thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gửi người yêu và tin [thư số 8]

 

Đã đăng:

 

Gửi em,

Đã nhiều ngày trôi qua, đúng hơn, đã gần một năm trôi qua, hôm nay anh mới lại có thể viết tiếp cho em. Sau hồi ức về việc vợ anh ra đi, trí óc đóng băng trở lại. Nó không chịu nhúc nhích động đậy gì nữa. Cứ như thể anh bị bệnh, bệnh gì anh không rõ. Anh cảm thấy cần được chữa trị. Anh cũng không biết phải bắt đầu từ đâu cho cuộc chữa trị này. Ông bác sĩ đã chết từ lâu, hơn nữa, ông ấy đã đẩy anh tới tình trạng này, làm sao ông có thể giúp anh thoát ra được. Anh phải tự mò mẫm, phải tự tìm cho mình các kỹ thuật và các phương pháp trị liệu.

Anh không biết cụ thể chúng sẽ như thế nào. Nhưng anh bắt đầu nhận ra, nhờ đọc lại lá thư anh viết vào cuối năm 2012 xa lắc xa lơ, rằng anh đã rất sợ sự giả dối, anh đã chữa trị cho hết nỗi sợ đó, và rốt cuộc, anh mắc phải đúng cái thứ anh từng sợ. Anh đã vướng vào nó suốt ngần ấy năm trời.

Bây giờ anh mới thật là bị bệnh nặng. Làm sao chữa lành căn bệnh này, có ai có thể giúp anh chữa lành căn bệnh này ? Anh sẽ cố nhìn lại con người mình. Có lẽ cần bắt đầu từ đó.

Có phải em từng bảo anh : để có thể nói được về tất cả mọi điều, để có thể đối diện với mọi sự thật, cần phải rất mạnh. Mà anh lại yếu ốm như thế này. Một kẻ suốt đời chỉ quen nghe ca tụng là một kẻ yếu đuối nhất trần đời. Hắn không thể nghe một lời nào làm hắn phật ý. Bị nuông chiều bởi những lời đường mật, cơ thể hắn bệu ra dưới những cái vuốt ve ngọt ngào, không có một chút đề kháng nào với sương gió gai góc của sự thật.

Bây giờ anh thừa nhận vị hôn phu của em nói đúng về việc con người anh đã càng ngày càng trở nên đồi bại. Khi anh bay sang viếng mộ em, anh không chấp nhận điều đó. Làm sao một biểu tượng thành đạt và uy tín xã hội đầy mình như anh lại có thể là một con người đồi bại được. Người ta ngưỡng mộ anh, còn anh tự hào về bản thân mình. Lúc đầu anh cho rằng người đàn ông đó ghen tị với anh nên nói vậy. Nhưng suốt một năm qua, anh dần dần thấy ông ta không nói oan cho anh. Chẳng qua anh đã quá giỏi trong việc tự lừa dối chính mình.

Và anh loay hoay với ý nghĩ : để có thể yêu anh bất chấp con người anh càng ngày càng tệ hại như thế, hẳn em đã phải tin vào một điều gì đó trong anh, hẳn em đã phải tin rằng anh vẫn còn có thể cứu chữa được, còn có cái gì đó trong sâu thẳm nơi anh vẫn đáng giá. Anh không biết đó là cái gì, nhưng anh nghĩ nó phải là cái gì tốt đẹp, anh cần bám víu vào đó, vào cái điểm cuối cùng nào đó đã giúp anh giữ được tình yêu của em. Là thứ anh không còn nhìn thấy, không còn biết đến, nhưng em vẫn thấy nó, vẫn nhận ra nó trong cái đống thối rữa là tâm hồn anh.

Nó là cái gì? Anh sẽ phải đi tìm nó, để hiểu vì sao em yêu anh.

Nhưng còn có thể có gì tốt đẹp nơi anh, nơi cái con người dưới trùng điệp những lớp mặt nạ giả dối và lừa bịp này ?

Dù sao anh cũng sẽ cố. Anh sẽ viết cho em để có thể nhìn thấy con người thật của chính mình. Anh cần viết cho em để cắt nghĩa cho anh, phải cho chính anh, vì sao đời anh đã diễn ra theo cách đó, vì sao anh đã chấp nhận đợt chữa bệnh đó. Anh sẽ gắng không nương nhẹ với mình. Anh đã giết em bằng sự giả dối mà ngày xưa anh rất đỗi căm ghét. Chính con người giả dối anh cứ trâng tráo khoe ra trước em đã giết dần em. Anh sẽ gắng hết sức để nhìn thẳng vào nó. Anh biết cái nhìn của con người khúc xạ qua bao nhiêu thứ, nhất là cái con người đã bị chôn vùi dưới nghìn tầng dối trá là anh hiện nay. Làm sao anh còn có thể nhìn mình như anh đúng là, như anh chính là, chứ không phải như anh muốn nhìn. Anh biết, rồi anh sẽ tìm mọi cách để tự bảo vệ mình, tự mỹ hóa, tự tô son trát phấn lên cái mặt đàn ông già nhăn nheo của anh. Anh biết anh sẽ không thoát khỏi cái cơ chế tự dối lừa ấy, cái cơ chế tự lừa dối đã hoạt động trong não và tim anh từ bao nhiêu năm nay. Làm sao anh kháng cự lại nổi nó ? Những virus giả dối được đưa vào người anh và những virus giả dối nội sinh trong anh phối hợp chặt chẽ với nhau và hoành hành trong cơ thể anh từ lâu lắm rồi, làm sao anh thoát ra khỏi quyền lực giả dối của chúng ? Nhưng anh sẽ cố, hết sức có thể. Hãy giúp anh, những lúc anh cố tình tự lừa dối như vậy, hãy nhìn anh bằng đôi mắt thẳng thắn của em.

Có lẽ, vào cái ngày biết chắc mình “khỏi bệnh”, anh hiểu mình đã xây xong bức tường trong nội tâm, một bức tường rất vững chắc. Chất liệu là những mảnh lương tâm. Anh đập vỡ lương tâm mình ra thành từng mảnh, khiến cho các ý thức không thể nào kết nối lại với nhau được nữa. Rồi dùng vôi vữa vô cảm trát vào. Em thấy đấy, giữa các mảnh lương tâm là lớp vữa vô cảm, câm lặng. Mặt ngoài của bức tường, anh trát lên lớp sơn ngụy biện, loại tốt nhất và bền nhất, sơn đâu cũng đẹp như lời quảng cáo, thế là mọi việc hoàn tất. Lương tâm không bao giờ còn lên tiếng được nữa, không bao giờ còn có thể dằn vặt anh nữa. Anh lại có đầy đủ các lý lẽ ngụy biện để biến xấu thành tốt, bất lương thành lương thiện, giả dối thành sự thật. Bức tường hoàn hảo thế là đã được xây xong. Anh dùng bức tường đó ngăn con người thật của anh và con người xã hội, con người sẽ thích ứng với xã hội, con người được trưng ra ngoài xã hội, con người hấp thu mọi tác động xã hội… gọi sao cũng được. Sau một thời gian, anh đạt tới trạng thái thống nhất, anh không còn băn khoăn gì về con người thật của mình nữa. Mọi thứ ở anh đều là thật. Anh thấy mọi thứ ở anh đều là thật.

Vì sao anh thành ra như thế ?

Vào cái thời điểm anh quyết định đi gặp bác sĩ và chấp thuận để cho ông ta điều trị, anh rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, anh bế tắc khủng khiếp. Cuộc đời là một tấm mạng nhện dệt bằng toàn những dối trá hạng cao cấp, mỗi sợi lưới của nó là một câu chuyện người ta bịa ra để bịp bợm người khác và để tạo ảo tưởng cho chính mình.

Thế giới được cấu thành từ những tín điều lừa mị. Ngay cả những người anh tin tưởng nhất cũng là những kẻ đại bịp. Họ tìm sự thông đồng của anh để làm cho tấn đại kịch của họ hoành tráng hơn mà thôi. Anh chẳng gì khác hơn là công cụ cho sự nghiệp của họ. Anh mang đến cho họ toàn bộ niềm tin của mình, sự ngây thơ và nhiệt tình, và dĩ nhiên cả sự tưởng tượng của anh về nhân cách của họ. Anh đã phát bệnh. Và anh đã tìm cách chữa bệnh.

Anh đang nói gì vậy ? Không đâu, em đừng tin.

Anh đang tìm cách tự bào chữa cho mình đấy, đang tìm cách đổ lỗi cho người khác đấy. Em đừng tin.

Người khác dối trá không phải lý do để anh chấp nhận trở nên dối trá. Người khác đồi bại không phải là lý do để anh trở nên đồi bại. Nếu anh bị người ta lừa dối thì đấy càng không phải là lý do để anh cũng lại đi lừa dối. Ừ, anh đã quen đổ lỗi cho người khác, anh đã quen phủ nhận trách nhiệm của mình. Ở thời điểm anh nhận ra rằng mình đã bị lừa, anh vẫn luôn có lựa chọn. Anh có thể nói to lên cho tất cả mọi người biết anh bị lừa. Nói to lên anh sẽ giúp những người khác không tiếp tục mắc sai lầm như anh. Lẽ ra anh đã có thể giúp những người khác bằng chính kinh nghiệm đau đớn của mình.

Nhưng anh đã chọn cách trở thành giống như họ. Tại sao ? Có lẽ vì anh cảm thấy quá cô độc? Có lẽ vì anh thấy không còn ai xung quanh mình, không ai bảo vệ mình, không ai còn đáng tin nữa? Có lẽ anh cảm thấy bị bỏ rơi và cần được cộng đồng dung chứa? Anh không đủ mạnh để tự tử, anh không đủ mạnh để bỏ lên núi sống một cuộc đời cỏ cây. Anh cũng chẳng đủ mạnh để phát điên. Những người điên, họ phải có cái gì rất mạnh ở trong họ, mạnh đến mức vượt khỏi mọi sự kiểm soát của lý tính. Chẳng có cái gì mạnh mẽ như thế ở trong anh. Và anh bị hút về phía đó, về phía cái xã hội đã ruồng bỏ anh, về phía những người đã chối từ anh, và anh muốn sống cùng họ, ở giữa họ. Chỉ có thể ở giữa mọi người khi trở thành giống như họ, trở thành bình thường. Thời điểm đó, anh cảm thấy mình quá bất bình thường. Tại sao anh không thể kính trọng một người được tất cả mọi người kính trọng ? Anh quả là quá bất bình thường. Rồi anh đã trị liệu. Anh trị liệu để có thể thành công, để có thể đạt tới những chức vụ mơ ước, có nhiều tài sản và quyền lực. Anh trị liệu để anh có thể kính trọng những kẻ đáng khinh. Và để anh có thể trừng phạt những người đáng trọng, mức độ thấp thì nói xấu họ, mức độ cao hơn thì sa thải họ, cao hơn nữa thì kết tội để họ phải vào tù. Nếu biết anh như vậy, em còn có thể yêu anh được nữa không ?

Nhưng trước khi tới bước trị liệu, anh đã trải qua nhiều giai đoạn. Đây là một trong những điều mà giờ đây ký ức anh có thể gợi lại.

Đó là một buổi chiều mùa hè, khoảng sáu tháng sau khi anh bảo vệ tiến sĩ xong và trở về nước làm việc. Anh nhớ rõ buổi chiều hôm ấy rất nắng, chói chang, ngột ngạt, không có gió. Anh lên văn phòng khoa, gặp cô Phó Trưởng Khoa để nộp hồ sơ cho cái đề tài khoa học cấp trường anh định tiến hành vào thời gian đó. Cô ấy lật đống giấy tờ của anh, xem đi xem lại, không nói gì. Sốt ruột quá anh hỏi : “Chị xem còn thiếu gì không ?”. Cô ấy ngẩng lên : “Sao ?”. Anh tiếp : “Nếu đủ giấy tờ rồi thì giải quyết hộ tôi, lát nữa tôi còn phải lên lớp.». Cô ấy nhìn anh : “Anh phải nói ‘xin chị cho tôi nộp hồ sơ’ mới được”.

Người đàn bà đó vừa nói với anh vừa cười, nụ cười không độc ác. Không, cô ấy không độc ác, dù cô muốn đè bẹp anh. Gương mặt nhẹ nhõm của cô trông vẫn có vẻ nhẹ nhõm khi cô nói ra cái câu mà anh hiểu rằng, anh buộc phải hiểu rằng, cô đang muốn anh phải trở về đúng vị trí thấp hèn của mình, rằng anh chỉ có thể có một vị trí thấp hèn mà thôi, dù anh là tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về. Anh muốn có điều gì, dù rất nhỏ, anh đều phải mở miệng ra mà xin, và cô ấy là người có quyền cho anh. Dù chỉ là để nộp cái hồ sơ thôi anh cũng phải xin. Và cô ấy cho anh được nộp hồ sơ. Nguyên lý là như vậy đó. Hồ sơ có được duyệt hay không lại là chuyện khác, lúc đó anh phải xin những người khác, những người ngồi trong hội đồng duyệt hồ sơ của anh. Còn giờ đây, vào lúc đi nộp hồ sơ này, anh phải để cô ấy thực hiện cái quyền ban cho. Sai lầm của anh là đã tước mất cái cảm giác ban cho của cô ấy, tước mất cảm giác bề trên của cô ấy, dám kéo cô ấy xuống ngang hàng với anh, hay tự đẩy anh lên ngang hàng với cô ấy, cũng như nhau thôi. Không, cô ấy không độc ác dù cô muốn đè bẹp anh. Khuôn mặt cô nhẹ nhõm, thanh tú. Đôi khi cô có đay nghiến người khác, nhưng chắc không phải vì độc ác. Có thể thế được chăng ? Ừ, có vẻ là như thế.

Cô thấy bình thường việc anh phải biết ơn cô vì cô được nắm giữ khoản tiền nhà nước giao cho cô, với tư cách là người quản lý. Anh phải bày tỏ lòng biết ơn cô mới cho anh cái cơ hội tiếp cận với phần tiền đáng lẽ dành cho công việc của anh. Mà sao lại đáng lẽ. Lập luận của anh sai. Ngoài anh ra còn bao nhiêu người khác đang chờ tới lượt. Hơn nhau chỉ là ở chỗ ai có khả năng thiết lập quan hệ với cô, ai tỏ ra cho cô thấy lòng biết ơn vô bờ bến. Và dĩ nhiên, không chỉ biết ơn suông, ngoài việc biểu lộ lòng biết ơn bằng lời lẽ, đúng như ông bác sĩ nói, lòng biết ơn cũng phải được lượng hóa bằng phong bì. Chính lúc đó anh lờ mờ hiểu ra vì sao trong khoa có những người thường xuyên được làm đề tài nghiên cứu, và có những người hầu như chẳng bao giờ được duyệt. Cô hẳn đã thấy anh quá thể lắm mới quát to vào mặt anh như vậy : “Có xin thì mới cho”. Tiếng quát của cô khiến anh bất giác lùi lại một bước. Trong khoảnh khắc, anh sững lại, anh tự thấy mình hèn, sao có thể hoảng sợ vì câu gắt của một phụ nữ như vậy ? Để giấu cả nỗi thẹn lẫn nỗi bối rối của mình, anh lùi ra cửa. Anh vừa cảm thấy nhục vừa tự che chắn bằng cách nghĩ rằng cô ấy không cố tình làm nhục anh, rằng đó chẳng qua chỉ là một thói quen. Người phụ nữ lại kêu to : “Anh đi đâu vậy ? Có xin không thì bảo ?”. Anh càng bối rối hơn và đi ra hẳn khỏi cửa, lòng cay đắng biết rằng cơ hội làm đề tài nghiên cứu của anh đã rơi vào tay kẻ khác, kẻ biết xin. Càng bước đi, càng bối rối. Liệu anh có thể là một kẻ không biết xin mà vẫn tồn tại được không, trong xã hội này có chỗ nào dung chứa kẻ không biết xin ?

Sau này anh mới đạt tới đỉnh điểm của nghệ thuật “xin mà không xin”, cái nghệ thuật khiến cho cả người xin và người cho đều cảm thấy thoải mái. Người cho dĩ nhiên thoải mái với vị thế ban cho của mình rồi, còn người xin cũng phải thấy hãnh diện, thế mới cần đến nghệ thuật chứ. Phải biết xin mới có thể đứng vào vị trí của kẻ cho. Không phải ai đi xin cũng có ngày đứng vào chỗ kẻ đi cho. Nhưng không biết xin thì đừng bao giờ mơ đến lúc có thứ mà cho, đừng có mơ cái hạnh phúc được nắm các thứ trong tay mà ban phát cho thiên hạ. Đấy là phép biện chứng xin-cho. Phép biện chứng này cần được các nhà lý luận Mác-Lê bổ sung vào hệ thống biện chứng pháp của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Còn lúc đó anh cảm thấy sao mà nhục nhã. Anh gặm nhấm nỗi nhục của mình trong nhiều tuần liền, đến nỗi sáng thứ hai anh không lên họp khoa, biết rằng anh sẽ phải chạm mặt cô ấy.

Rồi anh đã quen dần với những việc như thế, chúng xảy ra gần như hàng ngày. Mỗi khi anh nhận được cái gì, dù đó là một khoản tiền thưởng còm cõi cho bao nhiêu công sức mà anh đã bỏ ra, dù đó là vài đồng tiền tết mang tính tượng trưng, hơn thế, mang tính sỉ nhục đối với người lao động, nhất lại là lao động trí óc, người ta đều buộc anh phải nhớ rằng họ ban ơn cho anh, buộc anh phải biết ơn họ. Ngày này qua ngày khác, anh phải quen với việc bị đối xử như thế. Anh phải quen với việc biết ơn cái thân phận lệ thuộc của mình, biết ơn cái thể chế đã tròng xích vào cổ mình, biết ơn cái thiết chế đã thuê mình với đồng lương chết đói, biết ơn cái cơ chế chỉ coi con người là công cụ, biết ơn những gì khiến cho nhân tính và nhân phẩm bị hủy hoại. Anh ở trong đống bùn, và anh phải biết ơn những kẻ ngồi trên ngôi cao đã cho anh cái thân phận bùn lầy đó. Cũng từng có lúc anh không chịu nổi mà phát ốm. Nhưng rồi như em đã thấy, sau đợt trị liệu anh đã tìm được cách biến nỗi nhục thành một sự tự hào bệnh hoạn, và hơn thế, sau đó anh đã giải quyết bằng cách bắt người khác phải chịu đựng chính cảm giác nhục nhã đó, để trả thù cho việc chính mình bị sỉ nhục. Anh đã không thấy rằng như thế thật hèn hạ biết bao.

Cái sự hèn nó mang nhiều dáng vẻ, mang nhiều sắc thái, mang nhiều khuôn mặt. Anh tô son trát phấn lên nó, đeo lên nó cái mặt nạ kiêu hãnh, rồi đến lúc quên mất rằng dưới lớp son phấn đó, dưới lớp mặt nạ đó, thật ra chỉ là nỗi nhục nhã mình phải gánh chịu và bắt người khác phải gánh chịu. Bao nhiêu năm anh đã sống với lớp hóa trang màu mè đó và nghĩ rằng mình bình thường, rằng mình đã được chữa khỏi bệnh. Điều khốn nạn nhất là anh có thể cảm thấy thỏa mãn với tình trạng đó.

Vì sao lại là ký ức về câu chuyện xin cho đó? Tưởng chừng như một chi tiết chẳng có gì quan trọng bởi anh còn nhiều vụ xin cho khác kinh khủng hơn rất nhiều, lẽ ra nó phải chìm lấp trong bao nhiêu chi tiết khác của đời anh, mà giờ đây nó lại được đẩy lên trong bộ nhớ ? Vì sao anh không quên được nó tại thời khắc này, thời khắc anh quyết định sẽ không nương nhẹ với chính mình, sẽ đi đến tận cùng mọi ngóc ngách trong nội tâm vốn đã bị che phủ bởi bức tường vô lương và vô cảm ? Anh sẽ làm việc này, dù biết rằng phơi bày hết ra như thế sẽ khiến em đau lòng hơn nữa. Nhưng anh nhất quyết làm việc đó, nhất quyết đi tới tận cùng cái góc mà anh đã cố che lấp, đã cố phủ nhận, cố lờ đi. Anh muốn tìm xem cái gì khiến em có thể yêu anh, rốt cuộc là anh lại đối diện với những gì đã khiến trái tim em phải đau đớn. Nhưng anh phải đi hết con đường, nếu không có lẽ anh cũng sẽ không tìm ra được cái điểm mà vì nó em đã yêu anh. Hình như cái điểm đó nằm ở cuối con đường này.

 

 

---------------

Đã đăng:

Gửi người yêu và tin [thư số 7]  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh đã không trở thành nhà tâm linh, mà trở thành chính trị gia. Làm tâm linh hay làm chính trị ở xứ này dù con đường có khác nhau nhưng đều có mục đích như nhau thôi: dẫn dụ, mê hoặc và làm mê muội con người. Làm chính trị đúng gu của anh hơn. Anh bước từng bước vững chắc trên những nấc thang quyền lực, cho đến cái nấc Bộ Chính Trị... (...)
 
... Ông đã không muốn cô ấy nói dối, nên tôi cũng không nói dối ông. Giới hạn chịu đựng cuối cùng của cô là bức thư trong đó ông kể về việc viết bài “Trí thức ca”. Cô ấy nói: “Anh ấy trở về để làm điều này cho đất nước anh ấy đây”. Rồi tim cô hoàn toàn ngừng đập. Tôi đã làm hết sức mình để cứu trái tim của cô ấy, nhưng tôi đã bất lực... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 6]  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh được đặt hàng để viết một bài ca nhằm ru ngủ giới trí thức. Mục đích là giúp họ ngủ, và để yên mặc cho ai muốn làm gì thì làm, mặc cho mọi thứ xung quanh bị tàn phá, bị chia chác, bị thất thoát và mất mát. Trí thức cần phải ngủ ngon và ngủ ngoan, người đặt hàng nói với anh như vậy... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 5]  (truyện / tuỳ bút) 
... Em biết là với khả năng của anh, anh có thể làm một nhà tư tưởng, nhưng lệnh trên chỉ cho anh đóng vai trò cái loa. Không bao giờ anh được phép đóng vai trò một nhà tư tưởng. Không phải riêng anh mà tất cả mọi người trong xã hội này đều không được phép. Vì chỉ có một vài người xứng đáng làm nhà tư tưởng thôi, những người sẽ sống mãi trong sự nghiệp chung, những người sẽ soi đường chỉ lối, là kim chỉ nam cho tất cả cộng đồng. Anh làm gì thì làm, mọi người làm gì thì làm, không được phép thay thế Người. Nghệ thuật tối cao là nghệ thuật trở thành cái loa phóng thanh cho tư tưởng của Người. Ai nắm được nghệ thuật đó người ấy sẽ thành công. Ai sử dụng thuần thục nghệ thuật đó người ấy sẽ đại thành công... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 4]  (truyện / tuỳ bút) 
... Khôn cũng đồng nghĩa với việc biết dẹp lòng tự trọng sang một bên. Anh đã bốn mươi tuổi, nhưng nếu sếp xoa đầu anh như một đứa trẻ anh cũng phải để yên cho sếp sờ. Mà không chỉ đầu, nếu bị sờ xuống vai, xuống tay, hay bị sờ đùi cũng phải ngồi yên để đón nhận. Phụ nữ khôn thì không những để yên mà còn phải biết khuyến khích. Điều này quan trọng lắm. Một trong những nét nghĩa của khôn là mâu thuẫn với lòng tự trọng... (...)
 
... Đừng sợ làm họ đau. Nếu không đau thì làm sao họ có thể thức tỉnh? Những lời ve vuốt đường mật chỉ khiến họ chìm sâu hơn vào giấc ngủ mà thôi. Và nếu tất cả chúng ta cứ chìm mãi trong giấc ngủ mụ mị thì nhắm mắt cũng nhìn thấy các hậu quả. Chẳng phải mọi vấn nạn hiện nay đều là hậu quả của giấc ngủ mê mệt của tất cả chúng ta hay sao?... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 3]  (truyện / tuỳ bút) 
... Cô có hiểu “nhục mà không nhục” có nghĩa là gì không? Cô cứ tưởng là chúng tôi đang bị láng giềng o ép, chúng tôi mất biển đảo, biên giới, tài nguyên khoáng sản về tay họ thì chúng tôi nhục ư? Chúng nó là nước lớn mà đi bắt nạt nước nhỏ chúng nó mới nhục, chứ chúng tôi thì nhục gì! ... Mà mọi thứ ở chỗ chúng tôi đều có đảng và nhà nước lo rồi, đảng và nhà nước không nhục thì chúng tôi việc gì phải cảm thấy nhục? Cô chỉ nhìn thấy bề mặt sự việc mà không nhìn thấy cái gì ẩn sau đó... (...)
 
... Anh làm ơn giải thích điều này: theo miêu tả của bác sĩ thì có vẻ như trong xã hội của anh, mọi người đều yêu mến nhau, nhân viên yêu mến sếp, đồng nghiệp yêu quý nhau, và suy rộng ra thì nhân dân yêu lãnh tụ, công dân yêu nhà nước, học sinh yêu quý thầy cô... Nhưng tại sao đọc báo hầu như chỉ thấy tin cướp, giết, hiếp, bạo lực học đường, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi, tham nhũng, lừa đảo, bắt bớ, đàn áp, bỏ tù...? Em không thể hình dung một xã hội như thế lại là kết quả của tình yêu mến... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 2]  (truyện / tuỳ bút) 
... Đàn ông ở đây không coi phụ nữ là danh dự của mình, và còn lâu mới có bình đẳng thực sự. Thiếu gì đàn ông sẵn sàng dâng vợ hay em gái cho sếp hay cho đối tác để làm bàn đạp thăng tiến hoặc thủ lợi. Vợ họ, em họ còn bị đối xử như thế thì họ sá gì việc con em người khác có đi làm nô lệ tình dục ở đâu. Gần đây thôi, một phụ nữ trí thức mỏng manh đã bị một đám đàn ông trí thức đánh tan nát trên hàng đống tờ báo. Đọc những bài đánh cô ấy mặt anh cứ đỏ rực, đỏ rực vì xấu hổ, thằng đàn ông trong anh xấu hổ, hoá ra anh còn biết xấu hổ. Và cô ấy lại bị một đám đàn ông trí thức khác cho thôi việc. Và những đàn ông trí thức còn lại đồng loạt im lặng... (...)
 
... Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa... (...)
 
Gửi người yêu và tin  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối trá. Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó, thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba lên bốn... (...)
 
Tình yêu  (truyện / tuỳ bút) 
... Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này? / Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư? / Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống ở trên tay mẹ kia. / Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021