thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gửi người yêu và tin [thư số 5]

 

Đã đăng:

 

Gửi em,

Anh có tin vui cho em đây. Anh vừa được cất nhắc làm Chủ nhiệm của Chương trình Quốc gia về Phát triển Công nghệ Loa. Anh nghĩ đó là sự đền bù xứng đáng cho những cố gắng bền bỉ của anh bao nhiêu năm nay. Thực ra anh đứng ở vị trí Chủ nhiệm từ một năm nay rồi, nhưng lâu quá chưa viết cho em nên đó vẫn là một tin mới.

Em biết là với khả năng của anh, anh có thể làm một nhà tư tưởng, nhưng lệnh trên chỉ cho anh đóng vai trò cái loa. Không bao giờ anh được phép đóng vai trò một nhà tư tưởng. Không phải riêng anh mà tất cả mọi người trong xã hội này đều không được phép. Vì chỉ có một vài người xứng đáng làm nhà tư tưởng thôi, những người sẽ sống mãi trong sự nghiệp chung, những người sẽ soi đường chỉ lối, là kim chỉ nam cho tất cả cộng đồng. Anh làm gì thì làm, mọi người làm gì thì làm, không được phép thay thế Người. Nghệ thuật tối cao là nghệ thuật trở thành cái loa phóng thanh cho tư tưởng của Người. Ai nắm được nghệ thuật đó người ấy sẽ thành công. Ai sử dụng thuần thục nghệ thuật đó người ấy sẽ đại thành công.

Anh có nhiệm vụ xây dựng trường đại học thành một hệ thống loa phóng thanh cho tư tưởng của các lãnh tụ tối cao và vĩ đại đó. Những loa cái đào tạo ra những loa con. Rồi đến lượt mình, loa con sẽ trở thành loa cái, lại tiếp tục đào tạo những loa con khác, một sự quy hồi vĩnh cửu. Đại học trở thành xưởng sản xuất loa, cung cấp hệ thống loa có trình độ cao cho xã hội. Nói chung đại học có thể dạy đủ các loại khoa học : toán, lý, hóa, khoa học trái đất, môi trường, sinh học, văn học, lịch sử, nhân học… nhưng tất cả các khoa học đó đều phải được dạy dưới ánh sáng của một thứ tư tưởng duy nhất, đều phải dùng để phục vụ cho sự truyền bá của một thứ tư tưởng duy nhất. Sinh viên càng hiểu nhiều biết rộng thì càng phải thực hiện tốt chức năng truyền bá của cái loa. Đấy là sứ mệnh cao quý của đại học. Cứ dạy các kỹ năng mềm thoải mái, cứ dạy các kiến thức chuyên ngành thoải mái. Và nhiệm vụ của đại học là phải biết sử dụng các kỹ năng ấy, các kiến thức ấy cho nhiệm vụ chính trị của cái loa.

Anh đóng vai trò tích cực trong sự nghiệp chế tạo loa của đại học. Ngành công nghiệp chế tạo loa trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia, trở thành quả đấm thép, cạnh tranh ở mức độ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên nó không mang lại lợi ích kinh tế cho nhà nước và không mang lại doanh thu cho xã hội, nó chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân mỗi một cái loa mà thôi. Nhưng như thế cũng tốt chán rồi. Còn muốn gì hơn nữa nào ?

Công nghệ chế tạo loa phát triển đến nỗi, không chỉ hệ thống trường đại học mà toàn bộ hệ thống giáo dục trở thành hệ thống xí nghiệp sản xuất loa. Qua nhiều thập kỷ, anh cũng biết là hầu như không có cải tiến nào về công nghệ cũng như về hình thức. Tất cả mọi cái loa đều hao hao như nhau, vận hành theo một kỹ thuật duy nhất, phát ra cùng một loại nội dung như nhau. Thế nên đôi khi nền kỹ nghệ chế tạo loa bị chê trách là kỹ thuật đã trở nên lạc hậu, nội dung cũ, thiếu sáng tạo. Cũng có phản biện đấy chứ, ai dám bảo là không, ai dám bảo là bóp nghẹt tư tưởng ? Phản biện xong rồi thì ngồi chơi xơi nước, còn kỹ thuật lạc hậu hay yếu kém không phải công việc của mấy người phản biện nhé. Mà thôi, cả nước ráng chịu đi, vì vốn bỏ vào công nghệ chỉ tí ti, còn bao nhiêu chui hết vào túi các nhà chỉ đạo Chương trình Quốc gia về Phát triển Công nghệ Loa.

Toàn bộ nền giáo dục nước nhà phụ thuộc vào Chương trình Quốc gia này.

Trước hết, phụ thuộc về mặt triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục phải được xây dựng sao cho đáp ứng được yêu cầu của Chương trình : mục tiêu là sản xuất loa, vậy triết lý phải phù hợp với mục tiêu đó. Bộ trưởng Bộ Giáo Dục phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của một cái loa tốt và điển hình, để toàn ngành giáo dục nhìn vào đó mà noi theo.

Tiếp theo, phụ thuộc về phương pháp giảng dạy và chương trình giảng dạy. Ngoài những nội dung phát thanh được rà soát rất kỹ, thì những phương pháp giúp loa vận hành tốt được coi trọng.

Rồi còn phải chú ý cả những khâu bổ trợ như thiết kế hệ thống tăng âm như thế nào để cho tính năng của loa đạt tới mức độ tốt nhất, vang nhất, rền nhất, hiệu năng tối đa nhất. Cứ nghe diễn văn của tất cả các bí thư đoàn ở các trường đại học, y chang nhau về nội dung, văn phong, hệ từ vựng, thậm chí cả cú pháp, phần mở đầu, phần kết luận, các ý chính… cứ như là chỉ do một người viết. Quả là một sự thành công tuyệt vời của nền giáo dục được dẫn dắt bởi tư tưởng và kỹ nghệ của Chương trình Quốc gia về Phát triển Công nghệ Loa.

Anh cũng được hưởng lợi tương đối nhờ thời đại thống trị của kỹ nghệ loa. Anh vừa là người chế tạo, vừa là sản phẩm, vừa là người phân phối và vận hành sản phẩm. Em biết anh dư sức đóng đủ các vai cần thiết. Một người giỏi như anh không thể nghèo được. Trong xã hội này chỉ những kẻ kém cỏi mới nghèo thôi. Ừ thì anh cũng nhận thấy rằng anh càng giàu thì xung quanh càng nghèo đi, hai tiến trình diễn ra song song. Nhưng sao trách anh về sự suy thoái kinh tế chung và sự nghèo nàn chung của xã hội được, ai bảo thiên hạ dốt nát. Anh đâu phải chịu trách nhiệm về sự dốt nát của kẻ khác.

Tự cứu mình trước khi trời cứu. Chính chủ tịch nước kêu gọi phổ biến phương châm này chứ không phải bất kỳ kẻ vô danh nào đâu nhé. Không đủ khả năng tự cứu mình còn kêu ai. Chẳng nhẽ chủ tịch nước hay tổng bí thư lại đi làm cái công việc cứu người đó sao. Không đâu, giải quyết vấn đề nghèo đói không phải là nhiệm vụ của guồng máy lãnh đạo, mà là nhiệm vụ của từng cá nhân. Dốt thì cứ thế mà chịu phận nghèo. Còn nhiệm vụ của tổng bí thư là phải đảm bảo sao cho Chương trình Quốc gia về Phát triển Công nghệ Loa thành công, thành công và đại thành công. Về nhiệm vụ cơ bản này thì các đời tổng bí thư đều hoàn thành một cách xuất sắc. Họ chẳng bao giờ phải tự phê bình về khoản này. Tuy nhiên, mấy năm gần đây Chương trình cũng hơi có chuệch choạc. Không hiểu sao thỉnh thoảng lại nảy nòi ra vài sinh viên không chịu làm phận cái loa.

Chẳng đâu xa, cứ nhìn vào cái trường đại học của anh mà xem. Thời đại lên ngôi của kỹ nghệ loa mà lại vẫn có những đứa ngu đi chống lại xu thế ấy. Cứ muốn sinh viên phải suy nghĩ độc lập, cứ đòi tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu, tự do giảng dạy cho lắm vào, ngồi tù là cái chắc. Không ngồi tù thì cũng treo niêu. Ngu thì phải chịu chứ sao. Thông minh là phải nhìn thấy xu thế thời đại, hòa vào xu thế ấy. Mục đích của đại học là sản xuất loa, cứ thế mà thực hiện công việc chế tạo, thực hiện càng tốt thì càng nhiều tiền, càng nhiều cơ hội thành công. Thông minh hơn thì phải nắm bắt được ý muốn của từng lãnh đạo cụ thể, cung cúc tận tụy chiều theo ý muốn đó. Thông minh bậc cao hơn nữa là hiểu được lãnh đạo muốn gì mà không cần phải để nói ra, đoán trước và răm rắp thi hành, thi hành trước cả khi có lệnh, càng làm trước khi có lệnh càng dễ thỏa mãn lãnh đạo, càng dễ được cất nhắc. Đấy, bí quyết của mọi sự thông minh, và bí quyết của mọi thành công. Đến khi lên làm lãnh đạo rồi thì tha hồ, muốn làm gì thì làm.

Tuy nhiên, em biết không, không phải là anh không nhận thấy rằng hệ thống loa càng phát triển thì chất lượng giáo dục càng đi xuống. Nhưng đấy là lỗi của những người thực hiện, tức là những người đứng lớp. Ừ thì dĩ nhiên một phần cũng là do chủ trương. Nhưng một chủ trương tồi vẫn có thể có kết quả tốt nếu được thực hiện tốt. Đó là điều anh nghe hàng ngày, và cũng nói hàng ngày cho người khác nghe. Cho nên anh cũng rất ủng hộ quan điểm của những người muốn làm giáo dục từ dưới lên. Nếu bên trên đưa xuống một chủ trương tồi mà bên dưới họ không phản đối, mà họ lại vẫn thực hiện tốt được chủ trương tồi ấy thì càng hay chứ sao.

Cũng không phải anh không nhận thấy rằng đang hình thành những nhóm đối lập lại với hệ thống loa. Phải thừa nhận là việc các nhóm đối lập ấy ra đời cũng có những lý do nhất định. Hơn nữa có thể xu thế lịch sử sẽ thay đổi. Thực ra cũng khó có cái gì có thể trường tồn, thức thời thì phải biết thay đổi. Thế nên một người giỏi phải biết « đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy ». Anh có trong danh sách những Hội Đồng Khoa Học loại củ chuối nhất, loại ngậm miệng ăn tiền, chia chác lợi ích ; nhưng cũng đứng trong những Hội Đồng Khoa Học của các vị được xem là tiến bộ, là lương tâm của thời đại. Ở đâu anh cũng được quý mến và tôn trọng. Ngồi với quan chức chính phủ anh có thể đưa chính phủ lên mây. Ngồi với đám trí thức cấp tiến, anh chỉ trích chính phủ hết sức sắc bén, chính xác. Nghĩa là cần biết chính xác nên khen cái gì và chỉ trích cái gì ở đâu, với ngôn ngữ nào. Dù sao để làm được như thế cũng phải có một chút nghệ thuật, và cũng phải biết đôi chút về tâm lý.

Là Chủ nhiệm Chương trình Quốc gia về Phát triển Công nghệ Loa nhưng anh cũng sẵn sàng phối hợp với một vài tổ chức khác để thực hiện chương trình Giáo dục Khai phóng. Thế giới người ta nói mãi về khai phóng rồi, mình không thể nhắm mắt làm ngơ. Vấn đề là cứ thế giới có cái gì thì bọn anh cũng phải có cái đó.

Giáo dục khai phóng là bệ phóng để bay vào nền giáo dục toàn cầu. Cần phải để cho có chỗ này khai minh và chỗ kia khai phóng, xã hội mới khá lên được. Truyền hình, phát thanh phải nói mạnh vào. Bây giờ thì nó chưa trở thành chương trình quốc gia, nhưng rồi thế nào cũng có lúc nó được trình rồi được duyệt. Anh cứ đi tắt đón đầu, đến lúc đó có thể anh sẽ được bổ nhiệm vào ban chỉ đạo chương trình khai phóng cấp quốc gia. Anh cũng nhận thấy rằng đất nước này cần phải bay lên lắm rồi, chỉ còn thiếu việc phải khai cái bệ phóng cho nó bay lên thôi.

Anh cũng đã chỉ đạo về vấn đề này cho trường đại học anh phụ trách. Không lý gì bên ngoài người ta khai phóng mà trong nhà nước lại không khai phóng. Họp toàn trường anh đã tuyên bố : « Trường ta nhất định sẽ áp dụng chương trình khai phóng của đại học Harvard. Chuẩn bị đưa tin này lên truyền thông ngay. ». Nhân viên truyền thông hỏi lại anh : « Thưa thầy, có chắc chúng ta làm được thế không ? » Anh hùng hồn : « Chắc chứ ! Cứ truyền thông thì chắc chắn ta sẽ làm được ». Nhân viên truyền thông đó hơi kém nhanh nhạy, lại cứ rụt rè hỏi tiếp : « Thầy cho xin thêm vài thông tin cụ thể về chương trình và nhân sự. » Anh bực mình quá, xẵng giọng : « Truyền thông gì mà kém thế. Mấy thông tin đó không làm được thì làm truyền thông làm gì ? Đấy đâu phải nhiệm vụ của tôi, truyền thông là nhiệm vụ của cô !»

Quả thực anh không kiêu căng khi nói rằng đã sử dụng một cách xuất sắc sự khôn ngoan của mình. Anh phù hợp với hình ảnh trí thức hiện đại, khác hẳn với hình ảnh đồ nho gàn thời phong kiến. Trí thức hiện đại năng động, làm chủ thế sự, văn hóa toàn diện. Đeo kính, xài laptop, iPad, iPhone. Đi xe hơi và cặp bồ với người mẫu hay hoa hậu. Bây giờ anh chơi giỏi nhiều môn thể thao, tennis, bơi lội, thêm cả golf. Ngoài ra, như em biết, anh cũng rành nhiều loại hình nghệ thuật : hội họa, âm nhạc, thơ ca, dĩ nhiên là thơ ca rồi, sao có thể thiếu thơ được. Mà rất có thể thơ anh một ngày sẽ đoạt giải Nobel. Em cứ đợi xem nhé. Sự am hiểu nhạc lý của anh cũng tới mức đủ để sáng tác. Anh nghĩ không ai nhàm chán khi nói chuyện với anh.

Anh lại có cả một dàn loa tiền hô hậu ủng. Mỗi khi anh cất lời là giọng anh được khuếch âm lên ở mức tối đa nhất, ở đâu người ta cũng có thể nghe thấy. Với vốn văn hóa anh làm chủ được, anh biết lúc nào thì đưa vào giọng nói âm sắc hùng hồn, lúc nào nên đưa vào các gam thương cảm, lúc nào cần chiết vào một chút lãng mạn bay bổng. Anh chinh phục được nhiều trái tim, anh biết thế.

Nói chung Chương trình Loa của anh chạy tốt. Tuy nhiên, không hiểu sao, cũng có lúc anh thấy mệt mỏi, và im tiếng một thời gian. Nhưng anh không im lặng lâu được. Anh chỉ mới im được một lúc thì nhà nước mở một đợt thanh tra các hoạt động của anh. Báo chí đồng thanh đưa tin khắp nơi về các hoạt động liên kết và đào tạo nhuốm màu sắc lừa đảo. Họ cho công bố cả báo cáo của thanh tra nhà nước với những con số cụ thể, với tên tuổi các tổ chức, các đơn vị liên kết lừa đảo, với con số bao nhiêu ngàn thạc sĩ không được cấp bằng. Dĩ nhiên bạn bè anh trong báo giới nhiều, nên anh vẫn chữa cháy được bằng cách trả lời phỏng vấn lên tiếng phản đối cung cách làm việc và kết quả thiếu chính xác của bộ phận thanh tra. Mặt khác anh lại bắt đầu mở loa, cho chạy hết cỡ.

Thực ra anh cũng không rõ vì sao cần tổ chức thanh tra, bởi sau khi vạch ra hết các vi phạm của anh, họ cũng chẳng làm gì để phạt anh cả. Hay có lẽ họ thấy cái loa của anh chưa hoạt động hết công suất. Họ dùng cái vụ thanh tra đó, làm ồn ào trên báo chí một lúc để anh phải tăng hiệu suất và hiệu ứng của cổ họng anh và hệ thống loa dưới quyền anh điều khiển. Có thể lắm. Sau vụ thanh tra anh trở thành một cái loa thuộc loại hoàn hảo nhất, và dĩ nhiên, một thời gian ngắn sau đó anh được bổ nhiệm vào ngạch chuyên gia cao cấp. Và báo chí, mấy tháng trước vừa chỉ trích anh, bây giờ lại đưa lên những thông tin về các thành tích chói ngời của anh, cứ như thể vụ việc kia chưa bao giờ diễn ra.

Quy luật ở đây là như vậy đó em, ai nắm được quy luật người ấy sẽ thắng.

Anh vẫn nhớ thương em. Em vẫn luôn ở đó, ở nơi sâu nhất của cõi lòng anh.

 

Ba năm sau khi khỏi bệnh

 

 

---------------

Đã đăng:

Gửi người yêu và tin [thư số 4]  (truyện / tuỳ bút) 
... Khôn cũng đồng nghĩa với việc biết dẹp lòng tự trọng sang một bên. Anh đã bốn mươi tuổi, nhưng nếu sếp xoa đầu anh như một đứa trẻ anh cũng phải để yên cho sếp sờ. Mà không chỉ đầu, nếu bị sờ xuống vai, xuống tay, hay bị sờ đùi cũng phải ngồi yên để đón nhận. Phụ nữ khôn thì không những để yên mà còn phải biết khuyến khích. Điều này quan trọng lắm. Một trong những nét nghĩa của khôn là mâu thuẫn với lòng tự trọng... (...)
 
... Đừng sợ làm họ đau. Nếu không đau thì làm sao họ có thể thức tỉnh? Những lời ve vuốt đường mật chỉ khiến họ chìm sâu hơn vào giấc ngủ mà thôi. Và nếu tất cả chúng ta cứ chìm mãi trong giấc ngủ mụ mị thì nhắm mắt cũng nhìn thấy các hậu quả. Chẳng phải mọi vấn nạn hiện nay đều là hậu quả của giấc ngủ mê mệt của tất cả chúng ta hay sao?... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 3]  (truyện / tuỳ bút) 
... Cô có hiểu “nhục mà không nhục” có nghĩa là gì không? Cô cứ tưởng là chúng tôi đang bị láng giềng o ép, chúng tôi mất biển đảo, biên giới, tài nguyên khoáng sản về tay họ thì chúng tôi nhục ư? Chúng nó là nước lớn mà đi bắt nạt nước nhỏ chúng nó mới nhục, chứ chúng tôi thì nhục gì! ... Mà mọi thứ ở chỗ chúng tôi đều có đảng và nhà nước lo rồi, đảng và nhà nước không nhục thì chúng tôi việc gì phải cảm thấy nhục? Cô chỉ nhìn thấy bề mặt sự việc mà không nhìn thấy cái gì ẩn sau đó... (...)
 
... Anh làm ơn giải thích điều này: theo miêu tả của bác sĩ thì có vẻ như trong xã hội của anh, mọi người đều yêu mến nhau, nhân viên yêu mến sếp, đồng nghiệp yêu quý nhau, và suy rộng ra thì nhân dân yêu lãnh tụ, công dân yêu nhà nước, học sinh yêu quý thầy cô... Nhưng tại sao đọc báo hầu như chỉ thấy tin cướp, giết, hiếp, bạo lực học đường, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi, tham nhũng, lừa đảo, bắt bớ, đàn áp, bỏ tù...? Em không thể hình dung một xã hội như thế lại là kết quả của tình yêu mến... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 2]  (truyện / tuỳ bút) 
... Đàn ông ở đây không coi phụ nữ là danh dự của mình, và còn lâu mới có bình đẳng thực sự. Thiếu gì đàn ông sẵn sàng dâng vợ hay em gái cho sếp hay cho đối tác để làm bàn đạp thăng tiến hoặc thủ lợi. Vợ họ, em họ còn bị đối xử như thế thì họ sá gì việc con em người khác có đi làm nô lệ tình dục ở đâu. Gần đây thôi, một phụ nữ trí thức mỏng manh đã bị một đám đàn ông trí thức đánh tan nát trên hàng đống tờ báo. Đọc những bài đánh cô ấy mặt anh cứ đỏ rực, đỏ rực vì xấu hổ, thằng đàn ông trong anh xấu hổ, hoá ra anh còn biết xấu hổ. Và cô ấy lại bị một đám đàn ông trí thức khác cho thôi việc. Và những đàn ông trí thức còn lại đồng loạt im lặng... (...)
 
... Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa... (...)
 
Gửi người yêu và tin  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối trá. Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó, thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba lên bốn... (...)
 
Tình yêu  (truyện / tuỳ bút) 
... Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này? / Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư? / Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống ở trên tay mẹ kia. / Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021