thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lữ Bố và Hội Nhà Văn

 

Hẳn bạn đọc sẽ ngạc nhiên khi thấy cái nhan đề này và sẽ cho tôi là lẩm cẩm. Lữ Bố, danh tướng nhà Đông Hán bên Tàu, thì ăn nhập gì tới cái Hội Nhà văn của thi hào Hữu Thỉnh. Có đấy. Tôi xin nói đầu đuôi:

Tuổi càng về chiều, tôi càng tin vào thuyết “Lỗ hổng thời gian”. Theo thuyết này, “Lỗ hổng thời gian” là hiện tượng tồn tại khách quan trong thế giới vật chất, không nhìn và cũng không sờ thấy được. Nó vừa đóng lại vừa mở. Sự đóng, mở của nó dẫn tới hiện tượng mất tích hoặc tái xuất hiện. Tôi tình cờ biết được một câu chuyện thú vị xảy ra năm 2006. Đó là chuyện về một gã trộm cố gắng thoát khỏi sự truy đuổi của nhân viên công lực trong một khu phố ở Luân Đôn. Đang chạy trốn, anh ta đột nhiên không thấy cảnh sát đâu. Nhẹ nhõm chưa được vài phút thì anh ta đâm bối rối vì cảnh vật trước mắt chỉ toàn là những xe cộ cũ kỹ và người dân mặc y phục khá xưa. Hỏi người qua đường, anh ta mới biết mình đang ở vào năm 1967, nghĩa là đã đi lùi thời gian 40 năm. Hốt hoảng, anh ta đi ngược lại và một lúc sau may mắn trở lại được thời điểm 2006. Thế là cảnh sát tóm gọn anh ta.

Không biết câu chuyện trên có thực hư thế nào nhưng câu chuyện tôi sắp kể là hoàn toàn có thực. Đó là vào một buổi sáng lạnh lẽo, cách đây một năm, trong khi rảo bước trên một con đường vắng, tôi bất ngờ thấy từ đám sương mù xa xa một con tuấn mã phóng như bay rồi dừng lại trước mặt tôi. Ngồi trên lưng ngựa là một người có vẻ ngoài kỳ lạ: đầu búi tóc, đội kim quan, mình mặc chiến bào đỏ rực, ngoài khoác áo giáp, lưng đeo bộ cung tên bạc, tay cầm kích, trông có vẻ oai phong, dũng mãnh vô cùng. Vẻ đầy ngạc nhiên, ông ta hỏi tôi: “Tôi đang ở đâu đây?”

“Ông đang ở thế kỷ 21,” tôi đáp. “Ông là ai?”

“Tôi là Lữ Bố, tự là Phụng Tiên. Tôi đang rượt đuổi Trương Phi. Tay đấy quá hèn, mới đánh một hiệp đã bỏ chạy. Chỉ được cái to mồm.”

“Thì ra ông là Lữ Bố,” tôi ồ lên thích thú. “Nghe danh đã lâu nay mới gặp mặt. Ông nói đúng. Không chỉ Trương Phi mà cả ba anh em nhà đấy đều hèn, không dám một chọi một, chỉ giỏi đánh hôi. Tôi đã đọc ‘Tam Anh chiến Lữ Bố’ nên biết rõ việc tướng quân một mình đánh ngang ngửa với cả ba anh em Lưu Bị.”

(Trường hợp Lữ Bố giống trường hợp tên trộm ở Luân Đôn là họ đều rơi vào “Lỗ hỗng thời gian”. Khác chăng chính là tên trộm rơi vào quá khứ còn Lữ Bố ngược tới tương lai. Albert Einstein hoàn toàn đúng khi cho rằng thời gian không chuyển động theo một hướng, mà cả quá khứ, hiện tại và tương lai đồng thời tồn tại.)

“Ông đi đâu vậy? Có cách nào giúp tôi trở về hạ Trương Phi không?” Lữ Bố hỏi tôi, vẻ sốt ruột.

Tôi đáp: “Tôi đang đi tới Hội Nhà Văn. Theo tôi, tướng quân đến từ đám sương mù đằng kia thì nên đi ngược lại đấy, biết đâu sẽ đúng như ý.”

Lữ Bố cảm ơn rồi làm theo lời tôi. Chẳng mấy chốc chàng Achilles của Trung Hoa đã hoàn toàn mất hút sau màn sương dày đặc.

 

o0o

 

Với cuộc gặp bất ngờ với Lữ Bố, tôi cho rằng mình đã rất may mắn khi tận mắt nhìn thấy vị danh tướng bằng xương bằng thịt chứ không qua tranh ảnh như bao người khác. Đã thế còn được chuyện trò với ông ta. Vậy mà may mắn ấy lại sớm đến với tôi một lần nữa. Thực vậy, chỉ vài tháng sau lần gặp gỡ thú vị ấy, tôi lại có dịp hội ngộ Lữ tướng quân. Sáng hôm ấy, một sớm mùa xuân lạnh lẽo, trong khi đi dạo trên con đường vắng hôm nào, tôi bất ngờ bị một đám sương dày đặc nuốt chửng (lại sương mù). Ra khỏi đám sương kỳ lạ ấy, tôi vô cùng bối rối khi thấy mình đang đứng giữa một thảo nguyên mênh mông. Hà Nội thì làm gì có thảo nguyên mênh mông. Tôi đang ở đâu?

Tôi đang tràn ngập nỗi hoang mang thì chợt thấy vị đại nhân hôm nọ thong dong cỡi ngựa đến trước mặt tôi. Ông không đi một mình. Ngồi trong lòng ông là một cô nương vô cùng xinh đẹp. Sắc đẹp của nàng có thể làm say đắm mọi gã đàn ông trên đời này.

“Lại là ông đấy sao?” Lữ Bố tròn xoe mắt.

Tôi đáp: “Là tôi đây. Không ngờ lại gặp tướng quân. Vậy là tướng quân lại bị lạc vào thế kỷ 21 sao?”

“Không phải tôi mà là chính ông,” Lữ Bố cười ồ. “Ông đang lạc vào thời đại của tôi.”

“Thế ư?” tôi chưng hửng. “Lát nữa có lẽ tôi sẽ đi ngược vào đám sương mù kia để trở về thời đại của mình. Nhân tiện, xin hỏi quý nương đây có phải là Điêu Thuyền không?”

“Chính là nàng, người yêu dấu của tôi.” Lữ Bố tự hào.

Điêu Thuyền mỉm cười chào tôi. Ôi, nụ cười đẹp mê hồn.

“Tướng quân thật hạnh phúc được sở hữu bậc giai nhân tuyệt sắc, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa. Thiết tưởng quý nương rất thích hợp với câu thơ mà kẻ hậu sinh Lý Bạch làm tặng Dương Quí Phi:

Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung

Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.”

(xin dịch:
Dung nhan thắm tựa mây hoa
Gió xuân man mác, sương sa nồng nàn)

“Ông ăn nói văn vẻ quá. Chắc ông đang đi tới Hội Nhà Văn của ông?” Lữ Bố hỏi.

Tôi lắc đầu: “Không đâu. Cái hội dở hơi ấy rã đám rồi. Tôi và các hội viên đều đã xin ra, chỉ còn ông chủ tịch ngồi thổi kèn một mình.”

“Ra thế.” Lữ Bố cười nhếch mép. Ngay khi đó một chú ruồi nhặng từ đâu bay tới đậu lên đầu con tuấn mã. Lữ Bố khẽ vỗ chết con ruồi rồi đưa nó cho tôi: “Khi nào về, xin ông vui lòng gửi hộ tôi món quà nhỏ này đến ngài chủ tịch Hội Nhà Văn, để ông ta bầu bạn cho bớt nỗi cô đơn.”

Xong, Lữ Bố và Điêu Thuyền chào từ biệt tôi rồi dong ngựa ra đi. Nhìn họ khuất dần cuối chân trời mà tôi cảm thấy một nỗi buồn, nỗi buồn muôn thuở của kiếp người. Anh hùng hay mỹ nhân rồi cũng phải một ngày chia tay thế giới này. Bạn và tôi cũng thế. Chẳng ai bất tử trên cõi đời.

Có lẽ chỉ tiếng kèn sầu thảm của Hữu Thỉnh tiên sinh là sống mãi với thời gian!

 

 

------------
Đã đăng:
... Rồi tôi trở lại vào máy thời gian, bấm “Trung Hoa 1989”. Sau một thoáng hầu như tê liệt, tôi chợt thấy mình đang ở trong một quảng trường rộng lớn tên là Thiên An Môn. Ở đây đang tập trung hàng vạn thanh niên, nam có, nữ có. Tôi hỏi họ: - Chuyện gì đang xảy ra vậy?... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021