thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những ký ức vụn / đêm tháng ba tôi nằm nơi bờ cỏ đồng làng

 

Bi kịch của cuộc đời cha tôi là người ta vẫn đánh đồng ông với những người cày ruộng khác ở làng Cù tôi. Ngay cả những người cùng lớp tuổi ông, ngay cả những người ruột thịt trong dòng họ nhà tôi luôn gần gũi ông, không một ai biết ông cầm cày và thở ra thơ, ông luôn muốn tạo ra một bước đột phá về cách nhìn thế giới. Đêm, tôi lại ra đồng làng nằm dài nơi bờ cỏ mà nghĩ ngợi về cha tôi, người đã khơi gợi cho tôi biết bao điều về cuộc sống. Cả đời ông nghiền ngẫm sách vở, nghiền ngẫm đường cày, nghiền ngẫm cuộc sống xóm làng, canh cánh gầy dựng mối duyên giữa lúa, vải với thơ, giữa đất với triết lý nhân sinh, giữa sách và cày. Trong cuộc sống, người ta bưng chén cơm ăn mà thấy như không, chẳng chút nghĩ ngợi từ đâu lại sinh ra hạt lúa [cũng có thể người ta chẳng biết hay chẳng cần biết hạt lúa là gì] làm như thể cứ là con người được sinh ra là có cơm ăn. Trong cuộc sống, người ta mặc quần áo vào người mà thấy như không, làm như cứ là con người trần thế thì có áo quần để mặc. Nói là thờ ơ, hay bàng quang, đều không phải. Giữa dòng suy nghĩ [thứ suy nghĩ mà tổ tiên con người phải trả bằng máu xương trong cuộc trường kỳ tiến hoá mới có được], giữa dòng chảy lồng lộng sắc nước hương trời ấy, cứ xen vào những con suối ngầu đục sự vô tư ngu ngốc. Ông muốn nói với tất cả mọi người, nói trong thầm lặng. Đêm tháng ba, tôi nằm nơi bờ cỏ đồng làng, lặng ngắt hương lúa, lặng ngắt sương đêm. Làng đang chìm trong những suy nghĩ mong manh, vô định [nếu không nói là huyễn hoặc] về chuyện cơm áo, lặng lẽ và bộc bạch. Những tiếng khóc yếu ớt của trẻ thơ cất lên giữa tiếng côn trùng ra rả và tiếng hát ru mệt nhọc của người lớn từ trong làng vọng ra là sự bộc bạch của một nơi chốn đã được định vị trong cuộc sống với vẻ miễn cưỡng. Cả cuộc đời cha tôi là sự chăm chú [một cách hơi quá sức] vào việc bức phá cách nhìn về một nơi chốn. Cái nơi chốn được định vị có vẻ miễn cưỡng bỗng trở thành một trước tác lớn nhất trong những trước tác: Ta, nơi xóm làng thân yêu, cùng lũ bò bước đi trên mảnh đất cha ông để lại, dưới chân ta đất đai vẫn âm thầm triển nở những nguồn mạch của sống [lúa và vải, niềm vui và hy vọng] và trên đầu ta, bầu trời vẫn rộng, gió vẫn thổi, và chim chóc vẫn bay, hót. Cái cách ta thư thả bước theo lũ bò trên ruộng thì thế giới bao giờ cũng bình yên. Ông muốn nói với tất cả mọi người bằng cách cả đời đọc sách và cùng lũ bò bước đi trên đất ruộng đồng làng. Đêm tháng ba, bỗng sáng lên hình ảnh của một người cầm cày trên ruộng cùng lúc nghĩ ra được cái cách làm sao cho cây lúa nặng hạt và cái cách làm sao chấm dứt cảnh u tối vẫn cứ lẩn quất trên đầu những người dân quê cầm cày trên ruộng như một thứ định mệnh nghiệt ngã. Đêm tháng ba thăm thẳm ký ức, sáng và vang động. Đã biết nhau đến bạc đầu mà còn rút gươm ngờ nhau; người đến trước được cửa son lại cười người phủi mũ sửa soạn ra làm quan. Câu thơ cổ trôi trong quá khứ, tiếng ngâm nga của cha tôi vẫn còn nguyên trong ký ức tôi. Từ trong quá khứ cha tôi bước vào cuộc đèn sách theo hai nghĩa, một là thực sự tiếp xúc với sách vở đông tây kim cổ, và ai là sự soi sáng cho cuộc bức phá cách nhìn thế giới: Lúa, vải và những trước tác khoa học, văn chương đều cần trí tuệ và tâm sức ngang nhau. Khi một hạt cây rơi xuống mặt đất là khởi đầu cho một chuyển động mới, một bức phá mới, hạt cây sẽ nẩy mầm, chồi cây sẽ thành cây, hạt thóc hay hạt ngô, hay hạt đậu; cũng thế, khi thấy sự hiện hữu khác của chúng, ta bỗng thấy nảy ra trong lòng bài ca của đất, tất cả đều là những trước tác vĩ đại của tồn tại. Ông muốn nói với mọi người bằng những lời lẽ thật cao sang về cuộc sống, mà có lẽ thật lâu sau đó người ta mới hiểu ra. Cuộc đèn sách của ông đã khiến cho làng Cù tôi, heo hút đến cả tiếng chim kêu buổi sáng, heo hút đến cả tiếng bà ru cháu buổi trưa, một nơi chốn tồn tại có vẻ miễn cưỡng, đã trở nên tồn tại. Vào một ngày cuối tháng chạp, làm như thể để tổng kết một khúc năm tháng vừa trôi qua, lũ cò trắng kéo về đồng làng tôi thật đông. Mẹ tôi và anh em tôi tất bật sắm sửa các thứ để đón tết, còn cha tôi thì đi thu dọn các thứ sách vở lên giá sách, rồi xách cuốc ra vườn dọn cỏ chuẩn bị đất cho việc gieo hạt bông vải. Lúc trở vào nhà ông kêu khó thở. ông lên giường nằm một lúc thì mất. Cha tôi chết cũng nhẹ nhàng như lúc ông cầm cày và thở ra thơ.

 

Giã, 29/9/2015

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021