thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ X: "Giấc mộng của Henri de Toulouse-Lautrec, hoạ sĩ và người bất hạnh"]
(Diễm Châu dịch)

 

Một đêm vào tháng Ba năm 1890, trong một nhà thổ của Paris, sau khi đã vẽ tấm áp-phích cho một vũ nữ mà ông yêu bằng một mối tình không được chia sẻ, Henri de Toulouse-Lautrec, họa sĩ và người bất hạnh, nằm mộng. Ông mộng thấy mình đang ở vùng đồng quê thành phố Albi quê nhà, và lúc ấy là vào mùa hè. Ông đang ở dưới một cây anh-đào nặng những trái và có lẽ đã muốn hái một hay hai trái, nhưng cặp giò ngắn ngủn và dị dạng của ông khiến ông không thể với tới cành cây đầu tiên trĩu nặng những trái. Ông liền đứng kiễng chân lên, và, như thể đó là chuyện tự nhiên nhất trên đời, cặp giò của ông bắt đầu dài ra cho đến khi đạt tới một chiều dài bình thường. Sau khi ông đã hái trái anh-đào, cặp giò của ông lại bắt đầu rút ngắn lại và Henri de Toulouse-Lautrec lại trở lại với vóc người nhỏ bé.

Ồ, ông kêu lên, vậy là ta có thể lớn lên mặc thích. Và ông cảm thấy mình hạnh phúc. Những gié lúa vượt cao hơn ông và đầu ông mở ra một đường lằn giữa đám lúa. Ông có cảm tưởng như đang ở trong một khu rừng kỳ dị nơi ông phải mò mẫm bước tới. Ở cuối cánh đồng có một con suối. Henri de Toulouse-Lautrec ngắm mình trong đó như trong một tấm gương và thấy một người lùn rất xấu xí với đôi chân dị dạng, mặc một cái quần kẻ ô vuông, với một cái mũ trên đầu. Ông liền đứng kiễng chân lên và đôi chân lại nhã nhặn dài ra, ông lại trở thành một người bình thường và làn nước lại hoàn lại ông hình ảnh một chàng thanh niên đẹp trai, thanh lịch. Henri de Toulouse-Lautrec lại ngắn lại, ông cởi quần áo và nhào xuống suối để tắm mát. Tắm xong, ông phơi nắng, rồi mặc lại quần áo và khởi sự lên đường. Chiều xuống và ở chốn bình nguyên sâu thẳm, ông thấy một vòng những ánh đèn. Ông hướng về đấy, thoăn thoắt bước với đôi chân quá ngắn và, khi tới nơi, ông nhận ra là mình đang ở Paris. Đó là tòa nhà Moulin Rouge, với những chiếc cánh thắp sáng của chiếc máy xay quay quay trên mái. Một đám đông lớn chen chúc nhau ở lối vào và, gần chỗ bán vé là một tấm áp-phích lớn với những màu sắc sáng rực loan báo cuộc trình diễn buổi tối, một vũ điệu tốc váy. Tấm áp-phích cho thấy một vũ nữ đang tốc váy nhảy múa ở phía trước sân khấu; ngay trước những ngọn đèn khí. Henri de Toulouse-Lautrec vui mừng, vì chính ông là người đã vẽ tấm áp-phích này. Rồi, tránh trà trộn với đám đông, ông bước vào qua một cái cửa phụ. Ông đi rảo qua một hành lang nhỏ lù mù và tới phía bên trong hậu trường. Cuôc trình diễn cũng vừa mới bắt đầu. Âm nhạc thật inh tai và Jane Avril, trên sân khấu, đang nhảy múa như con điên. Henri de Toulouse-Lautrec cảm thấy một thèm muốn thật dữ dội, thèm muốn bước lên sân khấu, cả ông nữa, nắm lấy tay Jane Avril để nhảy múa với nàng. Ông đứng kiễng chân lên và đôi chân ông lập tức dài ra. Ông hăng say lao vào cuộc nhảy múa, cái mũ cối đen lăn qua một bên và ông buông mình theo cơn lốc cuốn của vũ điệu «can can». Jane Avril dường như không lấy làm ngạc nhiên chút nào về chuyện ông trở lại tầm vóc bình thường, nàng nhảy múa và ca hát và ôm hôn ông và ông thật hạnh phúc. Đúng lúc đó thì màn hạ, sân khấu biến mất và Henri de Toulouse-Lautrec lại thấy mình ở bên Jane Avril ở vùng đồng quê Albi. Lúc này lại là giữa trưa, và ve sầu lại inh ỏi như điên dại. Jane Avril, mệt ngoài vì nóng bức và vì nhảy múa, buông mình xuống dưới bóng một cây sồi và nàng vén váy lên mãi tới đầu gối. Rồi nàng giơ hai cánh tay và Henry de Toulouse-Lautrec khoan khoái buông mình vào đấy. Jane Avril siết lấy ông áp vào đôi vú nàng và ru ông như người ta ru một đứa nhỏ. Chân ngắn, anh cũng vừa ý em, nàng rì rầm vào một bên tai, nhưng lúc này chân anh đã lớn lên, anh còn vừa ý em hơn nữa. Henri de Toulouse-Lautrec mỉm cười, đến lượt mình ông ôm hôn nàng và, siết chặt lấy cái gối êm vào người, ông xây qua phía bên kia và tiếp tục mơ.

 

(trích Mộng của mộng)

 

----------------------

* Henry de Toulouse-Lautrec. (Albi, 1864 – Malromé, 1901). Thuộc quý tộc xưa của Pháp, ông là nhà hội họa, đồ hình và in thạch bản. Thân hình dị dạng, ông sống ở Paris một cuộc sống xao động, bất hạnh và phóng túng, thường lui tới các hộp đêm, các ca vũ nhạc trường và nhà thổ. Ông ghét nhà trường và các học viện. Ông thường vẽ các chú hề, các diễn viên, các vũ nữ, những người say rượu, các cô gái điếm, cảnh trụy lạc, cảnh khốn cùng, cảnh cô quạnh. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]

Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"]

Mộng của mộng [kỳ IV: "Giấc mộng của Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng"]

Mộng của mộng [kỳ V: "Giấc mộng của Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ"]

Mộng của mộng [kỳ VI: "Giấc mộng của Vladimir Maïakovski, thi sĩ và nhà cách mạng"]

Mộng của mộng [kỳ VII: "Giấc mộng của Federico García Lorca, thi sĩ và người chống phát-xít"]

Mộng của mộng [kỳ VIII: "Giấc mộng của Bác sĩ Sigmund Freud, người giải mộng của kẻ khác"]

Mộng của mộng [kỳ IX: "Giấc mộng của Anton Tchekhov, nhà văn và y sĩ"]

 

 

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021