thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học

 

Trên núi Chư Mang, khi mây trắng bỏ đi không còn quay lại, lũ rắn màu xanh da trời về làm tổ trên cây. Nọc độc của chúng làm cho bạn và tôi quên mất lối về. Chúng tôi nói năng lảm nhảm và, tệ hại hơn, nói trước quên sau. Người đi bên cạnh lắc lắc tay tôi nói, với vẻ mặt đầy nghiêm trọng: “Chúng mình lú lẫn hết rồi, phải không?”

Khi bị mê lú, bạn rất thích nói, thích biện luận, nhưng bạn càng giải thích thì mọi điều càng lộn xộn tù mù và rối rắm. Tôi thuộc kiểu người ít nói nhưng, kể từ khi ngấm nọc độc của lũ rắn, cũng sinh ra lắm lời giòi bọ. Tôi sợ, nếu không nói, ngôn ngữ sẽ mờ dần, nhạt đi, biến mất. Hàng ngày, chúng tôi nói những điều ấm a ấm ớ không rõ đầu đuôi, có khi hoàn toàn vô nghĩa.

Ðặc biệt, chúng tôi thích dẫn những chuyện xa xôi mò mẫm, ưa lối quanh co bóng gió. Một người bạn của tôi, già rồi, nghiện rượu, lại thường xuyên mất ngủ, tóc lơ phơ mấy cọng, nói: “Đường Tăng đi thỉnh kinh ăn bát mẻ, chúng ta ăn bát sứt. Những gì nguyên vẹn đều chôn hết cả. Có gì là không thoả đáng nào?”

Lú chưa?

Tôi xuống suối gì đó vốc nước rửa mặt, nghĩ: may ra, gặp được nước suối thần kỳ, sẽ hết lú. Nhưng rồi, kết cục không ăn thua, thậm chí bệnh còn ra chiều trầm trọng. Tôi thường xuyên đi nhầm đường và về lộn nhà. Hôm qua tôi cầm trong tay thứ gì đó không phải của mình.

Thế mà, tôi vẫn chưa phải là người lú nhất. Ông bạn sát nhà, buổi chiều đi đón vợ, đi mãi ba ngày sau mới về, lại đón nhầm một bà cụ lạ huơ lạ hoắc, rồi đặt bà cụ ngồi đấy, tất tả đi đón con, ba tháng sau chưa thấy quay về. Bà cụ ngồi một mình buồn quá ra ngồi ôm gốc cây khóc lóc: “Sao lại trói chồng tôi ở đây?” Tôi sang xem sự thể thế nào, cầm theo một ổ bánh mì định đưa cho bà cụ, sang đến nơi nhìn lại thì hoá ra tôi đã cầm nhầm một chiếc dép tổ ong...

Rắc rối hơn, chúng tôi, không ai chịu nhận mình bị lú. Ai cũng nghĩ: Sao mà cái ông, bà, lão, thằng ấy lú đến thế!

Lũ rắn màu xanh thì không nói gì, lặng lẽ ngủ trên cây.

Người nọ nói người kia lú, không ai chịu nhận mình lú, vậy, cuối cùng ai lú, ai lú nhất? Những người già lú lẫn trên núi Chư Mang sau nhiều lần tranh cãi cù nhầy, cuối cùng đi đến thống nhất: Phải tổ chức một cuộc thi!

Chúng tôi tổ chức thi, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và tổ chức thi như thế nào, vì một điều đơn giản: Ai cũng ít hoặc nhiều bị lú! Vậy mà, trong một phút giây loé sáng nào đó của trí não suy tàn, một người thốt lên: “Hãy mời lũ rắn màu xanh trên cây xuống làm trọng tài!” Lúc đó, mọi người mới ồ à hố hả nhặng lên để biểu thị sự đồng ý. Thế là bọn rắn màu xanh đứng ra tổ chức và làm trọng tài để chúng tôi thi.

Bọn rắn tinh quái để một hũ rượu sành có buộc nơ đỏ ngay dưới gốc cây. Phần thưởng cho người thắng cuộc đó! Ai tỉnh táo nhất, minh mẫn nhất, sẽ trở thành người dẫn dắt dân làng, được thưởng một hũ rượu ngon, còn gì bằng nữa. Mọi người nô nức ghi tên tham dự, kể cả những kẻ lú nhất, xưa nay chưa hề biết thi cử là gì.

Chỗ này, tôi nhầm lẫn, vì thực ra, tôi cũng đã lú lẫn từ lâu. Không phải thế nọ mà là thế kia. Tức là, theo một phép biện chứng nào đó của học thuyết gì đó, những người dự thi phải tìm cho được cái hũ rượu có buộc nơ, thế mà tôi lại nhầm ra là phần thưởng. Bọn rắn hô: “Nhắm mắt!”, lập tức mọi người nhắm tịt mắt, ai còn mở ti hí, rắn sẽ mổ mù mắt ngay, vì thế, không ai dám ăn gian. Lúc đó, lũ rắn mới nhẹ nhàng khiêng hũ rượu đi cất. “Mở mắt! Đi tìm!” Thế là tất cả mở mắt ra, hối hả, tất tả, nhốn nháo, giẫm chân nhau, níu áo nhau, đấm đá lôi kéo nhau, đi tìm...

Lũ chúng tôi trí não suy tàn nhưng chân tay vẫn hoạt động tốt. Chúng tôi cật lực tranh giành giẫm đạp và thụi nhau ra trò. Chả khác gì tín đồ của một giáo phái cực đoan nào đó trên hành trình đi tìm chân kinh bị đánh cắp. Hậu quả là đã có người chết. Thây kệ, chết có nghĩa lý gì đâu! Núi Chư Mang thì bạn biết rồi đấy, hoang vu thăm thẳm, cây cỏ dây leo ngút ngàn. Một bình rượu nhỏ lại bị cất thật kỹ, tìm sao được mà tìm, vậy mà vẫn giẫm đạp nhau đi. Lú chưa?

Lũ người lú chen nhau đi như thác đổ. Người nói, người cười, người khóc, kẻ văng tục, không ai thua ai, không ai nhường ai. Núi oằn mình rên xiết. Vào một buổi chiều, mọi người đều đã mệt nhoài, bỗng có tiếng ai nói: “Mùi rượu đâu mà thơm thế nhỉ!” Bao nhiêu cái mũi vươn cao lên đồng loạt, đánh hơi. Rõ ràng có mùi rượu thơm! Như một lũ trâu bò sắp chết khát ngửi thấy mùi hơi nước trong gió, chúng tôi bật dậy, giẫm đạp nhau chạy đi băng băng...

Nửa đêm hôm đó, cuộc thi kết thúc, khi có một người đã tìm ra hũ rượu. Hoá ra, hũ rượu quý treo trên cành cây, trong khi, mọi người đều tìm kiếm dưới đất, trong bụi rậm hoặc hang đá. Lũ rắn cười lạnh lẽo, trao ngay bình rượu cho người chiến thắng. Đó là một người đàn ông tóc hoa râm, đeo kính lão. Thực ra ông ta may mắn nhiều hơn là thông minh. Trong khi mọi người giành nhau đi tìm, ông ta lặng lẽ trèo lên cành cây để đi tiểu, vô tình nhìn thấy hũ rượu mà thôi!

Vậy nên, người lú nặng nhất ngẫu nhiên trở thành người chiến thắng, và đương nhiên trở thành kẻ cầm đầu trong bọn chúng tôi. Lũ rắn màu xanh vẫn cười lặng lẽ trên cây. Chúng sẽ yên tâm ngủ dài dài. Núi Chư Mang rộng lắm, cao lắm!

Người đàn ông trèo lên cây đi tiểu bắt gặp hũ rượu, ông ta xuống, ôm theo hũ rượu và ngồi ngay xuống bãi cỏ, uống một mình. Uống xong thì say, nói năng lảm nhảm suốt ngày. Khi mọi người công kênh ông ta trên một chiếc kiệu. Ông ta luôn mồm kêu nóng và đòi đi tè. Tất cả đồng thanh: “Tè trên đó luôn, thủ lĩnh ơi!” Nhưng thủ lĩnh không chịu, nói: “Ị nữa!” Tất cả đồng thanh: “Ị cũng trên đó luôn!”

Đôi co một lúc, không nghe tiếng la hét nữa, thì ra, thủ lĩnh mệt quá, đã ngủ ngay trên kiệu. Nhiều người thấy hũ rượu còn lăn lóc, vương vãi, đến uống cặn, rồi đi đâu không nhớ đường về. Thủ lĩnh nằm ngủ, lâu lâu tỉnh dậy lại phát ngôn bừa bãi, loạn xạ, theo một phép biện chứng gì đó mà chỉ có ông ta hiểu. Chúng tôi, cũng không thèm nghe, không thèm vâng lời, mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy làm, không theo một trật tự nào.

Đường Tăng ăn bát mẻ, chúng ta ăn bát sứt, có gì là không thoả đáng...

Những gì nguyên vẹn đều chôn hết cả. Nói chuyện hôm nay phải nhớ chuyện ngày mai...

Sao lại buộc chồng tôi ở đây...

Tôi cầm chiếc dép tổ ong ngồi gặm như gặm bánh mì, hoàn toàn mê lú...

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021