thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]
(Diễm Châu dịch)

 

Tại Tomes, bên bờ biển Đen, trong đêm ngày mười sáu tháng Giêng sau công nguyên, một đêm đông giá và gió lốc, Publius Ovidius Naso*, thi sĩ và nịnh thần, mộng thấy mình trở thành một nhà thơ được hoàng đế sủng ái. Và, với tư cách ấy, do phép mầu của thần linh, ông đã biến thành một con bướm lớn.

Ấy là một con bướm khổng lồ, to như một người lớn, với đôi cánh oai nghiêm màu vàng và thiên thanh. Và đôi mắt nó, đôi mắt lớn quá độ và tròn xoe của loài bướm, bao quát toàn nhẫn giới.

Người ta đẩy ông lên một cỗ xe hai bánh bằng vàng, đã được chỉnh trang đặc biệt cho ông, và ba cặp ngựa trắng đưa ông tới La-mã. Ông cố gắng đứng thẳng, nhưng những cẳng chân yếu ớt của ông không sao đỡ được sức nặng của đôi cánh, khiến ông cứ phải khuỵu xuống đều đều trên đám nệm, cọ quậy mấy cái chân ở trên không. Những cái chân này được trang sức bằng những tràng chuỗi và vòng kiềng Đông phương, và ông khoan khoái phô bày các thức ấy cho đám đông đang hoan hô ông.

Khi tới trước các cổng thành La-mã, Ovide vứt bỏ những chiếc gối và, hết sức cố gắng, dùng những cẳng chân thon dài, ông choàng lên đầu một vòng nguyệt quế. Đám đông ngây ngất, và có nhiều người phủ phục, là vì họ cho rằng ông là một vị thần của Á châu. Lúc đó Ovide muốn báo cho họ biết mình là Ovide, và ông khởi sự nói. Nhưng một tiếng rít kỳ dị từ miệng ông thoát ra, một tiếng kêu ré thật chát chúa và không sao chịu nổi buộc đám đông phải đưa tay bịt tai lại.

Các người không nghe tiếng hát của ta sao?, Ovide kêu lên, ấy là tiếng hát của nhà thơ Ovide, kẻ đã chỉ dậy nghệ thuật yêu, kẻ đã nói tới các kỹ nữ và các phương chước, tới những phép mầu và những sự thay hình đổi dạng!

Nhưng tiếng nói của ông chỉ là một tiếng ré không rõ rệt, đám đông tránh né trước bầy ngựa. Sau cùng họ tới hoàng cung và Ovide, vụng về tựa vào những cẳng chân, bước lên những bậc cấp đưa ông tới vị César.

Hoàng đế, ngồi trên ngai, chờ ông và đang uống một chung rượu nhỏ. Nào, ta hãy nghe những gì ngươi đã soạn cho ta, vị César nói.

Trước đó Ovide đã soạn một bài thơ ngắn bằng những vần điệu uyển chuyển, kiểu cách và hơi táo bạo, có lẽ sẽ làm vui lòng vị César. Nhưng làm sao nói lên đây?, ông nghĩ, nếu tiếng nói của ông chỉ còn là một thứ tiếng kêu ré inh tai của loài côn trùng. Ông liền nghĩ tới cách chuyển đạt những vần thơ của ông cho vị César bằng những điệu bộ, và ông bắt đầu lắc lay mềm mại đôi cánh oai nghiêm nhuộm màu của mình thành một vũ khúc tuyệt vời đầy phong vị lạ xa. Những màn cửa trong cung điện lay động, một cơn gió chướng quét qua khắp các gian phòng và vị César, nổi giận, ném chung rượu xuống sàn đá. Vị César tính cộc cằn, chuộng sự thanh đạm và cường tráng. Ông không thể chịu được cái loài sâu bọ sỗ sàng này múa may trước mắt một vũ điệu ẻo lả như vậy. Ông vỗ tay và đám vệ binh chạy tới.

Quân đâu, ông quát, chặt cánh nó cho ta. Đám vệ binh tuốt đoản kiếm và thật khéo léo, như thể tỉa cành cây, họ tiện nhẵn đôi cánh của Ovide. Đôi cánh này rơi xuống đất như một đám lông mềm và Ovide hiểu rằng đời ông đã chấm dứt vào lúc này. Được một sức mạnh mà ông cảm thấy như định mệnh của mình thúc đẩy, ông quay lui rồi, đung đưa trên những cẳng chân khủng khiếp của mình, ông trở lại thềm cung điện. Bên dưới ông, một đám đông đã trở thành hung tợn, đang kêu gào xác ông, một đám đông ham hố đang chờ ông với những đôi tay đầy cuồng nộ.

Lúc đó, Ovide, nhảy nhót thật vụng về, bước xuống những bậc thềm của cung điện.

 

(trích Mộng của mộng)

 

-------------------------

* Publius Ovidius Naso. Ông sinh ở Sulmone vào năm 42 trước công nguyên. Ông lớn lên ở La-mã, nơi ông học khoa tu từ (hùng biện) và nơi ông đã giữ nhiều chức vụ công cộng. Ông là một nhà thơ lớn, thấm nhiễm một nền văn hóa Hy-lạp tuyệt mỹ, và trong Những sự biến hình, ông đã ngợi ca tột đỉnh quang vinh của Auguste khi miêu tả sự biến hóa của vị hoàng đế này thành một thiên thể. Nhưng sự nghiệp của ông, có lẽ là do một một vụ tai tiếng trong triều mà dường như ông có liên can, đã bị gián đoạn do một chỉ dụ đày ông tới Tomes, bên bờ Hắc hải. Và Ovide đã mất ở Tomes, trong cô quạnh, vào năm 18 sau công nguyên, mặc dù đã có những thư thỉnh nguyện gửi tới Auguste rồi người kế vị là Tibère. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

 

 

 

Ghi chú của dịch giả:

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021