thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ăn như thế nào khi đi máy bay
Bản dịch của Thận Nhiên

 

UMBERTO ECO

(1932-2016)

 

ĂN NHƯ THẾ NÀO KHI ĐI MÁY BAY

 

Vài năm trước, một chuyến du hành đơn giản bằng máy bay (khứ hồi đến Amsterdam) đã làm tôi đi toong hai cái cà-vạt hiệu Brooks Brothers, hai chiếc áo sơ-mi Burberry, hai chiếc quần Bardelli, một áo khoác bằng vải tuýt mua ở phố Bond, và một áo gi-lê Krizia.

Mọi chuyến bay quốc tế đều quan tâm đến cái nghi thức đáng được ca ngợi về việc phục vụ một bữa ăn. Nhưng, như mọi người đều biết rồi đó, chỗ ngồi thì hẹp, cái khay cũng vậy, và đường bay thì nhiều khi gập ghềnh, dằn xóc. Hơn nữa, các hãng hàng không cung cấp thứ khăn giấy bé tí, nếu bạn đính nó vào cổ áo, thì phần bụng của bạn bày ra, còn nếu bạn trải nó lên đùi, thì ngực bạn lại hở. Thông thường thì người ta sẽ đề nghị rằng nên phục vụ những món thức ăn gọn nhẹ, chứ không nên là các món dễ làm vấy bẩn. Không nhất thiết phải dùng đến những viên thuốc bổ. Có những món gọn nhẹ như là thịt cốt-lết bê rắc vụn bánh mì, thịt nướng, phô-mai, khoai tây chiên, và gà nướng. Những món dễ vấy đổ gồm có món mì Ý với nhiều nước xốt cà chua kiểu Mỹ, trái cà dái dê nướng phô-mai, bánh pizza mới nướng lấy thẳng từ lò ra, và món xúp nóng hôi hổi đựng trong tô bé xíu không có tay cầm.

Hiện nay, một thực đơn kiểu mẫu trên máy bay gồm có món thịt nấu nhừ gì đó dầm trong nước xốt, những khẩu phần phong phú có cà chua, rau cải được xắt thật đẹp và ướp rượu vang, có cơm, và xúp đậu. Đậu là thứ khó nấu số dách – ngay cả với những đầu bếp oách nhất cũng khó lòng nấu được món đậu Hoà-lan nhồi thịt – đặc biệt là làm theo phương cách rất kiên quyết của Miss Manners,[1] thực khách bị buộc ăn hạt đậu bằng nĩa thay vì bằng cái thìa, là thứ vốn thiết thực hơn nhiều. Đừng bảo với tôi rằng người Tàu thì tệ hơn nhé. Tôi có thể bảo đảm với bạn rằng gắp một hạt đậu bằng đũa thì dễ hơn là xiên nó bằng cái nĩa. Thật là rất nhảm khi bài bác rằng cái nĩa được dùng để gom những hạt đậu chứ không phải để xiên chúng, bởi vì nĩa được thiết kế cho mục đích duy nhất là làm rớt những hạt đậu mà nó giả vờ gom nhặt.

Hơn thế, món đậu trong những chuyến bay chỉ được dọn lên đúng vào lúc có sự nhiễu loạn không khí bên ngoài và viên phi công trưởng bật đèn tín hiệu “vui lòng thắt dây an toàn”. Do sự tính toán phức tạp để có hiệu quả tối ưu như thế này, thì những hạt đậu chỉ có hai lựa chọn: hoặc là chúng lăn xuống vạt trước áo hay rơi trên dây kéo quần của bạn.

Như những nhà thơ ngụ ngôn đời xưa đã dạy chúng ta, để ngăn một con cáo uống từ một cái ly thì cái ly phải cao và thon nhỏ. Ly trên máy bay thì lùn, bè bè ra, hơi trũng như lòng chảo. Rõ là, theo quy luật vật lý thì thứ chất lỏng nào cho vào đó cũng sẽ đổ, ngay cả khi không có nhiễu loạn không khí bên ngoài. Bánh mì thì không phải là loại bánh mì ổ của Pháp, thứ bánh mà bạn phải xé bằng răng ngay cả khi nó mới ra lò, nhưng lại là loại ổ bánh đặc biệt có thể nướng, thứ bánh mà ngay cái lúc bạn vừa đụng vào thì nó phụt ra đám bột như một cụm mây. Nhờ vào nguyên lý Lavoisier[2] mà thứ bột này biến mất, nó chỉ xuất hiện khi bạn xuống máy bay, bạn sẽ thấy rằng nó đã dồn đống lại dưới mông, đang âm mưu làm ố cái đũng quần của bạn. Món tráng miệng thì có xu hướng là bánh ngọt làm bằng trứng và đường, và mảnh vụn của nó trộn với bánh mì, hay thế nào đi nữa thì nó nhểu qua những ngón tay ngay tức khắc, khi mà miếng khăn giấy đã ướt chèm nhẹp nước xốt cà chua nên không còn dùng được.

Đúng vậy, bạn vẫn còn miếng khăn giấy tẩm nước hoa: nhưng bạn không thể phân biệt được thứ khăn này với những gói đựng muối, tiêu, và đường, và do đó, sau khi bạn đã bỏ đường vào món sa-lát, thì miếng khăn giấy này đã nằm trong tách cà-phê, thứ cà-phê sôi sùng sục được đựng trong một cái tách làm bằng chất dẫn nhiệt được đổ đầy đến vành miệng, nên nó sẵn sàng tuột khỏi tay để trộn với món nước xốt mà giờ đây đã đông đặc lại quanh lưng bụng của bạn. Trong khoang hạng vé thương gia thì các cô tiếp viên hàng không chế cà-phê thẳng vào đùi của bạn, rồi vội vàng xin lỗi bằng Quốc Tế ngữ.[3]

Những nhân viên bếp núc của hàng không chắc hẳn được tuyển từ đội ngũ chuyên gia khách sạn, những người chỉ biết một loại bình mà thôi, thay vì chế cà-phê vào tách thì lại vung vãi tám mươi phần trăm lên khăn trải giường. Nhưng tại sao vậy? Cái giả thuyết rõ ràng nhất là họ muốn tặng cho khách du lịch một ấn tượng về sự sang trọng, và họ đồ rằng ông khách cứ nhớ mãi những phim Hollywood thời xưa, trong những phim đó hoàng đế Nero luôn uống từ những cái vại to vành làm vung vãi rượu vang lên hàm râu xồm xoàm và áo choàng, hay tấm hình có vị lãnh chúa phong kiến gặm nhồm nhoàm một đùi thịt làm vấy mỡ lên chiếc áo thêu ren, khi ông ta ôm chầm lấy một nàng điếm hạng sang.

Nhưng tại sao trong khoang hạng nhất, nơi có không gian rộng rãi, thì họ lại dọn những món gọn nhẹ, như là trứng cá Nga trên bánh mì lát phết bơ, hay cá hồi xông khói, hay những khoanh tôm hùm với một giọt dầu hay chanh? Phải chăng có lẽ vì trong những cuốn phim của Luchino Visconti,[4] khi những nhà quý tộc Đức Quốc xã phán “bắn nó đi” thì chúng thảy một trái nho lẻ loi, nhỏ gọn vào mồm?

 

(1987)

 

 

------------------
Dịch từ bản dịch tiếng Anh của William Weaver “How to Eat in Flight”, trong Umberto Eco, How to Travel with a Salmon (Boston: Mariner Books, First Harvest edition, 1995) 19-22.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Miss Manner: là bút danh của Judith Martin (sinh 13 tháng 9 năm 1938). Bà là một nhà báo Mỹ nổi tiếng, chuyên giữ mục tư vấn về phong cách ứng xử.

[2]Antoine-Laurent Lavoisier (1743-1794), nhà hoá học lừng danh người Pháp.

[3]Esperanto: Quốc Tế ngữ.

[4]Luchino Visconti (1906-1976), đạo diễn điện ảnh người Ý, nổi tiếng với các bộ phim như The Leopard (1963) và Death in Venice (1971). Ở đoạn này tác giả có ý chế giễu khi cố tình kết hợp tính cách của những nhân vật quý tộc thời La Mã trong phim của Luchino Visconti với những thành viên đảng Quốc xã Đức thành “những tay quý tộc Quốc xã Đức” (trong bản dịch tiếng Anh là “Nazy aristocrats”).

 

 

-------------

Những tác phẩm của Umberto đã được dịch và đăng trên Tiền Vệ:

... Chuyến du hành mới đây của tôi rất ngắn: một ngày ở Stockholm và ba ngày ở London. Ở Stockholm, lợi dụng có một giờ rảnh, tôi mua một con cá hồi hun khói, một con bự chảng, rẻ bèo. Nó được gói kỹ trong bao plastic, nhưng tôi được dặn rằng nếu tôi đang đi giang hồ đây đó thì nên giữ nó trong tủ lạnh. A ha. Thử cái xem sao nào... [Bản dịch của Thận Nhiên] (...)
 
... Ví dụ, nếu bây giờ chúng ta bắt đầu nói chuyện, hiển nhiên là chúng ta sẽ phải dùng ngôn từ; nhưng chúng ta cảm thấy chả cần thiết để nói lên như thế. Một người Bonga, ngược lại, khi nói chuyện với một người Bonga khác, sẽ bắt đầu bằng câu nói: “Chú ý nè, tôi đang nói chuyện đây, và tôi sẽ dùng chút ít ngôn từ đấy nhé.” ... [Bản dịch của Đoàn Khương Duy] (...)
 
Từ đầu cho đến điểm này, tôi đã nói rằng (i) người viết khởi sự với một ý tưởng chủng tử, và rằng (ii) cấu trúc của thế giới tự sự quyết định văn phong. Kinh nghiệm gần đây nhất của tôi về hư cấu, trong cuốn tiểu thuyết Baudolino, dường như lại mâu thuẫn với hai nguyên tắc ấy... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Một khi cái thế giới [của cuốn tiểu thuyết] đã được thiết kế, những câu chữ sẽ nẩy ra, và (nếu mọi sự đều tốt đẹp) chúng sẽ là những câu chữ mà cái thế giới ấy và tất cả những biến cố xảy ra trong đó đòi hỏi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Nhưng cuốn tiểu thuyết bước đi về đâu? Đây là vấn đề thứ nhì mà tôi thấy là nền tảng cho một thi pháp tự sự. Khi những nhà phỏng vấn hỏi tôi, "Ông đã viết cuốn tiểu thuyết của ông như thế nào?" tôi thường trả lời cụt ngủn: "Từ trái sang phải." Nhưng trong bài viết này tôi có đủ chỗ cho một câu trả lời phức tạp hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Thông thường, những nhà phỏng vấn ngây thơ thường bay lơ lửng giữa hai chủ ý mâu thuẫn nhau: một đằng, họ cho rằng một văn bản gọi là có tính sáng tạo thì phát triển hầu như chớp nhoáng trong sức nóng bí nhiệm của cơn cảm hứng xuất thần; đằng khác, họ lại cho rằng nhà văn đã theo một cuốn cẩm nang dạy nấu nướng, một bộ những quy tắc nào đó mà họ muốn thấy nhà văn tiết lộ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Đó là một quyết định mà suốt hơn ba mươi năm sau tôi vẫn không hề cảm thấy hối tiếc. Tôi muốn nói rằng tôi không phải là một trong những người bị số phận buộc phải viết về khoa học nhưng lúc nào tâm tư cũng cháy bỏng khát vọng viết về nghệ thuật... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tôi là một ví dụ khá bất thường của một người viết truyện hư cấu. Bởi tôi đã khởi sự viết truyện ngắn và tiểu thuyết trong khoảng thời gian từ tám đến mười lăm tuổi, rồi tôi ngưng, chỉ để khởi sự một lần nữa khi tôi đã đến bên lề tuổi năm mươi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Văn phong của bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản  (tiểu luận / nhận định) 
... nó là một văn bản đáng kinh ngạc ở chỗ nó khéo léo luân chuyển giữa giọng văn khải huyền và châm biếm, giữa những khẩu hiệu hùng hồn và những lời giải thích rõ ràng, và ngay cả đến hôm nay (nếu xã hội tư bản thật sự muốn trả thù về những cuộc nổi loạn mà mấy trang viết này đã gây ra) nó nên được đọc như một văn bản thiêng liêng cho những đại lý quảng cáo... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021