thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Dương Nghiễm Mậu, con chuỷ thủ vào đất Tần bất trắc

 

 

DƯƠNG NGHIỄM MẬU, CON CHUỶ THỦ VÀO ĐẤT TẦN BẤT TRẮC

 

Sáng nay, nghe anh Trịnh Cung báo tin nhà văn Dương Nghiễm Mậu mất, tôi không cảm thấy bất ngờ, vì dẫu thế nào, anh hay tôi đều đã đến tuổi được xếp hàng để lên đường vào vĩnh cửu của cái vô nghĩa. Nhưng lòng tôi không tránh khỏi một nỗi cảm hoài, tôi và anh Trịnh Cung hẹn nhau ra quán cà-phê. Chúng tôi nói với nhau về những cái chết không tuyên bố của chính mình và bạn bè một thuở như Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Hương, Thận Nhiên, Trần Tiến Dũng... Nhớ những buổi tranh luận không dứt về đủ thứ bận tâm trên đời, từ văn chương đến chính trị. Lần nào gặp nhau cũng sôi nổi. Khai mở, gieo và gặt. Giờ thì, mỗi người một góc. Riêng tư và nhỏ bé.

Với anh Mậu, tôi thật sự không phải là chỗ thân thiết nhưng cũng gặp nhau nhiều lần. Anh vẫn bảo khi nào rảnh thì ghé qua nhà anh làm vài ve. Nhưng nhà anh ngược đường, vả lại tôi lại không biết uống bia, thành ra... không thân. Tuy nhiên, tôi cũng có vài kỷ niệm đáng nhớ với anh.

Có lần, khi biết tôi quen nhà văn Bùi Ngọc Tấn và nhân dịp anh Tấn đang ở Sài Gòn, anh bảo “cậu cho tôi tới gặp ông Tấn”. Anh Mậu gần như không đi xe gắn máy, tôi phải đến nhà anh đón. Chứng kiến hai nhà văn cùng thế hệ lần đầu gặp nhau, sau mấy chục năm đất nước thống nhất; ở hai phía khác của cuộc chiến, nhưng tài năng và phẩm chất con người của họ lại dường như cùng ngưỡng vọng một chân lý. Cả hai đều tỏ ra khiêm cung, dù cả hai đều là những nhân vật tiêu biểu cho văn chương của hai miền ngộ nạn. Dịp đó, anh Tấn ít nói, có lẽ vì anh Tấn đang bệnh.

Một lần khác, chứng kiến anh Mậu và nhà văn Nam bộ kháng chiến Nguyễn Quang Sáng gặp nhau nhân dịp nhà văn Trần Thị Ngh đãi tiệc ra mắt sách, tôi thấy vui. Với anh Sáng, tôi cũng thân và tôi chờ đợi một cái gì đó không bình thường có thể xảy ra giữa họ. Vì họ rất khác. Nhưng nhà văn phía thua cuộc Dương Nghiễm Mậu chỉ rổn rảng tự tin và cởi mở.

Giờ đây, cả ba anh Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Quang Sáng và Dương Nghiễm Mậu đều đã đến cùng một chỗ. Nơi chẳng có ai thắng cuộc, vì tất cả đều thua cuộc. Cái chết và sự vô nghĩa.

Văn chương xét cho cùng là gì?

Có lần, nhậu ở nhà chị Trần Thị Ngh, có cả nhà văn Nam Dao và vài người khác, tôi nói tôi rất thích và bất ngờ về cuốn tiểu thuyết Băn Khoăn của Khái Hưng. Một tác phẩm có phong cách tiểu thuyết mới (Nouveau roman). Điều bất ngờ hơn là không ai biết đến tác phẩm cuối cùng này của Khái Hưng, trừ anh Dương Nghiễm Mậu. Anh Mậu cũng đồng ý với tôi là thời ấy, trước 1945, mà Khái Hưng đã viết được như thế thì rất lạ. Dịp đó, anh Mậu cũng kể, anh đã tìm đến tận nơi nhà văn Khái Hưng bị Việt Minh giết, bỏ bao bố dìm xuống sông.

Văn chương, như thế cũng chẳng phải là thứ phù phiếm.

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu là một trong hai người tôi ngưỡng vọng. Người kia là Thanh Tâm Tuyền. Khi còn nhỏ, tôi không mường tượng được là có lúc mình cũng có thể được cà kê dê ngỗng với anh, một “đỉnh cao chói lọi”. Và thời thế thay đổi, anh sống bằng nghề vẽ tranh sơn mài hàng chợ. Tôi cũng có thời gian sống, nuôi vợ con bằng nghề vẽ tranh hàng chợ. Nên với anh Mậu, tôi cảm thấy gần gũi. Và tôi biết, phía sau cái thầm lặng khiêm tốn của cơm áo gạo tiền, anh Mậu vẫn luôn là một nhà văn lúc nào cũng ưu tư như con chuỷ thủ của Kinh Kha vào đất Tần bất trắc. Tôi biết anh vẫn viết về một Nguyễn Du hàng thần lơ láo và một Nguyễn Du ở nơi vĩnh hằng của giá trị con người. Hy vọng rằng, một ngày nào đó, chúng ta sẽ được đọc những tác phẩm còn cất trong ngăn kéo này của một người thua cuộc, một người từng đi tù Cộng sản như anh, một nhà văn mà ý thức lịch sử lúc nào cũng được mài nhọn để đứng lên nhắm đến phía trước.

 

NGUYỄN VIỆN
3.8.2016

 

Hàng ngồi: Nguyễn Viện, Dương Nghiễm Mậu
Hàng đứng: Phan Nguyên, Nam Giao, Trần Thị Ngh.

 

----------------
Bấm vào đây để đọc CHUYÊN ĐỀ về NGUYỄN VIỆN

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021