thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tản mạn Hồ Gươm

 

Bóng tối đã phủ lên mặt hồ. Một làn hơi lành lạnh toả lan cùng với hương của những loài hoa ẩn mình sau vòm lá hay hương của vườn hoa bên kia đường? Có một cái gì bí ẩn, quyến rũ cứ kéo ánh mắt người ta lên những tán lá trên cao, hằng ngày, hằng giờ ta thường đi qua mà sao lúc nào cũng thấy mới lạ. Còn kia là những thân cây nhoài mình trên mặt nước, với lá cành rũ rượi như người thiếu nữ thất tình. Cái thế sống của cây dễ làm cho những kẻ thờ ơ nhất cũng đâm ra thích suy tưởng và triết lý. Không phải ngẫu nhiên người ta đặt thật nhiều ghế đá cho những ai ưa tìm một ý nghĩa nào đó trong sự nhàn tản.

Để xe trôi chầm chậm qua đây, bao giờ cũng có cảm giác con phố sao im vắng. Đến khi một anh chàng cao hứng lượn xe sát sạt ghi đông xe mình đến vèo một cái mới bừng tỉnh mộng. Xung quanh đây người đông như mắc cửi. Bóng tối làm cho họ hoà vào nhau thành một khối chuyển động âm u, những nhân hình trong một cơn mơ không tiếng

“Con đĩ”. Người đàn bà cầm trên tay một cái gì không rõ phi thẳng vào người con bé. Bọn đàn ông ngồi vây quanh mẹt hàng cười hô hố khi bà ta hằn học quay lại. Người qua đây vẫn cứ tiếp bước. Những vệt ánh sáng chói gắt cắt 3km đường xung quanh hồ thành những vùng sáng tối nham nhở và tương phản đến khó chịu. Vùng sáng, ấy là cửa hàng kem thuỷ tạ, nơi có những cô cậu bé nhỏ xinh xắn như tiên đồng đi cùng bố mẹ, nơi những người khách ngoại quốc ngồi uống những ly rượu bằng vài tháng thu nhập của một thằng bé đánh giày. Đi từ bóng tối triền miên ra vùng sáng này, bất giác muốn né tránh vì nó choáng ngợp quá, dễ làm cho ai đó sợ khi phải thừa nhận rằng nó có thực, nó đang hiện hữu. Nó giống như một ốc đảo giữa một đại dương sẫm đen đang gầm ghì những âm thanh của cuộc sống cuối ngày. Ngổn ngang nơi đây những bóng người: họ nằm lăn lóc trên ghế đá, bồn hoa, mép hồ, vệ cỏ, chân không động đậy, cơ thể mềm nhũn, oặt ẹo. Họ là những con người, nhưng là người say; họ đi lại vật vờ một mình hoặc túm năm tụm ba, nhếch nhác, kiệt quệ, thèm khát và hằn học; họ lê la bên những quán cóc của mấy bà hàng nước răng sứt, mắt lúc nào cũng long lên sòng sọc, giọng nói khản đặc và rít thuốc liên hồi, kháo nhau đủ chuyện trên trời dưới biển; họ “dính” vào nhau trên những ghế đá tối thui, thực hiện những động tác cuồng nhiệt nhưng không ồn ào. Ai đi qua đây trông vào cái bức hoạ sẫm mầu ấy, nơi đêm tối đang phô trương sức mạnh của nó để giải phóng những dục vọng, cũng không khỏi ghê sợ đến nghẹt thở... Vậy mà vùng hồ này lại là nguồn sống của biết bao nhiêu con người: đánh giày, bán báo, chụp ảnh, bán hàng rong, cướp giật, trộm cắp, mại dâm, xin tiền khách ngoại quốc, tầm quất, trông xe đạp, xe ôm.... Và những con người ấy, để sống, đã phải bóc lột lẫn nhau, cắn cấu nhau, chiếm đoạt nhau, yêu thương nhau, bảo vệ nhau...

“Lão già ấy mê em lắm. Bao nhiêu tuổi á? 80. Dê không có tuổi”. “Cô em cho anh xin tí tình”, “nói vậy chứ, mình không cảm người ta, nhưng thấy người ta có tình với mình cũng thích”. “Được rồi, anh cứ ăn quà cho em đi”, “lão móm ấy ăn được gì đâu, lão bảo em thích ăn gì cứ ăn xả láng, lão trả tiền. Em ăn ít thôi, nhưng tính của lão gần sáu chục (ngàn đồng). Chị bảo, hàng của em ăn đến chục ngàn đã bò ra rồi. Thế nhưng lão ‘dê’ cho lão chết”. Thu kể đến đấy thì không nhịn được, lại phá lên cười. “Ở hồ này em tởm nhất mấy lão già. Đáng lẽ giờ này người ta ở nhà với vợ con cháu chắt, chứ ai thích ra đây”. “Không phải đâu, ở đây khí trời thoáng đãng nên người ta thích”. “Thích gái thì có”.

Cô bé 19 tuổi, người Đà Nẵng ấy không hiểu rồi, ở đây, người ta trọng vọng biết bao những người già cả chiều chiều vẫn quây quanh ván cờ tướng hay ngồi chuyện gẫu trên những ghế đá ven hồ. Nhưng khi bóng tối tràn xuống, nhiều cụ vẫn lủi thủi quanh đây, dường như còn nặng trĩu trong lòng một ẩn ức khó xoa dịu và cảm thông. Một buổi tối nọ, bên kia đường xuất hiện một cụ già cất tiếng gọi một nữ sinh “cháu ơi, cháu ơi”, tiếng gọi khẩn thiết, tuyệt vọng. Cô bé băng qua đường, chuyện trò cùng ông lão. Ông nắm tay cô, kể cho cô nghe nhiều chuyện thật đáng buồn về gia đình, vợ con ông. Câu chuyện buồn quá, cô thở dài. Tay ông đang ở trên vai cô. “Nhà ông ở đâu” “Nhà tôi bên Hàng Gai” “Chiều nào ông cũng ra đây à?” “ Không ra chịu sao được”. Mắt ông mờ đi, tay ông trượt mạnh xuống ngực cô. Cô bé hét lên, chạy thẳng. Đêm hôm ấy, cô rối loạn trong một nỗi hãi hùng kỳ lạ, khi cô nhớ lại bàn tay mềm nhũn, bệnh hoạn ấy đè trên ngực cô. Một sự xáo trộn làm lung lay những nền tảng rất tự nhiên, và một nỗi hoang mang cực độ đang thấm sâu vào tâm hồn cô bé. Trong khi những con người già cả tội nghiệp ấy vẫn lang thang, vơ vẩn bên hồ khi chiều buông, với những ẩn ức của riêng mình.

“A, chào con” - Ông ta bao giờ cũng gọi tất cả những người trẻ tuổi xa lạ là con. Con chưa kịp đáp thì ông đã sán lại, lè nhè “nào có bút thì đưa đây bố khắc cho, rẻ thôi”. Ai ở đây lại không biết lão Vĩnh “khắc bút”, một kẻ không có tuổi vì cách đây hàng chục năm lão vẫn có cùng một khuôn mặt ấy, không chút biến đổi: rỗ nhằng nhịt, tái ngắt, mắt ti hí, lúc nào cũng đờ đẫn, môi dưới luôn trễ xuống đầy vẻ khát thèm. Ông ta say triền miên, và bằng cách nào đó không ai hiểu, ông ta vẫn tồn tại được dù dưới một vẻ ngoài thảm hại và dường như chẳng làm gì cả. Gạch lát đường là gối đệm của lão say suốt bốn mùa. Lão có gia đình không? Không ai biết. Còn với lão, hồ Gươm này là mái ấm duy nhất suốt mấy chục năm rồi.

Ở hồ Gươm, có những cuộc sống vẫn tồn tại được một cách diệu kỳ như thế. Là những ngoại lệ của xã hội, họ bị đẩy ra khỏi những lề thói sinh hoạt và lao động thông thường. Những người hay quan sát chắc chắn sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi: bằng cách nào và vì sao họ vẫn có khả năng bám trụ dai dẳng vào cuộc sống, một cuộc sống vốn luôn nghiệt ngã và lạnh lùng với sự lệ biệt. Một câu trả lời tuy chưa lấy gì làm rõ ràng cho lắm, đó là: có một cơ chế nào đó vẫn đang hoạt động với guồng quay bền bỉ, thầm lặng, nó là một xã hội thứ hai không chính thức bên cạnh cái xã hội ta vẫn trông thấy hằng ngày. Trong xã hội ấy, cũng có những nguyên tắc và luật lệ, những sự phân loại theo những hệ quy chiếu khác xa những chuẩn mực thông thường. Ở đó những người như lão Vĩnh tìm thấy nguồn năng lượng để lão có thể tiếp tục duy trì sự sống của mình. Có một anh chàng rất bé nhỏ, kỳ khôi cũng thấy sống vơ vẩn quanh hồ nhiều năm nay. Người ta thường thấy anh cầm một cần câu nhỏ để câu cá ở hồ, nhưng ai chẳng biết đó không phải là cách giúp anh ta duy trì cuộc sống. Về việc này chỉ có thế nói đơn giản như sau “thằng Hoàng này, nếu rời cái hồ ra thì chỉ có chết đói” - đó là lời phát biểu của một cậu sinh viên sau nhiều ngày quan sát. Thành thử, cái hồ đã tự tạo ra xung quanh nó một bí ẩn nào đó về sự sống con người.

Sự bí ẩn ấy có đầy đủ những lý do khiến người ta sợ hãi. “Chị đừng bao giờ ngồi chơi buổi tối ở bên kia nhé” - Thu chỉ tay sang bên kia hồ, nơi có nhà bưu điện với chiếc đồng hồ bốn mặt quen thuộc. “Tại sao?” “Bên ấy nguy hiểm lắm, trước có một băng bụi đời chuyên cướp giật, mới bị công an dẹp. Còn ở cái góc tối gần nhà vệ sinh ấy đầy nhóc bọn nghiện, đừng dại mà lại gần”. “Thế em chỉ bán hàng một bên thôi à?” “Bán a? bên đó, nhưng chỉ đi thôi, không dám ngồi. Bên này vui hơn, văn minh hơn nhiều” “Em bán ở đây cả ngày à?” “Không em bán một lúc buổi tối thôi” “Mỗi tối kiếm được bao nhiêu?” “Ngày kiếm được thì 1, 2 chục, có ngày chẳng được đồng nào, có khi lại bị phạt mất mấy chục ấy chứ” “Tối em ngủ đâu?” “Thuê nhà bên bãi Phúc Xá, mỗi tối 2000” “Cũng rẻ nhỉ” “ Nhà như ổ chó lại chẳng rẻ” “Thế bán ở đây không sợ à?” “Lúc đầu cũng sợ, nhưng bây giờ một tối không ra thấy nhớ. Em quen hết ở đây. Đứa nào lôi thôi đã có các cô, các chú kia” Thu chỉ vào những người bán hàng như cô, bên kia đường một người đàn ông đứng trước cửa một ngôi nhà gần hiệu kem bốn mùa “Em gửi hàng ở đó”. “Quen rồi thì chẳng thấy sợ, có tối mệt quá nằm lăn ra, thấy ai đi qua lại mời ‘anh mua gì em bán cho’, nếu chẳng may có đứa chòng ghẹo một chút thì kệ nó, mình cũng có mất gì đâu” “Thế còn bọn gái ăn sương thì sao” “Mới đây bị dẹp cũng ghê, không thấy nhiều như trước nữa”.

Khi người ta mới đi vào vùng tối, thường vẫn lo lắng, thậm chí sợ hãi, nhưng khi quen rồi lại thấy bóng tối ấy có gì hiền hoà và gần gũi. Hùng bán báo ở đây hơn 3 năm rồi. Quê nó ở Đông Anh. Bây giờ nó bán cả đồ lưu niệm, nói tiếng anh bồi rất giỏi. Lúc mới quen, nó vừa táo tợn lại vừa bối rối lắm, nó trèo lên cây hái một chùm phượng vĩ, nói “tặng Phượng”. Nó xúc động và xao xuyến. Nhưng mấy ngày sau gặp lại, nó cứ nhìn một cách dò hỏi và lảng tránh, chẳng hiểu vì sao, có lẽ vì cái điều mà những người không ở hoàn cảnh của nó không sao hiểu nổi. Bây giờ mỗi lần gặp nhau, mặt nó vênh vênh bất cần, đôi mắt lạnh băng. Thực ra, đôi mắt nó rất đẹp...

Bọn sinh viên thường thích mơ màng trên mấy quán cà phê gần hồ, rồi sau đó rủ nhau làm một vòng cho thoải mái. Thật chẳng có gì thú vị bằng cảm giác được hoà mình vào cuộc sống náo nhiệt ấy, được chứng kiến những sự tương phản cứ thay nhau giễu qua mắt như một cuốn phim náo nhiệt, sống động. Khi ấy, tự cảm thấy mình cũng chỉ là một hạt sạn nhỏ bé, vô nghĩa giữa một biển người, trở nên vô danh tính cũng là một điều tuyệt diệu. Cũng muốn mình trở nên nhếch nhác, uể oải, lê la đít quần nơi những quán hàng bụi bặm, là một người cùng hội cùng thuyền. Bỗng dưng nhận ra đấy mới đích thị là cuộc sống và đấy chính là mình đang sống một cách hăm hở nhất, nhiệt tình nhất.

Thả mình trong thế giới thân thuộc ấy, thấy gặp lại những người dễ mến mình đã biết lâu rồi: những cô cậu học trò đuổi nhau, la hét, những người đi bộ tập thể dục quanh hồ vào mỗi sáng sớm hay chiều muộn, những người khách nước ngoài đi thành từng nhóm đông, những nghệ sĩ đang loay hoay tìm một góc đẹp cho bức ảnh... Nhìn từ trên cao, hồ Gươm uốn mình như con rắn thiêng cuộn tấm thân biến ảo, khi sáng khi tối, khúc khuất, khúc mở lẩn vào nhau, trùm lên nhau tạo nên một thế giới vừa kỳ vĩ, lung linh vừa tối tăm, bí hiểm. Nơi ấy, ánh sáng và bóng tối xen kẽ, những cuộc sống muôn hình lăn lóc trong nhau, vừa quen thuộc vừa xa lạ với nhau trong một thế giới yên bình. Hơi hướng cổ điển vẫn dai dẳng trong một nơi nào đó của nhịp sống hiện đại, trộn hoà, lắng đọng trong tâm thức người Hà Nội.

Đứng trên một ban công tầng hai mà nhìn xuống, sẽ thấy một tấm gương sáng long lanh trong nắng sớm ngày hè, lá xanh rủ xuống như áng tóc mây trên vầng trán thiếu nữ. Ta biết rằng, chỉ lại gần hơn một chút thôi, tấm gương ấy sẽ hoá thành chậu nước bẩn với những rác rưởi của cuộc sống con người, tanh tưởi và dơ bẩn. Chỉ lại gần hơn chút thôi, mùi hoa lan, hoa sữa sẽ bị át đi bởi mùi khai, mùi tanh của nước hồ, của nhà vệ sinh, của bồn hoa, của vệ cỏ, của tất cả những nơi bàn chân con người đặt tới. Nhưng biết nói gì hơn đây về hồ Gươm ngoài hai tiếng “thân thương”?

 

2000

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021