thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]
(Diễm Châu dịch)

 

Một đêm đã hằng ngàn năm về trước, vào một thời không thể tính được chính xác, Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia, nằm mộng.

Ông mộng thấy mình ở trong lòng một cung điện bao la, và ông đang băng qua một hành lang. Hành lang này đổ vào một hành lang khác và Dédale mỏi mệt, vô định, men theo những vách tường mà bước tới. Khi đã đi qua hết hành lang nọ, ông tới một căn buồng bát giác nho nhỏ, nơi xuất phát tám hành lang. Dédale bắt đầu cảm thấy hết sức lo âu và thèm khát không khí trong lành. Ông bước vào một trong những hành lang ấy, nhưng hành lang này kết thúc bằng một vách ngăn. Ông bước vào một hành lang khác, hành lang này cũng lại kết thúc bằng một vách ngăn. Dédale thử đi thử lại bảy lần, mãi tới lần thứ tám, ông bước vào một hành lang rất dài, hành lang này, sau một loạt những lối ngoặt thẳng góc, đổ vào một hành lang khác. Lúc đó, ông ngồi trên một bậc thềm bằng cẩm thạch và bắt đầu suy nghĩ. Trên những bức vách của hành lang, những bó đuốc đã thắp, rọi sáng những tấm bích họa màu trời xanh vẽ hình chim và hoa.

Chỉ có mình ta là có thể biết cách ra khỏi nơi đây, Dédale tự nhủ, thế mà ta lại không nhớ.

Đúng lúc đó, ông bước vào một viên đình rộng lớn, trang hoàng bằng những bức tranh phong cảnh thật phi lý vẽ trên tường. Ông nhớ gian phòng này, nhưng ông không nhớ lại được tại sao ông nhớ gian phòng ấy. Ở đây có những ghế ngồi bọc bằng những thứ hàng xa hoa lộng lẫy, và ở chính giữa gian phòng là một chiếc giường lớn. Ở mép giường, một người đàn ông rong rỏng cao đang ngồi, bộ điệu linh hoạt và trẻ trung. Người này có đầu bò mộng. Y đang ôm đầu, và nức nở. Dédale lại gần và đặt một bàn tay lên vai y. Tại sao ngươi khóc, ông hỏi. Người kia buông hai tay ra khỏi đầu và chăm chú nhìn ông bằng đôi mắt thú. Tôi khóc là vì tôi si tình trăng, y nói, tôi chỉ mới thấy trăng có một lần khi tôi ra cửa sổ một buổi chiều nọ hồi tôi còn nhỏ, nhưng tôi không thể đến với trăng được là vì tôi bị giam giữ trong cung điện này. Chỉ cần nằm dài trên một đồng cỏ nhỏ bé, trong lúc ban đêm, và để ánh trăng mơn trớn vuốt ve, chắc là tôi đã mãn nguyện, nhưng tôi bị giam giữ trong cung điện này, tôi bị giam giữ trong cung điện này từ hồi nhỏ. Và y lại bắt đầu khóc.

Lúc đó Dédale cảm thấy hết sức phiền muộn, tim ông đập mạnh trong lồng ngực. Ta sẽ giúp ngươi ra khỏi nơi đây, ông nói.

Người-thú kia lại ngước đầu lên và chăm chú nhìn ông bằng đôi mắt bò mộng. Trong gian phòng này có hai cánh cửa, y nói, và ở mỗi cánh cửa có một người canh gác. Một cánh cửa đưa tới tự do, một cánh cửa dẫn tới cái chết. Một trong hai kẻ canh gác chỉ nói sự thật, kẻ kia chỉ nói những điều dối trá. Nhưng tôi không biết kẻ canh gác nào nói thật và kẻ canh gác nào nói dối, cũng chẳng biết cánh cửa nào là cánh cửa tự do và cánh cửa nào là cánh cửa của sự chết.

Đi theo ta, Dédale bảo, ngươi hãy đi với ta.

Ông lại gần một trong hai người canh gác và hỏi hắn: cánh cửa nào, theo như đồng nghiệp của chú, đưa tới tự do ? Thế rồi ông đổi cửa. Thật vậy, nếu như ông đã gọi hỏi kẻ canh gác dối trá, thời kẻ này, bằng cách sửa đổi chỉ dẫn thật của đồng nghiệp hắn, hẳn đã chỉ cho ông cánh cửa của đoạn đầu đài; ngược lại, nếu như ông đã hỏi kẻ nói sự thật, thời kẻ này, khi cho ông biết mà không sửa đổi chỉ dẫn sai lạc của đồng nghiệp hắn, hẳn đã chỉ cho ông cánh cửa của cái chết.

Họ vượt qua cánh cửa nọ và lại đi suốt một hành lang dài. Hành lang này dốc ngược lên và đổ ra một khu vườn treo, từ đây người ta vượt hẳn lên trên những ánh đèn của một thành phố lạ xa.

Lúc này Dédale nhớ lại, và ông thật sung sướng vì đã nhớ lại. Dưới những bụi cây, ông đã cất giấu những lông chim và sáp. Ông đã cất giấu cho chính mình, để có thể bỏ trốn cung điện này. Với đám lông chim và sáp nọ, ông đã tạo một đôi cánh thật khéo léo và ráp vào vai người-thú. Rồi ông đưa y tới hạn giới của khu vườn treo và nói với y.

Đêm thời dài, ông nói, trăng đã lộ khuôn mặt và đang chờ ngươi, ngươi có thể bay tới mãi tận trăng.

Người-thú quay lại và nhìn ông với đôi mắt dịu hiền của loài thú. Cám ơn ông, y nói.

Đi đi, Dédale bảo, và ông giúp y phóng mình tới. Ông nhìn người-thú với những tiếng vỗ cánh lớn xa dần trong đêm tối, và y bay về hướng mặt trăng. Y bay, y bay.

 

(trích Mộng của mộng)

 

-------------------------

* Dédale. Kiến trúc sư và phi hành gia đầu tiên, ông có lẽ là một giấc mộng của chúng ta. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

-------------------------

Ghi chú của dịch giả:

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021