thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một ngày cuối tuần

 

Thứ bẩy. Không gian như chậu nước gạo đục. Tôi lội bì bõm. Màu trắng đục không làm tôi nhìn thấy được xa, giơ bàn tay lên trước mặt chỉ thấy một vật thể nhồi bông.

Bảng hiệu màu tím nhà hàng Thái “Hoa Sen”, bông hoa vẽ đang rụng xuống cánh thứ nhất trên nền đường màu kim loại. Đây là đoạn phố tôi yêu thích. Một dẫy nhà hàng tiệm ăn nằm san sát.

Tôi lôi ra từ tiệm Peet’s Coffee cốc Capuccino. Như thường lệ lại ngồi trên băng ghế gỗ bên vỉa hè. Nhiều người làm như thế vào buổi sáng mùa hè có nắng. Tôi uống lớp bọt trên miệng cốc, tiếp tục nhìn thế giới nhồi bông, cả con đường trông như sắp nhũn ra.

Hắn ngồi sẵn đấy từ trước đang gặm bagel, trông có vẻ giới tầm tầm. Tôi cố không nghĩ dưới làn da mỡ màng, bụng hắn là những khối bông chằng chịt cuộn chặt. Tụi tôi nhận ra nhau ngay:

“Gà nhà à?” hắn hỏi.

“Ừ. Anh ở tỉnh nào?” Tôi đáp.

“Người Ba Vì, Hà Tây.”

“Sang đường nào?”

“Hong Kong.”

“Làm gì?”

“Điện toán linh tinh.”

Tụi tôi lại ngồi nhìn xuống lòng đường. Tôi nghĩ nếu tôi rạch xuống lòng đường, nó sẽ rách toạc và những khối bông trắng sẽ trồi lên làm tắc nghẽn xe cộ.

“Tất cả cứ mềm nhũn ra ấy nhỉ!” Hắn nói rù rì.

“Ừ”

“Như cái bánh ngọt tẩm đường!”

Tôi có cảm giác nếu đưa tay về phía dẫy nhà trước mặt, từng lớp đường trắng sẽ rơi xuống. Nếu ai đó vô tình xối nước, mấy ngôi nhà đó có thể dính nhơm nhớp, nhưng vẫn ngọt ngào cám dỗ. Chả ai lại làm thế.

Tôi hít thở, đầu trong veo. Sạch sẽ.

Tôi ngước nhìn lên, bầu trời có màu nhựa tấm trong suốt.

Gặm xong cái bagel, hắn cũng ngồi hơi ngả ra thanh thản. Chung quanh hắn ánh sáng tán sắc trong không khí. Không có lằn ranh nào rõ ràng. Hình thể, đường nét như không đủ biểu trưng lên sự cá biệt, nó chung chung và dễ bị nhầm lẫn với cảnh vật. Nếu cứ thế một lúc lâu tôi dễ dàng nhầm lẫn đôi gò má cao của hắn với cái nắm cửa bằng đồng cửa hiệu bánh ngọt. Và đôi chân hắn như một miếng vải vất bê bết bên lề gần miệng cống. Tiếng nói hắn cũng như tiếng cọ xát khiêm tốn của cái bảng hiệu chỉ đường vặn vẹo mỗi khi gió thổi qua.

Hắn trông cũng như những người bên kia đường, vô danh và không xác thực với cá nhân tôi.

Tôi cũng không chắc sự hiện diện của mình gợi chút ý nghĩa riêng biệt nào đối với hắn.

Và cái sự thể chúng tôi nhận ra nhau trong buổi sáng mùa hè nhàn rỗi có vẻ vừa ngẫu nhiên vừa hiển nhiên, cũng tương đương như sự việc một cành khô vừa bị người bộ hành hất sát vào bên lề. Như một chiếc xe buýt vừa đỗ lại, mươi người bước xuống, xe lại nặng nề trườn đi, như một cái cốc giấy bỏ lại trên nóc thùng rác công cộng bên trong còn ít cặn nước coke.

“Đi loanh quanh một chút nào?” Hắn rủ rê.

Quá khỏi ngã tư đường đường Stockton, khu người Hoa đông đúc, bước xuống một chút đến ngã tư đường Columbus, bên trái có hiệu sách nổi tiếng là nơi tụ tập một thời của Allen Ginsberg và bạn bè. Đi thẳng tới là khu bận rộn của các hộp đêm vũ khỏa thân, giấy má quảng cáo bay lạt sạt. Nếu quẹo trái qua khu ăn uống, một dẫy nhà hàng Ý trang trí sang trọng. Hai đứa tôi băng qua ngã tư, đến ngã tư, vượt qua ngã tư, thở dốc vài lần ở ngã tư khác.

Tôi chẳng nghe một âm thanh nào. Cảnh vật như cuốn phim câm, sặc sỡ nhưng cách biệt. Tiếng lá đang vừa chạm nhẹ trong khuôn viên bên kia đường. Chúng tôi muốn băng sang nhưng phải đi đến tận đầu phố. Dòng xe cộ như những vệt màu khô nhanh.

Bên kia đường, gã da đen dơ tay vẫy vẫy, đang gào thét lên điều gì đó nhưng chúng tôi không thể nghe. Gã đội mũ len tròn, mắt hắn to hoang dại. Nhưng hắn ăn bận bẩn thỉu! Tôi cũng gào lên “Cái gì?” Giọng tôi mất hút, hầu như chẳng phát ra tiếng kêu nào. Gã da đen ra hiệu tỏ vẻ không hiểu. Tôi lại gào lên. Tôi định bước nhanh qua những bệt màu khô nhanh ấy mà băng sang đường nhưng những hiểu biết về vật lý cố dĩ vẫn giữ chặt tôi lại trong sự an toàn ở bên đây. Hắn vẫn cố giơ tay lên vẫy vẫy nhưng chúng tôi đã lạc hướng, một giọt nước đang rớt xuống trong vắt, va vào thanh sắt bến xe buýt vỡ ra, một hạt nhỏ tí văng ra chạm vào tay trái tôi. Tôi nhìn vào hạt nước li ti, trong khoảnh khắc nó sẽ bốc hơi và biến mất.

Trên bến xe buýt người thanh niên gốc Nam Mỹ đang ngủ gà ngủ gật.

Chúng tôi đi loanh quanh chậm chạp, tạt qua hàng tá cửa hàng, trèo lên lộn xuống vài chục cầu thang cuốn. Trong tiệm bán đồ sưu tầm, hắn mua con dao cạo râu cổ điển hiệu đức Merkur, hai nắp vặn cụp xòe. Con dao cạo làm tôi nhớ đến bố tôi. Ông cũng từng xài những con dao như thế, cất rất cẩn thận cùng cái gương tay. Hắn cũng hỏi giá cái máy nghe đĩa có loa đồng xòe to như cánh hoa. Máy vẫn dùng được, giọng Crosby rỉ rả cũ rích. Giá đắt. Gã chủ hiệu vồ lấy tôi, nhưng hắn là người Trung Đông, Tôi vẫn cứ nghĩ hầu hết bọn họ là người Do Thái, nhưng hóa ra chẳng thật là như thế nữa từ lâu.

“Anh sưu tầm đồ cổ à?” Tôi hỏi khi tụi tôi bước ra khỏi tiệm.

“Không tôi mua để xài.” Hắn trả lời.

“Hay nhỉ. Chắc mất thời giờ lắm!”

“Tôi chỉ dùng dao cạo lúc cuối tuần. Ngày thường tôi mang theo máy cạo râu ở trong xe.” Tôi phì cười, ai cũng thế mỗi sáng lái xe đến sở, vừa cạo râu, vừa uống cà phê, vừa trang điểm, vội vội vàng vàng.

Hắn nói mỗi cuối tuần trước khi xuống phố, hắn cạo râu bằng dao cạo cổ điển hai lưỡi rất cẩn thận. Hắn thích cảm giác những sợi lông bị đứt nghiến kêu lên ràn rạt. Mặt đôi khi phải nghiêng đi, làn da được kéo căng ra. Từng nhát cẩn thận chính xác và dứt khoát. Sau khi tất cả lớp kem trên mặt được cạo sạch đi, da dẻ hắn đỏ hồng lộ ra. Hắn có cảm giác đàn ông hơn với kiểu cạo râu xưa cũ này.

 

Lang thang vào khu bến cảng. Tròng trành trên mặt nước hàng trăm chiếc thuyền buồm màu trắng trông như những con vật ngủ ngày. Một chiếc thuyền chèo thể thao đang lao đi vun vút ngoài xa. Ở trên cao cầu siêu lộ bắt ngang giữa hai thành phố như một vật thể thô lỗ.

Không hiểu sao cảnh vật làm gợi nhớ những con hẻm chằng chịt năm nào bỗng đâm thúc ra bờ sông vắng vẻ. Rau muống mọc chật sông. Buổi trưa nắng gắt. Nước xuống xông mùi bùn nồng nặc. Mấy căn nhà tôn, nhà tranh rải rác lẫn với dừa. Tiếng cải lương lả rả. Mùi trứng chiên thơm lựng đâu đó, hẳn phải có mấy lát hành khô...

Hắn đốt thuốc.

Một bà già đang cúi nhặt đồng hai mươi lăm xu.

Thật chẳng ăn nhập gì!

 

*

 

Khoảng sáu giờ chiều tụi tôi đi xuống tầng hầm đón xe điện.

Xe điện ngầm tăng dần tốc độ. Không thể nhìn thấy được điều đó bởi bên ngoài là bóng tối. Thoạt đầu nó run lên, phát ra tiếng cập kênh đều đặn, rồi rít lên thành tiếng dài với tần số cao liên tục. Khi âm thanh đạt đến một tần số nhất định, không gian bỗng trở nên im lặng, nó vượt ngoài khả năng nghe của con người. Chúng tôi ngồi và lắng nghe chăm chú sự im lặng kinh khủng đó. Tôi nghe thứ âm thanh gần như tiếng gió thổi, những tiếng vọng mơ hồ li ti. Nếu chúng tôi ở ngoài vũ trụ, chắc cũng nghe thứ tiếng này, tiếng vọng từ muôn muôn triệu triệu năm của không gian vô tận. Cả chuyến xe không còn tròng trành, nó như một mũi tên lao đi, có vẻ vượt qua cả những tác động bất ổn đầy thay đổi của sự chuyển động. Nó tĩnh lặng. Tôi có cảm giác chuyến xe điện đang đứng im tuyệt đối rồi dường như lao ngược chiều trở lại bằng thứ tốc độ khủng khiếp. Tôi nghi ngờ những nguyên lý Vật Lý đã từng học được ở trong trường.

Ánh sáng của xe điện hắt lại từ vách hầm lại làm tôi nhớ những chuyến đi về nông thôn năm xưa. Tất cả các chuyến xe về lục tỉnh luôn được khởi hành rất sớm khi mặt trời còn chưa mọc. Tôi thò đầu ra cửa, nhìn mãi nhưng chỉ thấy bóng tối lờ mờ như xe đang lao đi trong một căn hầm hình ống, chỉ nghe gió phần phật. Cũng như thế này khi mọi người sau chút náo động ban đầu lại thiếp ngủ trong đủ thứ thế dáng kì quặc. Tôi nhớ có những người già ngồi bệt trên sàn xe, nghẹo đầu. Tất cả chuyển động trong sự im lặng. Tôi quan sát mọi điều như thể bắt gặp một thứ hiện thực của đời sống, chuyển động nhưng vô thức.

Xe điện ngầm dừng lại ở một bến ga lạc lõng. Nhà bến bên kia đường ray là căn nhà có kiến trúc thực dân đổ nát, mái ngói hai tầng. Tường quét vôi vàng tróc lở từng mảng. Rêu xanh rì. Cửa lá sách treo bám lơ lửng tạm bợ, khung màu sơn đậm, lá sách màu sơn sáng. Chẳng dại gì chúng tôi dám đứng dưới cánh cửa ấy. Dọc theo bờ tường chuối mọc um tùm, những bẹ chuối xanh mơn mởn thỉnh thoảng lại rách toạc. Thân chuối khô ngả màu vàng. Ở mé trái góc sân còn một cái lu bể miệng. Trên sân ga lát gạch lèo tèo vài người hành khách châu Á đang lên xuống, họ ăn vận sạch sẽ với thời trang của đầu thế kỷ 20. Một cặp đang chia tay nhau. Người thanh niên mặc sơ mi trắng cộc tay bỏ gọn trong quần kha-ki vàng, tóc chải sáp óng mượt đang thầm thì điều gì đó. Má cô gái đỏ ửng, chiếc ô màu đen trễ qua một bên, người cô nghiêng hơn nữa về phía chàng thanh niên. Có tiếng huýt sáo ở đâu không rõ vọng lại, họ lại rời nhau ra. Có tiếng cười rộ. Người cảnh binh cưỡi ngựa đi qua, vó ngựa gõ xuống sân gạch làm mọi người phải lưu ý...

...Ở một bến ga khác, khung cảnh đìu hiu đồi núi chập chùng. Mây trong cây trong núi, tất cả trộn lẫn thành sự rét buốt màu xanh rêu. Gió không rít lên ở bên tai, gió réo lên bên sườn núi như tiếng gọi khẩn cấp. Trong tiếng gió, rào rạo tiếng chân đi. Tiếng rung lên của một lần chấn động nhỏ. Có cả một quân đoàn đang lùi lũi vòng vèo luồn vào trong khoảng mờ xanh xanh. Nơi họ đi đến bỗng vàng hực lên vội vã ánh lửa phía chân trời, một lần nữa chấn động nhỏ làm rơi ra những chiếc lá khô. Sột soạt bên đường con thú chạy quàng trong bụi...

Xe lại đi. Hiện ra rất nhanh nhưng đôi khi cũng đủ để nhận ra đường nét của cảnh vật. Có một đoạn vách hầm sát, tôi bỗng thấy vun vút lướt qua những trụ điện ngả nghiêng. Một con chim bay vụt từ bụi rơm. Có cái cầu chông chênh bắt cao lên bằng những đoạn tre nối dài. Tiếng bìm bịp kêu thảng thốt. Có thằng bé trần trùi trũi đang bắt tay trước miệng gọi lên tiếng vọng khắp cánh đồng, hàng ngàn con vịt bầu lạch bạch lội về...

Hắn cũng im lặng mải miết nhìn những luồng sáng đôi khi hắt lại rực rỡ ở ngoài kia. Hắn bất thần nói:

“Giá mà có gói xôi đỗ thì phải thích! Nó làm tôi nhớ ngày trước mỗi bận đi cấy sớm, bà cụ nhà tôi lại đồ một nồi lớn.”

Chuyện gói xôi làm tôi nhớ lại một kỷ niệm ngày còn bé. Ngày đó độ chín tuổi tôi theo chị lên tàu Nam Bắc ra thăm họ hàng ngoài Bắc. Khi tàu qua ga Thanh Hóa trời tối thui một vùng. Người ta không gánh, họ chỉ đội trên đầu cái rổ con với một ngọn đèn dầu nhỏ, đỏ quạch lập lòe như những con đom đóm. Trong số những người rải rác ấy, tôi thấy một cụ già quấn khăn mỏ quạ mặc váy đen rộng thùng thình, thều thào rao: “Xôi lạc đi, xôi lạc nào.” Thấy tôi nhìn chăm chú, bà thậm chí đỡ rổ xuống, mở ra mời mọc. Ủ dưới hàng đống khăn tã quấn chặt chồng chất, cái nồi đất bằng nắm tay lộ ra ít nếp và đậu phộng trắng tinh đang bốc khói. Bà đưa ra rồi nhìn tôi thều thào cầu khẩn. Trông bà thật hiền lành và nghèo khổ. Tôi ngại ngùng ngả ra đằng sau ẩn trong bóng tối. Một lúc sau xe điện lại rời bến, mọi người vẫn ngủ say, tôi vẫn ẩn sâu trong bóng tối, bỗng dưng cảm thấy cay đắng.

Rồi xe điện ngầm đỗ lại ở một nơi hoàn toàn vắng lặng, tiếng ếch nhái kêu oang oang. Hơi nóng ẩm tràn vào trong toa khi cửa mở ra, nồng mùi bùn, mùi bèo, mùi rơm rạ. Ánh đèn trong xe hắt ra chỉ đủ để thấy con đường đất đi giữa hai thửa ruộng. Con đường đất mới được đắp lại, từng mảng khô nứt nẻ. Lúa mới cấy còn thưa. Hai bên đường cỏ mọc loè xoè, vài con cua đồng chạy nghênh nghênh.

Xe dường như tắt hẳn.

Hắn bồn chồn thở dốc.

Tôi thấy nơi này thật quen. Tôi cưỡng lại!

“Anh đi đi” Tôi hối thúc. Quê hắn ở Ba Vì, không hiểu sao tôi lại nghĩ đến Tản Đà, người đã làm bài thơ bất hủ: “Thề Non Nước.”

Hắn bắt đầu đi, đi mãi vào nơi những ẩn tượng thoạt đầu còn lờ mờ. Con đường đất rắn rỏi dưới chân hắn. Hắn đi chân trần dẫn trâu về. Đường từ dưới đồng về đến nhà dễ đến một cây rưỡi. Đường dốc và trơn. Nhà hắn nằm trên lưng chừng núi đất. Chung quanh cây là cây. Trước khi vào núi đất sẽ đi qua đất chùa bên phải, chạy vòng qua hồ trước mặt. Bên trái có giếng đá nước thơi chảy từ trong núi đầy ăm ắp. Vài chị đang giặt giũ tắm rửa, vẫn mặc nguyên quần áo. Vải dính sát vào người. Hắn chỉ vờ lượn vài vòng, chị nào đã giả cách vô tình tạt nước. Những giọt nước bay tung toé lên người hắn. Họ cười khúc khích.

Hắn lại đi tiếp qua vườn nhà ông Thức. Nhà ông hôm nay có việc hay sao, đèn sáng, vài người ngoài sân đang nói oang oang. Giọng ông Thức gọi với:

“Tĩnh đấy hở?”

“Vâng cháu đây.” Hắn trả lời.

“Mày cho trâu ăn về trễ thế hở Tĩnh? Vào đây tao bảo.”

“Cháu mải với mấy đứa nhà ông Hạ.”

Sân nhà ông Thức toàn cành lá vụn. Ông bảo: “Hôm nay tao cho người bẻ sấu. Mày mang một ít về cho mẹ đánh dấm.”

“Vâng, cháu xin.” Tĩnh nhanh nhẩu.

Rồi Tĩnh lại đánh trâu về. Sân nhà Tĩnh cũng chong đèn sáng choang ngoài sân. Bố Tĩnh ngồi khoanh gối chuốt tăm. Ông thơ thẩn một mình:

“Gió trăng chứa một thuyền đầy,

Của kho vô tận biết ngày nào vơi.”

Mẹ Tĩnh lục đục trong bếp dọn ra sân mâm chiếu. Hôm nay nóng thế, nhà lại dọn ăn ngoài sân. Trên mâm có đĩa rau bí xào tỏi bốc khói. Trong bếp tỏa ra mùi tép rang khế.

Tĩnh đứng im trong bóng tối bên gốc trám nhìn trân trân. Người Tĩnh như bị thắt chặt lại, chân Tĩnh mềm nhũn. Con trâu đủng đỉnh đi tiếp vào chuồng, miệng vẫn không ngừng nhai nhóc nhách. Cứ thế rất lâu. Rồi Tĩnh ra vại nước với gàu múc nước vào chậu. Cậu kì cọ hai bàn chân lên nhau, giả cách tự nhiên oang oang nói:

“Nhà ta hôm nay ăn gì thế hở mẹ?”

“Thằng mãnh về rồi đấy hở con?” Tiếng bà vọng ra.

“Mày có cái gì thế?” Bố Tĩnh hỏi.

“Ông Thức cho ít sấu.”

Tĩnh rấp nước lên mặt. Mặt Tĩnh nước chẩy giàn giụa. Nó không hẳn là sự đau khổ, cũng không hẳn là sự sung sướng. Nó là cái duy nhất.

Xa xa núi Tản còn gợn lên một vệt vàng. Giòng sông lượn quanh chân núi đang tỏa khói nhạt nhòa.

 

*

 

Buổi sáng độ này trời cứ nhẹ dần đi, thiu thiu ẩm ẩm. Ai cũng ăn vận hối hả đi làm. Có đứa bé vừa đi vừa nhún, bước lại phía chiếc ghế gỗ chẳng ai ngồi. Nó cố với lên thành cao từ phía sau đu lên. Người đàn bà da trắng đang xếp hàng mua cà phê trong tiệm Peet’s Coffee mở cửa gọi giật thằng bé đừng trèo như thế.

Nhiều người bước nhanh qua chiếc ghế gỗ. Tất cả có vẻ khác đi. Màu tím bảng hiệu nhà hàng Thái trông như hơi sậm đi. Chỉ có manh vải cũ bên miệng cống là vẫn nằm đó bê bết. Nhưng ngày mai là ngày quét đường, tất cả sẽ xóa sạch.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021