thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyến tàu 5 giờ 22
(Lã Việt dịch / Tiền Vệ hiệu đính)

 

Ðã hơn một năm nay mỗi ngày Walter Mason và người đàn bà một tai lại gật đầu chào nhau vào khoảng 5 giờ 22 chiều, khi chuyến tàu Western Local vừa ghé vào trạm Lincoln. Lúc anh ôm cặp bước xuống toa thì nàng cũng đang đứng gần cuối dãy hành khách dưới sân ga chờ đợi lên tàu. Vào những hôm mưa hoặc tuyết nhẹ, nàng thường dùng tờ báo để che đầu. Đôi khi nàng ngửa mặt lên trời, hé nhẹ đôi môi như thể khát nước vậy. Những ngày mưa lớn thì nàng che một chiếc dù nhỏ màu vàng trong khi những hành khách khác trú mưa dưới mái hiên của các cửa tiệm gần đấy. Nàng luôn mang trên tay một cái túi mua hàng màu trắng đầy cứng nhưng khó có thể đoán được bên trong là gì.

Nàng có một làn da sẫm, có lẽ là gốc người Ðịa Trung Hải hay Trung Ðông. Nàng ăn mặc cũng như bất cứ một người phụ nữ Mỹ bình thường: áo váy hoặc quần tây và áo len, nhưng lúc nào nàng cũng choàng một chiếc khăn sặc sỡ quanh đầu một cách kỹ lưỡng khiến Walter có cảm tưởng giống như người ta gói một bó hoa hay một món quà.

Dĩ nhiên chiếc khăn được dùng để che đậy cái vành tai phải bị mất, Walter nghĩ vậy. Anh chẳng bao giờ biết được cái vết sẹo ấy nếu không có cơn gió lốc trong một buổi chiều bất thình lình thổi cái khăn choàng bay khỏi mái đầu nàng. Nàng đánh rơi chiếc ví và cái túi mua hàng, luống cuống cài vội chiếc khăn dưới cằm. Nàng ngẩng lên và bắt gặp cái nhìn chằm chặp của anh. Anh biết là mình hơi vô duyên nên vội liếc đi nơi khác. Chẳng biết điều gì đã khiến anh nhìn nàng đúng ngay trong khoảng vài giây khi chiếc khăn màu huyết dụ bị gió hất tung, lộ ra vết sẹo to chạy vắt qua nơi cái vành tai đã không còn ở đấy nữa.

Walter chẳng bận tâm mấy khi người đàn bà không xuất hiện trên sân ga hôm thứ Hai tuần sau. Nàng đã vắng mặt vài lần năm ngoái – anh nhớ chắc là hai lần. Nhưng đó là những lần có bão tuyết chứ không phải vào một ngày xuân nắng ấm như hôm nay, anh nhớ ra điều này khi băng ngang qua bãi đậu xe lổn ngổn bụi đất. Anh mở cửa chiếc xe Saab để hơi nóng trong ngày toả bớt khỏi xe. Bất chợt anh nghĩ: hay là nàng không xuất hiện vì anh đã nhìn thấy cái vành tai bị mất của nàng hôm thứ Sáu vừa qua. Walter cảm thấy vui vui khi nghĩ rằng nàng là một người bẽn lẽn. Chính anh cũng thuộc loại người nhút nhát. Anh vẫn chưa vợ mặc dù đã 47 tuổi và thích có vợ – ngay điều này đã bộc lộ được cái tính cách của sự dè dặt. Anh đã từng hào hứng tham gia vào những vụ mai mối do những bà đồng nghiệp đã có gia đình cố gắng hết mình dàn xếp cho anh. Những mối ấy rốt cuộc chỉ kết thúc chóng vánh, nói đúng hơn, chúng chỉ là những lần gặp mặt của hai con người xa lạ đang đi tìm một điều gì đó khác hơn là điều họ tìm được từ nhau.

Anh tìm điều gì ở một phụ nữ? Dịu dàng là điều trước hết trong danh sách của anh, một đầu óc cởi mở (nhưng không phải là loại người không có lập trường), và có lẽ là một cảm nhận về sự nhỏ bé của con người trong thế giới bao la này. Một khả năng lập ra trật tự trong đời sống cũng cần thiết cho một người vợ. Anh đã viết xuống những đặc điểm này để hướng dẫn cho những bà mai trong sở, nhưng chúng cũng chẳng giúp được gì cho anh cả. Các bà ấy chỉ quan tâm đến ý thích của anh về chiều cao, trọng lượng, nghề nghiệp và những đèo bòng của cuộc hôn nhân trước như con cái chẳng hạn. Anh cũng lấy làm lạ là trước đây mình chẳng bao giờ nghĩ đến những điều ấy. Anh chẳng quan tâm mấy đến hình dáng, nghề nghiệp cũng như ràng buộc hôn nhân, cũng như anh hi vọng tìm được một người đàn bà nào đó không quan tâm lắm cái thân hình kém thể thao của anh, hoặc cái công việc không xứng đáng với những bằng cấp mà anh có được, cũng như không thắc mắc tại sao đến giờ anh vẫn còn đơn thân độc mã. Anh không cố tình che đậy những sợi tóc bạc trên đầu cũng như chẳng ráng mặc những bộ áo kiểu cách nhằm dấu bớt sự dư thừa của thân thể mình. Dù anh không mấy hãnh diện với tình trạng của mình, ít ra anh cũng cảm thấy dễ chịu với chính bản thân. Nhưng nếu mình chỉ còn có một tai, anh tự hỏi, thì mình phải làm gì để che giấu cái bí mật khủng khiếp đó nếu không có chiếc khăn choàng đầu?

Khi người đàn bà không xuất hiện vào thứ Ba, Walter chắc rằng là nàng đã lấy một tuần nghỉ phép. Mỗi ngày khi chuyến tàu cặp trạm lúc 5 giờ 22 và nàng không có mặt càng củng cố thêm cái giả thuyết của anh. Đến thứ Năm khi cơn mưa lạnh tràn về trong vùng thì Walter bắt gặp mình đang lo buồn cho chuyến nghỉ phép của nàng đang bị thời tiết xấu phá hỏng. Dẫu sao, cũng có thể nàng là loại người thích đọc sách và không lấy gì làm buồn phiền khi phải nằm nhà. Hôm Chủ Nhật, khi anh lật qua mục điểm sách của tờ New York Times anh lại liên tưởng đến những cuốn sách mà nàng đang đọc, có lẽ là một cuốn sách về các món ăn nước ngoài như Học nấu ăn kiểu Ấn chẳng hạn, hoặc là những tập truyện ngắn diễm tình như Chăn gối đàn bà. Bất chợt anh hình dung nàng giống như người đàn bà trên trang bìa của cuốn sách ấy, với mái tóc dài xoả kín chiếc gối và một đầu nhũ hoa nhú ra khỏi tấm chăn.

Vì một cảm giác mong ngóng bồn chồn nên vào ngày thứ Hai của tuần kế tiếp Walter rời chỗ ngồi quen thuộc của mình và vội vã bước dọc theo lối đi giữa hai hàng ghế ngay cả trước khi đoàn tàu bắt đầu chầm chậm tiến vào trạm Lincoln. Khi anh với tay đến cánh cửa toa nặng nề thì cũng là lúc Mel, người soát vé, mở cửa bước vào từ toa kế “Trạm tới là Lincoln, trạm tới là Lincoln”, ông gọi lớn.

Walter lách người chen qua Mel để có thể nhìn rõ hơn phía dưới ga. “Làm gì như phải bỏng thế?” Mel hỏi.

“Không có gì,” Walter khẽ nhún vai trả lời. “Tôi chỉ… đang đợi người quen.”

Mel nháy mắt với anh, làm Walter hơi ngượng. Đoàn tàu từ từ vượt qua bảng báo hiệu ở đường Concord, anh nhoài người ra khỏi cửa, lướt nhìn đám hành khách đang đợi tàu. Người đàn bà một tai không có ở đó.

“Cẩn thận, kẻo vấp,” Mel dặn chừng khi Walter bước xuống bậc thang, và câu nói đó tái khẳng định với anh rằng luôn luôn có người canh chừng cho sự an toàn của anh. Anh bước chầm chậm xuyên qua bãi đậu xe và ngoái đầu nhìn lại thử xem người đàn bà ấy có vội chạy ra từ một trong các cửa hàng ở ga. Một khoảnh khắc sau đó, đoàn tàu lăn bánh không có nàng.

Tại sao anh lại quá thất vọng như vậy? Đó không phải là một sự cám dỗ xác thịt, Walter đoan chắc như vậy, nếu không thì nó quá tinh tế đến độ anh không nhận ra. Nói thẳng ra, anh không thấy nàng quá hấp dẫn. Anh cho rằng ở một thời khác chắc hẳn nàng phải được xem là một người phụ nữ đẹp. Nhưng anh lại không thích loại phụ nữ đẹp với khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt to, gò má cao. Những người đàn ông khác có thể xem nàng là bí ẩn và, vì thế, hấp dẫn. Nhưng Walter lại không thích sự bí mật. Cái câu hỏi đơn giản “Nếu như…?” có thể đem đến nhiều điều phiền toái.

Anh chắc rằng mình không bị quyến rũ bởi ngoại hình của nàng, bằng chứng là anh chưa bao giờ cố bắt chuyện với nàng. Bởi vì nếu anh ngấm ngầm ham muốn nàng, anh đã có thể làm một cử chỉ nho nhỏ nào đó để đưa đến sự thân mật -- một lời chào, một nụ cười hoặc có lẽ ngay cả nói "hôm nay vui nhé." Không, không phải câu chúc hỗn hào ấy. Anh là ai mà lại dùng cái câu nói kiểu trịch thượng ấy với nàng? “Tôi hy vọng cô có một ngày vui” -- nói như thế mới hoàn toàn thích nghi. Vả lại, có biết bao cách chào hỏi khi đi ngang qua nàng. Nhưng có thể nàng sẽ không nghe thấy, hoặc có thể nàng sẽ hiểu lầm. Anh nghĩ mình không nên bắt chuyện trên sân ga, tốt hơn là hôm nào đó anh cứ ngồi ngay ở khoảng giữa toa tàu -- chỗ nàng vẫn thường ngồi -- nơi người ta xếp hai hàng ghế giáp lưng nhau. Nàng sẽ len vào ghế của mình, không hề để ý thấy anh trước mặt.

Walter cảm thấy lo lắng khi đã gần hai tuần mà người đàn bà vẫn vắng mặt. Nhiều lần anh mất tập trung, mà khả năng tập trung chính là một ưu điểm nổi bật của anh tại sở làm. Có lần, một đồng nghiệp đánh bạo vỗ vào vai anh mà hỏi “Mộng ngày hả, Walter?” “Không,” anh nhẹ nhàng trả lời, “tôi đang suy nghĩ.” Đúng là anh đang suy nghĩ. Anh đang nghĩ tại sao người ta lại lấy phép vào cuối tháng Ba, ai cũng biết rằng đó là mùa bùn lầy lội. Đương nhiên là cũng có những giả thuyết khác. Có lẽ nàng đang đi nghỉ ở một hòn đảo ấm nào đó. Hoặc đơn giản người đàn bà một tai ấy đã trở về quê quán, hoặc dọn đi nơi mới. Hoặc là nàng không đi chuyến xe lúc 5 giờ 22 nữa.

Đến thứ Năm thì Walter quyết định dò hỏi, trước hết là Mel. Người soát vé biết một điều gì đó về mỗi hành khách của ông, và có thói quen chia sẻ những thông tin ấy, một cách tế nhị, trong lúc đi lên đi xuống dọc theo toa xe. Ví dụ như với một cái gật đầu và vài lời nói khéo léo, Mel tiết lộ với cô hành khách độc thân rằng James, một cố vấn đầu tư, vừa mới được thăng chức và đang tìm ý trung nhân. Tuy nhiên, Kelly -- cô gái trẻ với đôi mắt nâu buồn -- lại khăng khăng “hiện nay không muốn tìm hiểu ai và sẽ không bao giờ tìm hiểu ai nữa.” Cô vừa mất người yêu sau một cuộc tình dài ba năm, lẫn chiếc Honda Civic yêu quí. Những chuyện này làm cô khóc suốt mấy ngày khiến Mel phải bắt đầu mang theo những chiếc khăn giấy.

Walter cũng nghe lóm Mel giới thiệu về anh đầy vẻ nể phục “Ông giáo sư…đại học MIT – chưa vợ.” Điều này không hoàn toàn đúng lắm. Anh được trường đại học thuê làm việc như một chuyên gia nghiên cứu bậc cao để điều khiển những thí nghiệm về thị năng cơ khí, ngành chuyên môn của anh. Công việc này hợp với Walter vì anh chỉ phải làm việc với một vài kỹ sư và nhóm phụ tá của họ. Nó còn thích hợp với anh hơn nữa vì sau giờ làm anh có thể quay về căn hộ ngoại ô của mình để viết cuốn sách về những thiết kế lập dị mà không bị ai quấy rầy. Anh sắp hoàn thành bộ sưu tập về Các Vật Thể Phi Thực Tế, điển hình là một cái ấm trà mà cái vòi và tay cầm đều ở về một phía. Anh cảm thấy thích thú khi tưởng tượng đến các đồ vật vô dụng như vậy. Thường thì anh nghe nhạc từ radio, và những âm thanh rời rạc và xa xôi từ chiếc máy làm anh liên tưởng đến một gia đình di cư đông đúc phía bên kia những bức tường mỏng. Có đôi khi, thường là trước những cuộc gặp gỡ mà người ta mai mối cho anh, anh thường hình dung một phụ nữ, một người vợ trong nhà mình. Cô ta đang làm gì lúc này, anh tự hỏi, cô làm gì nơi đó?

Khi Walter, với tiền vé trong tay, ngước lên định hỏi Mel về người đàn bà vắng mặt, anh ngạc nhiên khi thấy một người soát vé lạ mặt. “Đi đâu đây?” ông ta hỏi. Mel chẳng bao giờ hỏi han cộc lốc như thế. Ông luôn ân cần, “Bạn đang đi đến đâu vậy?” hoặc “Hôm nay bạn muốn tôi đưa đến nơi nào?”

Walter chìa ra ba đồng cho Edward, tấm thẻ nơi túi áo của gã mang tên đó, và xẵng giọng, “Lincoln”.

“Được rồi.”

“Mel đâu,” Walter vừa hỏi vừa liếc lên các ghế trên, “đang ở toa đàng trước à?”

“Tôi không biết Mel nào cả.”

“Ông ta soát vé ở chuyến tàu này mấy năm rồi.”

Edward đưa chiếc vé cho anh. “Thì ra là vậy. Tôi chỉ mới bắt đầu công việc này hôm nay.”

“Vậy ông là người thay thế Mel?”

Edward lắc đầu. “Tôi không chắc lắm vì không biết Mel là ai. Tôi đoán ông ta làm việc trước thời của tôi.” Thời của ông? Walter nghĩ thầm. Ông mới làm việc này có một ngày thôi. Ông làm gì có “thời”. Edward đi về phía cuối toa. Cứ cách vài hàng ghế Walter lại nghe gã hỏi “Đi đâu đây?”

Anh có thể hỏi những người khác ngoài Mel về người đàn bà một tai ấy. Có nhiều hành khách thường đứng chung với nàng ở sân ga. Có lẽ nàng đã trò chuyện với họ. Suốt 20 phút trên chuyến tàu về Lincoln Walter tính toán những gì anh sẽ hỏi trong vài giây ngắn ngủi khi anh bước xuống và họ bước lên. “Xin lỗi, cho tôi hỏi thăm,” anh có thể mở đầu như vậy, “tôi chỉ muốn hỏi -- bạn có biết gì về người đàn bà có…” Dĩ nhiên là anh không thể đề cập đến một cái vành tai. “… người đàn bà có chiếc khăn choàng sặc sỡ thường đáp chuyến tàu này hàng ngày?” Walter nhẩm đi nhẩm lại câu hỏi với những tốc độ và giọng điệu khác nhau khi đoàn tàu chạy chậm lại để vào trạm Lincoln. Nhưng khi anh bước dọc theo hành lang hướng về cửa toa, anh để ý thấy rằng không có ai xuống ga với mình, và cũng chẳng có ai đợi để lên tàu. Đoàn tàu Western Local rời ga một cách vội vã.

Vì ngày 28 tháng Ba là lễ Tuần Thánh nên Walter phải chờ đến thứ Hai tuần sau đó mới có cơ hội tiếp tục việc dò hỏi. Hôm ấy, anh lên tàu từ trạm Cambridge như thường lệ, ngồi vào chiếc ghế quen thuộc phía cuối toa và đợi người soát vé đến. Lần này anh sẽ gắng gặn hỏi về Mel. Rồi khi đến trạm Lincoln, anh sẽ hỏi dò các cửa hàng chung quanh về người đàn bà ấy. Chắc hẳn nàng đã mua vài món lặt vặt ở đó -- một tờ báo hoặc hộp kẹo bạc hà, có thể nàng cũng đã mua thuốc ở tiệm dược phẩm. Ai đó sẽ nhớ mặt nàng.

Edward bước đến, ậm ừ “Đi đâu?”, gã hỏi, ánh mắt cho thấy gã không nhận ra anh.

“Lincoln,” Walter trả lời, giọng đầy ngụ ý như thể “Đáng ra là ông phải biết. Mel chỉ qua một lần là nhớ.”

“Không dừng ở Lincoln.” Edward nói.

Câu nói và giọng điệu của gã làm Walter khó hiểu. Gã khuyên anh "không nên xuống trạm Lincoln" hay là tàu đã thay đổi lịch trình? “Thế nghĩa là thế nào?” Walter hỏi. “Chuyến tàu 5 giờ từ Cambridge luôn dừng ở Lincoln.”

“Tôi không biết mọi hôm như thế nào,” Edward nói. “Tôi chỉ biết hôm nay tàu không dừng ở Lincoln, chính người lái tàu bảo vậy. Thế bây giờ ông muốn đi đâu?”

“Tôi chẳng muốn đi đâu cả. Tôi sống ở Lincoln. Tôi luôn xuống trạm này đã hai năm nay rồi.”

“Tôi hiểu hoàn cảnh của anh,” Edward nói. “Vì vậy khi lên tàu nên hỏi ngay là nó sẽ dừng ở đâu để tránh những vụ lầm lẫn như thế.”

Đoàn tàu đang tiến vào ga Waverly, Edward vội vã đến canh cửa toa. Khi quay lại gã hỏi “Đi đâu?”

Cái gã soát vé kỳ cục định chơi trò gì đây? Walter thầm hỏi. Nhưng trông Edward không phải là loại người có thể đùa dai như thế, trông gã thuộc loại đần độn thì đúng hơn. Vì vậy, Walter nói, “Đưa tôi xem tờ lịch trình tàu, tôi sẽ chứng minh là tàu này dừng ở Lincoln.”

Edward lục tìm trong túi áo rồi xoè ra bàn tay trống không “Xin lỗi, hết rồi.”

Walter đã đi đến cái trạng thái mà mẹ anh thường gọi là “mất lý trí.” Anh không còn chút tỉnh táo nào để nói chuyện với Edward. Walter đứng lên tìm những khuôn mặt quen thuộc trong đám hành khách. Có rất nhiều người trong toa nhưng anh chẳng nhận ra một ai cả. Walter ngồi phịch xuống. “Thôi ông cứ cho tôi xuống trạm kế -- trạm kế vẫn là trạm Concord phải không?”

“Đúng vậy,” Edward cầm lấy ba đồng. “Thêm 50 xu nữa.”

Walter xuống tàu ở Concord và đứng một mình trên sân ga. Chiếc Saab của anh vẫn nằm ở Lincoln, cách đây bốn dặm. Anh chẳng thấy một chiếc taxi nào. Có một vài chiếc xe chạy qua, nhưng anh không thể hình dung mình trong vai kẻ xin quá giang với bộ áo vét và cà vạt . Anh thà đi bộ còn hơn. Anh đi dọc theo đường ray vì chắc rằng đó là khoảng cách ngắn nhất giữa hai trạm.

Anh cảm thấy mình hơi liều lĩnh khi thực hiện ý định. Ánh sáng chiều nhập nhoạng không làm anh e dè. Anh chưa bao giờ sợ hãi bóng tối. Anh bắt đầu bước nhanh giữa đường tàu và gắng giữ đều nhịp chân trên các thanh gỗ phía dưới. Một lúc sau anh đổi kiểu đi bằng cách đi thăng bằng trên một thanh đường ray và rất ngạc nhiên vì anh có thể đi như vậy rất lâu. Anh liên tục nhìn lại phía sau mặc dù biết rằng anh có thể nghe thấy tiếng đoàn tàu đến từ xa để tránh. Có lần anh quì xuống áp tai vào thanh đường ray lạnh lẽo để nghe thử tiếng rung của đoàn tàu đang đến nhưng chẳng thấy gì.

Người đàn bà biến mất, Mel biến mất, trạm Lincoln biến mất -- rồi những gì nữa sẽ biến mất trong đời anh? Walter nghĩ vậy khi bước xuống cầu thang dài dẫn đến sân ga ở Cambridge vào hôm thứ Ba. Có lẽ hôm nay đoàn tàu cũng không xuất hiện nốt. Rồi ngày mai, cả cái nhà ga cũng biến mất. Anh bật cười với những ý tưởng hão huyền ấy. Chúng thích hợp cho những câu chuyện khoa học giả tưởng hơn là cho cuộc sống của một kỹ sư cơ khí như anh.

Đoàn tàu đến đúng giờ và Walter lên tàu theo sau vài hành khách lạ mặt. Toa tàu hầu như đã chật kín. Walter liếc mắt dò và tìm ra được một chỗ ngồi ở giữa toa, nơi hai hàng ghế giáp lưng nhau. Đoàn tàu chuyển bánh vừa khi anh vừa đặt người vào ghế.

“Hôm nay tôi có thể đưa anh đi đâu đây, anh bạn?”

Walter nhảy dựng người khi nghe thấy giọng nói ấy. Anh quay lại và trông thấy Mel đang ở cuối toa bấm vé. Walter gọi ông nhưng người soát vé quá bận rộn. Đoàn tàu phóng nhanh từ trạm này đến trạm khác trong khi Mel tiến gần hơn đến chỗ của anh. Khi trông thấy Walter, ông hỏi ngay, “Chào giáo sư, cuốn sách của anh đến đâu rồi?”

Walter lập bập, “Mel, ông đi đâu mấy hôm nay vậy?”

Người soát vé già dựa người và thành ghế chốc lát. “Ồ, cứ vài năm một lần họ bắt phải đi học lại khoá hướng dẫn an toàn. Anh biết đấy, có một đoàn tàu bị lật ở miền Tây nên họ vội vã bắt mọi người đi học lớp cấp cứu. Vậy anh tưởng tôi đi đâu?”

“Tôi không biết nữa. Thình lình ông... biến mất.”

“Ngành hoả xa là vậy, họ không thông báo trước với ai điều gì.” Mel đặt đồ bấm lên trên tấm vé màu xanh. “Lincoln phải không?”

“Không, tôi lên từ Concord sáng nay. Họ không nói với ông là tàu này không dừng ở Lincoln nữa à?”

Mel bật cười và vói tay vào túi áo lấy ra tờ giấy. “Đây là lịch trình mới, vừa phát hành hôm nay.” Với ngón tay trỏ to lớn, ông dò tìm cột thời gian và ngừng lại ở mốc 5 giờ 22. “Đây rồi, Lincoln.”

“Nhưng hôm qua tàu không dừng ở đấy, Edward bắt tôi phải đến Concord.”

Mel gật đầu không có vẻ gì quá ngạc nhiên. “Chúng tôi bỏ qua trạm Lincoln lúc 4 giờ 50. Người lái tàu thay hôm qua chắc đã lẫn lộn lịch trình.”

Lời giải thích làm Walter hứng chí vì Edward đã lầm lẫn. “Hôm nay tôi phải xuống ở Concord vì tôi đã đậu xe ở đấy.”

“Anh có để ý thấy không?” Mel vừa bấm vé vừa nói, “rằng người ta luôn quay về nơi mà họ ra đi. Cuộc sống sẽ không lý thú hơn sao nếu đôi khi người ta dừng lại một nơi xa hơn chỗ mà họ xuất phát?”

Walter lắc đầu cố xua đi ý tưởng ngông cuồng ấy. Nhưng tại sao mỗi ngày phải là một vòng tròn hoàn hảo? Tại sao người ta không thể chọn một con đường khác, đi xa hơn một tí, rồi nếu cần thì quay lại?

Khi đoàn tàu đến gần Lincoln, vài người đứng dậy và Walter tự hỏi tại sao họ lại biết hôm nay nó sẽ dừng ở trạm này còn anh lại không. Anh nhìn họ băng qua bãi đậu xe để tìm đến những chiếc xe của họ. Khi đoàn tàu chuyển bánh, anh cảm thấy có ai đó đang ngồi xuống rìa ghế của anh. Anh liếc qua và nhìn thấy nàng, người đàn bà một tai.

“Xin lỗi, cho phép tôi ngồi tạm,” nàng nói, “tàu hôm nay đông quá.”

“Không sao, chỗ còn rộng chán.” Anh trả lời, nép mình về phía cửa sổ để nàng không phải ngại ngùng. Walter ngửi thấy mùi hương nồng của một loại nước hoa tinh tế. Anh cảm thấy nệm ghế nhựa nhấp nhô khi nàng ngồi hẳn vào chỗ. Anh nói, “Rất vui khi được gặp lại cô.”

Nàng gật đầu một cách dễ thương và sắp xếp lại cái túi mua hàng lớn trên sàn giữa chân hai người. Miệng túi bật mở và anh có thể thấy bên trong là một bộ quần áo trắng, trông như đồng phục của y tá. Những ngón tay mảnh mai của nàng với tới cái gút dưới cằm và bắt đầu nới lỏng chiếc khăn choàng màu cam sáng. Nàng đang làm gì vậy? Walter nhìn đi nơi khác để tránh phải trông thấy vết sẹo của nàng lần nữa. Nhưng khi anh nhìn vào cánh cửa sổ tàu anh lại thấy chiếc khăn choàng phản chiếu vào khung kính đang rời khỏi đầu nàng. Nàng tháo nó ra và gấp lại kỹ lưỡng trên đùi.

Anh quay lại. Nơi đó, bên phải khuôn mặt nàng là một vành tai nhỏ hồng hào, với hình thù hoàn hảo. Nó cong vòng mềm mại ở phía trên và bầu bỉnh một cách tế nhị ở phía dưới. Chàng thấy vành tai dường như là một điều kỳ ảo, tưởng chừng nó được khâu vào đầu bằng một đôi tay nhỏ nhắn tinh vi.

Nàng vén vài sợi tóc rối từ mái tóc ngắn đen huyền ra sau tai. Anh mỉm cười trước cử chỉ của nàng, thầm ước mình có điều gì mới mẻ và tuyệt vời để khoe với nàng. Nàng mỉm cười đáp trả. “ Ông xuống trạm này phải không?”

Anh sung sướng vì nàng để ý đến điều ấy. Anh nhìn qua khung cửa sổ nhạt nhoà, thấy những ngọn đèn của trạm Lincoln nhanh chóng lùi lại phía sau. “Không,” anh trả lời, “Hôm nay tôi đi xa hơn.”

 

Nguyên tác: “The 5:22”, từ website của George Harrar <http://home.comcast.net/~gharrar/>

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021