thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những hồi ức Giáng Sinh

 

1.

Tuổi thơ của tôi trải dài từ khi ra đời cho đến năm 12 tuổi ở Xuân Lộc, một thị trấn nhỏ của tỉnh Long Khánh trước 75, sau 75 đổi thành tỉnh Đồng Nai. Cha mẹ tôi từ miền Trung vào Nam lập nghiệp từ năm 1960, cả 2 ông bà là nhà giáo, 2 năm sau tôi ra đời. Xuân Lộc là nơi chiến tranh diễn ra hàng ngày, cha tôi lo sợ cho sự an nguy của gia đình nên dọn về Sài Gòn vào năm 1973, nhưng ông vẫn giữ lại căn nhà trong khu cư xá dành cho công chức, chỉ khoá cửa để đó, thỉnh thoảng về thăm. Trận đánh khốc liệt cuối cùng trước khi cuộc chiến chấm dứt đã gần như san bằng cái thị trấn nhỏ thành bình địa.

Gia đình tôi theo hai tôn giáo, bên nội theo Phật giáo, bên ngoại theo Công giáo. Ba tôi theo Công giáo khi lấy mẹ tôi, anh em tôi được rửa tội, tên thánh của tôi là Tô-ma. Tôi theo ông nội đi chùa lễ Phật những ngày rằm và theo cha mẹ đến nhà thờ lễ Chúa mỗi Chủ Nhật. Khi vừa vào quê hương mới, cha tôi đã góp tay giúp vị linh mục sở tại dựng lên ngôi nhà thờ ở trước khu chợ. Theo ông kể, ban đầu nhà thờ chỉ là căn nhà đơn sơ bằng gỗ, sau này được trùng tu nhiều lần thành ngôi thánh đường bề thế, trên đỉnh gác chuông có tượng Chúa dang tay chịu nạn trên thánh giá. Những buổi chiều nắng dần tắt, khi đi học về ngang thánh đường, tôi thấy Chúa nhìn xuống hướng khu chợ nghèo, trước mặt là từng đàn chim bay tán loạn, rợp trời. Bên hông nhà thờ là hang đá, bên trong có tượng thánh Giô-sép, bà Maria bồng Chúa hài đồng, ba vị vua đến từ phương Đông phủ phục dâng quà, các thiên thần và bầy cừu vây quanh. Mẹ tôi thường quỳ trước hang đá cầu nguyện sau thánh lễ.

Năm 67, Giáng Sinh thời chiến, không có thánh lễ nửa đêm, cha mẹ đưa chúng tôi đi lễ vào buổi chiều. Trước sân nhà thờ có những chiếc xe lam của giáo dân kết hoa đèn rực rỡ, những xe này sẽ diễn hành vào buổi tối. Lễ xong về, khác với ngày thường, mẹ tôi nấu nồi chè đậu xanh. Chúng tôi dọn bàn ra ngoài sân, chờ xem đoàn xe hoa chạy ngang con đường đất trước nhà. Bốn, năm chiếc xe hoa chạy chậm trong tiếng kinh cầu và thánh ca của giáo dân đi bộ theo xe. Thỉnh thoảng một trái hoả châu từ tiền đồn bắn lên, soi sáng cả vùng.

Cuối năm 75, cuộc chiến kết thúc, tôi theo ông nội về giữ nhà cũ. Không khác với những dãy nhà của khu phố trung tâm thị trấn, ngôi giáo đường cũng đổ nát, tan hoang. Ngước lên, tôi thấy Chúa không rời bỏ loài người như lời nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng ngài trúng đạn, một cánh tay gãy lìa. Hang đá vẫn còn đó, hắt hiu, quạnh quẽ, tôi tự hỏi không biết những bức tượng bên trong đã như thế nào, chỉ thấy vài con dơi bay ra trong màu chiều chập choạng.

 

2.

Năm 1983, Việt Nam vừa kết thúc cuộc chiến phía Bắc chống Trung Quốc và mặt trận Campuchia vẫn còn tiếp diễn. Kinh tế cả nước ngày càng khó khăn. Tôi và những bạn trai ở Sài Gòn cùng trang lứa (19, 20 tuổi) có cùng hoàn cảnh là con em của người chế độ cũ, chúng tôi không có nhiều chọn lựa. Một là “đi K”, tức là đi nghĩa vụ quân sự qua Campuchia, điều này tệ nhất, vài đứa bạn tôi đi không về. Hai là đi thanh niên xung phong, hay phải bỏ thành phố lên kinh tế mới. Ba là tìm đường vượt biên nếu có khả năng tài chính. Và bốn là, số này rất hiếm, thi vào đại học. Tôi không chọn điều nào ở trên cả. Tôi bỏ học, không đi nghĩa vụ, không đi thanh niên xung phong, tôi đi kinh tế mới ba năm ở một nông trường cao su Xà Bang, nằm giữa Long Khánh và Bà Rịa, khai phá mấy mẫu đất rồi cũng bỏ. Dù muốn tìm đường vượt biên nhưng gia đình khánh kiệt, không còn khả năng tài chính để lo. Tôi làm đủ nghề để sống: giữ rẫy, sửa xe, bán sách cũ, bán chợ trời, chạy vé xe lửa chợ đen ở ga Bình Triệu, giữ kho, bốc vác, phụ hồ, kèm trẻ... Rồi tôi quyết định sẽ mặc kệ, tới đâu thì tới, tôi sẽ không về rừng, sẽ không rời Sài Gòn nữa, cứ sống lây lất, du thủ du thực khắp nơi.

Như mọi năm, đêm Giáng Sinh năm đó trung tâm Sài Gòn đông nghịt người, chen chân không lọt. Thời trang của thanh niên ngày ấy là áo sơ-mi vạt bầu, may bằng loại vải có màu sặc sỡ, thêu kim tuyến, nhập về từ Thái Lan, và dép tông (còn gọi là dép Lào). Trai hay gái, ai cũng sắm một cái áo như vậy, khác nhau ở chỗ con trai thì mở nút phanh ngực, khoe những chạc xương sườn. Cả thành phố lóng lánh những dây kim tuyến. Từ chiều, tôi và vài đứa bạn ghé lại tiệm của K., anh bạn làm nghề photocopy, ở đường Phạm Hồng Thái, gần ga Sài Gòn, nay là khách sạn New World. K. mới trúng mánh môi giới bán máy, hắn đãi mấy can bia hơi và khô mực, chúng tôi vừa lai rai vừa ngồi nhìn ra đường. Càng khuya, người càng đông. Thấy đói, chúng tôi đi bộ ra trước ga, rồi sà vào chiếc xe đẩy bán cháo lòng của A Phò, một bà già người Hoa. Gọi là cháo lòng, nhưng thật ra là cháo huyết, không có lòng, huyết heo nổi phập phều cùng giá và bánh quẩy. Tôi đói, nên tô cháo ngon tuyệt. A Phò múc cháo, bỏ bánh, tính tiền, luôn tay. Những cô điếm là khách quen thì tự lấy tô múc cháo. K. hào phóng trả tiền cho bà già trọn nồi cháo còn lại, rồi mời các cô cứ ăn, hắn bao. Nửa giờ sau, nồi cháo cạn dần. Những người khách sau cùng là một ông thợ tẩm quất mù và một nhóm năm thanh niên ghé lại ăn, họ trạc tuổi chúng tôi, còn mặc đồ bộ đội từ mặt trận về. Đám đông nhìn họ lạc lõng trong không khí hội hè. Họ nhìn đám đông, mắt vằn lên hung hãn. Một anh mất khúc chân từ đầu gối, ống quần xăn lên tới bẹn, vung cây “tó” lên chỉ vào đám đông chửi rủa. Mọi người giạt ra. Sợ phiền toái, chúng tôi chuồn. Bữa tiệc Réveillon của tuổi trẻ chúng tôi hoa mộng và kỳ dị như vậy đấy.

 

3.

Tôi đang ở Dallas. Còn một tuần nữa là lại đến Giáng sinh. Chiều nay cố nhớ lại những ngày lễ sinh nhật Chúa mà mình đã trải qua trong đời. Không thể nhớ hết. Càng lớn tuổi, trí nhớ càng trở nên tồi tệ. Nhất là, tôi không thể nhớ hết những mùa Giáng Sinh trên nước Mỹ, vì chúng đều gần như giống nhau: mua sắm, quà cáp, tiệc tùng. Đèn hoa và nhã nhạc. Vậy mà tôi đã sống ở đây 27 năm rồi.

Điều làm tôi ngạc nhiên nhất trong năm đầu tiên đến Mỹ là hình ảnh mấy đứa bé, chỉ chừng 10 tuổi, đứng ngoài cửa một khu shopping mall ở Maryland. Trời bên ngoài tuyết đổ phơ phất. Chúng nhún nhảy, xuýt xoa vì lạnh. Một đứa trong bọn hoá trang thành thiên thần có hai cánh trên vai, những đứa kia một tay rung những cái chuông bé, tay còn lại đưa những thanh kẹo ra chào mời khách đi ngang. Tôi thắc mắc vì sao phụ huynh lại buộc con mình làm việc khổ sở như vậy, thì được biết là chúng tự nguyện đứng ra bán kẹo để lấy tiền làm từ thiện, để giúp người nghèo khó. Hình ảnh Chúa hài đồng và các thiên thần hiện diện trong những đứa trẻ ấy. Giản dị mà nhân ái.

Những ngôi nhà khu tôi ở đã giăng đèn rực rỡ. Có nhà còn giăng đèn chớp nháy theo điệu nhạc. Tôi dừng xe lại chụp mấy tấm hình, định post lên Facebook cho vui, nghĩ vậy nhưng lại thôi. Bạn tôi ở Sài Gòn cho biết năm nay những xóm đạo trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, vẫn có nhiều hang đá lộng lẫy được làm như mọi năm. Ừ, dù thế nào đi nữa, nhân loại vẫn nồng nhiệt chào đón Chúa ra đời, kể từ đêm cha mẹ của ngài dừng lại trú trong hang đá ở Bết-lê-hem.

Thế giới mà Thượng đế tạo ra vẫn xoay chuyển không ngừng. Phong trào “cách mạng dù” ở Hồng Kông vừa nguôi đi. Biểu tình ở New York lại dấy lên. Bắt cóc, khủng bố ở Sydney. Đồng Ruble của Nga đang phá giá. Kinh hoàng hơn, Taliban thảm sát cả 100 trẻ em trong trường học ở Pakistan. Sập hầm mỏ ở Lâm Đồng, 12 người đang kẹt ở trong hầm tối đã qua ngày thứ 3, nước đang dâng lên… Hằng ngày, tôi choáng ngợp với những thông tin đầy ứ tuôn ra từ màn ảnh máy vi tính. Quá nhiều tin xấu.

Trong lúc dạo trên mạng, tôi thấy tấm hình này.

Đức cố Hồng y Francois Xavier Nguyễn Văn Thuận
dâng Thánh lễ trong lúc đang bị giam cầm.

Rồi tình cờ làm sao, dưới đó một đoạn là hình của bạn tôi, nhà văn Nguyễn Quang Lập, người vừa bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ hơn 10 ngày nay. Bất giác, tôi muốn nói một câu thân thiết mà chưa kịp nói khi còn ngồi với nhau, nhưng giờ thì quá muộn, và không ơn ích gì.

Tôi nghĩ, Lập có đức tin riêng của mình, nhưng tôi ước gì mọi ngày, bằng cách nào đó Thượng đế sẽ ghé lại, bảo bọc và chia sẻ với anh, và với những phận người khốn khó, tuyệt vọng, trong hầm mỏ tăm tối hay chốn tù đày. Chứ không phải Chúa ra đời để cứu chuộc loài người, và Thánh Kinh đã viết rằng: “Dù một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng là do thánh ý Chúa định”, đó sao?

 

Nam Đan

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021