thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ IX: "Giấc mộng của Anton Tchekhov, nhà văn và y sĩ"]
(Diễm Châu dịch)

 

Một đêm vào năm 1890, trong lúc ông đang có mặt ở trên đảo Sakhaline nơi ông tới thăm những người bị giam giữ, Anton Tchekhov, nhà văn và y sĩ, nằm mộng. Ông mộng thấy mình ở trong một gian phòng chung của bệnh viện và người ta đã dùng võ lực khoác cho ông một cái áo trói. Hai bên ông có hai cụ già lọm khọm lải nhải chứng điên khùng của họ. Ông lúc ấy còn thức, tỉnh táo, tự tin và có lẽ đã muốn viết câu chuyện một con ngựa. Một vị bác sĩ tới, mặc đồ trắng, Tchekhov hỏi xin ông ta giấy và một cây viết.

Anh, anh không viết được, là vì anh mắc chứng “tri thức tuyệt đốỉ” quá nặng, vị bác sĩ nói, anh chỉ là một nhà đạo đức thảm hại, và chuyện kia, một người điên khùng không có quyền làm.

Thế ông tên chi?, Anton Tchekhov hỏi ông ta.

Tôi không thể nói tên tôi cho anh, viên bác sĩ đáp, thế nhưng anh phải biết rằng tôi ghét những người viết lách, đặc biệt là những kẻ mắc chứng tri thức tuyệt đối quá nặng. Cái chứng này làm lụn bại thế giới.

Anton Tchekhov cảm thấy muốn tát vào mặt ông ta, nhưng giữa lúc ấy viên bác sĩ đã lôi ra một thỏi son và ông ta đang hóa trang lại. Thế rồi ông ta chụp lên đầu một món tóc giả mà nói: bây giờ tôi là nữ y tá của anh, nhưng anh không viết được, là vì anh mắc chứng tri thức tuyệt đối quá nặng, anh chỉ là một nhà đạo đức, và anh đã tới Sakhaline mặc đồ ngủ. Vừa nói thế, ông ta vừa giải thoát hai cánh tay cho ông.

Ông là một người khốn khổ, Anton Tchekhov nói, cả đến ngựa ông cũng không biết.

Tại sao ta lại cần phải biết tới ngựa?, viên bác sĩ hỏi, ta ta chỉ biết có ông giám đốc bệnh viện của ta.

Giám đốc bệnh viện của ông là một con lừa, Anton Tchekhov nói, chứ không phải ngựa, ngựa là một thứ súc vật chở nặng, nó phải chịu đựng biết bao điều trong suốt một đời. Rồi ông thêm: thôi, để cho tôi viết đi.

Nhưng anh không viết được, viên bác sĩ nói, là vì anh điên.

Hai cụ già ở bên Tchekhov đã quay trở về giường, và một người đứng dậy để tiểu tiện vào cái bình tiểu.

Không sao, Anton Tchekhov nói, tôi sẽ tặng ông một lưỡi dao găm để ông có thể cắn giữa hai hàm răng; và với lưỡi dao này trong miệng ông sẽ ôm hôn ông giám đốc bệnh viện của ông, và các ngưởi sẽ hôn nhau một nụ hôn bằng thép.

Rồi ông xoay về một bên và bắt đầu nghĩ tới một con ngựa. Và một người đánh xe ngựa. Người đánh xe ngựa thật khổ sở, là vì ông ta muốn thuật lại cái chết của chính thằng con trai ông ta cho một ai đó. Nhưng không ai chịu lắng nghe ông, thiên hạ không có thì giờ và coi ông như một kẻ quấy rầy. Bởi thế người đánh xe mới đem câu chuyện kia thuật lại cho con ngựa của ông ta, một con thú biết kiên nhẫn. Ấy là một con ngựa đã già, có đôi mắt như mắt người.

Vào lúc đó có hai con ngựa có cánh phi mau tới, cưỡi trên ngựa là hai người đàn bà mà Tchekhov quen biết. Đó là hai nữ diễn viên, các cô nắm trong tay hai cành anh-đào đương hoa. Người đánh xe cột hai con ngựa vào chiếc xe bốn bánh của mình, Anton Tchekhov ngồi vào ghế, và cỗ xe song mã cất lên từ gian phòng chung của bệnh viện, băng qua một trong hai khung cửa lộng kính và lại thong dong ngoài trời. Trong lúc bay giữa những đám mây, họ thấy viên bác sĩ với bộ tóc giả đang làm điệu bộ giận dữ và chửi rủa họ. Hai cô nữ diễn viên buông rơi đôi cánh hoa anh-đào và người đánh xe mỉm cười mà nói: có lẽ tôi có một câu chuyện cần thuật lại, đó là một chuyện buồn, nhưng tôi tin rằng, ông, ông sẽ hiểu được tôi, Anton Tchekhov thân mến ơi.

Anton Tchekhov ngả người vào lưng ghế, ông quấn một dải khăn quàng quanh cổ và nói: tôi hoàn toàn rảnh rỗi, lại rất kiên nhẫn và ưa thích chuyện của mọi người.

 

(trích Mộng của mộng)

 

----------------------

* Anton Pavlovitch Tchekhov. 1860-1904. Nhà văn và nhà soạn kịch Nga. Ông là y sĩ, nhưng chỉ hành nghề trong những lúc có nạn đói kém hay bệnh dịch. Ông mắc bệnh lao phổi. Vào năm 1890 ông băng qua Sibérie để tới đảo Sakhaline xa xôi, nơi có một trại cải huấn, và ông đã viết một cuốn sách về tình trạng khủng khiếp mà những người tù khổ sai phải chịu. Ông yêu môt nữ diễn viên sân khấu. Ông viết những truyện ngắn, những bi kịch và hài kịch. Ông nói về đời sống hằng ngày, về những chuyện tầm thường của mọi người, về những người nghèo, về trẻ em, về những chuyện nhỏ và chuyện lớn trong đời. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]

Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"]

Mộng của mộng [kỳ IV: "Giấc mộng của Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng"]

Mộng của mộng [kỳ V: "Giấc mộng của Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ"]

Mộng của mộng [kỳ VI: "Giấc mộng của Vladimir Maïakovski, thi sĩ và nhà cách mạng"]

Mộng của mộng [kỳ VII: "Giấc mộng của Federico García Lorca, thi sĩ và người chống phát-xít"]

Mộng của mộng [kỳ VIII: "Giấc mộng của Bác sĩ Sigmund Freud, người giải mộng của kẻ khác"]

 

 

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021