thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giấc mơ màu đỏ

 

 

GIẤC MƠ MÀU ĐỎ

 

Tôi đang sống trong một bầu trời màu đỏ. Con chim trên cành màu đỏ, con cá dưới sông màu đỏ, bài hát màu đỏ, câu thơ màu đỏ. Cái gì đã nhuộm đỏ chúng tôi? Không biết! Mẹ nói: máu!

Tôi đã quen rồi, bạn cũng quen rồi, lâu nay cứ tưởng cây cối màu xanh, đám mây màu trắng... Sai, toàn màu đỏ loét. Chúng ta đang bị thị giác đánh lừa...

Đêm qua, em gọi điện cho tôi, hét thật lớn: “Anh ơi, nó đang đuổi theo em, em sợ lắm!” Tôi nói: “Bình tĩnh đi, trông nó thế nào!” Em nói: “Không rõ là đàn ông hay đàn bà, nhưng nó màu đỏ, chắc chắn!”

Trời đất ơi, giấc mơ kinh khủng của em tôi! Nó luôn mơ thấy nó bị màu đỏ săn đuổi. Không còn cách nào ngăn chặn nó ư, cái giấc mơ kì quái ấy? “Em kể với cha và mẹ, nhưng không ai tin, họ bảo em bị loạn não!” Nó thổn thức, trước khi chìm vào giấc ngủ mỏi mệt...

Tôi đang kể lại câu chuyện về màu sắc, như một hoạ sĩ đang vẽ một bức tranh màu đỏ. Đừng vội quy kết sang vấn đề quan điểm nọ kia. Tôi khinh!

Bạn có quyền đeo kính màu đen vào và hét toáng lên: “Mẹ kiếp, trời đất gì mà tối đen như mực!” Những người dân nghèo có quyền xếp hàng nhận gạo cứu đói, ngẩng đầu ngó pháo hoa trên trời và reo lên như trẻ nhỏ: “Ồ, đời đẹp quá!”

Vậy thôi.

Mẹ vừa nhắn tin nói: “Em mày vừa tỉnh lại, miệng đang lảm nhảm ‘máu, máu’...”

Không biết nghĩ ngợi thế nào, tôi mua và gửi cho em chiếc kính đen. Nhưng mẹ gọi điện bảo, không cần nữa đâu, mẹ gửi em vào chùa rồi. Hi vọng Phật pháp sẽ làm cho óc nó bớt hoang tưởng. Tôi nghĩ, thế cũng ổn! Nhưng ngay hôm sau, đã thấy em gọi điện, khóc và kể đủ thứ chuyện. Em kể: “Cái lão trụ trì ấy, sư không ra sư, thánh không ra thánh, suốt ngày niệm chú gõ mõ. Lão già rồi, già lắm rồi, mình lại đầy mụn ghẻ, thường xuyên bắt em gãi, nhưng lại luôn mồm mắng em rằng mày đừng gãi vào chỗ nhạy cảm. Em hỏi lão rằng chỗ nào cũng nhạy cảm thì làm sao mà gãi? Lão chẳng nói chẳng rằng đấm thẳng vào miệng em...”

Thế là tết nay em không về. Em nói qua điện thoại rằng, em phải ở lại giặt áo cho lão ấy. “Áo lão ấy màu đỏ, không biết nhuộm cái gì mà giặt ra đỏ cả mấy thau nước, em vừa giặt vừa nôn!” Tôi nói: “Thôi, em hãy về quê, có anh có em, có rau ăn rau có cháo ăn cháo...” Em không trả lời, mà hát câu hát gì đó về màu đỏ tận đâu đâu...

Tôi lại gọi cho mẹ, mách chuyện của em. Mẹ lặng đi hồi lâu, rồi mới nói: “Con ơi, đừng làm mẹ sợ! Em con chết rồi mà!” Trời ơi, thế tôi vẫn thường nói chuyện với ai trong điện thoại mỗi đêm? Ai?

Mẹ nói: “Chu cha, chúng nó gọi cho tao hàng chục cuộc mỗi đêm, mà tao không nghe máy nên chả biết là đứa nào!”

“Em mất khi nào, sao không báo cho con?”

“Thôi, tại mày ở xa quá, tao không báo!”

Tôi tắt rụp điện thoại. Giận mẹ vô cùng.

Mà dạo này có nhiều chuyện kỳ lạ. Qua điện thoại, tôi nghe thấy giọng mẹ màu đỏ, cháy xèo xèo như than củi mùa đông. Từ lâu lắm tôi không về nơi ấy. Con đường đất đỏ đầy băng-rôn biểu ngữ màu đỏ mỗi dịp tết về. Tuổi thơ tôi, mỗi dịp tết mới được tận miệng thổi vào một chiếc bóng bay bé xíu, cũng màu đỏ nốt.

Hình như một quyền lực nào đó đang có âm mưu nhuộm đỏ chúng tôi. Sống lâu trong màu sắc chói loà, tôi quen rồi! Tết, với tôi là chậu tiết canh màu đỏ, chảy đầm đìa từ cuống họng chú lợn nằm ngửa giữa sân. Cha đứng dạng chân giữa nhà, húp bát tiết canh, cười ha hả: “Ăn đi con, mỗi năm nhà ta mới được ăn tiết canh một lần thôi, ăn đi, uống đi!”

Chúng tôi lớn lên trong những ước mơ, hoan hỉ, hi vọng dạt dào máu đỏ...

Hàng chục cuộc gọi mỗi đêm, đã có có ai bị như vậy chưa? Ghê lắm! Điện thoại lập loè như ma trơi, nửa muốn nghe, nửa muốn không. Cuối cùng, tôi mở máy. Giọng lạ, không phải của mẹ, cũng không phải của em. Hắn gầm gừ: “Tao đây, lão già mặc áo màu đỏ, mỗi lần giặt là nước đỏ ngầu màu máu đây, mày nhớ chứ?” À, thì ra là lão thầy chùa!

Lão nói: “Phúc cho đứa em mày, mẹ mày gửi nó cho tao, để tao nâng đỡ dìu dắt. Nhưng, đó là một thằng khó bảo, ghét màu đỏ và luôn mồm chê tao hôi! ‘Thầy ơi, thầy hôi quá!’ Nó dám bảo tao như vậy đấy, láo không?

Tôi không còn dám mở điện thoại mỗi đêm nữa. Tắt nguồn để ngủ, thế mà cũng không được. Tôi nhớ mẹ, nhớ em. Tết sắp đến rồi. Tết năm nay lạnh, mẹ lại hay đau ốm. Cái gì màu đỏ nhảy nhót trên trần nhà, như những cặp mắt sốt phát ban. Cái gì màu đỏ chạy dọc bên vách, như những bông hoa màu đỏ vẫn nở vào mỗi tết. Tôi không ngủ được. Em mất khi nào? Lão thầy chùa ấy là ai mà lại gọi cho tôi vào những giờ khuya khoắt?

Tôi khăn gói về quê. Hơn nửa nước này “khăn gói về quê” mỗi khi tết đến, chứ riêng gì tôi đâu! Hơn nửa nước này tha hương chứ riêng gì tôi đâu! Nhà tôi nằm bên vách đồi đất đỏ. Cha nhìn tôi, mắt như than hồng buổi tối, không nói gì, chỉ tay về hướng Tây. Tôi đi theo hướng ấy. Mộ của em tôi ngoài đó. Đất vẫn còn mới, tung toé như máu. Không phải một nấm mồ mà là hàng dãy, mới tinh, nhấp nhô như những cái đầu vừa lột da toé máu. Đống củi, không biết ai đốt, đang âm ỉ khói. Hoá ra là ảo giác! Làm gì có sư, làm gì có điện thoại, tin nhắn nào hàng đêm? Tất cả mọi thứ đã bị đánh tráo, bị đảo lộn, bị phù phép bởi màu đỏ quái ác.

Giấc mơ quái ác từng hành hạ em, bây giờ hành hạ tôi: Có một gã khổng lồ không rõ là trai hay gái, nhưng đích thực là màu đỏ, thường xuyên đuổi sau lưng tôi. Tôi chạy vào đường hầm đất đỏ mới đào, hun hút. Phía trước, những người thân đang chạy, phía sau, màu đỏ chói mắt đang hùng hổ đuổi theo. Vừa chạy, vừa chửi rủa: “Chúng mày là một lũ khó bảo, ghét màu đỏ và luôn mồm chê tao hôi, chúng mày liệu đấy…”

Tôi vẫn chạy, mỗi ngày, mỗi đêm, mỗi tỉnh, mỗi mơ, cho đến khi nào không còn đủ sức nữa, mới thôi!

 

 

-------------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021