thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ở một thế giới nhạt nhoà

 

Người đàn ông cúi thấp người sát xuống mặt bàn. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Mọi sự nỗ lực tập trung vào đầu gậy. Tiếng ồn xung quanh lảng bảng như hậu cảnh tự bóc mình ra khỏi đối tượng. Cách. Viên bi văng đi và đập mạnh vào viên số 13. Nhưng không dẫn tới kết quả như mong muốn. Thất vọng, anh ta cân nhắc tính toán lại sai lầm. Những viên bi làm náo loạn cả mặt nhung xanh. Trong không khí cực kỳ căng thẳng của hai đối thủ. Những viên bi chẳng khi nào chịu dừng lại bên nhau. Va chạm rất mạnh và lại bắn tung ra. Kẻ gây hấn là một viên bi màu trắng, không số. Hắn có thể là kẻ thù trực tiếp, song cũng có lúc lại là xúc tác gây ra những cuộc đối đầu nảy lửa giữa hai viên bi khác. Tất cả điều đó phụ thuộc vào sự tính toán hết sức thận trọng và tài khéo léo của hai người đàn ông.

Hôm qua trong đám đông, có ai đó hỏi “Cô tên là gì?”. Thật khó trả lời quá, tôi đâu có tên, hay là, tên của tôi có ý nghĩa gì chứ? Giống nhiều người thôi. Vả lại, nếu anh ghi tên tôi vào máy di động chẳng hạn, anh sẽ phân biệt thế nào? Chắc anh sẽ viết tên cơ quan của tôi kèm theo đúng không? Cũng không chắc đã phân biệt được đâu, vì nhiều người tên đó lắm. Không hiểu sao người ta lại dùng ngôn ngữ để đặt tên. Hay là anh hãy đánh số đi, anh nghĩ mà xem, con số là vô tận. Số điện thoại chẳng hạn, chẳng bao giờ trùng nhau được nhỉ. Vậy anh hãy tặng tôi một con số. Và một chuỗi số sẽ bắt đầu từ đây.

Liệu có tính biểu cảm trong những con số? Trời ơi, cô là một con người kia mà? Ngày hôm qua tôi ngồi trước gương, tôi thấy mình có một sống mũi rất lạ, sao tự dưng nó lại hõm sâu vào ở cái chỗ giao nhau với mắt? Nó tạo ra ở nơi đó một bóng tối sâu thẳm. Cô Trà hoá trang bảo tôi là trên gương mặt tôi có rất nhiều khuyết điểm mà khi cô thực sự bắt tay vào mới phát hiện ra. Hoá ra tôi còn có cái gì đó để cứu vãn nhỉ? Mí mắt thì sụp xuống, khuôn mặt thì không nhẹ nhõm, môi hơi mỏng quá, à, ánh mắt thì không khôn. Đấy có mỗi cái chi tiết cuối đối với tôi có vẻ ấn tượng. Chính vì thế mà tôi nghĩ một con số cũng không phải là bất công đối với tôi. Cô nhầm rồi, ánh sáng trường quay và ánh sáng của cuộc sống hoàn toàn khác biệt. Tôi đã từng biết những người đẹp tuyệt vời trên màn ảnh nhỏ, song hết sức buồn tẻ nếu nhìn thấy ngoài đường. Nhưng tôi lại muốn phát triển thêm luận điểm của mình thế này: màn ảnh nhỏ là một mỏ lộ thiên để ai cũng chiêm ngưỡng được, còn những gương mặt giữa đời là những mỏ quặng ẩn mình trong đất, nếu chậm rãi và kiên nhẫn, mình có thể khám phá được những vẻ đẹp rất khác nhau.

Trò chơi chưa kết thúc. Ôi những viên bi sao lại xa nhau đến thế trong một mặt bàn chật hẹp? Chúng nằm lăn lóc mỗi đứa mỗi nơi, chúng co mình lại trong cái hình hài khó cộng thông. Tôi nhớ đến một bộ phim ngắn của Pháp, những viên bi được diễn tả như những thân phận và tính cách rất riêng. Song những viên bi này thì xám ngoét và hằn học. Tuy nhiên, chúng lại rất trì độn và thụ động không sao chịu được, chỉ có mỗi viên bi trắng được phép tả xung hữu đột, quyết định số phận của tất cả những viên bi khác. Mà thắc mắc làm gì khi đó là luật, luật quy định là bọn kia phải nằm im để thằng này tấn công. Nếu có một viên bi tự dưng tức giận phản kháng, thì ngay lập tức nó sẽ biến thành màu trắng. Nếu nhiều viên bi cùng phản kháng thì tất cả sẽ thành màu trắng. Khi đó thì sẽ xảy ra một cuộc hỗn chiến bất quy tắc. Thế thì còn quái gì là trò chơi? Chúng sẽ chỉ nằm im tản mát vậy thôi, cứ im lìm thế và xa cách thế thôi, mặc xác những trò loạn đả bên hông, trong khi nghĩ rằng chuyện đó còn lâu mới động đến mình.

Thế mà cũng có một lần tôi ngẩn ngơ nghe người khác gọi tên mình: “Phượng”. Mẹ tôi mà biết chuyện sẽ giận lắm đây. Tôi thử phát âm lại cái tên đó hàng chục lần “Phượng”. Tôi chẳng thấy có gì gần gũi với cái âm thanh đó, thú thực là như vậy. Phượng có thể gợi cho tôi nhiều con người khác, trừ tôi. Thế mà lần đầu tiên tôi lại cảm động đến thế khi anh gọi tên tôi “Phượng”. Anh gọi đầy tính phân biệt. Anh gọi “Phượng à?” khi tôi nghe điện thoại. Tôi biết đó là tôi, chỉ có thể là tôi

Tôi yêu tên mình từ đó. Nhưng cũng không gần được anh hơn nữa. Thế đấy, anh thấy không, cuối cùng thì mình cũng đừng nên có một cái tên làm gì, nó chỉ làm mình buồn thôi, hãy cứ tặng tôi một con số. Những con số nối dài. Nối dài thành một chuỗi chạy tán loạn trên đường phố, trong ánh đèn đường trung tính, trong vũ trụ của những dấu hiệu nhạt nhoà, nơi một cái tên sẽ lạc loài vô duyên, nó sẽ chỉ được lẩm nhẩm trong miệng như một thói quen xấu. Lần đầu tiên anh gặp em, em nhớ không, cái hôm mà.... ở chỗ mà.... gặp những người mà.... em nhớ không? Anh đã có ấn tượng rất mạnh, em có nhận ra không? Thế à? Hôm đó anh là ai? Số mấy? Anh giận em? Mình có va nhau lúc nào không nhỉ? Không, thế đấy, không. Nhưng anh đã nhìn thấy em.

Còn lại hai viên bi trên bàn: viên trắng và một viên số 1. Sao lại là số 1? Chẳng ai thèm tấn công nó, vì nó cho ít điểm quá. Bây giờ mới rắc rối đây, nếu không tiêu diệt được nó thì ván bài sẽ không thể kết thúc được. Nó thật đáng ghét, không thể chiến thắng được nó giữa một mặt bàn đã trở nên quá rộng. Nó thật nhởn nhơ và vô tư làm sao chứ. Nào xin mời, hãy tấn công tôi đi, cứ va đập vào tôi đi, nhưng tôi sẽ không dễ dàng chui xuống lỗ thế đâu, các quý ông.

Có một truyện ngắn rất hay của người Trung Quốc: một ngày, thế giới rơi vào một trận Đại Hồng thuỷ. Mọi sinh vật đều bị tuyệt diệt, còn duy nhất một người đàn ông sống sót. Anh ta trôi dạt đến một hoang đảo và trú ẩn trong một ngôi nhà bị bỏ hoang. Bỗng dưng, có một tiếng gõ cửa...

Sáng hôm nào em thức dậy: một ban mai thật lạ lùng, im lặng, thanh vắng, những tia nắng non nớt run rẩy luồn qua khe cửa sổ và làm căn phòng ấm dần lên, tiếng chim rơi vãi đâu đó ngoài sân, một thế giới hiện ra hoàn toàn khác, em có thể gọi tên của rất nhiều sự vật. Kia là cái bàn, kia là quyển sách, kia là lọ hoa vẫn còn tươi nguyên, kia là cuốn sổ nhật ký em để rơi lăn lóc từ lâu không thèm sờ đến... Em nhớ nguồn gốc và lý do chúng tồn tại. Và em gọi tên anh. Cái tên rất bình thường thôi, mà sao đầy sức sống. Khi nó thoát ra khỏi miệng em, là một câu chuyện rất ngọt ngào dài dặc sẽ trở về cuồn cuộn trong tâm thức. Thực ra buổi tối đó em đã nhận ra anh, giữa những con người em không biết mặt, em đã nhớ được mỗi anh thôi. Sự khởi đầu như vậy là không tồi. Bây giờ chỉ còn lại hai ta, mình cũng không cần vội vã.

Trò chơi vẫn chưa kết thúc… Cùng lắm thì hai người đàn ông đó sẽ buông gậy: thôi anh em mình ra làm một ly bia.

 

Ngày 23/03/2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021