thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Yêu theo một cách

Trên môi em ngậm một bông hồng đỏ: em có thích làm bông hồng đỏ ngoại tình? Hay là bông hồng trắng hiền thục thuỷ chung? Em chẳng là bông nào trong hai sắc hoa đó. Em lựa chọn cái chưa biết mặt. Em không thích đi vào tiểu thuyết, những sắc màu tình yêu cứ buộc người ta phải chọn một trong hai chiến tuyến. Nhưng em vẫn ngậm một bông hồng đỏ, chẳng liên quan gì đến những câu chuyện phiêu lưu ám mùi phong trần của những dấn thân em không tự nguyện. Đấy là bông hồng của em, em chẳng khiến ai đoái thương và phân loại tình cảm của em, nó là máu trong tim em.

Tôi ngồi lỳ trước TV, chỉ để xem đi xem lại một cảnh kỳ cục: gã đàn ông ăn mặc rách rưới lê lết trên vỉa hè đang cố hết sức có thể phô trương sự thảm hại của hắn, phải làm sao càng giống chó càng tốt. Hắn kêu gào thảm thiết và cầu xin mọi người hãy rủ lòng thương cho hắn bất kể thứ gì họ có thể ban phát: đồ ăn, tiền bạc, áo quần, tình yêu thương, những vấn đề của họ, con chó của họ… Rồi chợt nhận ra ánh mắt nghi ngại của mọi người trước lời cầu khẩn có phần hơi trừu tượng của mình, hắn vội vã đổi giọng: tôi là một kẻ khốn cùng chỉ khao khát có một miếng ăn, hãy cho tôi một khúc xương thừa của chó, đã nhiều ngày tôi không được ăn. Hắn khóc và tru lên. Họ ùa đến mỗi người vứt vào mũ của hắn một vài đồng xu lẻ. Hắn càng lăn lộn dữ, đến mức người ta tự hỏi một kẻ chỉ mong ước miếng ăn có cần thiết phải tỏ ra khốn khổ đến thế không? Chính vì thế, người ta lại lo ngại lảng ra. Chuyển cảnh. Vẫn bộ mặt đó, nhưng gã đàn ông ăn vận rất chỉnh tề. Anh ta là một nghệ sĩ theo chủ nghĩa dấn thân. Rất thích đưa mình vào những trạng huống cụ thể của đời sống để quan sát những phản ứng của đám đông và những xúc cảm của chính mình. Tôi chẳng xúc động gì, anh ta nói, những cái nhìn từ bên ngoài có thể thay đổi, nhưng chúng chẳng làm tôi nghĩ rằng mình là kẻ đó. Tất cả chỉ là một hành vi nghệ thuật, rất nghệ thuật mà thôi. Tôi tưởng mình là kẻ đó đôi lúc, nhưng tôi đã quan sát mình quá nhiều, tôi chẳng bị mất gì và chẳng thêm được gì. Có một lần tôi gặp một kẻ trong hoàn cảnh tương tự, thậm chí còn thê thảm hơn nhiều vì hắn mất cả hai chân, hắn ngồi trong một cái chậu và di chuyển bằng hai tay. Hắn có cả một câu chuyện thực sự khiến người ta có thể mủi lòng. Chuyện đời hắn, hắn kể đi kể lại hàng trăm lần trên những vỉa hè khác nhau và ở đâu hắn cũng nhận được những ban phát hậu hĩnh. Hôm đó, nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại, hắn bảo: chú mày ngu lắm, sao chú mày thật thà thế? Vì đó là cuộc đời của tôi mà. Hắn bảo thì đó cũng là cuộc đời của tao mà, nhưng mày phải biết cách tạo dựng lại nó như một hành vi nghệ thuật, hắn cười rinh rích, cuộc đời mày là chất liệu để mày gặm nó ra mà sống, ngu lắm, nhưng cần nhiều nghệ thuật hơn. Tôi thấy hắn còn nghệ sĩ hơn tôi trăm nghìn lần. Chính vì hắn phải dùng đến nó để có cái ăn hàng ngày.

Nhạc của Kurt thực sự có ma lực, nó kích động người ta dám nghĩ đến những việc làm phá phách, ngoài thói quen và sở trường. Tôi thích là quả bóng đó, bị nhạc thổi bay tung lên. Nhưng tôi xịt hơi nhanh quá. Chẳng phải tại Kurt, chẳng phải điều kiện, chẳng phải tại sức mình (thừa sức), chẳng phải những cấm kỵ (đó chỉ là giả định, chưa thử nên chưa biết cấm kỵ phát huy ra sao), chẳng phải thiếu sức tưởng tượng. Bỗng dưng chán đúng lúc phải thực hiện thôi. Mọi cái bỗng dưng nhẹ bỗng bởi một chữ “thôi”. Bỗng dưng phát hiện ra mình tưởng mình muốn thế “thôi”. ảo giác “thôi”. Là em tưởng thế “thôi”, cách nói thường nghe. Kurt bị ngấm độc bởi Kurt, Kurt phát hiện ra mình chết lâu rồi, nên đúng lúc phải chết thì hết cả oanh liệt. Kurt diễn nỗi đau khổ của mình, nỗi ham chết của mình, một hành vi nghệ thuật. Còn lại một mình, Kurt chẳng là quái gì, giẻ rách, nhì nhằng, thèm ăn khi đói, luyện giọng cho buổi diễn đêm mãi, Kurt đích thực là số không. Số không ham sống. Sống để mà diễn nỗi ham chết. Chết không một tiếng vang.

Nhưng nhạc còn trong máu. Đó là điều duy nhất khó lý giải. Chẳng cần lý giải. Đó là một cơ may. Sáng ngủ dậy thấy mọi sự nhẹ bỗng, nhưng lòng buồn da diết. Như mùi của chuyện bám vào dai dẳng. Khe khẽ hát những lời nhập nhằng. Một ngày rất nhập nhằng thế nếu không viện đến một số chất kích hoạt như: âm nhạc, sách, thuốc lá, ký ức về mỗi mẩu bé xíu “chuyện đời tôi”, nhai lại dăm ba giấc mơ quái đản về anh (vì trong giấc mơ anh và tôi có những quan hệ rất quái đản: anh là con trai của tôi chẳng hạn, hoặc anh lấy tôi và cô ta đẻ ra 2 đứa con cho anh chẳng hạn), chuyện về một thằng cha đáng ghét ở cơ quan mà tôi rất thích kể với mọi người để tăng cường sự căm ghét ấy (nhưng tôi chưa bao giờ thực sự ghét hắn, đó là một tình cảm), tôi thích nghĩ là mình ghét hắn... Ly kỳ và hấp dẫn hơn bạo lực ở Trung Đông nhiều, những xác chết và những đầu lâu biết nói là chuyện quá thường, dưới mức thường để có thể khuấy động cuộc sống nhì nhằng của tôi. Tuyệt vọng là trạng thái tuyệt thú. Găm sâu trong tim một nỗi tuyệt vọng vào thời buổi này hơi khó. Sự tuyệt vọng sẽ được tôi kích hoạt theo cơ chế của những từ “thôi” nhẹ bỗng. Thế hay hơn nhiều những lời ca thét gào thảm khốc. Xưa cũ. Đấm đá bao giờ cũng có đối tượng. Trả thù luôn luôn có mục tiêu. Trừu tượng nhất là nỗi cô đơn, đến thế là cùng. Tôi đấm đá vào khoảng giữa của những từ “thôi”. Chính theo cách đó, tôi nuôi dưỡng được cho mình một niềm tuyệt vọng đến không ngờ.

Sáng nay ông dắt chó ra đầu đường, chó tè vào gốc cây, thằng bé nghiêm nghị bảo ông: ông không được để chó tè ra chỗ công cộng. Ông bảo: tao cứ cho nó tè đấy. Thằng bé nhăn mặt: ông hết việc để làm à? Tao hết việc đấy, mà này, không phải là lời nói khiêu khích đâu, tao chẳng có gì để làm thật, mày có việc gì cho tao không, nếu có thì tao sẽ không để chó tè ở đây nữa. Thằng bé bảo: ông già lẩm cẩm, ông có đi học được cho tôi không? Ông có nhét hết vào bụng bữa sáng mẹ khoán cho tôi không? Ông bảo: tao ghét những việc đó, tao đã trải qua bao năm tháng để thoát khỏi cái cảnh đó, mày lại định chơi tao à? Thế thì tôi chịu, ông đi mà tìm lấy việc để làm, chó của ông tè ra đó thì cũng mặc xác ông, để tý nữa bà Lan béo chửi cho thì đừng có trách tôi không báo trước. Ông cười rinh rích: mày ngu lắm, đấy là động cơ của tao, tao thích nhất hoạt cảnh mụ Lan béo chạy lồng lên như con ngựa thiến và lôi mả tổ tao ra mà chửi. Thằng bé bảo: lão già này mất trí rồi. Ông bảo: đời còn gì vui hơn là những cuộc cãi lộn. Nào chó, hãy tè đi, trước mắt thằng bé kia, tao chưa biết một thằng bé lúc nóng giận sẽ nói gì. Thằng bé bảo: tôi tè vào mặt ông ý. Chuyện chỉ có thế cũng đáng một buổi sáng. Mỗi sáng tôi dành ra dăm phút để theo dõi lão già khùng trong khu. Nhưng nó hơi nặng quá với những chất liệu của tôi, loại bỏ. Mà lại viển vông giống hàng loạt những mẩu chuyện tạp nhạp chen chúc nhau trong những truyện ngắn của những cây bút tồi. Gặm những thứ đó đau bao tử. Chỉ xua đuổi bản thân trong không đầy năm phút là đứt đoạn.

Ở Trung Quốc một nhóm nữ văn sĩ có một thử nghiệm rất lạ: họ khám phá bản thân bằng cách trần truồng và cọ xát da thịt vào những kích thích khác nhau để tìm cảm giác. Họ tìm kiếm thông tin về bản thân trong đó, một số người vẽ lên thân thể những hình thù kỳ quái để hoá thân, hoặc đày mình trong những trạng thái nóng lạnh đột ngột, hoặc giang rộng tứ chi cảm giác về cảm giác chờ đón cảm giác.... Họ viết về những hứng khởi đó. Những cảm giác chồng chéo lên cảm giác, khi họ hứng khởi về tình dục, họ lại viết lẫn sang cảm giác nóng lạnh, vì có một sự chuyển giao nào đó giữa những cơn hứng dục bột phát với cảm giác bị dìm vào nước lạnh đột ngột, nguội lạnh đột ngột... ví dụ vậy. Tôi không rành lắm về những lý thuyết của họ. Nhưng tôi hiểu sự bạc bẽo của cảm giác, nó khiến người ta cụt hứng. Cuối cùng, nhóm văn sĩ đó kết luận: không một lời nào có thể diễn tả được chính xác những gì họ thực sự trải qua. Và họ kết luận thêm: bản thân việc thử nghiệm đó là một nghệ thuật, nghệ thuật ngoài lời.

Tôi quyết định không nghĩ nhiều về ý nghĩa của lời nói, vẻ đẹp của hình thể, nét duyên dáng của điệu cười, sự hóm hỉnh của câu chuyện, bí ẩn của một tâm trạng, nét nhạc huỷ diệt, độ sâu của nụ hôn, xáo trộn những giấc mơ, cơn điên chữ nghĩa, những bài thơ bất tận, những cú điện thoại vội vã không lời, những trống trải của đêm, đêm và đêm và đêm xuyên thấu.... Cảm giác càng không. Dấn thân nguỵ tạo. Quả bóng xịt hơi, ủ rũ. Tôi tuyệt vọng, thực thế, khi tất cả đã giảm dần, giảm dần, bằng những từ “thôi” thổi bay hết mọi tầng ý nghĩa, giản dị hoá mọi biến cố, xoá nhoà mọi khoảng lặng, mỉa mai những đau đớn, và chính bằng cách đó, phủ định một tình yêu. Tôi đã từng tin vào một cơ may như thế. Theo cách bấu víu vào một nỗi buồn một nỗi xúc động mơ hồ sau những mất mát. Không phải là một sự cọ xát bằng thịt da, nên tôi tin đó không chỉ là một cảm giác. Một nỗi buồn đã thổn thức cùng tôi qua bao hồi ức. Chạy vào những giấc mơ. Phá phách những dòng viết. Xáo động những đêm yên bình.

Tình yêu chỉ thực sự tồn tại khi em độc hành. Độc hành trong đêm lạnh, em đi tìm nơi trú ẩn để chạy trốn tức thời một tình cảm không hợp lẽ lắm trong logic này. Nó quay quắt quẩn chân em như một lằn khói mỏng chờn vờn. Em có nhu cầu tâm sự khẩn thiết với một người đàn ông có râu cằm lởm chởm và hàm răng vàng khè khói thuốc. Một người đàn ông trong quán rượu chập chờn giữa tỉnh và mê, cười như một động tác và hát một mình bằng chất giọng xa ngái của những thảo nguyên của những sa mạc của những biển khơi của những tinh cầu ngoài tầm với của mọi tồn tại. Em đi theo anh ta trú ẩn trong những hành trình vô đích đầy day dứt vì đã bỏ anh lại phía sau. Anh đang tuột lại, nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi chỉ còn là một chấm nhỏ xíu thôi. Một chú mèo chạy lại cọ vào chân em, em ôm sinh vật bé nhỏ đó vào trong lòng, ấm áp và nhiều an ủi. Con mèo không suy nghĩ, nó thèm tình yêu vì tình yêu. Khi anh ôm em, chẳng vì gì cả, em muốn nói, chẳng nhằm tới tương lai nào cả, nhưng vẫn đầy đòi hỏi, đòi hỏi sự hy sinh quá nhiều. Em đang dùng một từ chứa đựng nhiều quá phải không? Giá mà biết rõ mình cần sự hy sinh nào? Hay nó cứ nhất thiết phải là một tiền đề của tình yêu? Tại sao ngay cả khi tắm mình trong một sự lãng quên tất thảy, mà mình vẫn không thể quên được những đòi hỏi đó? Có gì đứng giữa chúng mình khi anh đòi hỏi sự hy sinh? Cái gì sau lưng chúng mình? Sau lưng của tất cả những tiếp xúc tình yêu? Ôi tình yêu ốm yếu, khi mình cứ bắt nó phải chuyên chở quá nhiều trách nhiệm.

Em muốn đi với anh ta, dưới bầu trời đêm đầy sao, chẳng nói năng gì, anh ta sẽ hát với những vì sao, những vì sao cứ liên tục nháy mắt nháy mắt cười một nụ cười bất tận tự nó cũng chẳng chứng tỏ một niềm vui thích. Em sẽ nhún nhảy theo những lời ca như một chú mục đồng nhảy nhót trên đồng cỏ xanh non và những bầy cừu ngớ ngẩn đang be be chén cỏ. Anh không để em đi sao? Dưới bầu trời đêm đầy sao. Em sẽ rơi một lần thôi, nhẹ bỗng. Anh níu áo em lại sao? Anh sẽ thì thầm vào tai em những lời nói sao? Đừng đi, em, đừng đi, dưới bầu trời đêm đầy sao. Em hãy ở lại, là vợ anh, là nhân tình của anh, là mèo con bé nhỏ dụi tình yêu vào ngực anh. Em không thể và không là gì ngoài người yêu của anh. Không thể là một sức căng. Tình yêu không thể là một sức căng. Anh bảo anh sẽ đưa em đến một nơi, một hố nước, mình cùng đi xuống, nước ập vào mồm, vào mũi, vào tai, mình nhìn nhau trong nước. Anh ra hiệu em ra hiệu. Nước biến thành vách đứng ngăn cách hai đứa. Anh ú ớ em ú ớ. Anh vẽ lên nước những khát khao. Anh vẽ lên nước những bất khả của ngôn ngữ. Em vẽ lên nước những lời hứa không bao giờ tới được anh. Nước khúc xạ những hình vẽ thành những lời chia tay. Nước trong veo và dối trá. Anh đưa tay qua nước, em đã trôi xa. Nước rì rào: em đừng buồn, chỉ là sự nhẹ bỗng này thôi. Cuối cùng thì đời em đã đạt tới sự nhẹ bỗng tuyệt đối của cái không gì cả. Tình yêu sẽ ộc một lần cuối vào mồm em, buốt lạnh.

18/4/2004

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021