chú. Cần phải biết cách định nghĩa từ “khôn” để có thể cư xử đúng như một người khôn. Thực ra cũng không đơn giản, nghĩa là muốn khôn được thì cũng phải thông minh. Nét nghĩa đầu tiên của “khôn” có lẽ là không làm mất lòng. Hơn thế, phải biết lấy lòng, tức là phải tạo ra được cảm tình, cũng tức là biết làm cho người khác yêu mến mình. Đấy không phải được yêu mến do các đức tính tự nhiên, mà là sự yêu mến có điều kiện, nói cách khác cho có vẻ thuật ngữ, đó là sự yêu mến được điều kiện hóa. Người ta chỉ yêu mến nhau trong những điều kiện nhất định nào đấy mà thôi. Người khôn biết cách tạo ra những điều kiện cho tình cảm yêu mến nảy nở, và đồng thời, cùng với nó là các lợi ích nảy nở. Thực ra lợi ích mới là đích đến. Tình cảm mà không gắn với lợi ích thì chẳng nên phung phí tình cảm làm gì. Và quan trọng nhất là lợi ích vật chất, mọi lợi ích khác đều hướng đến bù vào lợi ích vật chất.

Vì lợi ích là đích đến, nên người khôn không lãng phí tình cảm, mà chỉ dành nó cho những đối tượng chọn lọc, nhưng cũng biết tạo ra một mạng lưới quan hệ rộng nhất có thể được của các đối tượng chọn lọc đó. Bên cạnh chiều rộng phải đạt tới cả chiều sâu. Người khôn phải biết mở các mối quan hệ lên cao, càng có cơ hội tiếp xúc với những giới chức cao cấp của xã hội, mức độ khôn ngoan càng đáng kể.

Khôn cũng đồng nghĩa với việc biết dẹp lòng tự trọng sang một bên. Anh đã bốn mươi tuổi, nhưng nếu sếp xoa đầu anh như một đứa trẻ anh cũng phải để yên cho sếp sờ. Mà không chỉ đầu, nếu bị sờ xuống vai, xuống tay, hay bị sờ đùi cũng phải ngồi yên để đón nhận. Phụ nữ khôn thì không những để yên mà còn phải biết khuyến khích. Điều này quan trọng lắm. Một trong những nét nghĩa của khôn là mâu thuẫn với lòng tự trọng.

Nhưng được xếp ở top khôn là những ai vừa biết tạo cơ hội tiếp xúc với các nhân vật cao cấp nhất của xã hội, nhận được sự ủng hộ của họ, đồng thời lại dành được lòng yêu mến của mọi tầng lớp rộng rãi trong dân chúng. Đấy là đỉnh điểm của khôn ngoan. Đấy đang là mẫu người mà anh hướng tới. Anh cũng đã nhìn thấy một vài hình mẫu và đang nghiên cứu rất kỹ những hình mẫu ấy.

Bây giờ anh hiểu rằng để tồn tại buộc phải thỏa hiệp. Anh không làm những việc tồi tệ sẽ không thành công được. Nếu làm người tử tế đúng nghĩa, trung thực, đức hạnh, đừng mong có được những thành công lớn. Mà nhiều khả năng chỉ là một kẻ đứng ngoài lề, thậm chí dù trong hệ thống nhưng vẫn ngoài lề. Hơn thế tử tế, trung thực đến một mức độ nào đó còn bị trừng phạt nữa. Em xem, bao nhiêu người tử tế đang ngồi tù đấy thôi. Muốn không bị trừng phạt phải biết tử tế vừa phải, nhân hậu vừa phải, trách nhiệm vừa phải, trung thực vừa phải thôi. Muốn thành công thì không được phép nghĩ đến chuyện tử tế. Nhưng lại bắt buộc phải làm ra vẻ tử tế, và nhất là phải ngụy biện để biến xấu thành tốt, biết bất lương thành lương thiện. Không có cái vỏ lương thiện và tử tế bề ngoài cũng không thể thành công được. Khi anh nói nhận xét này với ông bác sĩ, ông ấy không nhịn được cười:

- Anh lại thế rồi! Xấu hay tốt, lương thiện hay bất lương, tất cả đều là do cách ta nhìn nhận thôi. Các nguyên tắc của đức hạnh là do cách ta quy định với nhau mà thành, đúng không? Vậy muốn nhìn một hành động là vô luân thì nó là vô luân, mà nhìn nó là đức hạnh thì nó là đức hạnh. Muốn nhìn một hành động là hèn nhát thì nó là hèn nhát, mà nhìn nó là dũng cảm thì nó là dũng cảm. Đây này, một vị tướng, thay vì quyết tử bảo vệ thành, lại ra quyết định đầu hàng, tháo chạy, lui quân, để bảo vệ binh sĩ và bảo vệ các di sản văn hóa trong thành, tránh không để chúng bị thiêu trụi. Bảo vị tướng ấy hèn nhát cũng được, mà bảo là ông ấy sáng suốt thì cũng đâu có sai, phải vậy không?

- Dĩ nhiên rồi.

- Khi đi qua vài đường phố, anh có thể nhìn những đoàn người ăn mặc rách rưới, hôm qua còn sở hữu đất đai của ông bà tổ tiên để lại, hôm nay đã tứ cố vô thân do bị nhà nước cưỡng chế đất đai, và nói rằng đây là xã hội của những kẻ bất hạnh. Nhưng đi ra thêm một đoạn, anh lại nhìn thấy những khu nhà cao tầng trong những khuôn viên xinh đẹp được xây dựng trên những mảnh đất cưỡng chế ấy, lúc đó anh có thể nghĩ: đây là xã hội của những người hạnh phúc. Vậy, đứng ở góc độ này thì ta thấy một xã hội bất hạnh, nhưng đứng ở góc độ kia thì lại thấy nó hạnh phúc, phải thế không? Làm gì có cái gì tuyệt đối. Hóa ra anh vẫn chưa quen hẳn với cách nghĩ này.

 

Bây giờ anh thấy nhìn nhận theo cách ấy cũng dễ thôi, anh hơi ngạc nhiên là có thể còn dễ hơn so với hình dung của anh. Thực sự là cách nhìn này giải thoát cho anh mọi nỗi băn khoăn. Cuộc sống trở nên nhẹ nhõm, thoải mái, dễ chịu.

Anh còn luyện được cách là mỗi lời của anh nói ra đều được chấp nhận trong sự đồng thuận cao, thậm chí được ngưỡng mộ. Em biết không, hóa ra việc cắt dán các ý tưởng, sử dụng ngôn ngữ của người khác làm ngôn ngữ của mình, biến các ý tưởng của người khác thành của mình, cũng đâu có quá khó. Nó đòi hỏi một vài kỹ năng, nắm được các kỹ năng này rồi thì mọi việc cứ như cháo chảy.

Và anh tự đề cho mình một nguyên tắc phát ngôn: không nói thì thôi, đã nói ra thì người nghe chỉ được phép nghe, chỉ được phép tin, không thể nghi ngờ hay phản bác. Nhưng anh còn nhận thấy rằng chức danh và chức vụ sẽ hậu thuẫn cho các phát ngôn và hành động. Do vậy, nhất thiết nên có chức danh và chức vụ. Càng nhiều chức danh và chức vụ càng tốt.

Đồng thời nguyên tắc ứng xử của anh là, trong mọi trường hợp, muốn tự bảo vệ mình phải tấn công trước, phải lên án người khác trước. Cách đây vài hôm một đồng nghiệp trẻ mới về cơ quan trả lại gói quà cho sinh viên trong buổi bảo vệ luận văn, do chưa có kinh nghiệm nên cô ấy làm việc đó một cách thiếu kín đáo, khi mà gần như cả hội đồng đang có mặt trong phòng. Ngay lập tức, trước mặt mọi người, anh lớn tiếng: “Cô làm như vậy là xúc phạm chúng tôi quá đáng”. Lập tức những đồng nghiệp khác cũng tỏ thái độ, rồi cộng thêm việc dùng truyền thống tôn ti trật tự để o ép đồng nghiệp mới toe kia về mặt tinh thần. Cô giáo tội nghiệp đó gượng cười mà mặt méo xệch, cô cảm thấy mình sai, và hơn hết cô thấy mình dại dột. Đã vừa không có tiền lại vừa làm mất lòng đồng nghiệp. Ngay lập tức cô hiểu rằng nếu muốn làm việc với mọi người, nếu cô muốn nhận nụ cười của các đồng nghiệp khác, muốn được họ yêu mến thì cũng phải hành xử như họ. Cô phải tôn trọng họ bằng cách giống họ. Làm khác đi là xúc phạm họ. Vài năm nữa cô sẽ đứng vào hàng ma cũ, và lại sẽ bắt nạt các ma mới.

Anh nhớ hồi mới về nước, một đồng nghiệp nữ lớn tuổi từng khuyên anh: “Em phải học cách vui. Phải biết sống vui vẻ. Đừng bận tâm đến người khác, nếu không thì không sống nổi đâu. Phải biết cách mặc kệ, mình chỉ cần biết niềm vui của mình là đủ, không như thế thì sẽ không bao giờ biết vui là gì. Sống mà không có niềm vui thì đâu đáng gọi là sống.” Vị nữ giáo viên trải đời ấy đã thành thực truyền cho anh kinh nghiệm của bà: “Vui sướng và đau khổ là hai trạng thái khác nhau, song hành với nhau, nên chẳng có cách gì triệt tiêu những cảm xúc ấy cả. May thì được vui, không may thì phải chịu đau khổ. Nhưng con người cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự may mắn hay bất hạnh cho mình. Thông minh thì phải biết chớp các cơ hội tạo vận may. Giỏi giang thì sẽ tìm thấy hạnh phúc. Nếu đẩy mình vào hoàn cảnh bất hạnh thì phải tự trách mình thôi. Trong xã hội này mọi cánh cửa đều có thể được mở ra, chỉ cần khôn ngoan một tí là được. Những kẻ ngu ngốc thì phải chuốc lấy bất hạnh là đúng rồi. Khôn thì sống vống thì chết. Phải lo cho mình trước đã. Thân mình không lo nổi thì sao lo được cho xã hội?”

Có lẽ em cũng đã nhận thấy rằng, trong xã hội này mọi thứ cứ trôi đi, qua đi như trong một cơn mộng du. Mọi hoạt động diễn ra cứ như trong trạng thái bị thôi miên. Bầu không khí chung là đờ đẫn uể oải, trong đó thi thoảng có một vài sự kiện thì tất cả đều bám vào đó, thổi phồng chúng lên, dùng chúng để bơm sinh khí vào cả môi trường chung.

Anh nghĩ, cứ giả vờ bị thôi miên là tồn tại được, tồn tại tốt. Nhưng anh khám phá ra rằng anh có khả năng làm nhà thôi miên. Vậy anh phải chấp nhận một tình thế hai mặt: làm một kẻ bị thôi miên bởi các lực lượng đang thống trị xã hội, trở thành tay chân cho các lực lượng đó, nhưng đồng thời cũng đóng vai trò nhà thôi miên, điều khiển, định hướng tư tưởng tình cảm cho dân chúng. Anh sẽ phải thực hiện một quá trình kép: thôi miên người khác và tự thôi miên chính mình. Anh biết cách giả vờ tin vào những thứ mà anh chẳng hề tin chút nào. Và anh cũng biết cách thu hút đám đông bằng niềm tin vờ vĩnh đó. Một mặt dẫn dắt niềm tin của đám đông, mặt khác buộc đám đông phải chấp nhận một niềm tin cũng vờ vĩnh không kém. Đôi khi anh vừa dẫn dắt vừa chửi, đám đông cũng vừa tuân theo vừa chửi. Nhưng lại phải biết xen kẽ với những pha vừa dẫn dắt vừa ca tụng, đám đông sẽ vừa tuân phục vừa tụng ca. Cứ như thế mà cái xã hội nhỏ nằm trong vòng điều khiển của anh tiến lên trong sự mù quáng một cách sáng suốt. Theo quan sát của anh, sự mù quáng giả vờ đó chính là cây cầu dẫn tới quyền lực, sự giàu có và yên ổn.

Anh cũng đang lên kế hoạch để viết một cuốn sách về tâm linh. Những điều bí hiểm, bất khả giải của tâm linh là phương tiện tuyệt vời cho thuật dẫn dụ và thôi miên. Những người đứng ở cương vị dẫn dắt đều hiểu rõ rằng dẫn dắt những người trong trạng thái thôi miên dễ hơn rất nhiều so với việc dẫn dắt những người ở trong trạng thái tỉnh táo. Đối với những người tỉnh táo, phải cần đến khoa học quản trị, là thứ rất phức tạp rắc rối. Còn đối với những người bị thôi miên chỉ cần lời nói là đủ để dẫn dụ. Quyền lực của lời nói quả thực là một thứ ma thuật vô biên. Vì thế, phải tạo ra những tiền đề cho tình trạng thôi miên tập thể. Bây giờ anh hiểu tại sao nhà nước thấy cần đàn áp tôn giáo nhưng lại phải khuyến khích cho mê tín dị đoan phát triển. Hết đạo nọ rồi đạo kia ra đời, cúng bái xì xụp khắp các thành phố lớn nhỏ, khắp các làng mạc đến tận thôn cùng ngõ hẻm. Bí mật của tâm linh chính là cây quyền trượng đầy phép lạ và năng lực mê hoặc.

Anh đang tìm hiểu và lập đề cương cho cuốn sách. Hy vọng là anh sẽ làm được, mặc dù lúc này anh rất bận. Anh đang bắt đầu được tin tưởng, và được giao những vị trí quan trọng. Một giáo sư đại học kiêm thầy tướng số và nhà tâm linh. Anh nghĩ không có kết hợp nào hoàn hảo hơn thế. Anh từng biết một vài giáo sư hành nghề coi bói. Nhưng họ chỉ dừng lại ở chỗ xem ngày giờ, xem gia sự, xem đất đai mồ mả. Coi như vậy thì mới chỉ tác động tới từng người cụ thể. Chỉ là chuyện kiếm ăn vặt vãnh thôi. Ở một tầm cao hơn phải viết sách mới được. Viết sách mới có thể dẫn dắt được đám đông. Và mới có thể lưu danh muôn thuở. Tuy nhiên anh cũng cần cân nhắc xem khả năng viết lách của anh thế nào. Nếu không ổn sẽ làm việc khác. Anh không thiếu kế hoạch.

Em thấy đấy, anh đã lấy lại được niềm tin vào bản thân mình, lấy lại được niềm tin vào mọi người xung quanh. Anh đã có thể tiếp tục yêu mến cuộc đời, và cảm thấy anh đang được cuộc đời yêu mến. Anh đã từng sợ rằng những con chíp trong não anh sẽ chập mạch, nhưng bây giờ chúng chạy một cách hoàn hảo, mọi thứ đều ăn khớp với nhau. Anh đang ở giai đoạn lập trình cho tương lai.

 

Một năm sau khi chữa khỏi bệnh

 

 

---------------

Đã đăng:

... Đừng sợ làm họ đau. Nếu không đau thì làm sao họ có thể thức tỉnh? Những lời ve vuốt đường mật chỉ khiến họ chìm sâu hơn vào giấc ngủ mà thôi. Và nếu tất cả chúng ta cứ chìm mãi trong giấc ngủ mụ mị thì nhắm mắt cũng nhìn thấy các hậu quả. Chẳng phải mọi vấn nạn hiện nay đều là hậu quả của giấc ngủ mê mệt của tất cả chúng ta hay sao?... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 3]  (truyện / tuỳ bút) 
... Cô có hiểu “nhục mà không nhục” có nghĩa là gì không? Cô cứ tưởng là chúng tôi đang bị láng giềng o ép, chúng tôi mất biển đảo, biên giới, tài nguyên khoáng sản về tay họ thì chúng tôi nhục ư? Chúng nó là nước lớn mà đi bắt nạt nước nhỏ chúng nó mới nhục, chứ chúng tôi thì nhục gì! ... Mà mọi thứ ở chỗ chúng tôi đều có đảng và nhà nước lo rồi, đảng và nhà nước không nhục thì chúng tôi việc gì phải cảm thấy nhục? Cô chỉ nhìn thấy bề mặt sự việc mà không nhìn thấy cái gì ẩn sau đó... (...)
 
... Anh làm ơn giải thích điều này: theo miêu tả của bác sĩ thì có vẻ như trong xã hội của anh, mọi người đều yêu mến nhau, nhân viên yêu mến sếp, đồng nghiệp yêu quý nhau, và suy rộng ra thì nhân dân yêu lãnh tụ, công dân yêu nhà nước, học sinh yêu quý thầy cô... Nhưng tại sao đọc báo hầu như chỉ thấy tin cướp, giết, hiếp, bạo lực học đường, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi, tham nhũng, lừa đảo, bắt bớ, đàn áp, bỏ tù...? Em không thể hình dung một xã hội như thế lại là kết quả của tình yêu mến... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 2]  (truyện / tuỳ bút) 
... Đàn ông ở đây không coi phụ nữ là danh dự của mình, và còn lâu mới có bình đẳng thực sự. Thiếu gì đàn ông sẵn sàng dâng vợ hay em gái cho sếp hay cho đối tác để làm bàn đạp thăng tiến hoặc thủ lợi. Vợ họ, em họ còn bị đối xử như thế thì họ sá gì việc con em người khác có đi làm nô lệ tình dục ở đâu. Gần đây thôi, một phụ nữ trí thức mỏng manh đã bị một đám đàn ông trí thức đánh tan nát trên hàng đống tờ báo. Đọc những bài đánh cô ấy mặt anh cứ đỏ rực, đỏ rực vì xấu hổ, thằng đàn ông trong anh xấu hổ, hoá ra anh còn biết xấu hổ. Và cô ấy lại bị một đám đàn ông trí thức khác cho thôi việc. Và những đàn ông trí thức còn lại đồng loạt im lặng... (...)
 
... Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa... (...)
 
Gửi người yêu và tin  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối trá. Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó, thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba lên bốn... (...)
 
Tình yêu  (truyện / tuỳ bút) 
... Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này? / Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư? / Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống ở trên tay mẹ kia. / Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021