thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đội ứng cứu thần tượng

 

Trong buổi hoàng hôn chập choạng, các thần tượng bắt đầu gà gật ngủ. Bầy chim bay qua, con gió bạt qua, mây trôi qua, vạn vật đi qua không hề để ý nên không thấy được điều này. Tất cả vẫn lầm tưởng rằng những thần tượng ấy muôn đời vững chãi và mãi mãi hiện hình trong đức tin của đám đông cuồng tín. Sự bất lực nhỏ nhoi của kiếp người khiến tôi và bạn luôn luôn khiếp sợ trước thế lực siêu nhiên và ngay lập tức nỗi khiếp sợ ấy bị đồng loại thân thương lợi dụng.

Các thần tượng nhiều khi có giá trị như một loại thuốc an thần được một số con buôn kinh doanh chiếm độc quyền. Và để phát huy tối đa công hiệu của mặt hàng, họ không ngừng tìm cách quảng cáo rầm rộ và đánh bóng hết sức kỳ công. Khi phát hiện ra các thần tượng ngủ gà ngủ gật, ngay lập tức họ — các nhà buôn chuyên nghiệp — liền tìm cách khắc phục. Họ điều ngay một đội thợ lành nghề đến và, bằng những thủ thuật tinh vi, họ giúp cho các thần tượng trở lại trang nghiêm và rạng rỡ như chưa hề có cuộc ngả nghiêng. Đội quân thiện chiến ấy có tên là “Đội ứng cứu thần tượng”.

Bằng một sự tình cờ sắp đặt của số phận, tôi có mặt trong đội thợ ấy...

Họ nuôi chúng tôi bằng số tiền công ít ỏi, nhưng công việc thì khá nặng nề. Bạn biết rồi đấy, để khắc phục được một thần tượng hoặc một pho tượng ngả nghiêng đâu phải dễ. Chúng tôi hì hục làm, tuôn nước mắt lẫn mồ hôi, đứa đào, đứa chống, đứa néo dây, y như một bọn thợ nề lỉnh kỉnh.

Hôm qua, có một tượng đài say rượu ngả nghiêng ngay giữa trưa. Lệnh điều động đến, lập tức chúng tôi lại lên đường. Đã gia nhập “Đội ứng cứu thần tượng”, chúng tôi phải phục tùng, không được có ý kiến, không được cãi cọ. Và để sống được với mức lương vừa vặn khỏi chết đói, chúng tôi tìm cách động viên nhau. “Này, làm nghề này thì nghèo nhưng, bù lại, để phúc đức cho con cháu!” “Chúng mình chịu khó khăn vất vả thế này, kiểu gì các thần tượng cũng phù hộ mình trước tiên”...

Chúng tôi hăm hở lên đường, hi vọng sự cứu rỗi linh hồn sẽ ứng nghiệm, mặc cho bụng dạ lép kẹp vì đói khát.

Mặc dù chúng tôi đã rất cố gắng, rất quyết tâm, thỉnh thoảng vẫn có đồng nghiệp vì đói quá mà bủn rủn chân tay rồi gục ngã dưới chân thần tượng. Chúng tôi nhìn đồng nghiệp chết, rồi nhìn nhau, rồi nhìn chính mình, mắt ai nấy rướm lệ. Không lẽ nào thần tượng chỉ ứng nghiệm tận đâu đâu?

Trưa nay, đói đến mờ con mắt, thế mà chúng tôi vẫn phải lên đường cứu hộ. Tượng đài này lại đứng trên đồi cao, nghiêng nghiêng sắp đổ. Chúng tôi vừa làm vừa thở dài vì đói. Tôi nhìn trước nhìn sau rồi đánh liều ngoạm một miếng vào chân tượng đài và nhai ngấu nghiến. Nghe tiếng nói của đồng nghiệp ngay bên tai: “Ngon không?”, tôi giật thót mình, rồi gật đầu, nước mắt chảy ròng ròng vì một nỗi niềm gì đó khác thường khó hiểu...

Bây giờ thì chúng tôi đã vui hơn rồi, bởi vì không còn bị những cơn đói hành hạ. Mỗi khi quá đói, chúng tôi lại ngoạm một miếng. Những người chưa ăn thần tượng không biết rằng thần tượng ăn rất ngon; những người chưa ăn tượng đài không biết rằng tượng đài rất ngon, thơm, béo, bùi nữa. Anh em chúng tôi mập mạp hơn hẳn, da dẻ hồng hào. Trong cơn cao hứng, tôi đứng dạng chân ra giữa trời, hét toáng: “Thần tượng vạn tuế!”

Chúng tôi ăn rất khéo, chọn những chỗ ngon ngọt nhất để ngoạm, ngoạm xong thì ngay lập tức ngụy trang dấu vết. Chúng tôi vẫn thường nhắc nhau: “Phải khéo léo, đừng ngoạm sâu vào một chỗ cùng lúc, nó sẽ đổ, lúc đó thì công toi, hoặc bị tượng đè chết không kịp ngáp!” Đã cẩn thận đến thế mà rồi cũng có khi gặp sự cố. Có tượng đài nặng ngàn tấn cao mấy chục mét đã đổ ập giữa trưa, nguyên do cũng tại anh em chúng tôi ngoạm vào phần đế chân quá sâu. May mắn lúc đó trời vừa nổi gió xoáy và chúng tôi thoát tội. Đổ hết tội cho gió, đó là mánh khoé của chúng tôi.

Càng về chiều, gió càng lớn, dĩ nhiên công việc của tôi và các đồng nghiệp càng vất vả. Mà kể cũng lạ, các thần tượng dù được chăm sóc tỉ mỉ và sơn phết đâu ra đấy vẫn không bỏ được cái tật ngủ gật. Họ nghiêng bên nọ, ngả bên kia, đến khổ. “Đội ứng cứu thần tượng” ngày một đông lên, công việc vẫn không xuể, được cái nọ thì mất cái kia, được cái này thì mất cái khác. Thần tượng đông đúc và ngả nghiêng đến nỗi chiếm hầu hết các lối đi và các ngọn đồi. Tôi nảy ra sáng kiến độc: đề nghị cho in hàng loạt biển cảnh báo và dựng ở mọi lối đi, mọi ngả đường: “Chú ý giảm tốc độ, trước mặt có thần tượng!” “Bên phải 30 mét, có thần tượng đang ngủ, cẩn thận!”...

Giờ thì bạn đã hình dung ra rồi chứ? Trên mọi nẻo đường, trên mọi vùng quê, các thần tượng với đủ kiểu, đủ loại, đủ tư thế, đủ chất liệu, được dựng lên. Tiếp đó là các tấm biển cảnh báo hoặc hướng dẫn cũng được dựng lên với số lượng tương ứng. Trong bóng chiều nhập nhoạng, gió hiu hiu, chúng tôi hành quân len lỏi dưới chân các thần tượng với đầy đủ các dụng cụ cần thiết để ra tay ứng cứu. Tôi và các bạn miệt mài chèn, buộc, kê, kéo, đắp, và tất nhiên, lâu lâu tôi lại ngoạm một miếng thật to và nhồm nhoàm nhai nuốt, vừa nuốt vừa nhìn nhau cười ra nước mắt.

Các thần tượng vẫn yên tâm ngủ gà ngủ gật trong gió mát chiều tà.

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021