thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thế giới không còn bạch tuộc

 

...

“Anh...”

“Gì?”

“Em nói cái này anh đừng cười nghen?”

“Cười cái gì?”

“Anh chưa trả lời em. Anh không được cười chế nhạo em đó...”

“Ừ, không cười...”

“Hứa rồi nha!”

“Ừ, hứa...”

“Em thèm...”

“Thèm gì?”

“Thèm... bạch tuộc.”

“Bạch tuộc?”

“Ừ, bạch tuộc.”

“Bạch tuộc ở ngoài biển?”

“Ừ, bạch tuộc ngoài biển... Ngoài đại dương...”

“Em thèm? Thèm ăn con bạch tuộc ở ngoài biển? Ở trong đại dương?”

“Dạ. Em thèm... Thèm thiệt... Bạch tuộc nướng muối ớt!”

“Anh chưa bao giờ ăn bạch tuộc.”

“Vậy thì đi ăn đi.”

“Làm sao mà ăn? Có đâu mà ăn? Anh không ăn bậy đồ bán ngoài đường đâu, mất vệ sinh. Bị đau bụng thì kẹt lắm.”

“Mình đi mua. Mua về em làm. Em biết làm...”

“Em có biết bạch tuộc là loài kỳ dị không? Nó là thuỷ quái khổng lồ. Có những con to khủng khiếp. Bằng cả toà nhà. Những cái vòi của nó có... có cái gọi là giác tu, có cấu trúc như những cái ống hút, giống kiểu ống giác hơi của mấy tay giác hơi, đấm bóp dạo, để hút lấy, rồi bám chặt lấy con mồi. Ngày xưa, anh xem truyện tranh... Chuyện chữ cũng có kể. Có con bạch tuộc tấn công những chiếc tàu hàng hải ngoài khơi xa. Nó dùng vòi, quấn ngang con tàu, quăng quật, rồi nhấn tàu chìm xuống lòng biển... Có loài bạch tuộc mang chất độc. Nó phun chất độc ra làm con mồi tê liệt, rồi ăn thịt. Khi gặp kẻ thù, nó còn phun chất độc, đen như mực, làm kẻ thù không thể thấy nó, rồi thoát thân...”

“Không... Em không tin. Chuyện người ta viết xạo đó.”

“Thiệt mà. Hồi nhỏ anh đọc được như vậy ở đâu đó, trong cuốn sách nào đó, mà lâu quá rồi nên giờ thì anh quên. Lát nữa sẽ nhớ lại thôi. À, hình như là cuốn ‘15 truyện bí mật dưới đáy biển’ thì phải. Hồi đó người ta hay làm những cuốn sách như vậy cho trẻ con. Đứa nào trong lứa tuổi của anh cũng đọc. 15 truyện rừng, 15 truyện kinh dị, 15 truyện trinh thám, 15 truyện ma quái... Chuyện trên trời dưới biển gì cũng có. Đề tài nào cũng có. Cứ mỗi đề tài là 15 truyện. Bán chạy như tôm tươi.”

“Ngộ ha... Bây giờ người ta không làm thứ sách như vậy cho trẻ con nữa. Mỗi thời một kiểu.”

“Ừ, mỗi thời một kiểu. Thời nào kiểu đó!”

“Ờ, nhưng anh đừng đánh trống lãng nữa. Đi mua bạch tuộc nghen. Chiều em đi mà. Em thèm. Em biết làm. Biết ướp rồi nướng. Ngon lắm.”

“Mua ở đâu ra bạch tuộc? Đâu còn chợ hay siêu thị nào mở cửa giờ này! Đừng nói là phải ra Vũng Tàu hay Phan Thiết à nghen.”

“Không, không cần phải đi xa vậy đâu anh. Ở Sài Gòn cũng có.”

“Anh không ăn thứ bán ngoài đường đâu. Đồ tanh ươn, bẩn lắm. Người ta ướp hàn the hay các loại hoá chất gây ung thư, ghê lắm. Ăn vô là bịnh đó.”

“Không. Em nói rồi. Không ăn đồ ngoài đường. Mình đi mua về nhà em làm.”

“Khó làm lắm. Làm sao em làm được. Nó tanh rình...”

“Không, em xả nó với muối hột cho sạch. Ngâm trong nước muối chừng 20 phút, rồi xả. Nhiều lần, thì thịt nó săn lại. Cho tới khi sạch thì ướp gia vị cho thấm, rồi mới nướng.”

“Có lần anh làm một bài thơ. Lâu rồi, hồi còn ở Mỹ. Có đoạn nhắc tới bạch tuộc. Chắc chắn trong thơ Việt Nam chưa có ai nhắc tới bạch tuộc. Anh là người đầu tiên viết về bạch tuộc... Mà bạch tuộc hoá thạch mới ghê chứ, đâu phải chuyện đùa! Những con bạch tuộc khi trườn lên biển nằm chờ hàng thế kỷ rồi hoá thạch thì cô độc ghê gớm...”

“Xạo. Đọc em nghe đi...”

“Không nhớ. Nhưng em mở Ipad đi. Trong trang Tiền Vệ đó.”

...

“Nè, đoạn này nè. Thấy chưa, anh đâu có xạo.”

...

“ Ha ha ha...! Thơ anh không ầu ơ, nhưng cũng sến bỏ mẹ...”

“Ờ, đồng ý. Sến bỏ mẹ... Cái này có đứa gọi là tân sến.”

“Anh viết về bạch tuộc mà chưa ăn bạch tuộc nên nó mới sến. Giờ ăn bạch tuộc đi, rồi anh viết bài thơ khác, thì con bạch tuộc trong bài thơ sẽ hết sến. Sẽ sang trọng. Nếu có sến thì cũng sến một cách sang trọng. Anh biết vì sao mà nó sẽ sang trọng không?”

“Không. Vì sao?”

“Vì con bạch tuộc mới này đã được em xả sạch bằng muối hột và ướp bằng ngũ vị hương, ớt sa-tế, hình như với sả bằm nữa, rồi nó sẽ nằm trên đĩa men sứ trắng muốt. Có rau răm, các loại rau thơm khác. Có đậu phộng rang giã nhuyễn, và bánh đa, đi kèm. Rồi anh sẽ từ tốn tống tiễn nó vào dạ dày, chung với từng ngụm Jack Daniel’s thơm lừng... Em thấy anh còn một phần tư chai đang uống dở. Vậy là bạch tuộc mồ yên mả đẹp ha. Em sẽ giúp anh đưa mấy con bạch tuộc mà mình sẽ ăn tối nay vào văn học sử.”

“Khoan... Chậm lại nào. Click lại đi. Click cái nữa. Kìa, mẹ kiếp, em thấy vui không kìa...”

“Cái này hả? Có gì đâu mà vui!”

“Vui chứ sao không?”

“Đái thì ai mà không đái được...”

“Đành vậy. Ai cũng đái được. Nhưng mấy cô Ukraine này đái lên mặt thằng cha tổng thống thì vui chứ. Ở Việt Nam có ai dám đái như vậy lên mặt lãnh tụ đâu? Nó đưa vào trại cải tạo, nó giết cổ ngay!”

“Nói thiệt nghen! Anh không quan tâm đến chuyện mấy cô này đái lên mặt thằng tổng thống!”

“Vậy, em nghĩ là anh quan tâm đến cái gì?”

“Anh chỉ ngó vú!”

“Ờ, thì vú mấy cổ cũng đẹp quá mà. Em ngó kỹ coi, cái nào cũng đẹp. Tươi trẻ và xinh xắn. Mà họ vẽ màu lên thân thể cũng rất ngộ.”

“Thứ body art này ở Sài Gòn cũng có người chơi mà. Anh nhớ mấy lần bọn Ngô Lực, Tiến Văn Miếu làm ở khoan cắt bê-tông [1] không?”

“Ờ, đồng ý. Sài Gòn cũng có. Nhưng chưa có ai đái!”

“Đái thì đái. Có người chịu chơi thì sẽ chơi liền thôi. Chơi trò diễn cương đó mà. Nhưng em nghĩ đái lên mặt lãnh tụ thì cũng đâu có hay ho hay sáng tạo gì gọi là đáng kể. Phí nước...”

“Em nói gì?”

“Em nói phí nước. Phí nước... là phí nước đái ấy! Đái lên mặt chúng thì làm bẩn nước đái của mình. Có cha nói là ở Việt Nam mà quý bà đi biểu tình thế này thì chắc toàn bộ quý ông sẽ tranh nhau xuống đường. Vậy là đi ngó hĩm, ngó vú chứ đi biểu tình cái mẹ gì. Tuy nhiên, em đồng ý với chả. Nếu các anh mà chịu xuống đường vừa ngó hĩm, ngó vú, vừa vì biển đảo, thì em xung phong đái lên mặt thằng Tập Cận Bình trước. Em thấy trên Facebook mấy cô ở nước ngoài cũng chịu chơi lắm. Ai chứ mấy mẹ trên Facebook rủ nhau là mấy bả làm cái rẹt liền, xè xè nấm đất bên đàng liền! ”

Sè sè chứ không phải xè xè. Em lẩy Kiều nghe kinh bỏ mẹ! Nhưng vui...”

“Vui gì... Em thì... em chơi tới luôn đó. Mà thấy tụi nó bắn người thấy ghê quá! Em xem trên ti-vi, thấy bọn công an bắn tỉa xuống đám đông biểu tình. Tự nhiên đạn ở đâu đâu bay tới. Trúng. Té cái bịch. Ngay đơ. Máu me xịt tùm lum đầy mặt đất. Rồi, người ta lôi cái xác đi. Ngó kìa, bắn con người giống như những con vật, hay như bắn bọn vịt trời trong trò chơi game.”

“Giờ thì xong rồi. Họ kéo đổ tượng Lenin khắp nơi. Còn thằng tổng thống thì chuồn gấp. Không biết sẽ có nước nào chứa nó không. Chắc chạy qua Nga... Nương nhờ Putin.”

“Vậy là tiêu tùng một chế độ hả anh?”

“Ừ, tiêu tùng một chế độ. Chế độ độc tài!”

“Nghĩa là cách mạng là vậy đó?”

“Ừ, cách mạng là vậy đó. Là thay đổi. Là lật đổ. Trong trường hợp này nó là lật đổ một chế độ.”

“Lật đổ... Rồi làm gì nữa? Cái gì, và ai, những ai... sẽ làm tiếp? Người ta... Em muốn nói là người dân, sẽ sống làm sao?”

“Không có ai tiên đoán được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng khi người dân chịu không nổi nữa thì họ sẽ nổi dậy lật đổ cái chế độ tệ hại mà họ đang sống. Chuyện gì xảy ra tiếp theo là chuyện của lịch sử, chứ không còn là chuyện của cá nhân...”

“Em đếch hiểu. Nhưng thấy rõ một điều là trong các cuộc cách mạng thì thân phận những con người chẳng ra cái mẹ gì cả. Anh...”

“Gì em?”

“Đi mua bạch tuộc...”

“Em không thể quên cái món bạch tuộc trong tối nay sao?”

“Không, em thèm mà... Vả lại, biết đâu...”

“Biết đâu... cái gì?”

“Biết đâu... có cách mạng... Rồi có mấy thằng bắn tỉa. Rồi mình bị chúng bắn chết tươi. Chết, mà em chưa hết cơn thèm, chưa thoả mãn được cơn thèm. Còn anh thì chưa nếm món bạch tuộc của em làm.”

“Em tào lao quá! Nhưng giờ này đâu còn chỗ nào bán... Hay em muốn đi tìm trong mấy cái siêu thị. Đồ siêu thị là đồ đông đá. Nó đánh bắt cả tháng, cả tuần rồi mời được mang về. Rồi cả ngày người ta bán không hết nên giờ này mới còn. Đồ đó thì đâu còn tươi nữa, ngon lành gì... ”

“Không. Không mua bạch tuộc ở siêu thị. Mình đi chợ Bình Điền.”

“Chợ gì?”

“Chợ đầu mối Bình Điền. Từ đây tới đó đâu có xa. Nó là chợ đầu mối nên đồ vừa tươi vừa rẻ.”

“Nhưng giờ này...”

“Bình Điền mở suốt mà. Đêm ngày gì cũng mở.”

“Nhưng người ta bán sỉ chứ đâu có bán lẻ cho người mua ít về ăn.”

“Thì mình mua hai ký.”

“Hai ký? Có bán không? Vựa bán sĩ, đâu có ai mà bán chỉ hai ký.”

“Em nghĩ có mà. Mấy quán nhậu nhỏ, người ta cũng mua chừng vài ký về bán cho khách thôi.”

“Nhưng dù cho là chợ đầu mối thì người ta cũng chỉ mua bán vào buổi sáng thôi. Giờ này đã gần nửa khuya...”

“Đâu mà nửa khuya... Mới chín giờ à.”

“Cứ cho là người ta còn bán giờ này đi. Cứ cho là mình mua được đi. Nhưng... mình không có gia vị gì để cho em làm.”

“Thì mình sẽ mua...”

“Em cần những thứ gì nào?”

“Thì vậy đó... Muối hột. Rau răm. Rau thơm. Ngũ vị hương. Sa-tế. Đậu phộng. Bánh đa. Chanh. Nếu có trái quất thì tốt, vì quất thơm hơn chanh. Ngò rí.”

“Làm gì có chợ mà mua mấy thứ đó giờ này?”

“Ở Bình Điền cũng có bán đồ rau trái. Nếu không có bán thì mình đi Giant, hay Lotte [2] mua... À, dưa leo. Anh nhớ nhắc em mua dưa leo nữa nghen. Hai trái...”

“Em có bao giờ làm món bạch tuộc này chưa?”

“Em nấu cho anh ăn nhiều món rồi phải không? Hai năm nay anh thấy có món nào dở hay em làm không được không?”

“Không. À, chưa... Em chưa làm món nào dở cả. Nhưng...”

“Nhưng sao?”

“Bạch tuộc là món khó làm. Em lại chưa làm lần nào thì làm sao em biết mà làm...”

“Món nào em ăn rồi thì em sẽ làm được!”

“Chắc không?”

“Chắc! Món nào em ăn rồi thì em sẽ làm được! Cái gì em thấy người ta làm, mà em thích làm thì em sẽ làm được!”

“Mọi chuyện...?”

“Mọi chuyện!”

“Đái?”

“Ừ, đái luôn...!”

“Sao em không nói là thay vì đái?”

“Tại sao em phải nói là tè?”

“Vì...”

“Vì sao?”

“Vì tè thì nghe nhẹ nhàng... dịu dàng... và có vẻ hạp với phụ nữ hơn là đái. Đái nghe thô tục, có vẻ như hạp với đàn ông hơn. Chứ em không thấy những bảng kẻ chữ ‘cấm đái bậy’ luôn ở ngay tầm mắt và vị trí ngang dưới thắt lưng người ta hay sao? Đâu có ai để bàng sát rạt dưới đất cho phụ nữ, ngang tầm với phụ nữ?”

“Không, anh sai rồi! Trong trường hợp này thì đái đúng hơn. Vì nó là hành vi biểu lộ sự khinh bỉ, sự căm phẫn... Là hành vi làm nhục. Là... là... phóng uế lên bộ mặt của quyền lực. Lên biểu tượng quyền lực. Thời này, bọn độc tài nào thì cũng ác, gian, và hiểm như bọn mafia. Mafia ngày nay đầy quyền lực chứ không phải như mấy tay găng-tơ buôn ma tuý và xách súng bắn nhau pằng pằng như thời phim Bố Già ở Mỹ.”

“À, em nhắc mafia mới nhớ. Hồi đó có bộ phim về mafia của Ý, có tên là ‘Vòi bạch tuộc’, em có xem không?”

“Có, mà lâu lắm rồi... Bộ phim đó hấp dẫn.”

“Anh nhớ mang máng tay cảnh sát, nhân vật chính, rất đẹp trai. Mặt lạnh, đẹp lạnh lùng... Mà sau rồi thì hắn cũng bị giết thì phải.”

“Ừ, đúng rồi. Bị giết. Mà...”

“Mà gì...”

“Bị giết mà chưa được ăn bạch tuộc!”

“Tối nay em không thể không ăn bạch tuộc à?”

“Dạ... Em biết. Có thể em sẽ không được ăn bạch tuộc tối nay. Nhưng như vậy thì buồn lắm. Bi thảm!”

“Nếu không được ăn bạch tuộc thì em sẽ làm gì?”

“Chưa biết sẽ làm gì. Có thể viết một cái gì đó. Một cái truyện về bạch tuộc chẳng hạn. Nhưng vì sao mà em sẽ không được ăn bạch tuộc?”

“Vì...”

“Vì sao nào? Anh nói ngay cho em nghe đi.”

“Em còn tiền không?”

“Em còn 50 ngàn. Không, hồi chiều đổ xăng 50 ngàn thì em còn 70 ngàn. Xem nào, chính xác là 77 ngàn, tính luôn mớ tiền lẻ.”

“Anh mua gói thuốc lá xong thì hình như còn 80 ngàn.”

“Vậy là cả hai đứa cộng lại được khoảng 150 ngàn?”

“Ừ, khoảng 150 ngàn.”

“Một ký bạch tuộc là trên 100 ngàn, cho là mình mua được bằng giá sỉ đi.”

“Vậy là mua được hơn 1 ký!”

“Chẳng thấm béo đâu vào đâu, 1 ký quá ít. Vì bạch tuộc này là còn nguyên con ướp đá, chưa săn lại. 1 ký mà săn lại là còn chừng vài trăm gram thôi.”

“Rồi còn tiền đâu mà mua gia vị, rau rác?”

“Rồi nướng bằng gì? Bằng bếp gas đâu có được. Cần có bếp than. Nướng bằng bếp than thì mới ngon. Nghĩa là mình cũng cần mua một cái lò và than.”

“Vậy là không đủ tiền. Giờ tính sao?”

“Thôi, dẹp bạch tuộc đi.”

“Tội nghiệp em!”

“Không, tội nghiệp anh mới đúng.”

“Vì sao tội nghiệp anh?”

“Vì con bạch tuộc trong bài thơ sẽ viết của anh sẽ không đi vào văn học sử.”

“Anh đếch cần văn học sử! Nhưng thật sự tội nghiệp em.”

“Vì sao tôi nghiệp em?”

“Đúng ra là tội nghiệp cả hai chúng ta. Vì, thử tưởng tượng nếu cách mạng nổ ra đêm nay, những thằng bắn tỉa khốn nạn sẽ bắn trúng em và trúng anh. Mình chết. Chết, mà chưa ăn bạch tuộc do em nướng...”

“Em không muốn vậy. Em không thể quên được những cái vòi, những giác tu...”

“Anh cũng vậy.”

“Em chiên cơm, mình ăn đỡ cơm chiên, lạp xường, trứng vịt nhé?”

“Không, anh không đói. Anh nghĩ anh uống một ly rồi đi ngủ cũng được.”

“Em cũng làm một ly với anh.”

“Ừ, nhưng anh không muốn câu chuyện bạch tuộc dừng lại ở đây.”

“Anh đừng bắt em phải tưởng tượng về những chuyến tàu hải hành xuyên lục địa, và mình phải chạy trốn bọn bạch tuộc thuỷ quái dưới lòng biển.”

“Có cách gì khác không?”

“Cách gì khác... là sao?”

“Để lấp đầy thời gian trống cho tới khi mình đi ngủ.”

“Em không biết. Xem ti-vi và nghe nhạc hoài cũng chán. Không lẽ lại ôm máy lên Facebook chém gió? Lúc nãy mình có nói tới chuyện làm cách mạng và lật đổ, câu chuyện đang dở dang...”

“Ừ, thì sao?”

“Không sao cả. Em chỉ thấy buồn. Buồn tè. Em muốn đi tè!”

“Ừ, em đi đái đi.”

 

SG, 25/02/2014

 

_________________________

[1]khoan cắt bê-tông: tên của những chương trình nghệ thuật thị giác của một nhóm hoạ sĩ Sài Gòn.

[2]Giant và Lotte là hai siêu thị lớn ở Sài Gòn.

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021