thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngày của mẹ

 

Mother and child
tranh của Hermel Alejandre

 

NGÀY CỦA MẸ

 

Bà trở mình nhìn ra cửa sổ. Trời còn tối. Chẳng biết bây giờ là mấy giờ? Mọi người còn ngủ yên. Hôm nay là thứ mấy nhỉ? Hôm qua nghe đứa cháu ngoại thầm thì với bà “ngày mai là ngày của mẹ, con có cái này cho mẹ và ngoại” rồi nó lém lỉnh nheo mắt cười “bí mật nhé ngoại.” Con bé ngoan và hiền. Bà nhớ hồi nó còn sơ sinh, đêm nào nó cũng khóc, hết ba tháng mới thôi. Nó là con bé khẽ thức, rục rịch tí là nó thức dậy ngay. Bà đã ôm nó trên tay suốt, nó mới chịu ngủ. Vậy mà càng lớn nó càng dễ ăn dễ ngủ, tròn trĩnh thật dễ thương.

Bà biết hôm nay những đứa con của bà sẽ đưa các cháu nội ngoại đến thăm bà. Bà nhớ từng đứa con của bà và những gì đã xảy ra khi bà sinh chúng và cả bản tính cũng như sở thích của từng đứa.

Bà sinh đứa con gái đầu lòng trong thời Việt Minh. Lúc đó khổ quá, thời gian mang thai, ngày nào cũng chỉ có chút cơm độn và mắm ruốc, bà bị kiết tưởng đã chết. Đứa bé bị sinh non mới bảy tháng, trắng trẻo, xinh xắn như một thiên thần nhưng nhỏ xíu như một con mèo. Bà không có sữa cho con bú, ngày nào cũng đến trạm xá xin sữa, họ cho khoảng nửa tách trà. Bà dùng ống bơm, nhỏ từng giọt sữa cho con. Sau một tháng, con bé chết vì đói. Hồi đó bà con trẻ, chưa có kinh nghiệm nuôi con mà cũng chẳng có mẹ bên cạnh để chỉ dạy, bà đau đớn nhìn con chết dần mà không biết cách nào khác hơn.

Rồi vợ chồng bà dắt nhau bỏ quê Bình Định, trốn vào phương nam. Ông bà giả làm người buôn gà, gánh gà đi suốt ngày, đêm đến thì bỏ tất cả, suốt đêm chạy bộ qua những ruộng lúa, có những đoạn ông bà đã bò hoặc trườn để trốn Việt Minh, có đoạn ông bà đi nhờ xe bò kéo. Sau hai ngày đêm, ông bà đến Tuy Hoà, đón xe lửa đi vào Nha Trang. Rồi ông bà được các anh của ông bà giúp đỡ để ổn định cuộc sống. Bà sinh đứa con thứ nhì lúc ông bà có cuộc sống đầy đủ tiện nghi hơn. Đứa bé trai khoẻ mạnh, xinh xắn. Nhưng rồi khi nó được ba tháng tuổi, bà lại đau đớn nhìn con chết trên tay, sau khi đột nhiên nó khóc suốt hai tiếng đồng hồ mà bác sĩ không tìm được nguyên nhân.

Một năm sau đó, bà sinh đứa con thứ ba, một đứa con trai bụ bẫm, bú và ngủ rất đúng giờ. Nó có đôi mắt đen to lay láy đầy hiểu biết và lúc nào nó cũng nhoẻn miệng cười. Nó biết nói sớm và lúc nào cũng hỏi. Nó muốn biết mọi điều nó nhìn thấy chung quanh một cách cặn kẽ.

Ba năm sau bà sinh đứa thứ tư, lần này bà sinh non vì bị tai nạn, té xuống xe. Đứa con trai thiếu tháng ốm yếu, lúc nào cũng đau bệnh, nó khóc nhè suốt. Nó có bệnh suyễn từ lúc vài tháng tuổi. Thế là đêm nào ông bà cũng thay phiên nhau vác nó lên vai ngủ ngồi. Khi nó bắt đầu biết vòi vĩnh, hễ không được theo ý muốn là nó khóc rồi ngất luôn.

Ba năm sau bà sinh đứa thứ năm. Trưa hôm đó từ sở làm, bà về nhà ăn trưa. Ăn trưa xong bà cảm thấy đau bụng nhè nhẹ, bà quyết định không vào sở mà ở nhà nghỉ. Chiều hôm đó bà đi sinh, lần này bà được một đứa con gái, nó ốm yếu, nhỏ xíu, thích được mẹ bế. Bà nhớ hồi đó trẻ sơ sinh đứa nào cũng được chủng đậu ở vai nhưng lần đó cô y tá bảo cô bé xinh, nên cô chủng đậu ở bên rìa của bàn chân phải, để bé không bị sẹo trên vai. Con bé liến thoắng, hay nói, hay đùa.

Hai năm sau bà bị sẩy thai lúc bé mới được hơn hai tháng trong bụng, đứa con thứ sáu của bà.

Một năm sau bà sinh đứa thứ bảy, đứa con gái bụ bẫm, dễ nuôi, khuôn mặt, tay chân tròn trĩnh xinh xắn. Nó ít nói, khoẻ mạnh nhưng lại nhát. Những năm đầu mới biết nói, nó nói đớt, giọng thỏ thẻ, nũng nịu.

Hai năm sau bà sinh đứa thứ tám, đứa con trai đẹp như con của Tây. Da nó trắng giống ba, mái tóc quăn giống mẹ. Lúc đó sức bà yếu, đi làm và nuôi con mọn, không đủ sữa, nên bà cho nó bú dặm sữa Guigoz. Hạp sữa nên thằng bé lớn như thổi. Thời đó Mỹ sang Việt Nam nhiều. Thỉnh thoảng bà dẫn con đi ra ngoài mua sắm quần áo cho nó, người ta tưởng nó là con lai, bà xấu hổ nên bà ít dẫn nó ra ngoài. Nó thích leo trèo, hôm nào bà đi làm về cũng thấy nó bị u đầu, có lần té thế nào đó mà đầu móp vào một dấu tròn. Nghĩ đến đây bà tủm tỉm cười một mình, trở mình nằm lại cho thẳng thóm.

Ba năm sau, chuẩn bị sinh đứa thứ chín bà quyết định thôi việc, ở nhà nuôi dạy con. Đứa con trai giống bố, dáng người chắc chắn, có nước da ngâm giống mẹ. Nó ít nói, hiền nhưng cộc. Chưa biết đọc mà đã thuộc lòng nhiều bài thơ, cả nhà đặt cho nó cái tên là “anh tú lỏng”.

Rồi ba năm sau bà sinh đứa thứ mười. Đứa con gái út ra đời lúc ông đang đi công tác xa. Đêm đó đứa con trai nuôi đưa bà đi sinh. Về lại phòng riêng, bà ngủ thiếp chẳng biết bao lâu. Bà mơ thấy bà đến chùa, chung quanh bà rất đông người, nhìn lên cao bà thấy Phật Bà Quan Âm cầm một bó hoa hồng ném xuống, mọi người tranh nhau nhặt hoa. Bà được một đoá hoa hồng, đưa lên mũi ngửi, hương hoa ngọt ngào. Bà ngước mắt nhìn lên cao để cám ơn Phật Bà, thì Phật Bà đã biến mất. Giật mình thức giấc, hương hoa hồng như còn thoang thoảng trong phòng. Bà nghiêng người, bên cạnh bà, con bé được quấn chặt trong khăn, ngủ say sưa, miệng thoáng một nụ cười. Bà hôn lên trán nó, “bông hồng yêu quý của mẹ, con sẽ xinh và ngoan con nhé,” bà thầm nghĩ.

Bây giờ các con của bà đã trưởng thành, vậy mà nhớ đến chúng, bà luôn nhớ lúc chúng còn bé bỏng thơ dại. Bà thương nhớ chúng, muốn chúng cứ còn bé nhỏ để bà ôm từng đứa vào lòng. Bà suy nghĩ miên man, rồi chìm vào giấc ngủ...

 

2

 

Căn nhà yên lặng, hàng ngày, mỗi mình bà, đi ra đi vào, nhưng hôm nay bà thấy như vắng vẻ hơn, lạnh lẽo hơn. “À, đúng rồi, mình quên thắp nhang,” bà nghĩ. Bà đến bàn thờ, hình chồng bà và mười đứa con của bà đang nhìn bà trìu mến. Bà biết, hôm nay, các đứa con của bà, mỗi đứa ở một nơi rất xa, sẽ về thăm bà. Đi xa về, chúng sẽ tíu tít tranh nhau kể cho bà nghe những câu chuyện mà chúng cho là lạ đối với bà, một người đàn bà chỉ biết quanh quẩn trong khu làng nhỏ bé và nghèo nàn này.

Bà thắp nhang, lẩm nhẩm khấn vái rồi cầm hình của từng đứa con, hôn lên đó và ấp vào ngực bà, mắt bà nhoà lệ, chân bà khuỵu xuống, trái tim bà đau thắt. Các con bà, từng đứa đã chết ngoài chiến trường ...

 

3

 

Tiếng điện thoại cầm tay của bà reo vang, bà biết đứa con trai gọi về thăm bà, vì ở đây dân làm ruộng làm vườn nghèo khổ mấy ai sắm điện thoại, chỉ có nó gọi vào điện thoại này. Một lần ở trong Nam về thăm bà, nó mang chiếc điện thoại nhỏ xíu này về tặng bà, dặn bà thường giữ bên mình để khi nó nhớ bà thì gọi về thăm bà, hoặc khi bà có ốm đau hay nhớ nó thì gọi cho nó. Hôm nay nó gọi cho bà sớm hơn thường lệ.

“A-lô, mẹ ơi, con đây. Mẹ khoẻ không?”

“Mẹ khoẻ. Con thế nào? Hôm nay sao con gọi cho mẹ sớm thế?”

“Mẹ à, hôm nay là ngày của mẹ, con gọi về thăm mẹ. Con nhớ mẹ lắm, mẹ có vui không?”

“À, ra thế. Sáng sớm nay chị con đã tặng mẹ một bó hoa lili trắng, đẹp lắm.”

“Con chẳng có gì để tặng mẹ, hi hi...”

Rồi nó bi bô kể về cuộc sống của nó. Nó vừa đi học, vừa đi làm, tự lo lấy mọi điều một mình. Chỉ còn một học kỳ nữa nó tốt nghiệp đại học ngành vi tính. Nó được tuyển vào làm cho một công ty nước ngoài. Nó chăm chỉ học hành và làm việc nên được mọi người ở công ty thương nó. Mới làm việc gần một năm nó đã được đưa đi nước ngoài để tu nghiệp, rồi được khen thưởng. Nó dành dụm tiền, thỉnh thoảng gởi về biếu cho mẹ.

“Mẹ ơi, con gọi thăm mẹ, biết mẹ khoẻ, con vui. Mẹ yên tâm về con nghe mẹ. Con chào mẹ.”

“Ừ, mẹ yên tâm, mẹ nhớ con lắm, chào con.”

Bà nhớ đứa con trai của bà. Nhớ ngày bà nhận nó từ tay một người đàn ông, họ bọc nó trong một chiếc khăn vải thô. Nó chỉ vài ngày tuổi, mở đôi mắt tròn xoe nhìn bà. Mẹ nó không thể nuôi nó, vì lý do gì bà không cần biết. Bà ôm nó vào lòng, từ hôm nay nó là con của bà, trời đã xui khiến cho bà có được một đứa con trai. Bà không cho một ai trong gia đình nói cho nó biết rằng nó là đứa con nuôi của bà, cho đến khi nó khôn lớn. Đứa bé rất ngoan, hiền lành và thông minh. Đi học, nó luôn là học sinh xuất sắc, cho nên dù nghèo khổ, bà luôn cố gắng lo cho nó học đến nơi đến chốn. Mới học lớp 11, nó đã xin bà mua cho nó một máy vi tính để nó học. Mọi người trong gia đình ai cũng cản vì để mua chiếc máy đó bà phải vay mượn. Nhìn vào ánh mắt con, bà biết điều nó muốn là chính đáng và bà đã cho con đạt được nguyện vọng của nó. Khi học xong lớp 12, nó xin vào Sài Gòn để học đại học, bà biết đó là tương lai của nó, bà đã lo cho con. Ngày nó đã biết nó là con nuôi của bà, nó ôm bà thật chặt rồi nói “mẹ ơi, con biết vậy để con càng thương mẹ hơn nữa, mẹ đã cho con cuộc đời này.” Bà biết nó là đứa con hiếu thảo. Bà mỉm cười và tiếp tục cúi xuống nhổ cỏ cho đám cải non.

 

4

 

Hôm nay, trong bữa ăn tối, hai đứa con gái của bà đã chúc mừng bà về ngày của mẹ. Chúng còn nhỏ, chưa làm gì ra tiền để mua quà cho mẹ. Nhà nghèo, bà cũng chẳng thể nấu món ăn gì đặc biệt cho các con. Ngoài đĩa rau muống xào và tô canh như thường lệ, bà thêm một đĩa cá chiên. Nhìn các con ăn ngon lành, bà vui sướng lắm, nhưng cứ mỗi lần đến ngày của mẹ, lòng bà lại chùng xuống.

Cơm nước xong, hai đứa con gái phụ bà dọn rửa chén rồi đi học bài. Bà vào phòng ngủ, nằm xuống giường, lặng lẽ, nước mắt chảy xuống ướt cả gối. Bà nhớ đến đứa con trai đầu lòng của bà. Một đứa bé ốm yếu, với đôi mắt to ngơ ngác như một con nai. Cuộc tình đầu của bà không thành. Sinh nó được hai ngày bà đã để chú bà mang nó đi cho. Từ đó đến nay bà không biết tin gì về nó. Không biết giờ này nó đang ở đâu và cuộc sống của nó thế nào. “Con ơi, tha lỗi cho mẹ nhé, vì mẹ đã ngu dại. Mẹ thương con biết dường nào, nắm ruột của mẹ.”

 

5/2015

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021