thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lời cuối cùng
(Diễm Châu dịch)

 

1

 

Ông cụ, bởi lúc này đã quá quen với những biến cố không thể giải thích, chỉ hơi ngạc nhiên khi nhận được từ tay khách lạ một sổ hộ chiếu với cái tên không phải là tên riêng của ông, một chiếu khán và phép xuất ngoại tới một xứ mà ông không hề trông đợi hay cả đến ao ước tới viếng thăm. Quả thật, lúc này ông đã già lắm, và đã quen với cảnh sống chật hẹp, đơn độc, không tiếp xúc với một ai: ông còn tìm được một thứ hạnh phúc nào đó trong cảnh thiếu thốn nữa. Ông có một phòng đơn để sống và ngủ: một căn bếp nhỏ và một buồng tắm. Mỗi tháng một lần có một món cấp dưỡng nhỏ nhưng cũng đủ tới từ Đâu đó nhưng ông không biết là đâu. Có lẽ nó có liên hệ tới cái tai nạn xẩy ra từ bao năm trước đã đoạt mất của ông trí nhớ. Về dịp ấy, tất cả những gì còn lại trong đầu óc ông chỉ là một tiếng động chát chúa, một ánh sáng lóe lên như tia chớp và rồi là một bóng tối dài dặc đầy những mộng mị mơ hồ lẫn lộn, từ đó rốt cuộc ông đã tỉnh dậy trong cùng một căn buồng nhỏ nơi ông đang sống hiện nay.

-- Vào ngày 25 sẽ có người tới kiếm anh ra phi trường và đưa anh lên máy bay. Khách lạ nói với ông cụ. Khi anh tới nơi, sẽ có người ra đón và anh được dành sẵn cho một buồng. Tốt hơn cả là trên máy bay anh đừng chuyện trò với một ai.

-- Ngày 25? Tháng này là tháng Chạp, phải không? Ông cụ thấy mình khó tính được ngày tháng.

-- Dĩ nhiên.

-- Vậy thời hôm ấy là Sinh nhật.

-- Sinh nhật bị hủy bỏ đã hơn hai mươi năm nay rồi. Sau khi anh gặp tai nạn.

Ông cụ bị bỏ lại ngơ ngác -- bằng cách nào người ta hủy bỏ một ngày? Khi người đàn ông nọ đi rồi, ông cụ, nửa như trông đợi một câu trả lời, nhìn lên một tượng chịu nạn nho nhỏ bằng gỗ treo trên giường. Một bên cây thập tự và cùng với nó, một cánh tay của hình người, đã gãy -- ông cụ đã tìm được cây thập tự này hai năm trước đó -- hay là ba? -- trong một thùng rác mà ông dùng chung với những người láng giềng chẳng bao giờ chuyện trò với ông. Ông nói lớn, «Thế còn người, người đã bị người ta hủy bỏ chưa?» Cánh tay thiếu mất dường như trả lời ông, «Rồi». Giữa họ dường như có một sự truyền thông nào đó như thể họ cùng chia sẻ một ký ức với nhau.

Với những người láng giềng của ông cụ thì không có truyền thông gì cả. Kể từ khi ông cụ hồi sinh trong căn buồng này, ông cụ chưa từng nói với một người nào trong bọn họ, là vì ông có thể cảm thấy được là họ e ngại phải nói với ông. Làm như thể họ biết một điều gì đó về ông mà chính ông, ông không biết. Có lẽ ấy là một tội ác nào đó đã phạm trước khi bóng tối phủ trùm. Lúc nào ngoài phố cũng có một người không thể coi như láng giềng được, là vì cứ cách ngày y lại được thay, và cả y nữa cũng chẳng nói chẳng rằng với ai hết, ngay cả với bà cụ ở lầu trên cùng, người thích xì xèo chuyện gẫu. Có một lần ở ngoài đường bà ta đã dùng cái tên -- không phải cái tên trên sổ hộ chiếu -- với một cái nhìn xéo thâu gồm cả ông cụ lẫn kẻ canh chừng. Ấy là một cái tên khá thông thường, Gion.

Một lần, có lẽ vì hôm ấy trời ấm áp và nắng sáng sau nhiều tuần mưa, ông cụ đã đánh bạo ngỏ đôi lời với người đứng canh ngoài đường trong lúc ông đi mua bánh mì, «Cầu Chúa ban phước lành cho anh», và kẻ kia đã lùi lại như thể bị giáng một đòn bất ngờ và quay đi. Ông cụ tiếp tục đi kiếm bánh mì, thức ăn chính của ông và cũng đã từ lâu ông biết là mình bị theo tới cửa tiệm. Tất cả cái không khí ấy có hơi bí ẩn, nhưng ông cụ không bị xao động lắm. Có lần ông cụ đã có nhận xét với khán, thính giả duy nhất của ông, pho tượng gỗ bị hư hại kia, «chắc là họ muốn để cho người và con được yên ổn với nhau.» Ông cụ hoàn toàn hài lòng, như thể ở đâu đó trong cái dĩ vãng tăm tối đã lãng quên ông đã từng phải chịu một gánh nặng vô cùng to lớn mà lúc này ông được giải thoát.

Cái ngày mà ông cụ còn nghĩ như Sinh nhật kia đã tới và cả khách lạ nữa.

-- Để đưa anh ra trường bay. Anh đã thu xếp xong hành lý chưa?

-- Tôi chả có gì nhiều nhặn để mà thu xếp và tôi cũng không có va-li.

-- Để tôi đi kiếm một cái. Và ông ta làm như lời. Trong lúc ông ta đi, ông cụ quấn pho tượng gỗ vào cái áo khoác ngắn duy nhất của mình, bỏ áo vào va-li ngay khi người nọ mang tới rồi phủ lên bằng hai chiếc sơ-mi và mấy món đồ lót.

-- Anh chỉ có thế thôi à?

-- Ở tuổi tôi thì người ta cần ít lắm.

-- Anh mang cái gì trong túi thế?

-- Có mỗi một cuốn sách.

-- Cho tôi coi.

-- Sao vậy?

-- Tôi có lệnh.

Ông ta giật lấy cuốn sách khỏi tay ông cụ và coi trang tựa.

-- Anh không có quyền giữ thứ này. Làm sao nó lại lọt vào tay anh được?

-- Tôi có cuốn đó từ thời còn nhỏ.

-- Lẽ ra người ta phải tịch thu nó ngay trong bệnh viện. Tôi sẽ báo cáo chuyện này.

-- Chẳng phải lỗi tại ai cả. Chính tôi đã giấu nó đấy.

-- Anh được đưa vào trong lúc bất tỉnh. Anh không thể giấu được.

-- Chắc là lúc ấy người ta còn mải cứu sống tôi.

-- Tôi cho đó là bất cẩn ác ôn.

-- Tôi thì lại nhớ có người đã hỏi tôi cái gì thế. Tôi đã nói thực với họ. Một cuốn sách sử đời xưa.

-- Sử cấm. Cuốn này phải bỏ vào lò thiêu.

-- Cũng chẳng có gì quan trọng đến thế. Ông cụ nói. Ông đọc thử một chút coi. Ông sẽ thấy ngay.

-- Tôi không làm một điều như thế. Tôi trung với Đại tướng.

-- A. Dĩ nhiên là ông nói phải. Trung tín là một nhân đức lớn. Nhưng ông đừng lo ngại. Mấy năm nay tôi cũng không đọc gì nhiều. Những đoạn tôi ưa thích đã nằm trong đầu tôi đây, và đầu tôi thì không thể hỏa thiêu được.

-- Cái đó cũng chưa chắc. Kẻ kia đáp. Ấy là những lời cuối cùng của ông ta khi họ ra tới phi trường, và ở đấy mọi sự đã thay đổi lạ lùng.

 

 

2

 

Một viên sĩ quan mang sắc phục chào đón ông cụ một cách hết sức lễ độ khiến ông cụ cảm thấy như mình đang trở lại một quá khứ rất xa xôi. Viên sĩ quan còn chào ông cụ theo kiểu nhà binh. Ông ta nói:

-- Đại tướng yêu cầu tôi chúc cụ một chuyến đi thoải mái.

-- Thế nhà ông đưa tôi đi đâu?

Viên sĩ quan không đáp lại câu hỏi của ông cụ, nhưng lại hỏi người canh gác mặc đồ dân sự:

-- Hành lý của ông ta có thế thôi à?

-- Có thế thôi, nhưng tôi tước cuốn sách này.

-- Anh cho tôi coi.

Viên sĩ quan lật tới trang tựa. Ông ta nói:

-- Dĩ nhiên rồi, anh chỉ thi hành phận sự, nhưng thôi, cứ trả lại cho ông ta. Đây là trường hợp đặc biệt. Ông ta là khách của Đại tướng, và dầu sao đi nữa, một cuốn sách như thế cũng chẳng còn gì nguy hiểm lúc này.

-- Nhưng pháp luật...

-- Cả đến pháp luật cũng có thể trở nên lỗi thời.

Ông cụ lặp lại câu hỏi của mình dưới một dạng khác.

-- Thế là tôi sẽ bay trên đường bay nào đây?

-- Cả cụ nữa, thưa cụ, cụ cũng hơi lỗi thời. Lúc này chỉ có một đường bay -- Thế giới Hợp nhất.

-- Trời ơi, trời ơi, đã có biết bao nhiêu là thay đổi.

-- Thưa cụ, xin cụ đừng lo ngại, thời buổi đổi thay cũng đã qua rồi. Thế giới bây giờ đã ổn định và yên hàn cả. Không còn cần phải thay đổi nữa.

-- Thế ông đưa tôi đi đâu đây?

-- Tới một tỉnh nhỏ khác thôi. Chỉ có bốn giờ bay. Và trên máy bay riêng của Đại tướng.

Ấy là một chiếc máy bay thật khác thường. Có một chỗ có lẽ người ta có thể kêu bằng phòng khách với những chiếc ghế bành rộng rãi, vừa đủ cho sáu người, để có thể đổi lại thành giường ngủ: qua cánh cửa mở khi họ bước qua, ông cụ có thể thấy một cái phòng tắm -- đã bao năm rồi ông chưa thấy một cái phòng tắm thực sự (căn phòng nhỏ bé của ông chỉ có một cái vòi hoa sen) và ông cảm thấy thật thèm muốn được nằm dài ra hằng giờ sau đó trong làn nước ấm. Một quầy rượu phân cách những chiếc ghế với buồng hoa tiêu, và một tiếp viên hầu như khúm núm đã đưa mời ông một loạt những thức có vẻ như thức uống của mọi nước, nếu người ta còn có thể nói tới các nước trong cái Thế giới Hợp nhất này. Ngay đến bộ quần áo nghèo nàn của ông cụ dường như cũng không làm suy giảm sự cung kính của người tiếp viên. Rõ ràng là anh ta khúm núm với bất cứ người khách nào của Đại tướng cho dù anh ta có nghĩ kẻ kia không xứng hợp cách mấy.

Viên sĩ quan ngồi cách đó đôi chút như thể ông ta muốn kín đáo để ông cụ được yên với cuốn sách cấm, nhưng ông cụ còn cảm thấy mình thèm khát yên ổn và im lặng hơn nữa. Ông cụ đã hoàn toàn mỏi mệt vì chuyện bí ẩn của mọi sự, chuyện bí ẩn của căn phòng nhỏ nơi ông vừa rời khỏi, của cái căng thẳng có Trời biết là từ đâu tới, của cái máy bay sang trọng này và trên hết của cái phòng tắm... Đầu óc ông cụ, như vẫn thường thế, đuổi theo trí nhớ của ông, cái trí nhớ bỗng đứng khựng lại ở nơi tiếng động chát chúa hãi hùng này và bóng tối tiếp theo nó... đã bao năm trước? Như thể từ hồi nào tới giờ ông cụ đã hoàn toàn sống dưới một thứ thuốc mê chỉ mãi tới lúc này mới bắt đầu nhạt phai. Đột nhiên, trên chiếc máy bay riêng rộng lớn này, ông cụ rùng mình hãi sợ những hoài niệm nào đó đang chờ đợi ông nếu ông tỉnh lại. Ông cụ bắt đầu đọc cuốn sách của mình; cuốn sách, do thói quen sử dụng lâu ngày, tự động mở ra một đoạn mà ông đã thuộc lòng: «Người ở trong thế giới và tạo ra thế giới và thế giới không biết tới người.»

Tiếng người tiếp viên vang vang trong tai ông cụ:

-- Thưa cụ, cụ dùng một chút caviar, hay một ly vodka, hay cụ ưa dùng một ly rượu vang trắng không pha hơn?"

Không nhìn lên từ trang sách quen thuộc, ông cụ nói:

-- Không, không, cám ơn anh. Tôi không đói cũng không khát.

Tiếng va chạm của chiếc ly người tiếp viên di chuyển gợi lại một kỷ niệm. Bàn tay ông cụ tự ý ra sức đặt một vật gì đó xuống mặt bàn phía trước, và trong một lúc ông cụ nhìn thấy trước mặt mình đông đảo những kẻ lạ mặt đầu cúi xuống, có một khoảng im lặng sâu thẳm rồi tới cái tiếng động chát chúa kinh hoàng kia và bóng tối tiếp theo sau đó...

Tiếng người tiếp viên khiến ông cụ tỉnh lại. «Xin cụ cột giây đai an toàn. Chúng ta sẽ tới trong năm phút nữa.»

 

 

3

 

Một viên sĩ quan khác đứng đón ông cụ ở chân thang và đưa ông cụ tới một chiếc xe hơi lớn. Lễ nghi, sự lễ độ, xa hoa khua động những ký ức lẩn khuất. Lúc này ông cụ không còn cảm thấy ngạc nhiên: như thể ông đã trải qua tất cả những thứ ấy từ nhiều năm trước; một cách máy móc ông cụ đưa bàn tay phác một cử chỉ tự hạ và một câu nói buột ra khỏi miệng ông, «Tôi là một tôi tớ của những tôi tớ» và bị bỏ lửng khi cánh cửa đóng sập lại.

Họ lướt qua những đường phố vắng vẻ ngoại trừ một vài hàng người nối đuôi nhau bên ngoài mấy cửa tiệm. Ông cụ lại bắt đầu lẩm bẩm, «Tôi là một tôi tớ.» Bên ngoài khách sạn, viên giám đốc khách sạn đang chờ đón họ. Ông ta cúi đầu và nói với ông cụ:

-- Tôi rất hãnh diện được đón tiếp một vị khách riêng của Đại tướng. Hy vọng cụ sẽ có được mọi tiện nghi trong thời gian lưu trú ngắn ngủi tại đây. Cụ chỉ cần gọi...

Ông cụ ngỡ ngàng nhìn lên mười bốn tầng lầu. Ông hỏi:

-- Thế các ông giữ tôi lại đây bao lâu?

-- Thưa cụ, cụ được dành phòng có một đêm.

Viên sĩ quan vội vã xen vào:

-- Để ngày mai cụ có thể gặp Đại tướng. Đại tướng muốn cụ được nghỉ yên đêm nay sau cuộc hành trình của cụ.

Ông cụ tìm tòi ký ức và một cái tên trở lại. Như thể ký ức trở về với ông cụ bằng những mẩu rời rạc.

-- Đại tướng Megrim?

-- Thưa không. Đại tướng Megrim mất đã gần hai mươi năm rồi.

Một người gác cửa mặc đồng phục chào ông cụ khi họ bước vào khách sạn. Người quản gia đã sẵn sàng với chùm chìa khóa. Viên sĩ quan nói:

-- Thưa cụ, tôi xin cáo biệt cụ ở đây, và sáng mai tôi sẽ tới đón cụ đi lúc 11 giờ. Đại tướng sẽ gặp cụ vào 11g30.

Viên giám đốc khách sạn đưa ông cụ tới thang máy.

Sau khi cả hai đã rời xa không còn gì đáng ngại nữa, người quản gia quay lại hỏi viên sĩ quan:

-- Ông ta là ai thế? Khách của Đại tướng? Áo quần coi bộ nghèo lắm.

-- Ông ta là Giáo chủ.

-- Giáo chủ? Giáo chủ là cái gì? người quản gia hỏi, nhưng viên sĩ quan đã rời khỏi khách sạn, không đáp lại một lời.

 

 

4

 

Khi viên giám đốc khách sạn cáo biệt, ông cụ thấy rõ là mình đã hết sức mỏi mệt, nhưng dẫu vậy ông vẫn sửng sốt xem xét mọi vật chung quanh. Ông còn cảm thấy cả tấm nệm dầy cực kỳ êm ái của chiếc giường đôi lớn. Ông mở cửa buồng tắm và thấy một dẫy những chai lọ nho nhỏ. Vật duy nhất mà ông còn muốn tháo ra là pho tượng gỗ nhỏ ông đã giấu thật kỹ. Ông dựng nó lên tựa vào cái gương trên bàn trang sức. Ông liệng quần áo mình lên một chiếc ghế và rồi như thể tuân theo một mệnh lệnh nào đó đặt mình xuống giường. Giá như hiểu được chút gì trong những chuyện đang xẩy ra, hẳn là ông đã thấy không sao ngủ được, nhưng bởi không hiểu gì hết nên ông đã có thể chìm xuống tấm nệm dầy, nơi giấc ngủ tới ngay, và cùng với nó là một giấc mơ, một phần của giấc mơ đó ông hãy còn nhớ khi thức dậy.

Lúc ấy ông đã nói -- ông thấy mọi sự thật rõ ràng -- ở một thứ kho lúa vô cùng rộng lớn nào đó với một số khán giả không hơn vài chục người. Trên một vách tường có treo một cây thập giá bằng gỗ bị hủy hoại và một hình người thiếu mất một cánh tay, như pho tượng quấn trong va-li của ông. Ông không sao nhớ được những gì mình đã nói, vì những lời ấy nằm trong một thứ tiếng -- hay nhiều thứ tiếng -- mà ông không biết hoặc không thể nhớ. Cái kho lúa giảm lần tầm mức cho đến khi nó không còn lớn hơn căn phòng nhỏ ông đã rời bỏ, và trước mặt ông có một bà cụ già quỳ gối với một bé gái ở kế bên. Cô ta không quỳ gối, mà lại nhìn ông với một vẻ khinh thị dường như biểu lộ một ý nghĩ rõ ràng như thể cô ta đã nói lớn, «tôi chẳng hiểu lấy một chữ ông nói, mà tại sao ông lại không thể ăn nói đàng hoàng cho người ta hiểu?»

Ông cụ tỉnh dậy với một cảm giác thất bại khủng khiếp và thức nằm trên giường, cố gắng một cách tuyệt vọng để tìm một lối trở lại với giấc mơ và thốt ra một vài chữ mà cô bé kia có thể hiểu. Ông còn thử cả một vài chữ đó thật tình cờ nữa. «Pax», ông nói lớn, nhưng chữ ấy có lẽ cũng lạ xa đối với cô bé cũng như đã lạ xa đối với ông. Ông thử một chữ khác, «Yêu». Chữ này tới môi ông dễ dàng hơn, nhưng ông thấy chữ ấy lúc này dường như là một chữ quá thông dụng với ý nghĩa trái ngược. Ông nhận ra rằng chính ông, ông thực sự cũng không biết chữ ấy nghĩa là gì nữa. Ấy là một điều mà ông không dám chắc là mình đã từng trải. Có lẽ -- trước cái tiếng động chát chúa kỳ dị trong bóng tối tiếp theo sau -- có lẽ ông đã thoáng bắt được một gợi ý nào đó, nhưng cố nhiên nếu yêu mà có một tầm quan trọng thật sự nào thì hẳn một ký ức nhỏ bé về nó đã tồn tại.

Những ý nghĩ trăn trở của ông bị gián đoạn vì một người bồi phòng đã bước vào và đem tới cho ông một khay cà-phê và đủ mọi thứ bánh mì và bánh croissant mà ông không bao giờ thấy ở tiệm bánh nhỏ vẫn cung cấp cho ông nhũng thức ăn duy nhất mà ông thường dùng.

-- Thưa cụ, đại tá dặn tôi phải nhắc cụ là đại tá sẽ có mặt ở đây vào 11 giờ để đưa cụ tới gặp Đại tướng và quần áo cụ dùng vào dịp này để trong tủ áo. Nếu như cụ có quên mang theo trong lúc ra đi hơi vội vã thì đã có dao cạo và bàn chải và tất cả những gì cần dùng trong buồng tắm.

-- Quần áo của tôi vắt trên ghế. Ông cụ bảo người bồi phòng và thêm một câu nói đùa thân thiện: Tôi có tới đây mình trần đâu.

-- Những thức ấy tôi đã được lệnh lấy đi. Những thứ cụ cần nằm ở kia, anh ta chỉ vào cái tủ áo.

Ông cụ nhìn cái áo khoác ngắn và cái quần của ông, chiếc áo sơ mi, đôi vớ ngắn của ông, và đây không phải là lần đầu tiên, khi người bồi phòng hết sức thận trọng lượm chúng lên, ông cụ chợt nẩy ra ý nghĩ: quả thật chúng cũng cần giặt giũ. Ông cụ không thấy một lý do nào trong suốt những năm gần đây để phung phí chút ít trong món cấp dưỡng nhỏ của mình với tiệm giặt khi mà những người duy nhất thấy ông đều đặn là người bán bánh mì, những người được phái tới để canh chừng ông và thi thoảng một người láng giềng thường tránh nhìn về phía ông và còn băng qua bên kia đường để tránh gặp ông. Áo quần sạch sẽ có thể là một nhu cầu xã hội đối với những người khác, nhưng ông không có đời sống xã hội.

Người bồi phòng đã bỏ đi và ông cụ đứng đó với bộ quần áo lót trên người ngẫm nghĩ về sự bí ẩn của mọi sự. Thế rồi có tiếng gõ trên cửa và viên sĩ quan đã đưa ông tới bước vào.

-- Kìa cụ chưa mặc quần áo, lại cũng chưa ăn gì hết. Đại tướng trông chúng ta tới đúng giờ đấy.

-- Anh dọn phòng lấy quần áo của tôi đi rồi.

-- Quần áo của cụ ở trong tủ áo.

Ông ta mở tung cánh cửa tủ ra và ông cụ nhìn thấy một tấm áo lễ trắng và một chiếc áo khoác trắng treo ở đấy. Ông cụ nói:

-- Ô hay? Thế các người đòi gì? Tôi đâu có quyền...

-- Đại tướng muốn làm vinh dự cho cụ. Chính Đại tướng cũng sẽ mang sắc phục đầy đủ. Lại còn cả một đội quân danh dự chờ cụ nữa. Cụ cũng phải mang sắc phục của cụ chứ.

-- Sắc phục của tôi?

-- Cụ cạo râu lẹ lên. Gần như chắc chắn là sẽ có những nhiếp ảnh viên cho báo chí thế giới. Báo chí Thế giới Hợp nhất.

Ông cụ tuân lệnh và trong lúc bối rối lẫn lộn đã cắt phải nhiều chỗ trên người. Rồi miễn cưỡng ông khoác tấm áo dài trắng và tấm áo choàng lên. Trên cửa tủ có một tấm gương dài và ông cụ kêu lên ghê rợn:

-- Trông tôi như một ông cụ đạo.

-- Thì cụ là cố đạo chứ còn gì nữa. Những chiếc áo này là của Viện Bảo tàng Thế giới các Huyền thoại cho mượn để dùng vào dịp này. Nào, cụ đưa bàn tay ra.

Ông cụ tuân lệnh. Nhà cầm quyền đã nói. Viên sĩ quan chuồi một chiếc nhẫn vào ngón tay ông. Ông ta nói:

-- Viện Bảo tàng không chịu cho chúng tôi mượn chiếc nhẫn, nhưng Đại tướng đã khẩn khoản yêu cầu. Đây là một dịp sẽ không bao giờ còn lặp lại nữa. Mời cụ theo tôi.

Khi họ sắp sửa ra đi, viên sĩ quan bắt gặp cái vật bằng gỗ ở trên bàn gương. Ông ta nói:

-- Không khi nào họ lại chịu cho cụ mang thứ ấy theo đâu.

Ông cụ không muốn gây phiền nhiễu cho ai cả. Ông nói:

-- Tôi sẽ giấu kỹ.

-- Không sao. Tôi dám chắc viện Bảo tàng có nó sẽ vui thích lắm.

-- Tôi muốn giữ lại.

-- Chắc cụ cũng chả còn cần dùng tới sau khi gặp Đại tướng.

 

 

5

 

Họ phóng xe qua nhiều đường phố vắng vẻ lạ lùng trước khi tới một quảng trường. Ở phía trước một nơi ngày xưa có thể đã từng là một cung điện, một toán lính đã sắp thành hàng ngay ngắn và chiếc xe hơi dừng lại ở đó. Viên sĩ quan nói với ông cụ:

-- Ta xuống đây. Cụ đừng hoảng hốt. Đại tướng muốn bày tỏ với cụ lễ nghi quân cách xứng với một vị quốc trưởng.

-- Quốc trưởng? Tôi không hiểu.

-- Xin mời cụ đi trước.

Ông cụ có lẽ đã vấp té trên tấm áo dài nếu như không có viên sĩ quan nắm chặt cánh tay ông. Trong lúc ông đứng thẳng người lại có một âm thanh vang động đổ sập và ông lại gần như ngã xuống. Như thể cái âm thanh chát chúa mà ông đã từng nghe một lần trước kia, trước khi bóng tối dài dặc bao trùm lấy ông trong những vết gấp, lúc này lại được nhân ra cả chục lần. Tiếng sập xuống dường như xẻ đầu ông ra làm hai và nơi kẽ nứt ấy ký ức của một đời người bắt đầu đổ vào ào ạt. Ông lặp lại:

-- Tôi không hiểu.

-- Để chào mừng cụ.

Ông cụ nhìn xuống chân mình và thấy vết gấp của tấm áo lễ. Ông cụ nhìn vào tay mình và thấy chiếc nhẫn. Có tiếng va chạm của kim khí. Những người lính bồng súng chào.

 

 

6

 

Đại tướng chào đón ông cụ thật lễ độ và vào thẳng vấn đề.

-- Tôi muốn anh hiểu rằng tôi hoàn toàn không có trách nhiệm gì trong mưu toan sát hại anh. Ấy là một sai lầm nghiêm trọng của một trong những người tiền nhiệm của tôi, một Đại tướng Megrim. Những lỗi lầm như thế thật dễ dàng phạm phải trong những giai đoạn sau của một cuộc cách mạng. Chúng tôi đã mất một trăm năm mới thiết lập được nhà nước thế giới và hòa bình thế giới. Ở vị trí của ông ta, ông ta sợ anh và mấy kẻ còn theo anh lúc đó.

-- Sợ tôi?

-- Phải. Chắc anh cũng nhận thấy là Nhà thờ của anh trong suốt dòng lịch sử đã chịu trách nhiệm về nhiều cuộc chiến tranh. Rốt cuộc chúng tôi đã hủy bỏ chiến tranh.

-- Nhưng ông là một Đại tướng. Tôi thấy ở bên ngoài có một số binh lính.

-- Họ còn lại như những người gìn giữ hòa bình thế giới. Có lẽ trong một trăm năm nữa họ sẽ thôi không hiện hữu hệt như Nhà thờ của anh đã thôi không hiện hữu.

-- Giáo hội không còn hiện hữu ư? Trí nhớ của tôi đã suy yếu từ lâu rồi.

-- Anh là người Cơ-đốc giáo cuối cùng còn sống. Ông Đại tướng nói. Anh là một nhân vật lịch sử. Vì lẽ đó mà tôi muốn tôn vinh anh vào lúc chót.

Ông Đại tướng lấy ra một cái hộp đựng thuốc điếu và mời:

-- Mời anh dùng thuốc với tôi, Giáo chủ Gion. Xin lỗi, tôi quên mất số. Có phải XXIX?

-- Giáo chủ? Tôi rất tiếc là tôi không hút thuốc. Tại sao ông lại gọi tôi là Giáo chủ?

-- Giáo chủ cuối cùng nhưng vẫn là một Giáo chủ. Ông Đại tướng đốt một điếu thuốc rồi tiếp tục. Anh cần phải hiểu là chúng tôi không có điều gì chống đối cá nhân anh hết. Anh ở một địa vị cao cả. Chúng ta cùng chia sẻ khá nhiều tham vọng không khác gì nhau. Chúng ta có rất nhiều điều chung với nhau. Ấy là một trong những lý do khiến Đại tướng Megrim đã coi anh như một địch thủ nguy hiểm. Bao lâu anh còn người theo, anh còn đại biểu cho một chọn lựa thay thế. Bao lâu còn một chọn lựa thay thế thì lúc nào cũng có chiến tranh. Tôi không đồng ý với cái phương pháp ông ta sử dụng. Bắn anh một cách lén lút như thế trong lúc anh đang -- anh gọi cái đó là gì nhỉ?

-- Đọc kinh?

-- Không, không. Đó là một cái nghi thức công cộng đã bị pháp luật cấm.

Ông cụ cảm thấy chính mình cũng bí.

-- Làm lễ Mi-sa? Ông hỏi.

-- Phải, phải, chắc là cái chữ ấy đó. Cái phiền với những chuyện ông ta sắp đặt là nó rất có thể đã biến anh thành một kẻ tử đạo và làm chậm trễ kế hoạch của chúng tôi không ít. Quả thực là chỉ có khoảng chục người tham dự cái -- anh gọi là gì nhỉ? -- lễ Mi-sa. Nhưng phương pháp của ông ta khá phiêu lưu. Người kế vị Tướng Megrim đã nhận ra điều ấy, và tôi cũng đã theo đuổi cùng một đường lối lặng lẽ hơn. Chúng tôi đã cấp dưỡng cho anh sống. Chúng tôi không bao giờ cho phép báo chí nhắc tới anh dẫu chỉ là «thi thoảng», hoặc tới cuộc sống ẩn dật lặng lẽ của anh.

-- Tôi hoàn toàn không hiểu. Ông bỏ lỗi cho. Tôi chỉ mới bắt đầu nhớ lại. Khi bộ đội của ông nổ súng vừa rồi...

-- Chúng tôi đã bảo tồn anh là vì anh là người lãnh đạo cuối cùng của những kẻ hãy còn tự kêu mình bằng tín hữu Cơ-đốc. Những kẻ khác đã bỏ cuộc không khó khăn gì lắm. Ôi cả một đống kỳ dị những cái tên -- Những kẻ làm chứng của Giê-hô-va, Tin lành Luther, Tin lành Calvin, Anh quốc giáo. Tất cả đều lần lượt lụi tàn theo năm tháng. «Lô» của anh tự gọi mình là Công giáo như thể họ giành quyền đại diện cho cả chùm mặc dù họ chống phá những kẻ kia. Về phương diện lịch sử tôi cho rằng các anh là những người đầu tiên tự sắp đặt thành tổ chức và nêu rõ là mình theo chân người thợ mộc Do-thái huyền thoại nọ.

Ông cụ nói:

-- Tôi vẫn không hiểu làm sao cánh tay người bị gãy.

-- Cánh tay người?

-- Xin lỗi. Đầu óc tôi nó lang bang.

-- Chúng tôi để lại những gì còn lại của anh cho đến lúc chót là vì anh vẫn còn có đôi kẻ theo anh và vì chúng ta quả đã có chung với nhau một số mục tiêu nào đó. Hòa bình thế giới, hủy diệt nghèo đói. Đã có một thời chúng tôi có thể sử dụng anh. Sử dụng anh để diệt trừ cái ý niệm các quốc gia dân tộc, vì một toàn thể lớn hơn. Anh đã không còn là một mối hiểm nguy thực sự, điều đó khiến hành động của Đại tướng Megrim là không cần thiết -- hay dẫu sao thời cũng hãy còn non yểu. Bây giờ chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa: tất cả cái vô nghĩa này đã chấm dứt, đã bị quên lãng. Anh không có người theo, Giáo chủ Gion. Tôi đã cho người canh chừng anh thật kỹ trong suốt hai mươi năm qua. Không có lấy một kẻ nào đã tìm cách tiếp xúc với anh. Anh không có quyền bính và thế giới lúc này là một và yên ổn. Anh không còn là một địch thủ đáng ngại. Tôi thật rất lấy làm tiếc cho anh, là vì những năm tháng ở cái căn buồng trọ của anh chắc chắn là đã dài lê thê và tẻ nhạt. Theo một cách nào đó một niềm tin cũng tựa như tuổi già. Nó không thể kéo dài mãi. Chủ nghĩa cộng sản đã già và đã chết, chủ nghĩa đế quốc cũng thế. Cơ-đốc giáo cũng đã chết, ngoại trừ anh. Tôi chắc anh là một Giáo chủ tốt cũng như mọi giáo chủ thôi, và tôi muốn dành cho anh cái vinh dự không giữ anh ở lại trong những hoàn cảnh bi thảm này nữa.

-- Ông thật là tử tế. Nhưng những hoàn cảnh ấy cũng không đến nỗi bi thảm như ông tưởng. Tôi có một người bạn với tôi. Tôi có thể trò chuyện cùng người.

-- Anh muốn nói cái quái gì thế? Anh có một mình. Ngay cả khi anh bước chân ra khỏi cửa để đi mua bánh mì anh cũng chỉ có một mình.

-- Người vẫn chờ tôi khi tôi trở lại. Tôi chỉ ao ước giá cánh tay người không bị gãy.

-- À, té ra là anh đang nói tới cái tượng gỗ đó. Viện Bảo tàng các Huyền thoại sẽ hồ hởi bổ sung nó vào bộ sưu tập. Nhưng bây giờ đã đến lúc nói tới những chuyện nghiêm trang đứng đắn, chứ không phải những huyền thoại. Anh thấy cái món vũ khí mà tôi đang để trên bàn đây chứ. Tôi không tin ở chuyện để cho con người ta phải khổ một cách không cần thiết. Tôi tôn trọng anh. Tôi không phải Đại tướng Megrim. Tôi muốn anh chết đường hoàng với phẩm cách con người. Người Cơ-đốc giáo cuối cùng. Đây là một giờ phút lịch sử.

-- Ông có ý định giết tôi?

-- Phải.

Ông cụ cảm thấy mình như được giải thoát, chứ không phải sợ hãi. Ông nói:

-- Thế là ông sẽ đưa tôi tới nơi tôi vẫn thường muốn tới trong suốt hai mươi năm qua.

-- Vào bóng tối?

-- Hỡi ôi, bóng tối mà tôi từng biết tới không phải là sự chết. Mà chỉ là sự thiếu ánh sáng. Ông sẽ đưa tôi vào ánh sáng. Tôi đội ơn ông.

-- Tôi đã hy vọng là anh sẽ dùng một bữa chót với tôi. Như một thứ biểu tượng. Một biểu tượng của tình hữu nghị cuối cùng giữa hai kẻ sinh ra để là thù địch với nhau.

-- Ông miễn thứ cho, nhưng tôi không đói. Xin cứ tiến hành cuộc hành quyết.

-- Ít nhất thì anh cũng hãy dùng ly rượu vang này với tôi, Giáo chủ Gion.

-- Đa tạ. Tôi sẽ nhận chén ấy.

Ông Đại tướng rót rượu ra hai cái ly. Bàn tay ông rung rung khi ông dốc cạn chiếc ly của mình. Ông cụ nâng ly lên như để chào. Ông cụ nói bằng một giọng trầm trầm mấy chữ mà ông Đại tướng không nghe ra được hết, bằng một thứ tiếng mà ông tướng không hiểu được. «Corpus domini nostri...»* Ông tướng nổ súng trong lúc địch thủ Cơ-đốc giáo cuối cùng của ông uống.

Giữa cái nhấn cò và phát đạn nổ tung, một nỗi hoài nghi kỳ dị và hãi hùng vụt qua đầu óc ông: liệu những gì ông cụ này tin có thể nào có thực được chăng?

 

 

-------------------------------------------------------

Ghi chú của dịch giả:

* Tiếng la-tinh: "Mình thánh Chúa chúng tôi..."

 

GRAHAM GREENE (1904-1991), nhà văn Anh, tác giả Người Mỹ trầm lặng, có lẽ không phải là người xa lạ đối với dân Việt-nam hoặc người đọc văn chương thế giới ở thế kỷ XX. Truyện ngắn «Lời cuối cùng» xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Independent ở Anh chỉ 3 năm trước khi ông mất.

Người dịch truyện là một đứa trẻ hơn mười tuổi khi Graham Greene tới thăm một ngôi giáo đường cổ kính ở phía bắc Việt-nam trong thời chiến tranh Pháp-Việt. Và y đã có dịp đưa nhà văn đi một khoảng đường thanh vắng giữa những cánh đồng và một con kênh đào... Y bồi hồi nhớ tới những người «trong cuộc» lúc ấy: Linh mục Bỉ Dieudonné Bourguignon (Lê Hữu Bửu) và Graham Greene, bây giờ có lẽ đã gặp lại được nhau và đang nối lại một câu chuyện nhỏ nhẹ, nhưng sôi nổi... -- và sự tin cẩn mà họ đặt nơi một đứa trẻ nay cũng đã rất gần họ trên đường về.. nhà Cha ta. Requiescant in pace!


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021