thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khát bạn
Tưởng nhớ bạn Đặng Thuỷ Nguyên

 

Ông T. sống một mình trong ngôi nhà rộng lớn nhiều tầng, khu vườn còn rộng gấp đôi. Thật thú vị để uống trà uống rượu, chuyện vãn với bằng hữu.

Ông dẫn tôi thăm những căn phòng chất chứa vật dụng của người dân tộc vùng cao nguyên B’Lao. Những vật dụng săn bắn, làm nương rẫy, may mặc, nấu nướng... Có căn phòng chứa hàng trăm cái gùi đủ kích cỡ; có căn phòng chứa những món đồ gốm mà người dân tộc trao đổi với người Chăm từ thuở nào. Tất cả, ông T. có được qua trao đổi, mua lại, hoặc người dân tộc tặng ông; ông cư xử với họ như người thân trong gia đình, giúp đỡ họ những cái cần thiết trong cuộc sống.

“Tôi sưu tập được toàn bộ vật dụng từ xưa tới nay của người dân tộc vùng B’Lao, trừ cái áo quan chưa có mà thôi...”

Ông T. nói vậy, rồi chỉ tay ra khu vườn:

“Tôi bắt gặp cái bàn đá này khi đào sâu xuống đất rừng để lấy một rễ cổ thụ. Có thể đây là nửa trên của cái cối xay từ thời thượng cổ.”

Ông đặt nhiều cục đá làm những ghế ngồi uống trà uống rượu.

“Bạn tri âm cùng uống trà uống rượu thì hiếm quá, tôi chưa gặp được ai như vậy. Cứ nhìn bộ bàn ghế đá này mà thấy buồn...”

Nghe ông T. nói vậy, tôi sực nhớ người bạn ít gặp nhưng tôi quý mến, anh N. Các bạn quen biết đều thấy kết bạn với anh N. là một khích lệ vui sống. Anh N. viết văn làm thơ nhưng ít đăng báo, tôi chưa được đọc bao giờ. Có bạn biết rõ cuộc đời anh N., cho rằng anh đã biến những bất hạnh thành quà tặng; những bất hạnh của anh khiến nhiều người hổ thẹn vì cuộc sống yên ổn. Anh chẳng lạc quan gì hết, mà trái lại. Nhưng anh luôn hào hứng vui vẻ.”

Một dịp bất ngờ gặp anh N. tại B’Lao, tôi giới thiệu anh với ông T. Buổi uống rượu tại bàn đá, chuyện trò giữa hai người rất thú vị. Ông T. bảo anh N. lưu lại nhà ông, thời gian càng lâu càng tốt. Anh N. nhận lời.

 

*

 

Một tuần lễ sau, tôi nghe tin anh N. tự vẫn tại nhà ông T., trong căn phòng chứa hàng trăm cái gùi của người dân tộc. Có bạn nói: “Ông T. gọi người dân tộc tới nhà, tổ chức tang lễ anh N. theo nghi thức của người dân tộc. Ông T. đã ghi được tấm ảnh chiếc áo quan, trong kho tàng sưu tập toàn bộ các vật dụng của người dân tộc vùng B’Lao...”

Tôi nghĩ tới niềm khao khát bằng hữu không nguôi của ông T., tôi mù mịt trong nhận biết về con người. Tới bây giờ tôi cũng không thể hiểu sự kết thúc cuộc sống của anh N., kẻ bi-quan-hạnh-phúc, từng khích lệ niềm vui sống cho những người chung quanh.

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021