thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nơi đó, như thế

 

Buổi sáng đưa con đi học về, làm biếng lên nhà lấy điện thoại, tôi chạy luôn tới chỗ hẹn với một người bạn. Bình thường giờ này không ai dại gì ló mặt ra đường vì con lộ từ Nhà Bè lên quận Tư bao giờ cũng chật ních xe cộ vào giờ cao điểm. Mà thôi, đâm lao phải theo lao, sự đời vẫn vậy.

Bị cuốn vào dòng người từ Nguyễn Văn Linh tới cầu Tân Thuận, tôi ngó ngó nghiêng nghiêng coi có lối nào thoát ra nhưng bất lực, đành bó tay dấn ga chầm chậm. Với tốc độ thấp nhất có thể, chiếc kim đồng hồ không nhúc nhích một ly. Dù đã đeo kiếng cận, hai mắt tôi cũng chỉ chăm chăm tới được khoảng cách một mét trước mặt và năm sáu mươi centimet hai bên để tránh trường hợp đụng người đi trước và người kế bên. Ấy vậy mà cái kính xe của tôi cũng sượt nhẹ vào một cô gái đi bên cạnh, chính xác là vào cánh tay cô. Sự căng thẳng quá sức khiến tôi quên bẵng đi cả một lời xin lỗi. Song lời xin lỗi lúc này chắc gì đã bằng việc mình có một cử chỉ thật hào phóng chẳng hạn như dấn ga qua bên phải một chút để dành cho cô một khoảng rộng bên trái. Ở đời đôi khi thái độ phải thể hiện ra trong việc làm như vậy. Trên con đường ngắn ngủi mà dày đặc người đó, tôi gặp các chị mặc những chiếc váy trùm dài hở một đường phía sau: dù caro hay hoa thì cũng hầu như là vàng nhạt. Những chiếc váy che nắng đôi chân. Song vì rằng một khi ngồi hẳn lên chiếc xe máy, cái khoảng trống phía sau lại vô tình hở ra tố cáo những chiếc váy trong quá ngắn hoặc những tư thế quá tình cờ. Tôi đếm được sáu, bảy chiếc váy màu vàng nhạt như vậy xung quanh, trên những chiếc xe cũng đang rồ ga với tốc độ mà kim đồng hồ không nhúc nhích một ly. Đầu óc tôi nhẩm tính, rồi tôi lại đưa mắt ra một vòng cung rộng hơn: leo lên vỉa hè và dấn vào làn đường dành cho xe hơi là những người đàn ông khoẻ mạnh và đội mũ bảo hiểm. Có một người không đội mũ bảo hiểm cho đứa trẻ ngồi phía trước. Nó mặc quần dệt kim đông xuân ở ngoài và một chiếc quần sọc xanh trắng phía trong. "Đội mũ cho con / Trọn tình cha mẹ" – câu slogan khuyến khích đội mũ bảo hiểm cho trẻ chạy vụt qua óc, song tôi không thể nhớ hình ảnh trên chiếc áp phích là gì, hay vẫn là những đứa trẻ được vẽ theo lối vẽ cổ động mà ba màu cơ bản là xanh lá, đỏ cờ và vàng sao? Nhưng thật ra thì tôi đã thoáng nghĩ đến sự cân bằng giới tính trên một tầm nhìn khá hẹp phía trước mặt. Những người phụ nữ đi dưới lòng đường và đàn ông mạnh mẽ hơn leo lên vỉa hè và dấn vào làn đường dành cho xe hơi. Như vậy là nam với nữ giờ này ra đường đều lên sở làm, số lượng tương đương nhau. Và ta có thể làm một phép tính đếm: đàn ông tám giờ làm việc ở sở, đàn bà tám giờ làm việc ở sở cộng thêm bốn giờ việc nhà. Bài giảng về giới tính hiển hiện trước mặt. Tôi là giảng viên, dậy lúc bốn giờ ba mươi phút sáng, vượt hai lăm ki lô mét từ quận bảy qua quận mười hai, dạy một lớp đại học năm hai chuyên về ngoại ngữ, một lớp toàn con gái với những khuôn mặt xinh xắn, thường là chăm chỉ và có định hướng hơn các sinh viên ngành tin học mới lớ ngớ về những khái niệm đầu tiên về bất bình đẳng giới. Hôm nay hai mươi tháng mười. Hai mươi tuổi cũng là cậu bé mà tôi tiến hành một cuộc phỏng vấn đầu tiên cho đề tài về nữ lao động công sở. Cậu bé hồn nhiên nói em thấy đàn ông đàn bà như nhau. Hỏi: sau này nếu làm việc thì chọn sếp là nam hay nữ? Nữ chứ ạ, em hồn nhiên tặng thêm một cái nhún vai khiến tôi nghĩ ồ cũng có thời mình đã là sếp nữ. Tôi nhớ lúc እy tôi cũng ăn vận khá chỉnh, song le từ thành thị-nhà quê ra phố thị-nhà quê khiến tôi chẳng phân biệt được đâu là đầm công sở đâu là đầm dự tiệc, hoặc có khi cả hai hoá thân vào nhau cải biên cho nhau vì mấy khi ở Hà Nội có tiệc, nhiều lắm thì cũng chỉ la cà trước nhà hát lớn mươi lăm phút trước giờ chuông reo để ngồi vào chiếc ghế nệm đỏ với chiếc vé mời từ các đại sứ quán châu Âu nằm dọc trên đường Nguyễn Thái Học và Giảng Võ. Tới đây là tới tiệm quần áo Thanh Vũ, một tiệm quần áo may gia công nhưng vẫn lấy nhãn là Made in Vietnam. tôi bèn nghĩ mình phải tấp vào kiếm một cái áo cho kỳ đi trong vài ngày tới. Nhưng tám giờ sáng không phải là giờ bán quần áo ở Sài Gòn. (Nếu bạn đi mua quần áo thì tránh giờ này. Cần phải viết lên webtretho để cho các mẹ được hay). Taka Plaza thì các tiệm bên trong cũng đang bọc kín bằng những tấm vải lớn màu xanh lá đậm và màu đỏ đậm. Saigon Square có anh bảo vệ mặc đồ xanh tua rua trước ngực, dáng dấp cũng tạm được, khoát một cử chỉ không khác gì la lối “Chưa trông xe giờ này!” Trong tiệm mấy chị bắt đầu giở giở những tấm bạt phủ ra và treo treo móc móc quần áo như trẻ con xếp đồ chơi. Chẳng có gì. Buổi sáng Sài Gòn chẳng có gì. Tẻ nhạt từ Hồ Tùng Mậu qua Nguyễn Công Trứ tới Nguyễn Trãi cả Sương Nguyệt Ánh. Chỉ có mấy cú quẹo xe đột ngột là ấn tượng, là khác thường với những ngày khác - cứ trôi đi trong dòng người tới đâu thì tới. Nhưng tới đâu?

Tôi nghĩ tôi sẽ tới tiệm rửa xe.

Ắt hẳn đó là một chuyện tẻ nhạt. Nhưng tôi có một tiệm rửa xe rất phong cách Sài Gòn và biết đâu bạn sẽ ưa. Lúc này đã được ngồi yên một chỗ, không quá thư thái nhưng dòng suy nghĩ sẽ bớt lộn xộn, tôi hầu bạn được rồi chứ. Vâng, đó là tiệm rửa xe duy nhất ở Sài Gòn nơi người ta mở nhạc. Nhạc gì? Vâng, nhạc của người Sài Gòn trước năm 1975 mà bây giờ bạn vẫn còn nghe trên những chiếc tắc xi với bác tài nói đậm giọng Nam Bộ. Đó không phải là cái tiệm rửa xe nữa, mà là một cuộc trú ẩn, một gia tài. Mỗi lần tới quán tôi bèn nhìn lên trần nhà, thực ra là nhìn lên vài thanh gỗ gác tạm dưới tấm tôn gá vào tường nhà kế bên, hợp vào vỉa hè của một đoạn đường cua ngắn, thành một cái tiệm tươm tất. Cái trần nhà treo đầy thứ lỉnh kỉnh không tên và một chiếc loa cũ. Đây là nơi duy nhất người ta lấy băng keo dán vào ổ khoá sau khi đã rút chìa đưa cho bạn, để làm gì ư, để nước không vương vào bên trong đó, nó sẽ làm han gỉ tất cả những gì bạn muốn giữ gìn cho một chuyến đi thật dài lâu, với đôi người có lẽ cả một đời. Có một người đàn ông ngồi sâu phía bên vách quán, bận một chiếc áo sơ mi xanh nước biển có vài sọc đỏ nhẹ nhàng. Người ấy đóng thùng với chiếc quần jeans bạc màu những vẫn là cái bạc màu của anh Hai, chịu chơi. Một chiếc dây chuyền bạc ở cổ. Tóc rẽ ngôi giữa, mái bằng hơi dài, thỉnh thoảng người ấy sẽ hất nhẹ ra sau để lộ khuôn mặt rám nắng. Và chắc chắn rằng dù không có biển thông báo giờ làm nhưng người ấy đã và sẽ ngồi đây qua hết mấy vụ đông hè, à không, mùa-khô – mùa-mưa. Hôm nay là một ngày mát trời. Một chú chó giống quen mà lạ, màu đen tuyền, vừa tầm, thân hình thon lẳn nhưng rắn chắc, khoác trên cổ một chiếc vòng màu xanh, loại màu xanh thường đính làm vật cản quang đối với ánh đèn khuya. Police Dog. Thật đanh thép, gọn gàng. Tôi ngồi ngắm chú, lòng nghĩ tới việc sắp tới đây thôi sẽ mục kích cảnh người chủ huấn luyện chú như thế nào. Đúng là chó cảnh sát thật, bộ lông mượt, đen nhánh, cơ bắp thon gọn, toàn thân không thừa một phân mỡ. Tôi phải tự hỏi phải chăng mình đang sống ở một xứ sở thiên đường hay sao mà chú chó hoàn toàn không bị thức ăn hay môi trường làm phương hại đến sắc khí thần thái dáng vẻ. Tôi quan sát không chừa một ly kể cả những chỗ kín đáo nhất thì đều thấy chú là một con chó cảnh sát tuyệt hảo. Hôm nay có lẽ là ngày nghỉ của chú. Chú xếnh xáng định chạy qua đường, nhưng xe cộ lao quá nhanh, bèn lùi lại. Và lúc này đây người đàn ông, hay là người nhà của chú, hay là chủ, hay là người chịu trách nhiệm trông nom trong những ngày phép của chú, người đàn ông tóc đen dù đã ngoài sáu mươi da nâu rám nắng và khuôn mặt có đôi vết sẹo cũng như đôi mắt buồn tự thuở chiến chinh nào. Người đàn ông đó lấy từ đâu ra một chiếc gậy gãi lưng bằng nhựa chừng bốn mươi phân có hình bàn tay người ở đầu cán và bắt đầu gãi lưng cho chú chó đen. Gãi lưng cho tôi là bổn phận của Ngài, chăm sóc cho tôi là bổn phận của Ngài. Chú chó được chiếc gậy gãi qua gãi lại phần xương sống rồi phần hông rồi phần bụng. Chú đực mặt ra. Gãi lưng tôi là bổn phận của Ngài. Chú dỏng tai lên. Sự sung sướng cứ đẩy đưa trong vòng m 𡻝?i lăm phút từ lưng xuống bụng lên đầu vào tai. Chú dỏng tai lên nhưng không phải nghe ngóng. Bốn chân đứng trên đất nhưng không thật vững... Cú gãi đều đều nhè nhẹ buồn buồn có chút gì tương hợp trong động tác với thần thái của người đàn ông. Và, đột nhiên, có lẽ đến cái giây phút hoài niệm dễ gặp, người đàn ông chững lại, cánh tay thôi những cú đẩy nhiệt tình trên lưng. Con chó lắc người, dấn nốt phút giây vui sướng cuối cùng rồi chạy tạt ra phố. Thêm một con màu xám cũng Police Dog, lông không được mịn bằng, dáng vẻ thấp hơn và có thể là dòng chó nội nhưng trông như đều được đối xử tốt không thua gì con đen tuyền. Hai đứa nghịch ngợm ngoạm nhau và cùng chạy theo một người đàn ông trẻ, dáng người thâm thấp và quần áo ướt nhớp nháp, tỏ vẻ vui mừng khôn xiết. Chủ của chúng đây ư? Lẽ nào anh cảnh sát cải trang thành một người thợ rửa xe bận bịu đến ướt người? Một người phụ nữ tạt qua đường, người đàn ông trẻ ướt nhẹp người chạy ra đỡ lấy một ly cà phê mang đi trong cốc nhựa. Hai chú chó cảnh sát nhảy cẫng lên. Yên! Yên cưng! Người đàn ông lấy một hộp xốp loại đựng xôi mặn buổi sáng cho học sinh bẻ ra làm đôi và trút đều cả vào hai nửa. Hai cái miệng dài tớp tớp lấy những giọt cà phê sữa cho tới những giọt cuối cùng. Tôi mạnh dạn hỏi: Đây là chó cảnh sát hả anh? Anh trả lời không ngước mắt lên: Không! Đeo dzậy!... Một thoáng im lặng. Thật rất khó đoán biết là hài lòng hay không, Có lẽ anh ước chi tôi đừng hỏi.

Người phụ rửa nãy giờ chăm sóc chiếc xe của tôi trong tiếng nhạc êm đềm tách chiếc thảm để chân, đặt lên giá cho ráo nước, lấy những chiếc khăn khô lau đều trên yên. Người đàn ông sáu mươi có đôi mắt buồn và mái tóc màu đen cầm một bình xịt, với một người kém về mỹ phẩm như tôi thì chẳng thể biết đó là gì. Một kiểu bình sắt đựng keo xịt tóc dành cho nam? Ông lắp thêm cái cần nhựa và xịt vào ổ khoá, xịt vào hai cái tay lái và dùng một chiếc khăn khô cuối cùng lau sạch trước khi giao cho khách hàng. Một mùi thơm nhẹ dễ chịu tôi chưa từng gặp. Tôi gửi đúng số tiền mà thường ngày khi rửa xe tôi vẫn trả: hai mươi lăm ngàn đồng. Người đàn ông dắt chiếc xe qua tấm ta luya. Tôi chạm tay vào chiếc xe giờ sáng lên nước sơn trong, có mùi hương thoảng nhẹ.

Hôm nay là một ngày tháng mười. Một Sài Gòn không có mùa thu và hoa sữa. Tôi dắt xe trở ra đường.

 

20.10.2015

 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021