thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ma núi Tutr’a

 

 

MA NÚI TUTR’A

 

Tưởng nhớ thi sĩ Joseph Huỳnh Văn & Tặng hoạ sĩ Đinh Cường.

Nghi hoặc không có thế giới vô hình thì hiển nhiên là duy khoa học một cách khô cứng lạnh lùng. Không như vậy, nhưng tôi bán tin bán nghi chuyện ma núi Tutr’a của Đăng. Anh ta bảo: “Tôi chẳng thuyết phục ai tin điều tôi thấy. Chính tôi cũng không muốn tin có ma núi ở Tutr’a. Một sức thu hút ghê hồn, tôi không thể chống lại được, để cứ lên Đơn Dương là lặn lội vào Tutr’a, đi miết về vùng núi của bản Thượng này, nhìn sững ma núi hiện hình hàng giờ bất động...”

Tôi đã kể câu chuyện của Đăng với Trung-niên-thi-sĩ, tất nhiên lúc sinh thời của ông: từng nghe Đăng tâm sự, trong lúc cãi vã với Uyên, cô gái người Thái trắng sinh quán tại Than Uyên - Lào Cai, Đăng không kềm chế được, đã xô Uyên xuống vực bên trái núi ở Tutr’a. Câu chuyện ám ảnh tôi rồi cũng phai mờ. Một bữa gặp Trung-niên-thi-sĩ, trước khi ông qua đời đâu chừng nửa năm, khi biết tôi sắp lên Đơn Dương, ông nói trầm giọng, nghĩa là không la hét như thường khi: “Mi lại tới vùng núi Tutr’a, thăm nơi thảm kịch của thằng bạn nhà thơ?” Trung-niên-thi-sĩ vẫn nhớ câu chuyện của Đăng, tôi đã kể ông nghe một ngày nào không rõ.

Rồi một ngày, cũng trước khi thi sĩ Joseph Huỳnh Văn qua đời chừng nửa năm, chúng tôi có dịp tới Tutr’a. Không phải chủ ý tìm ngọn núi ma, mà theo lời mời của một người bạn người K’ho, có ngôi nhà gỗ rất đẹp ở bản Thượng này. Sau trận rượu túy-luý-càn-khôn, chúng tôi tìm tới ngọn núi ma của Đăng.

Hoàng hôn chập choạng. Đóm đóm chập chờn. Chúng ở đâu nhiều thế, điểm xuyết khắp màn đêm, dán lên trái núi ở phía xa chừng nửa cây số. Chúng giống những tia lấp lánh của hàng triệu giọt mưa, được luồng ánh sáng huyễn hoặc từ nơi nào chiếu tới. Một loài hoang dã khổng lồ, dị hình dị dạng, giương đôi cánh trắng nhởn ôm trái núi.

Trong cơn say ngày sau, tôi hoạ hình cảnh tượng ấy theo trí nhớ, đặt tên là Ma núi Tutr’a. Đăng kêu lên: “Đúng như hồn ma ở trái núi này đây. Ma núi Tutr’a!” Và chúng tôi tin, cả thầy Tuệ Sĩ cũng tin, ma núi này là hồn bản thượng Than Uyên. Nhiều lúc tôi bán tin bán nghi. Khi tôi nhìn thấy trái núi, đom đóm ở đâu nhiều thế. Tôi đã thâu nhận cảnh tượng trái núi trong chạng vạng hoàng hôn, trong váng vất cơn say.

Đăng thì tuyệt nhiên không nhắc tới ma núi Tutr’a nữa. Anh ta từng nhận được thư của Uyên, từ Hoa Kỳ gửi về. Hóa ra, nơi thảm kịch buổi ấy, khi Uyên bị xô xuống, dưới lũng vực rậm đặc những bụi dã quỳ, chúng đã đón thân thể Uyên. Một người K’ho lượm củi dưới thung lũng đưa Uyên lên, cứu sống cô gái người Thái trắng sinh quán tại miền thượng du Việt Bắc.

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021