thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gấu vượt núi

 

Bản dịch của Nguyễn Vân Hà

 

 

Alice Munro sinh ngày 10-07-1931 tại Wingham, thuộc tỉnh Ontario, Canada. Mẹ là giáo viên, cha là nông dân nuôi cáo. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà bắt đầu theo học ngành báo chí và tiếng Anh tại Đại học Tây Ontario, nhưng bỏ dở để lập gia đình vào năm 1951. Bà cùng chồng ổn định cuộc sống ở Victoria, British Columbia, nơi hai người mở một hiệu sách. Munro bắt đầu viết truyện từ hồi còn thanh thiếu niên, nhưng tới năm 1968 mới xuất bản cuốn đầu tiên của mình, tập truyện Khiêu vũ với các sắc thái vui vẻ, cuốn sách nhận được nhiều sự chú ý ở Canada. Từ đầu thập niên 50 bà bắt đầu cho đăng truyện trên nhiều tạp chí. Năm 1971 bà xuất bản tập truyện Cuộc đời các cô các bà, cuốn sách được giới phê bình mô tả như một Bildungsroman (tiểu thuyết giáo dục, mô tả sự trưởng thành của một nhân vật – từ tiếng Đức, Bildung là giáo dục, Roman là tiểu thuyết.)
 
Munro thường được mọi người biết đến nhờ tài viết truyện ngắn và xuất bản nhiều tập truyện ngắn trong suốt nhiều năm. Các tác phẩm chính của bà gồm có Bạn nghĩ mình là ai? (1978), Mặt trăng của Sao Mộc (1972), Trốn chạy (2004), Khung cảnh nhìn từ Lâu đài Đá (2006), và Quá nhiều niềm vui (2009). Tập truyện Tình thù, tình bạn, tình hẹn, tình ái, hôn nhân (2001) đã làm nên hồn cốt bộ phim Cách xa nàng được làm năm 2006 do Sarah Polly đạo diễn. Tập truyện gần đây nhất của bà là cuốn Đời mến (2012).
 
Munro được vinh danh nhờ tài kể chuyện mang giai điệu đẹp, với đặc điểm trong sáng và vị hiện thực tâm lý. Một số nhà phê bình xem bà là Chekhov của Canada. Truyện của bà thường lấy bối cảnh ở thị trấn nhỏ, nơi cuộc chiến tồn tại để được xã hội chấp nhận thường dẫn đến các mối quan hệ căng thẳng và xung đột về mặt đạo đức – vấn đề bắt nguồn từ những khác biệt thế hệ và tham vọng cuộc sống có tính va chạm. Văn bản của bà thường mô tả các sự kiện diễn ra hằng ngày nhưng mang tính quyết định, việc hiển linh theo cách nào đó, giúp soi rọi câu chuyện xung quanh và khiến những câu hỏi hiện sinh xuất hiện trong ánh chớp.
 
Alice Munro hiện đang sống tại Clinton, gần quê nhà thời thơ ấu của mình ở tây nam tỉnh Ontario.
 
Theo Hàn lâm viện Thụy Điển
[phần giới thiệu tiểu sử tác giả đoạt giải Văn chương Nobel năm 2013]

 

 

 

GẤU VƯỢT NÚI

 

Fiona sống cùng bố mẹ, ở thị trấn mà cô và Grant cùng vào đại học. Đó là một ngôi nhà to, cửa sổ hướng ra vịnh, ngôi nhà mà với Grant dường như vừa xa hoa vừa lộn xộn, với thảm trải xộc xệch trên sàn và vết cốc tách ăn sâu vào lớp vẹc-ni bàn. Mẹ cô là người Iceland – một phụ nữ mạnh mẽ với mái tóc trắng như bọt bể và quan điểm chính trị tả khuynh chống đối. Bố cô là một bác sĩ tim mạch quan trọng, được cả bệnh viện kính nể nhưng ở nhà thì vui vẻ khúm núm, lắng nghe tràng đả kích lạ lùng của vợ với nụ cười lơ đễnh. Fiona có một chiếc xe riêng nhỏ, một chồng áo len bằng dạ cashmere, nhưng cô không tham gia hội nữ sinh, có thể là do hoạt động chính trị của mẹ. Song cô chẳng quan tâm. Hội nữ sinh là trò đùa với cô, chính trị cũng thế – dù cô thích chơi bài “Bốn vị tướng nổi loạn” trên máy hát, thỉnh thoảng cả bài “Quốc tế ca” thật to, nếu có vị khách nào cô nghĩ mình có thể làm họ lo bấn lên được. Một chàng ngoại quốc tóc tai xoăn tít, mắt mũi u sầu từng hẹn hò với cô – cô nghĩ chàng là một tay Visigoth[1] – rồi hai, ba chàng bác sĩ nội trú trẻ tuổi phiền toái, đáng kính khác cũng thế. Cô đùa cợt trêu chọc họ, kể cả Grant. Cô nhại lại vài câu nói tỉnh lẻ của anh. Nên anh nghĩ có thể cô đùa khi cầu hôn anh, vào một ngày sáng sủa lạnh lẽo trên bãi biển ở cảng Stanley. Cát lúc đó táp vào mặt họ, còn sóng đùn hàng hàng lớp lớp sỏi lạo xạo vào chân họ.

“Anh nghĩ vậy có vui không?” Fiona hét to. “Anh nghĩ nếu mình cưới nhau thì vậy có vui không?”

Anh ngắt lời cô, bảo có. Anh không bao giờ muốn xa cô. Cô là ánh sáng đời anh.

 

Ngay trước khi họ rời nhà, Fiona để ý thấy một vệt bẩn trên sàn nhà bếp. Nó do đôi giày đi trong nhà đen đúa, rẻ tiền mà cô mang hồi sáng gây ra.

“Em nghĩ chúng không còn dây bẩn ra nữa chứ,” cô nói với giọng bực bội, bối rối thường lệ, vừa chà cái vệt màu xám trông như bị sáp nhờn dây ra kia.

Cô bảo không bao giờ làm thế nữa, vì mình sẽ không mang đôi giày ấy theo.

“Em đoán mình sẽ chưng diện suốt,” cô bảo. “Hay chưng diện một nửa cũng được. Kiểu như ở trong khách sạn ấy.”

Cô giặt cái giẻ vừa dùng và treo nó lên kệ phía sau cánh cửa, dưới bồn rửa. Rồi cô lấy chiếc áo khoác trượt tuyết, cổ viền lông, màu vàng nâu, mặc ngoài chiếc áo len cổ lọ màu trắng, quần ống suông màu nâu vàng được may đo ở tiệm. Cô là một phụ nữ cao, vai hẹp, đến 70 tuổi vẫn thẳng thớm, gọn gàng, giò dài, bàn chân dài, cổ tay, mắt cá chân mỏng mảnh, tai nhỏ, nhìn rất khôi hài. Tóc cô có màu sáng như cụm hoa bồng bồng chuyển từ màu vàng nhạt sang trắng theo cách nào đó mà Grant không biết từ khi nào, và cô để tóc tới vai, như mẹ cô vẫn làm. (Việc này cảnh báo mẹ Grant, vốn là một bà góa tỉnh lẻ làm công việc tiếp tân ở một phòng mạch. Mái tóc trắng dài của mẹ Fiona, còn trắng hơn tình trạng ngôi nhà họ ở, bảo cho bà tất tần tật những gì cần biết về thái độ và quan điểm chính trị). Nhưng Fiona ngược lại, với xương cốt mảnh dẻ, đôi mắt nhỏ màu ngọc bích, chẳng giống mẹ mình. Cô có cái miệng hơi cong, giờ được cô tô son đỏ đậm hơn – vốn là việc cuối cùng cô làm trước khi rời nhà.

Hôm nay cô đúng là mình – thẳng thắn, mập mờ như vẫn thế, ngọt ngào và hài hước.

 

Suốt một năm qua, Grant bắt đầu chú ý tới nhiều tờ ghi chú nhỏ màu vàng được dán quanh nhà. Chuyện này không hoàn toàn mới. Fiona luôn viết ra mọi thứ – tựa sách cô đang đọc được nhắc đến trên đài hay việc cô muốn chắc mình phải làm ngày hôm đó. Thậm chí kế hoạch buổi sáng cũng được cô viết ra. Anh thấy việc này thật khó hiểu và cảm động vì sự chính xác của nó: “7 giờ sáng tập yoga. 7:30—7:45 đánh răng rửa mặt chải đầu. 7:45—8:15 đi bộ. 8:15 Grant và bữa sáng”.

Mấy tờ ghi chú mới khác hẳn. Dán ngay trên ngăn tủ bếp – dao thìa nĩa, khăn lau đĩa, dao bếp. Bộ cô không mở tủ ra và xem bên trong có gì được hay sao?

Rồi tới việc tệ hại hơn. Cô xuống phố, gọi cho Grant từ buồng điện thoại công cộng, hỏi anh đường về nhà. Cô đi bộ như thường lệ qua đồng vào rừng và về nhà chỗ hàng rào – một đường vòng rất xa. Cô bảo mình tin là hàng rào thể nào cũng dẫn bạn tới chỗ nào đó.

Việc này thật khó hiểu. Cô nói về hàng rào như thể đó là trò đùa, rồi việc mình nhớ số điện thoại mà chả gặp khó khăn gì.

“Em không nghĩ có gì phải lo lắng,” cô bảo. “Em cho mình chỉ đãng trí mà thôi.”

Anh hỏi cô trước đó có uống thuốc ngủ không.

“Nếu có em cũng chả nhớ,” cô đáp. Rồi cô xin lỗi vì đã tỏ ra quá cợt nhả. “Em chắc mình không uống thứ gì cả. Có thể có. Có thể là vitamin.”

Vitamin không giúp được. Cô sẽ đứng ngay cửa, cố nghĩ xem mình sắp sửa đi đâu. Cô quên bật bếp đun nồi rau, không đổ nước vào bình pha cà phê. Cô hỏi Grant xem họ dọn tới đây khi nào.

“Năm ngoái hay năm kia nhỉ?”

“Mười hai năm rồi,” anh đáp.

“Sốc đấy.”

“Cô ấy dạo này hay thế lắm,” Grant bảo bác sĩ. Anh cố giải thích mà không được rằng làm thế nào chuyện gây bất ngờ và xin lỗi của Fiona giờ, theo cách nào đó, hình như thành ra phép lịch sự thường xuyên, chứ không còn che đậy một trò đùa riêng tư nữa. Như thể cô vấp phải chuyến phiêu lưu bất ngờ. Hay bắt đầu một trò chơi mà cô hi vọng anh theo kịp vậy.

“Ừ, rồi,” bác sĩ bảo. “Ban đầu thì còn lựa chọn. Chúng ta không biết mà, phải không? Cho tới khi thấy cách nó xấu đi, ta thực sự chẳng nói được điều gì.”

Một thời gian sau thật khó nói đó là chuyện gì. Fiona, người không còn đi mua sắm một mình, biến mất trong siêu thị khi Grant vừa quay lưng đi. Một cảnh sát tìm thấy cô khi cô đi giữa đường, cách đó vài tòa nhà. Anh hỏi tên cô, cô trả lời được ngay. Rồi anh ta hỏi cô tên Thủ tướng là gì.

“Nếu không biết tên ông ấy, chàng trai ạ, thì anh không nên làm công việc có trách nhiệm như thế này.”

Anh ta cười. Nhưng rồi cô phạm sai lầm khi hỏi, liệu anh ta có thấy Boris và Natasha hay không. Đó là hai chú chó săn lai sói giống Nga mà cô nhận nuôi từ nhiều năm trước, ban đầu để làm ơn cho bạn, sau lại hết lòng vì chúng cho tới khi chúng mất. Chuyện nhận nuôi chúng là tình cờ khi cô phát hiện ra mình không thể có con. Có thứ gì đó bị tắc, bị xoắn ở ống dẫn trứng của cô – Grant giờ chẳng nhớ nữa. Anh luôn tránh nghĩ về toàn bộ cái cơ quan phụ nữ ấy. Hay chuyện đó xảy ra sau khi mẹ cô mất. Đôi chân dài, bộ lông mịn như tơ, gương mặt không khoan nhượng, dịu dàng, thon hẹp của cặp chó hoàn toàn hợp với cô khi cô dẫn chúng ra ngoài đi dạo. Còn bản thân Grant, dạo ấy, tìm được công việc đầu tiên ở trường đại học (tiền của bố vợ anh được chào đón ở đấy, mặc kệ vết nhơ về mặt chính trị), nên đối với nhiều người, anh có lẽ là một trong số ý thích kỳ quặc của Fiona, được chọn ra để làm rể, nâng niu, trìu mến – dù, may thay, anh chẳng hiểu điều đó cho tới tận sau này.

 

Hồ thảo nguyên có quy định là không nhận ai vào ở suốt tháng Mười hai. Nhưng mùa nghỉ lễ có quá nhiều cạm bẫy tình cảm. Nên họ làm cuốc xe mất hai mươi phút vào tháng Một. Trước khi ra xa lộ, đường làng đổ xuống một vùng trũng lầy lội, giờ bị đóng băng hết cả.

Fiona bảo, “Ôi, nhớ quá.”

Grant đáp, “Anh cũng nghĩ tới chuyện ấy.”

“Chỉ khi trời có trăng,” cô đáp lại.

Cô đang nói về lần họ ra ngoài trượt tuyết cả đêm dưới ánh trăng rằm, trên nền tuyết đầy vằn đen, ở cái nơi mà bạn chỉ có thể ở vào giữa mùa đông. Họ đã nghe tiếng cành cây gãy kêu răng rắc trong giá rét.

Nếu cô nhớ được chuyện ấy, thật sống động, thật chính xác, thì có gì thật sự quan trọng với cô không? Đó là toàn bộ những gì anh có thể làm để không quành xe quay về nhà.

Có một quy định khác mà viên giám thị giải thích với anh. Mấy người mới tới không được gặp thân nhân trong ba mươi ngày đầu. Đa số họ cần thời gian để ổn định cuộc sống. Trước khi có quy định này, đã có nhiều lời xin xỏ, khóc lóc, ăn vạ, ngay cả từ những người tự nguyện tới đây. Khoảng ngày thứ ba, thứ tư, họ bắt đầu kêu khóc, đòi được về nhà. Và vài thân nhân có thể thấy thương cảm về chuyện đó, rồi bạn sẽ thấy mấy người ấy được chở về, sống ở nhà mà chẳng tốt hơn gì so với lúc trước. Sáu tháng hay thỉnh thoảng chỉ vài tuần sau, toàn bộ sự ồn ào buồn bã ấy sẽ được lặp lại.

“Khi hiểu ra chuyện đó,” viên giám thị bảo, “chúng tôi thấy là nếu được để yên một mình trong tháng đầu thì về sau họ thường vui như tết ấy.”

 

Họ thật ra đã đến Hồ thảo nguyên vài lần mấy năm về trước, khi tới thăm Ông Farquhar, một nông dân độc thân già từng là hàng xóm của họ. Ông ta sống một mình trong ngôi nhà bằng gạch thô, không khác gì hồi những năm đầu thế kỷ, trừ việc có thêm tủ lạnh và ti-vi. Giờ, hệt như ngôi nhà của Ông Farquhar đã biến mất, thay vào đấy là thứ gì đó gần giống một lâu đài lòe loẹt rẻ tiền làm nhà nghỉ cuối tuần cho mấy người từ Toronto đến, Hồ thảo nguyên cũ cũng biến mất, dù nó mới xây hồi những năm 1950. Khu nhà mới là một nơi rộng rãi, có mái vòm, nơi không khí thoảng mùi nhựa thông dễ chịu. Có biết bao là cây xanh thật nhú lên từ những chiếc bình sành dọc hai bên hành lang.

Tuy nhiên, Hồ thảo nguyên cũ mới là nơi Grant muốn đưa Fiona tới, trong suốt cái tháng dài anh phải sống mà không thấy cô. Anh gọi điện cho cô mỗi ngày, hi vọng được gặp y tá có tên Kristy. Cô ta có vẻ buồn cười khi thấy sự kiên định của anh, nhưng cô cho anh bản báo cáo dài hơn bất cứ y tá nào anh gặp. Cô bảo, tuần đầu Fiona bị cảm lạnh, nhưng chuyện đó không phải không gặp ở người mới tới. “Y như trẻ mới tới trường ấy,” Kristy bảo. “Có cả mớ vi trùng mới họ gặp phải và chả mấy chốc họ nhiễm tất.”

Rồi bệnh cảm bớt. Cô hết nhờ kháng sinh và không còn vẻ bối rối như dạo mới vào. (Đó là lần đầu tiên Grant nghe kể về chuyện kháng sinh lẫn chuyện bối rối). Khẩu vị của cô rất tốt và cô hình như thích ngồi ở phòng phơi nắng. Cô cũng kết bạn với vài người, Kristy bảo.

Nếu ai đó gọi tới, anh để máy trả lời. Những người họ thi thoảng gặp gỡ, mang tính xã giao, thì không phải láng giềng thân thiết, mà là người ở trên khắp cả nước, người về hưu, như hai vợ chồng họ, và thường đi xa mà không báo trước. Họ sẽ hình dung anh và Fiona chắc hiện giờ cũng đang đi đâu đó xa.

Grant trượt tuyết để rèn luyện sức khỏe. Anh trượt lòng vòng quanh cánh đồng sau nhà khi mặt trời lặn, để lại bầu trời hồng bao phủ vùng quê, vốn được lớp băng tuyết có rìa xanh bao bọc. Rồi anh quay về ngôi nhà đang tối dần, bật ti-vi lên nghe bản tin thời sự trong khi nấu bữa tối. Họ thường cùng nhau chuẩn bị bữa tối. Một người pha rượu, một người nhóm lò, rồi nói chuyện về công việc của anh (anh đang viết bài nghiên cứu về giống sói Na-uy thần thoại, đặc biệt là sói Fenrir lớn, loài đã nuốt chửng Odin vào ngày tận thế) và bất cứ thứ gì Fiona đang đọc, về chuyện họ đã nghĩ ngợi trong những ngày gần gũi mà xa cách ấy. Đó là khoảng thời gian thân mật sống động nhất của họ, dù dĩ nhiên, có năm hay mười phút ngọt ngào thể xác ngay trước khi lên giường – thứ gì đó không hay kết thúc bằng tình dục song tái khẳng định với họ là tình dục chưa phải đã hết.

 

Một lần anh mơ thấy mình đưa thư cho một tay trong đám đồng nghiệp của mình xem. Thư từ bạn cùng phòng của một cô gái mà từ lâu anh không hề nghĩ tới, và nó có vẻ cao đạo, thù địch, đe dọa theo kiểu lằng nhà lằng nhằng. Bản thân cô gái kia là người nào đó anh từng lịch sự chia tay và có vẻ cô ta khô੮g muốn làm ầm ĩ gì lên, nói chi tới chuyện cố tự tử, như những gì lá thư khéo léo kể cho anh hay chuyện cô ta đã làm.

Anh nghĩ tay đồng nghiệp là bạn. Hắn là một trong số mấy tay chồng, hôm trước còn là kẻ đầu tiên tháo bỏ cà vạt, bỏ nhà ra đi nghỉ mỗi đêm trên thảm trải sàn với cô bồ trẻ hớp hồn – hôm sau đã tới văn phòng của họ, lớp học của họ, lếch tha lếch thếch, sặc mùi ma túy, khói thơm. Nhưng giờ hắn có cái nhìn lờ đờ.

“Tôi chả cười đâu,” hắn bảo Grant – người không nghĩ hắn cười. “Mà nếu là anh, thì tôi sẽ thử chuẩn bị tinh thần cho Fiona đấy.”

Thế là Grant đi tìm Fiona ở Hồ thảo nguyên – Hồ thảo nguyên cũ cơ – nhưng thay vào đó lại lọt tới hội trường. Mọi người đang ở đấy đợi anh giảng bài. Và ngồi ở hàng cuối, cao nhất là đám phụ nữ trẻ mặt lạnh tanh, tất cả đều mặc áo chùng đen, đều để tang, không ai thôi nhìn anh bằng ánh mắt cay nghiệt, và mỉa mai thay họ chẳng viết, hay để ý gì tới bất cứ điều gì anh giảng cả.

Fiona ngồi ở hàng đầu, không lo âu. “Ôi trời,” cô bảo. “Bọn con gái tuổi này toàn đi loanh quanh nói về chuyện làm thế nào để tự tử ấy mà.”

Anh tự lôi mình ra khỏi giấc mơ, uống thuốc, rồi bắt đầu tách bạch xem cái gì là thật, cái gì là ảo.

Từng có một lá thư, và từ “chuột cống” bằng sơn đen xuất hiện trên cửa văn phòng anh, còn Fiona, khi nghe kể về việc một cô gái chịu khổ vì yêu anh đắm đuối, đã nói rất nhiều về những gì mình nói trong giấc mơ kia. Bạn đồng nghiệp không dính dấp gì, chả có ai tự tử cả. Grant không bị bẽ mặt. Thật ra, anh thoát tội dễ dàng khi bạn nghĩ về những gì hẳn phải xảy ra vài năm sau đó. Nhưng một đồn mười, mười đồn trăm. Vài kẻ tỏ ra lạnh nhạt hẳn. Họ nhận được có vài lời mời dự tiệc Giáng sinh và trải qua Đêm Giao thừa một mình. Grant say, và làm điều không ai bảo anh làm – mà ơn Chúa, cũng không thề thốt gì bậy bạ – anh hứa hẹn với Fiona về một cuộc đời mới.

Không đâu người ta công nhận cuộc đời của một kẻ tán gái (nếu đó là thứ Grant tự gọi mình – anh là người không có lấy nửa số cuộc chinh phạt như cái gã đã vặc lại anh trong mơ) lại dính dấp gì tới hành Ċộng độ lượng, thậm chí là hi sinh. Nhiều lần anh đáp ứng ngay niềm kiêu hãnh, sự yếu đuối của phụ nữ, bằng cách dâng tặng nhiều tình cảm hơn – hay sự mê đắm mạnh mẽ hơn – hơn bất cứ thứ gì anh thật sự cảm thấy. Tất cả để rồi giờ đây anh có thể thấy, mình buộc mình cái tội đã làm tổn thương, bóc lột, hủy hoại lòng tự trọng. Và lừa dối Fiona nữa chứ – vì, dĩ nhiên, anh đã làm thế mà. Nhưng nếu anh làm như những kẻ khác đã làm với vợ họ, rồi bỏ cô, thì liệu sự việc có khá hơn không? Anh không bao giờ nghĩ tới điều đó. Anh không ngừng ân ái với Fiona. Anh không rời xa cô đêm nào. Không bịa ra những chuyện rối rắm để hưởng kỳ nghỉ cuối tuần ở San Francisco hay ngủ trong lều ở Đảo Manitoulin. Anh thoát tội hút hít, say xỉn dễ dàng, và anh tiếp tục viết bài, phục vụ ủy ban, tiến bước trong nghề nghiệp. Anh không bao giờ có ý định vất bỏ công việc, hôn nhân, đi về miền quê làm thợ mộc hay nuôi ong gì cả.

Nhưng rốt cuộc, chuyện gì như thế đã xảy ra. Anh phải xin về hưu sớm với tiền lương bị cắt giảm. Bố Fiona mất, sau một thời gian hoang mang, khắc kỷ, một mình trong căn nhà lớn, và Fiona thừa kế căn nhà đó cùng nông trại nơi bố cô lớn lên, ở vùng quê gần Vịnh Georgia.

Đó là một cuộc đời mới. Anh và Fiona sửa sang lại nhà cửa. Họ còn trượt tuyết quanh vùng quê. Họ không giao thiệp nhiều nhưng dần dần cũng có kha khá bạn. Không còn mấy trò tán tỉnh cuồng nhiệt nữa. Không còn mấy ngón chân trần của phụ nữ thò vào ống quần đàn ông rồi bò lên chân họ nữa. Không còn những bà vợ dễ dãi nữa.

Đúng lúc ấy, Grant mới có thể nghĩ ra, khi cảm giác bất công đã nhạt bớt. Những kẻ theo chủ nghĩa nữ quyền, có lẽ cả bản thân cô gái kia, và mấy gã được coi là bạn bè hèn nhát của anh đã đẩy anh ra đi đúng lúc. Ra khỏi cuộc sống thật ra có nhiều rắc rối hơn nó đáng có. Mà cuối cùng việc đó có thể bắt anh phải trả giá bằng Fiona.

 

Buổi sáng ngày nọ khi anh trở lại Hồ thảo nguyên, để làm chuyến thăm viếng vợ lần đầu tiên, Grant dậy sớm. Anh thấy người cứ râm ran cả lên, như ngày xưa vào buổi sáng của cuộc họp đầu tiên được hoạch định để anh gặp một phụ nữ mới. Cảm giác đó không chính xác là tình dục. (Sau này, khi những cuộc họp kia thành lệ rồi, thì tất cả chỉ có thế). Có sự chờ đợi khám phá, mở rộng tâm hồn. Có cả sự rụt rè, nhún nhường, lo sợ.

Lúc đó băng tan. Tuyết còn nhiều, nhưng khung cảnh cứng nhắc chói lòa đầu mùa đông đã vụn vỡ. Những đụn tuyết lỗ chỗ dưới bầu trời xám xịt trông như những bãi chất thải trên đồng ruộng. Trong thị trấn gần Hồ thảo nguyên anh tìm thấy một cửa hàng hoa và liền mua một bó to. Trước kia anh chưa bao giờ tặng hoa cho Fiona. Hay cho bất cứ người nào khác. Anh đi vào khu an dưỡng, cảm giác như một tay tình nhân vô vọng hay một anh chồng tội lỗi trong truyện tranh vậy.

“Chà. Dạ lan hương vào buổi sớm thế này,” Kristy bảo. “Anh hẳn phải chi bộn tiền đây.” Cô đi dọc hành lang, phía trước anh, búng tay tanh tách trước ánh sáng hắt ra từ cái phòng trông như phòng để đồ, nơi cô tìm kiếm cái lọ. Cô là một phụ nữ trẻ nặng nề, người trông như thể từ bỏ bề ngoài của mình ở từng bộ phận, trừ mái tóc. Nó vàng óng, to bự. Toàn bộ thứ xa xỉ phẩm phồng rộm theo kiểu của mấy cô bồi bàn bưng rượu nơi quán bar, sòng bài, hay của bọn múa thoát y vũ, đính ở trên gương mặt và thân hình của một kẻ phải cày cuốc hằng ngày.

“Giờ tới kia nhé,” cô bảo, gật đầu ra hiệu cho anh đi về phía cuối hành lang. “Tên ở ngay trên cửa ấy.”

Là thế đấy, tên ở ngay trên cái bảng có trang trí mấy chú sơn ca xanh. Anh tự hỏi liệu có phải gõ cửa không, rồi gõ và mở cửa, gọi tên cô.

Cô không có ở đó. Cửa tủ đóng, giường phẳng lì. Không có gì trên chiếc bàn cạnh giường, trừ hộp khăn giấy Kleenex và ly nước. Không có bất kì tấm ảnh, bức hình nào, không có cả sách báo, tạp chí. Có lẽ bạn phải cất mấy thứ đó vào tủ buýp-phê.

Anh quành trở lại khu y tá. Kristy hỏi, “Không có hả?” với vẻ ngạc nhiên mà anh nghĩ chỉ là chiếu lệ. Anh ngập ngừng, tay vẫn ôm bó hoa. Cô lại bảo, “Được rồi, được rồi – hãy đặt bó hoa đằng kia.” Cô thở dài, như thể anh là đứa trẻ đi muộn ngay trong ngày đầu tới trường, rồi dẫn anh tới cuối hành lang, tới khoảng không rộng ở giữa, có nhiều cửa sổ áp mái, nơi có vẻ là khu vực hội họp chung. Vài người ngồi sát tường, trên những chiếc ghế thoải mái, những người khác thì ngồi tại bàn ở giữa phòng, trên mặt sàn được trải thảm. Không ai trong số họ nhìn quá tệ. Họ già – vài người không đi lại được nên cần tới xe lăn – nhưng tề chỉnh cả. Khi anh và Fiona tới thăm Ông Faraquhar, có vài cảnh trông rất khó chịu. Ria mọc trên cằm mấy bà già, ai đó còn có một mắt phồng to như quả mận thối. Rồi người đi lại lệt bệt, đầu lúc la lúc lắc, mồm miệng lảm nhảm như điên. Giờ quang cảnh trông như thể những trường hợp tồi tệ nhất đều đã được dọn sạch.

“Thấy không?” Kristy nói bằng giọng nhẹ nhàng hơn. “Anh chỉ việc đi tới, nói chào, và cố đừng làm chị ấy giật mình. Đi đi.”

Anh thấy hình dáng Fiona, đang ngồi gần một trong số mấy bàn chơi bài, nhưng cô không chơi. Mặt cô nhìn hơi sưng, một bên má hơi xệ xuống che mất một góc miệng, theo cách trước đây chưa từng thế. Cô đang xem một gã đàn ông ngồi ngay bên cạnh chơi. Hắn nghiêng bài của mình để cô có thể nhìn thấy. Khi Grant lại gần thì cô nhìn lên. Họ đều nhìn lên – những người đang chơi ở đấy đều nhìn lên, vẻ bực dọc. Rồi lập tức họ nhìn xuống bài của mình, như để rũ bỏ bất kì sự xâm nhập nào.

Nhưng Fiona nhếch mép nở nụ cười lúng túng, ma mãnh, quyến rũ của mình, rồi đẩy chiếc ghế ra, đi vòng qua chỗ anh, đặt ngón tay lên miệng.

“Bài bridge,” cô thì thầm bảo. “Nghiêm túc chết người. Họ phát cuồng lên vì nó.” Cô kéo anh về phía bàn cà phê, tán chuyện. “Em có thể nhớ chuyện y như thế hồi học đại học. Bọn bạn và em cúp học luôn, ngồi trong phòng sinh hoạt, hút hít và chơi bài phát khiếp. Em lấy gì cho anh nhé? Một tách trà? Em e là cà phê ở đây không còn nhiều.”

Grant không bao giờ uống trà.

Anh không thể quàng tay qua cô được. Có thứ gì đó trong giọng nói, nụ cười của cô, rất đỗi thân quen, thứ gì đó trong cách cô hình như bảo vệ mấy người chơi bài kia khỏi anh – cũng như bảo vệ anh khỏi sự bực dọc của họ – khiến anh không thể làm được việc đó.

“Anh mang cho em ít hoa,” anh bảo. “Anh nghĩ chúng sẽ làm phòngਠem sáng lên. Anh tới phòng em nhưng em không ở đó.”

“Ừ, em không ở đó,” cô đáp. “Em ở đây.” Cô liếc lại bàn chơi bài.

Grant bảo, “Em đã có bạn mới.” Anh gật đầu về phía gã đàn ông mà cô vừa ngồi cạnh. Đến đây gã đàn ông kia ngước lên nhìn Fiona còn cô thì quay lại nhìn hắn, hoặc vì điều Grant vừa nói hoặc cô cảm nhận được cái nhìn đó từ phía sau.

“Đó là Aubrey,” cô đáp. “Chuyện vui là em biết anh ta từ lâu, lâu lắm rồi. Anh ta làm việc ở cửa hàng. Cái cửa hàng bán đồ ngũ kim mà ông em hay tới mua ấy. Anh ta và em hay đùa phỉnh với nhau mà anh ta có dám rủ em đi chơi đâu. Cho tới tận tuần cuối cùng anh ta mới dẫn em đi xem một trận bóng. Nhưng khi trận đấu kết thúc, thì ông em xuất hiện để chở em về. Đến đó thì em hết thời gian thăm viếng. Thăm ông bà nội em ấy – họ sống ở nông trại.”

“Fiona. Anh biết nơi ông bà em sống. Đó là nơi chúng ta đang sống. Đã sống.”

“Thật hả?” cô hỏi, không hoàn toàn để tâm vì gã chơi bài kia lại quay ra nhìn cô, không phải van xin mà như ra lệnh. Hắn là người ở vào độ tuổi Grant, có già hơn một chút. Mớ tóc bạc thô dày rủ xuống trán và da hắn dẻo dai nhưng nhợt nhạt, có màu trắng hơi vàng y như cái găng tay cũ kỹ, nhăn nheo của trẻ con. Gương mặt dài của hắn có vẻ cao quý, u buồn, và hắn có thứ gì đó hệt như vẻ đẹp của một con ngựa già, chùn bước, khỏe mạnh. Nhưng nơi nào có Fiona thì hắn không chùn bước.

“Em nên quay lại,” Fiona bảo, gương mặt mới mập ra của cô chợt ửng đỏ. “Anh ta nghĩ mình không chơi được nếu em không ngồi ở đó. Thật ngốc, em có biết trò này mấy đâu. Nếu em để anh ở đây, anh tự giải khuây được chứ? Chắc toàn bộ chuyện này với anh hơi lạ nhưng anh sẽ ngạc nhiên là mình làm quen với nó nhanh tới mức nào. Anh sẽ biết mọi người là ai. Trừ việc vài người lúc nào cũng mơ mơ màng màng ra, anh biết đấy – anh không thể mong họ đều biết mình là ai được.”

Cô chuồn về ghế của mình, nói điều gì đó vào tai Aubrey. Cô dùng ngón tay gõ nhẹ lên mu bàn tay hắn.

Grant đi tìm Kristy và gặp cô ở hành lang. Cô đang đẩy cái xe, trên có mấy bình nước táo, nho.

“Tốt chứ?” cô hỏi.

Grant đáp, “Liệu cô ấy có còn biết tôi là ai không?” Anh không quyết định được. Hẳn cô ấy đã bày trò ghẹo anh. Không phải không giống cô ấy. Cuối cùng cô ấy đã làm lộ mình bằng vụ giả vờ nho nhỏ đó, nói chuyện với anh như thể cô nghĩ có lẽ anh là một kẻ mới tới. Nếu thật đó là vụ giả vờ.

Kristy bảo, “Anh bắt được chị ấy lúc chị ấy đang trong giây phút tệ hại. Đang dính vào cuộc chơi.”

“Cô ấy có chơi đâu,” anh cãi.

“Ừ, nhưng bạn chị ấy chơi. Aubrey ấy.”

“Vậy ai là Aubrey mới được chứ?”

“Là Aubrey. Bạn cô ấy. Anh uống nước quả không?” Grant lắc đầu. “Ồ, nhìn kìa,” Kristy bảo. “Họ chạm nhau mấy lần kìa. Chuyện này diễn ra một thời gian rồi. Kiểu như bạn thân ấy. Tới mức ấy.”

“Ý chị là, cô ấy thật sự không biết tôi là ai hả?”

“Chị ấy có thể thế. Không phải hôm nay. Mà là ngày mai – anh chả bao giờ biết được, phải không nào? Anh phải xem cách nó xảy ra, một khi anh đã tới đây được một lúc. Anh sẽ học để tiếp nhận chuyện này không quá nghiêm túc. Học nó ngày qua ngày.”

 

Ngày qua ngày. Nhưng sự việc thực sự không đảo tới đảo lui được và anh không quen cách họ làm thế. Fiona là người có vẻ quen anh, nhưng theo kiểu một vị khách lì lợm nào đó thu hút sự quan tâm đặc biệt của cô. Hay thậm chí có thể theo kiểu một gã phiền toái, kẻ phải bị ngăn lại, theo quy định về phép lịch sự cũ rích của cô, để khỏi nhận ra đó là anh. Cô đối xử với anh với lòng tốt theo kiểu xã giao, lơ đãng, thứ lòng tốt đã thành công trong việc khiến anh nín nhịn không bật ra câu hỏi cần thiết, rõ ràng nhất: liệu cô có nhớ anh là chồng mình trong gần năm mươi năm hay không? Anh có ấn tượng là cô sẽ bị câu hỏi đó làm xấu hổ – xấu hổ không phải cho mình mà là cho anh.

Kristy bảo với anh Aubrey từng đại diện cho một công ty địa phương, công ty chuyên bán thuốc diệt cỏ “và mấy thứ hàng hóa kiểu đó” cho nông dân. Và rồi chưa già, cũng chưa tới lúc phải về hưu, thì, cô bảo, anh ta chịu một tổn thương bất thường.

“Vợ là người chăm sóc anh ta, thường là ở nhà. Chị ta chở anh ta tới đây để nhận sự chăm sóc tạm thời, để chị ta có thể nghỉ ngơi. Chị của chị ta muốn em mình tới Florida chơi. Thấy không, chị ta cũng gặp khó khăn đấy, anh chắc chưa từng mong gặp người nào như anh ta nhỉ – họ đi nghỉ đâu đó, rồi anh ta bị thế, kiểu như bị con bọ nào đó đốt, rồi anh ta sốt cao ấy? Nó làm anh ta bất tỉnh, khiến anh ta thành ra như bây giờ.”

Hầu hết các buổi chiều người ta có thể tìm thấy cặp đôi nọ ở bàn chơi bài. Aubrey có bàn tay với những ngón to béo. Nó khiến hắn gặp khó khăn khi cầm bài. Fiona xào bài, chia bài cho hắn, thỉnh thoảng nhanh tay chộp lấy quân bài hắn có vẻ để vuột mất. Grant có thể nhìn qua phòng thấy động tác di chuyển nhanh như tên bắn và lời xin lỗi cùng nụ cười thoáng qua của cô. Anh có thể thấy cái nhíu mày kiểu ông xã của Aubrey khi lọn tóc cô chạm vào má hắn. Aubrey thích ngó lơ cô hơn, khi cô ngồi cạnh.

Nhưng hãy để nụ cười của cô chào đón Grant, hãy để cô đẩy ghế ra, đứng dậy mời anh trà – cho thấy cô chấp nhận việc anh ở đây – và mặt Aubrey toát ra cái nhìn bàng hoàng ảm đạm. Hắn sẽ để mớ bài lọt qua tay mình, rơi xuống nền nhà, làm hỏng cả cuộc chơi. Và Fiona lúc đó liền bận bịu, sửa cho mọi thứ đâu lại vào đấy.

Nếu Fiona và Aubrey không ngồi tại bàn chơi bài thì hẳn họ đang đi dạo dọc hành lang, Aubrey một tay vịn lan can, một tay nắm tay Fiona hay hai người cùng sánh vai nhau đi. Các y tá nghĩ đó là một kỳ công, cách cô giúp hắn rời chiếc xe lăn của mình. Dù trong những cuộc đi dạo dài hơn – tới nhà kính phía cuối hay phòng xem ti-vi ở đầu đằng kia tòa nhà – chiếc xe lăn vẫn được hắn cần tới.

Trong nhà kính, cặp đôi sẽ tìm cho mình chỗ ngồi giữa những cái cây trông như cây nhiệt đới, dày dặn và sum suê nhất – một lùm cây, nếu bạn thích thế. Grant đứng gần bên, ngay lúc ấy, phía bên kia lùm cây, lắng nghe. Lẫn trong tiếng lá xào xạc và âm thanh bì bõm của nước là tiếng nói chuyện dịu dàng cùng giọng cười của Fiona. Rồi tiếng gì nghe như tiếng cười nắc nẻ. Aubrey có thể nói, dù giọng hắn có thể không giống như bình thường. Hắn hình như đang nói điều gì đấy – vài âm tiết lè nhè.

Bảo trọng nhé. Hắn ở đây. Tình yêu của anh.

Grant cố gắng giảm việc thăm viếng xuống chỉ còn vào thứ Tư, thứ Bảy. Thứ Bảy là ngày nghỉ ồn ào và căng thẳng. Các gia đình kéo tới cả mớ. Các bà mẹ thường nói nhiều; họ là người giữ cho cuộc trò chuyện sôi nổi. Mấy ông có vẻ sợ, bọn trẻ bèn nói thay. Không cháu chắt nào tới thăm Aubrey, và vì không thể chơi bài – mấy cái bàn được dùng để bày tiệc kem – nên hắn và Fiona bèn rũ bỏ cuộc diễu hành ngày thứ Bảy đó. Nhà kính giờ trở nên quá quen thuộc cho bất cứ cuộc trò chuyện thân mật nào giữa bọn họ. Nhưng cuộc trò chuyện có thể tiếp tục, dĩ nhiên rồi, phía sau cánh cửa đóng kín nơi phòng Fiona. Grant không thể gõ cửa khi thấy nó đóng, dù anh đứng đó một lúc ngó lom lom cái bảng tên được vẽ theo kiểu hoạt hình Disney, trong sự căm ghét thật hằn học.

Hay họ có thể ở trong phòng Aubrey. Nhưng anh không biết đó là đâu. Càng khám phá nơi này, anh càng thấy có nhiều hành lang, khoảng không có ghế ngồi, bờ dốc thoai thoải, mà trong những lần lang thang, anh rất hay bị lạc. Một thứ Bảy nọ anh nhìn ra cửa sổ và thấy Fiona – hẳn là cô ấy – đang đẩy xe cho Aubrey đi dọc theo một trong những đường mòn được tráng lát, giờ đã sạch bóng băng tuyết. Cô đội chiếc mũ len buồn cười, mặc chiếc áo khoác có đường xoắn ốc màu xanh và tím, thứ anh thấy mấy bà mấy cô ở nhà hay mặc khi đi siêu thị. Chắc họ chả buồn phân loại tủ quần áo của mấy bà mấy cô có cùng kích cỡ, và dù sao đi nữa, chắc họ cũng mong là mấy bà mấy cô không nhận ra quần áo của mình. Họ cũng cắt tóc cô. Họ cắt đi vầng hào quang thiên thần của cô.

Một thứ Tư khác, khi mọi thứ bình thường hơn, các ván bài lại diễn ra, và đám phụ nữ bên Phòng nữ công đang làm những bông hoa bằng lụa, búp bê mặc quần áo – cũng là lúc Aubrey và Fiona lại ló mặt ra ở đó, rõ đến nỗi Grant có thể có một trong số những cuộc trò chuyện dễ nổi điên, thân thiện, chớp nhoáng với vợ mình – anh liền bảo cô, “Sao họ cắt cụt tóc em đi vậy?”

Fiona đặt tay lên tóc, kiểm tra.

“Sao cơ – em chả nhớ gì về nó,” cô đáp.

 

Khi Grant mới dạy môn văn chương Na-uy và Anglo-Saxon, anh có sinh viên bình thường trong lớp mình. Nhưng sau vài năm anh để ý thấy sự thay đổi. Đám phụ nữ có chồng bắt đầu quay lại trường học. Không phải kiếm bằng cấp để tìm việc tốt hơn, hay để làm bất cứ việc gì, mà đơn thuần là kiếm cho mình thứ gì đó hấp dẫn hơn để nghĩ tới ngoài việc nhà và những sở thích thông thường ra. Để làm phong phú cuộc đời họ. Mà có lẽ, học rồi thì sau đó, đám đàn ông dạy họ những thứ ấy, tất nhiên trở thành một phần của việc làm phong phú kia, và đám đàn ông đó hình như đối với đám phụ nữ này có phần bí ẩn, đáng khát khao hơn những gã đàn ông họ vẫn nấu ăn cho, ngủ cùng.

Mấy người đăng ký học khóa Grant dạy có thể có ông bà cha mẹ đến từ bán đảo Scandinavia hay đã biết thứ gì đó về thần thoại Na-uy từ Wagner hay mấy cuốn tiểu thuyết lịch sử. Cũng có vài người nghĩ anh đang dạy một ngôn ngữ Celtic[2] và với họ thì mọi thứ liên quan tới Celtic đều có sức quyến rũ thần bí. Anh nói với mấy kẻ mê đắm đó một cách khá thô bạo từ bên kia bàn làm việc.

“Nếu mấy người muốn học một ngôn ngữ hay ho thì đi mà học tiếng Tây Ban Nha ấy. Rồi mấy người có thể dùng nó để đến Mễ Tây Cơ.”

Vài người nghe theo lời cảnh báo của anh, lặn mất tăm. Vài người khác hình như lại thấy, theo cách riêng, cảm động trước giọng điệu đòi hỏi của anh. Họ làm việc hăng say và mang tới văn phòng anh, tới cuộc đời thỏa mãn nghiêm chỉnh của anh, bông hoa phục tùng vĩ đại, sửng sốt của đàn bà trưởng thành, cùng cái hi vọng run rẩy được chấp nhận.

Anh chọn một phụ nữ tên Jacqui Adams. Cô ta ngược với Fiona – thấp bé, mềm mại, mắt đen, lửa tình hừng hực. Một kẻ lạ lẫm với sự khôi hài. Vụ đó kéo dài được một năm, tới khi chồng cô bị thuyên chuyển. Khi họ tạm biệt nhau trong xe cô ta, thì cô ta run lên bần bật. Như bị giảm nhiệt vậy. Cô ta có viết cho anh vài lần, nhưng thấy giọng điệu thư từ của cô cầu kỳ quá, nên anh không biết trả lời ra sao. Anh để thời gian trả lời trôi tuột đi trong khi kỳ diệu thay, bất ngờ thay, dính vào một cô khác, trẻ chỉ bằng tuổi con gái Jacqui.

Một tiến triển khác choáng hơn đã diễn ra khi anh mải bận bịu với Jacqui. Mấy cô nàng trẻ tuổi tóc dài, chân mang xăng-đan, cứ đổ tới văn phòng anh và tất cả đều tuyên bố sẵn sàng làm tình. Vài bước tiến thận trọng, vài gợi ý dịu dàng về mặt cảm xúc mà Jacqui đòi hỏi bay vèo qua cửa sổ. Một cơn lốc cuốn lấy anh, cũng như lấy nhiều kẻ khác. Xì-căng-đan nổ ra tung tóe, đâu đâu cũng đầy kịch tính đau thương và dữ dội nhưng dù sao vẫn khá hơn trước. Có vài vụ trả đũa; vài vụ sa thải. Nhưng mấy gã bị sa thải bèn chạy tới dạy cho những trường nhỏ hơn, dễ hơn, hay mấy Trung tâm học tập mở, còn nhiều bà vợ bị bỏ lại đằng sau để vượt qua cú sốc, và thu dọn đồ đạc, thu dọn vẻ bê trễ tình dục của mấy cô nàng đã quyến rũ chồng mình. Những bữa tiệc học thuật, thường diễn ra theo chiều hướng dễ đoán, trở thành một bãi mìn. Một trận dịch nổ ra, lan nhanh như cúm Tây Ban Nha. Chỉ ở thời điểm này người ta mới chạy theo sự lây nhiễm, và có rất ít người trong độ tuổi từ 16 tới 60 sẵn lòng bị loại khỏi cuộc chơi.

Dĩ nhiên đó là nói phóng đại. Fiona rất sẵn lòng. Còn bản thân Grant không đi quá xa. Điều anh thấy chủ yếu là sức khỏe tăng lên khủng khiếp. Anh chạy lên cầu thang toàn hai bậc một. Anh cảm kích như chưa bao giờ cảm kích khung cảnh rực rỡ của những đám mây tan tác, những buổi hoàng hôn mùa đông nhìn từ cửa sổ văn phòng mình, vẻ duyên dáng của những chiếc đèn cổ chiếu sáng sau tấm rèm phòng khách nhà hàng xóm, tiếng khóc của đám trẻ trong công viên, lúc trời chiều, vì không muốn rời ngọn đồi nơi chúng đang trượt tuyết. Mùa hè đến, anh học thêm tên các loài hoa. Trong lớp của mình, sau khi được bà mẹ vợ gần mất giọng (tai họa của bà là chứng ung thư họng) chở tới, anh liều ngâm một bài tụng ca Iceland đẫm máu mà hùng tráng, tụng ca Höfudlausn, được một gã hát rong sáng tác để vinh danh Vua Erik Rìu máu, người đã khép hắn vào tội chết.

Fiona không bao giờ học tiếng Iceland, và không bao giờ bày tỏ lòng kính trọng gì nhiều tới mấy câu chuyện đáng kính trọng – mấy câu chuyện mà Grant đã dạy và viết về chúng. Cô gọi mấy anh hùng trong truyện là “già Njal” hay “già Snorri.” Nhưng vài năm gần đây, cô có vẻ quan tâm hơn tới đất nước Iceland và tìm xem mấy cuốn hướng dẫn du lịch. Cô đọc về chuyến đi của William Morris, của Auden. Cô không định tới đó du lịch. Cô bảo đó hẳn là nơi bạn nghĩ tới, biết tới, có thể khát khao muốn tới nhưng sẽ không bao giờ thực sự tới thăm.

Tuy thế, lần sau khi đến Hồ thảo nguyên, Grant mang cho Fiona một cuốn sách anh tìm được có nhiều tranh màu nước hồi thế kỷ 19, do một quý bà đi du lịch Iceland về vẽ. Đó là một ngày thứ Tư. Anh tới chỗ chơi bài tìm cô nhưng không thấy. Một phụ nữ gọi với ra bảo, “Cô ấy không ở đây. Cô ấy bị bệnh rồi.”

Giọng chị ta có vẻ kẻ cả và hào hứng – kiểu hài lòng với bản thân vì đã nhận ra anh trong khi anh chẳng biết gì về chị ta. Cũng có thể chị ta hài lòng với tất cả những gì mình biết về Fiona, về cuộc sống của Fiona ở đây, nghĩ có thể biết còn nhiều hơn anh.

“Anh ta cũng không ở đây đâu,” chị ta nói thêm.

Grant đi tìm Kristy, người không có nhiều thời gian dành cho anh. Cô đang nói chuyện với một phụ nữ khóc lóc, người trông như lần đầu tới thăm thân nhân vậy.

“Thật ra chả có gì,” cô bảo, khi anh hỏi có chuyện gì xảy ra với Fiona. “Chị ấy chỉ nằm giường hôm nay, chỉ là chút đau buồn ấy mà.”

Fiona đang ngồi thẳng trên giường. Anh không để ý, dù có tới phòng này vài lần, rằng đây là giường bệnh viện và có thể được dựng lên như thế. Cô đang mặc một trong số mấy chiếc áo choàng dài cao cổ từ hồi con gái của mình, và mặt cô xanh xao hệt món bột chua.

Aubrey đang ở cạnh cô trong chiếc xe lăn, được hắn đẩy lại càng gần giường càng tốt. Thay vì mặc mấy cái áo sơ-mi cổ hở tệ không tả nổi như thường lệ, thì hôm nay hắn đóng bộ áo khoác và cà vạt. Cái nón bằng vải tuýt trông chải chuốt của hắn được để trên giường. Hắn trông như vừa đi công cán một chuyến quan trọng về vậy.

Bất cứ hắn đã làm việc gì, thì giờ trông hắn rất kiệt sức. Mặt hắn cũng xám xịt.

Cả hai người ngước lên nhìn Grant, từ vẻ e sợ lạnh lùng, chất chứa phiền muộn, thành ra sự nhẹ nhõm, nếu không phải là chào đón, khi thấy anh là ai. Không phải người họ nghĩ. Họ đang nắm tay nhau và không thả ra.

Chiếc nón để trên giường. Áo khoác và cà vạt.

Không phải Aubrey đã đi ra ngoài. Không phải câu hỏi là, liệu hắn đã ở đâu hay đã tới gặp ai. Mà hắn sắp đi đâu.

Grant đặt quyển sách xuống giường, cạnh tay còn rảnh của Fiona.

“Sách về Iceland,” anh bảo. “Anh nghĩ có thể em muốn xem qua nó.”

“Sao cơ, ôi cảm ơn anh,” Fiona đáp. Cô không nhìn quyển sách.

“Iceland đấy,” anh nhắc.

Cô lặp lại, “Ice-land.” Âm tiết đầu làm ra vẻ có chút quan tâm, nhưng âm tiết sau rơi tòm xuống nhạt phèo. Dù sao, cô cũng thấy cần phải quay sự chú ý về lại phía Aubrey, người đang kéo bàn tay to béo của mình ra khỏi tay cô. “Gì thế?” cô hỏi. “Chuyện gì vậy, anh yêu?” Grant chưa bao giờ thấy cô dùng lối diễn đạt hoa mỹ như vậy trước đó.

“Ồ được rồi,” cô bảo. “Ôi đây này.” Rồi cô lôi một mớ khăn giấy ra khỏi cái hộp để cạnh giường. Aubrey bắt đầu khóc.

“Nào. Nào,” cô bảo, và hắn cầm mớ khăn Kleenex càng chặt càng tốt rồi làm vài đường vụng về nhưng may sao cũng lau mặt được. Khi hắn mải lau, thì Fiona quay sang Grant.

“Anh có tình cờ quen ai tai to mặt lớn quanh đây không?” cô thì thầm hỏi. “Em có lần thấy anh nói chuyện với họ…”

Aubrey tạo một tiếng ồn tỏ vẻ phản đối hay mệt mỏi, ghê sợ gì đó. Rồi phần trên thân hình hắn lao tới trước như muốn ném mình về phía cô. Cô vội xoay nửa người lại đỡ và ôm lấy hắn. Có vẻ việc này Grant giúp cô thì không hợp cho lắm.

“Yên nào,” Fiona nói. “Ôi cưng ơi. Yên nào. Ta sẽ gặp nhau. Ta phải gặp nhau mà. Em sẽ tới gặp anh. Anh sẽ tới gặp em.”

Aubrey lại tạo ra tiếng động như trước, úp mặt vào ngực cô, còn Grant không biết làm gì hợp lẽ hơn là đi ra ngoài.

“Tôi chỉ ước vợ anh ta nhanh nhanh tới đây,” Kristy bảo khi anh tình cờ gặp cô. “Tôi ước chị ta mang anh ta ra khỏi đây và dẹp bớt sự đau đớn này. Chúng tôi bắt đầu phục vụ bữa tối từ lâu và làm sao bắt cô ấy nuốt được thứ gì khi anh ta cứ bám rịt bên cạnh cơ chứ?”

Grant hỏi, “Tôi có nên ở lại không?”

“Để chi? Chị ấy có bệnh gì đâu, anh biết mà.”

“Để bầu bạn với cô ấy,” anh đáp.

Kristy lắc đầu.

“Họ phải tự mình vượt qua chuyện ấy thôi. Họ có ký ức ngắn lắm, thường là thế. Việc đó không phải lúc nào cũng tệ.”

Grant về mà không quay lại phòng Fiona. Anh để ý thấy gió thực sự ấm áp và bọn quạ đang làm ầm ĩ cả lên. Trong bãi đỗ xe, một phụ nữ mặc bộ vét bằng len kẻ ô đang lấy chiếc xe lăn gấp được ra khỏi khoang hành lý phía sau xe.

 

Fiona không vượt qua được sự đau buồn. Tới bữa cô chẳng ăn uống gì, dù giả vờ là có, rồi đem giấu đồ ăn xuống dưới khăn. Cô được cho uống thuốc bổ sung hai lần một ngày – ai đó ở gần và trông chừng khi cô uống thuốc. Cô ra khỏi giường, tự mặc quần áo, nhưng tất cả những gì cô muốn làm là ngồi trong phòng mình. Cô không tập luyện gì cả nếu Kristy, hay Grant trong những lần thăm viếng, không dìu cô dậy, xốc cô đi xuống cầu thang và ra ngoài nhà. Khóc nhiều khiến mắt cô mòng mọng, lờ đờ. Chiếc áo len của cô – nếu nó là của cô – được cài nút lệch. Cô chưa tới mức để tóc tai không chải, móng miếc không rửa, nhưng chuyện đó chẳng mấy mà tới. Kristy bảo cơ bắp cô đang nhão ra, và nếu cô không cải thiện thì họ sẽ cho cô dùng giá tập đi.

“Nhưng, anh biết đấy, một khi dùng giá tập đi thì họ bắt đầu phụ thuộc vào nó, và họ chẳng bao giờ đi lại nhiều, chỉ đi tới bất cứ đâu phải đi thôi,” cô nói với Grant. “Anh phải thúc chị ấy nhiều hơn. Cố động viên chị ấy vào.”

Nhưng Grant không gặp may với việc đó. Fiona có vẻ ghét anh, dù cô cố che đậy. Có lẽ mỗi lần gặp anh, cô lại nhớ phút giây cuối cùng bên cạnh Aubrey, khi cô hỏi anh giúp thì anh chẳng giúp gì.

Anh không thấy nhắc lại chuyện hôn nhân giữa họ có ý nghĩa gì nhiều nữa.

Giám thị gọi anh tới văn phòng cô ta. Cô ta bảo cân nặng của Fiona đang giảm, ngay cả khi đã cho uống thuốc bổ sung.

“Chuyện là, tôi chắc anh biết, chúng tôi không làm công tác chăm sóc tại giường về lâu về dài ở tầng một. Chúng tôi chỉ tạm thời làm nếu ai đó không cảm thấy khỏe mà thôi, nhưng nếu họ quá yếu không di chuyển loanh quanh được, không tự chăm sóc bản thân được, thì chúng tôi phải xem xét chuyển họ lên tầng trên.”

Anh bảo mình không nghĩ Fiona lại hay nằm giường đến thế.

“Không thường. Nhưng nếu chả giữ gìn sức khỏe thì cô ấy sẽ vậy đấy. Giờ cô ấy đang cán đường biên rồi.”

Grant bảo mình nghĩ tầng hai dành cho mấy người bị rối loạn đầu óc.

“Cũng thế cả thôi,” cô ta đáp.

 

Con đường mà Grant thấy mình lái qua có tên là Đường Diều hâu đen. Nhà cửa hai bên nhìn như được xây cùng một lúc, có thể là 30, 40 năm về trước. Con đường rộng, uốn lượn, không có vỉa hè. Bạn của Grant và Fiona đã chuyển tới những nơi như thế này khi họ sắp có con, và mấy gia đình trẻ thì vẫn sống ở đây. Có giỏ bóng rổ trên mấy cánh cửa ga-ra và xe đạp ba bánh trên lối xe đi vào nhà. Vài căn nhà đã xuống cấp. Sân vườn bị lốp xe in dấu, cửa sổ dính đầy giấy thiếc hoặc treo mấy rẻo cờ đã bạc màu. Nhưng vài căn hình như được những người vào ở khi họ mới chuyển tới – những người không có tiền của hoặc có thể cảm thấy không có nhu cầu phải chuyển tới nơi nào đó tốt hơn – giữ cho càng đẹp càng tốt.

Ngôi nhà ghi trong danh bạ điện thoại thuộc về Aubrey và vợ hắn nằm trong số ấy. Lối đi trước nhà được lát đá phiến và viền bằng hoa dạ lan hương, thứ hoa đứng thẳng như hoa bằng sứ, hết hồng lại xanh.

Anh chả nhớ gì về vợ Aubrey trừ bộ vét bằng len kẻ ô mà anh thấy cô ta mặc trong bãi đỗ xe. Cái đuôi áo khoác xòe hở khi cô ta cúi xuống khoang hành lý. Anh có ấn tượng về cái eo thon và bộ mông nở.

Hôm nay cô không mặc vét bằng len kẻ ô. Mà mặc quần ống suông màu nâu có thắt dây lưng và áo len hồng. Anh đã đúng về phần eo – chiếc thắt lưng chặt cho thấy cô ta có dáng vẻ đó. Mà trông sẽ đẹp hơn nếu cô ta không làm thế, vì phần trên và dưới eo cô phồng ra rất rõ.

Cô ta có thể trẻ hơn chồng 10 hay 20 tuổi. Tóc ngắn, quăn, màu đỏ nhân tạo. Cô có cặp mắt xanh – hơi nhạt hơn màu của Fiona – màu của trứng chim cổ đỏ hay màu xanh lam ngọc, lồi một chút nên hơi xếch. Và có rất nhiều nếp nhăn, nổi rõ hơn do bợt phấn màu hồ đào. Hay có thể đó là màu da rám nắng của cô ta ở Florida.

Anh bảo mình không biết cách giới thiệu bản thân cho lắm.

“Tôi đã gặp chồng chị ở khu Hồ thảo nguyên. Bản thân tôi là khách thường xuyên ở đó.”

“Vâng,” vợ Aubrey đáp, cằm cử động vẻ hung hăng.

“Dạo này chồng chị bận không?”

Từ “bận không” được thêm vào phút cuối.

“Anh ấy ổn,” cô ta đáp.

“Vợ tôi và anh ấy kết thành đôi bạn rất thân.”

“Tôi có nghe chuyện đó.”

“Tôi muốn nói với chị vài điều nếu chị có thời gian.”

“Chồng tôi không thử bắt đầu chuyện gì với vợ anh đâu, nếu đó là điều anh muốn nói,” cô ta bảo. “Anh ấy không gạ gẫm chị ta. Anh ấy không thể làm việc đó và dù gì đi nữa cũng chả làm việc đó. Từ những gì tôi nghe được thì chuyện diễn ra theo cách khác kia.”

Grant bảo, “Không. Hoàn toàn không phải thế. Tôi không đến đây để than phiền về bất cứ thứ gì cả.”

“Ồ,” cô ta đáp. “Vậy tôi xin lỗi. Tôi nghĩ anh tới để làm thế. Anh nên vào nhà đi. Gió thổi qua cửa lạnh đấy. Hôm nay trời có vẻ không ấm áp như ta tưởng.”

Vậy là thứ gì đó thắng lợi dành cho anh khi lọt được vào nhà.

Cô ta dẫn anh qua phòng khách, vừa đi vừa bảo, “Ta phải ngồi dưới bếp, nơi tôi có thể nghe thấy tiếng Aubrey.”

Grant bắt gặp hai lớp rèm ở cửa sổ nhìn ra phía trước nhà, cả hai đều màu xanh, một trong suốt, một bằng lụa, một chiếc ghế xô-pha xanh tương xứng, một chiếc thảm có màu nhạt đến phát nản, nhiều gương to nhỏ và đồ trang trí sáng sủa. Fiona có một từ để chỉ mấy tấm rèm trễ nải kiểu này – cô bảo đó là trò đùa, dù mấy phụ nữ mà cô học được từ này dùng nó rất nghiêm túc. Bất cứ căn phòng nào Fiona sửa sang đều trần trụi, sáng sủa. Cô sẽ cho toàn bộ mấy thứ tươi vui đông đúc này vào không gian thật nhỏ hẹp. Từ căn phòng cách nhà bếp – kiểu như phòng phơi nắng, dù mấy tấm mành mành được kéo ra để cản bớt nắng trưa – anh có thể nghe thấy tiếng ti-vi.

Đáp án cho lời cầu nguyện của Fiona ngồi cách đó vài foot, đang xem thứ gì đó như là một trận bóng. Cô vợ nhìn hắn.

Cô ta hỏi, “Anh ổn chứ?” rồi khép hờ cửa lại.

“Anh có thể dùng một cốc cà phê,” cô ta bảo Grant. “Con trai tôi mua kênh thể thao cho anh ấy xem hồi Giáng sinh năm ngoái. Tôi chả biết tụi tôi sẽ làm gì nếu không có cái kênh đó.”

Trên bàn bếp có đủ loại dụng cụ, thiết bị – máy pha cà phê, máy chế biến thực phẩm, máy mài dao, và vài thứ Grant không biết tên cũng chẳng biết công năng. Tất cả đều mới và đắt tiền, như thể chúng vừa được lôi ra khỏi hộp và chùi rửa hằng ngày vậy.

Anh nghĩ, thán phục về mấy thứ này có khi cũng hay. Anh thán phục cái máy pha cà phê cô đang dùng và bảo rằng, anh và Fiona luôn muốn có một cái. Điều này chả có gì đúng cả – Fiona hết lòng vì cái cục sắt gắn mác Châu Âu, chỉ pha được mỗi lần có hai cốc.

“Là thứ chúng biếu tụi tôi đấy,” cô ta bảo. “Con tụi tôi và vợ nó. Chúng sống ở Kamloops, B.C. Chúng gửi tới nhiều thứ hơn khả năng tụi tôi dùng. Sẽ không ai tổn thương nếu chúng dành tiền đó tới thăm tụi tôi.”

Grant nói vẻ triết lý, “Tôi cho là chúng còn bận rộn với cuộc sống của mình.”

“Chúng không quá bận để tới Hawaii chơi mùa đông năm ngoái. Anh có thể hiểu điều ấy nếu có ai đó ruột rà, sống gần bên. Nhưng nó lại là con một.”

Cô rót cà phê vào hai ca sứ màu xanh-nâu, mà cô lấy từ mấy cành bị đốn cụt của cái cây bằng sứ đặt trên bàn.

“Con người ta thực sự rất cô đơn,” Grant bảo. Anh nghĩ giờ đã thấy cơ hội của mình. “Nếu họ bị cướp mất người mà họ quan tâm, họ thực sự rất buồn. Fiona, chẳng hạn. Vợ tôi ấy.”

“Tôi nghĩ anh bảo anh tới thăm chị ấy chứ.”

“Tôi có tới,” anh đáp. “Nhưng không phải việc đó.”

Rồi anh làm liều, tiếp tục nói về việc anh tới để thỉnh cầu. Liệu cô có xem xét việc cho Aubrey quay lại Hồ thảo nguyên, có thể chỉ một ngày mỗi tuần, để thăm viếng hay không? Nơi đó cách đây có vài dặm đường xe chạy. Hay nếu cô muốn có thời gian nghỉ ngơi – Grant trước đó không nghĩ tới chuyện này và giờ thấy nản lòng khi tự mình nói ra điều ấy – thì anh sẽ tự đưa Aubrey tới đó, anh không thấy phiền gì cả. Anh chắc là mình có thể làm được. Khi anh nói cô ta cử động đôi môi mím chặt, chiếc lưỡi giấu kín của mình, như thể cố nhận ra ân huệ đáng ngờ nào đó. Cô lấy thêm sữa để cho vào ca cà phê của anh và một đĩa bánh gừng.

“Bánh nhà làm đấy,” cô bảo khi đặt đĩa bánh xuống. Có sự thách thức hơn là sự hiếu khách trong giọng điệu của cô. Cô không nói gì cho tới khi ngồi xuống, rót sữa vào ca cà phê của mình, rồi khuấy lên.

Rồi cô đáp không.

“Không, tôi không làm thế được. Và lý do là, tôi không muốn làm anh ấy buồn.”

“Làm thế khiến anh ấy buồn à?” Grant tha thiết hỏi.

“Ừ, có đấy. Là thế đấy. Chả còn cách nào khác. Đem anh ấy về rồi lại mang anh ấy đi. Thế sẽ khiến anh ấy bối rối.”

“Nhưng bộ anh ấy không hiểu đó chỉ là một cuộc viếng thăm thôi sao? Anh ấy không hiểu theo cách đó hay sao?”

“Anh ấy hiểu mọi thứ ổn cả.”

Cô nói như thể anh vừa có lời lăng nhục đối với Aubrey. “Nhưng đó vẫn là một lần gián đoạn. Rồi khi tôi phải chuẩn bị mọi thứ cho anh ấy, mang anh ấy ra xe, mà anh ấy là một người đàn ông to lớn, thì anh ấy không dễ xử lý như anh nghĩ đâu. Tôi phải dùng thủ đoạn mới lôi anh ấy vào xe được, rồi cho xe lăn lên, mọi thứ ấy, để làm gì cơ chứ? Nếu tôi vướng vào tất cả mớ rắc rối đó thì tôi thà đem anh ấy tới nơi nào đó vui vẻ hơn.”

“Nhưng nếu tôi đồng ý làm việc ấy thì sao?” Grant hỏi, vẫn giữ giọng hi vọng, hợp tình hợp lý. “Đúng thế, chị không nên vướng vào mớ rắc rối đó.”

“Anh không làm được đâu,” cô trả lời thẳng thừng. “Anh không biết anh ấy. Anh không xử lý anh ấy được đâu. Anh ấy sẽ không chịu để anh làm cho anh ấy đâu. Tất cả những thứ phiền toái đó và anh ấy được lợi lộc gì cơ chứ?”

Grant không nghĩ mình nên nhắc tới Fiona lần nữa.

“Hợp lý hơn là đưa anh ấy tới khu mua sắm,” cô ta bảo. “Hay giờ khi đám tàu thuyền chạy trên hồ bắt đầu chạy lại, anh ấy có thể thích ra đó ngắm cảnh.”

Cô đứng dậy, lấy thuốc lá và bật lửa từ cửa sổ phía trên bồn rửa.

“Anh hút không?” cô hỏi.

Anh bảo không, cảm ơn, dù anh không biết liệu mình có được mời một điếu hay không.

“Anh chưa bao giờ hút? Hay hút rồi bỏ?”

“Bỏ,” anh đáp.

“Bao lâu rồi?”

Anh suy nghĩ về khoảng thời gian.

“Ba mươi năm. Không – hơn thế.”

Anh quyết định bỏ thuốc trong khoảng thời gian bắt đầu qua lại tới Jacqui. Nhưng anh không nhớ mình bỏ trước, và nghĩ tới phần thưởng to lớn đến với mình vì bỏ thuốc, hay nghĩ rằng đã tới lúc phải bỏ, vì mình có trò giải khuây mạnh đến thế là cùng.

“Tôi đã từ bỏ việc bỏ,” cô nói, châm thuốc hút. “Chỉ cần hứa là sẽ từ bỏ cái việc bỏ đó đi, vậy thôi.”

Có thể đó là lý do tại sao cô có nếp nhăn. Một người nào đó – một phụ nữ – đã bảo với anh rằng phụ nữ hút thuốc phát triển một loạt đặc biệt những nếp nhăn nhỏ trên mặt. Song có thể là do ánh mặt trời, hay bản thân làn da cô – cổ cô cũng có nhiều nếp nhăn. Cái cổ nhăn nheo, bộ ngực lại nhô cao và đầy đặn một cách tươi trẻ. Phụ nữ ở vào tuổi cô thường có những mâu thuẫn đó. Điểm xấu và điểm tốt, cái may và không may về mặt di truyền, tất cả hòa trộn lại với nhau. Rất ít người giữ được toàn bộ vẻ đẹp của họ, dù chỉ hình bóng thôi, như Fiona đã trải qua. Mà có lẽ điều đó cũng chẳng đúng. Có lẽ anh chỉ nghĩ về nó vì anh biết Fiona khi cô còn trẻ. Khi Aubrey nhìn vợ mình, liệu hắn có thấy một cô bé trung học khinh khỉnh, hỗn hào, với đôi mắt xanh xênh xếch, đôi môi mọng mím chặt quanh điếu thuốc bị cấm cản kia không?

“Vậy vợ anh bị trầm cảm à?” vợ Aubrey hỏi. “Vợ anh tên gì? Tôi quên rồi.”

“Là Fiona.”

“Fiona. Còn anh? Tôi không nghĩ mình đã nghe qua.”

Grant đáp, “Là Grant.”

Cô bất ngờ thò tay qua bàn.

“Xin chào, Grant. Tôi là Marian.”

“Vậy giờ mình biết tên nhau rồi,” cô bảo, “không lý gì không nói thẳng cho anh hay những gì tôi nghĩ cả. Tôi không biết, liệu anh ấy có muốn gặp vợ – gặp Fiona. Hay không. Tôi không hỏi anh ấy và anh ấy không bảo với tôi. Có thể đó chỉ là đam mê thoáng qua. Nhưng tôi không thích đem anh ấy quay lại đấy để rồi nó thành ra thứ gì đó hơn thế. Tôi không thể đánh bài liều. Tôi không muốn anh ấy buồn rồi lại tiếp tục buồn. Tôi có đầy việc với anh ấy như nó vốn dĩ là thế. Tôi chả có ai giúp. Chỉ có tôi ở đây. Mình tôi.”

“Chị có bao giờ nghĩ – tôi chắc rất khó với chị –” Grant đáp. “Chị có bao giờ nghĩ tới việc để anh ấy ở đó mãi mãi hay không?”

Anh hạ giọng thành tiếng thì thào nhưng cô hình như không thấy cần phải hạ thấp giọng mình.

“Không,” cô đáp. “Tôi giữ anh ấy ở đây.”

Grant bảo, “Tốt. Chị thật tử tế, thật cao thượng.” Anh hi vọng từ “cao thượng” không có vẻ châm biếm. Anh không có ý đó.

“Anh nghĩ thế sao?” cô ta hỏi. “Cao thượng không phải thứ tôi nghĩ tới.”

“Vẫn thế cả thôi. Việc đó đâu có dễ dàng.”

“Không, không dễ tí nào. Nhưng theo cách mình sống, tôi không có nhiều lựa chọn. Tôi không có tiền để cho anh ấy đến đấy, trừ phi bán nhà. Căn nhà là toàn bộ những gì tụi tôi có. Nếu không tôi chả có gì làm vốn cả. Năm tới tôi sẽ có trợ cấp của anh ấy và của mình, nhưng ngay cả thế, tôi cũng không thể giữ anh ấy ở đấy, còn mình thì bám riết căn nhà này. Mà với tôi nó có ý nghĩa nhiều lắm, căn nhà này ấy.”

“Nó rất đẹp,” Grant bảo.

“Ừ, nó được lắm. Tôi đổ nhiều tiền vào nó. Nào sửa sang, tôn tạo. Tôi không muốn mất nó.”

“Không, chị đâu muốn thế. Tôi hiểu ý chị mà.”

“Công ty khiến tụi tôi kẹt cứng,” cô nói tiếp. “Tôi không biết đầu cua tai nheo ra sao nhưng về cơ bản, anh ấy bị hất cẳng ra. Rốt cuộc họ bảo rằng anh ấy nợ họ một mớ tiền và khi tôi cố tìm hiểu xem chuyện đó là thế nào thì anh ấy chỉ nói đi nói lại, đó không phải việc của tôi. Tôi nghĩ anh ấy đã làm điều gì đó rất dại dột. Nhưng tôi không định hỏi, tôi ngậm miệng luôn. Anh kết hôn rồi. Anh lập gia đình rồi. Anh biết nó thế nào rồi đấy. Và trong khi tôi đang tìm hiểu chuyện ấy thì tụi tôi được đề nghị tham gia chuyến đi đó và chả thể nào thoát được nó. Trên chuyến đi đó anh ấy bị bệnh do loại vi rút mà anh chưa hề nghe thấy đâu, rồi bất tỉnh nhân sự. Thế là bệnh giúp anh ấy thoát nợ.”

Grant bảo, “Xui thật đấy.”

“Tôi không có ý bảo, anh ấy cố tình bệnh. Nó chỉ tình cờ xảy ra thôi. Anh ấy chẳng còn giận tôi và tôi cũng chẳng còn giận anh ấy. Đời là thế. Anh chả đánh nổi đời.”

Cô ta khẽ lướt lưỡi như mèo lên môi trên, liếm vụn bánh. “Nghe cứ như mình là triết gia ấy nhỉ? Ngoài kia họ bảo tôi, anh từng là giáo sư đại học.”

“Lâu lắm rồi,” Grant đáp.

“Tôi cá mình biết anh đang nghĩ gì,” cô bảo. “Anh đang nghĩ có loại người chỉ biết tới tiền thôi.”

“Tôi không đánh giá theo kiểu ấy. Đó là cuộc đời chị.”

“Hẳn thế rồi.”

Anh nghĩ họ nên kết thúc bằng thứ gì đó trung hòa hơn. Vậy nên anh hỏi cô, chồng cô có làm việc trong cửa hàng ngũ kim hồi hè dạo nọ hay không, khi hắn đi học ấy.

“Tôi chưa bao giờ nghe thấy chuyện đó,” cô bảo. “Tôi không lớn lên ở đây.”

 

Grant nhận ra mình đã thất bại với vợ Aubrey. Marian. Anh đã nghĩ, thứ mình phải chống lại chính là lòng ghen tuông tình dục tự nhiên của phụ nữ – hay sự oán giận, những gì bướng bỉnh còn sót lại của lòng ghen tuông tình dục. Anh không hề có ý niệm gì về cách cô ta có thể nhìn nhận sự việc. Và theo cách phiền muộn nào đó, cuộc trò chuyện này không hề xa lạ với anh. Đó là vì nó nhắc anh nhớ tới những cuộc trò chuyện anh từng có với người trong gia đình mình. Bà con thân thuộc, thậm chí là mẹ anh, đã nghĩ theo cách Marian nghĩ. Tiền là trên hết. Họ tin rằng khi người khác không nghĩ thế là vì bọn ấy thiếu thực tế. Đó là cách Marian nhìn nhận anh, dĩ nhiên rồi. Một thằng khờ, đầu đầy kiến thức chán phèo, được vận may nào đó bảo vệ trước sự thật cuộc đời. Một người không phải lo về việc giữ rịt ngôi nhà, có thể đi loanh quanh mơ màng với những kế hoạch hào phóng hay ho mà anh ta tin sẽ khiến người khác vui. Thật là một thằng ngốc, giờ cô ta sẽ nghĩ thế.

Chống trả lại một người như thế khiến anh thấy vô vọng, bực tức, cuối cùng hầu như phiền muộn. Tại sao chứ? Vì anh không chắc mình có thể kiên cường, chống trả lại những người như thế à? Vì anh sợ rốt cuộc họ đúng à? Nhưng biết đâu anh hẳn đã cưới cô ta. Hay một cô gái đại loại thế. Nếu cứ ở lại cái nơi anh đã thuộc về ấy. Cô ta hẳn ngon lành lắm. Có thể chỉ tán tỉnh. Cái vẻ ỏng ẹo khi cô ta xê dịch bộ mông của mình trên chiếc ghế bếp, miệng bĩu ra, một không khí đe dọa hơi bị trù tính – đó là những gì còn sót lại của sự thô thiển ít nhiều ngây thơ của kiểu tán tỉnh tỉnh lẻ.

Cô ta hẳn có vài hi vọng khi chọn Aubrey. Vẻ ngoài bảnh bao, làm nghề kinh doanh, có những kỳ vọng của giới cổ cồn trắng. Cô ta hẳn đã tin, cuối cùng mình sẽ sống sung túc hơn bây giờ. Mà chuyện như thế thường xảy ra với mấy kẻ có đầu óc thực dụng. Mặc kệ tính toán, mặc kệ bản năng sinh tồn của mình, họ không tiến xa như đã mong đợi một cách hợp lý. Rõ ràng điều đó có vẻ không công bằng.

 

Trong bếp, thứ đầu tiên anh nhìn thấy là ánh sáng nhấp nháy trên máy trả lời điện thoại. Anh nghĩ tới điều hệt như bây giờ anh vẫn nghĩ. Fiona. Anh nhấn nút nghe trước khi cởi áo khoác ra.

“Chào Grant. Tôi hi vọng mình gọi đúng người. Tôi vừa nghĩ ra điều gì đó. Có buổi khiêu vũ trong thị trấn ở khu Binh đoàn, tổ chức cho mấy người độc thân vào tối thứ Bảy và tôi ở trong ban tổ chức tiệc trưa, điều đó có nghĩa là tôi được mang một khách mời miễn phí tới. Vậy nên tôi tự hỏi, liệu anh có tình cờ quan tâm tới vụ này không? Gọi cho tôi khi anh gọi được nhé.”

Giọng phụ nữ cho số điện thoại địa phương. Rồi một tiếng bíp và giọng nói đó lại tiếp tục.

“Tôi vừa nhận ra mình quên nói mình là ai. Ừ, anh có thể nhận ra giọng nói. Là Marian. Tôi vẫn chưa quen dùng mấy cái máy này. Và tôi muốn nói, tôi biết anh không độc thân và tôi cũng không có ý đó. Tôi cũng không độc thân, và thỉnh thoảng ra ngoài chơi thì cũng không làm ai tổn thương cả. Nếu quan tâm anh có thể gọi cho tôi, nếu không thì đừng lấy gì làm phiền nhé. Tôi chỉ nghĩ anh có thể thích một dịp được ra ngoài. Là Mar੩an đang nói đây. Tôi đoán mình đã nói điều đó rồi. Vậy nhé. Tạm biệt.”

Giọng cô ta trên máy khác với giọng anh vừa nghe không lâu khi nãy trong nhà cô ta. Chỉ khác một chút trong tin nhắn đầu, khác nhiều hơn trong tin nhắn sau. Một cơn rúng động thần kinh, một vẻ rạo rực tình cảm, một sự vội vã muốn vượt qua và miễn cưỡng muốn buông bỏ.

Chuyện gì đó đã xảy ra với cô ta. Nhưng nó xảy ra khi nào? Nếu ngay lập tức, thì cô ta hẳn đã che giấu rất thành công suốt thời gian anh ở đó với cô. Có thể nó đến từ từ, có thể sau khi anh ra về. Không nhất thiết là một đòn tình cảm. Chỉ nhận ra rằng anh là kẻ khả dĩ, một gã đàn ông độc lập. Ít nhiều độc lập. Một kẻ khả dĩ mà cô ta cũng muốn thử bám theo xem sao.

Nhưng cô ta đã hoảng hốt khi thực hiện bước đi đầu. Cô ta đã đặt mình vào thế rủi ro. Bao nhiêu phần về cô thì anh chưa thể nói. Thông thường tính dễ tổn thương của phụ nữ tăng dần theo thời gian, khi sự việc tiến xa hơn. Tất cả những gì bạn có thể nói lúc ban đầu là, nếu tính dễ tổn thương có một bờ hố sâu, thì càng về sau nó càng có nhiều hơn. Nó khiến anh thỏa mãn – ai lại chối điều đó chứ? – khi lôi thứ ấy ra khỏi cô ta. Gợi lên thứ gì đó giống như một luồng ánh sáng lung linh, luồng ánh sáng mờ ảo, trên bề mặt tính cách cô ta. Nghe được trong những nguyên âm rộng có tính kiểm tra của cô ta lời cầu xin yếu ớt.

Anh lấy trứng và nấm ra để tự làm món ốp lết. Rồi anh nghĩ ngợi khi rót rượu cho mình.

Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Điều đó có đúng không – chuyện gì cũng có thể xảy ra ấy? Chẳng hạn, nếu anh muốn, liệu anh có thể đập tan cô ta, dồn cô ta tới chỗ phải nghe lời anh đưa Aubrey quay lại với Fiona? Không chỉ viếng thăm mà còn ở lại cho tới hết đời Aubrey. Và việc gì sẽ xảy ra với anh và Marian khi anh đưa Aubrey đến với Fiona?

Marian giờ chắc đang ngồi trong nhà mình, đợi anh gọi đến. Hay có khi không ngồi. Mà làm việc gì đó cho bận bịu tay chân. Cô ta chắc đã cho Aubrey ăn khi Grant mua nấm rồi lái xe về. Cô ta có thể đang chuẩn bị giường cho hắn nằm. Nhưng toàn bộ thời gian đó cô ta sẽ để ý tới điện thoại, tới sự yên lặng của điện thoại. Có thể cô đã tính xem Grant mất bao lâu mới về tới nhà. Địa chỉ nhà anh trong danh bạ điện thoại sẽ cho cô ý niệm đại khái về nơi anh ở. Cô ta sẽ tính xem mất bao lâu, rồi cộng vào đó thời gian anh mua bữa tối (khi hiểu ra, đàn ông sống một mình ngày nào cũng đi mua sắm). Rồi thêm vào một khoảng thời gian nhất định để anh đi lòng vòng lắng nghe tin nhắn. Và khi sự yên lặng vẫn dằng dai thì cô ta bèn nghĩ tới chuyện khác. Có thể anh phải làm vài việc trước khi về nhà. Hoặc có thể anh ăn ở ngoài, có cuộc hẹn nên anh không về vào giờ ăn tối được.

Về phần mình, anh mới tự phụ làm sao. Cô ta, trên hết, là một phụ nữ hiểu biết. Cô ta sẽ đi ngủ vào giờ bình thường, nghĩ là dù sao anh cũng chẳng giống một vũ công tử tế. Quá cứng nhắc, quá đạo mạo.

Anh đứng gần điện thoại, nhìn mớ tạp chí, nhưng anh không nhấc máy khi nó lại reo.

“Grant. Đây là Marian. Tôi xuống hầm để cho đồ giặt vào máy sấy, thì nghe tiếng chuông điện thoại, tôi liền lên lầu để xem đó là ai thì máy tắt. Nên tôi nghĩ mình nên bảo mình ở đây. Nếu đó là anh và thậm chí anh đang ở nhà. Vì rõ ràng tôi không có máy nhận tin, nên anh không thể nhắn lại được. Tôi chỉ muốn có thế. Để anh biết ấy mà.” Giờ là 10 giờ 20 phút.

“Tạm biệt.”

Anh sẽ bảo mình mới về. Không lý gì lại vẽ ra cho cô ta hình ảnh anh đang ngồi đây cân nhắc thiệt hơn.

Rèm xếp. Chính là từ cô ta dùng để chỉ mấy tấm rèm màu xanh – rèm xếp. Mà sao lại không cơ chứ? Anh nghĩ tới những chiếc bánh gừng tròn một cách hoàn hảo, tròn tới mức cô ta phải bảo cho biết chúng là món nhà làm, những cốc cà phê bằng sứ treo trên cái cây bằng sứ, miếng lót nhựa, mà anh chắc, để bảo vệ tấm thảm trải hành lang. Một sự chính xác, thực dụng bóng lộn cao sang mà chắc mẹ anh không bao giờ đạt tới nhưng phải lăn ra thán phục – liệu đó có phải lý do tại sao anh cảm thấy có sự bứt rứt tình cảm kỳ quặc, không đáng tin này hay không? Hay đó là vì anh đã uống thêm hai ly sau ly rượu đầu?

Làn da rám nắng bợt màu hồ đào – anh tin đó là da rám nắng – trên gương mặt và cổ cô ta chắc thể nào cũng kéo tới tận khe ngực, nơi sâu hoắm, da nhăn nheo, bẽo bèo như món bánh crêpe, nồng nặc và nóng bỏng. Anh nghĩ tới điều đó khi quay số anh đã ghi xuống. Điều đó và tính nhục dục đầy thực tế của cái lưỡi mèo của cô ta. Đôi mắt đá quý của cô ta.

 

Fiona ở trong phòng nhưng không nằm trên giường. Cô đang ngồi bên cửa sổ để mở, mặc một bộ váy sáng màu và ngắn một cách kỳ cục dù đúng theo mùa. Qua cửa sổ ùa tới cả một luồng ấm nóng mùi hoa tử la lan nở rộ, và phân bón mùa xuân lan tỏa khắp cánh đồng.

Cô có cuốn sách để mở trên đùi.

Cô bảo, “Nhìn quyển sách xinh đẹp em tìm thấy mà xem. Sách về Iceland đấy. Anh không nghĩ họ để mấy quyển sách giá trị thế này nằm vung vãi trong phòng đâu. Nhưng em nghĩ họ đã làm quần áo lẫn lộn cả lên – Em không bao giờ mặc đồ màu vàng.”

“Fiona,” anh gọi.

“Giờ mình đi trả phòng cả chứ?” cô hỏi. Anh nghĩ vẻ tươi vui trong giọng nói của cô có run một chút. “Anh đi quá lâu rồi.”

“Fiona, anh mang điều ngạc nhiên tới cho em đây. Em có nhớ Aubrey không?”

Cô nhìn chằm chằm Grant một lúc, như thể những làn gió đã quất vào mặt cô. Vào mặt, vào đầu cô, kéo mọi thứ ra thành giẻ rách. Toàn bộ giẻ rách, chỉ sứt.

“Tên tuổi trượt khỏi óc em,” cô nói giọng khàn khàn.

Rồi cái nhìn ấy trôi tuột đi khi cô, bằng nỗ lực, lấy lại vẻ duyên dáng giễu cợt nào đó. Cô cẩn thận đặt quyển sách xuống, đứng dậy, đưa tay ôm lấy anh. Da dẻ cô, hơi thở cô tỏa ra một mùi mới mẻ dịu nhẹ, mùi mà với Grant hình như giống thân cây xanh ngập trong dòng nước thối.

“Em rất vui được gặp anh,” cô nói, vừa ngọt ngào vừa trang trọng. Cô véo dái tai anh, thật mạnh.

“Anh chắc mới đi xa,” cô bảo. “Đi xa, không thèm quan tâm tới thế giới này và từ bỏ em. Bỏ em. Đã bỏ.”

Anh áp mặt mình vào mái tóc bạc trắng, lớp da hồng hào, hộp sọ có hình dáng đáng yêu của cô.

Anh bảo, “Không đời nào.”

 

_________________________

[1]Một trong hai tộc người Đức (Germanic) chịu ảnh hưởng của La Mã, nhưng tồn tại độc lập tới tận năm 654, thông qua luật mà trở thành công dân La Mã. Năm 711-712 vương quốc này sụp đổ do triều đình bị quân Ả Rập và Berber xâm lược giết hại.

[2]Người Celt/Kelt, tộc người sống vào thời Đồ Sắt và ở Trung Âu trước khi di chuyển dần sang Tây và Nam Âu, sang tận Anh. Hiện giờ văn hóa Celtic có thể được tìm thấy ở một số vùng của Anh, Bồ Đào Nha và khu vực tự trị Galicia (Tây Ban Nha) còn ngôn ngữ chủ yếu được phục hồi, bảo tồn ở Anh.

 

------------
Dịch từ nguyên tác “The Bear Came Over The Mountain” của Alice Munro, đăng lần đầu trên tờ The New Yorker, số ra ngày 27-12-1999. [Nhan đề truyện lấy từ lời bài hát thiếu nhi nổi tiếng, “The bear went over the mountain” (Chú gấu vượt qua quả núi). Lời tiếp theo là “Chú gấu vượt qua quả núi / Để thấy những gì thấy được / Và mọi thứ mà chú thấy / Là phía bên kia quả núi.”]

 

-------------

Đã đăng:

Mùa gà tây  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2013] ... “Được rồi. Em dùng mấy ngón tay móc bộ lòng ra. Từ từ, từ từ. Giữ mấy ngón tay lại với nhau. Cuộn bàn tay lại. Dùng mu bàn tay chạm vào những cái xương sườn. Dùng lòng bàn tay nắm lấy mớ lòng. Có cảm thấy gì không? Tiếp tục đi. Giựt đứt những sợi dây — càng nhiều càng tốt. Tiếp tục đi. Rờ thấy cái cục cưng cứng không? Đó là mề gà. Rờ thấy cái cục mềm mềm không? Đó là trái tim. Thấy chưa? Rồi hả. Móc mấy ngón tay quanh cái mề gà. Từ từ thôi. Bắt đầu kéo về phía này. Đúng rồi. Đúng rồi. Bắt đầu kéo nó ra.”... [Bản dịch của Trần Minh Hương] (...)
 
Bầy cáo bạc  (truyện / tuỳ bút) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2013] ... Khi tôi mang nước đến, những con cáo đi lảng vảng lên xuống trong chuồng, rất ít sủa — chúng chờ đến khuya, lúc tập hợp lại thành một dàn hợp xướng điên cuồng — nhưng chăm chăm nhìn tôi, cặp mắt chúng cháy bỏng, vàng rực, trong vắt, trên những khuôn mặt nhọn hoắt và hung ác. Bầy cáo thật đẹp với những cẳng chân thon nhẹ, những cái đuôi trĩu nặng quý phái, bộ lông óng ánh bạc giữa nền đen trên lưng— vì vậy chúng có tên là cáo bạc — nhưng đặc biệt là ở khuôn mặt, khắc từng nét sắc sảo đẹp tuyệt với nỗi thù hận rõ ràng, và ở đôi mắt vàng ánh... [Bản dịch của Nguyễn Đức Tùng] (...)
 
Thị trấn bên đường  (truyện / tuỳ bút) - Munro, Alice
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2013] ... Cha tôi băng qua cánh đồng ôm xác một đứa bé trai bị chết đuối. Họ có nhiều người, trở về sau cuộc lùng kiếm, nhưng ông là người mang xác thằng bé. Những người đàn ông mình mẩy đầy bùn, mệt lả, bước đi đầu cúi xuống, như thể họ là những người có lỗi. Ngay những con chó cũng chán nản, lông nhểu nước từ con sông lạnh giá. Thế mà vài giờ trước đó khi khởi sự, chúng còn tỏ ra bồn chồn, chạy quanh sủa ăng ẳng, những người đàn ông quyết tâm, căng thẳng, và có một không khí kích động bị kìm nén lại, không diễn tả được, bao trùm toàn bộ khung cảnh. Lúc đó ai cũng biết rằng có thể họ sẽ tìm thấy một điều gì khủng khiếp... [Bản dịch của Nguyễn Đức Tùng] (...)

 

 

------------------

Bài liên quan:

Nhà văn Canada 82 tuổi Alice Munro (1931~), “bậc thầy của truyện ngắn đương đại”, vừa được trao tặng Giải Nobel Văn Chương 2013. Từ thập kỷ 1960 đến nay, Munro đã là tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng, và bà cũng đã từng đoạt nhiều giải văn chương quan trọng, kể cả giải Man Booker International Prize 2009 cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác. Thật thú vị vì đây là lần đầu tiên một nhà văn chuyên viết truyện ngắn được trao giải Nobel Văn Chương. Hoàng Ngọc-Tuấn nói chuyện với Tú Trinh (SBS Radio) về bút pháp và thế giới quan của Munro, và về lý do vì sao bà đã chọn viết truyện ngắn thay vì viết tiểu thuyết... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021