thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những không gian trắng: Một vũ điệu để đọc lớn tiếng
(Thuỷ Trúc dịch)

 

Có điều gì đó xảy ra, và từ lúc nó bắt đầu xảy ra, không có gì còn có thể giống như trước nữa.

Có điều gì đó xảy ra. Hoặc là có điều gì đó không xảy ra. Một thân thể chuyển động. Hoặc là nó không chuyển động. Và nếu nó chuyển động, có điều gì đó bắt đầu xảy ra.

Nó tới từ tiếng nói của tôi. Thế nhưng những từ này sẽ không bao giờ là điều xảy ra. Nó tới rồi đi. Nếu tôi tình cờ đang nói lúc này thì đó chỉ là vì tôi hy vọng tìm ra một lối tiếp tục, một lối chạy song song với mọi sự khác đang tiếp tục, và như thế bắt đầu tìm ra một lối lấp đầy sự im lặng mà không phá vỡ nó.

Tôi xin bất kỳ ai đang lắng nghe tiếng nói này hãy quên đi những từ nó đang nói. Không ai nên lắng nghe quá chăm chú. Tôi muốn những từ này tan biến, ấy là nói thế, vào cái im lặng nơi chúng xuất phát, và không có gì còn lại ngoài kỷ niệm chúng có mặt, một bằng chứng về sự kiện chúng đã từng có ở đây và lúc này không còn ở đây nữa và trong cuộc sống ngắn ngủi của chúng, chúng dường như không muốn nói một điều gì đặc biệt cho bằng là một với sự việc đang xảy ra lúc ấy đồng thời với một thân thể nào đó đang chuyển động ở một không gian nào đó, chúng chuyển động cùng với hết mọi điều khác cũng chuyển động.

Có điều gì đó bắt đầu, và đã không còn phải là lúc bắt đầu, mà là một điều gì khác, xô đẩy chúng ta vào chính giữa điều đang xảy ra. Nếu như đột nhiên chúng ta dừng lại mà tự hỏi «Chúng ta đang đi về đâu?» hoặc «Chúng ta đang ở nơi đâu?» thì chúng ta hẳn là bị lạc mất, là vì vào mỗi lúc chúng ta không còn ở nơi đã từng ở, mà đã bỏ mình lại phía sau, không thể thay đổi được, nơi một dĩ vãng không có ký ức, một dĩ vãng mãi mãi bị xóa nhòa trong một chuyển động lôi cuốn chúng ta vào hiện tại.

Vậy thời, đặt những câu hỏi là không xong rồi. Là vì đây là một cảnh tượng của thúc đẩy tình cờ, của hiểu biết vị hiểu biết – nghĩa là, một hiểu biết có đấy, một hiểu biết thành hình ở ngoài mọi khả năng đặt nó thành lời. Và nếu như chỉ một lần này thôi chúng ta buông thả bản thân chúng ta cho sự dửng dưng tột độ là chỉ ở bất cứ nơi nào chúng ta tình cờ có mặt, thì có lẽ chúng ta không đến nỗi tự lừa dối chúng ta khi nghĩ rằng cả chúng ta nữa, chúng ta rốt cuộc cũng đã trở thành một bộ phận của toàn bộ ấy.

Nghĩ tới chuyển động không chỉ như một chức năng của thân thể mà còn là một khuếch trương của đầu óc. Cũng một cách ấy, nghĩ tới ngôn từ không như một khuếch trương của đầu óc mà như một chức năng của thân thể. Các âm thanh trồi lên từ tiếng nói để lọt vào không khí và vây quanh và nẩy lên, lọt vào thân xác chiếm cứ khoảng không ấy, và mặc dù không thể thấy, những âm thanh này là một cử chỉ không kém gì một bàn tay khi nó vươn ra trong khoảng không để hướng tới một bàn tay khác, và trong cử chỉ này ta có thể đọc thấy toàn bộ bản tự mẫu của thèm muốn, cái nhu cầu của thân xác cần được bứt ra khỏi chính nó, ngay cả khi nó cư ngụ trong phạm vi chính chuyển động của nó.

Ngoài mặt thì dường như đó là chuyện tình cờ. Nhưng sự tình cờ này, tự nó, không loại trừ một ý nghĩa. Hoặc ý nghĩa không phải là từ xứng hợp với nó, thì ta hãy nói đó là cái vết tích trôi giạt, hoặc một cái cảm tưởng dai dẳng về điều đang xảy ra, dẫu nó thay đổi, từng lúc một. Mô tả nó với mọi chi tiết của nó chắc không phải là không thể được. Nhưng ta có lẽ sẽ cần tới quá nhiều từ, quá nhiều dòng, những vần, những câu chính, câu phụ, khiến cho các từ đó bao giờ cũng lẽo đẽo theo sau cái gì đang xảy ra, và thật lâu sau khi mọi chuyển động đã ngừng và mọi chứng cớ đã tản mác, tiếng nói mô tả chuyển động ấy vẫn hãy còn nói, đơn độc, không có ai nghe, thật sâu trong im lặng và bóng tối của bốn bức tường này. Thế nhưng có điều gì đó đang xảy ra, và bất kể tôi, tôi muốn có mặt bên trong không gian của lúc này, của những lúc này, và nói một điều gì, dẫu như điều đó sẽ bị quên lãng, một điều gì sẽ dự phần vào cuộc hành trình bao lâu nó kéo dài.

Trong địa hạt của con mắt trần không có gì xảy ra mà lại không có đầu, cuối. Thế nhưng ta không thể tìm được ở đâu hết cái nơi hoặc cái lúc ta có thể nói, một cách hoàn toàn chắc chắn, rằng đây là nơi nó bắt đầu, hoặc đây là nơi nó chấm dứt. Với một số người trong chúng ta, nó đã bắt đầu trước lúc bắt đầu, và với một số người khác nó sẽ tiếp tục xảy ra sau lúc chấm dứt. Tìm ra nó ở đâu? Đừng tìm kiếm. Hoặc là nó ở đây hoặc không. Và bất kỳ ai ra sức tìm cách trú ẩn ở bất kỳ một nơi nào, ở bất kỳ một lúc nào, sẽ chẳng bao giờ ở chỗ mà họ nghĩ rằng mình đang ở. Hãy nói vĩnh biệt. Chả bao giờ quá trễ. Lúc nào cũng quá trễ.

Nói điều đơn giản nhất. Không đi xa hơn bất cứ điều gì tôi tình cờ bắt gặp trước mặt. Bắt đầu bằng cảnh tượng này, chẳng hạn. Hoặc lại nữa ghi nhận những gì kề cận nhất, như thể nơi thế giới tí hon trước mắt, tôi rất có thể tìm ra một hình ảnh của cuộc sống ở xa hơn tôi, như thể một cách nào đó tôi không hoàn toàn hiểu được mỗi sự vật trong đời tôi lại nối kết với mọi sự vật khác, những điều này đến lượt chúng lại nối kết tôi với thế giới rộng lớn, cái thế giới không cùng đang lờ mờ hiện ra trong đầu óc, đe dọa và lạ xa như chính sự thèm muốn.

Để trình bày sự việc một cách khác, đôi khi, không gọi tên điều ta đang nói tới cũng là một chuyện cần thiết. Đức Chúa vô hình của dân Hy-bá chẳng hạn, có một cái tên không thể nói ra, và mỗi một trong chín mươi chín cái tên mà truyền thống ghép cho vị Chúa này chẳng qua cũng chỉ là một cách nhìn nhận điều-không-thể-nói, điều-không-thể-thấy, và điều-không-thể-hiểu-được. Nhưng ngay như ở một bình diện ít phấn khích hơn, trong địa hạt của chính điều thấy được, chúng ta cũng thường nén chuyện gọi tên điều mình đang nói tới. Hãy xem xét chữ «it» (‘cái đó, điều đó’). Chúng ta nói, «It is raining» (‘Trời mưa’), hoặc «How is it going? (‘Mạnh giỏi không?’ / ‘Công chuyện ra sao?’) Chúng ta cảm thấy mình biết chuyện mình đang nói, và điều chúng ta muốn nói là «it», cái chữ «it» này, thay thế cho một điều gì đó không cần nói, hoặc một điều gì đó không thể nói ra. Nhưng nếu cái điều chúng ta nói là một điều gì «vuột thoát» khỏi chúng ta, một điều gì chúng ta không hiểu, thì làm sao chúng ta lại có thể cứ nói rằng chúng ta hiểu điều mình đang nói? Thế nhưng, it goes without saying (‘tất nhiên là’) chúng ta hiểu. Chữ «it» trong câu trước, «it goes without saying», chẳng hạn, thật ra chỉ là bất cứ cái gì – thúc đẩy chúng ta tới chính hành động ngôn từ. Và nếu «it», chữ «it» đó, là cái gì lại liên tục xảy ra trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm định nghĩa nó, thì ta phải chấp nhận nó như một điều đã được biết, cái điều kiện đi trước chuyện nói ra nó. Người ta thường nói, chẳng hạn, rằng các từ làm sai lạc điều chúng toan nói, nhưng nói «chúng làm sai lạc» là đã nhìn nhận rằng «chúng làm sai lạc» là thật, và như thế là phản lại một niềm tin ám tàng đặt vào khả năng của từ ngữ trong việc nói ra điều chúng muốn nói. Thế nhưng, khi chúng ta nói, chúng ta lại thường không có ý nói bất cứ một điều gì, như trong trường hợp lúc này, tôi thấy các từ từ miệng tôi rơi xuống và tan biến vào cái im lặng nơi chúng xuất phát. Nói cách khác, nó (‘it’: điều ấy) tự nói ra, và miệng chúng ta chỉ là khí cụ dùng cho việc nói ra của nó. Chúng ta hỏi điều ấy xảy ra như thế nào? Nhưng không bao giờ chúng ta hỏi «điều ấy» thực ra là gì. Chúng ta biết, dẫu như chúng ta không thể đặt điều ấy ra thành lời. Và cái cảm tưởng còn lại nơi chúng ta, cái kín đáo của một hiểu biết hoàn toàn hòa điệu với thế giới đến thế, không cần tới bất cứ một điều gì có thể rơi xuống từ cửa miệng chúng ta. Những con tim của chúng ta biết ở nơi chúng có điều gì, dẫu như những cửa miệng của chúng ta vẫn làm thinh. Và thế giới sẽ biết chính xác điều đó là gì, ngay cả khi chẳng còn gì trong tim chúng ta nữa.

Một người lên đường tới một nơi y chưa từng tới. Một người khác trở lại. Một người tới một nơi không có tên, không có những chuẩn điểm cho y biết mình đang ở đâu. Một người khác quyết định trở lại. Một người viết những lá thư từ không đâu hết, từ cái không gian trắng đã mở ra trong chính đầu óc hắn. Những lá thư ấy không bao giờ nhận được. Những lá thư ấy không bao giờ gửi đi. Một người khác lên đường tìm kiếm người thứ nhất. Người thứ nhì này càng ngày càng giống như người đầu tiên, cho đến khi cả y nữa cũng bị cái trắng kia nuốt mất. Một người thứ ba lên đường không có hy vọng tới một nơi nào. Bởi bao lâu hắn ở lại trong địa hạt của con mắt trần, hắn vẫn tiếp tục lang thang.

Tôi ở lại trong căn buồng nơi tôi đang viết điều này. Tôi đặt một bàn chân tới trước một bàn chân khác. Tôi đặt một từ tới trước một từ khác, và với mỗi bước tôi đặt, tôi thêm một từ khác, như thể với mỗi từ nói ra có một không gian phải vượt qua, một khoảng cách mà thân xác tôi phải lấp đầy khi nó chuyển động qua không gian này. Ấy là một hành trình qua không gian, dẫu như tôi chẳng đạt tới đâu, dẫu như tôi sẽ kết thúc ở cùng một nơi tôi đã khởi sự. Ấy là một hành trình qua không gian, như thể vào, ra nhiều đô thị, như thể băng ngang những sa mạc, như thể tới mép bờ của một đại dương tưởng tượng nào đó nơi mọi suy tưởng chìm đắm trong những đợt sóng tàn nhẫn của thực tại.

Tôi đặt bàn chân này tới trước bàn chân kia, và rồi tôi đặt bàn chân kia tới trước bàn chân thứ nhất, lúc này đã trở thành bàn chân kia và sẽ lại trở thành bàn chân thứ nhất. Tôi bước đi trong bốn bức tường này, và bao lâu tôi ở đây tôi có thể đi bất kỳ đâu tôi thích. Tôi có thể đi từ một đầu buồng tới đầu kia và có thể chạm tới bất cứ bức tường nào trong bốn bức tường , hoặc cả đến mọi bức tường, lần lượt, đúng như tôi thích. Nếu tâm trí chuyển động tôi, tôi có thể đứng giữa buồng. Nếu tâm trí chuyển động tôi theo một hướng khác, tôi có thể đứng ở bất cứ góc nào trong bốn góc. Đôi khi tôi chạm tới một trong bốn góc ấy và bằng cách đó tiếp xúc với hai bức tường cùng một lúc. Thỉnh thoảng tôi rảo mắt trên trần, và khi các nỗ lực của tôi đã khiến tôi đặc biệt mỏi mệt tới cùng kiệt thì vẫn có sàn nhà để đón nhận thân xác tôi. Ánh sáng, tuôn trào như suối qua cửa sổ, không bao giờ đổ cùng một chiếc bóng tới hai lần, và vào bất cứ lúc nào được biết tôi cảm thấy mình sắp sửa khám phá ra một sự thật khủng khiếp, chưa hề ngờ tới nào đó. Ấy là những lúc vô cùng hạnh phúc đối với tôi.

Ở đâu đó, như thể không thấy được, thế tuy nhiên lại thật gần gụi với chúng ta hơn chúng ta tưởng (ở dưới phố chẳng hạn, hoặc ở khu nhà kế cận), có ai đó đang sinh ra. Ở một nơi khác nào đó, một chiếc xe đang phóng trên một xa lộ trống vắng giữa đêm tối. Cũng trong một đêm ấy, một người nào đó đang nện một chiếc đinh vào một tấm ván. Chúng ta không biết gì về tất cả những điều này. Một hạt mầm lay động không ai thấy dưới lòng đất, và chúng ta không biết gì về chuyện ấy. Hoa tàn, những cao ốc vọt lên, trẻ nhỏ khóc. Thế tuy nhiên, đối với tất cả những điều ấy, chúng ta không biết gì hết.

Chuyện xảy ra, và trong lúc nó vẫn tiếp tục xảy ra, chúng ta quên mất chúng ta đã ở đâu khi chúng ta khởi sự. Sau này, khi chúng ta đã đi qua từ lúc này một khoảng xa không kém gì khoảng chúng ta đã đi qua từ lúc khởi đầu, chúng ta sẽ quên đi nơi chúng ta đang ở lúc này. Rốt cuộc thời hết thảy chúng ta sẽ trở lại nhà, và nếu có những người nào đó trong chúng ta không có nhà, thì dẫu thế, chắc chắn là họ sẽ rời khỏi nơi này để tới bất cứ một nơi nào họ phải tới. Nếu không phải một điều gì khác, cuộc sống đã dạy hết thảy chúng ta một điều này: bất kỳ ai đang ở đây bây giờ sẽ không có ở đây sau này.

Tôi tặng những từ này cho những điều tôi không hiểu trong đời, cho tất cả những điều qua đi trước mắt tôi. Tôi tặng những từ này cho sự không thể tìm ra một từ ngang bằng với cái im lặng ở trong tôi.

Ban đầu, tôi muốn nói tới những cánh tay và những ống chân, tới nhảy lên nhảy xuống, tới những thân xác lộn nhào và xoay tít, tới những hành trình hết sức rộng lớn qua không gian, tới các đô thị, tới các sa mạc, tới những rặng núi vươn xa hút mắt. Thế tuy nhiên, dần dà, khi những từ này bắt đầu áp đặt tôi, bất cứ điều gì tôi đã nghĩ là mình muốn làm, rốt cuộc đều có vẻ không quan trọng. Miễn cưỡng tôi đã từ bỏ tất cả những câu chuyện thâm thúy của tôi, tất cả những cuộc phiêu lưu tới những nơi xa vời, và bắt đầu, chậm rãi và khổ sở, trút sạch đầu óc tôi. Bây giờ tất cả những gì còn lại là sự trống rỗng: một không gian, dẫu nhỏ bé đến đâu, nơi bất cứ điều gì đang xảy ra đều có thể được xảy ra.

Và dẫu nhỏ bé đến đâu, mỗi một và hết mọi điều có thể ấy vẫn tồn tại. Ngay cả một chuyển động đã bị giảm thiểu tới một vẻ vắng mặt biểu kiến của chuyển động. Chẳng hạn, một chuyển động tối thiểu như chính việc thở, cái chuyển động của thân thể khi hít không khí vào và thở ra. Trong một cuốn sách đã có lần tôi được đọc của Peter Freuchen, nhà thám hiểm Bắc cực thời danh ấy miêu tả cảnh mắc phải một trận bão tuyết ở miền bắc Greenland. Đơn độc, thức ăn cạn dần, ông quyết định dựng một cái lều tròn bằng đá băng chờ cho qua cơn bão. Nhiều ngày qua đi. Không sợ gì bằng bị chó sói tấn công – vì ông đã nghe thấy chúng đói khát lởn vởn sục sạo trên mái cái lều tròn của ông – lâu lâu ông lại bước ra ngoài, thu hết hơi sức hát thật lớn để khiến chúng hoảng sợ mà bỏ đi. Nhưng lúc ấy gió thổi dữ dội, và dẫu ông hát lớn đến đâu, ông cũng chỉ nghe thấy có tiếng gió mà thôi. Tuy nhiên, nếu đó là một vấn đề nghiêm trọng, thì vấn đề của chính cái lều tròn lại còn lớn hơn nhiều. Là vì Freuchen bắt đầu nhận thấy các bức vách ở nơi trú ẩn nhỏ bé của ông dần dần siết lại trên người ông. Vì những điều kiện thời tiết đặc biệt ở bên ngoài, hơi thở của ông hoàn toàn đông cứng lại gắn vào các bức vách, và với mỗi hơi thở các bức vách ấy lại dày đặc thêm, căn lều tròn lại nhỏ lại hơn nhiều, cho đến khi rốt cuộc, hầu như không còn một chỗ nào cho thân thể ông. Chắc chắn ấy là một điều thật hãi hùng khi hình dung ta tự thở ra du chính mình vào một cỗ áo quan bằng đá băng, và theo cảm nghĩ của tôi còn kinh hoàng hơn gấp bội một chuyện như «The Pit and the Pendulum» (Hố sâu và con lắc) của (Edgar) Poe. Là vì trong trường hợp ở đây, ấy chính con người lại là tác nhân của chuyện huỷ diệt mình, và hơn nữa, cái khí cụ hủy diệt ấy lại chính là cái điều y cần để sống còn. Bởi chắc chắn là con người không thể sống nếu y không thở. Nhưng đồng thời, y cũng không sống được nếu y thở. Lạ thay, tôi không nhớ Freuchen đã thoát hiểm ra sao. Nhưng không cần phải nói, ông đã thoát. Tựa sách, nếu tôi không nhầm, là «Arctic Adventure» (Phiêu lưu Bắc cực). Sách tuyệt bản đã lâu rồi.

Không có gì xảy ra. Thế nhưng, cũng không phải là không có gì. Kêu gọi tới những điều không bao giờ xảy ra là cao quý, nhưng êm dịu hơn biết bao khi ở lại trong địa hạt của con mắt trần.

Ta đi tới điều này: là mọi sự đều cần phải được xét tới, mọi sự đều cần phải tham dự vào cái toàn thể, ngay cả những điều tôi không hiểu hoặc không thể hiểu. Thí dụ cái thèm muốn hủy bỏ tất cả những gì tôi viết cho tới lúc này. Không phải vì bất cứ một đột ngột đổi thay nào trước sự không thích đáng của những từ này (mặc dù chuyện ấy vẫn là một điều khả dĩ thật rõ rệt), mà đúng hơn là vì cái nhu cầu nhắc nhở cho bản thân tôi, vào mọi lúc, rằng sự việc không nhất thiết phải xảy ra cách này, rằng luôn luôn có một cách khác, không tốt hơn cũng chẳng xấu hơn, trong đó sự việc có thể thành hình. Rốt cuộc tôi ý thức rằng có phần chắc là tôi bất lực, không thể thay đổi kết quả của cả đến một điều xảy ra nhỏ bé nhất, thế tuy nhiên, và bất chấp cả tôi, như thể trong một hành động do một niềm tin mù quáng, tôi muốn đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm. Và bởi thế có cái thèm muốn này, cái nhu cầu áp đảo này: đem đám giấy tờ này ra vung vãi khắp buồng. Hoặc là tiếp tục. Hoặc là bắt đầu lại. Hoặc là tiếp tục, như thể mỗi một lúc là lúc bắt đầu, như thể mỗi một từ là lúc bắt đầu của một im lặng khác, mỗi một từ khác lại im lặng hơn là từ trước.

Một vài mẩu giấy. Một điếu thuốc cuối cùng trước khi lên giường. Tuyết rơi không dứt trong đêm mùa đông. Ở lại trong địa hạt của con mắt trần, hạnh phúc như lúc này. Và nếu đó là quá đòi hỏi, thời được ban cho kỷ niệm về khoảnh khắc ấy, một cách trở lại với nó trong tăm tối của đêm đen chắc chắn sẽ lại dìm ngập tôi. Không bao giờ ở bất cứ nơi nào ngoài nơi đây. Và cuộc hành trình bao la qua không gian tiếp tục. Ở khắp mọi nơi, như thể mọi nơi là nơi đây. Và tuyết rơi không dứt trong đêm mùa đông.

 

(khúc ngoặt: 1978-1979)

 

 

---------------------------------------

PAUL AUSTER sinh ngày 3.2.1947 tại Newark, bang New Jersey, Hoa-kỳ. Ông là một nhà thơ, dịch giả, giáo sư, điện ảnh gia, và nhất là tiểu thuyết gia, con cả của một gia đình có hai người con.

Ông học đại học tại Columbia University; sống tại Pháp từ 1970 tới 1974, làm thơ, sinh sống chật vật, dịch Mallarmé, Sartre, André du Bouchet, Maurice Blanchot, và đã cho xuất bản tại Hoa-kỳ một Tuyển tập thơ Pháp thế kỷ XX (Random House, 1982). Là người viết chuyện phim Smoke, ông cũng là người cùng thực hiện phim Brooklyn Boogie, và thực hiện cuốn phim dài đầu tay vào năm 1998: Lulu on the Bridge. Ông đã lập gia đình với Siri Hustvedt, cũng là một nhà văn. Hai vợ chồng được hai người con là Daniel và Sophie (theo báo LIRE, tháng 5-2002). Ngoài ra, ông còn là một người viết tiểu luận văn chương sắc bén.

Ở Pháp, số thơ của Paul Auster, do nhà xuất bản Unes in từ 1987 đến 1993, gồm các tập: Effigies; Murales; Fragments du froid; Dans la tourmente Disparitions. Tâp Unearth đã được Maeght in từ năm 1980. Tất cả do nhiều người dịch khác nhau thực hiện. Cuối năm 1993 qua đầu năm 1994, cac nhà xuất bản Unes và Actes Sud hợp tác in toàn bộ thơ của Paul Auster (có thêm phần Rayons), dưới tựa đề Disparitions, bản dịch Danièle Robert.

Thủy Trúc đã dịch «Tuyệt tích» của Paul Auster theo bản Danièle Robert nói trên và cũng đã dịch theo nguyên tác của cùng một tác giả Những không gian trắng (Paul Auster, White spaces, Station Hill, 1980), một tùy bút thơ, «một vũ điệu để đọc lớn tiếng».

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021