thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vũ trụ của Vinteuil
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

MARCEL PROUST

(1871-1922)

 

VŨ TRỤ CỦA VINTEUIL

 

Dường như mỗi nghệ sĩ là công dân của một quê hương xa lạ, mà chính hắn cũng đã quên mất, một quê hương không giống như quê hương từ đó một nghệ sĩ lớn khác sẽ lên đường để đi tới quả đất. Vinteuil trong những tác phẩm sau cùng dường như đã tới thật gần cái quê hương đó. Không khí trong các tác phẩm này không còn giống như không khí trong bản sonate, những câu nghi vấn ở đây được diễn tả dồn dập hơn, âu lo hơn, và những câu giải đáp thì lại huyền bí hơn; bầu không khí ướt át của buổi mai và buổi tối ở đây dường như ảnh hưởng các nhạc cụ đến tận những cung dây. Morel có diễn tả tuyệt diệu cũng hoài công, những âm thanh từ chiếc vĩ cầm ông ta thoát ra đối với tôi nghe the thé một cách lạ lùng, gần như gào thét. Thứ âm thanh chát tai đó người ta lại thích, và cũng như trong một số giọng phát âm, người ta cảm thấy ở đó một thứ phẩm cách tinh thần và một thứ trí thức cao đẳng. Nhưng nó có thể làm cho ta khó chịu. Khi cái nhìn hướng về vũ trụ biến đổi, tinh lọc, tương xứng hơn với ký ức của quê hương trong nội tâm, tự nhiên là nó được diễn ra bằng một sự lạc điệu toàn diện của những âm thanh nơi người nhạc sĩ, cũng như của mầu sắc nơi hoạ sĩ. Vả lại đám thính giả thông minh nhất cũng không lầm lẫn bởi vì sau đó người ta đã tuyên bố những tác phẩm sau cùng của Vinteuil là những tác phẩm sâu sắc nhất. Vậy mà, không một chương trình nào, không một chủ đề nào đem lại một yếu tố phán đoán trí thức. Vậy nên người ta đoán đây là một lối chuyển vị của chiều sâu về phương diện âm thanh.

Cái quê hương đã mất kia, các nhạc sĩ không nhớ lại được, nhưng mỗi người trong bọn họ đều vô tình vẫn đồng ý cần có một sự đồng hợp nào đó với nó; mỗi người đều vui mừng say mê khi họ hát theo quê hương của họ, đôi khi họ phản lại quê hương vì quá thích danh vọng, nhưng trong khi họ kiếm tìm danh vọng thì chính họ đã trốn nó, và chỉ khi khinh thường nó họ mới tìm thấy được nó, khi họ cất tiếng hát lên bài hát đặc biệt đó, dù chủ đề là gì chăng nữa, mà tính cách đơn điệu — bởi vì dù chủ đề là gì chăng nữa, bài hát cũng vẫn đồng nhất với chính nó — chứng tỏ được sự cố định của những yếu tố tác thành tâm hồn họ. Nhưng như vậy phải chăng từ những yếu tố đó, tất cả những gì có thật còn lại mà ta vẫn phải giữ cho chính mình, mà một cuộc nói chuyện với nhau cũng không thể truyền đạt được từ người bạn này qua người bạn khác, từ thầy đến trò, từ một kẻ yêu đương đến tình nhân của mình, nghĩa là những gì không nói nên lời được, vẫn làm cho cảm tưởng của mỗi người đều không giống nhau về phẩm chất, và vẫn buộc mỗi người phải để lại ở đầu những câu mà họ chỉ có thể đem thông cảm với kẻ khác bằng cách tự giới hạn lại ở những điểm bên ngoài, những điểm chung cho tất cả mọi người và không vụ lợi, tức là nghệ thuật, nghệ thuật của một Vinteuil cũng như nghệ thuật của một Elstir, phải chăng chính từ những yếu tố tác thành đó mà tất cả những thứ có thật còn lại đều làm cho tâm hồn mỗi người nhạc sĩ xuất hiện, và đồng thời trong các mầu sắc của quang phổ, nó cũng vừa làm phát hiện ra ngoài cái bố cục thầm kín của những thế giới mà ta vẫn gọi là những cá thể, những thế giới mà nếu không có nghệ thuật thì không bao giờ ta có thể quen biết được? Có đôi cánh bay, có một bộ phận hô hấp khác, là những vật có thể cho phép ta bay xuyên qua vùng không gian bao la, cũng không giúp ta làm gì được, bởi vì, nếu chúng ta đi tới Hoả tinh và Kim tinh mà vẫn giữ cùng những giác quan ta đang có thì những giác quan này lại sẽ phủ lên tất cả những gì ta có thể trông thấy được ở đó hình dáng của những sự vật trên Địa Cầu. Chuyến đi xa duy nhất có thể có thật, cách duy nhất để tắm được trong dòng nước hồi xuân, chắc hẳn không có nghĩa là đi về những cảnh trí mới lạ, mà là phải có những cái nhìn khác, phải nhìn vũ trụ bằng cặp mắt của một người khác, của cả trăm người khác, phải nhìn cả trăm vũ trụ mà mỗi người khác nói trên thấy được, cả một trăm vũ trụ mà cũng chính là một trăm người khác, và như vậy, chúng ta chỉ có thể làm được với một Elstir, với một Vinteuil; có bằng được như họ, thì ta mới thực sự bay được từ hành tinh này qua hành tinh khác. Nhạc khúc andante vừa dứt bằng một câu đầy êm dịu mà tôi đã lắng nghe hết mình; thế rồi trước khi diễn khúc kế tiếp, các nhạc thủ được nghỉ ngơi một lúc, họ đặt các nhạc cụ xuống và thính giả trao đổi cảm tưởng với nhau. Để chứng tỏ mình cũng hiểu rõ bài nhạc, một vị công tước tuyên bố: “Bài này trình diễn khó lắm đấy”. Những người dễ chịu hơn nói chuyện với tôi được một lúc. Nhưng cũng giống như mọi lời nói bên ngoài của con người thường ngày vẫn làm tôi dử g dưng, những lời nói của họ có nghĩa gì đâu bên cạnh câu nhạc cao xa thần thánh mà tôi vừa được thưởng thức. Bây giờ quả thật tôi như một thiên thần, bị mất hết cả những lạc thú nơi thiên đàng, rơi vào một thực tại vô vị nhất. Và cũng như một số người là những chứng nhân cuối cùng của một hình thức sống mà thiên nhiên đã từ bỏ, tôi tự hỏi âm nhạc phải chăng là thí dụ độc nhất của một cái gì có thể như là — nếu từ trước đến nay người ta không phát minh ra ngôn ngữ, không sáng lập ra chữ viết, không phân tích những ý nghĩ — như là sự giao cảm giữa các tâm hồn. Âm nhạc cũng như một khả năng không có những tiếp nối; nhân loại đã dấn thân vào những con đường khác, con đường của ngôn ngữ nói và viết. Nhưng sự quay về với loại giao cảm không phân tích kia làm ta say mê đến nỗi khi ra khỏi cái thiên đàng đó, sự tiếp xúc với những con người có ít nhiều đầu óc đối với tôi dường như lại là một sự vô vị phi thường.

 

 

-----------------
Trích dịch từ La Prisonnière , cuốn thứ năm trong Marcel Proust, A LA RECHERCHE DU TEMPS PERDU. Người dịch dùng nhan đề “Vũ trụ của Vinteuil” chính là do chút kỷ niệm thời đi học, những trang Proust đầu tiên trong Tủ sách giáo khoa của Pháp (Marcel Proust, Pages Choisies, Collection Classiques Illustrés Vaubourdolle, Librairie Hachette) là những trích đoạn “L’univers de Vinteuil”, “La madeleine”, “Les clochers de Martinville”, v.v...
 
Phải mất hơn nửa giờ người dịch
mới nhớ ra Tủ sách Vaubourdolle

 

 

-------------

Đã đăng:

Lời thú tội của một thiếu nữ  (truyện / tuỳ bút) 
... Sau đó tôi chỉ còn biết buông trôi. Chúng tôi đã khoá trái hai cánh cửa lại, và, với hơi thở trên má tôi, hắn siết chặt lấy tôi, hai bàn tay hắn lục lạo khắp người tôi. Rồi trong lúc sự khoái lạc càng lúc càng xâm chiếm tôi, tôi cảm thấy thức dậy tận đáy lòng tôi một nỗi buồn và chán vô tận; tôi thấy dường như tôi đã làm cho linh hồn mẹ tôi khóc, linh hồn vị thần hộ mạng của tôi, linh hồn Chúa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Vườn Tuileries  (truyện / tuỳ bút) 
Sáng nay trong vườn Tuileries mặt trời tuần tự thiếp ngủ trên các bậc thang đá như một gã thiếu niên tóc vàng mà một chiếc bóng lướt qua làm gián đoạn tức khắc giấc ngủ nhẹ nhàng... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Một bữa ăn ngoài phố  (truyện / tuỳ bút) 
Honoré đến trễ, anh chào các gia chủ, chào những người khách mà anh quen, người ta giới thiệu anh với những người khách khác và mọi người vào bàn ăn. Được một lúc, người khách ngồi bên cạnh anh, một thanh niên còn trẻ măng, yêu cầu anh cho biết tên... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Nếu khi đi dạo trên bãi biển hay trong rừng bà có để cho thú trầm tư hay mơ mộng, hay chỉ là một hương thơm, một bài ca mà ngọn gió heo may đem đến và phủ kín, bà có để cho những thứ đó nhẹ nhàng xâm chiếm lòng bà, trong một lúc làm bà quên được nỗi khổ của bà, thì bà liền cảm thấy nhói lên nơi tim một vết thương đau đớn... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Ba đoản văn “Vent de mer à la campagne”, “Rencontre au bord du lac” và “L'étranger” trong Les Plaisirs et les Jours của Marcel Proust. (... Các người hãy giữ lại trên gối chân khóm hồng tươi mát, và hãy để mặc trái tim ta khóc trong lòng bàn tay khép kín của các người...) [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Hai đoản văn “Sonate Clair de lune” và “Comme à la lumière de la lune” trong Les Plaisirs et les Jours của Marcel Proust. (... Những luồng ánh sáng dồn dập rực rỡ và êm dịu của nó đi vào đến tận tim chúng tôi. Như chúng tôi, mặt trăng cũng khóc, và cũng gần luôn luôn như chúng tôi, nó khóc mà không biết tại sao...) [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021