thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gửi người yêu và tin [thư số 7]

 

Đã đăng:

 

Gửi em,

Anh đã giết em. Chính anh đã giết em. Những bức thư của anh đã giết em. Ông ta viết như vậy. Nhưng ông ta cũng viết rằng em vẫn yêu anh. Thật vậy sao?

Anh cũng không rõ điều gì đang diễn ra với anh nữa. Đầu anh bị kích động bởi những ý nghĩ ấy.

Khi nhận được thư vị hôn phu của em, quả thực anh bối rối. Anh không ngờ rằng em vẫn luôn yêu anh. Có cái gì khiến anh cảm thấy khó tin. Nhưng lá thư đó, chẳng có lý do để không tin. Anh chàng kia chẳng có lí do gì để lừa dối anh. Anh cũng thấy khó hiểu vì sao em có thể đau buồn đến chết vì anh. Anh là một người bình thường. Hơn nữa, là một người thành đạt, là hình mẫu mơ ước của bao thế hệ. Tại sao điều đó lại bóp nát trái tim em? Anh giàu có, thành công và toại nguyện, lẽ ra em phải mừng cho anh chứ, nếu đúng là em yêu anh. Từ lúc chữa khỏi bệnh, anh không còn bi quan, chán nản nữa, anh lấy lại niềm vui sống, và luôn biết cách tạo niềm vui. Lẽ ra em phải mừng cho anh chứ. Sao lại đau buồn mà chết? Anh không hiểu, anh không hiểu được.

Rồi anh tìm lại những bức thư của em, đọc lại. Nhớ lại những ngày tháng cũ. Rồi từ từ anh cũng hiểu rằng em không muốn anh trở thành như hiện nay. Nhưng cả điều đó cũng là khó hiểu đối với anh. Tại sao em không muốn anh là con người như hiện nay? Mọi thứ đang rất tốt đẹp đối với anh, sao em không muốn anh có cuộc sống hạnh phúc này? Dù khó hiểu anh vẫn biết rằng em không phải là người xấu. Chắc chắn em có cái lý của mình. Anh bị xáo trộn và bất an.

Anh bị xáo trộn và không thể làm được gì, rồi anh thấy mình ra đại lý vé máy bay, anh đặt vé đi thăm em. Một cái gì đó bảo anh rằng cần phải đến bên em, cần phải gần gũi em trong không gian, anh mới có thể lấy lại sự bình an.

Anh đã đến bên em, đã ở rất gần em. Em không biết, dĩ nhiên rồi. Anh đã ngồi bên mộ em suốt một ngày trời. Anh đã bay sang để được ở bên em. Trên hành trình dài hai mươi giờ đồng hồ đó anh vẫn không hiểu được vì sao em khiếp sợ con người ngày hôm nay của anh.

Khi ngồi trước mộ em, anh nhận ra rằng anh không hiểu cả một điều khác nữa: vậy cái con người làm em đau buồn mà chết ấy, con người đó còn có gì xứng đáng với tình yêu của em?

Vì sao em vẫn yêu anh? Cái gì trong anh khiến em vẫn yêu anh?

Anh sẽ làm gì với tình yêu của em đây? Vị hôn phu của em đã trao nó cho anh. Anh không thể ngờ được, không thể ngờ được là em vẫn yêu anh. Sau khi em ngừng viết thư, linh cảm cho anh biết rằng đấy là một phản ứng của em, một sự phán xét mà em dành cho anh, không còn phán xét bằng lời nữa, mà phán xét bằng hành động. Anh không muốn tự thừa nhận nhưng ngầm hiểu rằng tình yêu của em đã chết. Nhưng lúc đó, đối với anh, tình yêu của một người phụ nữ ở nơi xa xôi, sự phán xét của một người phụ nữ mà mình biết là khó gặp lại, chẳng có nghĩa lý gì. Hoặc ít nhất là vào thời điểm đó anh tưởng rằng nó không có nghĩa lý gì. Về phần anh, anh đã không thể quên em, bằng chứng là vẫn muốn viết cho em. Nhưng bây giờ, anh phải nói thật xem, vì sao anh viết cho em? Vì bị thôi thúc không thể không viết? Vì muốn nhắc nhở em nhớ đến anh? Hay lại vì cái thói ngông nghênh, vì anh trâng tráo muốn bảo em rằng: “Tôi bây giờ là như thế đấy, tôi nói cho cô biết rõ ràng về tôi như thế đấy, cô có phán xét gì tôi cũng cóc cần”? Hoặc cũng có thể anh bị tổn thương vì em đã im lặng không trả lời anh, và anh cố tình viết để gây tổn thương cho em? Động cơ nào khiến anh làm như vậy? Giờ đây anh rất khó phân định.

Anh cần phải tìm cho ra cái gì đã giúp anh giữ được tình yêu của em. Đó là điều lẩn quất trong tâm trí anh khi ngồi trên máy bay trở về nhà.

Anh không biết bắt đầu từ đâu. Có lẽ bắt đầu từ những việc đáng nhớ mà anh đã làm. Anh sẽ nhớ lại những điều tốt đẹp mà anh đã làm. Bởi anh biết em chỉ có thể yêu những gì tốt đẹp mà thôi. Mà hẳn ở cương vị của anh, trong sự thành đạt của anh, anh đã phải làm nhiều chuyện đáng được gọi là tốt đẹp chứ.

Một tuần trôi qua mà anh không nhớ được gì cả. Chẳng có gì hiện lên trong ký ức anh. Anh không gợi lại được gì hết. Dường như não anh không hoạt động nữa. Dường như óc anh chỉ còn là một đống bùn. Không, anh không muốn bị bệnh lần nữa. Anh muốn là một người bình thường, anh muốn não anh hoạt động bình thường, như mọi người.

Tại sao anh không nhớ được? Anh cố và cố, nhưng đầu gần như tê liệt. Có phải nỗi đau mất em làm não anh chết cứng không?

Người anh khó chịu, bí bách, như ở trong trạng thái có cái gì phải đẩy ra nhưng không thể nào đẩy ra được. Anh muốn nó phải trở lại, ký ức của anh, mà không thể nào nắm được nó. Anh chủ trì các cuộc họp như người mất hồn, nhưng vì anh là sếp nên chẳng có ai dám than phiền gì anh. Anh đã luyện cho mọi người thói quen không phàn nàn về bất cứ điều gì. Chấp nhận và phục tùng mọi mệnh lệnh, chỉ thị của anh. Anh hài lòng vì tổ chức của anh hoạt động theo đúng ý anh, trơn tru và phẳng lặng. Có một vài sự cố nào đó thì anh biết cách dẹp ngay, ổn định ngay.

Cuối tuần anh lang thang chỗ này chỗ kia, lúc lên rừng khi xuống biển. Anh thuê một phòng ở đâu đó, chọn một nơi vắng vẻ để đi bộ. Như một người mắc bệnh quên, anh không thể gợi lại được chút gì từ quá khứ.

Anh trở về nhà, công việc, bạn bè, gặp gỡ, nhưng anh không uống nữa. Anh muốn khôi phục lại những ngày đã qua.

Rồi đột nhiên, ký ức của anh mở ra, nhưng lại mở về phía những gì anh không muốn nhớ, những gì anh cố tình quên đi, cố tình gạt ra khỏi trí não, cố tình để chúng không quấy rầy anh.

Sáng nay, anh ngồi trước ban-công, nhìn dòng sông nhỏ gợn sóng dưới mưa, hàng cây ủ rũ đối diện với cánh đồng tĩnh lặng. Một người đàn ông đi trên mái nhà trước mặt, anh ta khoác áo mưa đi kiểm tra vật gì đó gắn trên nóc nhà. Chắc là anh ta phải cần sửa nó lắm mới phải đội mưa leo lên mái như vậy. Hành động kiểm tra, xem xét xem có gì hỏng hóc của anh ta có lẽ cũng giống như cái việc anh đang làm với trí não mình lúc này. Ly cà-phê của anh viền một làn khói mỏng. Mùi hương cà-phê qua mũi xông thẳng lên não và đột nhiên, ngoài sự chờ đợi của anh, ký ức mở cánh cửa vào chính phòng khách nhà anh.

Anh thấy mình đang mở cửa phòng khách, vào một ngày rất quan trọng trong đời anh. Anh biết vì sao nó quan trọng.

Anh đã không trở thành nhà tâm linh, mà trở thành chính trị gia. Làm tâm linh hay làm chính trị ở xứ này dù con đường có khác nhau nhưng đều có mục đích như nhau thôi: dẫn dụ, mê hoặc và làm mê muội con người. Làm chính trị đúng gu của anh hơn. Anh bước từng bước vững chắc trên những nấc thang quyền lực, cho đến cái nấc Bộ Chính Trị. Đúng ngày anh được bầu vào Bộ Chính Trị, khắp nơi bay về quà tặng và những lời chúc mừng, anh có cảm tưởng như nhận mãi mà không hết. Sau một ngày tràn ngập chúc tụng, tối anh trở về nhà, thấy vợ anh ăn mặc chỉnh tề, ngồi đợi anh ở xa-lông phòng khách. Mấy cái va-li dựng gần cửa ra vào. Anh vừa bước vào vừa xoay mấy vòng nhẹ nhàng như đang khiêu vũ. Mà anh lâng lâng và muốn khiêu vũ thật. Anh la lên, vui vẻ và âu yếm:

- Ủa sao em nghiêm trang vậy? Để chúc mừng anh hả?

Cô ấy quả thực rất nghiêm trang, hai tay đặt lên đầu gối, thế ngồi của một nữ chính khách khi tiếp chuyện các quan chức. Cô nói:

- Em đợi anh về để từ biệt.

Anh cười:

- Em đi công tác ở đâu à? Sao nghiêm trọng thế?

- Em đi hẳn. Em đi khỏi nhà hẳn.

Lúc đó anh không thực sự hiểu cô ấy muốn nói gì.

- Sao cơ?

- Em rời khỏi nhà. Em đến sống nơi khác.

Anh đứng sững, không biết nói gì, anh cứ đứng như vậy. Một lúc cô ấy rời xa-lông, bước ra cửa. Đến cạnh cái giá treo mũ, cô chọn cái mũ trắng, gấp lại, bỏ vào túi xách, và kéo va-li ra khỏi cửa. Đã có một chiếc taxi chờ sẵn trước nhà. Người tài xế giúp cô để va-li vào trong cốp xe. Anh chợt tỉnh dậy, chạy theo, kéo cô ấy trở lại. Cô còn kịp ngoái lại nói với người lái taxi:

- Anh chờ tôi một lát nhé.

Anh lôi cô trở vào phòng khách:

- Em không thể ra đi như thế. Ít nhất phải cho anh biết lý do chứ.

- Anh không biết thật sao? Anh không biết là em đã chán đến tận hàng ngàn km sao?

- Anh không hiểu. Tại sao lại thế?

- Anh đâu thèm để ý. Anh có bao giờ cần biết em sống như thế nào đâu. Lúc nào anh cũng là trung tâm của vũ trụ. Anh chỉ biết có mình mà thôi. Em thờ ơ với anh hàng bao nhiêu năm nay rồi, anh có nhận ra đâu.

- Em giấu quá giỏi.

- Em chẳng giấu gì cả. Chẳng qua là anh không để ý thôi.

- Cho anh một cơ hội được không?

- Quá muộn rồi. Đã từ lâu, mỗi lần ngủ với anh, em thấy mình như một con điếm.

Anh nhìn thấy hai tay mình từ từ siết lại trên cổ cô ấy. Cơn giận sôi lên sùng sục, anh không còn biết mình đang làm gì. Nhưng mắt anh chợt chạm vào ánh mắt lạnh lùng của cô, nó băng giá và bình thản đến mức làm anh tỉnh khỏi cơn thịnh nộ. Anh nói gần như thầm thì:

- Anh không đối xử với em như vậy.

- Anh không đối xử như vậy. Chỉ là em có cảm giác như vậy. Cảm giác của người phụ nữ buộc phải ngủ với người đàn ông mà mình không yêu, nhận mọi thứ từ người đàn ông mà mình không yêu. “Không yêu”, từ này quá nhẹ, không đủ đô, nhưng em chỉ có thể nói được như vậy thôi. Đàn bà ngủ với đàn ông chỉ vì tiền và quyền lực của hắn thì có khác gì điếm. Có vậy thôi. Nhưng cũng may là cả năm nay rồi chúng ta không ngủ cùng giường.

- Vậy sao?

- Cả việc đó anh cũng không nhận thấy ư? Ra thế đấy. Tuyệt quá nhỉ!

- Thật ư?

- Anh sao vậy? Bỏ tay ra khỏi cổ em đi. Tưởng từ “điếm” chỉ có ý nghĩa đối với em thôi chứ. Hoá ra anh cũng bị phản ứng bởi từ đó ư? Anh còn lạ gì điếm nữa mà phải phản ứng đến mức ấy?

Giọng đay nghiến lạnh lùng của cô giúp anh lấy lại được phong thái của một nhà giáo dục kiêm chính khách. Hoá ra trên đời này vẫn còn có gì đó làm anh mất bình tĩnh được. Anh đưa tay lên chỉnh cái cà-vạt hơi bị xô lệch.

Cô nhìn anh và cũng đưa tay lên cổ áo. Rồi cô giật phăng hàng cúc áo vét lẫn áo sơ-mi, để lộ toàn thân trên với cái áo ngực màu hồng dịu, hai tay đặt vào eo lưng, ngửa đầu ra trong một tư thế khêu gợi. Mắt nhắm hờ, miệng hé mở và chờ đợi. Ngực phóng thẳng về phía trước, dưới ánh đèn đỏ hơi mờ của phòng khách làn da bụng ửng hồng. Cô giữ nguyên như vậy khoảng vài phút. Ngực lên xuống phập phồng theo nhịp thở, cạp quần hơi trễ để hở một phần rốn. Cô nhắm mắt lại, chừng như để cho anh tiện quan sát. Sau đó lấy lại tư thế đoan trang, từ từ cài các cúc áo lại, cử chỉ lịch lãm, duyên dáng và có giáo dục. Cô kết thúc màn gài cúc áo bằng một động tác trang nghiêm và mạnh mẽ, hệt như một nữ đại biểu quốc hội đang ấn nút biểu quyết trước ống kính máy quay của đài truyền hình, biết là cử tri cả nước đang theo dõi mình. Rất đúng thể thức. Một con điếm trong trang phục nữ chính khách. Cô cố tình buộc anh phải giữ lại hình ảnh ấy, hình ảnh lúc cô rời khỏi nhà: một con điếm dưới bộ dạng nữ chính khách. Đó là thứ sản phẩm hợp nhất đối với anh, là gu của anh. Cũng có thể đấy là một dấu hiệu để anh tự hiểu rằng cô biết hết những hạng đàn bà nào từng qua tay anh.

Khi cô bước ngang qua anh, anh không ngăn được một cử chỉ níu kéo.

- Thôi để em đi, đừng bắt em phải tiếp tục đóng vai con điếm trong một ngôi nhà không phải dành cho mình.

Cô ấy nói xong dứt khoát bước ra cửa. Anh khuỵu xuống chiếc ghế xa-lông gần nhất. Đi được vài bước, cô đứng lại, chiếu thẳng vào anh vẫn cái nhìn lạnh lùng ấy:

- Anh chừng đó tuổi rồi, giữ đến chừng ấy chức vụ rồi, danh tiếng vang khắp nơi như vậy rồi, mà vẫn chưa trưởng thành.

Anh im lặng nén cơn giận, làm như không thèm nghe cô nữa. Cô vẫn không chịu buông tha:

- Một người trưởng thành biết yêu, biết trọng, biết hợp tác và sử dụng kẻ phê phán mình. Còn anh chỉ có thể yêu, tin dùng và thưởng cho kẻ nịnh bợ, khen ngợi, ca tụng anh mà thôi. Chỉ cần người ta nghĩ khác anh tí ti thôi là anh đã không chịu được. Anh còn định giữ mãi tâm tính trẻ con ấy của anh đến bao giờ nữa đây?

Anh đoán cô ấy muốn ám gợi điều gì. Lâu lắm rồi, trước khi gặp cô, anh từng yêu một người khác. Một hôm cô này buột miệng nhận xét về một người bạn của anh rằng ông ta không biết tí gì về nghệ thuật mà dám làm giám đốc một học viện nghệ thuật, rằng như thế thật là một tấm gương xấu cho thanh niên. Đang ôm cô ấy trong tay, nghe xong anh liền bảo: “Anh không yêu em nữa!!! Bye bye em!”. Rồi anh đứng dậy mặc quần áo ra về. Toàn bộ làn da trên cơ thể đang trần truồng của cô gái đỏ ửng lên, cô xấu hổ vì bị bỏ rơi theo cách đó, chắc tự cổ chí kim chẳng có cô gái nào bị bỏ rơi theo kiểu của cô. Cô này về sau trở thành bạn của vợ anh. Hẳn là gần đây cô ta đã kể cho vợ anh nghe chuyện đó. Anh đoán vậy. Nhưng như thế cũng bình thường mà, nói không tốt về bạn anh thì anh không quan hệ với nữa, có gì đâu mà phải chỉ trích anh về chuyện đó nhỉ.

Cô cũng làm anh nghĩ tới một vài việc anh đã xử lý đối với nhân sự. Nhưng đã làm việc thì phải biết làm sếp hài lòng và phải biết rằng tối kỵ là không được đụng đến cái sai của sếp. Ai không biết được nguyên lý đó sẽ phải bị loại trừ thôi.

Vợ anh đi đến cửa thì dừng lại, nói tiếp, không nhìn anh:

- Dù sao anh cũng cần biết rằng, bây giờ, khi anh làm chính trị đến cỡ này, thì em sẽ có cảm giác phải điếm gấp hai lần. Nên em không thể.

Nói xong, cô bước hẳn ra cửa, không ngoái lại.

Khi cánh cửa khép lại, anh buột thốt lên, không chủ định: “Đồ điếm!”

Người phụ nữ đó đã lấy anh vì tình yêu, lòng ngưỡng mộ, cảm giác say đắm. Cô ấy đã tự hào được là vợ anh, và giờ đây ra đi vì không muốn làm con điếm của anh. Anh không hiểu sao cô ấy có thể nói toàn bộ những lời đó, nặng nề và độc địa đến mức ấy. Trong cả cuộc đời làm vợ anh, cô chưa từng cãi anh một câu nào, chưa từng nói hỗn hào với anh một câu nào. Ai cũng nói rằng anh có người vợ hiền thục nhất trần gian. Người vợ hiền thục ra khỏi đời anh để lại những lời nói sát thương hơn cả các thanh độc kiếm.

Lúc đó anh hình như lờ mờ hiểu rằng không phải mọi thứ đều mua được bằng tiền. Nhưng tại sao anh lại nghĩ đến tiền, vào đúng thời khắc đó. Cô ấy không lấy anh vì tiền. Anh biết rõ như vậy. Thế mà anh lại nghĩ đến tiền. Nếu biết được anh đã tự động gắn kết cô ấy với tiền như thế, dù chẳng theo lô-gic nào cả, cô ấy sẽ cảm thấy còn bị xúc phạm nặng nề hơn.

Cô ấy bỏ đi, đúng lúc anh ở trên những bâc thang cao nhất của quyền lực. Ủy viên Bộ Chính Trị không phải là tầm thường.

Dĩ nhiên, sau đó anh lấp chỗ của cô ấy bằng những người phụ nữ khác, gần như ngay lập tức. Anh đã không kể cho em chuyện đó. Vì sao? Không chỉ là không kể cho em, anh đã tìm cách để làm cho việc đó thành ra không tồn tại, như thế nó không xảy ra. Anh đã xoá nó như xoá một vết bẩn trên áo sơ-mi, chỉ bằng thứ bột giặt thông thường nhất. Anh đã xoá bỏ cô ấy bằng một cách thức hết sức đơn giản, anh nghĩ: cô ấy là đồ tồi, một phụ nữ tồi tệ, buồn tẻ và nhàm chán, nhạt nhẽo, chẳng có gì thú vị, lại đã bắt đầu già và nhăn nheo. Ngực đã bắt đầu xệ xuống, bắp chân bắp tay đã bắt đầu nhẽo ra. Đã thế còn bày đặt lý sự, còn dám quy kết phán xét anh. Cô ấy là cái gì mà tự coi mình cao giá như vậy! Bỏ anh ư? Cô ấy đi thì anh sẽ có cơ hội với những mối quan hệ mới một cách đàng hoàng, chẳng việc gì phải nuối tiếc. Anh không thiếu những cô gái trẻ hơn cô ấy nhiều, đẹp hơn cô ấy nhiều, biết chiều chuộng và ngoan ngoãn hơn cô ấy nhiều. Đầy rẫy xung quanh anh những thiếu nữ mắt nai, tóc nâu, tóc vàng, thời trang bốn mùa, xinh tươi, gợi cảm. Họ lấy ngoan ngoãn và phục tùng làm phẩm chất hàng đầu để đảm bảo mối quan hệ lâu dài với đàn ông sau khi đã dùng thân xác quyến rũ họ. Thiếu gì phụ nữ mà anh phải nghĩ ngợi đau khổ vì cô ấy. Cô là cái thá gì mà dám tỏ ra cao ngạo. Ai trên đời này cũng có thể thay thế cô, cô chả là cái đinh gì. Bày đặt lắm chuyện. Đi thì đi, có sao đâu. Cô ấy chưa đi đã có hàng tá các cô khác thèm muốn địa vị của cô ấy và sẵn sàng thế chỗ cô bất kỳ lúc nào. Thậm chí cũng không thiếu các cô đã mất bao nhiêu công sức để quyến rũ anh, và bày bao nhiêu mưu mẹo để gạt cô ấy ra khỏi đời anh. Bước chân ra khỏi nhà rồi đừng bao giờ mong quay lại. Cửa nhà này đã đóng lại với ai thì sẽ không bao giờ mở ra nữa. Cô cứ đi đi. Lúc đó anh nghĩ như vậy, hình dung cảnh cô ấy cầu xin trở về với anh còn anh lại lạnh lùng từ chối. Và anh dẹp cơn sốc của mình bằng những ý nghĩ đó.

Đó là những gì anh vừa nhớ lại được. Tại sao ký ức đó lại là thứ nổi lên đầu tiên trên bề mặt trí nhớ của anh, khi anh kiếm tìm lý do giúp anh có được tình yêu của em?

Anh viết đến đây, nhìn ra ngoài vẫn thấy người đàn ông mặc áo mưa đang kiểm tra, xem xét trên nóc ngôi nhà đối diện. Mưa nặng hạt, và anh ta cứ loay hoay tìm kiếm. Hình như trong tay anh ta có một dụng cụ nào đó. Anh ta nhấc cái nọ, vạch cái kia, hết xoay rồi vặn, mãi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến đồ vật trong nhà bị hỏng. Anh cũng thế, anh chưa thể giải thích tại sao ký ức đó lại là thứ đầu tiên anh nhớ ra. Ly cà-phê của anh đã hết tự bao giờ. Đáy ly đọng lại một vệt màu nâu, màu hoài niệm. Mưa dày hơn, ồ ạt hơn, cánh đồng bị bao phủ trong một màn trắng đục, những gợn sóng trên sông lượn theo đủ các hướng, dâng cao hơn cả bờ, nhưng không hiểu tại sao không bị tràn ra ngoài. Xung quanh mờ mịt, mắt anh mờ mịt, đầu anh mờ mịt. Bên trong anh có cái gì hỏng hóc. Có lẽ anh phải bắt chước anh chàng kia, đi ra ngoài để tìm kiếm nguyên nhân, phải ra dưới trời mưa, phải khoác áo mưa vào mà xem xét. Anh không thể hiểu điều gì trong anh khiến em vẫn còn có thể yêu anh. Anh sẽ phải tiếp tục tìm kiếm nó, tiếp tục viết cho em, dù chẳng gửi tới em và dù nơi chín suối em không thể nào đọc được những bức thư này nữa.

 

Một ngày ngõ hầu đã khác

 

 

---------------

Đã đăng:

... Ông đã không muốn cô ấy nói dối, nên tôi cũng không nói dối ông. Giới hạn chịu đựng cuối cùng của cô là bức thư trong đó ông kể về việc viết bài “Trí thức ca”. Cô ấy nói: “Anh ấy trở về để làm điều này cho đất nước anh ấy đây”. Rồi tim cô hoàn toàn ngừng đập. Tôi đã làm hết sức mình để cứu trái tim của cô ấy, nhưng tôi đã bất lực... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 6]  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh được đặt hàng để viết một bài ca nhằm ru ngủ giới trí thức. Mục đích là giúp họ ngủ, và để yên mặc cho ai muốn làm gì thì làm, mặc cho mọi thứ xung quanh bị tàn phá, bị chia chác, bị thất thoát và mất mát. Trí thức cần phải ngủ ngon và ngủ ngoan, người đặt hàng nói với anh như vậy... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 5]  (truyện / tuỳ bút) 
... Em biết là với khả năng của anh, anh có thể làm một nhà tư tưởng, nhưng lệnh trên chỉ cho anh đóng vai trò cái loa. Không bao giờ anh được phép đóng vai trò một nhà tư tưởng. Không phải riêng anh mà tất cả mọi người trong xã hội này đều không được phép. Vì chỉ có một vài người xứng đáng làm nhà tư tưởng thôi, những người sẽ sống mãi trong sự nghiệp chung, những người sẽ soi đường chỉ lối, là kim chỉ nam cho tất cả cộng đồng. Anh làm gì thì làm, mọi người làm gì thì làm, không được phép thay thế Người. Nghệ thuật tối cao là nghệ thuật trở thành cái loa phóng thanh cho tư tưởng của Người. Ai nắm được nghệ thuật đó người ấy sẽ thành công. Ai sử dụng thuần thục nghệ thuật đó người ấy sẽ đại thành công... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 4]  (truyện / tuỳ bút) 
... Khôn cũng đồng nghĩa với việc biết dẹp lòng tự trọng sang một bên. Anh đã bốn mươi tuổi, nhưng nếu sếp xoa đầu anh như một đứa trẻ anh cũng phải để yên cho sếp sờ. Mà không chỉ đầu, nếu bị sờ xuống vai, xuống tay, hay bị sờ đùi cũng phải ngồi yên để đón nhận. Phụ nữ khôn thì không những để yên mà còn phải biết khuyến khích. Điều này quan trọng lắm. Một trong những nét nghĩa của khôn là mâu thuẫn với lòng tự trọng... (...)
 
... Đừng sợ làm họ đau. Nếu không đau thì làm sao họ có thể thức tỉnh? Những lời ve vuốt đường mật chỉ khiến họ chìm sâu hơn vào giấc ngủ mà thôi. Và nếu tất cả chúng ta cứ chìm mãi trong giấc ngủ mụ mị thì nhắm mắt cũng nhìn thấy các hậu quả. Chẳng phải mọi vấn nạn hiện nay đều là hậu quả của giấc ngủ mê mệt của tất cả chúng ta hay sao?... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 3]  (truyện / tuỳ bút) 
... Cô có hiểu “nhục mà không nhục” có nghĩa là gì không? Cô cứ tưởng là chúng tôi đang bị láng giềng o ép, chúng tôi mất biển đảo, biên giới, tài nguyên khoáng sản về tay họ thì chúng tôi nhục ư? Chúng nó là nước lớn mà đi bắt nạt nước nhỏ chúng nó mới nhục, chứ chúng tôi thì nhục gì! ... Mà mọi thứ ở chỗ chúng tôi đều có đảng và nhà nước lo rồi, đảng và nhà nước không nhục thì chúng tôi việc gì phải cảm thấy nhục? Cô chỉ nhìn thấy bề mặt sự việc mà không nhìn thấy cái gì ẩn sau đó... (...)
 
... Anh làm ơn giải thích điều này: theo miêu tả của bác sĩ thì có vẻ như trong xã hội của anh, mọi người đều yêu mến nhau, nhân viên yêu mến sếp, đồng nghiệp yêu quý nhau, và suy rộng ra thì nhân dân yêu lãnh tụ, công dân yêu nhà nước, học sinh yêu quý thầy cô... Nhưng tại sao đọc báo hầu như chỉ thấy tin cướp, giết, hiếp, bạo lực học đường, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi, tham nhũng, lừa đảo, bắt bớ, đàn áp, bỏ tù...? Em không thể hình dung một xã hội như thế lại là kết quả của tình yêu mến... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 2]  (truyện / tuỳ bút) 
... Đàn ông ở đây không coi phụ nữ là danh dự của mình, và còn lâu mới có bình đẳng thực sự. Thiếu gì đàn ông sẵn sàng dâng vợ hay em gái cho sếp hay cho đối tác để làm bàn đạp thăng tiến hoặc thủ lợi. Vợ họ, em họ còn bị đối xử như thế thì họ sá gì việc con em người khác có đi làm nô lệ tình dục ở đâu. Gần đây thôi, một phụ nữ trí thức mỏng manh đã bị một đám đàn ông trí thức đánh tan nát trên hàng đống tờ báo. Đọc những bài đánh cô ấy mặt anh cứ đỏ rực, đỏ rực vì xấu hổ, thằng đàn ông trong anh xấu hổ, hoá ra anh còn biết xấu hổ. Và cô ấy lại bị một đám đàn ông trí thức khác cho thôi việc. Và những đàn ông trí thức còn lại đồng loạt im lặng... (...)
 
... Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa... (...)
 
Gửi người yêu và tin  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối trá. Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó, thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba lên bốn... (...)
 
Tình yêu  (truyện / tuỳ bút) 
... Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này? / Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư? / Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống ở trên tay mẹ kia. / Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021