thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TOILET [7. Màu xanh trong vòng nước đục]

 

 

Phần tóc bên phải của nàng đột nhiên rơi xuống. Phần tóc nàng nghĩ rằng mình đã vén kĩ lưỡng sau vành tai phải rốt cuộc vẫn không chịu nằm yên dù chỉ vài phút ít ỏi với điểm tựa hình vòng cung nàng đã chọn cho nó. Bằng phương thức nào đó, đám tóc này bung ra ngay thời khắc ấy. Có lẽ, vành tai nàng không đủ rộng để hứng lấy hết những sợi tóc đó. Nàng chải tóc theo ngôi 7:3 nghiêng về bên phải. Vì vậy, phần tóc bên phải cũng nhiều hơn bên trái. Có lẽ, đây cũng là nguyên nhân cho sự cố đáng tiếc này. Nếu như nàng chải đều tóc hai bên, khi ấy lượng tóc được cân bằng, khả năng phần tóc của nàng bị bung ra ở một bên nào đó lúc cúi đầu xuống sẽ thấp hơn. Nàng đã cúi đầu để ói vào bồn cầu. Giờ đây, nàng nhìn lớp dịch đang nổi lềnh bềnh trong xoáy nước rồi nhìn sang phần lớp dịch dính trên mớ tóc rũ xuống bên phải rồi lại nhìn xuống lớp dịch nổi lềnh bềnh tựa như để tìm một điểm chung nào đó giữa hai thứ vật thể vốn xuất phát từ cùng một nơi nhưng điểm đến lại khác nhau. Chúng đều có màu xanh, nàng nhanh chóng kết luận. Đó là màu xanh của rau mồng tơi nàng đã ăn vào buổi tối nay. Nàng không còn xa lạ với việc này nữa. Dù nàng cố gắng thế nào, thứ màu xanh ấy vẫn khó có thể tiêu hoá trong cơ thể nàng một cách trọn vẹn. Vậy nên, bây giờ nó nằm trong vòng nước đục chờ đợi nàng bấm nút dội cầu để xuống bể tự hoại thay vì ở yên trong dạ dày và ruột non chờ tiến hành quá trình tiêu hoá.

 

Nước từ bể chứa chảy xuống bồn như một dòng thác nhỏ. Và rồi chất dịch màu xanh ấy cũng biến mất khi dòng thác nhỏ biến mất. Khi nhìn vòng tròn nước mới đang sóng sánh trong bồn cầu, nàng nghĩ liệu có khi nào mớ rau mồng tơi ấy trồi ngược lên đây một lần nữa không? Nàng lại nhớ đến những cọng rau dập dềnh trong bồn cầu có mực nước lên gần ngay thành cầu ở 348 -- quán ăn thân thuộc của nàng. Quán 348 nằm ở đường Minh Thuỷ thực ra lại có số địa chỉ là 269. Nàng đã không phát hiện ra điều này trong những lần đầu tiên đến đó, đơn giản vì nàng luôn cho rằng những quán ăn bình dân khi mang tên một con số thì con số ấy thường cũng chính là số nhà của quán. Vậy nên, quán 348 chắc chắn là một ngôi nhà được đánh số thứ tự 348 trên phía đường thuộc dãy số chẵn. Cho đến một lần, khi nàng phải tìm kiếm quán cà-phê Home ở số 503 trên đường Minh Thuỷ, lúc đi ngang qua 348, nàng mới phát hiện quán nằm bên phía đường của dãy số lẻ. Ở phía dưới con số 348 được viết thật to trên tấm biển hiệu là con số 269 được viết nhỏ nằm trước cụm chữ “đường Minh Thuỷ”. Một chút cảm giác chới với tựa như khi bước hụt một nấc thang đến trong nàng. Trước đây, nàng đến 348 theo trí nhớ của thói quen mà không cần bận tâm về phương hướng, nàng cũng chưa bao giờ ngước nhìn tấm biển hiệu thật kĩ lưỡng để đọc dòng địa chỉ nhỏ bên dưới. Vậy nên, trong tâm trí nàng, 348 mặc nhiên cũng là số nhà của quán; và vì 348 ở đó nên dãy đường này cũng là dãy đường của những ngôi nhà số chẵn. Nhưng rốt cuộc, phía đường nàng đã luôn nghĩ rằng nó thuộc về những ngôi nhà mang số chẵn thực ra lại thuộc về những ngôi nhà mang số lẻ; quán ăn nàng nghĩ có địa chỉ là số chẵn thực ra lại có địa chỉ là số lẻ. Đương nhiên, chẳng qui luật nào bắt buộc rằng tên quán có số phải trùng với chính số địa chỉ của quán; chỉ là, thông thường người ta vẫn hay làm như thế. Nàng nghĩ đặt tên quán có số nhưng lại là số khác với số nhà là một bất lợi vì việc này dễ khiến khách hàng nhầm lẫn. Giả sử, một nhóm bạn hẹn nhau đến quán 348 để tổ chức buổi tiệc mừng một người bạn sắp đi xa khỏi thành phố này; trong nhóm bạn ấy, tất cả mọi người đều đã biết vị trí chính xác của 348, chỉ có một người chưa đến quán lần nào.Vì quá thân thuộc với 348, những người bạn đã quên mất việc 348 có một con số khác đi kèm với nó; vậy nên, khi thông báo cho người chưa biết 348, họ chỉ nói đơn giản như thế này: “Mình đến quán 348 ở đường Minh Thuỷ ăn nhé.” Khi ấy, người chưa biết 348 sẽ hiểu nhầm rằng 348 ở số 348. Thế nhưng, tình huống này không đến nỗi làm người ấy phải quá vất vả khi tìm kiếm. Vẫn cùng trên một con đường, chỉ là có sự hiều nhầm về phía dãy nhà số chẵn và lẻ; người đó, ắt hẳn sẽ tìm ra được 348 sau khi vòng đi vòng lại trên con đường ấy nhiều lần.

 

Từ đầu đường đến cuối đường.

Rồi từ cuối đường về đầu đường.

Lại từ đầu đường đến cuối đường.

Chuyển động xoay vòng để tìm 348 của người trong ví dụ ấy khiến nàng liên tưởng đến đường đi của một con lắc. Nếu như có ai đó băn khoăn về tính chất của sự lặp lại; sự lặp lại chỉ là sự dậm chân tại chỗ hay sự lặp lại có thể sản sinh ra sự thay đổi thì có lẽ khi nhìn vào chuyển động của con lắc trong đồng hồ quả lắc, người ấy sẽ phần nào tìm được câu trả lời. Có thể câu trả lời ấy sẽ là: con lắc lặp lại chuyển động của nó để tạo ra sự thay đổi về mặt thời gian; mỗi lần lặp lại là một sự khác biệt nhỏ đã diễn ra trên mặt kim đồng hồ. Sự lặp lại ở trường hợp ấy phần nào cũng là nhịp bước thật khẽ tiến về phía trước. Vậy nên, sự lặp lại có thể sản sinh sự thay đổi; thậm chí, sự lặp lại và sự thay đổi không khác nhau là mấy. Cứ thế, cứ thế. Lặp lại. Thay đổi. Thay đổi. Lặp lại. Cho đến một lúc nào đó, tất cả đều phẳng lặng, như nước trong bồn cầu lúc này không còn sóng sánh nữa, nó đã tìm lại được sự cân bằng ban đầu. Nhưng mặt nước dập dềnh với những rau xanh tràn lên gần tận thành bồn cầu ở 348 có lúc nào thật sự không dao động không nhỉ? Nàng biết chắc chắn sẽ có một lúc nào đó, có thể là những đêm khuya khi khách không còn trong quán, khi chủ quán và nhân viên đều đã ngủ say, mặt nước ấy sẽ trở lại trạng thái cân bằng. Dù vậy, cảnh tượng những cọng rau xanh nổi lên trong vòng nước đục ngả nghiêng ấy vẫn hiện rõ trong tâm trí nàng khiến nàng không xua được cảm giác rằng vòng nước ấy sẽ cứ mãi dao động như thế. Khi đó, nàng đã bấm nút dội nhưng nước chỉ chảy xuống một ít như mưa đọng lại trên lá cây bị gió thổi nên rơi xuống vài giọt cuối cùng sau khi đã tạnh từ trước đó rất lâu. Lượng nước ấy không đủ để tạo ra một lốc xoáy có thể cuốn đám rau về phía bên dưới. Đến tận bây giờ, khi nghĩ về lần đó, nàng không hiểu tại sao lúc ấy mình lại có can đảm tiểu trong bồn cầu đó. Nàng đã không ngồi tựa hẳn trong bồn cầu mà chỉ ngồi hờ, giữ một khoảng cách nhỏ giữa mông và bồn cầu. Và nàng nghe tiếng nước tiểu của mình đập vào mặt nước đục ấy, dường như còn có vài giọt đã bắn ngược lại lên mông nàng ươn ướt. Nàng đứng dậy, không quay đầu nhìn mà chỉ rướn tay về phía sau, lần tìm nút dội và bấm nước xả. Vẫn là tiếng nước chảy hết sức nhẹ nhàng như lần trước. Khi ra khỏi toilet và quay người lại để đóng cửa, nàng vẫn thoáng thấy những mảng màu xanh trong vòng nước đục.

 

Kí ức tồi tệ ấy lẽ ra hoàn toàn có khả năng khiến nàng không trở lại 348 lần nào nữa.

Nhưng rồi nàng đã trở lại 348 không chỉ một lần mà rất nhiều lần bởi nàng thật sự thích mùi vị các món ăn ở đó. Và những lần ấy, nàng vẫn vào toilet kể cả khi nàng không có nhu cầu. Tuy nhiên, dù có nhu cầu hay không, nàng cũng không sử dụng bồn cầu đó như một vật thể để xả những thứ cần phải xả nữa. Nàng xem bồn cầu đó như một đối tượng để quan sát kiểm chứng. Nàng muốn biết những cọng rau xanh còn ở đó hay không? Rau xanh ở đây vẫn còn có thể thấy rõ được hình dáng: có khi là rau muống, có khi là rau dền, rau răm, rau bó xôi... Đây chắc hẳn là những phần rau thừa trong món ăn của thực khách mà nhân viên quán đã đổ đi. Nàng đoán bể tự hoại ở đây đã bị nghẹt vì không phân huỷ kịp đám rau kẹt trong ngăn chứa. Nhưng tại sao nhân viên không đổ rau vào thùng rác? Chẳng lẽ chủ quán không qui định rõ điều này? Nàng giả định mãi nhiều trường hợp mà vẫn không thể hiểu được. Lẽ ra, nàng có thể trực tiếp hỏi chủ quán hay nhân viên việc này nhưng nàng không muốn sự tò mò lại bị hiểu nhầm thành sự phàn nàn. Ban đầu, quả thật nàng đã khó chịu với bồn cầu ấy; nhưng sự khó chịu đó bây giờ đã trở thành cảm giác lạ lẫm trước một cảnh tượng nàng không thể lí giải được. Và trên tất cả, nàng chọn sự im lặng với những giả định vì nàng không thích trò chuyện cùng người lạ những thắc mắc của nàng về hiện tượng màu xanh trong vòng nước đục.

 

Dòng nước mát lạnh chảy trên mái tóc nàng đang chạm vào phần dịch nôn và nhẹ nhàng kéo trôi nó ra khỏi tóc nàng, hướng về phía lỗ thoát nước. Nàng nhớ lại hôm nay nàng đã cố gắng ép bản thân ăn hết rau mồng tơi trong phần canh tự nấu như thế nào. Bản thân nàng vốn không thích ăn rau và cũng không giỏi ăn rau. Vậy mà hôm nay, chẳng vì lí do gì đặc biệt, nàng lại có cảm giác muốn thanh lọc cơ thể. Và rồi khi thử tưởng tượng hình ảnh cụ thể quá trình ấy diễn ra như thế nào, dòng suy nghĩ hôm nay mình phải ăn một loại rau nào đó đến trong nàng rất tự nhiên. Có rất nhiều loại rau để lựa chọn, nàng cũng không hiểu vì sao hôm nay mình lại chọn rau mồng tơi. Phải chăng hôm nay nàng ăn rau mồng tơi vì trong trí nhớ của nàng, những màu xanh trong vòng nước đục ấy chưa bao giờ là màu xanh thuộc về loại rau này. Nhưng dù sao, rốt cuộc, nó cũng đã thoát ra khỏi cơ thể nàng một cách nhanh chóng mà có lẽ vẫn chưa kịp thực thi quá trình thanh lọc nàng mong đợi. Bây giờ, khi đang tắm và nhìn về phía bồn cầu nhà mình, nàng lại nghĩ đến bồn cầu ở 348.

 

Giả sử người chưa từng đến 348 lần nào cuối cùng cũng tìm được 348, người đó đến trễ hơn tất cả những người bạn trong buổi tiệc ấy, sau khi nhấm nháp vài món ăn, nước uống, người đó vào toilet trong 348 rồi nhìn thấy màu xanh trong vòng nước đục, và rồi sẽ như thế nào nữa nhỉ? Người đó có miễn cưỡng sử dụng bồn cầu ấy như nàng không hay sẽ cố gắng chịu đựng cơn buồn tiểu của mình?

Giả sử người đã từng băn khoăn về tính chất của sự lặp lại đến 348 rồi vào toilet ấy, thấy màu xanh trong vòng nước đục ấy, người đó có miễn cưỡng sử dụng bồn cầu ấy như nàng không, hay sẽ cố gắng chịu đựng cơn buồn tiểu của mình?

Giả sử người chưa từng đến 348 lần nào gặp người băn khoăn về tính chất của sự lặp lại, họ sẽ nói với nhau những gì? Họ có trao đổi về thứ mình thấy trong vòng nước đục ấy không?

 

“Tôi đã từng đón một chuyến tàu để đi đến nơi có rất nhiều bồn cầu có màu xanh trong vòng nước đục. Ngoài ra, còn có màu trắng của giấy, màu đen của tóc, màu của rất nhiều vật bị úng nước khác nữa,” người băn khoăn về tính chất của sự lặp lại nói.

“Tôi cũng đã từng đón một chuyến tàu nhưng nơi tôi đến thì không có màu xanh nào trong vòng nước đục cả. Ngược lại, chính vòng nước ấy không đục mà còn mang màu xanh dương như nước biển,” người chưa từng đến 348 lần nào trước đây nói.

“Mỗi lần sử dụng bồn cầu xong, khi nhìn vòng nước ấy, tôi nghĩ con người thật nhơ nhuốc,” người băn khoăn về tính chất của sự lặp lại nói.

“Mỗi lần sử dụng bồn cầu xong, khi nhìn vòng nước ấy, tôi nghĩ con người thật thông minh, sáng tạo,” người chưa từng đến 348 lần nào trước đây nói.

“Nhưng rồi lâu dần, tôi lại nghĩ, chính bản thân mình cũng nhơ nhuốc,” người băn khoăn về tính chất của sự lặp lại nói.

“Nhưng rồi lâu dần, tôi lại nghĩ, lớp nước ấy chỉ là một thứ che đậy giả dối và bản thân tôi cũng vậy,” người chưa từng đến 348 lần nào trước đây nói.

“Sau đó, tôi lại đón chuyến tàu đến nơi không có màu xanh nào trong vòng nước đục cả. Ngược lại, chính vòng nước ấy không đục mà còn mang màu xanh dương như nước biển,” người băn khoăn về tính chất của sự lặp lại nói.

“Sau đó, tôi lại đón chuyến tàu đến nơi có rất nhiều bồn cầu có màu xanh trong vòng nước đục. Ngoài ra, còn có màu trắng của giấy, màu đen của tóc, màu của rất nhiều vật bị úng nước khác nữa,” người chưa từng đến 348 lần nào trước đây nói.

“Mỗi lần sử dụng bồn cầu xong, khi nhìn vòng nước ấy, tôi nghĩ con người thật thông minh, sáng tạo,” người băn khoăn về tính chất của sự lặp lại nói.

“Mỗi lần sử dụng bồn cầu xong, khi nhìn vòng nước ấy, tôi nghĩ con người thật nhơ nhuốc,” người chưa từng đến 348 lần nào trước đây nói.

“Nhưng rồi lâu dần, tôi lại nghĩ, lớp nước ấy chỉ là một thứ che đậy giả dối và bản thân tôi cũng vậy,” người băn khoăn về tính chất của sự lặp lại nói.

“Nhưng rồi lâu dần, tôi lại nghĩ, chính bản thân mình cũng nhơ nhuốc,” người chưa từng đến 348 lần nào trước đây nói.

“Chúng ta cùng có những trải nghiệm giống nhau. Lẽ ra, chúng ta phải hiểu nhau chứ?” cả hai cùng nói.

“Nhưng chúng ta không hiểu nhau vì sau đó tôi lại đón một chuyến tàu để đi đến nơi có rất nhiều bồn cầu có màu xanh trong vòng nước đục. Ngoài ra, còn có màu trắng của giấy, màu đen của tóc, màu của rất nhiều vật bị úng nước khác nữa,” người băn khoăn về tính chất của sự lặp lại nói.

“Chúng ta không hiểu nhau cũng vì sau đó tôi lại đón một chuyến tàu nhưng nơi tôi đến thì không có màu xanh nào trong vòng nước đục cả. Ngược lại, chính vòng nước ấy không đục mà còn mang màu xanh dương như nước biển,” người chưa từng đến 348 lần nào trước đây nói.

“Mỗi lần sử dụng bồn cầu xong, khi nhìn vòng nước ấy, tôi nghĩ con người thật nhơ nhuốc,” người băn khoăn về tính chất của sự lặp lại nói.

“Mỗi lần sử dụng bồn cầu xong, khi nhìn vòng nước ấy, tôi nghĩ con người thật thông minh, sáng tạo,” người chưa từng đến 348 lần nào trước đây nói.

“Nhưng rồi lâu dần, tôi lại nghĩ, chính bản thân mình cũng nhơ nhuốc,” người băn khoăn về tính chất của sự lặp lại nói.

“Nhưng rồi lâu dần, tôi lại nghĩ, lớp nước ấy chỉ là một thứ che đậy giả dối và bản thân tôi cũng vậy,” người chưa từng đến 348 lần nào trước đây nói.

“Sau đó, tôi lại đón chuyến tàu đến nơi không có màu xanh nào trong vòng nước đục cả. Ngược lại, chính vòng nước ấy không đục mà còn mang màu xanh dương như nước biển,” người băn khoăn về tính chất của sự lặp lại nói.

“Sau đó, tôi lại đón chuyến tàu đến nơi có rất nhiều bồn cầu có màu xanh trong vòng nước đục. Ngoài ra, còn có màu trắng của giấy, màu đen của tóc, màu của rất nhiều vật bị úng nước khác nữa,” người chưa từng đến 348 lần nào trước đây nói.

...

Cuộc trò chuyện cứ thế tiếp diễn mãi, chẳng bao giờ dừng lại.

Dù sao, họ cũng sẽ không bao giờ thực sự ở cùng một nơi.

Dù sao, họ cũng sẽ không bao giờ thực sự hiểu cho nhau.

Giống như hai dãy nhà trên cùng một con đường: một người ở dãy chẵn, một người ở dãy lẻ.

 

Nàng đã tắm xong. Nàng rẽ mái tóc của mình về hai phía phải, trái. Khuôn mặt nàng dần hiện ra trong gương. Và nàng nhìn thấy những dãy nhà cũng rẽ về hai phía phải, trái như được ai đó dùng lược để chải. Một con đường thẳng thớm sau khi chải nhà hiện ra trước mắt nàng. Nàng đi trên con đường đó. Nàng nhìn phía bên đường của dãy số chẵn. Nàng cần tìm quán cà-phê Company ở dãy số chẵn. Nhưng khi nàng chưa tìm được quán cà-phê, nàng lại nhìn thấy 348. Sao 348 lại có thể nằm bên dãy số chẵn? Lẽ ra, 348 phải nằm bên dãy số lẻ... Bình tâm lại, nàng nhìn thấy 269 mới là số viết to hơn và 348 là số viết nhỏ hơn, nằm trước cụm chữ “đường Minh Thuỷ”. Vậy quán này thực chất tên là 269 còn 348 là số địa chỉ sao? Nhưng đây có phải thực sự là quán 348 nàng vẫn thường đến không hay nó chỉ là một quán được thiết kế rất giống 348 và có số địa chỉ là 348?

 

Nàng bước vào 348 hay 269 một lần nữa để kiểm định giả thuyết của mình. Và rồi nàng nhìn thấy ở góc bên trái trong cùng nơi tầng trệt của quán có một bàn tiệc gồm khoảng mười người bạn đang ngồi với nhau. Dường như, họ đang chờ đợi một ai đó. Trong lúc nàng còn ngơ ngác nhìn quanh quán tìm chỗ trống, một người thuộc nhóm bạn ấy đã thấy nàng, người đó vẫy tay ra hiệu cho nàng đi về phía họ. Những người còn lại trong bàn cũng quay lại nhìn nàng. Tất cả bọn họ đều cười khi thấy nàng như thể nàng là một người rất thân thuộc với họ, nàng là một người họ vẫn luôn chờ đợi. Dù hoang mang, nàng vẫn bước về phía họ. Một người trong nhóm chỉ cho nàng vị trí của chiếc ghế còn trống mà họ để dành cho nàng. Nàng ngồi vào đó và dường như mọi thứ ăn khớp với nhau hoàn hảo: chiếc bàn đủ không gian để đặt những phần ăn của mỗi người, những chiếc ghế cách nhau một khoảng vừa đủ sao cho tay người này sẽ không đụng vào tay người kia khi ăn, mỗi người đều có được vùng không gian vừa thân mật vừa đủ lịch sự với những người xung quanh. Và như thế, nàng dường như đã trở thành một phần trong bọn họ, thuộc về bọn họ.

 

“Cậu chưa từng đến đây lần nào nên bị lạc phải không?” một người hỏi.

“Dù sao, cậu cũng đã đến đây rồi. Hôm nay là tiệc mừng cậu sắp rời khỏi thành phố này. Cậu rời khỏi đây, bọn tớ vui lắm,” một người khác nói.

“Nhưng tại sao các cậu lại vui? Tớ đi khỏi đây, lẽ ra các cậu phải buồn chứ? Từ giờ, có thể mình sẽ không còn gặp nhau nữa mà?” nàng hỏi, dù có thể nàng không phải là người bạn trong nhóm của họ.

“Thì bọn tớ vui vì cậu sắp đi đến nơi không có màu xanh nào trong vòng nước đục cả. Ngược lại, chính vòng nước ấy không đục mà còn mang màu xanh dương như nước biển. Một nơi mà mỗi lần sử dụng bồn cầu xong, khi nhìn vòng nước ấy, cậu có thể nghĩ con người thật thông minh, sáng tạo. Còn ở đây, một nơi có rất nhiều bồn cầu có màu xanh trong vòng nước đục. Ngoài ra, còn có màu trắng của giấy, màu đen của tóc, màu của rất nhiều vật bị úng nước khác nữa thì có gì vui? Một nơi mà mỗi lần sử dụng bồn cầu xong, khi nhìn vòng nước ấy, cậu nghĩ con người thật nhơ nhuốc thì có gì vui nào?” một người khác nữa nói.

“Nhưng đó chỉ là một chuyện rất nhỏ trong cuộc sống của chúng ta, chỉ khi nào có nhu cầu, chúng ta mới phải đối mặt với nó. Tại sao các cậu không nghĩ đơn giản rằng nó là một thứ nằm ngoài mình, dù có tác động đến mình như thế nào, nó cũng sẽ chẳng bao giờ thay đổi được điều cốt lõi nhất trong mình?”

“Nhưng chuyện này sẽ cứ lặp đi lặp lại mãi, sẽ không bao giờ có sự thay đổi nào. Và chính sự lặp đi lặp lại mãi này, một lúc nào đó cũng sẽ thay đổi điều quan trọng nhất mà cậu luôn muốn giữ gìn,” một người trước đó chỉ im lặng cất tiếng.

 

Điều quan trọng nhất mà nàng luôn muốn giữ gìn là điều gì? Sự lặp lại mà người bạn này nói tự thân nó sẽ không thay đổi nhưng chính sự không thay đổi của nó sẽ làm thay đổi đến đối tượng mà nó tác động sao? “Vậy sự lặp lại, rốt cuộc có tính chất gì?” nàng tự hỏi chính mình điều đó. Nàng nhìn lên đồng hồ quả lắc trong quán để xem bây giờ là mấy giờ, nàng muốn biết mình đã ngồi đây và trò chuyện với bọn họ bao lâu rồi. Nhưng ngay khi nhìn chuyển động của con lắc trong đồng hồ, nàng quên mất mục đích chính của mình là để xem giờ, nàng lại nghĩ về sự lặp lại mà người bạn ấy vừa đề cập, có phải sự lặp lại đó phần nào đó giống với con lắc này? Nàng nhìn xuống bàn và nhìn vào tờ thực đơn.

 

“Cho tôi một tô canh rau mồng tơi,” nàng gọi.

 

Hôm nay, nàng đột nhiên có cảm giác muốn thanh lọc cơ thể.

Và nàng nghĩ, rau mồng tơi có thể làm được nhiệm vụ này.

Quả thật, rau mồng tơi rất ngon. Nhưng nàng đã không biết được rằng chỉ sau khi ăn ít lâu, nàng cảm thấy buồn nôn.

 

7.2.2015, 9:11 PM

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021