thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sự tiến hoá của đàn ông

 

Cách đây ít năm, tôi có quen một cô gái miền Tây xinh xắn và dễ mến. Cô nhỏ hơn tôi gần 10 tuổi — một sự chênh lệch đáng kể. Nếu xét luôn đến cả vẻ bề ngoài gồ ghề, tôi chắc mình xứng đáng được cô gọi là chú. Nhưng không, cô gọi tôi là anh không ngại ngùng, và giữa chúng tôi gần như không có vùng cấm nào ngăn trở.

Cô ấy rất tin cậy ở tôi (cũng phải thôi, tôi hơn cô ấy những 10 tuổi mà). Cô thường tâm sự với tôi đủ thứ chuyện, từ công ăn việc làm, bệnh tật... cho đến những chuyện khó nói của vợ chồng, cô ấy cũng không ngại. Hầu hết chỉ là những chuyện lặt vặt đời thường. Ý tôi không muốn nói những chuyện của phụ nữ chỉ toàn là lặt vặt, nhưng sự thực cô ấy chưa từng hỏi tôi chuyện gì khác ngoài những thứ như vậy. Xét cho cùng thì trên đời này có bao nhiêu chuyện không phải là lặt vặt? Chỉ đôi lúc ta tự phóng cho to lên mà thôi. Nhưng dạo sau đó, cô ấy ra chiều suy tư nhiều, đôi mắt lúc nào cũng có vẻ u sầu. Và tôi chờ đợi cô sẽ hỏi một câu gì đó thật hóc búa. Cuối cùng cô ấy cũng mở miệng:

“Đàn ông là giống khó chiều, phải không?”

“Còn tuỳ đàn ông chứ, có phải em đang nói về chồng em?”

“Đúng rồi, còn ai vô đây nữa.”

“Thì hãy nói về chính chồng em thôi, tự nhiên lại kéo tất cả đàn ông vô làm chi?”

“Ừ, cứ cho là vậy đi, nhưng em thích nói cho nó to lớn...” Cô cười tít mắt.

“Nhưng có chuyện gì à?”

“Tụi em sắp bỏ nhau rồi.”

“Bỏ? Sao dễ vậy? Thích cưới là cưới, thích bỏ là bỏ? Đâu phải chuyện ăn kem...”

“Cũng giống chuyện ăn kem thôi, chồng gì coi vợ như con ở, suốt ngày bè bạn say xỉn tù tì, không vừa ý là đá vợ văng xuống ruộng. Hẳn là cái giống gì chứ đâu phải đàn ông... Ai chịu nổi...”

“Không phải là đàn ông? Ừ, em có khuyên nó chưa?”

“Có trời mà khuyên. Hình như em thấy hầu hết đều vậy cả, say xỉn tối ngày, đánh đập vợ con, chẳng làm ăn hay chăm lo cho gia đình gì hết...”

“Có phải vì vậy mà em bỏ lên Sài Gòn?”

“Dạ, ... em chán lắm.”

“Vậy em tính bỏ anh ta rồi... em làm gì?”

“Em đi làm, không thèm lấy chồng nữa, em chẳng còn tin ai...”

“Em nói xấu luôn anh đó hả?”

“Ô, không, anh đàng hoàng mà, em chỉ nói khó mà tìm ra một người đàn ông tử tế...”

“Chắc cũng có mà, nếu em chịu khó tìm.”

“Thôi, em chẳng cần nữa, sống vậy cho khoẻ xác...”

Rồi cô cười tươi như hoa.

 

*

 

Một câu chuyện rất đỗi bình thường vì tôi được nghe thường xuyên. Nhưng khi cô ấy nói rằng “hẳn là cái giống gì chứ đâu phải đàn ông”, thì câu nói đó lại khiến tôi suy nghĩ thật nhiều.

Vậy “đàn ông” nghĩa là gì, chỉ thuần tuý là một con đực tự nhiên hay tốt hơn, là một con đực đã tiến hoá? Nhưng thậm chí, kể cả khi đã tiến hoá, cũng rất khó để tin rằng đàn ông sẽ tạo nên một thứ văn hoá của riêng mình mà tách rời với cái nửa luôn gắn bó còn lại. Có lẽ đã có một thời mà sự phân chia giới tính được chấp nhận ở mức mặc nhiên, nghĩa là có những hoạt động và công việc phù hợp cho mỗi giới, để rồi sự suy đồi đã dần tách hai giới ra xa nhau. Một hố ngăn vĩ đại đã biến lý trí, thứ được coi là quyền năng đặc biệt của chúng ta, thành những định kiến không thể nào thay đổi được nữa. Có vẻ khi tạo hoá phân chia giới tính, đã không lường được rằng loài người sẽ dần dần không xem đó là hình tướng, mà họ đã đào sâu, khoét thật lõm, để mãi mãi biến cái sự phân giới cần thiết cho duy trì nòi giống ấy trở thành một thứ biểu hiện của ý chí đực tính đồi bại.

Nhưng chúng ta cũng biết rằng, đã có thời cấu trúc gia đình và xã hội tuân theo mẫu hệ. Tôi không dám chắc là ở thời đó vai trò của phụ nữ có được nâng lên tầm thống soái hay không, nhưng ta biết rõ người phụ nữ là lao động chính của gia đình và có vẻ họ vất vả rất nhiều. Nhưng dù sao, nếu như ai đó muốn có một thứ biện minh cho quyền lực giới tính thì cũng thật khó để tưởng tượng ra cảnh những người phụ nữ túm tụm ăn nhậu và coi những gã đàn ông không ra gì.

Rồi chúng ta chẳng biết gì nhiều về lý do tại sao cấu trúc mẫu hệ ấy lại chuyển sang phụ hệ. Điều gì đã thật sự xảy ra, và trong thời gian bao lâu? Rõ ràng đã có một chuyển biến thật căn bản và thậm chí khốc liệt trong xã hội loài người. Cách lý giải về phụ hệ là do các yêu cầu chiến tranh và sản xuất lớn... có lẽ không làm ai hài lòng. Tôi không dám chắc sự thay đổi này là tiến bộ hay suy đồi. Nhưng dù có xem sự thay đổi ấy như một quy luật phải chấp nhận, thì ít ra, cũng chỉ nên xem nó như một sự phân công lao động hợp lý hơn về thể chất tự nhiên chứ không phải là sự chiến thắng của đực tính.

Nhưng thật đáng tiếc, đực tính đã lên ngôi và nữ giới chỉ còn không hơn cái xương sườn của họ. Thậm chí còn thua xa cái xương sườn, bởi trong lịch sử và chính ngay bây giờ, ở vài nơi, phụ nữ còn bị buôn bán trao đổi như hàng hoá.

Những gã đực kia ơi, các người có biết rằng Chúa Trời đã tạo ra các người chỉ từ một dúm bùn đất hay không? Phải chăng cái nam quyền tuyệt đối từng ngự trị phương đông suốt mấy ngàn năm vẫn chưa mất bóng hẳn, và thỉnh thoảng nó lại trở về dưới một hình thức nào đó, tệ hại và đáng tởm hơn, trong cái xã hội bể nát này?

Câu chuyện của cô gái gợi cho tôi nhiều suy tư. Và để giải nghĩa được nó, dù chỉ là một chút hí luận, đòi hỏi cũng phải quay về tận cội nguồn xa xưa nhất của loài người. Nhưng tôi không làm việc đó nhưng một gã cuồng say khoa học tiến hoá, mà chỉ như một thứ vỗ về cho mong ước rằng một ngày nào đó cái giới tính kia không phải là nguyên nhân để gây ra khổ đau cho đồng loại nữa. Và đó sẽ là thời mà những thanh niên nát rượu, như chồng cô em gái, trở thành những gã đàn ông thực thụ để gánh vác gia đình và là chỗ dựa cho cô em xinh xắn của tôi.

Cái thời tốt đẹp ấy có đến hay không tôi không biết, nhưng dù có bị coi là một trò hư cấu văn chương, thì câu chuyện sau đây tôi đã dành để kể cho cô em gái đó nghe vào những dịp cuối tuần, như một lời giải thích vui vẻ cho một cuộc sống vốn đã âm u và cần có những lời đùa cợt nhiều hơn.

 

*

 

Có một truyền thuyết, không rõ bắt nguồn từ thời nào, nhưng được truyền miệng qua những người đàn bà trong xóm. Họ, những phụ nữ đảm đang, đa phần được ví như những kẻ lắm chuyện, là những người gìn giữ hồn cốt của tinh thần xa xưa — thời của những tâm hồn thuần khiết...

Đó là vào những lúc nông nhàn, khi những người phụ nữ thường tụ tập giặt giũ dưới bến sông, hoặc khi họ cùng cắt cỏ ngoài bãi... Những đứa trẻ nô đùa dọc theo triền sông, thỉnh thoảng dừng lại vì tiếng cười giòn tan từ mẹ, từ chị của chúng. Chẳng ai ngờ rằng, những người đàn bà bề ngoài trông có vẻ lam lũ và cam chịu ấy lại chứa đầy những câu chuyện hóm hỉnh trong đầu. Đó là những chuyện đã được kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần, qua bao nhiêu thế hệ và được luân hồi cùng những thân phận nhỏ bé qua nhiều kiếp. Đến mức có cảm giác như chúng được hoài thai cùng với những bé gái, để rồi lớn lên với chúng cho đến khi một cô bé thơ dại biến thành một người đàn bà cũ kỹ và buồn tẻ. Và khi sức xuân của họ đã tan chảy hết như những viên đá lạnh dưới ánh nắng mặt trời, và khi những gã đàn ông bắt đầu hắt hủi, thì tâm hồn họ vẫn còn đọng lại trong những câu chuyện ấy như một phần của sự cứu rỗi.

Thực ra, thoạt nghe thì đó chỉ là những câu chuyện tiếu lâm để chọc cười nhau và chẳng ai thắc mắc gì ngoài việc phải bật cười. Ban đầu, những đứa bé gái sẽ chẳng hiểu mô tê gì nhưng cũng nổi cười ngặt ngoẽo khi thấy mẹ và chị của chúng cũng đang cười sặc sụa chảy cả nước mắt nước mũi. Về sau, dần dần chúng cũng hiểu ý nghĩa ít nhiều, nhưng, như một bản năng của nữ giới, chúng cũng giữ cho riêng phái mình.

Mặc dầu những câu chuyện được phái nữ trong xóm luôn có ý thức giữ kín, cũng không tránh được một vài ngoại lệ, chẳng hạn như khi một bé gái bị một thằng con trai ăn hiếp thì đã phản kháng và vô tình thốt ra những lời bí mật:

“Con cu của mày chỉ bằng con giun đất.”

Thằng bé bị chửi đỏ mặt tức tối chạy về mách cha mẹ mình, và mẹ nó phải tốn công giải thích một hồi, cho đến khi nó nguôi ngoai mới thôi.

Cũng không chắc có phải vì vậy mà dần dà đàn ông trong xóm cũng rành rẽ cái truyền thuyết đó. Chỉ có điều, vì lòng tự trọng của giống đực, họ chưa bao giờ dùng nó trong những câu chuyện của riêng cánh mình...

Câu chuyện ấy kể về một thời xa lạ, khi nơi đây có một cuộc sống rất ư thanh bình. Đặc biệt, tất cả đàn ông trong xóm đều sở hữu một con cu chỉ nhỉnh hơn đầu đũa một tí, nhưng chưa có ai phải mang mặc cảm về điều này. Con cu tuy nhỏ nhưng cũng đủ sức để thực hiện cái chức năng truyền giống. Và đàn bà trong xóm cũng coi những con cu đó là thứ phù hợp tự nhiên và chưa bao giờ đòi hỏi nhiều hơn ở chúng. Lợi ích cốt lõi và khó thấy của những con cu tí hon ấy mang lại là nó không khơi gợi dâm tính, thậm chí cả khi đang ân ái. Lúc ấy, cả hai người đàn ông và đàn bà chỉ đơn thuần cho rằng họ đang thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng, đó là truyền giống.

Nhưng cũng có những bất tiện, thậm chí nguy hiểm. Vì con cu quá nhỏ nên tinh dịch khi xuất ra có nguy cơ không vào được trong tử cung. Nếu điều này là bất khả kháng thì đó là chuyện vô cùng nghiêm trọng, bởi nó đe doạ đến sự tồn vong của của cả giống nòi. Nhưng, những người đàn bà, như những kẻ được tạo ra để duy trì nòi giống, luôn biết cách làm cho khiếm khuyết đó không trở thành một thảm hoạ. Phương pháp phổ biến của họ khá đơn giản: khi cảm nhận được thời điểm kết thúc, họ liền tách ra và co hai chân lên, gập gối vào sát người và giữ tư thế ấy một hồi lâu, đủ để cho dòng tinh dịch chảy được vào trong.

Cái hành động gập gối giản đơn ấy không phải là món quà của tạo hoá mà đó là một hành động có ý thức đặc trưng của con người, nhằm sửa chữa những bất tiện của tự nhiên. Có thể nói phụ nữ đã cứu rỗi thế giới, ít nhất cũng là thế giới nhỏ bé của cái xóm này...

Cuộc sống cứ vậy trôi đi, thanh bình và nhẹ nhàng nhờ vắng bóng dâm tính.

Cho đến một ngày nọ, có một gã đàn ông lạ mặt đi lạc vào xóm...

Kẻ mới đến này trông bề ngoài không có gì đặc biệt so với đàn ông trong xóm, vì vậy gã được phép ở lại và được coi như khách. Nhưng chỉ được vài hôm, vào một buổi tối, đàn ông trong xóm bí mật bắt gã và dẫn vào rừng. Họ trói gã dưới chân cột của chòi canh trên rẫy bắp. Và mặc cho gã la khóc van xin bên dưới, những người đàn ông tụm đầu trên nhà sàn, căng thẳng bàn tính phương cách xử lý.

Hành động lén lút của cánh đàn ông không qua mắt được những phụ nữ trong xóm. Nhưng những người đàn bà vẫn không hiểu vì lý do gì mà những người chồng của họ lại hành động trái với lẽ thường như vậy. Đây là lần đầu tiên, những nữ chủ nhân thật sự nơi đây đã chứng kiến sự vượt mặt của những gã đàn ông vốn lâu nay chỉ biết phục tùng họ.

Nhưng việc xử lý một gã đã bị trói cũng không đơn giản với đàn ông của xóm này, bởi chưa bao giờ họ phải đối diện với việc phải sử dụng đến cái bản năng ác của họ. Từ lâu, sự vắng bóng dâm tính đã làm mục ruỗng cái bản năng nanh vuốt ấy.

Họ đã bàn tính suốt đêm nhưng vẫn không tìm ra phương cách khả dĩ để xử lý người đàn ông lạ cho hợp lý. Cuối cùng, trong khi chờ đợi nghĩ ra được một giải pháp rốt ráo, họ đành xích một chân của gã vào cột.

Cứ mỗi sáng, khi mặt trời ló lên đỉnh núi, họ lại cử một người mang đồ ăn thức uống lên cho gã. Cuộc sống mới của gã lạ mặt cứ vậy trôi đi. Những ngày đầu, khi gặp người mang cơm lên, gã luôn than khóc van xin thảm thiết. Gã thề rằng nếu được thả ra sẽ bỏ đi ngay lập tức và không bao giờ tiết lộ bất cứ bí mật nào mà gã đã biết. Nhưng lạ lùng thay, chỉ vài ngày sau gã đã không còn cái giọng điệu thê lương ấy nữa, mà thay vào đó là một gương mặt tươi rói với nụ cười luôn đọng trên môi. Gã không những không van xin mà còn luôn mồm ngân nga một làn điệu gì đó rất lạ. Những người đàn ông trong xóm nghĩ rằng có lẽ gã đã chấp nhận số phận mà họ đã mang đến cho gã...

Tuy gã luôn vui vẻ nhưng thân thể lại càng ngày càng tiều tuỵ. Và họ chứng kiến gã tiều tuỵ đến mức không đứng dậy nổi vào mỗi sáng khi họ đến. Vì vậy, họ quyết định tháo xích cho gã vì họ tin gã sẽ chẳng thể chạy trốn được. Và đúng như vậy, gã không bao giờ trốn đi, dù có những lúc gã bước đi được và lang thang dạo quanh khu rẫy. Có lẽ gã như con chim đã quen với cái lồng và quyến luyến đến mức chẳng muốn rời xa dù đã được tháo xích.

Nhưng dù vậy, thân thể của gã cũng chẳng khá lên được mà càng ngày càng tệ hơn. Cho đến một ngày họ phát hiện gã nằm vắt ngang luống bắp và đã chết khô tự lúc nào...

Những người đàn ông trong xóm thở phào nhẹ nhõm như vừa trút đi một trái núi. Nhưng họ đâu ngờ rằng câu chuyện này chưa bao giờ kết thúc, thực ra nó chỉ mới bắt đầu. Và những sự kiện xảy ra sau đó sẽ làm biến đổi sâu sắc cuộc sống của họ và vĩnh viễn chấm dứt thời kỳ thanh bình của xóm vô dâm tính...

Chỉ vài tháng sau, câu chuyện của gã đàn ông lạ mặt đã nhạt nhoà dần vào cái tĩnh lặng hàng ngày của xứ sở ấy. Có vẻ như chẳng còn ai muốn nhắc đến chuyện đó nữa, dù những chứng nhân của nó không thể quên nhanh đến vậy. Nhưng cái việc giả bộ quên của họ, hay chỉ đơn giản là một thứ tự ti của giống đực, cũng không kéo dài được lâu khi một sự kiện khác xảy ra sau đó...

Người con gái đầu của nữ tù trưởng, kẻ đương nhiên sẽ thay thế người mẹ để gánh vác công việc cai quản cộng đồng này, đã hạ sinh một bé trai với nhiều nghi vấn. Những lời đồn đại như có cánh đã bay khắp hang cùng ngõ hẻm về đứa con trai lạc loài mà ái nữ của tù trưởng vừa sinh ra. Người ta đồn rằng đứa con ấy thuộc một giống khác, không phải của người chồng hiện tại. Và người chồng này chỉ là chỗ mồi chài để nữ tù trưởng gỡ gạc sĩ diện mà thôi. Nhưng dù thế nào thì chẳng ai có thể thay đổi được sự thực là cô nương ấy đã sinh được một bé trai kháu khỉnh và điều đặc biệt gây bối rối là con cu của nó ngay lúc mới ra đời đã to hơn cu của người lớn trong xóm.

Những nghi kỵ này dần dần dẫn dắt đàn ông trong xóm liên tưởng về cái gã đã chết khô trên rẫy bắp. Đến lúc đó, dù không nói ra, mọi người đã hiểu mối liên hệ của câu chuyện mà trước đây họ thắc mắc nhưng không lý giải được.

Đứa bé trai ấy càng lớn càng khôi ngô và những người đàn ông lớn tuổi cũng mường tượng ra rằng, cùng với tháng năm, của quý của nó cũng càng ngày càng to ra giống với của gã khách lạ năm xưa. Chỉ riêng những cô gái là chẳng cần phải nhớ gì về những lời đồn đại, họ nhìn say đắm và mê mẩn chàng trai hiếm có ấy.

Và điều đó đã khởi đầu cho một sự thay đổi căn bản ở xóm vô dâm tính...

 

*

 

Rồi cũng giống như trường hợp chim công trống, đến một lúc nào đó, những đàn ông thua thiệt về đực tính sẽ dần dần tuyệt chủng. Đó là khi đực tính lên ngôi và nam quyền chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống.

“Nhưng chim công có liên quan gì ở đây?”

“Có đấy, bởi đó là một trường hợp đặc biệt mà sự tiến hoá không tuân theo nguyên lý chọn lọc tự nhiên.

Bộ lông rực rỡ nhưng rườm rà của chim công trống chẳng những không giúp ích gì cho nó mà còn cản trở việc kiếm ăn và chạy trốn thú dữ, nghĩa là không có lợi cho sự tồn tại. Nhưng nó đã được chọn lọc như một tính trội của giống đực và được lý giải là do chim công mái thích giao phối với những chim công trống có bộ lông sặc sỡ hơn, và chính điều này đã dần dần làm tuyệt chủng những giống chim công không có ưu điểm đó, dù chúng có ưu thế cho việc tồn tại.”

“À, ra vậy, liệu có thể áp dụng cho việc chọn chồng không anh nhỉ?” Cô nổi cười thật lớn đến chảy nước mắt.

“Ừ, nếu em thích, chẳng hạn đừng chọn ai chỉ vì những ưu trội về đực tính của hắn, mà hãy chọn những kẻ biết yêu thương và hy sinh.”

Cuối cùng cô em cũng gật gật, tỏ vẻ đã hiểu ra được một điều gì đó. Nhưng tôi không hỏi đó là điều gì. Rồi chúng tôi đi ăn kem...

 

 

---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021