thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người cha

 

Tôi đã từng có những ngày đi làm thuê tồi tệ, nhưng sự tồi tệ nhất không đến từ các công ty nước ngoài, như một công ty Hàn Quốc chẳng hạn, dù ở đó tôi phải trải qua rất nhiều căng thẳng vì tính kỷ luật khắt khe của những tay sếp hung hăng đến từ xứ kim chi. Thật ngược đời khi cái kỷ lục xấu hổ ấy lại đến từ một công ty Việt Nam, hoàn toàn Việt Nam. Lịch sử hình thành của nó có thể được tóm lược như sau: trước năm bảy lăm nó là một công ty của ai đó, sau bảy lăm nó thuộc về sự quản lý của Bộ Y Tế. Sự tồi tệ của nó không đến từ tính kỷ luật, vì thực ra nó chẳng có chút kỷ luật nào, bằng chứng là chúng tôi thường xuyên bỏ công việc nửa chừng, ngay giữa buổi, để đi uống cà-phê mà chẳng ai buồn nhắc nhở. Chúng tôi cũng không có những người sếp hung hăng; sếp của tôi là một bà đã già mà tôi không thể phỏng chừng được là đã già đến mức nào, bởi chẳng có căn cứ gì để đoán được tuổi của bà, vì một lẽ: các nếp nhăn trên mặt bà thì nhiều, đóng thành chùm sau đuôi mắt, nhưng giọng nói và nụ cười của bà thì thật... hơi có vẻ, vẻ gì nhỉ? Vẻ lả lơi, theo như “thuật ngữ” mà một ông già cùng nhóm từng nói. Bà chưa bao giờ khắt khe với ai, nhưng không vì thế mà họ mến bà, mà ngược lại, hầu hết đều thể hiện một kiểu xem-thường-trong-im-lặng.

Toàn bộ sự tồi tệ đến từ một lẽ khác, rất căn bản: lương rất thấp và có khi vài tháng mới được trả một lần. Hiển nhiên tôi đã rời khỏi công ty này sau đó, nhưng không phải do lương, mà vì một nguyên nhân thầm kín rất khó giãi bày để người khác (nhất là các đồng nghiệp của tôi) hiểu đúng đắn.

Ngay trong lần đầu trốn đi uống cà-phê với mấy vị đồng nghiệp cùng nhóm, tôi đã được một vị đồng nghiệp già — một lão khỉ đột — cảnh báo theo một kiểu bóng gió nửa đùa cợt nửa nghiêm túc rằng, “coi chừng bà ta sẽ chiếu cố đến cậu”. Tôi mù tịt với kiểu nói dở hơi này, nhưng rồi dần dà trong những lần sau, họ cũng từ từ tiết lộ cho tôi một vài thứ mà họ gọi là sự thật — một kiểu sự thật mà họ cũng không tỏ tường gì mấy về bản chất thực sự của nó. Đã từng có hai người vào trước tôi, cùng vị trí tôi đang làm, rồi từ sự “chiếu cố” này mà họ đã phải bỏ việc. Thú thực, họ đã gieo cho tôi một thứ nặng nề như đeo chì, và tôi cứ phải thấp thỏm chờ đợi một điều tồi tệ gì đó sẽ đến vào một lúc nào đó.

Nhưng rồi đã nhiều tháng trôi qua mà chẳng có gì xảy ra ngoài cái sự tồi tệ vẫn cứ phô bày cái-sự-tồi-tệ-của-nó hằng tháng như một kiểu bào mòn có chu kỳ đều đặn. Rồi vào lúc mà tôi bắt đầu quên mất những lời “cảnh báo”, thì một ngày cuối tuần bà sếp già đã đến chỗ tôi và đưa ra lời mời (vâng, một lời mời rất nghiêm túc) rằng ngày mai là ngày giỗ cha bà ấy và bà rất lấy làm vui nếu được tôi đến dự.

Tôi nghĩ không ai có thể từ chối một lời mời chân thành và nhún nhường như vậy từ sếp của mình và tôi đã vui vẻ nhận lời.

Chiều hôm sau, khi tôi đến, đã thấy bà đứng đợi ngay cửa với một nụ cười thật niềm nở, nhưng chẳng có ai khác nữa, ngoài tôi và bà. Điều này, dĩ nhiên, gây cho tôi nhiều lo lắng, nhưng đồng thời cũng tạo nên một chút phấn khích kiểu mạo hiểm mơ hồ nào đó. Rồi tôi mang nguyên cái trạng thái nước đôi ấy bước lên gác giúp bà dọn dẹp và chuẩn bị cỗ bàn. Cho đến khi mọi việc xong xuôi và cả hai đã ngồi vào bàn, bà mới bắt đầu nhìn tôi chăm chú và giải thích. Một câu chuyện cũng dễ hiểu, rằng mỗi năm bà chỉ mời một người — một người trai trẻ, đến dự đám giỗ. Lý do: cha của bà đã mất vào khoảng tuổi của tôi bây giờ, nghĩa là dưới ba mươi, lúc bà chỉ mới lên bốn hay lên năm gì đó. Bà không còn nhớ gì nhiều, thậm chí đến một tấm hình cũng không. Sau đó, mẹ bà đã lấy chồng khác — một gã hung bạo mà bà không còn muốn nhớ đến. Toàn bộ câu chuyện chỉ có vậy, lưng chừng, chỉ vừa đủ để tôi suy diễn ra rằng, có lẽ bà cần một người trai trẻ trong độ tuổi ấy đến để giúp bà tưởng nhớ về người cha của mình chăng?

Cái suy nghĩ ấy cứ lẩn quẩn trong đầu tôi suốt bữa ăn, khiến tôi chẳng còn để tâm gì đến “món cà-ri tuyệt ngon” mà bà khoe đã nấu rất kỳ công. Tôi cho rằng chẳng có gì khó hiểu trong chuyện này và không những chẳng cần phải đề phòng mà còn rất đáng để nhận được sự cảm thông và ủng hộ. Có lẽ những kẻ đồng nghiệp rỗi rãi kia đã quá nhẫn tâm khi tạo ra một thứ hồ nghi đầy ác ý như vậy về bà. Bất giác tôi cảm thấy thương mến người đàn bà cô độc có phần tội nghiệp này.

Câu chuyện chỉ có vậy cho đến lúc tôi đứng lên chuẩn bị ra về. Tôi để mặc cho bà cầm lấy đôi bàn tay tôi lắc lắc như một kiểu cảm ơn, rồi bà nâng nó lên nhẹ nhàng với một niềm xúc động nào đó vừa dâng trào. Sau đó, bỗng nhiên bà ôm chặt lấy tôi rồi oà khóc nức nở. Bà gục vào ngực tôi, và tôi bắt đầu cảm nhận được những dòng nước mắt nóng hổi đang chảy dài xuống vùng bụng. Cho đến lúc ấy, tôi vẫn đứng yên như một cử chỉ cảm thông mà tôi nghĩ chẳng có gì nên tội. Rồi bằng những động tác đột ngột, bà vừa ngẩng đầu lên nhìn tôi với đôi mắt đỏ ngầu dữ tợn, vừa bắt đầu cào cấu mạnh vào ngực tôi với mười móng vuốt sắc lẻm. Khi tôi hiểu ra và cố sức kìm giữ đôi tay bà thì tấm áo tôi đã bị xé nát còn ngực thì đã rướm máu đau đến buốt người.

Cuối cùng, sau một vài giằng co quyết liệt, tôi đã đẩy được bà ra xa, rồi phóng ra cửa thoát thân. Khi đã đến đầu con hẻm, tôi vẫn còn như nghe thấy tiếng bà vừa gào thét vừa gầm gừ bằng một thứ âm thanh rờn rợn từ sâu trong cổ họng...

 

(8/2015)

 

 

---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021