thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khăn tương tư

 

Nhớ — thương nhớ — là một trong những bản tính đặc thù của con người. Và của cả một số động vật khác nữa. Chẳng hạn kẻ tha hương lữ thứ nhớ quê nhà, người chinh phụ nhớ chồng, cô gái nhớ người tình. Mà nỗi nhớ nó có cứ đeo đẳng trong lòng người suốt ngày suốt buổi? Có lẽ nào như thế. Vậy khi nào thì nhớ? Đấy là những lúc rảnh rỗi, hoặc cô đơn, hoặc dở đứng dở ngồi, hoặc trằn trọc thâu đêm, hoặc “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh”, hoặc nửa khuya thứ giấc.

Thi hào Lý Bạch hơn một ngàn năm về trước cũng đã nhiều lần nhớ nhà. Ông vốn sinh ra từ Tây vực, lớn lên sống lang bạt nhiều nơi ở Trung Nguyên, lẽ dĩ nhiên có nhớ quê cũ, và cũng lắm khi nhớ quê mới nơi ông đã đến, đã ở lâu, và đã nặng lòng. Nỗi nhớ rất ray rứt trong bài thơ Tĩnh Dạ Tứ (Tâm Tư Trong Đêm Vắng):

Sàng tiền khán nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Dịch xuôi:

Trông thấy ánh trăng trước giường ngỡ đấy là sương đọng trên mặt đất. Ngẩng đầu lên nhìn xa ngoài trăng sáng, lại đặt đầu xuống, lòng bồi hồi nhớ quê cũ.

Nhiều người đã dịch bài thơ đó ra tiếng Việt, một bài ngũ ngôn tứ tuyệt quá ngắn, chỉ hai mươi từ, quá cô đọng, khó có thể dịch hay và đủ ý. Bài thơ hàm chứa cả một nỗi cô đơn cùng cực của kẻ tha hương, của kiếp người, dưới một đêm trăng bao la, tịch mịch, dễ khiến ta liên tưởng đến hình ảnh một con chim trời lạc đàn, mỏi cánh, bàng hoàng nhớ tổ ấm ngày xưa. Ngoài ra, dịch giả nào cũng dịch chữ “đê đầu” là “cúi đầu”, kể cả những vị rất có uy tín về dịch thơ Đường như Trần Trọng San, Ngô Tất Tố, Nguyễn Hiến Lê, Trần Trọng Kim. Thật ra ta có thể tưởng tượng ra cảnh thi nhân nằm một mình trong quán trọ hoặc tại nhà một người bạn ở một nơi xa xôi. Thường khi đang ngủ bị đánh thức vì tiếng động lớn, nhưng ở đây hoặc vì giấc ngủ không yên, hoặc vì trăng vừa ló ra khỏi đám mây, ánh sáng chiếu đột ngột vào, khiến nhà thơ thảng thốt hơi nhổm người dậy ngẩng đầu lên nhìn trăng, rồi hạ người xuống kê đầu lên gối nằm thở dài và nhớ nhà. Nằm ngửa mình, ngóc đầu lên rồi đặt đầu xuống gối, hoặc “gối đầu” thay vì “cúi đầu”, cứ thế nhiều lần, đó là tất cả cái bồn chồn, thao thức của kẻ tha hương lữ thứ. Ở vị thế nằm, ta không thể cúi đầu được. Cúi đầu chỉ khi đứng.

Xin ghi lại mấy bài dịch khá phổ thông.

Bên giường vừa lọt ánh trăng
Trông ra mặt đất ngỡ rằng hơi sương
Ngẩng đầu ngó bóng gương vàng
Cúi đầu lại những mơ màng non quê
                                             Ngô Tất Tố
 
Trước giường trông trăng sáng
Cứ ngỡ ánh sương sa
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ quê nhà
                            Trần Trọng San
 
Trông trăng dọi trước giường
Những ngỡ đất mù sương
Ngẩng mặt nhìn trăng tỏ
Cúi đầu nhớ cố hương
                           Lê Nguyên Du
 
Bóng trăng rọi trước giường
Ngỡ là đất có sương
Ngẩng đầu trông trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương
                           Nguyễn Hiến Lê
 

Và dưới đây là bài dịch của Trần Trọng Kim có lẽ khá nhất tuy vẫn dịch chữ “đê đầu” thành “cúi đầu”:

Đầu giường chợt thấy bóng trăng
Mập mờ trên đất ngỡ rằng sương sa
Ngẩng đầu trông vẻ gương nga
Cúi đầu luống những nhớ nhà băn khoăn.

Viết đến đây tôi hơi chột dạ. Có thể rằng “đê đầu” chỉ có nghĩa độc nhất là “cúi đầu” chăng? Nằm ngửa, ngẩng đầu lên, rồi “hạ đầu” xuống gối, thì trong trường hợp này đã có chữ Hán khác diễn tả chăng? Tìm trong vài từ điển Hán Việt không thấy; hỏi vài vị Hán Học có uy tín, họ cũng phân vân. Hoặc cũng có thể nhà thơ trong đêm tịch mịch đứng một mình ngoài hiên nhà ngẩng đầu lên nhìn trăng rồi cúi đầu xuống? Tuy nhiên hình ảnh của một lữ khách nửa khuya thảng thốt choàng người hơi nhổm dậy, rồi buông người nằm xuống vẫn có sức thuyết phục hơn, và hợp tình hợp cảnh hơn. Cho nên người viết bài này mạo muội dịch thử, cố tránh chữ cúi đầu:

Trước sàng trăng chợt sáng
Lại ngỡ đất nạm sương
Ngẩng đầu nương bóng nguyệt
Gối đầu mơ cố hương

Đó là Lý Bạch nhớ nhà. Nàng chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm nhớ chồng lại có những cách thế khác, được Đặng Trần Côn mô tả bằng những câu thơ chữ Hán sau đây:

Cưỡng nhiên hương, hoa hồn tiêu đàn trụ hạ,
Cưỡng lâm kính, ngọc trợ trụy Lăng hoa tiền
Cưỡng viên cầm, chỉ hạ kinh đình Phượng hoàng trụ
Cưỡng điều sắt, khúc trung sầu yết uyên ương huyền.

Lại Ngọc Cang (Chinh Phụ Ngâm, Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 2007) dịch xuôi:

Gượng đốt hương, dưới nén đàn, hồn hoa tan tác
Gượng soi bóng, trước Lăng hoa, đũa ngọc tuôn đầy
Gượng dạo cầm, dưới ngón, lo khi Phượng hoàng đứng trục
Gượng lựa sắt, giữa bài, sầu lúc uyên ương đứt dây.

Tội nghiệp cho nàng quá, nếu kẻ tha hương lữ thứ nhớ quê đã có những cử chỉ như ngẩng đầu, gối đầu trong đêm khuya khi ánh trăng dọi vào, thì nàng chinh phụ lại loay hoay một mình tìm cách làm lại, lặp lại, ôn lại những gì đã cùng chàng chia sẻ khi hai người còn sum họp. Nàng đánh đàn, đàn cầm đàn sắt cùng với dây uyên dây ương, những thứ biểu tượng cho tình vợ chồng; nàng đốt lò hương nhớ những lần cùng chàng ngâm vịnh hay ngắm trăng; nàng nhìn vào tấm gương mà hai người đã biết bao nhiêu lần soi vào (Thoa cung Hán của ngày xuất giá/Gương lầu Tần dấu đã soi chung). Nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô vọng — hồn mê mẩn, lệ tuôn như đũa ngọc, trục đàn chùng, dây đàn đứt. Đoàn Thị Điểm dịch đọan trên như sau:

Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại chứa chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.

Thường, bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (có người bảo của Phan Huy Ích) hay hơn nguyên tác của Đặng Trần Côn; đoạn trên cũng rất hay nhưng không làm xốn xang cả tâm can người đọc như trong thơ chữ Hán. Trong nguyên tác, lời lẽ dồn dập, tràn trề, bi thiết. Đặc biệt chữ cưỡng đứng đầu mỗi câu trong bốn câu liên tiếp tạo nên sự lặp lại trùng điệp liên miên chẳng khác gì những cử chỉ ngẩng đầu, gối đầu trong đêm vắng của giấc ngủ không yên.

Trong Chinh Phụ Ngâm cũng còn có nhiều đoạn khác mô tả người chinh phụ ngẩn ngơ, tần ngần, loay hoay, dở đứng dở ngồi, đóng rồi mở, ôm rồi rời. hết đầy rồi vơi:

Đề chữ gấm, phong thôi lại mở
Gieo quẻ tiền, tin dở còn ngờ
Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ
Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai

hoặc:

Gõ sênh ngọc mấy hồi không tiếng
Ôm đàn tranh mấy phím rời tay
Xót người hành dịch bấy nay
Dặm xa mong mỏi hết đầy lại vơi

Gần gũi những động tác “cử đầu, đê đầu” hơn nữa, đấy là hình ảnh chiếc khăn “rớt lên rớt xuống” trong ca dao Việt Nam.

Vâng, tôi đang nghĩ đến những cô gái Việt Nam, đặc biệt là những cô gái quê của một thời quá vãng. Nói thế chứ không phải của một quá khứ nào xa xôi lắm đâu, chỉ cách đây hơn nửa thế kỷ. Đó là những cô gái buôn thúng bán mẹt, may thuê vá mướn, làm việc quần quật quanh năm suốt tháng mong kiếm thêm chút đỉnh để đỡ đần cho cha mẹ. Đó là những cô làm việc đồng áng, cấy lúa, bắt sâu, tát nước, làm cỏ, gặt hái; hết mùa lúa thì xoay qua giúp việc nuôi tằm, dệt vải, quay tơ. Đó là những cô gái không có việc làm gì rõ ràng, nhưng quả thật đã làm hàng trăm việc không tên, đấy là quán xuyến mọi việc trong nhà, đi chợ, nấu ăn, gánh nước, giặt giũ, trông nom đàn em, săn sóc cha mẹ, ông bà.

Vân vân.

Họ là những người sống vì người khác, vì bổn phận, vì luân lý, tập tục. Họ không có thì giờ và cũng không có quyền nghĩ đến chính mình, đến ái tình. Ái tình có nghĩa là mê trai, là hư đốn. Thậm chí cầm cây chổi đứng quét nhà bị mắng là vô duyên, không ý tứ, hớ hênh, phải khép nép cúi khom người xuống; ngồi vào chỗ người con trai, người đàn ông vừa đứng dậy rời khỏi bị coi là điều cấm kỵ Họ không được tự do luyến ái, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Nhưng “rủi” tình yêu đến? Thì chỉ còn biết yêu vụng nhớ thầm. Thật khác hẳn bây giờ, trên đất nước của tự do, của nữ quyền này, dường như đã có nơi nữ sinh của năm cuối trung học được phép mua thuốc ngừa thai.

Trong một bài thơ Vô Đề của Nguyễn Bính (Nguyễn Bính có bốn bài Vô Đề, đều hay), người con gái không dám ngang nhiên tiễn người yêu trên bến sông, lén lút nhìn chàng qua cửa tò vò:

Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...

Câu cuối là một tiếng than kéo dài đến tận cuối trời.

Buổi tối sau khi đã rửa chén bát, cho heo ăn, kiểm soát xem mấy ổ gà có thiếu con nào, cổng tre, chuồng trâu có được cài kỹ chưa, chuẩn bị đôi chút cho công việc ngày mai v.v... và khi mọi việc xong xuôi, chờ mọi người trong nhà đã ngủ say, ngọn đèn dầu đã được vặn lu hay tắt hẳn, người con gái sầu muộn mới lần bước xuống nhà bếp để được một mình thương nhớ. Cô đang yêu. Cô tương tư. Không, cô không dám nhìn nhận chuyện thầm kín ấy. Cô không thương nhớ ai cả, cô chỉ lần mò đi lui, đi tới, rất lặng lẽ vì sợ đánh thức mọi người, trái tim thổn thức, đôi chân mệt mỏi lê từng bước, đôi tay “bắt bướm bà” cầm cái gì rơi cái ấy, đôi mắt rưng rưng. Chiếc khăn rơi xuống đất cô phải cúi xuống nhặt lên, rồi vắt lên vai, tay chân lẩy bẩy. Nó lại rơi. Cứ thế nhiều lần trong đêm tối. Nhưng cái khăn không để cô yên, chốc chốc nó chùi nước mắt cho cô. Chiếc khăn tương tư, chiếc khăn thương nhớ. Còn phần cô, cô có dám thương yêu ai đâu:

Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt ...

Những câu ca dao Việt Nam trên đây, không biết xuất hiện từ thời nào, cũng đã mô tả tấm lòng tương tư của cô gái quê không kém gì nỗi nhớ của người chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm, và càng khiến ta liên tưởng hơn một ngàn năm trước thi hào Lý Bạch trong Tĩnh Dạ Tứ. Cho hay tình cảm sâu xa trong con người nhiều khi được diễn tả bằng những động tác, những cử chỉ tương tự.

 

*

 

Viết thêm.

Phần viết thêm, viết vào lúc ông Táo đang cưỡi cá chép “bay” về chầu Trời. Vào thời điểm này, khó có thể dửng dưng, phải viết ít dòng liên quan đến cái Tết truyền thống của dân tộc.

Tin từ Việt Nam, hàng trăm ngàn người làm việc tại các đô thị chen nhau mua vé xe lửa, xe đò, và cả vé máy bay để về quê ăn Tết. Thì cũng là vì nhớ, vì những hồi ức về thời gian giao mùa giữa năm cũ và năm mới khi con người cũng như thiên nhiên đang chuyển mình. Vé bán hết sạch, cung không thỏa mãn được cầu. Thế là nhiều người sẽ phải ăn Tết tha hương, đi quẩn quanh trên những đường phố lạnh lùng hay nằm dài trong những nhà trọ trống trải để mà nhớ — nhớ gia đình, nhớ ông bà cha mẹ, nhớ cúng kiếng, nhớ chòm xóm láng giềng, nhớ lễ hội, và đấy là nỗi bất hạnh lớn của họ, bất hạnh hơn nhiều so với kẻ lữ thứ nằm trằn trọc nhớ quê vào một dịp nào khác trong năm. Những người mua được vé có khác nào những chiếc bình điện gần hết hơi sắp được “sạc” lại, ít nhất là về mặt tình cảm, và sẽ có thể khởi đầu năm mới với ít nhiều hân hoan và mơ ước, là những thứ ai cũng nên có và có quyền có.

Ở hải ngoại xa xôi, xa quê hương, hay quê cũ có lẽ đúng hơn, xa lắm, cả ngàn người “đồng hương đồng khói” cũng muốn tìm lại chút hương vị ngày xưa, ùn ùn kéo đến các Little Sài Gòn, nhất là về đêm, mua hoa quả, mứt bánh, cành mai, cành đào, để dành đón giao thừa. Những thanh thiếu niên, ham đi nhiều đến rã rời đôi chân, thường nối đuôi nhau thật dài trước những quầy bán thức ăn khói bay mù mịt; mùi thịt nướng, nem nướng, mực tươi nướng, bắp nướng, bánh tét chiên, gỏi đu đủ, chè thưng, chè đậu ván, sữa đậu nành nóng ... tỏa ra nồng nàn cả một vùng không gian; họ vừa ăn uống thỏa thuê cho bõ những ngày thèm món ăn quê hương, vừa nghe pháo nổ, xem múa lân, rồi lén đến thử thời vận tại mấy sòng bầu cua “nhảy dù”. Cảnh sát chưa tới gần, tín hiệu đã được phát nhanh, sòng bạc “cuốn chiếu” gọn. Lại có lác đác những người bản địa, da trắng, da đen, hoặc Mễ, dẫn theo con cái tò mò đi coi ta ăn Tết. Và cũng không hiếm chồng Mỹ, vợ Việt, con lai, chen chúc trong các chợ hoa.

Đấy là Tết bây giờ. Thế còn trước kia? Trước đây chưa đầy một thế kỷ khi luồng gió mới từ phương Tây đã tràn qua khá lâu, một số gái quê cũng đã rời lũy tre xanh lên thành phố ở đợ, hay làm thuê làm mướn, hoặc may mắn hơn, làm việc tại các công xưởng, làm thợ may, thợ dệt, thợ nhuộm v.v... Ngày Tết thế nào cũng ráng về quê. Tại quê nhà, người làm nghề đánh cá cho thuyền rời sông rời biển nghỉ ngơi nằm trên cát mịn, người làm nghề nông cho những đàn trâu rời cánh đồng lội ngang sông tắm mát. Vạn vật dường như ngừng hoạt động chờ đón xuân sang. Chỉ cô thợ nhuộm là lao đao. Hẳn cô còn độc thân. Thời đó phương tiện giao thông còn hạn chế, đồng lương còn eo hẹp, từ thành phố về quê ăn Tết, cô thợ nhuộm có lẽ phải lặn lội “cuốc bộ” trên đường dài, vai mang túi vải đựng chút quà Tết cho bố mẹ, tay xách bị lát với chút bánh trái cho đàn em. Sương gió đường xa, những ngày cuối năm giá rét, và cô gái dung nhan tiều tụy vì gian khổ.

Trên đây có nhắc đến bốn bài “Vô Đề” của Nguyễn Bính. Bài thứ nhất, người con gái thầm lén tiễn biệt nhớ người yêu trên bến sông, bài tiếp theo dưới đây cô thợ nhuộm nhớ nhà về quê ăn Tết:

Có chiếc thuyền nằm trên cát mịn
Có đàn trâu trắng lội ngang sông
Có cô thợ nhuộm về ăn Tết
Sương gió đường xa rám má hồng.

 

23 tháng Chạp ta trước thềm Tết Giáp Ngọ

 

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021